Không ngừng sáng tạo

STEVE JOBS

“Những kẻ đủ điên để nghĩ rằng họ có thể thay đổi thể giới cũng chính là những người có thể làm được điều đó”.

– Chiến dịch quảng cáo “Think Different” của Apple năm 1997 –

Steve Jobs là một trong 3 nhà sáng lập của thương hiệu Apple khi ông mới 21 tuổi. Năm 30 tuổi, Jobs bị sa thải khỏi công ty do chính mình lập ra và chính thức quay trở lại sau 12 năm để cứu Apple khỏi bờ vực phá sản. Trước khi qua đời vào năm 2011, ông đã xây dựng Apple trở thành tập đoàn công nghệ có giá trị nhất thế giới.

Trong chặng đường hơn 30 năm đó, bằng tư duy khác biệt và những sản phẩm sáng tạo đột phá, Jobs đã tạo ra sự thay đổi ngoạn mục trong 7 ngành công nghiệp: máy tính cá nhân, phim hoạt họa, âm nhạc, điện thoại, máy tính bảng, cửa hàng bán lẻ và xuất bản số.

Ông được xếp ngang hàng với các nhà đổi mới vĩ đại của nước Mỹ như Thomas Edison, Henry Ford và Walt Disney - những nhân vật đã đi vào lịch sử nhờ cách họ sử dụng trí tưởng tượng, sáng tạo của mình để làm thay đổi sâu sắc ngành công nghệ và các mô hình kinh doanh.

BỊ TỪ CHỐI. ĐƯỢC LỰA CHỌN. ĐẶC BIỆT

Mẹ đẻ của Jobs là một sinh viên, bà chưa kết hôn, do đó bà quyết định gửi Jobs làm con nuôi. Yêu cầu của bà là con trai phải được sống trong một gia đình có trình độ học vấn đại học. Một bác sĩ đã giúp giao đứa bé cho một gia đình luật sư nuôi dưỡng.

Tuy nhiên, vào đúng ngày cậu bé chào đời, 24/2/1955, cặp vợ chồng này đã thay đổi quyết định, họ muốn nhận nuôi một bé gái. Vì vậy, thay vì trở thành một phần của gia đình luật sư, Jobs đã làm con nuôi của một thợ cơ khí bỏ học từ trung học nhưng có niềm say mê bất tận với máy móc và vợ ông, một nhân viên kế toán. Ông Paul và bà Clara đã đặt tên cho cậu bé là Steven Paul Jobs.

Khi phát hiện con trai đã được một cặp vợ chồng chưa tốt nghiệp trung học nhận nuôi, mẹ đẻ của Jobs đã từ chối ký các giấy tờ liên quan đến việc giao con. Nhưng cuối cùng bà cũng chấp thuận với điều kiện vợ chồng ông Paul phải cam kết sẽ mở tài khoản tiết kiệm để cho Jobs học đại học sau này. Cuộc đời của một huyền thoại đã bắt đầu như vậy. 

Từ khi còn nhỏ, Jobs đã biết mình là con nuôi vì cha mẹ ông rất cởi mở về chuyện đó. Khi mới lên 6-7 tuổi, có lần Jobs ngồi trên bãi cỏ ở nhà mình và nhận được câu hỏi từ người bạn hàng xóm: “Việc cậu được nhận nuôi có nghĩa là bố mẹ đẻ của cậu không cần cậu nữa có đúng không?”. Jobs đã chạy về nhà rồi khóc nức nở. Lúc đó, cha mẹ ông đã khẳng định từng câu, từng chữ rành mạch: “Điều đó không đúng. Chính chúng ta đã đặc biệt muốn nhận con”.

Từ khi Jobs còn nhỏ, ông Paul đã cố gắng truyền tình yêu cơ khí và sửa chữa ô-tô cho con trai. Sự lành nghề, khéo léo và gu thẩm mỹ của cha đã để lại ấn tượng mạnh mẽ trong Jobs. Ông mãi khắc ghi bài học mà cha để lại: Dù là dựng hàng rào hay làm thùng máy, con đều phải chú ý cả mặt sau ngay cả khi nó bị che khuất, đó chính là nguyên tắc quan trọng khi làm việc. Niềm khao khát chinh phục sự hoàn mỹ và sự quan tâm đến những điều mà người khác thường không để ý... những tính cách này của cha đã truyền cảm hứng cho Jobs và sau này trở thành một phần linh hồn của những sản phẩm mang tính di sản trong sự nghiệp của ông.

Ông Paul Jobs và cậu con trai Jobs 2 tuổi.

Ông Paul Jobs và cậu con trai Jobs 2 tuổi.

Jobs rất tự hào về cha mình vì ông chưa bao giờ dùng chiêu trò để phát triển công việc kinh doanh. Ông điềm đạm, khiêm nhường nhưng rất kiên quyết. Ông Paul và bà Clara là cặp vợ chồng hết mực yêu thương các con, luôn lắng nghe và tìm mọi cách giúp Jobs đạt được ước mơ. Họ tin tưởng, che chở và không bao giờ trách phạt đứa con trai thông minh nhưng chẳng kém phần ngang ngạnh này.

Khi Jobs bị nhà trường trả về trước khi kết thúc chương trình lớp 3 vì những trò nghịch ngợm của mình, ông Paul đã đề nghị nhà trường hãy đối xử với Jobs như một đứa trẻ đặc biệt. “Hãy nhìn nhận vấn đề, đó không phải lỗi của cậu bé. Nếu trường học không thể tạo được hứng thú học hành cho cậu bé thì đó là lỗi của quý vị”, ông Paul cương quyết nói với giáo viên của Jobs.

Con đường học tập không hề bằng phẳng của Jobs luôn có sự đồng hành của cha mẹ. Vợ chồng ông Paul luôn dõi theo từng bước đi của Jobs và sẵn sàng điều chỉnh cuộc sống của mình để phù hợp với con trai. Giữ đúng lời hứa với mẹ đẻ của Jobs, họ đã dành dụm tiền để ông được học tại một trong những trường đại học đắt đỏ nhất nước Mỹ. Họ cũng không hề trách móc khi Jobs bỏ ngang việc học ở tuổi 17 để theo đuổi giấc mơ của riêng mình. Và sau đó 4 năm, ngay tại gara của cha mẹ, cuộc đời Jobs đã bước sang một chương mới cùng với sự ra đời của công ty Apple.

Khi Jobs trở nên nổi tiếng, có một số ý kiến cho rằng tính cách lập dị của ông bắt nguồn từ việc ông bị bỏ rơi từ khi chào đời và phải trải qua cuộc sống của một đứa con nuôi. Jobs đã quyết liệt bác bỏ nhận định này. Ông cho rằng, chính bố mẹ nuôi đã khiến ông cảm thấy khác biệt: “Việc biết mình bị bỏ rơi và được nhận nuôi thực tế đã giúp tôi tự lập hơn, nhưng chưa bao giờ tôi thấy mình bị bỏ rơi”. Ông sẵn sàng nổi đóa với bất cứ người nào gọi ông Paul và bà Clara là “bố mẹ nuôi” hoặc bóng gió họ không phải là bố mẹ đẻ của mình. “Họ là bố mẹ của tôi 1.000%”, Jobs nói.

Đối với Jobs, “đỉnh cao của sự sáng tạo bắt nguồn từ câu chuyện về cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi của ông, và từ việc ông lớn lên trong một thung lũng nơi ông học được cách biến silicon thành vàng”.

SỰ GIAO THOA GIỮA CÔNG NGHỆ VÀ NGHỆ THUẬT TỰ DO

“Jobs nổi lên như một biểu tượng tối cao của sức sáng tạo, trí tưởng tượng và sự đổi mới trường tồn”.

– Walter Isaacson –

Apple ra đời

Khi còn học trung học, Jobs đã kết bạn với một sinh viên đã tốt nghiệp đại học có tên Steve Wozniak. Sở hữu tài năng xuất chúng về điện tử, Woz nảy ra ý tưởng tích hợp bàn phím, màn hình và máy tính trong một gói tích hợp cá nhân. Sau một vài tháng làm việc miệt mài, ông đã chế tạo thành công chiếc máy tính cá nhân sau này được gọi là Apple I. Đó là vào ngày 29/6/1976, Woz đã gõ một ký tự lên bàn phím và chữ đã hiển thị trên màn hình.

Máy tính Apple I do Steve Wozniak thiết kế và lắp đặt. (Nguồn: Ed Uthman/Flickr)

Máy tính Apple I do Steve Wozniak thiết kế và lắp đặt. (Nguồn: Ed Uthman/Flickr)

Vô cùng ấn tượng trước khám phá của Woz, Jobs đã nỗ lực giúp bạn mình hoàn thiện các phần của máy tính cá nhân. Ông cảm nhận rõ chính chiếc máy tính này sẽ chắp cánh cho sự nghiệp của đôi bạn.

Chưa đầy 1 năm sau, Jobs và Woz bàn đến chuyện mở công ty máy tính. Woz bán máy tính HP 65, còn Jobs bán chiếc Volkswagen, cộng với khoản tiền tiết kiệm, họ đã có khoảng 1.300 USD để khởi nghiệp tại gara của bố mẹ Jobs ở thành phố Los Altos, bang California.

Sau khi Jobs vừa trở về sau chuyến thăm một trang trại táo, ông và Woz đã cùng thảo luận về tên của công ty mà đôi bạn sắp thành lập. Họ nhắc đến một số từ công nghệ tiêu biểu như Matrix (ma trận) hay Personal Computer (máy tính cá nhân). Jobs đề xuất cái tên Apple Computer cùng lời giải thích táo (apple) là một thứ quả quan trọng trong chế độ ăn chay của ông. Jobs cho rằng Apple nghe có vẻ vui vẻ và có sinh khí. Hơn nữa, xét theo thứ tự trong danh bạ điện thoại, Apple sẽ đứng trước Atari (tên một công ty công nghệ nổi tiếng mà Jobs từng làm việc). Ông quyết định sẽ lấy tên công ty là Apple Computer nếu không có cái tên nào tốt hơn vào chiều hôm sau.

Và cuối cùng, Apple vẫn là sự lựa chọn thông minh nhất. Ngay từ cái tên, công ty do Jobs đồng sáng lập cùng Woz và Ronald Wayne đã cho thấy sự thân thiện và đơn giản. Dù Apple đứng cạnh Computer chẳng có nghĩa gì nhưng nó tạo ra sự khác biệt. Tên gọi này buộc mọi người phải suy tư, từ đó nó giúp công ty phát triển nhận diện thương hiệu.

Steve Jobs (bên phải) và Steve Wozniak ngồi bên Apple I, năm 1976. (Ảnh: Reuters)

Steve Jobs (bên phải) và Steve Wozniak ngồi bên Apple I, năm 1976. (Ảnh: Reuters)

Jobs và Apple đã thay đổi thế giới như thế nào?

Thành công của Apple được xây dựng qua quá trình hàng thập kỷ đổi mới sáng tạo, làm thay đổi cách người tiêu dùng nhìn nhận về công nghệ. Ngày nay, Apple là thương hiệu phổ biến đến mức hầu như ai cũng biết đến các sản phẩm như iPhone, iPad, iPod và Mac... Nếu có ai đó không sở hữu sản phẩm của Apple thì chắc chắn họ có quen biết người nào đó đang sử dụng sản phẩm của hãng này.

Macintosh: Ai cũng có thể sử dụng máy tính

Ngay từ những ngày đầu thành lập, Apple luôn sở hữu một phong cách độc đáo. Trong khi nhiều công ty tập trung sản xuất hàng loạt các sản phẩm với chi phí thấp, thì ưu tiên của Apple lại là các sản phẩm không chỉ mạnh mẽ mà còn dễ sử dụng.

Ý tưởng về chiếc máy tính mà ai cũng có thể sử dụng được được thể hiện rõ nét trong chiếc Macintosh đầu tiên. Vào thời điểm đó, khi người dùng cần biết cơ bản về lập trình để vận hành máy tính, Macintosh đã mang đến trải nghiệm sử dụng máy tính bằng chuột và giao diện đồ họa giống như máy tính ngày nay. Macintosh được tạo ra không chỉ dành cho người yêu thích máy tính và người làm trong ngành máy tính mà nó còn là sản phẩm mà bất cứ ai cũng có thể sử dụng.

Nếu không có chiếc Macintosh ban đầu, chắc chắn sẽ không có dòng máy tính Mac hiện đại ngày nay và sự thay đổi mạnh mẽ biến máy tính từ một sản phẩm ngách thành công cụ thiết yếu cho tất cả mọi người có thể sẽ bị trì hoãn nhiều năm, thậm chí là nhiều thập kỷ.

Steve Jobs trong ngày giới thiệu Apple "Macintosh" 24/1/1984. (Ảnh: AP/Paul Sakuma)

Steve Jobs trong ngày giới thiệu Apple "Macintosh" 24/1/1984. (Ảnh: AP/Paul Sakuma)

Các công ty công nghệ hàng đầu thế giới năm 2023, theo vốn hóa thị trường

Theo Statista - Đơn vị: tỷ USD

Công ty

Vốn hóa thị trường

Apple

2.792

Microsoft

2.399

Alphabet (Google)

1.642

Amazon

1.374

Nvidia

1.136

Tesla

757.3

Meta Platforms (Facebook)

734.6

TSMC

482.9

Tencent

389.7

Broadcom

351.5

iMac: Công nghệ như nghệ thuật

Dù Apple có chỗ đứng trong ngành công nghiệp máy tính vào năm 1997 nhưng mọi việc đã không diễn ra suôn sẻ. Sau một loạt sản phẩm không thật sự xuất sắc, Apple đứng bên bờ vực phá sản. Nhưng Jobs đã đưa ra một kế hoạch cấp tiến để xoay chuyển tình thế của Apple. Vào thời điểm nhiều đối thủ của Apple tập trung sản xuất thùng máy tính dạng đứng để bàn và phần mềm kinh doanh, Jobs quyết định đưa Apple bước theo hướng hoàn toàn khác.

Steve Jobs cầm trên tay máy tính iMac, năm 1998. (Ảnh: Getty Images)

Steve Jobs cầm trên tay máy tính iMac, năm 1998. (Ảnh: Getty Images)

Ông thường gọi Apple là “sự giao thoa giữa công nghệ và nghệ thuật tự do”, điều đó có nghĩa rằng các sản phẩm của Apple được thiết kế không chỉ để trở thành công nghệ vượt trội mà còn phải có phong cách, trực quan và dễ sử dụng. Tầm nhìn đó đã được thể hiện trong nhiều sản phẩm của Apple, bắt đầu với sự ra đời của chiếc iMac đầu tiên.

Vào thời điểm hầu hết các công ty đang tung ra thị trường những chiếc máy tính để bàn màu be nhạt, iMac có đến 13 màu, từ xanh lam, tím đến thậm chí là in hoa. Đây là một trong những lần đầu tiên công chúng coi công nghệ là nghệ thuật thay vì chỉ là một công cụ để tăng năng suất lao động.

iPod: Nghe nhạc kiểu mới

iPod không phải là máy nghe nhạc MP3 đầu tiên trên thế giới nhưng nó đã chiếm được trái tim và tâm trí của hàng triệu người. Apple có được thành công này một phần nhờ vào việc quảng bá và xây dựng thương hiệu của hãng.

iPod là một sản phẩm công nghệ tuyệt vời, giá trị của iPod không chỉ nằm ở chỗ nó chứa được bao nhiêu bài hát mà còn là việc sản phẩm này mang lại cho người dùng cảm giác như thế nào. iPod đã góp phần biến công nghệ từ một công cụ khô khan trở thành một phần cá tính của mỗi con người.

Steve Jobs giới thiệu iPod nano năm 2005. (Ảnh: Reuters)

Steve Jobs giới thiệu iPod nano năm 2005. (Ảnh: Reuters)

iPod đã thành công trong một thời gian dài. Dù Apple đã mang đến cho hàng triệu người cách nghe nhạc mới nhưng hãng này vẫn cần một cách tốt hơn để có được những bản nhạc mới. Tất cả những điều đó đã thay đổi vào năm 2003 với sự ra mắt của iTunes Store. Thay vì ghi đĩa CD hoặc chuyển sang nghe nhạc trực tuyến trên các trang web, người dùng có thể tải xuống hầu hết mọi bài hát bạn muốn nghe trên iTunes với giá chỉ 0,99 USD mỗi bài.

Đây là mô hình kinh doanh win-win-win, trong đó khách hàng dễ dàng tiếp cận nội dung họ mon muốn, các hãng âm nhạc và nghệ sĩ có nền tảng mới để phát hành sản phẩm, và Apple được hưởng lợi từ những giao dịch trên iTunes.

Mô hình kinh doanh này đã trở thành một thành công lớn không chỉ đối với Apple mà còn nhiều công ty khác. Sau này hầu hết mọi người đã chuyển từ sử dụng iTunes sang các dịch vụ âm nhạc trực tuyến nhạc như Spotify và Apple Music. Điều căn bản là tất cả những dịch vụ này đều bắt nguồn từ ý tưởng tập trung và phân phối nội dung trực tuyến, bắt đầu với các sản phẩm iTunes và iPod của Apple.

iPhone: Chiếc điện thoại thông minh hiện đại đầu tiên

Năm 2007, Apple đã cho ra mắt chiếc iPhone đầu tiên. Nhiều người coi sản phẩm này là chiếc điện thoại thông minh hiện đại đầu tiên. iPhone đã kế thừa và nâng tầm những điều tuyệt vời nhất của iPod. Là sự kết hợp giữa thiết kế, công nghệ và cảm xúc, iPhone đã mang đến thành công lớn về thương mại cho Apple vào thời điểm đó. Đến nay, iPhone vẫn là sản phẩm bán chạy nhất của "gã khổng lồ" công nghệ này.

 Steve Jobs giới thiệu iPhone vào tháng 4/2010. (Ảnh: Reuters)

 Steve Jobs giới thiệu iPhone vào tháng 4/2010. (Ảnh: Reuters)

Có thể nói điểm nổi bật của iPhone là thiết bị này giúp người dùng kết nối internet dễ dàng. Các thiết bị thông minh vào thời điểm đó cung cấp quyền truy cập dữ liệu di động nhưng chúng thường không cho phép truy cập tất cả các website. Ngay cả thiết bị có bộ trình duyệt đơn giản cũng phải hoạt động với bút cảm ứng hoặc bàn phím. Khác với những thiết bị đó, iPhone có thể cho phép truy cập các trang web một cách dễ dàng, do đó người dùng có thể mang theo chiếc điện thoại này đến bất cứ nơi đâu.

Không lâu sau khi giới thiệu iPhone, Apple đã cho ra mắt iPad, chiếc máy tính bảng thông minh phổ biến nhất hiện nay.

Steve Jobs trong buổi ra mắt iPad năm 2010. (Ảnh: Reuters)

Steve Jobs trong buổi ra mắt iPad năm 2010. (Ảnh: Reuters)

Jobs đã biến Apple từ một công ty non trẻ hoạt động trong gara của bố mẹ ông trở thành một trong những tập đoàn thành công nhất trên thế giới. Jobs ra đi mãi mãi vào năm 2011 nhưng sau đó tầm nhìn cũng ông vẫn đồng hành cùng Apple thông qua sự dẫn dắt của Tim Cook.

Trong những năm kể từ khi Jobs qua đời, trọng tâm của Apple là cải tiến các sản phẩm sẵn có hơn là phát hành những sản phẩm hoàn toàn mới. Apple tiếp tục tiên phong trong những cải tiến của lĩnh vực điện thoại thông minh và điện toán di động.

“Một số người nói: “Hãy mang đến cho khách hàng những gì họ muốn”. Nhưng đó không phải là phương pháp của tôi. Công việc của tôi là chỉ ra được những gì họ sẽ mong muốn trước khi họ biết được”.

Steve Jobs

NHỮNG DI SẢN CỦA JOBS

Trong cuốn Steve Jobs xuất bản năm 2011, Walter Isaacson đánh giá Jobs đã đem đến cho thế giới hàng loạt sản phẩm mà chỉ trong 3 thập kỷ đã làm thay đổi hoàn toàn một số lĩnh vực:

-         Máy Apple II, sử dụng bảng mạch của Wozniak và trở thành chiếc máy tính cá nhân đầu tiên không phải chỉ dành cho những người có sở thích riêng với máy tính

-         Macintosh, chiếc máy tạo ra cuộc cách mạng máy tính gia đình và phổ biến hóa giao diện người dùng đồ họa

-         Toy Story và những bộ phim bom tấn khác của Pixar - những bộ phim đã mở ra sự kỳ diệu của hình ảnh kỹ thuật số

-         Chuỗi cửa hàng Apple - tái tạo lại vai trò của một cửa hàng trong việc xác định thương hiệu

-         iPod - sản phẩm thay đổi cách con người thưởng thức và đốt cháy âm nhạc

-         iTunes Store - sản phẩm cứu sống ngành công nghiệp âm nhac

-         iPhone - thứ đã biến những chiếc điện thoại di động thành các thiết bị lướt web, gửi nhận email, quay video, chụp ảnh và nghe nhạc

-         App Store - thứ đã tạo ra một ngành công nghiệp sáng tạo nội dung mới

-         iPad - sản phẩm khởi đầu cho dòng máy tính bảng và giới thiệu một nền tảng cho các loại hình video, sách, tạp chí và báo kỹ thuật số

-         iCloud - sản phẩm đánh bật máy tính khỏi vai trò trung tâm trong quản lý nội dung và giúp tất cả các thiết bị của chúng ta được đồng bộ hóa một cách trơn tru

-         Và bản thân Apple - thứ mà Jobs coi là sáng tạo tuyệt đỉnh nhất của bản thân, nơi mọi sự tưởng tượng, khả năng sáng tạo đều được nuôi dưỡng, ứng dụng và thực hiện theo cách thức sáng tạo đến mức đã trở thành công ty giá trị nhất thế giới

“Khởi sự một doanh nghiệp trong chính gara của bố mẹ và biến nó thành công ty giá trị nhất thế giới. Ông không sáng tạo nhiều thứ nhưng lại là bậc thầy trong việc kết hợp các ý tưởng, nghệ thuật và công nghệ theo những cách thức mà sẽ sáng tạo ra tương lai”.

Walter Isaacson

Tuy nhiên, di sản Jobs để lại không chỉ là sản phẩm công nghệ mang tính cách mạng mà còn là nguồn cảm hứng bất tận về khả năng lãnh đạo, sự sáng tạo, tư duy khác biệt...

Dưới thời Jobs dẫn dắt Apple, công chúng vô cùng hào hứng với các buổi giới thiệu sản phẩm mới của hãng này. Giới phân tích cho rằng điều này xuất phát từ 2 lý do chính, công chúng tò mò về sản phẩm mới của Apple và sâu xa hơn thế, họ hồi hộp chờ đón màn thuyết trình của Jobs. Khi Jobs đứng trên sân khấu trong trang phục tối giản - áo cổ lọ màu đen và quần jeans, ông dường như chuẩn bị phát ngôn về một điều gì đó vĩ đại có khả năng xoay chuyển lĩnh vực công nghệ.

“Sáng tạo có nghĩa là nói “không” với hàng nghìn thứ”.

Steve Jobs

Đánh giá khả năng diễn thuyết của Jobs, ông chủ của Microsoft - Bill Gates từng nói: Steve Jobs đúng là phù thủy trong việc truyền động lực cho mọi người... Tôi không bị ông ấy thôi miên, nhưng tôi thấy ông ấy đọc thần chú, và mọi người rơi vào bùa chú đó.

Sinh thời, Jobs rất hiếm khi nói về bản thân trên các kênh truyền thông. Công chúng thật sự hiểu đầy đủ hơn về Jobs sau bài diễn văn của ông tại Đại học Stanford năm 2005. Đó có lẽ là lần đầu tiên ông chia sẻ công khai về thân thế, sự nghiệp, tình yêu và sự mất mát của mình. Bài diễn văn này đã truyền cảm hứng “Sống khát khao. Sống dại khờ” cho không chỉ những người có mặt tại sự kiện đó mà cả những người khao khát sống có ý nghĩa trên khắp thế giới.

"Đôi khi cuộc đời sẽ giáng một viên gạch vào đầu bạn. Đừng mất niềm tin. Tôi hiểu thứ duy nhất khiến tôi vững vàng chính là niềm đam mê. Bạn phải tìm ra bạn yêu cái gì. Nó đúng cho công việc và cho cả những người thân yêu của bạn. Công việc chiếm phần lớn cuộc đời và cách duy nhất để thực sự hài lòng là làm những gì bạn tin nó sẽ trở nên tuyệt vời. Và cách duy nhất có công việc tuyệt vời là yêu những gì bạn làm. Nếu chưa nhận ra, hãy tiếp tục tìm kiếm. Đừng dừng lại. Như mọi mối quan hệ trong cuộc đời, nó sẽ trở nên ngày càng tốt đẹp hơn qua từng năm".

Trích bài phát biểu tại Đại học Stanford

Tại Việt Nam, 12 năm trước, ba con người nhỏ bé - nhà điêu khắc Lê Đình Quỳ (sinh năm 1940), họa sĩ Bùi Văn Khoa (sinh năm 1945) và người truyền cảm hứng Nguyễn Đức Tiến (sinh năm 1974) đã dành hẳn một năm để gạn lọc những giá trị từ di sản Jobs để lại, rồi điêu khắc vào tượng, vẽ vào tranh, tạo nên cuốn tiểu sử bằng ngôn ngữ mỹ thuật.

Lấy cảm hứng từ Steve Jobs - sự giao cắt giữa công nghệ và nghệ thuật, Dự án nghệ thuật Think Different - Tư duy Khác biệt đã ra đời để kể về cuộc đời của “phù thủy công nghệ”. Nhiều năm trôi qua, Dự án vẫn giữ nguyên giá trị ban đầu, đó là truyền tải tới thế hệ trẻ thông điệp về việc sớm trang bị cho mình những kỹ năng nghề nghiệp để có thể sáng tạo những sản phẩm được cộng đồng đón nhận.

- Ngày xuất bản: 5/10/2023

- Chỉ đạo sản xuất: Ngô Việt Anh

- Nội dung: Hoàng Hà

- Trình bày: Thi Uyên

- Đồ họa: Tạ Lư

- Nguồn tư liệu: Tiểu sử Steve Jobs (Walter Isaacson, Nhà xuất bản Thế giới, năm 2011), Apple, The Guardian, CNN, Makeuseof.