Những phương tiện chiến tranh tối tân bậc nhất của Mỹ đã thất bại trước sức mạnh và ý chí to lớn của nhân dân Việt Nam, của nghệ thuật chiến tranh nhân dân trong trận “Điện Biên Phủ trên không”. Những người anh hùng của lực lượng phòng không-không quân Việt Nam sau khi hoàn thành nhiệm vụ tiếp tục mang trên vai nhiều trọng trách với sứ mệnh bảo vệ bầu trời thủ đô nói riêng và đất nước nói chung.
Trung tướng Nguyễn Đức Soát, nguyên Tư lệnh Không quân, nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Anh hùng lực lượng vũ trang, phi công Át (Ace) đã bắn rơi 6 máy bay Mỹ và Đại tá Nguyễn Đình Kiên, nguyên Sư đoàn trưởng 361 Phòng không, Anh hùng lượng vũ trang, sĩ quan điều khiển tên lửa xuất sắc, đã bắn rơi 12 máy bay các loại, trong đó có 4 B52 Mỹ trong 12 ngày đêm lịch sử.
Suốt mấy chục năm cống hiến cho phòng không-không quân cho tới khi nghỉ hưu, các ông còn biết bao chuyện để kể về chiến lược bảo vệ bầu trời thủ đô, việc xây dựng lực lượng phòng không-không quân ngày càng tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng được nhiệm vụ trong thời đại mới.
Giữ vững thành quả bảo vệ bầu trời Tổ quốc
Sau ngày 30/12/1972, Mỹ ngừng ném bom miền bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra, các lực lượng phòng không có nhiệm vụ khắc phục khí tài bị hỏng. Đại tá Nguyễn Đình Kiên nhận nhiệm vụ tăng cường cho Quân khu 4. Ông được điều vào Tiểu đoàn 52, Trung đoàn 267 ở Nghĩa Đàn, Nghệ An tiếp tục đánh B-52 lúc này đang rải bom phá hoại các tuyến giao thông vận tải của ta từ Thanh Hóa trở vào.
Chỉ trong 2 ngày, Đại tá Nguyễn Đình Kiên nhanh chóng làm quen với khí tài, xem lại phương án tác chiến, cùng đồng đội sẵn sàng trực chiến. Ngày 10/1/1973, B52 vào đánh Nghệ An, nhưng chúng chỉ ném bom ở Vinh rồi quay ra. Trong điều kiện tham số không thuận lợi, Tiểu đoàn của Đại tá Kiên đánh không trúng mục tiêu. Sau trận đánh cuối cùng đó trên bầu trời miền bắc, Tiểu đoàn của ông lại nhận nhiệm vụ quay ra Hà Nội.
Sau năm 1975, đất nước Việt Nam vừa thống nhất đã phải tiếp tục bước vào cuộc chiến đấu mới bảo vệ Biên giới Tây Nam và sau đó là bảo vệ Biên giới phía bắc. Theo Trung tướng Nguyễn Đức Soát, giai đoạn này, nhiệm vụ của lực lượng phòng không-không quân nặng nề gấp đôi: “Trước đây, chúng ta chỉ bố trí hệ thống phòng không bao gồm ra đa, sân bay, dẫn đường, trận địa cao xạ… từ vĩ tuyến 17 trở ra. Nhưng sau khi giải phóng miền nam, nhiệm vụ của chúng ta là phải bảo vệ vùng trời, vùng biển cả nước. Chúng ta phải triển khai nhiệm vụ dựa trên lực lượng ta có, và huy động thêm lực lượng mới”.
Không quân ta đã tiếp quản gần 1.000 máy bay (cả trực thăng, máy bay vận tải, máy bay cường kích và tiêm kích) của Mỹ-Ngụy thu được để khai thác sử dụng; bố trí lực lượng để tiếp quản các sân bay hiện đại của chế độ cũ.
Tách 2 quân chủng là một quyết định sáng suốt, kịp thời của Bộ Quốc phòng để triển khai nhanh thế trận phòng không-không quân, sẵn sàng đối phó với cuộc chiến tranh mới nổ ra.
Với nhiệm vụ tăng lên “gấp đôi”, tháng 6/1977, Bộ Quốc phòng tách Quân chủng Phòng không-Không quân thành 2 quân chủng. Quân chủng Phòng không có nhiệm vụ bố trí xây dựng lực lượng phòng không của cả nước. Quân chủng Không quân làm nhiệm vụ bảo vệ không phận quốc gia, đồng thời sẵn sàng tham gia bảo vệ biên giới Tây Nam. “Tách 2 quân chủng là một quyết định sáng suốt, kịp thời của Bộ Quốc phòng để triển khai nhanh thế trận phòng không-không quân, sẵn sàng đối phó với cuộc chiến tranh mới nổ ra”, Trung tướng Soát chia sẻ.
Nhờ đó, chúng ta đã liên tiếp lập được những chiến công rất quan trọng trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam. Lực lượng không quân tiếp quản máy bay F5, A37 đã yểm trợ hiệu quả lực lượng phòng không để giành chiến thắng. Đặc biệt, trong trận đánh vào đảo Thổ Chu, lực lượng không quân với các phi công lái máy bay A37, cất cánh từ sân bay Cần Thơ ném bom tấn công vào các ụ phòng thủ kiên cố trên đảo, ngăn chặn pháo và súng cối của kẻ địch bắn ra, tạo thuận lợi để bộ đội ta giành chiến thắng.
Khi chiến tranh biên giới phía bắc nổ ra năm 1979, lực lượng không quân của ta khá hùng hậu. Ngoài máy bay MiG-21, các máy bay A37, F5… từ miền nam đã được điều ra sân bay Đa Phúc (sân bay Nội Bài bây giờ), sân bay Kép (Bắc Giang) để sẵn sàng ứng phó nếu kẻ địch có ý định xâm phạm bầu trời Hà Nội.
Năm 1999, trên cơ sở tình hình đất nước đã ổn định, nhiệm vụ của lực lượng phòng không-không quân cơ bản giống nhau, nên Quân chủng Phòng không-Không quân được hợp nhất.
Tết Độc lập là thời điểm lịch sử đáng nhớ
Trung tướng Nguyễn Đức Soát kể, ông đã rất hạnh phúc khi được dự mitting chào mừng ngày Giải phóng miền Nam 30/4/1975, tổ chức tại sân vận động Hàng Đẫy. Đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn phát biểu: Từ nay đất nước ta vĩnh viễn độc lập, tự do. “Cụm từ độc lập, tự do chúng tôi mơ ước bao năm, cuối cùng đã thành hiện thực”, tướng Soát sung sướng nói.
Trưa 1/5/1976, Chỉ huy Sư đoàn báo thông tin, ông vinh dự được lựa chọn là đại biểu quân đội giai đoạn kháng chiến chống Mỹ dự mitting mừng ngày đất nước hoàn toàn giải phóng tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Con đường về Hà Nội hôm ấy nôn nao khác lạ.
"Tôi ít khi được về Hà Nội, nên chuyến đi vào đúng thời điểm lịch sử ấy thật đáng nhớ trong cuộc đời binh nghiệp".
Để đến Nhà hát Lớn, ông đi bộ xuyên qua phố Tràng Thi, Tràng Tiền, lách qua hàng dài người lớn, trẻ em đứng dọc bên phố… Nhìn gương mặt ai cũng ngập tràn niềm vui chiến thắng, trong lòng ông đầy hân hoan.
Cảm xúc tự hào càng trào dâng hơn khi trong không khí trang nghiêm của buổi lễ mitting, ông được gặp các vị lãnh đạo như đồng chí Lê Duẩn, Hoàng Quốc Việt…, được Thủ tướng Phạm Văn Đồng ôm thật chặt trong rưng rưng nước mắt, khen ngợi: “Các cháu bộ đội giỏi lắm”.
"Tôi ít khi được về Hà Nội, nên chuyến đi vào đúng thời điểm lịch sử ấy thật đáng nhớ trong cuộc đời binh nghiệp”, ông kể.
Còn Đại tá Nguyễn Đình Kiên tâm sự: Năm 1975, khi đang là Tiểu đoàn phó tiểu đoàn 57, ông được giao tăng cường cho Phòng Khoa học quân sự của Quân chủng Phòng không để biên soạn tài liệu cánh đánh của phòng không - không quân trong 12 ngày đêm.
Hằng ngày, các ông theo dõi trên bản đồ chiến sự, nhìn thấy từng tỉnh được giải phóng, những người lính vỡ òa hạnh phúc. Lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, cả tổ nhảy lên reo hò mừng quân ta toàn thắng.
Nhìn thấy từng tỉnh được giải phóng, những người lính vỡ òa hạnh phúc.
Hướng mắt về một đồng chí vốn là chiến sĩ miền nam tập kết ra bắc, ông nói: “Tâm ơi, vậy là Tâm sắp được về đoàn tụ với gia đình rồi”.
Phần thưởng lớn nhất trong đời quân ngũ
Trong dòng hồi tưởng, Trung tướng Nguyễn Đức Soát kể, suốt năm 1972, ông không thể về thăm gia đình; ông cũng không viết thư để tập trung toàn bộ thời gian, tâm trí vào việc hoàn thành nhiệm vụ.
Bỗng trong làng ông có tin đồn: “Máy bay Nguyễn Đức Soát bị máy bay Mỹ ép hạ cánh xuống Sài Gòn”. Thông tin này khiến cả nhà tướng Soát đứng ngồi không yên. Rất may thời điểm đó, một phi công là đồng hương, quê ở Thường Tín (Hà Tây) về thăm nhà, đã kịp thời trấn an gia đình ông dù ông vẫn “bặt vô âm tín”.
6 giờ tối ngày 11/1/1973, trong khi đang trực chiến ở sân bay Yên Bái, nghe đài ông mới biết về đợt tuyên dương Anh hùng lượng vũ trang Nhân dân. Đại đội trưởng Nguyễn Đức Soát và đại đội phó Nguyễn Tiến Sâm của Đại đội 3, Trung đoàn không quân chiến đấu 927 được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
5 anh em phi công chúng tôi được đích thân Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh gắn Huân chương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Nhưng hạnh phúc hơn khi tôi nhìn thấy mẹ tôi ngồi ở dưới, ngay hàng thứ 2.
Tin vui nối tiếp niềm vui, ngay trong tối đó, tại buổi giao ban ở Đại đội, ông và đại đội phó Nguyễn Tiến Sâm nhận quân hàm Thượng úy từ tay Phó Chính ủy không quân Chu Duy Kính và được lệnh 4 giờ sáng hôm sau về Hà Nội nhận danh hiệu Anh hùng.
“5 anh em phi công chúng tôi được đích thân Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh gắn Huân chương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Nhưng hạnh phúc hơn khi tôi nhìn thấy mẹ tôi ngồi ở dưới, ngay hàng thứ 2”, tướng Soát dừng lại vài giây, giọng nghèn nghẹn: “Sau 2 năm mới gặp lại mẹ, tôi xúc động lắm, nhưng sau đó tôi phải quay về đơn vị ngay nên không có điều kiện về thăm nhà”.
Hành trình được gặp lại gia đình, với Đại tá Nguyễn Đình Kiên lâu hơn vì nhà ông ở tận Nghệ An. Quãng 27 Tết năm 1973, đơn vị cho ông về nhà sau hơn 4 năm xa cách. “Xếp hàng 1 ngày mới mua được vé, xe chạy một ngày rưỡi mới tới Vinh đúng ngày 30 Tết. Mùng 4 Tết tôi đã phải trở về đơn vị, nên chỉ ở nhà được hơn 2 ngày. Dù ngắn, nhưng với tôi đó là kỷ niệm sâu sắc nhất sau chiến thắng trận Điện Biên Phủ trên không. Chúng ta đã chiến thắng còn tôi bình an trở về với bố mẹ”, ông Kiên chia sẻ.
Với thành tích bắn hạ 6 máy bay Mỹ, phi công Nguyễn Đức Soát đã đạt tới đẳng cấp Át (Ace) - một danh hiệu có từ thời Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất dành cho các phi công quân sự bắn hạ được từ 5 chiếc máy bay đối phương trở lên.
Phải xây dựng lực lượng phòng không-không quân tương xứng để bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới
Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc là mục tiêu cao cả của Đảng, Chính phủ và nhân dân; bảo vệ thành quả cách mạng đã phải đổi bằng bao nhiêu xương máu, nước mắt của nhiều thế hệ người Việt. Để bảo vệ bầu trời thủ đô, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, nhiều nhiệm vụ được đặt ra với lực lượng phòng không-không quân vô cùng quan trọng.
Trả lời câu hỏi của chúng tôi về chiến lược bảo vệ Tổ quốc, Đại tá Nguyễn Đình Kiên cho rằng, điều quan trọng nhất là chúng ta phải giữ vững ổn định chính trị, xây dựng lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước. Đó là gốc bền rễ sâu.
Cũng theo đại tá Kiên, trong chiến tranh, Việt Nam nhận được sự chi viện lớn của Liên Xô và các nước phe xã hội chủ nghĩa. Chiến tranh kết thúc thì nguồn lực này cũng không còn nữa. “Một quả tên lửa ngày đó có giá hàng triệu USD, một đêm, nếu chúng ta bắn 11 quả tên lửa là đã tiêu mất 11 triệu USD. Trong thế giới đa cực, nguồn chi viện như thế này rất khó khăn. Từ nay, chúng ta phải dựa vào nguồn lực của chính mình, phải xây dựng hệ thống công nghiệp quốc phòng để tự lực, tự cường. Tiềm lực kinh tế mạnh là cơ sở để xây dựng tiềm lực quốc phòng”.
Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh, cần phải giữ vững môi trường hòa bình trong mọi lúc, mọi nơi; giữ mối quan hệ thân thiện, bình đẳng với các nước. Đặc biệt, chúng ta cần xây dựng lòng tin cho nhân dân, cho thế hệ trẻ, tin vào chế độ, sự nghiệp cách mạng của Đảng; tin vào chính nghĩa, đường lối của dân tộc mình.
Là sĩ quan điều khiển tên lửa của Tiểu đoàn phòng không 57 anh hùng và là người trực tiếp tham gia chiến đấu trong 12 ngày đêm năm 1972, ông bắn rơi 4 máy bay B-52 của không quân chiến lược Hoa Kỳ. Đại tá Nguyễn Đình Kiên, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đã ghi vào lịch sử của quân đội nhân dân Việt Nam với trận đánh xuất sắc, bắn rơi 2 máy bay B.52 chỉ trong vòng 10 phút, mỗi máy bay chỉ bằng một quả tên lửa, góp phần làm nên chiến thắng oanh liệt trên bầu trời Hà Nội tháng 12/1972.
Cùng quan điểm này, Trung tướng Nguyễn Đức Soát cho hay, đường lối quân sự bảo vệ Tổ quốc của ta lấy phòng thủ, bảo vệ là chính. Tuy nhiên, khi đối phương sử dụng vũ khí hiện đại, chúng ta không thể không có vũ khí tương xứng để đối phó. “Đánh B-52, chúng ta không thể dùng súng trường dân quân để giải quyết. Nếu tên lửa của chúng ta đánh không tốt, không quân không phối hợp với phòng không để bảo vệ lẫn nhau thì khó mà đánh thắng”, Trung tướng Soát dẫn chứng.
Do đó, ông nhấn mạnh, với chiến tranh hiện đại, chúng ta phải tìm cách xây dựng lực lượng tương xứng, có vũ khí tương xứng với nhu cầu bảo vệ. Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy, với không quân, có máy bay hiện đại thôi chưa đủ, cần phải lực lượng phi công tốt, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.
Sức mạnh nội sinh từ truyền thống văn hóa Thăng Long-Hà Nội
Lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước đã hun đúc nên bản lĩnh và cốt cách văn hóa của người Hà Nội. Chính sức mạnh truyền thống văn hóa là nguồn gốc làm nên chiến thắng của lực lượng phòng không-không quân.
Là người sinh ra, lớn lên, chiến đấu bảo vệ thủ đô cho đến ngày đất nước thống nhất, Trung tướng Nguyễn Đức Soát tâm sự, với ông văn hóa Hà Nội mang một vẻ riêng rất đặc biệt, bởi nơi đây tập trung tinh hoa của tri thức và trí tuệ bốn phương tụ về. Nếp sống văn hóa lâu bền ấy, thông qua tầng lớp tinh hoa lan tỏa đến mọi tầng lớp xã hội, ngấm vào các thế hệ, đời cha truyền cho đời con, con truyền cho cháu.
Trong những ngày Hà Nội tưng bừng cờ hoa kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng thủ đô, chúng ta càng có dịp nhìn lại văn hóa thấm vào bản thân, và thế hệ con cháu mình như thế nào.
Trung tướng Nguyễn Đức Soát
Đại tá Nguyễn Đình Kiên tiếp lời: “Dù trong chiến tranh hay hòa bình, cốt cách văn hóa người Hà Nội kế thừa và hội tụ cốt cách của dân tộc Việt Nam. Trong mọi tình huống luôn thương yêu, đùm bọc nhau, đoàn kết, chung sức, chung lòng vì mục tiêu xây dựng đất nước ngày càng hùng mạnh. Hà Nội là biểu tượng chung cho cốt cách của người Việt Nam”.
Cốt cách văn hóa của người Việt Nam nói chung và người Hà Nội nói riêng luôn là bệ đỡ cho mọi chiến thắng. Bởi vậy, dù không sinh ra ở Hà Nội nhưng sống ở Hà Nội hơn 40 năm qua, bản thân Đại tá Nguyễn Đình Kiên đã được kế thừa tinh hoa của Hà Nội và góp phần sức lực nhỏ bé của mình để duy trì và phát huy cốt cách văn hóa đó.
Cốt cách văn hóa của người Việt Nam nói chung và người Hà Nội nói riêng luôn là bệ đỡ cho mọi chiến thắng.
52 năm qua, nhưng hình ảnh “B-52 cháy sáng bầu trời Hà Nội” vẫn là mảng ký ức đầy tự hào của những người lính phòng không-không quân như Trung tướng Nguyễn Đức Soát và Đại tá Nguyễn Đình Kiên.
Tấm gương đạo đức sáng ngời, sự thông minh, lòng quả cảm và lòng yêu nước của những Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân khiến chúng tôi khâm phục và thêm tự hào, biết ơn sâu sắc sự hy sinh cao cả của các thế hệ cha ông trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do cho đất nước.
Trung tướng Nguyễn Đức Soát từng có bài viết đăng trên Báo Nhân Dân số Tết năm 1973 với tựa đề “Mừng các em tôi”.
Bài báo này ông được cán bộ Báo Nhân Dân “đặt hàng”. Bài viết thể hiện sự vui mừng của một người lính khi thấy từ nay các em nhỏ được tới trường đi học mà không còn phải đội mũ rơm, không phải chạy xuống hầm nữa, hoàn toàn yên tâm để học tập, sau này trở thành những công dân tốt, xây dựng đất nước.
Bài viết tuy không dài, nhưng thể hiện tình cảm, niềm vui của tôi thời điểm đó. Sau này mỗi khi đến Báo Nhân Dân, tôi vẫn luôn ấn tượng với không gian xanh mát và nhất là “cây đa phố Hàng Trống” và ít nhất một lần tôi được làm phóng viên Báo Nhân Dân.