
Người mẹ già lặng người khi nhìn thấy chiếc tiểu sành đựng hài cốt con trai - liệt sĩ hy sinh từ gần nửa thế kỷ trước. Đôi tay run run ôm lấy chiếc tiểu, bà nghẹn ngào áp mặt vào: “Mẹ đợi con lâu lắm rồi...”. Khoảnh khắc ấy như thắp lửa trong tim những người lính già đã nhiều năm âm thầm đi tìm đồng đội. Dù tuổi đã cao, nhưng họ chưa từng quên lời hứa: “Nếu còn sống trở về, nhớ đi tìm người đã mất...”.
1. Tháng 4/1975, chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, đất nước thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà. Nhưng giữa niềm vui đoàn tụ, bà Nguyễn Thị Lương vẫn mòn mỏi chờ chồng. Năm tháng lặng lẽ trôi qua, vẫn bặt vô âm tín, không một lời nhắn gửi. Bà tự trấn an: “Chắc anh ấy đang điều trị vết thương ở đâu đó, rồi sẽ trở về…”.
Đến năm 1976, bà nhận được giấy báo tử của chồng. Thông tin trong giấy báo tử ghi: Liệt sĩ Nguyễn Văn Kiền hy sinh năm 1972 tại mặt trận phía Nam. Nhưng, lá thư cuối cùng ông gửi về lại đề tháng 10/1973, vì vậy, bà vẫn nuôi hy vọng ông còn sống. Bà kiên trì một mình nuôi con khôn lớn và tiếp tục chờ đợi …
Năm 2009, bà Lương bất ngờ nhận được thư từ một người đồng đội cũ của chồng - cựu chiến binh Nguyễn Viết Quản. Trong thư, ông Quản cho biết đã tìm thấy một ngôi mộ mang tên liệt sĩ Nguyễn Lương Kiền tại Nghĩa trang Liệt sĩ Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh, và tin chắc đây chính là nơi yên nghỉ của liệt sĩ Nguyễn Văn Kiền. Dựa trên hồ sơ lưu tại Phòng Chính sách Quân khu 7, những thông tin về cha mẹ, vợ con đều hoàn toàn trùng khớp. Ông Quản cam kết sẽ giúp gia đình hoàn tất các thủ tục đính chính thông tin và đưa hài cốt liệt sĩ trở về quê hương.
Cựu chiến binh Nguyễn Viết Quản.
Cựu chiến binh Nguyễn Viết Quản.
Giữ lời hứa, ông Quản nhiều lần vượt đường xa từ TP Hồ Chí Minh lên Tây Ninh, kiên trì thực hiện các thủ tục cần thiết. Sau bao nỗ lực, cuối năm 2009, liệt sĩ Nguyễn Văn Kiền được trở về đất mẹ, trong niềm xúc động vỡ òa của bà Lương và các con cháu, kết thúc hành trình chờ đợi hơn ba thập kỷ trong thương nhớ.
Đêm 5/8/1972, tiểu đoàn của ông Quản nhận lệnh tấn công cứ điểm núi Bà Đen (Tây Ninh). Sau trận đánh, mười hai chiến sĩ hy sinh. Trong số đó có liệt sĩ Đặng Quang Thắng, quê ở Hưng Yên.
Trước trận đánh, trong lúc chờ giờ nổ súng, đồng chí Đặng Quang Thắng nói: “Sau này đất nước hòa bình, ai còn sống hãy nhớ đi tìm người đã mất, đưa về quê cha đất tổ.” Ông Quản đã khắc ghi lời dặn dò ấy trong tim mình.
Năm 2008, ngay sau khi nghỉ hưu, ông quyết định dành phần đời còn lại để thực hiện tâm nguyện cuối cùng của người đồng đội năm xưa.
Tại rừng Dương Minh Châu (Tây Ninh), ông đã tìm thấy hài cốt của ba liệt sĩ, là đồng đội từng vào sinh ra tử cùng ông. Khi đưa liệt sĩ trở về quê, người mẹ già hơn 90 tuổi run run ôm lấy hài cốt con trai, khóc nghẹn: “Mẹ đã chờ con hơn 40 năm, cuối cùng con cũng trở về với mẹ rồi...”.
Khi đưa liệt sĩ trở về quê, người mẹ già hơn 90 tuổi run run ôm lấy hài cốt con trai, khóc nghẹn: “Mẹ đã chờ con hơn 40 năm, cuối cùng con cũng trở về với mẹ rồi...”.
Khoảnh khắc ấy như một ngọn lửa bùng lên trong tim, tiếp thêm sức mạnh để ông bước tiếp trên hành trình đi tìm đồng đội, những người vẫn còn nằm lại giữa rừng sâu, núi thẳm.
Suốt gần 20 năm qua, ông rong ruổi khắp các chiến trường xưa, từ Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Nai, đến Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang...
Tấm bản đồ tự phác thảo từ thời chiến tranh trở thành kim chỉ nam, giúp ông lần tìm dấu vết những nơi từng là trận địa, những nơi ông từng chôn cất đồng đội. Nhờ đó, ông đã tìm được 147 phần mộ, đưa hơn 50 hài cốt liệt sĩ về với gia đình, góp phần quan trọng trong công cuộc tìm kiếm, quy tập, hài cốt liệt sĩ.
Suốt gần 20 năm qua, cựu chiến binh Nguyễn Viết Quản rong ruổi khắp các chiến trường xưa, từ Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Nai, đến Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang...
Suốt gần 20 năm qua, cựu chiến binh Nguyễn Viết Quản rong ruổi khắp các chiến trường xưa, từ Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Nai, đến Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang...
Không dừng lại ở đó, người lính già ấy còn bền bỉ với những việc nghĩa tình. Ông cùng gia đình đã đóng góp hàng trăm triệu đồng cho các quỹ khuyến học, xây nhà tình nghĩa, hỗ trợ trẻ em nghèo, tiếp thêm hy vọng cho những mảnh đời khó khăn.
Với những đóng góp âm thầm nhưng đầy ý nghĩa ấy, ông đã hai lần được TP Hồ Chí Minh vinh danh là một trong “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả”.
2. Giống như ông Quản, cựu chiến binh Lê Trường Giang - người từng có hơn 20 năm chiến đấu ở nhiều chiến trường - đã dành phần đời còn lại để đi tìm đồng đội sau khi nghỉ hưu năm 2003. Với ông, tài sản quý giá nhất không phải là những tấm huân chương, huy chương, mà là những cuốn sổ ghi chép thông tin về đồng đội đã hy sinh.
Ông Giang từng là trinh sát của Trung đoàn 16 - đơn vị chủ lực đầu tiên hành quân vào Nam chiến đấu. Suốt những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia, hơn 5.000 chiến sĩ của Trung đoàn đã ngã xuống. Trong những lần đi khảo sát địa bàn, khu vực từng diễn ra các trận đánh, ông đã ghi nhớ nhiều vị trí an táng đồng đội.
Nỗi trăn trở lớn nhất của ông suốt những năm hậu chiến là hàng nghìn phần mộ liệt sĩ của Trung đoàn vẫn chưa được tìm thấy.
Cựu chiến binh Lê Trường Giang.
Cựu chiến binh Lê Trường Giang.
Năm 2007, khi nhận từ Phòng Chính sách Quân khu 7 hai cuốn sổ ghi chép thông tin liệt sĩ Trung đoàn 16 từ trước năm 1975 với 14 mục dữ kiện chi tiết, ông xúc động đến trào nước mắt. Bàn tay run run lật từng trang giấy - mỗi cái tên là một cuộc đời, nhưng tất cả đều dừng lại ở tuổi đôi mươi. Ông biết mình không thể chần chừ thêm nữa: “Phải làm ngay thôi, tuổi già ập đến rồi…”.
Từ đó, mỗi tuần hai, ba chuyến, ông lặng lẽ lên đường. Xe buýt, xe đò, xe ôm, bất cứ phương tiện nào có thể đưa ông đến nơi đồng đội nằm lại. Ông thuộc lòng các nghĩa trang liệt sĩ, nhớ rõ từng nơi có bao nhiêu mộ phần. Ông cẩn thận ghi chép, đối chiếu thông tin, viết thư báo cho gia đình và chính quyền địa phương. Khi thân nhân liệt sĩ tìm đến, ông tận tình hướng dẫn thủ tục, sắp xếp chỗ ăn nghỉ tại nhà mình và trực tiếp đưa họ đến viếng mộ.
Bạn bè hỏi: “Tiền đâu mà cứ mãi đi tìm mộ liệt sĩ?”
Ông chỉ cười: “Nhà nước cho lương hưu, mình san sẻ để tìm đồng đội…”
Nhờ ông, hơn 1.500 phần mộ liệt sĩ đã có người thân đến nhận và hương khói.
Những ngôi mộ tập thể.
Những ngôi mộ tập thể.
Gia đình tôi cũng là gia đình liệt sĩ. Tôi hiểu thế nào là mất mát, hy sinh...
Gia đình liệt sĩ Trần Văn Trược từng nhiều năm rong ruổi khắp nơi tìm kiếm phần mộ người thân trong vô vọng. Khi biết chuyện, ông Giang lập tức nhận lời giúp đỡ.
Với tấm bản đồ nghĩa trang, cuốn sổ ghi chép thông tin các phần mộ và kinh nghiệm qua nhiều năm đi tìm đồng đội, ông lặng lẽ lên đường. Tại các nghĩa trang liệt sĩ ở tỉnh Tây Ninh, giữa hàng nghìn ngôi mộ vô danh và có tên, ông kiên nhẫn rà soát từng dòng chữ, đối chiếu từng thông tin trên bia mộ.
Nghĩa trang liệt sĩ Tây Ninh.
Nghĩa trang liệt sĩ Tây Ninh.
Sau nhiều ngày tìm kiếm, tại Nghĩa trang Liệt sĩ Đồi 82, ông phát hiện một ngôi mộ mang tên Trần Văn Chước, hy sinh ngày 19/6/1968. Bằng linh cảm và sự thận trọng, ông kiểm tra lại từng thông tin rồi nhận ra: đây chính là phần mộ của liệt sĩ Trần Văn Trược, hy sinh ngày 16/9/1968. Một sai sót nhỏ nhưng đã khiến gia đình khắc khoải đợi chờ suốt mấy chục năm.
Ông lập tức đề nghị cơ quan chức năng hai tỉnh Bình Dương và Tây Ninh phối hợp đính chính thông tin. Khi mọi thủ tục hoàn tất, thân nhân liệt sĩ Trược đã òa khóc bên phần mộ - nghẹn ngào, xúc động, và cả hạnh phúc vỡ òa. Trong giây phút ấy, ông hiểu rằng không gì quý giá hơn là được thấy đồng đội trở về trong vòng tay yêu thương của gia đình, sau bao năm lưu lạc…
Những cuốn sổ ghi thông tin liệt sĩ của cựu chiến binh Lê Trường Giang.
Những cuốn sổ ghi thông tin liệt sĩ của cựu chiến binh Lê Trường Giang.
Hành trình tri ân của ông không chỉ dành cho những đồng đội đã ngã xuống, mà cả những người còn sống. Năm 2020, ông đến Bình Phước thăm bạn chiến đấu - thương binh Phạm Thế Liễn. Nhìn đồng đội nằm liệt giường trong căn nhà dột nát, cùng hai người con bị di chứng chất độc da cam, lòng ông quặn thắt.
Trở về TP Hồ Chí Minh, ông Giang lập tức vận động người thân, bạn bè và các mạnh thường quân cùng chung tay giúp đỡ. Nhờ sự sẻ chia ấy, một căn nhà tình nghĩa đã được dựng lên cho gia đình thương binh Liễn. Ông lại bàn với vợ đón bạn về chăm sóc tại nhà để tiện điều trị. Suốt mấy tháng ròng, ngày nào ông cũng chở bạn đến bệnh viện. Ngày ông Liễn thốt lên câu nói đầu tiên, nhấc được bàn chân đầu tiên sau cơn bạo bệnh, ông Giang và vợ vui mừng khôn tả.
“Gia đình tôi cũng là gia đình liệt sĩ. Tôi hiểu thế nào là mất mát, hy sinh...” - ông Giang chia sẻ.
Có lẽ, chính những mất mát không thể nguôi trong cuộc đời mình đã khiến ông luôn đau đáu với nỗi đau của người khác.
Năm 1968, giữa chiến trường ác liệt, ông nhận tin vợ hy sinh ở quê nhà, để lại con gái chưa tròn một tuổi. Sau này, ông gặp bà Lan - một người phụ nữ cũng có chồng là liệt sĩ. Họ đến với nhau bằng sự đồng cảm sâu sắc. Nhưng chưa kịp hưởng trọn hạnh phúc, ông lại tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ. Mãi đến năm 1990, gia đình nhỏ mới được đoàn tụ.
3. Cùng trong nhóm đi tìm đồng đội của ông Quản và ông Giang còn có đại tá Lê Thanh Song. Dù đã bước qua tuổi 80 và mang trên mình thương tật hạng 3/4, đại tá Song vẫn bền bỉ hành trình tìm kiếm mộ liệt sĩ và thực hiện công tác tri ân, hỗ trợ các gia đình liệt sĩ.
Sinh năm 1944 tại Hưng Yên, nhập ngũ từ năm 1963, ông từng cùng Sư đoàn 316 chiến đấu tại chiến trường Lào, lập nhiều chiến công xuất sắc và được phong danh hiệu Chiến sĩ Quyết thắng. Năm 1966, ông vinh dự tham dự Đại hội thi đua toàn quân tại Hà Nội.
Năm 1967, ông cùng đơn vị vượt Trường Sơn vào miền Nam chiến đấu. Trong trận đánh then chốt tại điểm cao 875 - chiến trường Đắc Tô (Kon Tum), ông bị một mảnh đạn găm vào đầu, hai viên đạn vào đùi trái và một viên trúng chân phải. Những vết thương khiến phần thịt hai bắp đùi bị xé toạc. Giữa chiến trường khốc liệt, không có điều kiện chữa trị tốt, các vết thương để lại hai hố lõm sâu hằn trên cơ thể ông cho đến tận bây giờ.
Dù được đơn vị đề xuất đưa ra Bắc điều trị, ông kiên quyết ở lại chiến trường để sát cánh cùng đồng đội. Trong chiến dịch Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, với vai trò chính trị viên đại đội, dù đôi chân đau nhức, ông vẫn trực tiếp vận chuyển đạn, gạo, phục vụ chiến đấu. Từ năm 1972 đến 1975, ông tham gia các chiến dịch lớn: giải phóng Lộc Ninh (Bình Phước), đánh đồn Long Khốt và giải phóng Long An.
Cựu chiến binh Lê Thanh Song.
Cựu chiến binh Lê Thanh Song.
Sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, ông tiếp tục ở lại quân ngũ, làm công tác chính sách tại Sư đoàn 5 rồi Quân khu 7. Năm 1977, tiếng súng vang lên trên bầu trời biên giới Tây Nam, ông lại cùng đồng đội lên đường, vừa chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, vừa làm nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia.
Chiến dịch Mậu Thân 1968. Ảnh: TTXVN
Chiến dịch Mậu Thân 1968. Ảnh: TTXVN
Năm 1989, khi quân tình nguyện Việt Nam rút khỏi Campuchia, với vai trò là Phó phòng Chính sách Quân khu 7, ông đã đề xuất một việc làm đầy tính nhân văn: đưa hài cốt liệt sĩ về nước trước, bộ đội hành quân sau.
Những năm sau đó, trong lòng ông luôn đau đáu một điều: Còn quá nhiều liệt sĩ vẫn nằm lại chiến trường, chưa được trở về quê hương. Năm 1997, khi đã là Trưởng phòng Chính sách Quân khu 7, ông khởi xướng phong trào “Về chiến trường xưa tìm đồng đội”. Nhờ phong trào này, hơn hai vạn hài cốt liệt sĩ đã được tìm thấy, đưa về an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ, được yên nghỉ trong sự chăm sóc của chính quyền và nhân dân.
Cựu chiến binh Lê Thanh Song
Cựu chiến binh Lê Thanh Song
Năm 2003, ông nghỉ hưu nhưng từ đó đến nay, ông chưa có một ngày thật sự ngơi nghỉ. Mỗi khi nghe thông tin ở đâu có mộ liệt sĩ, ông lại khoác ba-lô lên đường. Năm 2012, với vai trò Trưởng Văn phòng đại diện Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh, dù không có kinh phí hoạt động, ông vẫn kiên trì vận động đồng đội, các mạnh thường quân cùng góp sức tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, xây nhà tình nghĩa, khám chữa bệnh miễn phí, trao quà cho các Mẹ Việt Nam Anh hùng và các gia đình chính sách.
Hơn 20 năm qua, bằng sự tận tụy không mệt mỏi, ông và đồng đội đã quy tập được hơn 250 hài cốt liệt sĩ, thu thập hơn 8.800 thông tin liên quan, tư vấn cho hơn 1000 trường hợp thân nhân, hỗ trợ xét nghiệm ADN cho hàng chục gia đình liệt sĩ, xây hơn 30 căn nhà tình nghĩa, tổ chức khám bệnh miễn phí cho hơn 5.000 người và trao tặng hàng nghìn phần quà cùng thiết bị học tập cho các cháu học sinh.
Tại Thành phố mang tên Bác, hiện có hàng trăm cựu chiến binh vẫn đang tiếp nối hành trình tri ân đồng đội. Đó là việc đi tìm hài cốt liệt sĩ, trả lại tên tuổi, quê quán các anh. Đó là chăm sóc mẹ già, con em các liệt sĩ, thương binh…Mỗi người, bằng cách riêng của mình, lặng thầm cống hiến, tri ân, góp phần xoa dịu nỗi đau của bao gia đình. Bởi đó là sứ mệnh của những người còn còn sống.
Đến nay, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP Hồ Chí Minh đã thu thập danh sách hơn 32.000 liệt sĩ và thẩm định gần 15.000 hồ sơ để ghi danh tại các công trình tưởng niệm. Hội cũng phối hợp đưa gần 300 hài cốt liệt sĩ về quê hương và tổ chức nhiều hoạt động tri ân, như: lễ giỗ liệt sĩ, hỗ trợ gia đình liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn, bị thiên tai... Hội đã vận động xây, sửa gần 100 căn nhà tình nghĩa, hỗ trợ giám định ADN xác định danh tính hài cốt liệt sĩ và tạo điều kiện cho thân nhân thăm viếng, di chuyển liệt sĩ. Hội còn phối hợp xây dựng, trùng tu các công trình tưởng niệm tại nhiều tỉnh, thành phố khu vực phía nam.