
Lịch sử bảo vệ dân tộc, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam đã cho thấy, mỗi khi đất nước đứng trước những thách thức mới, cần huy động sức mạnh đoàn kết toàn dân, lời hiệu triệu của người lãnh đạo đất nước lại mang đến những sức mạnh thần kỳ.
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 19/12/1946 đã kêu gọi toàn dân: “Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên (...) Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc..."[1], đã huy động được sức mạnh đoàn kết toàn dân để đất nước đi đến thắng lợi trong cuộc kháng chiến thần thánh chín năm chống thực dân Pháp xâm lược.
Năm 2021, trước tình hình đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới với biến chủng mới, Việt Nam cũng gặp những thách thức lớn, phải phát huy tinh thần “chống dịch như chống giặc”.
Khắp bắc-trung-nam, tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát ngày càng phức tạp. Thành phố Hồ Chí Minh đã qua hơn hai tháng giãn cách xã hội, mọi hoạt động kinh tế-xã hội ngưng trệ. Dịch bệnh lây lan sang các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, tới tận các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long như Long An, Đồng Tháp... Tại Hà Nội, Đà Nẵng, cũng đang sống trong những ngày thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ[2].
Trực tiếp điều hành công tác phòng, chống dịch, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng có lúc phải dùng chữ “chiến trường” với Thành phố Hồ Chí Minh. Thị sát nhiều tỉnh, thành có dịch, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhiều lần khẳng định “vừa sản xuất, vừa chiến đấu”. Chúng ta, như vậy đã và đang trong một cuộc chiến. Cuộc chiến không có tiếng súng, không kẻ thù hữu hình, nhưng phải đối mặt với kẻ thù vô hình là con virus tí hon nhưng độc lực khôn lường.
Cuộc chiến nào cũng có những mất mát, đau thương. Cả trăm nghìn người đã nhiễm Covid-19. Số người đã mãi mãi ra đi vì không chống chọi nổi những cơn khó thở do con virus quái ác gây ra ngày càng tăng. Vẫn biết đây là “đại họa” toàn cầu, số người tử vong vì Covid-19 tại Việt Nam đã lên đến hàng chục nghìn người, mỗi người ra đi vì dịch bệnh không chỉ là nỗi đau của một gia đình, mà còn là nỗi day dứt của cả đất nước, dân tộc.
Trước cuộc chiến chưa từng có tiền lệ này, toàn hệ thống chính trị và nhân dân đã đồng lòng, dốc sức phòng, chống dịch bệnh bảo vệ tính mạng của con người.
Những hình ảnh ám ảnh, gây xúc động lớn về những đoàn người từ Thành phố Hồ Chí Minh tự chạy xe máy về các tỉnh; đô thị phồn hoa bậc nhất cả nước từng cưu mang, từng giúp đổi đời biết bao số phận, nhưng nay công việc tạm ngưng, tiền tiết kiệm không còn, điều kiện sống không đảm bảo, thành phố chỉ còn nhiều những tiếng xe cứu thương; nên giấc mơ “đổi đời” tạm ngắt quãng. Những đoàn người chạy xe máy rong ruổi suốt vài ngày về miền trung, đêm trải áo mưa nằm vạ vật dầm sương ven đường, ngày đội nắng mưa vượt hàng nghìn cây số để trở về quê hương. Có cả những em bé chưa đầy 10 ngày tuổi cũng theo cha mẹ trên con đường “hồi hương” khó nhọc đó.
Đất nước thực sự đã và đang trong một cuộc chiến.
Đất nước thực sự đã và đang trong một cuộc chiến.
(Ảnh: ĐĂNG KHOA)
(Ảnh: ĐĂNG KHOA)
Giữa lúc cam go ấy, ngày 29/7/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch Covid-19.
Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi tha thiết kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và đồng bào ta ở nước ngoài: Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng”[3].
Tổng Bí thư cũng “yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 từ Trung ương tới cơ sở phải quyết liệt hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo; tập trung cao nhất công sức, thời gian, ưu tiên mọi nguồn lực (...); linh hoạt, sáng tạo tổ chức thực hiện có hiệu quả công việc hệ trọng này”2.
Lời kêu gọi của Tổng Bí thư cũng kịp thời động viên các lực lượng ở tuyến đầu chống dịch, như lời hiệu triệu, tiếp thêm động lực và ý thức trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và đồng bào, chiến sĩ cả nước.
Lời kêu gọi của Tổng Bí thư không đơn thuần chỉ là những con chữ động viên. Tổng Bí thư đã khẳng định chống Covid-19 là một cuộc chiến của dân tộc, thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước về việc tạo điều kiện hết sức để chăm lo, bảo vệ sức khỏe, cuộc sống của nhân dân. Đó là điều trên hết, trước hết, thể hiện quyết tâm đẩy lùi bằng được dịch bệnh.
Các nghiên cứu khoa học trên thế giới đã khẳng định, sức khỏe tinh thần là vấn đề vô cùng hệ trọng với những người đang sống ở vùng dịch, đang điều trị Covid-19. Lời khẳng định của Tổng Bí thư - người đứng đầu hệ thống chính trị đất nước, tuyên chiến với dịch bệnh, bằng mọi giá bảo vệ mỗi người dân, đã mang đến nguồn sức mạnh tinh thần cho toàn dân. Dù ở một vài nơi có thể có lúng túng ban đầu, nhưng nhất định không để một người bệnh nào phải cô đơn, không một người dân nào bị bỏ lại phía sau.
Lời kêu gọi của Tổng Bí thư cũng kịp thời động viên các lực lượng ở tuyến đầu chống dịch, như lời hiệu triệu, tiếp thêm động lực và ý thức trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và đồng bào, chiến sĩ cả nước. Trong thời chiến cũng như thời bình, một lần nữa phẩm chất “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” lại tỏa sáng, nêu cao hơn nữa trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền.
Lời kêu gọi tha thiết của Tổng Bí thư cũng phản ánh chính xác thực tế “ý Đảng, lòng dân” đang hòa quyện; khiến mỗi người dân đặt ra vấn đề mình cần ý thức hơn, cố gắng hơn, đoàn kết hơn, “chung lưng đấu cật” tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được dịch bệnh.
Đây là cuộc chiến không chỉ của riêng chính quyền và lực lượng y tế, để đi đến thành công còn có sự góp sức của mỗi người dân, từ việc nâng cao ý thức đến việc tuân thủ tuyệt đối các biện pháp phòng, chống dịch.
Đây là một cuộc chiến, nên thời chiến không thể đủ đầy như thời bình, vì vậy đừng nên có những đòi hỏi quá đáng về điều kiện vật chất.
Đây là cuộc chiến chưa có tiền lệ, lực lượng chức năng không tránh khỏi những lúng túng ban đầu, cần những ý kiến đóng góp, chứ không phải những bình luận thiếu thiện chí.
Đây là cuộc chiến mà yếu tố sức mạnh tinh thần có ý nghĩa không nhỏ, nên xin đừng gieo rắc những tin giả, những thông tin đơn lẻ không phản ánh bản chất vấn đề để gây hoang mang trong dư luận. Hãy lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lan tỏa những câu chuyện tốt đẹp, năng lượng tích cực, để góp phần vào chiến thắng.
Muôn người như một đều tin tưởng nhất định chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch Covid-19 như Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
“Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi tha thiết kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và đồng bào ta ở nước ngoài: Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng. Tôi yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 từ Trung ương tới cơ sở phải quyết liệt hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo; tập trung cao nhất công sức, thời gian, ưu tiên mọi nguồn lực; chủ động nắm chắc và dự báo, kiểm soát tốt tình hình; tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, không để bị động, bất ngờ trong ứng phó với diễn biến mới của dịch bệnh; linh hoạt, sáng tạo tổ chức thực hiện có hiệu quả công việc hệ trọng này”[4].
------------
(Bài viết trong cuốn sách “Niềm tin yêu của nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế'dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật)
Trình bày: NGỌC DIỆP
Ảnh: TTXVN