SỨC SỐNG
MỚI

của các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian

Hà Nội có kho tàng các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian phong phú, từ rối nước, rối cạn, cho tới chèo tàu, hát trống quân, múa trống bồng, múa hát Ải Lao… Đã từng có thời gian, nhiều loại hình diễn xướng dân gian đứng trước nguy cơ mai một. Song, hiện nay, với sự đầu tư, hỗ trợ của các cấp chính quyền và ngành văn hoá, các loại hình nghệ thuật dân gian tìm được sức sống mới. Trong đó, không ít địa phương đã khai thác các loại hình nghệ thuật dân gian để phát triển công nghiệp văn hoá.

Từ chuyện ở một làng rối…

Nếu như trước đây, các nghệ nhân ở Phường rối nước Đào Thục (xã Thuỵ Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội) mỗi năm chỉ vài lần biểu diễn vào những dịp lễ hội, giao lưu văn hoá thì bây giờ, đó là công việc thường ngày.

Các nghệ nhân luôn phải lên lịch cho các buổi diễn rối nước từ sớm, người nào bận thì còn bố trí nhân sự thay thế cho các buổi diễn. Đôi khi cũng có những buổi diễn đột xuất. Bởi bây giờ, Đào Thục đang dần “chuyên nghiệp hóa” trong đón khách du lịch.

Sân khấu rối nước Đào Thục luôn thu hút đông đảo khách du lịch. (Ảnh: Thế Nghị)

Sân khấu rối nước Đào Thục luôn thu hút đông đảo khách du lịch. (Ảnh: Thế Nghị)

Ngoài biểu diễn phục vụ khách, Phường rối nước Đào Thục còn phục vụ cơm trưa, dẫn khách đi tham quan di tích, phong cảnh làng quê. Khách cũng được trải nghiệm làm quân rối, mua quân rối về làm đồ lưu niệm…

Bây giờ, Đào Thục đang dần “chuyên nghiệp hóa” trong đón khách du lịch.

Rối nước Đào Thục có tuổi đời khoảng 300 năm. Làng rối cũng trải qua những quãng thời gian “ba chìm, bảy nổi”, nhất là giai đoạn chiến tranh, việc biểu diễn bị ngắt quãng, các quân rối mất dần, nhiều nghệ nhân khuất bóng. Từ đầu những năm 2000, Đào Thục mới dần dần trở lại, đặc biệt khi phường được xây dựng một toà thuỷ đình cố định làm nơi biểu diễn.

Cách đây khoảng 15 năm, có một lớp trẻ đã nghĩ đến đổi mới hoạt động của phường rối. Nếu chỉ biểu diễn năm vài lần, nghệ nhân sẽ không gắn bó, còn lớp trẻ sẽ không muốn theo nghề. Những “bạn trẻ” ngày ấy đã lập website, quảng bá phường rối trên mạng. Họ cũng góp ý để các cao niên chấp thuận những thay đổi, nhất là việc “cơ cấu” lại các buổi diễn để phục vụ cho du lịch rồi đi đến các doanh nghiệp lữ hành “chào hàng” sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp đã “giật mình” không nghĩ lại có một phường rối quê “làm du lịch”

"Đổi mới cách nghĩ, cách làm là cả một quá trình dài."

Những đoàn khách đầu tiên đã về trong sự bỡ ngỡ của chính dân làng và nghệ nhân phường rối. Nhưng rồi, họ quen dần với việc đón khách. Việc “làm tour” dần dần bài bản lên, chuyên nghiệp hơn. Thay vì chỉ dẫn chương trình bằng tiếng Việt, làng rối còn thu âm tiếng Anh để khách quốc tế có thể cảm nhận rõ nét hơn nghệ thuật của làng quê Việt.

“Lớp trẻ” ngày ấy bây giờ đều đã ở tuổi 40, 50. Anh Nguyễn Thế Nghị chính là một trong số đó. Từng có thời gian được tín nhiệm làm Trưởng phường, nay anh trở về với công việc quen thuộc là phụ trách kinh doanh.

Anh chia sẻ: “Đổi mới cách nghĩ, cách làm là cả một quá trình dài. Khi thấy phường rối làm tốt, các cấp, các ngành đều tăng cường quan tâm. Rối nước Đào Thục trở thành “mô hình điểm” của huyện Đông Anh, nhờ đó, chúng tôi được đầu tư hạ tầng, tu bổ di tích để bảo tồn, phát huy nghệ thuật truyền thống tốt hơn. Từ khi Hà Nội có Nghị quyết về Phát triển Công nghiệp văn hoá, chúng tôi càng được tạo điều kiện hơn nữa để “thể hiện” mình. Hiện giờ, trong làng, lớp trẻ theo học biểu diễn cũng rất đông”.

…đến sự hồi sinh của nhiều loại hình diễn xướng dân gian

Theo kết quả Tổng kiêm kê của Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội, Hà Nội có 1.793 di sản văn hoá phi vật thể. Trong đó, các loại hình nghệ thuật trình diễn chiếm số lượng rất lớn. Với việc mở rộng địa giới hành chínnh vào năm 2008, Hà Nội có hàng trăm loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống, tiêu biểu như: Xẩm, ca trù, rối nước, rối cạn, chèo tàu, trống quân, múa trống bồng, múa hát Ải Lao…

Với những giá trị độc đáo và lịch sử hình thành hàng trăm năm, thậm chí cả nghìn năm, nghệ thuật biểu diễn truyền thống chính là di sản văn hóa phi vật thể vô giá, mang “hồn cốt” của văn hóa Thăng Long - Hà Nội.

Trong đó, rất nhiều loại hình chỉ riêng có ở Hà Nội như: Múa trống bồng ở Triều Khúc (huyện Thanh Trì), múa hát Ải Lao (phường Phúc Lợi, quận Long Biên), chèo Tàu (xã Tân Hội, huyện Đan Phượng), hát dô (xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai)…

Tuy nhiên, cũng như phần lớn di sản văn hoá khác, các loại hình diễn xướng dân gian đều có “mẫu số chung”: Khó khăn, bị ảnh hưởng tiêu cực bởi chiến tranh; khi đất nước hoà bình, thống nhất thì lại vẫn đứng trước nguy cơ mai một do đất nước còn nhiều khó khăn về kinh tế. Phải đến khi đất nước mở cửa, kinh tế phát triển, các loại hình diễn xướng dân gian mới từng bước hồi sinh.

Các nghệ nhân trẻ của Giáo phường Ca trù Thượng Mỗ trình diễn trên sân khấu. (Ảnh: Giang Nam)

Các nghệ nhân trẻ của Giáo phường Ca trù Thượng Mỗ trình diễn trên sân khấu. (Ảnh: Giang Nam)

Quá trình hồi sinh này gắn liền với những chủ trương, chính sách của thành phố. Trong đó, quan trọng nhất là Chương trình 06 của Thành uỷ về Phát triển văn hoá – xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh (trước đây là Chương trình 04) được thực hiện qua nhiều nhiệm kỳ. Bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hoá là nội dung quan trọng hàng đầu của Chương trình 06. Thành phố giao trách nhiệm cho ngành văn hoá và các địa phương xây dựng Chương trình, Kế hoạch cụ thể để thực hiện. Đây là cơ sở để nhiều loại hình diễn xướng dân gian hồi sinh và phát triển.

Các bạn trẻ ở Liệp Tuyết được các nghệ nhân giàu kinh nghiệm truyền dạy hát dô. (Ảnh: Giang Nam)

Các bạn trẻ ở Liệp Tuyết được các nghệ nhân giàu kinh nghiệm truyền dạy hát dô. (Ảnh: Giang Nam)

Múa hát Ải Lao là một nghi thức truyền thống chỉ diễn ra ở Lễ hội Gióng (làng Phù Đổng, huyện Gia Lâm), được thự hiện bởi người phường Ải Lao (làng Hội Xá, huyện Gia Lâm, nay là phường Phúc Lợi, quận Long Biên) thực hành.

Tương truyền, đây là điệu hát múa làm mẹ Thánh Gióng vơi đi nỗi buồn sau khi ngài về trời. Trong thời gian diễn ra hội Gióng, phường Ải Lao thực hành nhiều bài hát: Hát khi vào đền dâng lễ, hát thờ đền Thượng, hát thờ đền Thánh Mẫu, hát sử, hát kéo hội đi đường, hát rước hội xuống đồng vào giá ngự, hát câu cá, hát về cây tre, hát săn hổ, hát về đền sau khi thắng trận.

Múa hát Ải Lao cũng suýt “rã đám” khi hội Gióng nhiều năm không được tổ chức, chỉ còn một số nghệ nhân đau đáu giữ câu ca xưa.

Múa hát Ải Lao cũng suýt “rã đám” khi hội Gióng nhiều năm không được tổ chức, chỉ còn một số nghệ nhân đau đáu giữ câu ca xưa. Khi hội Gióng tổ chức trở lại các nghệ nhân Hội Xá tập hợp lại nhưng nhiều câu ca đã rơi rụng theo thời gian do trước đây chủ yếu truyền miệng.

Trước thực tế đó, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã phối hợp các nghệ nhân sưu tầm lại các câu hát, điệu múa. Sau khi sưu tầm tương đối hoàn chỉnh, những câu hát, điệu múa được trao lại cho người dân địa phương. Một thay đổi lớn khác đã được triển khai là trước đây, múa hát Ải Lao chỉ trình diễn trong Hội Gióng thì nay, được trình diễn trong chính hội làng Hội Xá. Hoạt động này giúp người dân gắn bó hơn, hiểu hơn di sản của quê hương mình.

Những câu chuyện tương tự cũng diễn ra với nhiều loại hình di sản dân gian khác. Nhiệt huyết của nghệ nhân cộng hưởng với chính sách hỗ trợ của thành phố giúp các loại hình diễn xướng dân gian hồi sinh. Đó là những điệu chèo Tàu ở Đan Phượng, là điệu hát dô ở Quốc Oai, là tiếng “chát, tom” ở các giáo phường ca trù trên địa bàn Hoài Đức, Đông Anh…

Múa con đĩ đánh bồng ở Triều Khúc. (Ảnh: Giang Nam)

Múa con đĩ đánh bồng ở Triều Khúc. (Ảnh: Giang Nam)

Hát trống quân cũng từng suýt bị lãng quên, nhưng giờ hồi sinh mạnh mẽ ở các huyện Phúc Thọ, Thường Tín. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Khánh Hà (huyện Thường Tín) Lê Văn Ba, kiêm Chủ nhiệm CLB hát trống quân xã Khánh Hà chia sẻ, nhờ sự vào cuộc sớm và quan tâm của các cấp ngành thành phố, hát trống quân xã Khánh Hà đã “hồi sinh” với trên 300 lời hát cổ với các làn điệu khác nhau được gìn giữ, lưu truyền và số lượng người thực hành hát trống quân ngày càng nhiều. Xã Khánh Hà đã có 4 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.

Thành phố cũng tổ chức nhiều chương trình văn hoá - nghệ thuật, lễ hội lớn để các loại hình diễn xướng dân gian được giới thiệu đến công chúng. Điển hình như Lễ hội Thiết kế sáng tạo, Lễ hội Du lịch Hà Nội, Festival thu Hà Nội…

Trình diễn múa hát Ải Lao. Ảnh: Thảo Quyên

Trình diễn múa hát Ải Lao. Ảnh: Thảo Quyên

Hướng tới bảo tồn, phát triển bền vững

Những năm gần đây, địa bàn thành phố ngày càng xuất hiện nhiều chương trình nghệ thuật diễn xướng dân gian phục vụ công chúng.

Trong không gian phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội có chương trình Chuyện nhạc phố cổ (Trung tâm Giao lưu Văn hoá phố cổ, số 50, phố Đào Duy Từ), hay các sân khấu ngoài trời biểu diễn hát xẩm, các loại hình nghệ thuật dân gian…

Đặc biệt, vở diễn thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ (Khu du lịch Tuần Châu – Quốc Oai) với sự kết hợp giữa giới thiệu nét đẹp sinh hoạt thường ngày với các loại hình nghệ thuật thực sự là hoạt động nâng tầm các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, còn có các chương trình biểu diễn của các nghệ sĩ nhóm Xẩm Hà thành, Giáo phường Ca trù Thăng Long, Thái Hà, Lỗ Khê…

Vở diễn Tinh hoa Bắc Bộ tái hiện và tôn vinh vẻ đẹp cuộc sống làng quê. (Ảnh: Công ty cổ phần Tuần Châu Hà Nội)

Vở diễn Tinh hoa Bắc Bộ tái hiện và tôn vinh vẻ đẹp cuộc sống làng quê. (Ảnh: Công ty cổ phần Tuần Châu Hà Nội)

Điều này báo hiệu sự phát triển trở lại của nghệ thuật trình diễn dân gian Hà Nội và hiệu quả bước đầu trong triển khai Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Thành uỷ Hà Nội.

Xác định bảo tồn vẫn là gốc rễ trước khi có thể khai thác, phát huy giá trị.

Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy, giảng viên Khoa Các khoa học liên ngành - Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định, để nghệ thuật biểu diễn truyền thống đến gần hơn với du khách thì các đơn vị tổ chức cần tăng cường kết nối với du lịch. Ví như, tour Hà Nội Hop on Hop off có thể kết nối xây dựng tour thăm làng cổ Đường Lâm và xem vở thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ; gói trọn trong một ngày. Hà Nội có 15 tour du lịch đêm, nếu các bên phối kết hợp khai thác thì du khách có nhiều hơn cơ hội trải nghiệm các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống và sản phẩm nghệ thuật biểu diễn sẽ được đưa vào tour phục vụ khách.

Tuy nhiên, xác định bảo tồn vẫn là gốc rễ trước khi có thể khai thác, phát huy giá trị. Để hỗ trợ các nghệ nhân toàn diện, năm 2022, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết 23/2022/NQ-HĐND Quy định chế độ đãi ngộ, hỗ trợ Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú, nghệ nhân và câu lạc bộ tiêu biểu trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Nghị quyết đã được các ngành, các địa phương nhanh chóng triển khai và đã bước đầu khuyến khích được các nghệ nhân gìn giữ di sản.

Chương trình Chuyện nhạc phố cổ quy tụ nhiều nghệ sĩ tên tuổi trong lĩnh vực âm nhạc truyền thống. (Ảnh: Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội)

Chương trình Chuyện nhạc phố cổ quy tụ nhiều nghệ sĩ tên tuổi trong lĩnh vực âm nhạc truyền thống. (Ảnh: Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội)

Phó Phòng quản lý Di sản (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Bùi Thị Hương Thủy cho biết: “Câu lạc bộ tiêu biểu được hỗ trợ lần đầu khi thành lập để mua sắm trang thiết bị, đạo cụ là 50 triệu đồng và hỗ trợ kinh phí hoạt động hàng năm là 20 triệu đồng. Thành phố cũng có chế độ đối với nghệ nhân, người kế cận nắm giữ di sản tham gia thực hành, trình diễn, truyền dạy, bảo vệ, phát huy giá trị di sản. Thay vì giảng dạy vì tình yêu như trước đây, các buổi dạy của nghệ nhân cũng được hỗ trợ kinh phí. Đó là những yếu tố thuận lợi để các nghệ nhân và các câu lạc bộ di sản văn hóa phi vật thể phát huy tốt vai trò của mình trong giữ gìn và phát huy di sản”.

Ngày xuất bản: 25/9/2024
Tổ chức thực hiện: Kiều Hương - Hồng Minh
Nội dung: Giang Nam
Trình bày: Ngọc Diệp
Ảnh: Thế Nghị, Thảo Nguyên, Giang Nam,
Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội, Công ty Tuần Châu Hà Nội