CÂU CHUYỆN CẢM ĐỘNG VỀ NHỮNG THANH NIÊN XUNG PHONG TẠO NÊN SỨC SỐNG CHO ĐẢO CỒN CỎ

Ngày 9/3/2002, 43 thanh niên xung phong (chủ yếu ở các xã Vĩnh Quang, Vĩnh Giang và Vĩnh Thạch, tỉnh Quảng Trị) lên tàu ra đảo xây dựng đảo Thanh niên Cồn Cỏ, đánh dấu bước khởi đầu của quá trình dân sự hóa đảo. Hòa chung vào dòng những người trẻ dấn thân vì tình yêu biển đảo ngày ấy, chị Ái ghi dấu ấn trên từng công trình, ngôi nhà, con đường… trên đảo. Cồn Cỏ trở thành ngôi nhà thứ 2 của chị - như hàng chục thanh niên xung phong lần đầu tiên tình nguyện đặt chân khai hoang đảo hơn 20 năm trước.  

TIẾP NỐI MẠCH NGẦM HỒI SINH ĐẢO CỒN CỎ

Bốn giờ chiều, anh Hiền chở cậu con trai út, ngược lên khu đường gần Huyện ủy Cồn Cỏ, ngồi nép bên gốc cây bàng mát rượi, ngóng vợ làm việc. Cậu con trai đang kỳ nghỉ hè, ra đảo tháng nay, quấn mẹ không rời vì mai sẽ phải về bờ. Một tiếng nữa, chị mới hết giờ làm, nhưng cậu con trai cứ luẩn quẩn, thi thoảng giúp mẹ kéo cái chổi loẹt quẹt.

Dưới cái nắng như đổ bỏng, chị Ái và chị Quyệt nai nịt kín bưng, vận áo khoác dầy cộm, hối hả quét lá, vun thành từng đống, gom vào thùng mang ra khu xử lý rác thải. Hai chị là những nữ thanh niên xung phong đầu tiên của đảo, được huyện đảo tuyển dụng làm nhân viên vệ sinh môi trường 13 năm qua. Bàn tay lao động của các chị đã làm cho khung cảnh của nơi tiền tiêu Tổ quốc này ngày càng trở nên sạch sẽ, những tán cây xanh rì, thẳng tắp.  

Bàn tay lao động của các chị đã làm cho khung cảnh của đảo ngày càng trở nên sạch sẽ

Bàn tay lao động của các chị đã làm cho khung cảnh của đảo ngày càng trở nên sạch sẽ

Chị Nguyễn Thị Thúy Ái và anh Nguyễn Đức Hiền nên duyên vợ chồng sau gần 1 năm chia ngọt, sẻ bùi nơi gian khó Cồn Cỏ. Cùng với 43 đoàn viên thanh niên trên địa bàn tỉnh, năm 2002, anh chị viết đơn tình nguyện ra đảo lập nghiệp, xây dựng Cồn Cỏ thành đảo Thanh niên. Trái tim những người trẻ bấy giờ đã đi theo lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, xây dựng Cồn Cỏ (Quảng Trị) là một trong 5 đảo Thanh niên theo Đề án xây dựng đảo Thanh niên toàn quốc giai đoạn 2013-2020 theo Quyết định 186/QĐ-TTg ngày 24/1/2014.

Từ bãi biển Cửa Tùng hướng mắt ra biển Đông, vào ngày trời trong xanh, Cồn Cỏ hiện lên như một hòn ngọc màu xanh lam hiên ngang giữa biển khơi. Bởi vậy, trong ký ức của những người đã từng chiến đấu để bảo vệ hòn đảo này, Cồn Cỏ là vọng gác tiền tiêu, là con mắt của khu Vĩnh Linh. Mỗi công trình, mỗi ngôi nhà, bến đá... đều là những câu chuyện cảm động của một thời gian khổ nhưng rất đỗi tự hào.

 Cồn Cỏ là vọng gác tiền tiêu, là con mắt của khu Vĩnh Linh. Mỗi công trình, mỗi ngôi nhà, bến đá... đều là những câu chuyện cảm động của một thời gian khổ nhưng rất đỗi tự hào.

Ngày qua ngày, họ đã từng bước xây dựng đảo sạch đẹp, khang trang…

Ngày đầu tiên theo tàu cập bờ, đảo Cồn Cỏ trông heo hút, xơ xác, thiếu sức sống. Anh Hiền, chị Ái được sắp xếp ở tạm trên doanh trại quân đội, ăn ngủ theo chế độ quân ngũ. Điện không có, nước ngọt hạn chế, cuộc sống khắc khổ. Ở vài năm, không ít người thấy khổ quá, bỏ về bờ.

Nhưng chị Ái nghĩ, mình đã tình nguyện ra tới đây, chưa làm được gì cho đảo, về không đặng. Người phụ nữ sinh ra ở mảnh đất Cửa Tùng, may mắn có chàng trai quê Vĩnh Thạch bên cạnh an ủi, động viên. Bởi vậy, dù thiếu thốn, gian khổ mấy, họ cũng vượt qua.

“Những ngày đầu tiên, chúng tôi được giao nhiệm vụ vận chuyển vật liệu để xây nhà. Tất cả khu nhà ở đây, đều do chúng tôi đóng góp công sức”, chị Ái chỉ về dãy nhà nằm sát phía cầu cảng, tự hào nói.

Chị Nguyễn Thị Thúy Ái chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân.

Chị Nguyễn Thị Thúy Ái chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân.

Xây nhà, gây dựng cuộc sống mới, chị Ái tăng gia sản xuất bằng trồng rau, nuôi gà, lợn… Tối đến, điện không có, những người trẻ ngồi quây quần bên cầu cảng, hóng gió dưới ngọn đèn hải đăng tù mù, mắt hướng về bờ lòng đầy nhớ nhung.

Ngày qua ngày, họ đã từng bước xây dựng đảo sạch đẹp, khang trang…

Những ngôi nhà mới được dựng lên, từng hàng cây được trồng thẳng tắp, chăm chút từng ngày. Những đứa trẻ lần lượt ra đời, níu chân họ gắn bó với hòn đảo nhỏ này. “Vào bờ không biết làm gì, ở đây làm thành quen”, chị Ái cười bảo.

Không có nghề biển, 8 năm trước, chị Ái được tuyển dụng làm nhân viên vệ sinh môi trường. Chồng chị 7 năm trước cũng vào làm nhà nước, công tác tại Ban quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ, trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị.

Không may mắn như chị Ái, chị Quyệt một mình vò võ nhiều năm qua. Năm 2002, người con gái quê Vĩnh Giang, Vĩnh Linh bỏ ruộng vườn, bỏ nghề trồng tiêu theo dòng người xung phong ra đảo. “Nhà có 5 anh chị em, mọi người không cho đi. Trong nhà không ký đơn cho đi, tôi quyết định đi”, chị quả quyết.

Cuộc sống buồn bã ở đảo, được xoa dịu khi chị gặp anh là dân công trình xây dựng. Ngày vác gạch, xi măng, sắp thép xây dựng nhà; nấu ăn phụ cho thợ xây; tối đến, thanh niên xung phong lại điểm danh, sinh hoạt văn hóa văn nghệ. Nếp sinh hoạt chủ yếu dựa vào gió biển khơi và ánh sáng của đèn dầu leo lét, vì điện chỉ có thể phát 1 giờ/tối.

Cuộc sống cứ thế tưởng chừng bình yên trôi qua, nhưng chỉ sau 2 năm hôn nhân, chồng chị về bờ, mất hút 10 năm đằng đẵng, để chị với đứa con trai chỉ vừa bước qua 2 tuổi, mưu sinh qua ngày.

Không biết bao lần chị bế con đứng ở hiên nhà, ngóng từng đoàn thuyền hướng về đảo, để tìm bóng dáng quen thuộc. Nhưng càng ngóng, càng mất dạng. Dần chị quen, chẳng còn chờ đợi nữa, cứ ở vậy trên đảo, đi làm thuê, nấu cơm cho thợ công trình để có tiền nuôi con lớn.

Năm con trai vào lớp 1, chị gửi con về bờ, nhờ em gái nuôi. Chị cũng được huyện tuyển dụng vào làm nhân viên vệ sinh môi trường của Trung tâm Dịch vụ Du lịch Cồn Cỏ (trước đây là Ban Quản lý Cảng cá), cuộc sống mưu sinh đỡ vất vả, chị có tiền gửi về cho con học hành đàng hoàng.

Anh Trịnh Việt Cường, Phó Chánh Văn phòng Huyện ủy Cồn Cỏ dẫn chúng tôi đi một vòng thăm đảo, giới thiệu những công trình thanh niên xung phong xây dựng thời kỳ đầu. Ra đảo sau lớp thanh niên xung phong tình nguyện thời kỳ đầu 2 năm, anh được tuyển dụng là kế toán huyện và sau này là Phó Chánh Văn phòng Huyện ủy.

Ngày 9/3/2002, 43 thanh niên xung phong (chủ yếu ở các xã Vĩnh Quang, Vĩnh Giang và Vĩnh Thạch) lên tàu ra xây dựng đảo Thanh niên Cồn Cỏ.

Ngồi bên bờ bến Tranh – nơi cao nhất ở đảo Cồn Cỏ, phóng tầm mắt ra biển khơi xanh trong vắt, anh Cường chỉ về phía bãi kè kể: Ngày 9/3/2002, 43 thanh niên xung phong (chủ yếu ở các xã Vĩnh Quang, Vĩnh Giang và Vĩnh Thạch) lên tàu ra xây dựng đảo Thanh niên Cồn Cỏ. Ngày đầu bước chân ra đảo, họ được các đơn vị trên đảo quan tâm giúp đỡ rất nhiều, nhất là đơn vị Tiểu đoàn đảo (đặc thù thời này đây là cơ quan quân sự thường trực lớn nhất, có một đại đội hỏa lực và một trung đội bộ binh trực thuộc); Đồn Biên phòng 214 (nay là đồn biên phòng Cồn Cỏ) và Trạm ra đa Hải quân 540.

Ông Trương Khắc Trưởng, Phó Chủ tịch Huyện đảo Cồn Cỏ chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân.

Ông Trương Khắc Trưởng, Phó Chủ tịch Huyện đảo Cồn Cỏ chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân.

Sau một tháng xây dựng lán trại cho thanh niên xung phong ở và chuẩn bị các điều kiện vật chất, 43 thanh niên xung phong đã chia thành 4 tổ để xây dựng 15 căn hộ (mỗi căn hộ gần 50m2), một nhà chỉ huy tổng đội, một nhà văn hóa sinh hoạt chung và một khu nhà chăn nuôi của tổng đội.

Sau hơn một năm xây dựng bằng những đôi bàn tay khéo léo của 43 thanh niên xung phong, những ngôi nhà dân sự đầu tiên trên đảo được đưa vào sử dụng.

“Ngày ấy, thanh niên xung phong nhận bốc vật liệu xây dựng lên bờ rồi đưa lên xe công nông vận chuyển đến công trình xây dựng. Khó khăn trăm bề, nước sinh hoạt được vận chuyển từ giếng bơm của Tiểu đoàn lên chứa vào téc để phục vụ ăn uống tắm giặt, khoán 20 lít nước ngọt/người/ngày. Chúng tôi phải ra tắm nước biển xong vào chỉ dội lại một ca nước ngọt mới đủ nước dùng cho cả ngày. Tivi không có, không có sóng di động, điện thoại cố định thì phải gọi qua tổng đài quân sự”, anh Cường nhớ lại.

Những ngôi nhà trên đảo Cồn Cỏ hôm nay.

Những ngôi nhà trên đảo Cồn Cỏ hôm nay.

Sau gần một năm hối hả xây dựng trên công trường Cồn Cỏ, 15 căn hộ được thành hình hài, kiên cố, sẵn sàng đối mặt với bão táp mưa sa ở hòn đảo khắc nghiệt này. Sáu cặp thanh niên xung phong lập gia đình sau thời gian sát cánh, chia ngọt sẻ bùi bên nhau. Đến cuối năm 2005 thì hầu hết thanh niên xung phong về bờ, lập gia đình, trừ các hộ đã nên duyên vợ chồng trên đảo.

Tháng 10/2004 huyện được thành lập, ngày 18/4/2005 tỉnh Quảng Trị tổ chức lễ công bố quyết định 104/QĐ-TTg ngày 1/10/2004 về việc thành lập huyện đảo Cồn Cỏ. Để hòn đảo thêm sức sống mới, tháng 10/2004, tỉnh đoàn bổ sung thêm 4 người theo diện hợp đồng 68 để quản lý Âu cảng cá đảo Cồn Cỏ.

Ngày 18/4/2005 tỉnh Quảng Trị tổ chức lễ công bố quyết định 104/QĐ-TTg ngày 1/10/2004 về việc thành lập huyện đảo Cồn Cỏ.

Cùng với thời gian, một khu làng mới được xây dựng vào năm 2014. Thêm 10 gia đình với 34 nhân khẩu được UBND tỉnh Quảng Trị ký quyết định phê duyệt đưa ra định cư lâu dài tại đảo vào năm 2017. Các hộ dân được bố trí ở 2 dãy nhà liền nhau. Mỗi ngôi nhà được thiết kế phòng khách, phòng ngủ, gian bếp và công trình phụ khép kín. Mỗi hộ được hỗ trợ lương thực bằng tiền mặt trong 18 tháng, kèm sinh hoạt phí, giống vật nuôi và nhiều chính sách ưu đãi khác… Huyện đảo định hướng cho các hộ dân phát triển nghề khai thác và đánh bắt thủy-hải sản, hỗ trợ ngư lưới cụ và tạo điều kiện vay vốn phát triển sản xuất.

Tỉnh Quảng Trị cũng ban hành kế hoạch 395/KH-UBND ngày 4/2/2015 về thực hiện Đề án xây dựng đảo Thanh niên Cồn Cỏ đến năm 2020 với mục tiêu phát huy vai trò xung kích của thanh niên và các hộ gia đình trẻ ra đảo lập nghiệp, khai thác và sử dụng có hiệu quả tiềm năng và lợi thế của biển đảo, từng bước xây dựng kinh tế hộ gia đình bền vững, góp phần bảo vệ vững chắc biển đảo. Xây dựng đảo Thanh niên trên cơ sở lực lượng thanh niên xung phong gắn với chính quyền hành chính huyện đảo Cồn Cỏ, là bộ phận cư dân nòng cốt, tham gia củng cố và xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trên đảo. Việc xây dựng đảo Thanh niên nhằm góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, yêu nước; ý thức xây dựng nền quốc phòng, an ninh vững mạnh; ý chí vượt khó vươn lên, nâng cao nhận thức bảo vệ Tổ quốc cho thế hệ trẻ.

LAN TỎA TÌNH YÊU BIỂN ĐẢO VỚI THẾ HỆ TRẺ

Trong số gần 20 nữ thanh niên xung phong ngày đầu, giờ trên đảo chỉ còn chừng 7 chị em. Như những cái cây đã "bám rễ" với mảnh đất này, chứng kiến sự đổi thay của hòn đảo, họ không muốn về nữa, dù đã có nhà ở trên bờ.

Phía trước nhà chị Quyệt là gian hàng trưng bày của Trung tâm dịch vụ du lịch đảo Cồn Cỏ. Ngoài giờ hành chính, chị Quyệt bán cà-phê, đồ giải khát để thêm tí tiền sinh hoạt, thi thoảng nhận thêm việc dọn dẹp nhà nghỉ. Chiều chiều, chị cùng với cán bộ huyện đảo chơi thể thao, đi bộ dọc biển.

“Khổ ải trải qua rồi, giờ mình chọn ở lại, thì phải bám trụ. Có việc làm, thì nơi nào sinh sống được, mình ở thôi. 10 năm nữa nghỉ hưu, nếu cảm thấy khi nào không ở đây được nữa, mình lại về bờ. Con trai tôi nếu được tạo điều kiện ra đây thì cháu cũng sẽ lên đảo làm việc”, chị Quyệt tâm sự.

Chị chỉ đau đáu, 20 năm qua, chị vẫn đang ở nhà của Huyện ủy, chưa có nhà riêng của mình. “Tôi nghe nói Huyện ủy đang có hướng phân nhà cho các thanh niên xung phong thời kỳ đầu, nhưng chưa biết bao giờ có”, chị Quyệt nói.

Chiều chiều, chị Quyệt (ngoài cùng bên phải) cùng với cán bộ huyện đảo chơi thể thao, đi bộ dọc biển.

Chiều chiều, chị Quyệt (ngoài cùng bên phải) cùng với cán bộ huyện đảo chơi thể thao, đi bộ dọc biển.

Có chồng vợ sát cánh bên nhau, anh Hiền, chị Ái mạnh dạn, năng động hơn, thuê ngôi nhà của huyện ngay cầu cảng, vừa làm nơi ở, vừa bán hàng. Phía trong nhà, 4 tủ đông chật kín đồ, chạy hết công suất.

Nằm ở ngay âu, tàu, thuyền neo đậu nhiều, quán của chị rất đông khách. Sáng chị bán cà-phê, chiều bán hải sản, tạp hóa. Ngồi nói chuyện, khách khứa ra vào mua hàng đều đều. Nhanh tay bán hàng cho khách, chị Ái cười: “Thu nhập 2 vợ chồng ổn định, giờ nhì nhằng kiếm thêm cũng thêm thắt được cho con học hành”. Con gái lớn của chị đã đi Đài Loan (Trung Quốc) lao động; con gái thứ 2 vừa vào học Đại học Đà Nẵng ngành điều dưỡng, anh chị còn cậu con trai lớp 4 gửi trong bờ cho ông bà ngoại nội chăm sóc giúp.

Đảo Cồn Cỏ những ngày tháng 8 bình yên. Nhưng vào mùa mưa bão, khu vực này đầy giông gió, tố lốc. Vào mùa bão, anh chị xác định tâm thế sẵn sàng tháo tấm tôn lợp mái, gia cố nhà cửa, khăn gói vào hầm trú ngụ.

Đảo Cồn Cỏ những ngày tháng 8 bình yên.

Đảo Cồn Cỏ những ngày tháng 8 bình yên.

Trong số gần 20 nữ thanh niên xung phong ngày đầu, giờ trên đảo chỉ còn chừng 7 chị em. Như những cái cây đã bám rễ với mảnh đất này, chứng kiến sự đổi thay của hòn đảo, họ không muốn về nữa, dù đã có nhà ở trên bờ.

Rảnh rang, các chị tụ tập, ôn chuyện quá khứ, rồi bàn chuyện bao giờ về bờ ăn Tết. Mong về Tết là vậy, nhưng vào bờ chỉ được 2/3 thời gian dự kiến, chị Ái lại quày quả lên tàu ra đảo, lo chái nhà lâu không có hơi người.

“Về nhà thì nhớ đảo. Không khí trong lành, đồ ăn tươi ngon, đặc biệt là rất yên tĩnh, ở lâu quen đi chớ cô”, chị Ái cười.  

Đảo Cồn Cỏ đã được bồi đắp sức sống từ chính bàn tay, khối óc của nhiều thế hệ người dân trên đảo, trong đó, có sự đóng góp không ít của các thế hệ thanh niên xung phong thời kỳ đầu.

Nay, trên hòn đảo này, nhộn nhịp khách du lịch qua lại. Từ năm 2017, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã cấp điện 24/24 giờ cho các nhu cầu trên đảo và lắp đặt thêm 2 tổ máy với công suất 1.000kVA. Qua đó, tạo bước chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội và nhất là du lịch của địa phương, cũng như thu hút thêm nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu và lập dự án du lịch với số vốn hàng nghìn tỷ đồng.

Cồn Cỏ cũng là huyện đảo thứ 11 của cả nước được EVN tiếp nhận đầu tư, quản lý vận hành hệ thống, góp phần xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc cũng như phát triển kinh tế biển đảo.

Năm 2014, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ra thăm đảo và kêu gọi nguồn xã hội hóa được 20 tỷ đồng hỗ trợ Cồn Cỏ đóng một con tàu cao tốc. Năm 2018, huyện đóng mới một con tàu cao tốc Conco Tourist với sức chở 80 người phục vụ cho quân và dân huyện đảo hết gần 25 tỷ đồng.

Ông Trương Khắc Trưởng, Phó Chủ tịch Huyện đảo Cồn Cỏ chia sẻ, để tri ân nhiều thế hệ thanh niên xung phong đã bám trụ đảo, làm hồi sinh nơi tiền tiêu Tổ quốc, Huyện ủy cũng đã tạo điều kiện cho nhiều anh/chị/em đi học, về trở thành cán bộ.

Đến khoảng cuối năm 2005, một số thanh niên xung phong được huyện hợp đồng vào công tác như anh Thánh, chị Duyên (nấu ăn), anh Nghĩa (điện nước), anh Hiển, anh Long (hợp đồng lái tàu). Sau này, nhiều người có vị trí như bên mặt trận, nhân viên vệ sinh môi trường, cán bộ Huyện ủy…

Ngoài ra, huyện tạo điều kiện các hộ gia đình sử dụng đất để làm quán kinh doanh dịch vụ và khuyến khích các hộ đầu tư, sửa chữa, trang bị thêm cơ sở vật chất nâng cao chất lượng các dịch vụ như: Đầu tư xe điện, nâng cấp nhà nghỉ, nhà hàng, quan tâm chất lượng dịch vụ...

Một góc đảo Cồn Cỏ hôm nay.

Một góc đảo Cồn Cỏ hôm nay.

Để phát triển du lịch trên đảo tiền tiêu Tổ quốc, huyện tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, chú trọng nâng cao chất lượng các dịch vụ, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư, các hộ gia đình trên địa bàn đầu tư vào lĩnh vực du lịch-dịch vụ như: Bố trí kinh phí xây dựng Nhà truyền thống (giai đoạn 2); cải tạo, nâng cấp Bến Nghè và các điểm tham quan du lịch; phục dựng Đài quan sát Thái Văn A; trang trí đèn led Cột cờ và các tuyến đường trung tâm, tạo thêm điểm nhấn phục vụ khách tham quan, du lịch.

Ngoài ra, huyện cũng đẩy mạnh kêu gọi đầu tư, liên kết với các đơn vị lữ hành tổ chức các tour du lịch ra đảo. Một số sản phẩm đặc trưng của Cồn Cỏ như cá khô, nước mắm Cồn Cỏ, giảo cổ lam... được trưng bày để thu hút khách du lịch.

Kinh tế có chuyển biến tích cực, nhất là lĩnh vực du lịch có những bước phát triển khả quan, hình thành được một số tour với các loại hình du lịch hấp dẫn như du lịch trải nghiệm, du lịch về lại chiến trường xưa... gắn với việc bảo vệ môi trường, nguồn thiên nhiên trên đảo.

Trường mầm non-tiểu học Hoa Phong Ba trên đảo Cồn Cỏ.

Trường mầm non-tiểu học Hoa Phong Ba trên đảo Cồn Cỏ.

Lĩnh vực văn hóa-xã hội có nhiều tiến bộ. Diện mạo, cảnh quan trên đảo có khởi sắc. Cuộc sống cho các hộ gia đình di dân ra đảo từng bước nâng lên.

Các công trình phục vụ dân sinh, thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư; giáo dục có bước phát triển, nhất là việc đã thành lập điểm trường tiểu học đầu tiên trên đảo, đáp ứng được nguyện vọng của các bậc phụ huynh và giúp các hộ dân yên tâm bám đảo.

Quốc phòng, an ninh được cũng cố và tăng cường. Công tác quốc phòng, quân sự địa phương được chú trọng; chủ động nắm bắt tình hình, phối hợp chặt chẽ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

“Chúng tôi đang xây dựng phương án và hoàn thiện các thủ tục cấp đất cho các hộ dân tại Khu dân cư Thanh niên phù hợp tình hình thực tế trên địa bàn. Chúng tôi đang xin ý kiến của lãnh đạo tỉnh Quảng Trị”, ông Trưởng cho hay.

Có hai con tàu luân phiên chở khách ra đảo Cồn Cỏ, sáng hôm trước đi, sáng hôm sau tàu về lại bờ. Cả đảo có khoảng 5-6 hàng quán phục vụ luôn tay chân vì khách du lịch đến đảo khá đều đặn. Không chỉ hít căng lồng ngực không khí trong lành, du khách đến đây không thể quên được những đặc sản riêng có tại đây như: hàu to bằng cái đĩa, các loại ốc to gấp đôi các quán hải sản trong bờ, cua đá...

Kiên cường dưới mưa bom kẻ thù trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Cồn Cỏ hôm nay đang vươn mình, dần trở thành vùng động lực phát triển du lịch trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây.

Đi một vòng quanh đảo, xuyên qua cánh rừng nguyên sinh với hệ sinh thái rừng nhiệt đới 3 tầng được giữ gần như nguyên vẹn, nhìn cuộc sống êm đềm mỗi ngày trôi qua, trò chuyện với bà con, mới thấy, những con người mộc mạc, chất phác, hồn hậu nơi đây phải yêu biển đảo tới nhường nào khi đã dành cả cuộc đời mình bám trụ đảo.

Đi một vòng quanh đảo, xuyên qua cánh rừng nguyên sinh với hệ sinh thái rừng nhiệt đới 3 tầng được giữ gần như nguyên vẹn, nhìn cuộc sống êm đềm mỗi ngày trôi qua, trò chuyện với bà con, mới thấy, những con người mộc mạc, chất phác, hồn hậu nơi đây phải yêu biển đảo tới nhường nào khi đã dành cả cuộc đời mình bám trụ đảo.

Khi những tia nắng cuối cùng của ngày dần khuất ở phía chân trời sâu thẳm, hắt lên nền trời một dải màu vàng, cam rực rỡ, quán của chị Nguyễn Thị Ái dần nhộn nhịp. Chị Ái bảo, con gái cả của chị muốn bố mẹ về bờ với lời quả quyết: “Con đủ khả năng nuôi bố mẹ”, con gái thứ 2 của chị đang học đại học ở Đà Nẵng, con trai út gửi ở bờ học lớp 4, nhưng chị chưa từng mảy may nghĩ tới sẽ bỏ lại nơi này.

Con trai út của chị Ái - bé Nguyễn Đức Chí Cường chạy quanh bếp, thi thoảng ôm vội mẹ một cái vì nhớ. Tôi hỏi Cường có thích lớn lên, sẽ lại ra đảo sinh sống không, Cường bẽn lẽn bảo: “Cháu có chớ, sau về đây đi quét rác với mẹ”.

... Tình yêu biển đảo từ những thế hệ thanh niên xung phong đầu tiên, giờ đây, đã lan tỏa tới thế hệ con cháu của họ…

Ngày xuất bản: 27/8/2024
Tổ chức thực hiện: HỒNG MINH
Nội dung: LÂM QUANG HUY - THẢO LÊ - THIÊN LAM
Ảnh: THÀNH ĐẠT
Trình bày: BẢO MINH