Sự ủng hộ, giúp đỡ quốc tế góp phần quan trọng làm nên chiến thắng

Chiều 7/5/1954, lá cờ “Quyết chiến-Quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ toàn thắng. (Ảnh: TTXVN)

Chiều 7/5/1954, lá cờ “Quyết chiến-Quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ toàn thắng. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh để nghe Tổng Quân ủy báo cáo và duyệt lần cuối kế hoạch tác chiến Đông-Xuân 1953-1954, đồng thời quyết định mở Chiến dịch Điện Biên phủ với quyết tâm tiêu diệt bằng được tập đoàn cứ điểm này. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh để nghe Tổng Quân ủy báo cáo và duyệt lần cuối kế hoạch tác chiến Đông-Xuân 1953-1954, đồng thời quyết định mở Chiến dịch Điện Biên phủ với quyết tâm tiêu diệt bằng được tập đoàn cứ điểm này. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược, mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, đã kết thúc thắng lợi vẻ vang. Sự ủng hộ và giúp đỡ chân thành, nhiệt tình của bạn bè quốc tế đã góp phần không nhỏ làm nên chiến thắng oanh liệt của quân và dân Việt Nam.

Theo nhận định của PGS, TS Nguyễn Mạnh Hà, đăng trên Báo Nhân Dân cuối tuần, số 19610, ngày 5/5/2009 và được trích trong cuốn sách Điện Biên Phủ - Khúc tráng ca vang mãi, nguyên nhân quyết định thắng lợi là sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, lòng quả cảm và ý kiên cường kháng chiến của toàn dân, toàn quân ta vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Bên cạnh đó, sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới của Đảng Cộng sản và nhân dân Pháp, sự ủng hộ, giúp đỡ hiệu quả về vật chất, tinh thần của các nước Trung Quốc, Liên Xô, tình đoàn kết hữu nghị với nhân dân Lào và nhân dân Campuchia anh em, đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của quân và dân ta.

Nhân dân Pháp coi cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp ở Việt Nam và Đông Dương là cuộc chiến tranh phi nghĩa, mất lòng dân nhất trong lịch sử hiện đại của nước này. Nhân dân tiến bộ Pháp, đi đầu là những người cộng sản Pháp, đã xây dựng nên một mặt trận nhân dân phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của nhà cầm quyền Pháp, đã góp phần làm cho 20 chính phủ của Pháp nối tiếp nhau sụp đổ. Tiêu biểu cho cuộc đấu tranh này là tấm gương của Henri Martin, người vận động công nhân không chuyển hàng sang Việt Nam và của chị Raymonde Dien, người đã nằm chắn ngang đoàn tàu không cho Chính phủ Pháp chở vũ khí sang Việt Nam.

Cuối năm 1949, đầu năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm Trung Quốc, Liên Xô. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hội đàm với các đồng chí lãnh đạo Trung Quốc, Liên Xô, thông báo tình hình tiến triển của cuộc kháng chiến của nhân dân ta và đề nghị Trung Quốc, Liên Xô ủng hộ, giúp đỡ trực tiếp về tinh thần, vật chất, và đã nhận được sự đồng tình của hai nước.

Ngày 14/1/1950, Chính phủ Việt Nam ra tuyên bố: “Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là chính phủ hợp pháp duy nhất của toàn thể nhân dân Việt Nam. Căn cứ trên quyền lợi chung, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với chính phủ nước nào trọng quyền bình đẳng, chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của nước Việt Nam, để cùng nhau bảo vệ hòa bình và xây dựng dân chủ thế giới”.

Trong cuốn 11 của tập sách Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập có ghi lại dấu mốc ngày 15/1/1950, khi Chính phủ Việt Nam “Công nhận Chính phủ nhân dân Trung Quốc do Chủ tịch Mao Trạch Đông lãnh đạo và quyết định kiến lập quan hệ ngoại giao chính thức và trao đổi đại sứ với Chính phủ nhân dân Trung Quốc”. Ngày 18/1, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết công nhận Chính phủ Việt Nam. Tiếp đó, các nước dân chủ nhân dân khác cũng lần lượt chính thức công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với Việt Nam.

Liên tiếp trong các ngày 4/2 và 9/2/1950, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra các nghị quyết, nhấn mạnh việc Liên Xô, Trung Quốc và các nước dân chủ nhân dân sốt sắng thừa nhận và đặt bang giao với Việt Nam. Điều này chứng tỏ phe dân chủ thế giới do Liên Xô lãnh đạo quyết tâm giúp đỡ Việt Nam, đặt Việt Nam một cách công khai và chính thức trong hàng ngũ các nước dân chủ thế giới.

Vấn đề đặt ra là Việt Nam phải tranh thủ thời gian, bên trong thì củng cố và khuếch trương lực lượng, bên ngoài thì đón lấy sự giúp đỡ thiết thực và nhanh chóng của các nước bạn, để hành động kịp thời. Theo PGS, TS Nguyễn Mạnh Hà, đó là một đại thắng lợi về chính trị của Việt Nam và cũng là một việc rất trọng yếu trong lịch sử Việt Nam, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc kháng chiến tại thời điểm đó. Ngay sau khi Trung Quốc, Liên Xô và các nước công nhận, đặt quan hệ ngoại giao với Việt Nam, các hoạt động giúp đỡ của bên ngoài cho cuộc kháng chiến của Việt Nam được xúc tiến và đẩy mạnh.

Các đơn vị bộ đội ta băng rừng, lội suối tiến vào Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)

Các đơn vị bộ đội ta băng rừng, lội suối tiến vào Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)

Tháng 1/1950, lãnh đạo Trung Quốc cử đồng chí La Quý Ba, Bí thư Tỉnh ủy và Chính ủy trong quân đội Trung Quốc, sang Việt Nam làm đại diện liên lạc của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc với Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Từ giữa năm 1950, lãnh đạo Trung Quốc cử một đoàn cố vấn quân sự sang giúp Việt Nam, do đồng chí Vi Quốc Thanh, lúc đó đang làm Chính ủy Binh đoàn 10 và Chủ nhiệm Ủy ban quân quản thành phố Phúc Châu, làm Trưởng đoàn, đồng chí Mai Gia Sinh, Đặng Dật Phàm làm Phó Trưởng đoàn phụ trách tham mưu, chính trị. Đoàn cố vấn quân sự đến Cao Bằng vào giữa tháng 8/1950. Trước đó, Trung Quốc đã cử đồng chí Trần Canh dẫn đầu Đoàn cố vấn do Dã chiến quân thứ 2 điều động, từ Côn Minh sang giúp Việt Nam ngày 7/7/1950.

Chiến dịch Biên giới mở màn ngày 16/9/1950 bằng trận tấn công cứ điểm Đông Khê trên Đường số 4. Tiếp đó là hàng loạt trận thắng lợi khi ta tổ chức đánh chặn quân tiếp viện, bao vây, tiêu diệt và bắt sống 2 binh đoàn Le Page và Charton và tổ chức truy kích quân Pháp rút chạy khỏi một loạt vị trí trên Đường số 4, kể cả thị xã Lạng Sơn. Chiến dịch kết thúc vào ngày 14/10/1950. Quân và dân ta ở các tỉnh biên giới phía Đông Bắc đã giải phóng được một khu vực rộng lớn ở biên giới từ Cao Bằng đến Đình Lập, dài khoảng 750km, diện tích khoảng 4.000km2 với 40 vạn dân.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp quan sát trận địa lần cuối cùng trước khi phát lệnh nổ súng mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)

Đại tướng Võ Nguyên Giáp quan sát trận địa lần cuối cùng trước khi phát lệnh nổ súng mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)

Từ đó, cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam đã thoát khỏi thế bị bao vây, nối thông với nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa láng giềng, với Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân, mở ra khả năng thực tiễn tiếp nhận được sự giúp đỡ, viện trợ trực tiếp của Trung Quốc, Liên Xô cho cuộc kháng chiến.

Những viện trợ vật chất từ Trung Quốc đã góp phần quan trọng vào bảo đảm hậu cần, vũ khí kỹ thuật cho Chiến dịch Biên giới giành thắng lợi; đồng thời là nguồn vật chất quý giá cho các hoạt động quân sự của Việt Nam trong giai đoạn phản công và tấn công sau này.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, tháng 2/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi biểu dương sự lớn mạnh, trưởng thành của quân đội Việt Nam, đã nhấn mạnh một phần quan trọng là nhờ học tập kinh nghiệm chiến đấu của các nước anh em chiến tranh vệ quốc ở Liên Xô, chiến tranh giải phóng ở Trung Quốc. Đông-Xuân 1953-1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ, các đồng chí trong Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc đã thể hiện tinh thần trách nhiệm, đóng góp thẳng thắn trên tinh thần đồng chí trong việc xác định chiến trường chính, hướng tấn công chính.

Các chiến sĩ pháo binh của ta đã dũng cảm vượt qua mọi khó khăn gian khổ với hai bàn tay đã kéo những khẩu pháo nặng hàng chục tấn vào chiếm lĩnh trận địa, góp phần xứng đáng vào chiến thắng của chiến dịch. (Ảnh: TTXVN)

Các chiến sĩ pháo binh của ta đã dũng cảm vượt qua mọi khó khăn gian khổ với hai bàn tay đã kéo những khẩu pháo nặng hàng chục tấn vào chiếm lĩnh trận địa, góp phần xứng đáng vào chiến thắng của chiến dịch. (Ảnh: TTXVN)

Đặc biệt, đồng chí Trưởng đoàn Vi Quốc Thanh đã đồng ý với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chỉ huy trưởng chiến dịch, kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận Điện Biên Phủ, thay đổi phương châm tác chiến chiến dịch từ “Đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc”, khi thực tế tình hình mặt trận đã thay đổi. Chiến dịch Điện Biên Phủ giành thắng lợi vĩ đại có sự giúp đỡ lớn của Trung Quốc không chỉ về viện trợ vũ khí, pháo, đạn, xe ô-tô, lương thực mà còn về kinh nghiệm tác chiến đánh công kiên cụm cứ điểm địch phòng ngự liên hoàn trong tập đoàn cứ điểm; tổ chức, cấu trúc trận địa tấn công, cách tổ chức hiệp đồng bộ binh với pháo binh trong tác chiến đã được quân Việt Nam vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể trên chiến trường.

Sự giúp đỡ cụ thể, có hiệu quả của Đảng, Chính phủ, nhân dân Trung Quốc, cụ thể là Đoàn cố vấn quân sự, đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng, cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp nói chung.

Đảng, Chính phủ và nhân dân Liên Xô cũng đã dành ủng hộ, giúp đỡ lớn về vật chất và tinh thần cho cuộc kháng chiến của Việt Nam. Điều đó thể hiện bằng các loại súng, pháo cao xạ 37mm, đạn dược, ô-tô vận tải Môlôtôva, các dàn hỏa tiễn Cachiusa 6 nòng... có mặt trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị xung kích, các chiến sĩ cao xạ pháo đang đánh trả quyết liệt máy bay địch ở Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)

Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị xung kích, các chiến sĩ cao xạ pháo đang đánh trả quyết liệt máy bay địch ở Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)

Đánh giá sự giúp đỡ của Trung Quốc, Liên Xô, Ban chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam nhấn mạnh trong tài liệu Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp - Thắng lợi và bài học: “Trung Quốc, Liên Xô ủng hộ, giúp đỡ chúng ta về vật chất, vũ khí, phương tiện chiến tranh, kinh nghiệm chiến đấu, và được chúng ta sử dụng một cách có hiệu quả, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp. Chúng ta đánh giá cao sự giúp đỡ Trung Quốc, Liên Xô trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Tuy số lượng không lớn, nhưng với Việt Nam chúng ta lúc đó thì đúng là 'miếng khi đói bằng gói khi no'. Với truyền thống của một dân tộc luôn sống thủy chung, trọng ân nghĩa, chúng ta ngày nay và muôn đời con cháu mai sau mãi mãi biết ơn nhân dân Trung Quốc, nhân dân Liên Xô và nhân dân tiến bộ trên thế giới ủng hộ Việt Nam chống chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp, giành độc lập tự do cho Tổ quốc”.

Nội dung: HUY VŨ
Trình bày: TRUNG HƯNG

E-MAGAZINE
nhandan.vn