Timeline:
00:00:00: Hỏi nhanh đáp gọn: "Sáng tạo với giá trị cốt lõi - Làm nhạc để mọi người được hạnh phúc"
02:15:00: "Cánh cò" cô đơn
12:56:00: "Người đàn ông hát" TÁI SINH
23:19:00: Câu chuyện dài kỳ của những sáng tạo và đổi mới

Ca sĩ Tùng Dương trò chuyện với "Cà phê Nhân Dân".

Ca sĩ Tùng Dương trò chuyện với "Cà phê Nhân Dân".

Tùng Dương - sau hơn hai thập kỷ đứng trên đỉnh cao với danh xưng DIVO nhạc Việt - vẫn không ngừng tìm kiếm, thử thách và làm mới chính mình bằng sự khác biệt, nổi bật thường thấy. Trong thời đại mà ranh giới giữa truyền thống và hiện đại ngày càng khó phân biệt, cũng như sự giao thoa thưởng thức âm nhạc giữa các thế hệ ngày càng gần, thì Tùng Dương là minh chứng sống động rằng: nghệ sĩ đích thực không chỉ sống hết mình vì nghệ thuật, mà còn là sợi dây kết nối giữa nghệ thuật chân chính với công chúng yêu nhạc…

Mặc dù ít khi uống cà phê nhưng nếu xem chặng đường âm nhạc của Tùng Dương như hương vị của những ly cà phê thì Tùng Dương lựa chọn một ly cà phê đặc biệt: Ly cà phê nhiều vị, có thể là một ly cafe máy espresso với khát khao được thể hiện cái tôi cá nhân, có khi là ly cà phê đen của những  góc khuất, những nỗi niềm, những trăn trở, những gai góc, những cô đơn trong âm nhạc, lúc là ly cà phê sữa ngọt ngào, lãng mạn và bay bổng vì được "Tái sinh".

Ca sỹ Tùng Dương

PV: Anh Tùng Dương vừa nhấp một ngụm cà phê Nhân Dân, anh cũng chia sẻ, nếu được chọn một ly cà phê, anh sẽ chọn một ly đặc biệt, nó cũng đặc biệt như phong cách âm nhạc mà anh lựa chọn hơn hai mươi năm qua. Có bao giờ anh cảm thấy mình cô đơn trên hành trình khác biệt đó không?

Ca sĩ TÙNG DƯƠNG: Trước đây thì có, nhưng mà cảm giác đó cũng là một cảm giác rất thú vị. Khi nó cho mình rất nhiều những xúc cảm để làm nghệ thuật. Bởi vì nhiều khi người ta cô đơn, cô độc, người ta mới phát tiết được rất nhiều điều mới lạ.

Nhưng có điều, nếu như chúng ta cứ cô đơn mãi, cô độc mãi, chúng ta không có người bạn đồng hành để chia sẻ thì nó cũng là những rào cản, những  hạn chế về tư tưởng trong trong âm nhạc, trong nghệ thuật, nó làm bớt đi sự phóng khoáng của bạn. Nếu như bạn được tiếp xúc, được chia sẻ nguồn năng lượng của bạn với mọi người, có được những người bạn để cùng sáng tạo, đồng sáng tạo thì bạn sẽ thấy rằng cuộc đời nó thi vị hơn rất nhiều.

PV: Anh có nhớ về lần đầu tiên mà anh làm điều gì đó khác thường ở trong âm nhạc của mình và cảm xúc lúc đó như thế nào?

Ca sĩ TÙNG DƯƠNG: Hồi đấy (2007) kiểu như là khủng hoảng “Tuổi dậy thì”. Khi thực hiện cuốn album thứ hai “Những ô màu khối lập phương” đấy là một trong những cảm giác rất KHÁC THƯỜNG.  Khoảng thời gian đó cho mình một cái cảm giác rất chống chếnh, rất cô độc. Lúc đấy làm việc với nhạc sĩ Đỗ Bảo, hai anh em thường phải thu âm vào buổi đêm để lấy ra trọn vẹn cái tinh thần của sản phẩm. Những tiếng hát, tiếng hú ở trong album được sáng tạo ngay trong lúc thu âm.

Bài hát “Cô đơn” của nhạc sĩ Đỗ Bảo cũng được sắp xếp nằm trong cuốn album này. Đấy cũng là một trong những bài hát rất thú vị, khi nghe nó cảm giác rất lạnh lẽo và thê lương. Cảm giác lạnh lẽo trong màn đêm ẩm ướt và cứ thế con người chìm trong bóng tối và cảm thấy mình cô độc, lặng lẽ với hành trình của chính mình.

Con cò - Ca sĩ Tùng Dương

Con cò - Ca sĩ Tùng Dương

PV: Nhắc đến tác phẩm âm nhạc,“những đứa con tinh thần”, hỏi anh Tùng Dương yêu ai hơn thì rất khó, nhưng hỏi "đứa con tinh thần" nào đối với anh có kỷ niệm sâu sắc nhất hay để lại những dấu ấn sâu đậm nhất thì anh sẽ chọn tác phẩm nào?

Ca sĩ TÙNG DƯƠNG: Thật ra, nếu so sánh bài hát này với bài hát kia thì sẽ là một sự so sánh rất khập khiễng. Bởi bài hát nào cũng có giá trị và vẻ đẹp riêng của nó. Tuy nhiên “Con cò” là bài hát tôi lựa chọn, bởi tác phẩm này đã chạm tới tâm khảm của con người Việt Nam chúng ta.

Hình ảnh con cò trong bài hát không hề đơn giản chút nào. Bởi vì nó biểu trưng cho rất nhiều những gam màu sáng tối của cuộc sống, những cảm xúc hỉ, nộ, ái, ố của đời người. Nó rất đúng với số phận của mỗi con người chúng ta: không từ bỏ ước mơ, hoài bão, khát khao để bay về phía mặt trời. Mặc dù Dương hát rất nhiều bài hát, kể cả sau này hát cả nhạc trẻ, nhưng bài hát Con cò với tinh thần lúc nào cũng vút bay đầy kiêu hãnh, vượt qua giông bão của cuộc đời để chạm được tới, đi được về phía mặt trời luôn xuyên suốt chặng đường sáng tạo của Dương.

PV: Bằng một cách nào đó thì những ca khúc mà anh Tùng Dương thể hiện luôn luôn mang một dấu ấn riêng. Chúng ta cũng sẽ không phủ nhận được sức hút của nó. Những năm gần đây có “Một vòng Việt Nam” hay gần nhất đó là “Tái sinh” đều là những bài hát “Quốc dân”. Vậy trước khi thể hiện những ca khúc này có bao giờ anh nghĩ rằng tác phẩm của mình sẽ có độ lan tỏa lớn đến như thế không?

Ca sĩ TÙNG DƯƠNG: Ở một khía cạnh nào đó thì chính là “trực giác của một người nghệ sĩ". Khi hát Dương cũng sẽ biết đây là bài hát dành cho mình, hoặc bài hát này chắc chắn sẽ nổi tiếng, nhưng cũng có những lúc mình cũng bất ngờ. Chẳng hạn như “Tái sinh". Khi thu âm trong phòng thu, lúc đấy có Tăng Duy Tân và Drum7, hai bạn mặc dù còn trẻ nhưng rất kỹ tính, chuyên nghiệp.

Sau khi thu xong, vừa đi ra ngoài phòng thu thì Tăng Duy Tân nói: “Bác ơi! bài này của bác sẽ thành hit rồi”. Lúc đấy cũng chỉ biết như vậy thôi, nhưng sức công phá của nó đến đâu để nhà nhà, người người đi đâu cũng “Tái sinh” thì đúng là mình chưa đo được điều đó.

Tái sinh - Ca sĩ Tùng Dương

Tái sinh - Ca sĩ Tùng Dương

PV: Nhắc đến “Tái sinh” thì có lẽ không còn gì phải bàn cãi, khi mà trong năm vừa rồi đi đâu cũng nghe thấy “Tái sinh”. Nhạc sĩ Tăng Duy Tân có chia sẻ rằng là đây là ý tưởng của người anh họ Tùng Dương khi mà anh muốn chinh phục đối tượng khán giả trẻ?

Ca sĩ TÙNG DƯƠNG: Tùng Dương đã nói với Tăng Duy Tân là “cho Bác trẻ lại đi!. Từ trước giờ nhạc mình già quá, triết lý quá, thành ra đối tượng khán giả họ phải có những sự trải nghiệm nhất định thì họ mới thích nhạc Tùng Dương. Thế bây giờ sáng tác cho bác một bài mà ở lứa tuổi nào cũng có thể nghe được đi!. Một bài toán khó đặt ra, nhưng cuối cùng thì Tăng Duy Tân cũng đã giải được bài toán đấy một cách rất dễ dàng.

PV: Tuyệt vời hơn khi mà “Tái sinh”, mặc dù mang một hơi thở mới, một dấu mốc mới của Tùng Dương nhưng vẫn không thiếu những triết lý riêng?

Ca sĩ TÙNG DƯƠNG: “Và tình yêu bắt đầu khi ta nhìn vào mắt nhau…” triết lý của bài này cũng không quá cao siêu, nhưng nó rất  đẹp. Ca khúc này giúp chúng ta tin vào một tình yêu vĩnh cửu, và tin rằng cuộc sống này với những điều mà chúng ta đã  mang đến cho nhau đều là năng lượng đẹp nhất, tích cực nhất.

PV: Tùng Dương và Tăng Duy Tân đều là những người có cá tính âm nhạc riêng. Vậy anh và nhạc sĩ đã có sự “đấu trí” như thế nào để cho ra một cái tác phẩm hoàn thiện và thường thì ai sẽ là người nhường nhịn trong mỗi lần như vậy?

Ca sĩ TÙNG DƯƠNG: Nếu ngày xưa thì Dương sẽ không nhường Tăng Duy Tân, nhưng bây giờ thì Dương phải nhường cậu ấy. Bởi vì mình đã thay đổi và mình thấy rằng đấy là chiều hướng tốt. Mình giác ngộ ra ở trong cuộc đời này, khi mà chúng ta biết lắng nghe, chúng ta thấu hiểu, chúng ta giảm bớt cái tôi của mình để công nhận người khác thì đấy là một điều tốt, để chúng ta luôn luôn có những cái nhìn đúng đắn và đúng hướng.

Giống như việc từ trước đến giờ mình thường lấy những cái tên Album của mình như là “Độc đạo”, “Li ti”, “Những ô màu khối lập phương”, “Human”… nó rất to tát, nhưng mà bất chợt nhận ra là tất cả những điều đó đều chứa đựng, đều chuyên chở bởi một “NGƯỜI ĐÀN ÔNG HÁT” đơn giản chỉ là hát thôi.

Dương cũng nghiệm ra: “Những gì cô đọng, dung dị nhất thì nó sẽ chạm tới mọi người".

PV: Anh Tùng Dương cũng đã từng tiếp xúc và từng làm nhạc kết hợp với rất nhiều nhạc sĩ trẻ, thậm chí có cả GEN Z. Điều gì ở họ làm cho anh cảm thấy thú vị và cả thách thức?

Ca sĩ TÙNG DƯƠNG: Dương thấy mình ở trong các bạn trẻ bây giờ, cũng đầy hoài bão và đầy những ước muốn chinh phục, thậm chí là muốn chưng trổ, thể hiện bản thân bằng khát vọng rất lớn. Người trẻ bây giờ cực kỳ hay ho, thú vị, thế giới quan của các bạn phong phú.

Trước tiên mình phải lắng nghe họ. Mình hiểu họ đã thì mình mới hòa nhập và giao thoa vào thế giới của họ được, không thể nào bắt họ phải đi theo cái thế giới của những suy nghĩ, suy tưởng của mình. Đó là cách mà mình học và làm việc cùng với các bạn trẻ.

 PV: Anh có nghĩ rằng sự kết hợp giữa những nghệ sĩ gạo cội và những nghệ sĩ trẻ sẽ giúp cho âm nhạc có thể đến gần hơn với đông đảo công chúng?

Ca sĩ TÙNG DƯƠNG: Nếu chúng ta có những cuộc bắt tay trong nghệ thuật, khiến khoảng cách của các thế hệ gần nhau, xuyên qua nhau và chạm tới nhau thì Dương nghĩ rằng đấy là điều sẽ tạo ra được những sự đột phá trong âm nhạc.

Vừa rồi chúng ta thấy sự thành công của Hòa Minzy chẳng hạn, với Bắc Bling. Đấy cũng là sự kết hợp mà Dương thấy có sự tương đồng với Tùng Dương trước kia. Tùng Dương trước kia cũng chọn những người nghệ sĩ để làm việc cùng, ví dụ như anh Nguyên Lê (nhạc sĩ Pháp gốc Việt danh tiếng, con trai nhà sử học Lê Thành Khôi ), một tượng đài âm nhạc. Anh ấy cũng đã phối khí bài “Chiếc khăn Piêu” cho Tùng Dương theo tinh thần rất đương đại. Đó là cách tốt nhất để chúng ta lưu giữ những giá trị âm nhạc dân tộc.

Đến bây giờ thì thế hệ sau của Tùng Dương có các em như là Hòa Minzy hay Hoàng Thùy Linh… Dương cảm thấy rất vui và sự truyền cảm hứng nó sẽ đến từ nhiều thế hệ khác nhau để chúng ta lưu giữ được giá trị văn hóa của cha ông.

Một vòng Việt Nam - Ca sĩ Tùng Dương

Một vòng Việt Nam - Ca sĩ Tùng Dương

PV: Theo anh thì có giới hạn nào cho sự sáng tạo hay không? Đặc biệt là hiện tại thì ranh giới giữa truyền thống và hiện đại nó đang gần nhau như thế?

Ca sĩ TÙNG DƯƠNG: Có lẽ truyền thống hay hiện đại chúng ta vẫn phải sáng tạo. Tinh thần sáng tạo là điều kiện tiên quyết để nghệ thuật luôn luôn phát triển và tồn tại. Bởi vì, qua năm tháng, mỗi thời đại sẽ có những nhận định, những giá trị khác nhau để chúng ta theo đuổi. Câu chuyện sáng tạo, đổi mới là một câu chuyện dài kỳ và nó luôn luôn không có giới hạn. Chính vì không giới hạn nên mỗi người chúng ta cần phải trang bị nền tảng vững chắc, đó chính là nền tảng về truyền thống văn hóa. Có như vậy thì chúng ta mới có cái riêng, cái đặc biệt.

PV: Anh Dương có chia sẻ là anh rất muốn đưa âm nhạc của dân tộc ra thế giới, vậy anh có kế hoạch nào cụ thể hay là có ý tưởng nào để hiện thực hóa điều đó chưa?

Ca sĩ Tùng Dương trò chuyện với "Cà phê Nhân Dân".

Ca sĩ Tùng Dương trò chuyện với "Cà phê Nhân Dân".

Ca sĩ TÙNG DƯƠNG: Năm 2014 Dương đã thực hiện live show ĐỘC ĐẠO - tại Pháp. Không gian âm nhạc giữa lòng Paris mà Dương thực hiện này là một cuộc chơi nghệ thuật thú vị. Thật ra những cuộc chơi nghệ thuật như vậy rất xa xỉ và tốn kém, tốn kém cả về tài chính lẫn tốn kém cả về chất xám, chất sáng tạo… Mình đã phải cố gắng rất nhiều để thực hiện điều đó.

Ngoài ra những chương trình Festival mà Dương được mời tham dự biểu diễn, mình cũng cố gắng trình diễn những tác phẩm có sự giao thoa, pha trộn âm nhạc, văn hóa của các nước. Dương cũng hy vọng là trong tương lai mình sẽ có nhiều cuộc gặp gỡ trong âm nhạc với các nghệ sĩ nước ngoài không chỉ để thỏa mãn mong muốn cá nhân mà còn là quảng bá văn hóa Việt Nam.

PV: Đối với các nghệ sĩ trẻ đang loay hoay trong việc kết hợp giữa truyền thống và hiện đại thì anh sẽ nhắn gửi tới họ điều gì?

Ca sĩ TÙNG DƯƠNG: Dương nghĩ để đi một con đường nghệ thuật dài hơi, chúng ta phải có đầy đủ sự bản lĩnh, sự đam mê, sự rèn luyện. Chính bản thân chúng ta phải thay đổi và chúng ta giám dũng cảm làm những điều khác biệt mà chưa bao giờ làm thì chúng ta sẽ chạm tới thành công một cách lâu dài.

PV: Cảm ơn ca sĩ Tùng Dương đã dành thời gian với "Cà phê Nhân Dân" và chúc anh đạt nhiều thành công hơn nữa trong tương lai.

Ngày xuất bản: 5/2025
Tổ chức sản xuất: VIỆT ANH - KHÁNH SƠN
Thực hiện: NHƯ TRANG - HƯƠNG TRANG
Trình bày: NHƯ TRANG
Ảnh: BÙI GIANG

Video: NGỌC TÚ, HOÀNG HUY, TRUNG HIẾU