Tết Nguyên đán là một trong hai dịp lễ lớn nhất trong năm đối với người Hàn Quốc. Tết Nguyên đán ở Hàn Quốc được gọi là “seollal” và cũng là ngày đầu tiên của năm âm lịch, tức ngày mồng một tháng một âm lịch. Ngày nay, đa số người Hàn Quốc đều chào đón ngày đầu tiên của năm mới vào Tết Dương lịch (ngày 1/1 dương lịch), nhưng họ vẫn duy trì sum vầy bên nhau, cùng tận hưởng ngày lễ truyền thống vào dịp Tết âm lịch.
Nghi lễ ngày Tết âm lịch
Người Hàn Quốc được nghỉ lễ 3 ngày vào dịp Tết âm lịch, bao gồm ngày trước và sau ngày mùng 1 âm lịch. Theo phong tục truyền thống, họ thường quây quần tại gia đình trưởng nam, bày mâm cúng tổ tiên vào buổi sáng của ngày mùng 1 âm lịch.
Mâm lễ cúng tổ tiên của người Hàn Quốc thường được chia làm 5 hàng, xếp dưới bài vị tổ tiên, theo thứ tự từ trên xuống dưới, trước tiên là các món cơm, canh tteokguk, sau là đến các món thịt, cá, các loại bánh chiên đa dạng, canh, các loại banchan rồi cuối cùng các món tráng miệng, thường là quả và các loại bánh kwaja truyền thống. Tại mỗi địa phương, các món ăn có thể khác nhau nhưng họ cũng đều tuân theo quy tắc chung khi bày mâm cúng lễ Tổ tiên.
Đáng lưu ý là mặc dù các món ăn Hàn Quốc thường dùng nhiều tỏi và bột ớt để chế biến, nhưng trên mâm cúng tổ tiên, họ lại tránh những món có mùi như: tỏi, tiêu, bột ớt đỏ.
Bởi vậy nên, món kim chi cải thảo thường xuất hiện trên mâm cơm gia đình cũng không được bày lên mâm cúng, mà thay vào đó là kim chi nước, một số địa phương thay bằng kim chi trắng.
Các loại quả bày trên mâm cúng thường là lê và táo. Người Hàn Quốc tin rằng,quả đào có thể xua đuổi các linh hồn nên họ không đặt đào lên mâm cúng tổ tiên.
Sau khi bày mâm cúng tổ tiên, gia đình sẽ thực hiện nghi lễ vái lạy rồi cùng nhau quây quần bên mâm cơm ấm cúng. Trên mâm cơm ấy, phải kể đến là món canh tteokguk, một món ăn không thể thiếu, đại diện cho ngày Tết ở Hàn Quốc. Canh tteokguk chính là canh bánh gạo với thành phần chính là: bánh gạo thái lát mỏng, thịt bò, trứng.
Người Hàn Quốc quan niệm rằng, ăn bát canh tteokguk vào dịp năm mới tương đương với việc thêm một tuổi mới. Không chỉ vậy, miếng tteok được thái lát tròn vát và trắng muốt cũng tượng trưng cho ý nghĩa mang một tâm hồn tinh khôi, tươi mới đón những điều tốt lành của năm mới.
Thường vào ngày Tết, người Hàn Quốc sẽ ăn canh tteokguk trước khi ăn bữa sáng. Trong quá khứ, món tteokguk là món ăn chỉ có vào ngày Tết âm lịch, còn ngày nay, bạn có thể dễ dàng tìm thấy món ăn này tại nhiều quán ăn ở Hàn Quốc.
Một món ăn phổ biến khác trong dịp Tết đó là bánh “jeon”, món chiên các loại rau với bột. Bánh jeon ngày Tết thường là: bí ngòi, nấm, hành và thanh cua, được chế biến công phu và đẹp mắt.
Phong tục ngày Tết
ở Hàn Quốc
Ngày Tết âm lịch, người Hàn Quốc quan niệm rằng mặc đồ mới sẽ mang lại nhiều may mắn cho một năm mới, nên họ vẫn duy trì tục lệ mặc hanbok - trang phục truyền thống của Hàn Quốc cho đến tận bây giờ.
Trẻ con trong nhà diện hanbok và “cúi lạy” người lớn và nhận tiền mừng tuổi, nghi lễ này được gọi là Sebae, một phong tục thường thấy trong ngày Tết và vẫn duy trì đến nay. Cúi lạy giống như một lời chào đầu năm mới của con cháu dâng lên ông bà, cha mẹ cùng với những lời chúc phúc và mừng thọ.
Khi cúi lạy, họ thường mở rộng cánh tay và quỳ xuống sàn nhà, nam đặt bàn tay trái bên trên bàn tay phải, còn nữ đặt bàn tay phải trên bàn tay trái. Cùng với đó, người Hàn Quốc sẽ thường dành cho nhau câu chúc mừng năm mới gửi tặng đến những người lớn tuổi trong nhà. Bạn có thể nói “Saehae bok mani badeuseyo”, với ý nghĩa “Chúc năm mới nhận được nhiều phúc lộc”.
Giống với Việt Nam, người lớn trong nhà cũng sẽ tặng lại những chiếc túi “phúc” lì xì gửi gắm những điều tốt đẹp cho con cháu. Những chiếc túi “phúc” ngày nay dần đã được thay bằng những chiếc phong bì mừng tuổi với thiết kế xinh xắn, đa dạng.
Để nhận được nhiều “phúc lộc” vào buổi sáng đầu tiên của năm âm lịch, người Hàn Quốc thường đặt những chiếc “xẻng lộc” trước cửa nhà. Hình ảnh chiếc xẻng bokjori (được tết bằng rơm và tre có tên) treo ngoài cửa là hình ảnh có thể dễ dàng bắt gặp tại Hàn Quốc vào dịp Tết.
Trong quá khứ, người nông dân Hàn Quốc đặt bokjori trước cửa nhà với mong muốn mùa màng bội thu trong năm mới.
Ngày nay, họ tin rằng nếu bạn sớm nhận được chiếc xẻng lộc trong ngày đầu năm mới thì bạn sẽ nhận được nhiều tài lộc hơn vào năm đó. Những chiếc bokjori được trang trí với những sợi dây đầy màu sắc, đôi khi đặt đồng xu và kẹo.
Tại Hàn Quốc, làng nông nghiệp Gume thuộc thành phố Anseong, tỉnh Gyeonggi là làng nghề truyền thống chuyên làm nên những chiếc bokjori cho người dân khắp nơi trên toàn quốc.
Những chiếc xẻng hứng lộc không chỉ đem lại may mắn tài lộc, người Hàn Quốc tin rằng nếu họ đốt bokjori vào dịp rằm tháng Giêng thì sẽ có thể xua đuổi được tà mà, xui xẻo trong năm.
Trò chơi dân gian
truyền thống
Những trò chơi dân gian truyền thống cũng thường được gia đình sum vầy bên nhau, chung vui trong ngày Tết cho dù ở thành phố hay vùng thôn quê. Một trong những trò chơi phổ biến nhất là Yutnori.
Yutnori là trò chơi với 4 thanh Yut, chơi bằng cách di chuyển quân cờ trên bàn cờ theo kết quả tung 4 thanh Yut cho đến khi về đích.
Đầu tiên, người chơi sẽ tung 4 thanh Yut làm bằng gỗ. Nếu kết quả có một thanh ngửa mặt phẳng lên trên thì gọi là “do”, hai thanh là “gae”, 3 thanh là “geol” còn 4 thanh là “yut”. Nếu cả 4 thanh ngửa mặt hình bán nguyệt lên trên thì gọi là “mo”. Nếu tung được vào “yut” hoặc “mo” sẽ được thêm một lượt đi.
“Do”, “gae”, “geol”, “yut” và “mo” lần lượt tượng trưng cho 5 loài vật là: lợn, chó, cừu, bò và ngựa.
Trò chơi truyền thống có lịch sử lâu đời này đã trở thành một nét văn hóa truyền thống tiêu biển của Hàn Quốc và được Cục Di sản văn hóa quốc gia Hàn Quốc chỉ định là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào ngày 11/11/2022 vừa qua.
Không chỉ Yut Nori, trò chơi đá cầu và ném tuho cũng là những trò chơi truyền thống được yêu thích trong dịp Tết âm lịch. Trò chơi đá cầu tại Hàn Quốc có tên gọi là Jegichagi, cầu jegi xưa kia được làm từ đồng xu và giấy hanji truyền thống, ngày nay đã được thay bằng bằng kim loại và nhựa vinyl. Người chơi sẽ tâng cầu jegi sao cho cầu không bị rơi xuống đất. Ngày nay, trên nhiều chương trình giải trí truyền hình, jegichagi vẫn được đưa vào như một trò chơi thú vị phân thua thắng tạo nên yếu tố giải trí đầy thú vị.
Trò chơi ném Tuho cũng là một trò chơi phổ biến tại Hàn Quốc, được lưu giữ qua nhiều năm. Đây vốn là trò chơi phổ biến trong các gia đình hoàng tộc, và tầng lớp thượng lưu Hàn Quốc, rồi dần trở thành trò chơi dân gian phổ biến khắp nơi. Người chơi sẽ ném mũi tên vào một chiếc lọ gỗ nhỏ, và được tính điểm theo số mũi tên trong lọ. Người thắng được gọi là Hyeon, người thua gọi là Bulseung.
Văn hóa biếu tặng quà
tại Hàn Quốc
Giống như Việt Nam, thời điểm trước Tết âm lịch cũng là thời điểm mà các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng, khu chợ tại Hàn Quốc trở nên nhộn nhịp vô cùng. Họ đến sắm sửa những món quà biếu trang trọng dành tặng cho người thân trong gia đình, bạn bè.
Người Hàn Quốc thường biếu tặng nhau thực phẩm chức năng, hải sản, thịt bò Hàn, hay set hoa quả được gói đẹp mắt theo phương thức truyền thống. Ngày nay, mua sắm online phát triển hơn, nên những dịp gần Tết, dịch vụ vận chuyển cũng trở nên bận rộn hơn để chuyển phát đơn hàng trước Tết.
Những set quà biếu tặng dịp Tết được gói ghém đẹp mắt theo phong cách truyền thống.
Những set quà biếu tặng dịp Tết được gói ghém đẹp mắt theo phong cách truyền thống.
Những set quà biếu tặng dịp Tết được gói đẹp mắt theo phong cách truyền thống.
Những set quà biếu tặng dịp Tết được gói đẹp mắt theo phong cách truyền thống.
Tham quan, du lịch
Hàn Quốc vào dịp
Tết âm lịch
Nếu bạn ở Seoul trong những ngày Tết, đừng quên tìm đến Làng cổ Hanok Namsan, nằm ở trung tâm thủ đô Seoul, với kiến trúc độc đáo cổ xưa. Ngôi làng này vốn là nơi sinh sống của những quý tộc thời đại Joseon. Do đó kiến trúc và văn hóa sống của nơi đây vẫn được bảo tồn cho đến tận ngày nay.
Mỗi dịp Tết đến, làng cổ Hanok Namsan lại nhộn nhịp với những hoạt động văn hóa truyền thống của người Hàn Quốc như làm búp bê, làm đồ thủ công bằng giấy Hanji…
Gyeongbokgung, Deoksugung cũng là những địa điểm tham quan thu hút người dân địa phương và khách du lịch vào dịp Tết âm lịch.
Bạn có thể chiêm ngưỡng được màn lễ đổi gác kiểu triền đình của cảnh vệ Hoàng gia Hàn Quốc tại Gyeongbokgung, và trực tiếp tham gia trải nghiệm những trò chơi truyền thống thú vị tại Deoksugung.
Bảo tàng quốc gia Hàn Quốc và bảo tàng Dân gian Quốc gia Hàn Quốc cũng là hai điểm đến thu hút đông đảo khách tham quan vào ngày Tết. Những buổi biểu diễn độc đáo và những trò chơi dân gian truyền thống sẽ đón chờ bạn tại nơi đây.
Ngày Tết ở Hàn Quốc
thời nay
Ngày nay, vào dịp Tết âm lịch, người Hàn Quốc không còn quá coi trọng việc quây tụ tại gia đình trưởng nam, trong nhiều gia đình, họ sẽ phân chia với nhau, mỗi năm tụ họp tại một nơi để tránh vất vả cho gia đình của trưởng nam, cùng nhau chia sẻ việc cúng lễ Tổ tiên.
Bên cạnh những gia đình duy trì phong tục truyền thống, quây quần bên nhau, người trẻ Hàn Quốc cũng cho rằng Tết là dịp nghỉ ngơi. Không ít người tận dụng dịp nghỉ lễ này để dành thời gian riêng cho bản thân, hoặc đi du lịch với bạn bè, người thân, cùng nhau khám phá những chân trời mới.
Tuy vậy, cho dù ở đâu, họ cũng không quên gửi tới những người yêu thương lời chúc mừng năm mới đầy tài lộc và sức khỏe dồi dào.
Ngày xuất bản: 22/1/2023
Nội dung: Linh Lê
Trình bày: Ngô Hương