TÁC CHIẾN PHÒNG KHÔNG

TRONG CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ

Những bài học kinh nghiệm của chiến thắng Điện Biên Phủ là vô cùng phong phú và nhiều mặt, trong đó những kinh nghiệm về tác chiến phòng không trong chiến dịch cũng hết sức quý báu, đã góp phần quan trọng trong việc hình thành và phát triển nghệ thuật tác chiến phòng không sau này của chúng ta.

Kết thúc chiến dịch, bộ đội pháo cao xạ đã được Bộ Tổng tư lệnh nhận xét: "Đoàn 367 luôn luôn nêu cao tinh thần chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn, hành quân cơ giới giỏi, giữ được bí mật binh chủng cho đến giờ tiến công của chiến dịch, giành được yếu tố bất ngờ về chiến thuật. Trong chiến đấu luôn luôn dũng cảm, kiên cường, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ của bộ giao cho".

Thế nhưng, theo chúng tôi, sự đóng góp của bộ đội pháo cao xạ ở Điện Biên Phủ không chỉ dừng lại ở đây. Điều quan trọng hơn là một sự mở đầu. Chiến dịch lịch sử mang tính chiến lược này đánh dấu sự ra đời của một binh chủng mới - binh chủng pháo cao xạ, sự xuất hiện một mặt trận mới - mặt trận đất đối không. Sự mở đầu bao giờ cũng có ý nghĩa đặc biệt của nó và thường để lại những dấu ấn. Sự mở đầu đúng lúc, đúng chỗ, phù hợp với sự phát triển khách quan của lịch sử, có tác dụng tích cực không những đối với thời điểm đó mà còn phát huy tác dụng trong suốt tiến trình phát triển về sau. Sự xuất hiện của binh chủng pháo cao xạ và cuộc chiến đấu anh hùng của nó ở Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ mang đầy đủ ý nghĩa như thế.

Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị xung kích, các chiến sĩ cao xạ pháo đang đánh trả quyết liệt máy bay địch ở Điện Biên Phủ

Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị xung kích, các chiến sĩ cao xạ pháo đang đánh trả quyết liệt máy bay địch ở Điện Biên Phủ

Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị xung kích, các chiến sĩ cao xạ pháo đang đánh trả quyết liệt máy bay địch ở Điện Biên Phủ.

Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị xung kích, các chiến sĩ cao xạ pháo đang đánh trả quyết liệt máy bay địch ở Điện Biên Phủ.

1. Sự xuất hiện của bộ đội pháo cao xạ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là một tất yếu lịch sử

Kỷ niệm 30 năm trận đánh vĩ đại Điện Biên Phủ, đồng thời cũng là kỷ niệm 30 năm Ngày bộ đội pháo cao xạ ra quân đánh thắng trận đầu. Điều trùng hợp này không phải là ngẫu nhiên mà mang đầy đủ tính tất yếu của một sự kiện lịch sử. Có thể nói, nếu như chiến cuộc Đông-Xuân 1953-1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ là sự phát triển tất yếu của cuộc kháng chiến chống Pháp thì sự ra đời của pháo cao xạ vào giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh cũng là sự phát triển tất yếu khách quan của quá trình xây dựng lực lượng vũ trang theo quy luật từ không đến có, từ yếu đến mạnh, từ thô sơ đến hiện đại.

Quân và dân ta đã biết dùng súng trường bắn máy bay địch ngay từ đầu năm 1946, nhưng mãi đến cuối năm 1951, đầu năm 1952, những tiểu đoàn súng máy phòng không 12,7 ly nằm trong biên chế các đại đoàn chủ lực mới ra đời, đáp ứng một đòi hỏi khách quan của cuộc chiến đấu đã quy mô lớn hơn trước.

Sau các Chiến dịch Biên giới, Hòa Bình, Tây Bắc..., chúng ta đã giành thế chủ động trên chiến trường. Kẻ địch điên cuồng giãy giụa hòng cứu vãn tình thế. Đế quốc Mỹ tăng cường viện trợ, can thiệp sâu vào Đông Dương.

Học thật tốt, thật nhanh, để sớm ra chiến đấu.
Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị cho đoàn pháo cao xạ

Hình thái chiến tranh ngày càng phát triển. Về phía ta, muốn giành thắng lợi lớn hơn để đi tới thắng lợi hoàn toàn, nhất định chúng ta phải thực hành những trận đánh lớn, quy mô hiệp đồng binh chủng, tiêu diệt những tập đoàn chủ yếu của địch mới tạo nên những bước ngoặt quan trọng vào thời kỳ cuối của cuộc chiến tranh. Về phía địch, với mục đích chiếm đất, giữ đất, để tránh khỏi bị tiêu diệt, hình thức tập đoàn cứ điểm xuất hiện trên chiến trường Đông Dương mà Nà Sản là một thí dụ. Chúng ta đã đánh Nà Sản nhưng không thành công vì thiếu những điều kiện cần thiết. Một trong những điều kiện đó là chúng ta chưa có lực lượng phòng không đủ mạnh để có thể khống chế được không quân địch. Nava đã lạc quan "tin chắc vào sự tốt đẹp của tập đoàn cứ điểm trong tầm với của không quân. Cái đã thành công ở Nà Sản có thể tiến hành ở nơi khác và có thể ở Điện Biên Phủ, căn cứ lục quân, không quân tương lai".

Mặt khác, tác chiến càng lớn thì yêu cầu vận chuyển tiếp tế càng nhiều, hậu phương càng phải mạnh và phải được bảo vệ vững chắc cả vùng đất lẫn vùng trời. Như vậy, yêu cầu sự có mặt của lực lượng phòng không mạnh trong lực lượng vũ trang của ta vào thời điểm của chiến cuộc Đông-Xuân 1953-1954 là hết sức cần thiết, là yêu cầu của khách quan, tất yếu không thể khác được. Đảng ta, Bộ Tổng Tư lệnh của chúng ta đã nghĩ đến điều đó từ sớm và đã từng bước chuẩn bị cho sự kiện này ra đời. Ngày 1/4/1953, tiểu đoàn pháo cao xạ 37 ly đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam chính thức được thành lập mang tên là Đoàn 367. Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị cho đoàn pháo cao xạ: "Học thật tốt, thật nhanh, để sớm ra chiến đấu". Giữa khóa học, đồng chí Lê Duẩn đã đến tận thao trường chuyển lời thăm hỏi ân cần của Bác Hồ và căn dặn cán bộ chiến sĩ: "Đoàn pháo cao xạ của ta ra đời giữa lúc cuộc đọ sức giữa quân và dân ta với bọn giặc Pháp xâm lược được đế quốc Mỹ giúp sức đang diễn ra quyết liệt... Lần đầu tiên, chiến sĩ công nông ta được Đảng giao cho những vũ khí mới, các đồng chí không những cần học tốt mà còn phải sử dụng tốt trong chiến đấu, quyết trừng trị không quân địch". Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh cũng dành nhiều thời gian theo dõi, giúp đỡ đoàn pháo cao xạ đầu tiên của quân đội ta. Đồng chí Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Bí thư Tổng Quân ủy đã trực tiếp viết thư cho cán bộ, chiến sĩ Đoàn 367: "Trong hoàn cảnh một nước, một quân đội chưa có không quân thì binh chủng pháo cao xạ lại càng rất quan trọng... Sự ra đời của bộ đội pháo cao xạ đánh dấu một bước trưởng thành của quân đội ta trên con đường tiến lên chính quy, hiện đại". Rõ ràng, sự ra đời của bộ đội pháo cao xạ Việt Nam đã được Đảng ta chuẩn bị hết sức chu đáo cả về tư tưởng, tổ chức và thời cơ. Chưa đầy một năm sau ngày thành lập, ngày 13/3/1954, pháo cao xạ Việt Nam đã bất ngờ xuất hiện tại lòng chảo Điện Biên Phủ, chính thức mở mặt trận đất đối không, hiên ngang đương đầu trực diện với lực lượng không quân nhà nghề của quân đội Pháp, được đế quốc Mỹ viện trợ, làm cho kẻ thù hết sức choáng váng.

Bộ Thống soái địch đã phân tích rất kỹ khi quyết định chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược với ta trong Đông Xuân 1953-1954. Kế hoạch chiếm đóng Điện Biên Phủ còn được thông qua Bộ Quốc phòng Mỹ và được Chính phủ Mỹ chuẩn y. Tướng Lơ Blăng, chỉ huy pháo binh toàn Đông Dương, tướng Cogny, Tư lệnh quân Pháp ở Bắc Bộ, am hiểu nhiều về pháo binh, Đại tá chỉ huy pháo binh Bắc Bộ và các cố vấn Mỹ chuyên trách về pháo binh, đều nhất trí cho Điện Biên Phủ là một tập đoàn cứ điểm lý tưởng về mọi mặt. Đại tá Piroth, chỉ huy pháo binh ở Điện Biên Phủ đã ngạo mạn tuyên bố: Chỉ trong 10 phút sẽ làm cho pháo binh của Việt Minh câm họng, chỉ trong hai ngày sẽ làm cho pháo binh Việt Minh tan tác.

Tập đoàn cứ điểm có hai sân bay, trong đó, riêng sân bay ở khu trung tâm thuộc vào loại lớn nhất Đông Dương hồi đó, máy bay hạng nặng có thể lên xuống được. Một cầu hàng không Hà Nội-Điện Biên Phủ được thiết lập từ tháng 11/1953, hằng ngày tiếp tế khoảng 200 tấn lương thực, đạn dược xuống tập đoàn cứ điểm. Navarre cho rằng "số phận của Điện Biên Phủ gắn liền hơn bao giờ hết với vai trò của không quân". Ngày 17/3/1954, tướng Navarre viết trong nhật lệnh gửi quân đội của chúng: Toàn bộ lực lượng của không quân sẽ đưa lên mặt trận Điện Biên Phủ. Thắng lợi của ta dựa trên sự hoạt động có hiệu quả của không quân.

Bộ Chỉ huy địch chủ quan cho rằng, nếu ta tiến công vào Điện Biên Phủ thì: "Việt Minh sẽ tự đưa mình vào cái bẫy" mà chúng đã giăng sẵn và nhất định sẽ bị "nghiền nát". Còn tướng Mỹ O. Daniel, Trưởng Phái đoàn quân sự Mỹ ở Đông Dương thì tuyên bố như đinh đóng cột: "Điện Biên Phủ là bất khả xâm phạm".

Ngày 13/3/1954 cuộc tiến công bắt đầu đánh liên tục 55 ngày đêm vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ảnh: Pháo của ta bắn vào trận địa địch

Ngày 13/3/1954 cuộc tiến công bắt đầu đánh liên tục 55 ngày đêm vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ảnh: Pháo của ta bắn vào trận địa địch

Lòng tin của bọn tướng, tá Pháp-Mỹ không phải là không có căn cứ. Đặc biệt chúng hy vọng rất lớn vào không quân, lực lượng mà suốt tám năm ngang nhiên tung hoành trên bầu trời các chiến trường Đông Dương, gây cho ta những khó khăn lớn về nhiều mặt, nhất là về mặt tác chiến. Suốt tám năm, hầu như toàn bộ hoạt động của chúng ta đều diễn ra về ban đêm, kể cả hậu phương và tiền tuyến. Thách thức ta đánh trận Điện Biên Phủ, địch dự tính một phần lớn lực lượng của đối phương sẽ bị không quân của chúng tiêu diệt trên đường hành quân. Khi chủ lực ta tập trung quanh lòng chảo Điện Biên Phủ như "nằm trong một cái túi" thì chúng sẽ mở một chiến dịch ném bom lớn để tiêu diệt sinh lực của ta, đến mức ta không còn đủ sức tiến công nữa.

Như vậy, Bộ Thống soái địch đã nuôi hy vọng chỉ bằng không quân thôi đã có thể bóp nghẹt đối phương ngay từ khi chiến dịch chưa được mở màn. Trong chiến tranh, giữa hai bên tham chiến khi một bên có một loại vũ khí áp đảo bên kia thì so sánh lực lượng thường sẽ không có lợi cho bên không có thứ vũ khí đó. Nhưng trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, chúng ta chưa thể có một lực lượng phòng không đủ các binh chủng hiện đại như ngày nay để đánh trả không quân địch. Vì vậy, sự xuất hiện vũ khí pháo cao xạ, mặc dù chỉ là pháo cao xạ cỡ nhỏ, cũng đóng một vai trò hết sức quan trọng. Ăngghen đã chỉ ra sự phụ thuộc của chiến thuật vào kỹ thuật và vũ khí bằng luận điểm nổi tiếng: "Cùng với sự xuất hiện các loại vũ khí mới thì những hình thức chiến thuật tác chiến cũng thay đổi"3. Trận đánh hiệp đồng binh chủng, với sự tham gia lần đầu của pháo cao xạ ở Điện Biên Phủ và sự đóng góp tích cực của nó vào chiến thắng chung là một chứng minh hùng hồn luận điểm đúng đắn đó của Ăngghen. Trước hết, do nắm trong tay một lực lượng phòng không đáng kể và tin vào khả năng sáng tạo của nó, Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh của chúng ta đã vững vàng hạ quyết tâm chấp nhận trận quyết chiến chiến lược với địch ở Điện Biên Phủ, mặc dù lúc đầu dự kiến trận đánh chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn ngày, nhưng là một trận đánh công kiên, trận địa và đặc biệt là diễn ra cả ban ngày. Có thể nói là từ đây, lần đầu tiên sau tám năm kháng chiến, với sự có mặt của binh chủng pháo cao xạ, chúng ta đã có thể chuyển những hoạt động tác chiến chủ yếu từ ban đêm sang ban ngày. Pháo binh hạng nặng của ta có thể bố trí trận địa cố định hàng tháng trời. Đây cũng là lần đầu tiên quân đội ta dàn trận đối mặt với một kẻ địch mạnh, quân đội của một cường quốc, mà suốt tám năm bọn chúng cứ huênh hoang là "thường xuyên săn tìm chủ lực Việt Minh, nhưng đều bị lẩn tránh". Vào năm thứ chín của cuộc kháng chiến này, tình hình đã đổi khác. Lịch sử đã sang trang. Chính sự ra đời của bộ đội pháo cao xạ đã góp phần vào sự chuyển biến tất yếu đó của lịch sử.

16 giờ ngày 13/3/1954, pháo cao xạ của ta bắt đầu lên tiếng. Không quân địch hoàn toàn bị bất ngờ, hết sức lúng túng. Bộ binh ta được bảo vệ an toàn, từ vị trí xuất phát tiến công đến vị trí xuất phát xung phong. Với sức mạnh được nhân lên gấp bội khi nhìn thấy lần đầu tiên có pháo cao xạ cùng mình tham gia chiến đấu, các chiến sĩ bộ binh Đại đoàn 312 ào ạt xông vào đồn địch. Vào 23 giờ 30 phút cùng ngày, ta đã hoàn toàn tiêu diệt cứ điểm Him Lam.

Ngày 14/3/1954, bộ binh tiếp tục đánh cứ điểm Độc Lập. Các đại đội pháo cao xạ được lệnh vượt qua cánh đồng Bản Tố trống trải, dưới tầm phi pháo ác liệt của địch, theo sát bộ binh, tiếp tục bảo vệ an toàn cho đội hình tiến công của chiến dịch, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đợt một: tiêu diệt hoàn toàn phân khu bắc của tập đoàn cứ điểm.

Bước vào đợt hai chiến dịch, vừa làm nhiệm vụ yểm hộ cho bộ binh tiếp tục tiến công, vừa thực hiện quyết tâm triệt đường không của địch, hai đại đội của Tiểu đoàn 394 tiến hẳn xuống cánh đồng Noọngpét (tây-nam Mường Thanh), một đại đội vào hẳn cánh đồng Hồng Lếch (tây sân bay Mường Thanh 1km). Tiểu đoàn cao xạ 381 mới được tăng cường từ hậu phương lên, vào hoạt động trên cánh đồng quanh đồi Độc Lập (bắc sân bay). Bên phía đông, tiểu đoàn 383 tiến vào hoạt động ở phía đông và đông-nam đồi A1, cùng với tiểu đoàn súng máy phòng không của Đại đoàn 316, chiếm lĩnh trận địa quanh các điểm cao bộ binh ta vừa chiếm được ở khu đông.

Như vậy, ngay trong đợt hai, lưới lửa phòng không của ta đã hình thành thế bao vây vùng trời, cùng với thế bao vây mặt đất của bộ binh, đẩy địch vào nguy cơ không tránh khỏi diệt vong. Ngay từ ngày 18/3/1954, Bộ Chỉ huy địch phải bắt đầu thực hiện kế hoạch thả dù tiếp tế ban đêm. Như thế là trong lúc chúng ta chuyển từ đêm sang ngày thì địch, kẻ hợm hĩnh về sức mạnh của không quân đã phải chuyển từ ngày sang đêm. Sự "đổi ngôi", chuyển vị này báo hiệu một chuyển biến mới trong cục diện chiến tranh. Nó được bắt đầu từ Điện Biên Phủ với sự xuất hiện của một binh chủng mới: binh chủng pháo cao xạ Việt Nam.

Item 1 of 1

Pháo cao xạ Điện Biên Phủ.

Pháo cao xạ Điện Biên Phủ.

Máy bay của Pháp rơi tại mặt trận Điện Biên Phủ năm 1954.

Máy bay của Pháp rơi tại mặt trận Điện Biên Phủ năm 1954.

Ngày 13/3/1954, mở đầu chiến dịch, bộ đội pháo binh của ta đã dội bão lửa xuống đầu bọn xâm lược Pháp tại Điện Biên Phủ.

Ngày 13/3/1954, mở đầu chiến dịch, bộ đội pháo binh của ta đã dội bão lửa xuống đầu bọn xâm lược Pháp tại Điện Biên Phủ.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, quân ta đã bắn rơi và phá hủy 177 máy bay các loại của địch, trong đó có 62 chiếc do các lực lượng phòng không của ta bắn rơi. Ảnh: 1 trong số 62 máy bay giặc Pháp bị ta bắn rơi đang bốc cháy trên bầu trời Điện Biên.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, quân ta đã bắn rơi và phá hủy 177 máy bay các loại của địch, trong đó có 62 chiếc do các lực lượng phòng không của ta bắn rơi. Ảnh: 1 trong số 62 máy bay giặc Pháp bị ta bắn rơi đang bốc cháy trên bầu trời Điện Biên.

Bước vào đợt ba chiến dịch, bộ đội pháo cao xạ lại càng khép chặt vòng vây vùng trời hơn nữa. Ngoài ra, đêm đêm còn tổ chức cho từng trung đội, có khi từng khẩu đội vào phục kích máy bay địch ngay sát trung tâm. Đây cũng là giai đoạn địch điên cuồng chống trả, ra sức giành giật với ta từng cứ điểm. Bộ đội pháo cao xạ đã hiệp đồng chặt chẽ với bộ binh, pháo binh đánh địch phản kích, giữ vững từng cứ điểm vừa chiếm được.

Từ đánh máy bay địch bảo vệ đội hình tiến công trong đợt một đến phối hợp cùng bộ binh, pháo binh cơ động đánh địch bảo vệ các trận địa vừa chiếm được trong đợt hai, từng bước khống chế vùng trời, đến cơ động phục kích đánh địch ban đêm ở đợt ba, dần dần đi đến triệt đường không của địch, bộ đội pháo cao xạ đã từng bước nâng cao trình độ tác chiến, càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng. Và ngày 7/5/1954, ngày cuối cùng của chiến dịch lịch sử, chỉ trong vòng 25 phút từ 9 giờ đến 9 giờ 25 phút đã liên tiếp bắn rơi hai máy bay Cướp biển của địch, do Mỹ vừa viện trợ, và cùng do chính phi công Mỹ lái. Đây là chiếc máy bay thứ 61, 62 của địch bị bắn rơi trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

"Đoàn pháo cao xạ của ta ra đời giữa lúc cuộc đọ sức giữa quân và dân ta với bọn giặc Pháp xâm lược được đế quốc Mỹ giúp sức đang diễn ra quyết liệt... Lần đầu tiên, chiến sĩ công nông ta được Đảng giao cho những vũ khí mới, các đồng chí không những cần học tốt mà còn phải sử dụng tốt trong chiến đấu, quyết trừng trị không quân địch".

2. Một số vấn đề nghệ thuật tác chiến phòng không trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Lần đầu tiên ra trận đương đầu với một lực lượng không quân nhà nghề tương đối lớn của quân đội thực dân Pháp, được đế quốc Mỹ viện trợ, bộ đội pháo cao xạ Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, giành thắng lợi vẻ vang, góp phần quan trọng vào sự toàn thắng của quân đội ta trong trận quyết chiến chiến lược vĩ đại.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, lần đầu tiên bộ binh ta ở hướng chủ công được pháo cao xạ bảo đảm an toàn trên không phận cả ngày lẫn đêm. Pháo cao xạ cũng góp phần quan trọng vào nhiệm vụ giữ vững giao thông thông suốt từ hậu phương ra chiến trường, bảo đảm vững chắc "một trong những nhân tố thường xuyên quyết định thắng lợi của chiến tranh". Ngoài Tiểu đoàn 396 được giao nhiệm vụ bảo vệ hậu phương chiến dịch, đã bắn rơi 9 máy bay địch, bắn bị thương 18 chiếc khác, hai Tiểu đoàn 392, 385 được giao nhiệm vụ bảo vệ hậu phương chiến lược cũng đã bắn rơi 5 máy bay địch, bắn bị thương 14 chiếc khác.

Bộ Thống soái Pháp, với quan điểm không quân là con "hoàng bài" của chiến thắng, đã tung lên chiến trường Điện Biên Phủ hầu hết lực lượng không quân có trong tay ở chiến trường Đông Dương lúc bấy giờ. Vào giai đoạn cuối của chiến dịch, lại có thêm những lực lượng quan trọng của không quân Mỹ giúp sức, với tổng cộng 3.691 lần chiếc xuất kích, trong đó riêng loại ném bom hạng nặng, hạng trung B24, B26 là 1.043 lần chiếc và 1.115 lần chiếc khu trục các loại. Riêng ngày 7/1/1954 chúng huy động đến 147 lần chiếc1. Báo Le Figaro, ngày 12/4/1954 viết: "Bộ Chỉ huy đã ném tất cả lực lượng không quân vào cuộc chiến đấu ở Điện Biên Phủ. Máy bay Pháp lồng lộn một cách khủng khiếp trên vùng trời cứ điểm, ném bom bắn phá không lúc nào ngừng các vị trí của quân đội Việt Minh, các quả đồi ở hậu phương, nơi đặt các kho dự trữ và các con đường tiếp tế... Chưa bao giờ sự tập trung không quân lớn như thế được thực hiện ở Đông Dương". Còn báo Nước Pháp buổi chiều ngày 9/6/1954, tính toán chi ly hơn: "Chỉ trong vòng một tháng chúng ta ném vào cuộc chiến đấu 450 máy bay, xuất trận 6.000 lần chiếc, nghĩa là hằng ngày có 200 lần chiếc xuất hiện và mỗi giờ gần 10 lần chiếc. Nếu chúng ta nghĩ rằng mỗi máy bay hoạt động từ 10-40 phút trên căn cứ cố thủ thì có thể nói là thường xuyên có hàng chục máy bay lượn vòng trên lòng chảo, cái thì thả dù lương thực và đạn dược, cái thì ném bom, cái thì bắn phá mặt đất và cái cuối cùng thì thả napan-một vòng quay trong chu vi chỉ rộng có 10-20km. Vùng trời Điện Biên Phủ dày đặc máy bay và cũng may là không xảy ra máy bay đâm nhau. Suốt 24 giờ trong ngày, một máy bay chỉ huy lượn trên lòng chảo để chỉ huy các hoạt động không quân và suốt đêm các máy bay "đom đóm" làm nhiệm vụ thường trực".

Với lực lượng không quân lớn như vậy, cộng với pháo binh của tập đoàn cứ điểm, lúc đầu bọn chỉ huy Pháp huênh hoang là nếu pháo cao xạ Việt Minh xuất hiện ở lòng chảo Điện Biên Phủ thì chúng sẽ xóa sổ trong vòng một, hai ngày. Nhưng kết quả diễn ra hoàn toàn ngược lại. Pháo cao xạ Việt Nam không những không bị tiêu diệt mà càng đánh, càng mạnh, trình độ tác chiến ngày một nâng cao, kinh nghiệm tác chiến ngày càng phong phú. Chiếc máy bay đầu tiên của địch bị hạ trong đợt một là một chiếc Moran, loại trinh sát, và chiếc cuối cùng là một chiếc cường kích Cướp biển vào loại hiện đại lúc bấy giờ, do phi công Mỹ lái, có radar bảo đảm bay trong mọi thời tiết. Riêng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ chúng ta đã bắn rơi 62 máy bay địch, bắn bị thương 177 chiếc khác, gồm 9 kiểu, loại khác nhau.

Ngày 6/5/1954, ta mở cuộc tổng công kích vào Điện Biên Phủ. Ảnh: Quả bộc phá 1 tấn thuốc nổ phá tan các lô cốt và hầm ngầm cố thủ của địch trên đồi A1, 1 vị trí quan trọng trong Điện Biên Phủ, ta đã tiêu diệt ở đây 1 tiểu đoàn Âu Phi

Ngày 6/5/1954, ta mở cuộc tổng công kích vào Điện Biên Phủ. Ảnh: Quả bộc phá 1 tấn thuốc nổ phá tan các lô cốt và hầm ngầm cố thủ của địch trên đồi A1, 1 vị trí quan trọng trong Điện Biên Phủ, ta đã tiêu diệt ở đây 1 tiểu đoàn Âu Phi

"Trận Điện Biên Phủ mà người ta quan niệm như là một trận đánh anh dũng và không may trên bộ, thực ra là một trận thất bại của pháo binh và không quân như năm 1940". Clôđơ đã viết như vậy trong sách Hai mươi năm xâu xé nước Pháp. Một thất bại của không quân. Đây là một sự thật lịch sử khó tưởng tượng nổi. Ai cũng biết trong cuộc chiến tranh này, chúng ta chưa có không quân mà kẻ địch, chỉ riêng trong trận Điện Biên Phủ, đã tung vào các máy bay ném bom: Bắt đầu trận chiến có 48 chiếc B26, 8 chiếc B24, 112 tiêm kích (Hencát, Biacát, Coócxe, F4U). Số này còn được tăng thêm trong chiến dịch và cuối cùng lên tới 227 chiếc. Đó là chưa kể các loại máy bay khác. Điều rất đáng nói ở đây là chính không quân Mỹ cũng cùng chung số phận thất bại trong trận đánh lịch sử này. Những ngày cuối cùng, khi tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đang trong cơn hấp hối, Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đã liên tục họp nhiều phiên khẩn cấp để bàn việc cứu nguy cho Điện Biên Phủ. Đài AFP ngày 28/4/1954 đã chuyển đi bản sơ kết những kết quả mà tướng Ély, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Pháp, sang tận nước Mỹ cầu cứu xin viện trợ: Đến giữa tháng 4/1954, Mỹ đã viện trợ cho Pháp 75 máy bay B26, 25 máy bay Coócxe, 20 Đakôta, một số máy bay Hencát và C54, cho Pháp mượn 49 máy bay C119 (cả phi công).

Trong bài nghiên cứu chuyên đề về hoạt động không quân ở Điện Biên Phủ đăng trong Tạp chí Quốc phòng Ireland, M. Harion viết: Một điểm quan trọng nữa cần nêu lên là lực lượng tiến công hoàn toàn không có không quân (không có lấy một chiếc máy bay) còn lực lượng bị vây hãm thì lại có một lực lượng không quân to lớn yểm hộ. Nhưng tất cả các lực lượng không quân ấy không đem lại cho phía cố thủ một chút gì hơn ngoài con số không và không có bằng chứng gì chứng tỏ rằng tướng Giáp đã bỏ những mục đích của ông ta. Quân của ông ta hình như không bị thiệt hại gì mấy do máy bay Pháp bắn phá. Thời tiết thì rất thuận lợi cho không quân Pháp, cho nên người ta rất lấy làm lạ sao không quân hoạt động không có kết quả, trong lúc mục tiêu thì tập trung vào một phạm vi chiến đấu hẹp mà đối phương thì không có một chiếc máy bay nào chống lại.

Như vậy, lực lượng không quân khá hùng hậu của Pháp, Mỹ ở Điện Biên Phủ đã thất bại trước đối thủ của nó là bộ đội phòng không trẻ tuổi Việt Nam với 36 khẩu pháo cỡ 37 ly và một số đơn vị 12,7 ly. Đó là một sự chênh lệch khó tưởng tượng nổi trong so sánh lực lượng của cuộc chiến đấu đất đối không trên vùng trời Điện Biên Phủ.

Trong hoàn cảnh đó, vấn đề cách đánh hay nói một cách rộng hơn, nghệ thuật tác chiến, đã đóng một vai trò quan trọng trong việc làm chuyển hóa lực lượng giữa ta và địch. Chính nó có thể phá vỡ sự tuyệt đối hóa ưu thế về mặt số lượng và vật chất kỹ thuật trong so sánh lực lượng giữa hai bên. Tác chiến phòng không ở Điện Biên Phủ là một hiện thực sinh động mà từ đó một số vấn đề về nghệ thuật đã được đặt ra và bước đầu được giải quyết một cách thắng lợi:

Một là, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã xác định đúng nhiệm vụ chủ yếu của binh chủng pháo cao xạ trong tác chiến binh chủng hợp thành.

Ngay từ đầu chiến dịch và suốt cả ba đợt chiến đấu, bộ đội pháo cao xạ đã lấy việc yểm hộ bộ binh và pháo binh làm nhiệm vụ trung tâm của mình. Chính vì vậy mà các chiến sĩ pháo cao xạ đã không nề hà khó khăn, nguy hiểm, theo sát bộ binh, chiếm lĩnh trận địa dưới tầm hỏa lực của máy bay và pháo binh địch, thậm chí phải chiếm lĩnh trận địa giữa ban ngày, dù biết chắc là có thương vong, tổn thất, cũng không lùi bước. Thực hiện khẩu hiệu: "Bộ binh đi đến đâu, pháo cao xạ đi đến đó", suốt trong cả chiến dịch, lưới lửa pháo cao xạ đã làm tốt nhiệm vụ là cái "áo giáp" đáng tin cậy của bộ binh, pháo binh. Một giờ sáng ngày 23/4/1954, một đơn vị của Đại đoàn 308 đánh chiếm cứ điểm 206. Bộ Chỉ huy mặt trận kêu gọi các đơn vị bộ binh, pháo binh, cao xạ hiệp đồng chặt chẽ, bẻ gãy các cuộc phản kích của địch, bảo vệ vững chắc cứ điểm vừa chiếm được. Nhận được lệnh của trên, Đại đội 816, Tiểu đoàn 383 đã không quản nguy hiểm, dùng xe ô-tô kéo pháo qua ngay dưới chân đồi A1 trước làn đạn bắn thẳng của địch. Chiếc xe chở đạn cuối cùng bị trúng đạn đại bác. Các chiến sĩ lăn xả vào cứu đạn. Một số đồng chí ngã xuống, nhưng những hòm đạn đã được chuyển nhanh ra khỏi vòng nguy hiểm. Ba giờ sáng ngày 23/4/1954, Đại đội 816 chiếm lĩnh xong trận địa và ngay sau đó đã cùng bộ binh, pháo binh đánh tan các đợt phản kích của địch, bắn rơi tại chỗ một khu trục, bảo vệ vững chắc cứ điểm 206, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của Bộ Chỉ huy chiến dịch giao cho.

Hai là, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ chúng ta đã giữ được yếu tố bất ngờ của sự xuất hiện pháo cao xạ cho đến phút cuối cùng, tạo được thời cơ nổ súng đúng lúc với ý nghĩa thời cơ là sức mạnh, thời cơ là lực lượng.

Bộ Chỉ huy địch theo dõi chặt chẽ lực lượng của ta tham gia đánh Điện Biên Phủ, đặc biệt là các loại pháo cơ giới. Navarre viết trong hồi ký Đông Dương hấp hối của mình: Tất cả các nhà pháo binh đều cho rằng vì điều kiện địa hình nên pháo binh và cao xạ địch không thể nào chiếm lĩnh được trận địa và nhất là không thể nào phát hỏa mà không bị pháo binh và không quân ta phản kích.

Đầu óc của bọn tướng tá thực dân rõ ràng là không thể nào hiểu nổi sức mạnh Việt Nam, nên đã hoàn toàn bị bất ngờ. Vấn đề này có ý nghĩa rất quan trọng cả về mặt chiến dịch và chiến thuật. Chúng chủ quan cho rằng ta không thể có pháo cao xạ tham gia nên không thể mở chiến dịch tiến công dài ngày mà vẫn đánh theo chiến thuật cũ: Đêm đánh, ngày rút, công đồn, diệt viện... và như vậy sẽ không thể nào đánh được loại tập đoàn cứ điểm như Điện Biên Phủ. Chính vì vậy mà từ Navarre, Cogny, đến De Castries đều lạc quan cho Điện Biên Phủ là bất khả xâm phạm, không những thế chúng còn huênh hoang rải truyền đơn thách thức ta đánh Điện Biên Phủ. Sai lầm của địch là ở đó, thất bại cũng là ở đó.

Nhưng tạo được bất ngờ như sự xuất hiện bất ngờ của pháo cao xạ ở Điện Biên Phủ không phải là điều giản đơn mà là cả một nghệ thuật trong chỉ đạo và thực hiện. Chúng ta đã tổ chức hành quân hết sức chu đáo, chặt chẽ, giữ nghiêm kỷ luật bí mật, kiên quyết không nổ súng dọc đường, mặc dù có lúc máy bay địch bắn phá ngay gần chỗ trú quân. Đây là một thành công lớn. Tiếp đó, chúng ta đã tổ chức kéo pháo vào chiếm lĩnh trận địa cũng tuyệt đối an toàn và giữ được bí mật, kể cả lúc kéo pháo bằng tay cũng như kéo pháo bằng ô-tô. Đường kéo pháo đã được ngụy trang hết sức khéo léo đến mức nghệ thuật. Nhiều đoạn có giàn dây leo ở phía trên như những giàn mướp, có tổ chức từng đoàn kiểm tra hằng ngày. Lá ngụy trang héo đến đâu được thay ngay đến đó. Vì vậy, mặc dù địch thường xuyên cho máy bay trinh sát vẫn không thể nào phát hiện được. Cho đến 16 giờ chiều ngày 13/3/1954, những trận địa pháo cao xạ tuy đã được triển khai sẵn sàng đợi giờ nổ súng vẫn được khéo léo giấu kín dưới những giàn lá ngụy trang. Và khi chiến dịch mở màn thì phi đội 14 của địch hoàn toàn bất ngờ và rối loạn, có thể nói là hoang mang đến cực độ, hầu như mất sức chiến đấu. Đây là điều có thể giải thích được. Từ chỗ rất chủ quan, cho rằng pháo cao xạ không thể vào tận khu vực lòng chảo Điện Biên Phủ. Những phi vụ trên bầu trời Đông Dương chỉ là những cuộc dạo chơi, bọn giặc lái chuyển sang trạng thái hốt hoảng. Yếu tố bất ngờ đã thực sự phát huy tác dụng mạnh mẽ. Chính vì thế trong trận này, Bộ Chỉ huy chiến dịch vẫn xác định đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ở điểm này, Navarre cũng có những lời thú nhận cay đắng: Yếu tố bất ngờ đã tác động rất lớn đến không quân, thấy mình bỗng nhiên vấp phải một lực lượng phòng không mạnh mẽ không ngờ đến và bắt buộc phải giải quyết nhanh chóng nhiều vấn đề mới như phải thả dù ở độ cao lớn và phải có bảo vệ việc thả dù. Để làm việc đó, cần có thời gian lâu mới thích ứng được về mặt tinh thần cũng như vật chất.

Bản thân sự xuất hiện vũ khí mới đã có tác dụng làm thay đổi so sánh lực lượng. Sự xuất hiện đó lại bất ngờ thì càng tạo nên sự chuyển hóa vô cùng quan trọng, đôi khi có tính chất nhảy vọt trong tương quan giữa hai bên đối địch. Đó là kinh nghiệm quý báu rút ra từ sự xuất hiện bất ngờ của pháo cao xạ ở Điện Biên Phủ.

Ba là, linh hoạt, sáng tạo trong việc vận dụng các hình thức chiến thuật, cách đánh.

Binh chủng mới, chiến trường mới, hình thức tác chiến mới, nếu không linh hoạt, sáng tạo sẽ hoàn toàn bị bó tay. Linh hoạt, sáng tạo trước hết được thể hiện trong việc sử dụng lực lượng, mà điều cốt lõi là tập trung được hỏa lực vào hướng chủ yếu, vào thời cơ chủ yếu. Trong đợt một chiến dịch, pháo cao xạ chỉ mới sử dụng năm đại đội, tập trung yểm hộ cho Đại đoàn 312 đánh Him Lam. Sau đó chúng ta lại nhanh chóng di chuyển trận địa theo sát bộ binh, yểm hộ cho Đại đoàn 312 và Đại đoàn 308 đánh cứ điểm Độc Lập. Lực lượng ít nhưng do chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, pháo cao xạ đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bắn rơi 14 máy bay địch trong đợt một, bảo vệ tuyệt đối an toàn cho bộ binh và pháo binh. Rồi trên cơ sở đó, chúng ta kịp thời rút kinh nghiệm, đưa dần lực lượng vào. Làm như vậy, không những địch bị bất ngờ về lực lượng cao xạ của ta trong đợt một mà ngay trong đợt hai địch cũng bị bất ngờ.

Trong tác chiến bảo vệ giao thông, chúng ta cũng đã có những kinh nghiệm quý báu về sử dụng lực lượng và cách đánh linh hoạt sáng tạo. Một đoạn đường dài hàng trăm km từ Tạ Khoa trở vào, qua nhiều trọng điểm như Lũng Lô, Cò Nòi, Pha Đin... chúng ta chỉ có hai đại đội 37 ly của Tiểu đoàn 396 và một đại đội 12,7 ly bảo vệ. Lúc đầu, ta dàn đều lực lượng nên hiệu quả bảo vệ kém. Sau phân tích thấy Cò Nòi là trọng điểm quan trọng nhất nên chúng ta quyết định tập trung lực lượng vào đó, còn chỗ nào công binh, dân công có thể khắc phục được một cách nhanh chóng, dễ dàng, thì không cần thiết phải bố trí cao xạ.

Việc đưa pháo lên trọng điểm Cò Nòi là một kỳ công, thể hiện quyết tâm đánh địch của các chiến sĩ Tiểu đoàn 396. Anh chị em dân công không tiếc sức mình đắp kè qua suối làm đường cho pháo vào chiếm lĩnh trận địa. Dốc cao, xe không kéo nổi khẩu pháo nặng trên hai tấn, pháo thủ, thanh niên xung phong, dân công đã hiệp lực buộc dây cáp vào mui xe kéo pháo lên núi an toàn. Bốn khẩu pháo được bố trí hàng dọc trên dãy núi hình thước thợ, hai khẩu trước cao hơn hai khẩu sau, anh em thường gọi đùa là "trận địa củ khoai Cò Nòi". Thực là một trận địa của tính sáng tạo, một trận địa chưa từng được ghi trong sách vở nào. Và chính từ trận địa lợi hại này, các chiến sĩ Tiểu đoàn 396 đã bắn rơi ba máy bay địch, bắn bị thương bốn chiếc khác, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ giao thông thông suốt từ hậu phương ra chiến trường.

Linh hoạt, sáng tạo còn thể hiện trong vấn đề chọn trận địa. Nếu cứ theo đúng như lý thuyết thì ở Điện Biên Phủ không thể chọn được một trận địa nào cho pháo cao xạ, bởi vì trong tám điều kiện chỉ có một điều kiện là: "Không gần đường dây cao thế". Thực tế chiến trường buộc chúng ta phải linh hoạt xử trí. Trận địa ở trọng điểm Cò Nòi đã được bố trí theo đội hình hàng dọc, chứ không phải bốn khẩu vây quanh sở chỉ huy như thường lệ. Còn ở đèo Lũng Lô thì trận địa lại rộng đến 2.000m, từng khẩu đội cách nhau 300m. Vì quá rộng không thể nghe lệnh chỉ huy bằng miệng, đơn vị phải dùng điện thoại để chuyển lệnh xạ kích. Còn ở Cò Nòi thì dùng xẻng.

Từ thực tiễn tác chiến phòng không ở Điện Biên Phủ cho phép ta kết luận: Khi đã có phương châm chiến lược đúng, phương châm chiến thuật thích hợp thì việc vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo vào điều kiện cụ thế của từng đơn vị, từng địa bàn khác nhau là điều kiện hết sức quan trọng để giành thắng lợi.

Hồ Kẻ Gỗ.

Pháo cao xạ Điện Biên Phủ

Pháo cao xạ Điện Biên Phủ

Tuyến QL 1A đoạn qua địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế bị ngập sâu trong nước lũ.

Các loại vũ khí hiện đại và phương tiện chiến tranh có nhiều thứ mang nhãn hiệu Mỹ bị quân ta phá hủy và thu được tại mặt trận Điện Biên Phủ.

Các loại vũ khí hiện đại và phương tiện chiến tranh có nhiều thứ mang nhãn hiệu Mỹ bị quân ta phá hủy và thu được tại mặt trận Điện Biên Phủ.

Bốn là, vận dụng triệt để đánh gần, đánh tập trung, đánh máy bay địch bổ nhào dựa trên ưu thế tuyệt đối về chính trị, tinh thần của quân đội cách mạng.

Chủ trương đánh gần, bám sát bộ binh, đưa trận địa pháo cao xạ vào sát hàng rào cứ điểm địch là một chủ trương sáng suốt, táo bạo. Đảng ủy và Bộ Chỉ huy chiến dịch đã phân tích đầy đủ các yếu tố chính trị, tinh thần, điều kiện kỹ thuật cho phép mà phát động bộ đội pháo cao xạ theo sát đội hình chiến dịch, khép chặt vòng vây vùng trời tập đoàn cứ điểm, kiên quyết triệt đường không vận của địch. Kết quả là nhiều đạn dược, lương thực, thuốc men, kể cả lính dù của địch lọt vào tay quân ta. Các máy bay địch bị bắn rơi ở Điện Biên Phủ đều nằm trong tầm bắn có hiệu quả của pháo cao xạ 37 ly với hỏa lực tập trung và nhiều chiếc bị bắn rơi tại chỗ trong giai đoạn bổ nhào.

Mặt khác, chính chủ trương cho pháo cao xạ áp sát hàng rào các cứ điểm, chúng ta đã mặc nhiên hạn chế một cách đáng kể uy lực của không quân địch. Từ giữa đợt hai trở đi, trận địa pháo cao xạ ta và cứ điểm địch nằm sát nhau, khiến cho bọn phi công không thể tự do đánh phá mà không sợ bom đạn lạc vào quân của chúng. Trong thực tế đã xảy ra điều đó. "Trận này đã làm nổi bật hai điểm quan trọng trong khoa học quân sự. Đó là chiến thuật đánh gần của cộng sản... và sự thất bại trong việc dùng không quân chống lại chiến thuật ấy".

Khi bộ binh ta đã vây chặt khu trung tâm Điện Biên Phủ, địch chỉ còn một khoảng đất, một vùng trời nhỏ hẹp, máy bay địch bắt buộc phải lượn vòng nhỏ để làm nhiệm vụ tiếp tế, hầu hết các đại đội pháo cao xạ của ta cũng được lệnh tiến hẳn xuống lòng chảo để triệt đường tiếp tế của địch. Ngày 30/4/1954, các phi đội đã được lệnh của Bộ Chỉ huy không quân ở Viễn Đông cấm bay trên lòng chảo Điện Biên dưới ba nghìn thước .

Ngày 13/3/1954, mở đầu chiến dịch, bộ đội pháo binh của ta đã dội bão lửa xuống đầu bọn xâm lược Pháp tại Điện Biên Phủ.

Ngày 13/3/1954, mở đầu chiến dịch, bộ đội pháo binh của ta đã dội bão lửa xuống đầu bọn xâm lược Pháp tại Điện Biên Phủ.

Năm là, nắm vững phương châm tác chiến cơ động, tích cực tiêu diệt địch, bảo vệ mục tiêu, giữ gìn lực lượng ta.

Đây vừa là một thành công, vừa là một kinh nghiệm xương máu của tác chiến phòng không trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhờ tích cực di chuyển trận địa mà lực lượng của ta ít hóa nhiều, giảm được tổn thất do địch đánh phá. Tuy nhiên, không phải ngay từ đầu chúng ta đã nhận thức rõ vấn đề này. Trong đợt một, ta ít di chuyển trận địa nên bị thiệt hại tương đối nhiều. Đợt hai ta kịp thời rút kinh nghiệm, tích cực cơ động, mỗi đại đội thường có ít nhất ba, bốn trận địa dự bị, nên thiệt hại giảm hẳn xuống. Có nhiều trường hợp đơn vị vừa di chuyển thì trận địa cũ bị đánh phá ngay. Có những thiệt hại lẽ ra không đáng có chỉ vì ngại mệt, ngại khó, không chịu di chuyển như Đại đội 816 ở Nà Lòi, tám ngày không di chuyển nên bị địch đánh phá, thương vong cả một khẩu đội. Đặc điểm của pháo cao xạ là bố trí thành từng trận địa tập trung khi bắn, nhất là ban đêm, lại phát sáng, nên dễ bị lộ. Vì thế, việc cơ động trận địa sau mỗi trận đánh, mỗi đợt hoạt động là rất cần thiết. Nếu không có quyết tâm cao, không khắc phục tư tưởng ngại khó, ngại mệt nhọc, ngại thức đêm để hành quân, làm trận địa, thì sẽ bị những tổn thất đáng tiếc. Nhất là vào những ngày cuối của chiến dịch, lực lượng cao xạ triển khai tương đối đông, trên một diện tích không rộng, trận địa lại bố trí ngay giữa lòng chảo dưới tầm phi pháo ác liệt của địch, nhưng nhờ quán triệt nguyên tắc chiến thuật tích cực cơ động, bí mật bất ngờ, nên bộ đội pháo cao xạ đã bảo tồn được lực lượng, liên tục đánh địch, càng đánh càng mạnh. Ngày chiến đấu liên tục, căng thẳng, nhưng đêm đến, cán bộ, pháo thủ, nhân viên cơ quan, nắm chắc cán xẻng trong tay, đào đắp thêm trận địa cho đến mờ sáng. Hôm nay đánh địch ở trận địa này, ngày mai lại chuyển sang đánh địch ở trận địa khác. Có khi chỉ trong một ngày di chuyển đến hai, ba lần. Thậm chí đưa ngay pháo về trận địa mà địch vừa mới đánh hụt để tiếp tục chiến đấu. Do đó, chỉ với 36 khẩu pháo cao xạ cỡ nhỏ, bộ đội pháo cao xạ Việt Nam mới ra quân trận đầu đã làm cho hàng trăm máy bay địch phải lúng túng, bất lực. Tướng Lôranh, Tư lệnh không quân Đông Dương phải cay đắng thú nhận: Không quân Pháp phải thường xuyên xuất hiện bốn lần trên một đường bay trên những nòng pháo phòng không của đối phương. Người ta đã thấy nhiều cầu hàng không khác nhau ở Myanmar, Berlin, nhưng chưa bao giờ thấy như ở đây, cầu hàng không lại rơi đúng vào lưới lửa của nòng súng quân địch. Bằng cách đánh sáng tạo, dũng cảm, biến không thành có, biến ít thành nhiều, tích cực chủ động tiến công địch, các chiến sĩ pháo cao xạ và súng máy phòng không ở Điện Biên Phủ làm cho địch bay vào chỗ nào cũng bị bắn, thả dù hướng nào cũng bị trừng trị. "Việc tồn tại ở thung lũng Điện Biên Phủ và chung quanh Điện Biên Phủ một bộ đội phòng không ngày càng có hiệu lực đã buộc các phi công ta phải vượt qua một lưới lửa bảo vệ như những vùng xung yếu ở châu Âu trong thời kỳ cuối của Chiến tranh thế giới thứ hai". Rõ ràng, nghệ thuật tác chiến đã tạo nên sự chuyển hóa kỳ diệu đó. Đây chính là một trong những nguyên nhân làm cho bộ đội pháo cao xạ ta giữ gìn được lực lượng, tiêu diệt được nhiều địch, hoàn thành tốt được nhiệm vụ. Đây cũng là một trong những kinh nghiệm quý báu mà sau này trở thành một trong những phương châm tác chiến cơ bản của bộ đội phòng không Việt Nam: Tích cực tiêu diệt địch, bảo vệ mục tiêu, giữ gìn lực lượng ta, càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng.

Các chiến sĩ pháo binh của ta đang tích cực chuẩn bị cho giờ nổ súng.

Các chiến sĩ pháo binh của ta đang tích cực chuẩn bị cho giờ nổ súng.

Sáu là, vừa chiến đấu vừa xây dựng, lấy chiến trường làm thao trường, kịp thời rút kinh nghiệm, trưởng thành nhanh chóng trong chiến đấu.

Để bảo đảm chiến đấu được liên tục, lâu dài, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy và Bộ Chỉ huy chiến dịch, bộ đội pháo cao xạ đã hết sức coi trọng công tác xây dựng toàn diện, trước hết là xây dựng ý chí, quyết tâm. Công tác giáo dục chính trị được chú trọng, đặc biệt là giáo dục "quyết tâm giải phóng Trần Đình", làm cho tất cả mọi người cùng hướng về một mục tiêu, tạo nên sức mạnh không gì lay chuyển nổi. Trong chiến đấu ác liệt, sự lãnh đạo của Đảng được đề cao mọi nơi, mọi lúc. Chi bộ đại đội thường xuyên được kiện toàn, trở thành hạt nhân lãnh đạo đơn vị. Trong hoàn cảnh chiến đấu ác liệt, vấn đề khôi phục sức chiến đấu được đặt ra một cách gay gắt. Để kịp thời bổ sung quân số, nhanh chóng củng cố lực lượng, những chiến sĩ mới được đưa xuống đơn vị, vừa huấn luyện, vừa tham gia chiến đấu tại trận địa. Về sau, do nhu cầu thực tế của chiến trường, trung đoàn đã mở lớp đào tạo pháo thủ ngay tại mặt trận. Cán bộ tiểu đoàn, cán bộ đại đội làm giáo viên. Học cụ là một khẩu pháo hỏng đem chữa lại. Nội dung, ngoài những vấn đề cơ bản, là những kinh nghiệm nóng hổi nhất, vừa được rút ra trên chiến trường. Các chiến sĩ mới luân phiên nhau về học. Chỉ trong một thời gian ngắn, bộ đội pháo cao xạ ở Điện Biên Phủ đã tự bổ sung cho các đại đội chiến đấu hàng trăm pháo thủ nắm vững kỹ thuật, chiến thuật. Cho đến cuối chiến dịch vẫn còn một lực lượng dự trữ khá hùng hậu, có thể tiếp tục chiến đấu lâu dài. Vừa chiến đấu vừa xây dựng, không chỉ là kinh nghiệm tác chiến mà đã trở thành truyền thống quý báu của Quân chủng Phòng không sau này. Sau Binh chủng pháo cao xạ, các binh chủng radar, tên lửa, không quân đều vừa thành lập xong là bước ngay vào chiến đấu. Trong quá trình chiến đấu lại tiếp tục xây dựng thêm những đơn vị mới, lấy chiến trường làm thao trường, rèn luyện bản lĩnh chiến đấu, xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng đòi hỏi ngày càng phát triển nhanh chóng của cuộc chiến tranh đất đối không với quy mô lớn chưa từng có trong lịch sử chiến tranh thế giới.

Bảy là, thực hiện tốt sự đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể, phát huy sức mạnh tổng hợp của các binh chủng trong chiến dịch.

Ngay từ khi hành quân từ hậu phương ra chiến trường, bộ đội pháo cao xạ đã được các đơn vị bạn hết lòng giúp đỡ. Công binh, thanh niên xung phong, dân công... đã không tiếc sức mình tạo mọi điều kiện thuận lợi cho pháo cao xạ hành quân an toàn. Tiếp đó, việc kéo pháo vào trận địa là cả một bài ca đẹp về tình đoàn kết hiệp đồng giữa bộ binh, công binh và các chiến sĩ pháo cao xạ.

Trong chiến đấu, pháo cao xạ tích cực yểm hộ cho bộ binh, pháo binh hoàn thành nhiệm vụ. Ngược lại, bộ binh, pháo binh cũng hết lòng chi viện cho pháo cao xạ yên tâm đánh trả máy bay địch. Đặc biệt liên tục ba ngày 17, 18, 19/3/1954, không quân địch phối hợp với pháo binh của tập đoàn cứ điểm, tổ chức một đợt đánh lớn vào các trận địa pháo cao xạ với quyết tâm "nhổ bật pháo cao xạ Việt Minh ra khỏi lòng chảo Điện Biên Phủ". Pháo binh ta đã có kế hoạch chu đáo, tỉ mỉ phối hợp với pháo cao xạ, đập tan âm mưu nham hiểm của địch. Vì vậy, khi chúng ta ca ngợi pháo cao xạ đã triệt đường không của địch thì chúng ta phải nói đó cũng là chiến công của các đồng chí bộ binh, pháo binh, của toàn thể cán bộ, chiến sĩ, dân công trên toàn mặt trận. Vả chăng, chính bộ binh, pháo binh đã góp phần quan trọng vào nhiệm vụ khống chế sân bay địch, tạo nên thế bao vây trên trời, dưới đất, làm cho địch lâm vào tình thế không tránh khỏi bị tiêu diệt.

Đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể, phát huy sức mạnh tổng hợp của mọi binh chủng trên chiến trường là một trong những nguyên nhân thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng thời cũng là một trong những nguyên nhân thắng lợi của bộ đội pháo cao xạ. Đó cũng là một trong những nguyên tắc tư tưởng tác chiến quan trọng của nghệ thuật tác chiến phòng không, mà càng về sau càng được nâng lên một tầm vóc mới, cao hơn đối với một quân chủng lớn có nhiều binh chủng hiện đại như Quân chủng Phòng không ngày nay.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, quân ta đã bắn rơi và phá hủy 177 máy bay các loại của địch, trong đó có 62 chiếc do các lực lượng phòng không của ta bắn rơi. Ảnh: 1 trong số 62 máy bay giặc Pháp bị ta bắn rơi đang bốc cháy trên bầu trời Điện Biên.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, quân ta đã bắn rơi và phá hủy 177 máy bay các loại của địch, trong đó có 62 chiếc do các lực lượng phòng không của ta bắn rơi. Ảnh: 1 trong số 62 máy bay giặc Pháp bị ta bắn rơi đang bốc cháy trên bầu trời Điện Biên.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp duyệt các đơn vị tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ ngay tại mặt trận.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp duyệt các đơn vị tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ ngay tại mặt trận.

Trong hoàn cảnh một nước, một quân đội chưa có không quân thì binh chủng pháo cao xạ lại càng rất quan trọng... Sự ra đời của bộ đội pháo cao xạ đánh dấu một bước trưởng thành của quân đội ta trên con đường tiến lên chính quy, hiện đại.
Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Bí thư Tổng Quân ủy.

Cuối cùng, nguyên nhân bao trùm lên tất cả, có tính quyết định nhất, làm cho nghệ thuật quân sự nói chung và nghệ thuật tác chiến phòng không nói riêng, được phát huy mạnh mẽ và ngày càng phong phú là sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng ta trong chỉ đạo chiến tranh nói chung và đặc biệt là trong chiến cuộc Đông-Xuân 1953-1954. Rõ ràng, phương châm chiến lược "tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt" và tiếp đó là quyết tâm chọn Điện Biên Phủ làm địa bàn của trận quyết chiến chiến lược là nguyên nhân trực tiếp hàng đầu dẫn đến thắng lợi vĩ đại của quân và dân ta trong chiến cuộc Đông-Xuân 1953-1954, đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ. Trong trận đánh vĩ đại này, pháo cao xạ đã xuất hiện với tư cách là một loại vũ khí mới, một binh chủng mới và đã làm tròn vai trò một cách xuất sắc.

Chính pháo cao xạ đã góp phần làm cho quân đội ta có bước phát triển nhảy vọt về chất trong giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh. Sự xuất hiện của pháo cao xạ đã cho phép quân ta tập trung ở lòng chảo Điện Biên Phủ một đạo quân đông đến hàng mấy vạn người và tiến hành chiến tranh bằng một phương thức tác chiến mới. Navarre đã phải thú nhận: "Tập đoàn cứ điểm đã được xây dựng để đối phó với một lối đánh của Việt Minh (ý nói là lối đánh du kích trước đây-T.G). Đó là nguyên nhân sự thất bại của chúng tôi".

Pháo cao xạ Điện Biên Phủ.

Pháo cao xạ Điện Biên Phủ.

Sau Điện Biên Phủ, Navarre có nhiều lời thú nhận vừa có tính chất bào chữa cho khoa học quân sự lỗi thời của chủ nghĩa thực dân Pháp, vừa tự thanh minh cho sự bất tài của bản thân mình. Nhưng riêng lời thú nhận trên đây thì quả thật là "chân thành" và chính xác, "một quân đội hoàn toàn khác". Không! vẫn là Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng nhờ có đường lối chính trị, đường lối quân sự đúng đắn, sáng tạo, Đảng ta đã từng bước dẫn dắt quân đội đó trưởng thành theo từng giai đoạn của cuộc kháng chiến, và nó đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vinh quang của mình vào thời điểm quan trọng của lịch sử. Ở đây, chúng tôi muốn nhấn mạnh một điểm là ở Điện Biên Phủ nhờ nằm trong thế trận chung của binh chủng hợp thành, với phương châm tác chiến "đánh chắc, tiến chắc" hết sức sáng tạo của Đảng ta mà pháo cao xạ đã có thể phát huy đầy đủ sức mạnh hỏa lực của mình. Khi Ăngghen cho rằng: "Cùng với sự xuất hiện các loại vũ khí mới thì những hình thức chiến thuật tác chiến mới cũng thay đổi", thì ngược lại Ăngghen cũng chỉ ra rằng: "Sự phát triển chiến thuật cũng có ảnh hưởng trở lại đến kỹ thuật quân sự, rằng những phát minh kỹ thuật mới chỉ được sử dụng trong quân đội khi nào trong đó những đòi hỏi đã chín muồi và có những điều kiện xã hội và vật chất thuận lợi cho việc sử dụng ấy".

Chính Đảng ta, Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, với tầm nhìn chiến lược tài giỏi, sắc bén đã từng bước chuẩn bị "các điều kiện xã hội, và vật chất thuận lợi" cho sự ra đời của pháo cao xạ Việt Nam và đã đem đến cho binh chủng trẻ tuổi này một vinh quang hiếm có là ra quân đánh thắng trận đầu vào đúng chiến dịch lịch sử. Một trận quyết chiến chiến lược vĩ đại, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp thần thánh của dân tộc ta.

Những vấn đề xuất hiện trong tác chiến phòng không tại trận Điện Biên Phủ cách đây 30 năm là những viên gạch quý báu đầu tiên làm nền tảng cho sự hình thành nghệ thuật tác chiến phòng không sau này của chúng ta. Nó đã thực sự phát huy tác dụng tích cực suốt trong hai cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại chủ yếu bằng không quân của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc nước ta. Những kinh nghiệm quý báu, những truyền thống vẻ vang được xây dựng nên bằng máu của thế hệ chiến sĩ phòng không Điện Biên Phủ năm xưa, càng được bồi đắp thêm trên chặng đường chiến đấu và chiến thắng vẻ vang của các thế hệ chiến sĩ phòng không tiếp theo và cuối cùng đã làm nên chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" lừng lẫy, đỉnh cao của nghệ thuật tác chiến phòng không Việt Nam.

Trung tướng TRẦN NHẪN

Nguồn sách "50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Điện Biên Phủ: Hợp tuyển công trình khoa học", NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, 2005,trang 294. Trước đó, bài đã được đăng tại Tạp chí Lịch sử Quân sự, số 3-1984

Trình bày: HẠNH VŨ
Ảnh:  TTXVN