Đoàn Báo Nhân Dân đã có những ngày tác nghiệp không thể quên tại các vùng chịu ảnh hưởng bởi động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là lần đầu tiên Báo Nhân Dân cử các phóng viên từ Việt Nam đến các điểm nóng quốc tế, nhằm mang đến cho bạn đọc những sản phẩm báo chí chân thực, đặc sắc trên các nền tảng: báo in, báo điện tử, truyền hình, mạng xã hội...

Rạng sáng 6/2, trận động đất lịch sử tại Syria và Thổ Nhĩ Kỳ khiến hàng chục nghìn người tử vong, hàng nghìn công trình đổ sập. Chưa đầy 1 tuần sau thảm họa, Việt Nam cử các đoàn cứu hộ, cứu nạn sang để chung tay chia sẻ khó khăn với nước bạn.

"Chiều 9/2, tôi nhận nhiệm vụ đưa tin về lễ xuất quân của 24 chiến sĩ Bộ Công an lên đường làm nghĩa vụ quốc tế. Vào thời điểm ấy, tôi chỉ mong mình cũng có được cơ hội đến Thổ Nhĩ Kỳ để tác nghiệp”, phóng viên ảnh Trần Thành Đạt chia sẻ.

Phan Hải Tùng Lâm cùng những đứa trẻ Syria tại ngoại ô thành phố Antakya, Hatay (Thổ Nhĩ Kỳ).

Phan Hải Tùng Lâm cùng những đứa trẻ Syria tại ngoại ô thành phố Antakya, Hatay (Thổ Nhĩ Kỳ).

Cùng chung tâm trạng này, Phan Hải Tùng Lâm, biên tập viên Truyền hình Nhân Dân thường trú tại Đà Nẵng kể: Ngay sau khi biết tin về thảm họa động đất, Lâm đã “tưởng tượng” và ước mơ về việc được đưa tin từ điểm nóng quốc tế.

Với định hướng tham gia nhiều hơn vào các vấn đề mang tính khu vực và quốc tế, Ban Biên tập Báo Nhân Dân đã quyết định thành lập một tổ công tác trực tiếp tới Thổ Nhĩ Kỳ với 4 nhân sự. Đây cũng là lần đầu tiên báo cử phóng viên từ Việt Nam đến các điểm nóng quốc tế để tác nghiệp với quyết tâm trực tiếp đưa những thông tin sinh động, chân thực nhất dưới nhiều góc độ khác nhau tới bạn đọc.

Nhớ lại thời điểm này, Tùng Lâm cho hay: “Một ngày giữa tháng 2, tôi bất ngờ nhận được cuộc gọi từ lãnh đạo yêu cầu sẵn sàng tinh thần để đi tác nghiệp tại vùng thảm họa Thổ Nhĩ Kỳ. Khi ấy, tôi vừa lo, vừa háo hức vì đây có lẽ là cơ hội có một không hai trong cuộc đời làm báo. Ngay hôm sau, tôi sắp xếp nhờ người trông con rồi di chuyển ra Hà Nội để sẵn sàng lên đường”.

Trong khi đó, Nguyễn Hồng Quân, quay phim, không giấu nổi lo lắng. Anh cho biết, mặc dù đã từng tác nghiệp tại nhiều sự kiện lớn cả trong và ngoài nước, nhưng lần này lại rất khác biệt.

Quay phim Hồng Quân bế trên tay bé Marie (2 tuổi) khi cô bé cùng gia đình tới khu vực đoàn cứu hộ, cứu nạn Quân đội nhân dân Việt Nam đóng quân để xin thực phẩm.

Quay phim Hồng Quân bế trên tay bé Marie (2 tuổi) khi cô bé cùng gia đình tới khu vực đoàn cứu hộ, cứu nạn Quân đội nhân dân Việt Nam đóng quân để xin thực phẩm.

“Trong vòng hơn 1 tuần tới, chúng tôi sẽ có mặt tại khu vực nóng nhất thế giới. Điều kiện làm việc, ăn ở, di chuyển cũng như khoảng cách ngôn ngữ chắc chắn sẽ là những rào cản lớn. Anh em trong đoàn chỉ cố gắng động viên nhau trước giờ lên đường. Tất cả đều xác định: Bằng mọi giá không thể phụ sự kỳ vọng của cơ quan, của bạn đọc”.

Gần 1 tuần tiếp theo, cả nhóm sống trong tâm trạng thấp thỏm chờ đợi. Công tác hậu cần, liên hệ làm thủ tục tác nghiệp… cũng được gấp rút tiến hành. Người chuẩn bị lên đường thì háo hức. Những người ở nhà thì ngổn ngang hàng trăm nỗi lo, không chỉ liên quan tới công việc mà còn về cả sự an toàn của đoàn công tác.

“Tin tức là cần thiết, nhưng tính mạng và sức khỏe mới là ưu tiên hàng đầu. Đó là điều tất cả các đồng chí lãnh đạo đã căn dặn chúng tôi mọi lúc, mọi nơi. Thậm chí, đồng nghiệp ở các ban còn tự tay mua đồ ăn khô, thuốc, còi báo động, đèn pin… gửi cho đoàn. Đó thực sự là những ngày đáng nhớ”, phóng viên Thành Đạt kể lại.

Niềm vui của lũ trẻ khi lần đầu tiên được thấy mình trong máy ảnh của phóng viên Thành Đạt.

Niềm vui của lũ trẻ khi lần đầu tiên được thấy mình trong máy ảnh của phóng viên Thành Đạt.

Ngày 21/2, tổ công tác lên đường khi Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục hứng chịu những trận động đất tiếp theo. Do đó, đoàn sẽ phải thực hiện song hành 2 nhiệm vụ: Ghi nhận hậu quả của động đất thông qua những câu chuyện, con người, thân phận cụ thể; đồng thời phản ánh nỗ lực và quyết tâm của quốc gia này để vượt qua thảm họa với sự chung tay của cộng đồng quốc tế, trong đó có Việt Nam.

Hành lý của chuyến đi ngoài thực phẩm khô (chủ yếu là mỳ tôm), quần áo rét thì thứ “nặng ký” nhất chính là máy móc phục vụ công việc. Tổng cộng, 6 chiếc máy tính xách tay, 3 ổ cứng di động, 3 máy quay, 2 máy ảnh cùng gần 10 bộ sạc dự phòng, dây chuyển nguồn, đèn chiếu sáng cùng hàng chục kg máy móc khác đã được cả đoàn chia nhau xách tay lên máy bay.

“4 người trong đoàn đã được cơ quan lựa chọn trong số hàng chục phóng viên tình nguyện đi Thổ Nhĩ Kỳ. Do đó, chúng tôi không thể để lỡ bất cứ một khoảnh khắc nào chỉ vì sự cố máy móc”, kéo theo một balo nặng tới hơn 30kg trên đường lên máy bay, Hồng Quân chia sẻ.

Trên chuyến bay hướng tới Istanbul, tất cả mọi người đều cố gắng cười và động viên nhau ngủ. Dù không ai nói với ai, nhưng dường như sâu trong ánh mắt, một nỗi lo lắng âm thầm đang bắt đầu xuất hiện.

Phải mất 3 chuyến bay liên tiếp trong vòng gần 24 giờ, đoàn công tác mới tới được Adana, địa điểm cách khu vực tác nghiệp đầu tiên hơn 200km. Rạng sáng, ngay khi đặt chân xuống sân bay địa phương, tất cả vội vã gom hành lý rồi chất đầy lên chiếc xe bán tải đã chờ sẵn rồi lại ngay lập tức tiếp tục lên đường tới tâm chấn.

“Gần như không có thời gian để nghỉ. Sau khi đáp xuống Istanbul, chúng tôi có đúng 1 tiếng 15 phút để vừa làm thủ tục nhập cảnh, vừa lấy hành lý và tiếp tục di chuyển sang sảnh nội địa để bắt kịp chuyến máy bay tiếp theo. Bây giờ, chúng tôi chỉ mong có mặt thật nhanh tại khu vực tỉnh Hatay, nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất của trận động đất đầu tháng 2”, ngồi trên cabin xe đang rung lắc, Tùng Lâm lo lắng nói.

Sau chừng 3 giờ, Tùng Lâm và 3 đồng nghiệp tới được khu vực đóng quân của đoàn cứu hộ, cứu nạn Quân đội nhân dân Việt Nam. Tổ công tác chỉ kịp gặp và thực hiện phỏng vấn nhanh lãnh đạo đoàn trước khi đoàn cứu hộ trở về nước. Lúc này, hầu hết các đoàn quốc tế cũng rút dần khỏi Hatay. Cả khu vực sân vận động tỉnh này vốn bạt ngàn các dãy lều trại trong vòng vài giờ đã trống trơn. Chỉ còn duy nhất chiếc lều cả nhóm xin được của nước bạn nằm lọt thỏm lại giữa mênh mông.

Cần phải có một lá Quốc kỳ. Cờ đỏ sao vàng sẽ là biểu tượng nối dài cho sự hiện diện của Việt Nam trên đất bạn; đồng thời cũng là nguồn động viên tinh thần cho cả 4 thành viên trong những ngày sắp tới. Nghĩ thế, chúng tôi đã xin lại một lá cờ của các chiến sĩ quân đội, rồi trang trọng cắm lên trước cửa lều.

Phóng viên Hồng Quân tác nghiệp tại khu vực đóng quân của đoàn cứu hộ, cứu nạn Việt Nam.

Phóng viên Hồng Quân tác nghiệp tại khu vực đóng quân của đoàn cứu hộ, cứu nạn Việt Nam.

“Chúng ta hiện là những người Việt Nam, cũng là những phóng viên trong nước duy nhất có mặt tại Hatay. Đây vừa là thách thức, nhưng cũng là cơ hội để tác nghiệp”, Tùng Lâm nói với các thành viên trong buổi họp đầu tiên trên đất bạn.

Lạc quan là thế, nhưng những khó khăn chưa từng hình dung lần lượt xuất hiện. Rào cản đầu tiên tưởng chừng không thể vượt qua chính là tại thời điểm đoàn có mặt tại Hatay, phía địa phương… đã bắt đầu hạn chế cho phép các nhà báo quốc tế tiếp cận hiện trường, bất chấp việc đã được cấp thẻ tác nghiệp trước đó. Ngay lập tức một thành viên được cử nhiệm vụ liên lạc trực tiếp với cán bộ Đại sứ quán để tìm cách tháo gỡ. Song song, 3 người còn lại chia nhau đi tác nghiệp, ghi chép tất cả những gì có thể khai thác chung quanh khu vực lều trại của mình. Kế hoạch lớn có nguy cơ đổ bể ngay từ đầu.

Bữa tối đầu tiên trên đất khách, không ai buồn nấu mỳ tôm để ăn. Tâm trạng lo lắng chỉ được phá vỡ khi tới 19 giờ (giờ địa phương), cán bộ Đại sứ quán nhắn tin: Ngày mai, cả đoàn đã được phép vào Antakya, thủ phủ của Hatay, đồng thời cũng là nơi bị phá hủy nặng nề nhất bởi động đất.

Đến lúc này, tất cả mới thở phào. Cánh cửa đầu tiên đã “thông”. Nhưng lúc này, khó khăn tiếp tục tới: Đoàn không thể thuê được phương tiện di chuyển. Các đoàn trước đây của Việt Nam, bao gồm cả báo chí và cứu hộ, cứu nạn được nước chủ nhà bố trí xe để tới các khu vực tác nghiệp. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, việc hỗ trợ này đã bị ngưng lại. Thêm vào đó, chúng tôi bất ngờ phát hiện: Rất ít người dân tại khu vực động đất có thể nói được tiếng Anh.

Nhật ký tác nghiệp tại tâm chấn động đất. (Video: Lâm Phan)

Nhật ký tác nghiệp tại tâm chấn động đất. (Video: Lâm Phan)

Hồng Quân nhóm một ngọn lửa thật to ngay trước cửa lều. Chung quanh, 3 người còn lại loay hoay bàn cách. Tùng Lâm, người thạo tiếng Anh nhất đoàn liên lạc lại với người tài xế đã đưa đoàn từ Adana lên Hatay sáng nay, cố gắng thuyết phục anh đưa nhóm đi và hỗ trợ dịch từ tiếng bản xứ sang tiếng Anh trong suốt quá trình tác nghiệp. Thành Đạt, người giữ vai trò kết nối với Đại sứ quán Việt Nam tại thủ đô Ankara tiếp tục nhờ sự giúp đỡ. Nhiệt độ ngoài trời đã xuống tới 4 độ C.

“Cuối cùng, nhờ Đại sứ quán nói thêm, Sencer Con Alper đã đồng ý sáng hôm sau sẽ đánh xe lên đưa chúng tôi đi. Giá để anh bạn này chở đoàn, vừa phiên dịch mỗi ngày rơi vào khoảng 150 USD (tương đương 3,5 triệu đồng). Đến lúc này, tất cả mới dám đun nước, nấu mỳ ăn tạm”, Hồng Quân nhớ lại.

Item 1 of 3

Trong nhật ký, một thành viên trong đoàn viết lại: "Đúng hẹn, 10 giờ sáng ngày 22/2, Sencer đón chúng tôi để vào vùng tâm chấn, bắt đầu cho chuỗi ngày tác nghiệp thực tế. Tại thành phố cổ này, lần đầu tiên chúng tôi được tận mắt chứng kiến những công trình đổ nát, cảm nhận rõ lịch sử hàng nghìn năm của Antakya ngã gục dưới cơn giận dữ của lục địa. Chúng tôi cũng nghe câu chuyện của những người dân đã mất đi hàng chục người thân sau đại địa chấn. Càng đi sâu vào lòng thành phố, nỗi ám ảnh thương đau càng hiện lên rõ ràng. Đến độ, Tùng Lâm, phóng viên Truyền hình Nhân Dân gần như đã bật khóc khi đứng trước một tòa chung cư bị xé vụn.

Là người tới sau, chúng tôi cũng có được cơ hội đi sâu hơn và tương đối độc lập vào các vùng thảm họa. Trong 2 ngày tiếp theo, chuyến xe của Sencer chạy hết từ trại tị nạn, tới khu vực người Syria lưu vong sống; ghé qua những Thánh đường Hồi giáo giờ chỉ còn là tàn tích. Anh cũng dẫn chúng tôi gặp những đứa trẻ mất nhà sau thảm họa để nhóm phóng viên tới từ Việt Nam hiểu phần nào về nỗi đau người dân tỉnh cực nam Thổ Nhĩ Kỳ đang gánh chịu. Những bài viết, chùm ảnh và phóng sự truyền hình đầu tiên từ tâm chấn cũng liên tiếp được chuyển về từ những chuyến đi thực tế ấy”.

Chuyến đi 10 ngày của cả đoàn diễn ra một cách đặc biệt bất thường. Do người dân tại khu vực động đất ít sử dụng tiếng Anh nên việc giao tiếp, phỏng vấn tại hiện trường vô cùng khó khăn. Gần như suốt hành trình, cả đoàn vừa phải nghĩ câu hỏi bằng tiếng Việt, rồi ngay lập tức “chuyển ngữ” sang tiếng Anh cho người phiên dịch. Toàn bộ nội dung phỏng vấn cũng cần phải được ghi nhớ luôn vì nếu phụ thuộc vào ghi âm, thì không thể bảo đảm tốc độ tác nghiệp cũng như không đủ… điện để thực hiện.

Nhịp sinh hoạt đặc biệt tại khu vực lều tạm của đoàn phóng viên Báo Nhân Dân. (Video: Lâm Phan)

Nhịp sinh hoạt đặc biệt tại khu vực lều tạm của đoàn phóng viên Báo Nhân Dân. (Video: Lâm Phan)

Chỉ 1 ngày sau khi đoàn tới Hatay, toàn bộ điện, nước đã bị cắt do các đoàn quốc tế đều đã rút về. Mặc dù đã mang 6 máy tính, nhưng trải qua nhiều giờ vừa viết bài, dựng video, xử lý ảnh, hầu hết các thiết bị này gần như cạn pin. Để khắc phục, chúng tôi đã phải liên hệ xin sạc nhờ các thiết bị tại các khu vực lều, trại của lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc cũng như lực lượng quân đội nước bạn.

Không có phòng thu, Phan Hải Tùng Lâm, phóng viên Truyền hình Nhân Dân tận dụng mọi khoảng không có thể để đọc lời bình, từ căn lều trống kế bên, nhà vệ sinh lẫn trên xe ô-tô hoặc bất cứ góc vắng người nào.

Trước chuyến công tác, cả 4 thành viên đều xác định: Sẽ phải làm việc với 200% sức lực của mình bởi sự quan tâm, kỳ vọng của Ban Biên tập, của các đồng nghiệp và bạn đọc. Đây cũng là cơ hội khó có thể lặp lại trong cuộc đời phóng viên. Do đó, lịch làm việc thường xuyên của cả nhóm là ăn sáng, tác nghiệp cả ngày, ăn tối, đêm sản xuất rồi truyền thông tin về nhà. Có những buổi gặp sự cố về sóng, có thành viên đã thức cả đêm để kịp phát tin vào khung giờ vàng sáng hôm sau. Mỗi người đều đặt mục tiêu mỗi ngày ít nhất có vài tác phẩm đặc sắc được đăng tải. Sức ép ấy đã được duy trì cho tới tận ngày cuối cùng khi đoàn ra sân bay trở về nước.

Vào thời điểm đoàn sang tác nghiệp, tất cả các đoàn cứu hộ, báo chí quốc tế đều lần lượt rời Hatay. Do đó, việc ăn ở đều phải do đoàn tự túc. Ý thức được điều này, tổ công tác đã chủ động xin lại các đoàn quốc tế trước khi họ rời đi từ cái bếp lò, chiếc rìu bổ củi, tải than hoa, xăng đốt… đến cả chiếc nồi đun, tải chanh vàng hay những quả cà chua sắp ủng.

“Chúng tôi bỏ qua bữa trưa và chỉ ăn tối rất muộn khi đã trở về lều. Do vậy, trong buổi sáng sớm, tất cả sẽ cố gắng ăn nhiều hơn một chút để có sức làm”, Quân vừa bỏ gói mỳ vào bát nhựa vừa nói.

“Chúng tôi tận dụng mọi thứ xin được. Anh phóng viên viết đi xin được 2 chiếc ănggo [dạng cặp lồng cơm-PV] từ đoàn quân đội để làm ấm đun nước, pha cà-phê kiêm dụng cụ úp mỳ. Do không đủ bát, chúng tôi phải rửa lại bát dùng 1 lần”, Tùng Lâm bổ sung vào câu chuyện.

Những bữa mỳ tôm, xúc xích liên tiếp nối tiếp nhau suốt 1 tuần liền ở vùng động đất. Để cải thiện, đoàn cho thêm cả pa-tê, cà chua, hành tây… cho bớt ngán. Để tăng đề kháng, anh em bổ chanh vàng chua tê tái cố ép nhau ăn mỗi tối bên lều. Cứ thế, cả đoàn đã có những ngày vừa tác nghiệp-sinh hoạt-sinh tồn… chưa từng có trong bất cứ giáo trình nào từng được học.

“Qua chuyến đi, chúng tôi đã rút cho mình rất nhiều bài học, về tinh thần đồng đội, về cách thức chủ động nắm thông tin qua các nguồn báo chí địa phương, nước ngoài ngay tại hiện trường…”, Thành Đạt tổng kết.

Theo Đại sứ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ Đỗ Sơn Hải, việc Việt Nam cử 2 đoàn cứu hộ, cứu nạn sang giúp bạn trong hoàn cảnh khó khăn đã được Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá rất cao. Khi đoàn vào các thành phố để tác nghiệp, việc kiểm soát rất chặt chẽ, không khác gì giai đoạn Covid-19 vì lý do an ninh. Nhưng khi đoàn Việt Nam đến, chỉ cần nói hai chữ Việt Nam là họ mở đường cho đi ngay. Khi hỏi tại sao thì họ trả lời: Tất cả chúng tôi đều biết đến và ghi nhận đoàn Việt Nam.

“Trong những ngày có mặt tại hiện trường, tôi nhớ mãi hình ảnh những người dân Thổ Nhĩ Kỳ hiếu khách. Đêm 10/2, khi đoàn cứu hộ, cứu nạn Bộ Công an đưa được một em bé còn sống ra ngoài, người dân Thổ Nhĩ Kỳ đã đến và hỏi: Các bạn có cần gì không? Tôi đáp: Chúng tôi không cần gì cả. Nhưng một lúc sau, họ vẫn mang tới bánh mỳ, nước cho từng người trong bối cảnh họ đang vô cùng khó khăn và khủng hoảng. Tất cả các thành viên trong đoàn đều vô cùng cảm động”, Đại sứ kể.

Đi tới đâu, phóng viên Báo Nhân Dân cũng được những người bạn Thổ Nhĩ Kỳ mời nước, mời bánh và giúp đỡ rất nhiệt tình.

Đi tới đâu, phóng viên Báo Nhân Dân cũng được những người bạn Thổ Nhĩ Kỳ mời nước, mời bánh và giúp đỡ rất nhiệt tình.

Với riêng chúng tôi, tình cảm của người dân Thổ Nhĩ Kỳ được thể hiện theo một cách khác. 10 ngày có mặt trên nước bạn, đoàn công tác đã rong ruổi hàng nghìn km, gặp gỡ cả trăm người ở nhiều vùng thảm họa. Đó là những gia đình người Syria tị nạn ở vùng biên giới cực nam Thổ Nhĩ Kỳ hay nhiều gia đình bản xứ sống quần cư trong các trại tạm cư sau đại địa chấn. Có người vừa thoát chết diệu kỳ, có người đã mất đi toàn bộ người thân… Nhưng bất chấp những khác biệt về tôn giáo, tín ngưỡng, sắc tộc, trong giờ phút hoạn nạn, tất cả đã xích lại gần nhau, cùng nắm chặt tay nhau.

Đi tới đâu, đoàn công tác cũng nhận được những tình cảm chân thành từ chính những nhân vật của mình. Sencer - người dẫn đường tại Hatay đã từ chối nhận thù lao ngày làm việc cuối cùng dù chiếc xe đã chạy đến hơn 1.000 km. Anh bảo: “Tôi đã đưa nhiều đoàn Việt Nam tới Hatay, nhưng để rong ruổi, phiên dịch cùng các bạn như một nhà báo thì đây là lần đầu tiên. Tôi chưa từng nghĩ, các bạn có thể làm việc với cường độ như vậy. Tôi sẽ không nhận khoản tiền này vì các bạn xứng đáng với nó”.

Tại Antakya, Fuat, một tình nguyện viên của Cơ quan Quản lý thảm họa và khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ (AFAD) khi biết đoàn tới từ Việt Nam xa xôi đã kiên quyết giữ cả nhóm lại chỉ lại để… mời trà và bánh theo đúng phong tục Thổ Nhĩ Kỳ. Ngay bên dãy nhà đã hoàn toàn đổ sập, dưới tiếng máy bay trực thăng ù ù, cả đoàn đã có một “bữa nhẹ” đầy cảm động.

“Cám ơn các bạn vì đã đến, đã đưa tin và chia sẻ với đất nước Thổ Nhĩ Kỳ. Trong lúc khó khăn nhất, Việt Nam nói chung và các bạn nói riêng đã ở bên cạnh chúng tôi. Chúng tôi thực sự trân trọng điều đó”, Fuat nói.

Tại Hatay, khi thấy lá cờ Việt Nam bay trên nóc chiếc lều gần như là duy nhất còn sót lại, quân đội sở tại đã tới hỏi thăm đoàn. Xin chụp một bức hình lưu niệm, chỉ huy của những người lính tại đây liên tục nói: "Cảm ơn vì đã đến".

“Đang lang thang ở các di tích đổ sập sau động đất, tôi tình cờ gặp đoàn của Giáo sư sử học Mehmet Yuva - giáo sư Trường đại học Damascus. Đoàn của ông cũng đang đi khảo sát một số điểm, để lên kế hoạch cho đề cương, chuẩn bị cho công cuộc tái thiết những công trình này.

Ông chủ động bắt chuyện chúng tôi. Nhìn tấm thẻ tôi đeo trước ngực có dòng chữ “Việt Nam”, ông kéo lấy tay tôi, chặt hơn 1 cái bắt tay và nói:

- Tôi biết Việt Nam, anh trai tôi từng ở Sài Gòn 2 năm. Tôi cũng biết về chiến tranh Việt Nam và những gì người Việt Nam đã trải qua trong quá khứ. Great!

Tôi sẽ để nguyên từ "Great”, không dịch. Vì "Great” đôi khi nghĩa là hay, đôi khi đơn giản là tuyệt, nhưng cũng có thể dịch là vĩ đại” – Tùng Lâm viết lại trong nhật ký.

Item 1 of 3

Tại Gaziantep, Tuncer Emlak là phóng viên tờ Thời báo Baba Haber của địa phương này. Khi biết 4 thành viên đang tác nghiệp ở đây là những đồng nghiệp đến từ Đông Nam Á, anh đã rất mừng. Anh chụp ảnh với từng thành viên, đồng thời xin thông tin về những bài viết đã được đăng tải trước đó trên Báo Nhân Dân để đọc… bằng google translate (công cụ dịch của Google-PV). Tuncer tỏ ra ngạc nhiên và ấn tượng với những gì nhóm phóng viên đã khai thác được trong những ngày ở Thổ Nhĩ Kỳ.

“Tôi yêu Việt Nam, một đất nước anh hùng trong quá khứ và nghĩa tình trong hiện tại”, nam phóng viên 47 tuổi ôm chặt phóng viên ảnh Thành Đạt và hô to.

Chiều tác nghiệp tại Gaziantep, Thành Đạt đã phải chụp hàng trăm tấm hình theo… yêu cầu. Bởi rất nhiều người cũng giống như Tuncer đều muốn lưu lại khoảnh khắc chung với đoàn phóng viên đến từ Báo Nhân Dân.

Là người trực tiếp dẫn đoàn đi tác nghiệp tại các trại tạm cư ở Gaziantep, chị Jasmine Võ, một cô dâu người Việt Nam đã trực tiếp gửi email cho phóng viên với nội dung: “Em cảm ơn vì đã được làm việc với các anh. Video, tin tức đều rất ý nghĩa và toàn diện. Em vẫn ở đây, nếu có cần em giúp gì thì nhắn tin hay gửi email cho em đều được. Chúc mọi người sức khỏe và bình an”.

Tác giả phỏng vấn tại khu vực Nurdagi (Gaziantep, Thổ Nhĩ Kỳ).

Tác giả phỏng vấn tại khu vực Nurdagi (Gaziantep, Thổ Nhĩ Kỳ).

Ngày về Việt Nam, một cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ đã nhắn tin cho các thành viên trong đoàn: “Không cờ, hoa đón tiếp rộn ràng khi về đến Nội Bài, nhưng chị tin là các em đã có được ‘những món quà hết sức có ý nghĩa’ cho bản thân. Đó là sự trải nghiệm, là câu trả lời cho ý chí và nghị lực của mỗi em sau khi tác nghiệp trong chuyến công tác chưa từng có tiền lệ này”.

Dòng tin nhắn ấy chợt làm chúng tôi nhớ đến một món quà bất ngờ cả đoàn đã nhận khi ở Istanbul. Khi đang lái xe giữa con đường dẫn vào thành phố, Ulas, người dẫn đường thứ 3 của chúng tôi đã bất ngờ bật bản The Ballad of Ho Chi Minh (Bài ca Hồ Chí Minh) bằng tiếng Pháp. Thi thoảng, tới đoạn điệp khúc, cậu lại hào hứng hát theo. Những âm điệu khiến lòng người Việt xao xuyến. Bên ngoài, mưa Istanbul vẫn đang rơi nặng hạt…

Trong xuyên suốt chuyến đi kéo dài 10 ngày (tính cả thời gian di chuyển), đoàn công tác của Báo Nhân Dân đã sản xuất được một số lượng lớn các tin, bài, video cho các ấn phẩm khác nhau của báo. Tính tới ngày 11/3, trên nhandan.vn đã có 25 bài viết, phóng sự ảnh. Truyền hình Nhân Dân đã phát 12 phóng sự, tin hiện trường, talk… Ngoài ra còn phải kể đến các bài viết, ghi chép đăng tải trên Nhân Dân Cuối tuần, Thời Nay…

  • Thực hiện: Sơn Bách
  • Ảnh: Thành Đạt
  • Video: Hồng Quân - Lâm Phan
  • Trình bày: Thi Uyên