Tạo điều kiện ươm trồng những tài năng văn học trẻ

Hội Nhà văn Việt Nam vừa trao Giải thưởng Tác giả trẻ lần thứ nhất, năm 2021 ở các thể loại: thơ, văn xuôi, lý luận- phê bình và văn học dịch.
Việc trao giải thưởng đã ghi nhận sức sáng tạo, cống hiến của các cây bút trẻ trong năm qua, đồng thời cũng cho thấy những vấn đề còn trăn trở, những hoài bão lớn lao, trách nhiệm công dân của người cầm bút và hướng tới các giải pháp vừa mang tính cấp thiết để mang lại sự phát triển lâu dài, bền vững cho nền văn học nước nhà.


Giải thưởng Tác giả trẻ là cách mà Hội Nhà văn hiện thực hóa chiến lược giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Hội Nhà văn có sứ mệnh tập hợp đội ngũ những nhà văn trẻ trong cả nước, gợi mở họ, khích lệ họ, bồi dưỡng họ và đặt lòng tin vào họ. Chỉ như vậy, chúng ta mới có quyền hy vọng và đợi chờ vào những nhà văn trẻ sẽ viết lên những tác phẩm xứng đáng với nhân dân mình, với đất nước mình...
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc

Nhìn lại lịch sử gần của văn học Việt Nam, thì thấy Chế Lan Viên 16 tuổi viết “Điêu tàn”; Nguyên Hồng in “Bỉ vỏ” năm 18 tuổi; Tế Hanh 20 tuổi được giải thưởng của Tự lực văn đoàn; Vũ Trọng Phụng viết “Giông tố”, “Số đỏ” năm 24 tuổi; cũng năm 24 tuổi Nam Cao viết “Chí Phèo”; Nguyễn Tuân viết “Vang bóng một thời” năm 28 tuổi; còn Hoài Thanh viết “Thi nhân Việt Nam” khi vừa vào tuổi 30…, đó đều là những danh tác một thời của văn học nước nhà. Lẽ dĩ nhiên cũng có những nhà văn viết muộn, thành danh muộn, càng viết càng hay; nhưng về cơ bản thì tuổi trẻ vẫn chiếm thế thượng phong. Quá trình chuẩn bị cho Hội nghị Viết văn Trẻ toàn quốc (nếu không có sự bùng phát của đại dịch Covid-19 thì đã được tổ chức vào cuối tháng 12 vừa qua), có thể thấy trong đội ngũ những cây bút tuổi đời từ 35 trở xuống, có nhiều tác giả dưới 30 tuổi nhưng đang viết đều, viết khỏe.

Trong những tác giả trẻ đó, nổi bật thời gian qua có: Vũ Đức Anh, 28 tuổi đã có 6 tác phẩm gồm 3 tiểu thuyết và 3 tập truyện ngắn; Huỳnh Lê Triều Phú, 25 tuổi xuất bản 9 đầu sách gồm thơ, truyện ngắn, tùy bút, khảo cứu; Phan Đức Lộc, 25 tuổi, 6 đầu sách gồm tiểu thuyết, truyện ngắn, tản văn… Nguyễn Bình 20 tuổi, sinh viên đang học Thiên văn học ở Mỹ đã dịch kiệt tác Truyện Kiều sang tiếng Anh và được nhà văn, dịch giả tên tuổi của Mỹ đánh giá cao; Trang Nguyễn 21 tuổi viết tác phẩm “Chang hoang dã-gấu” về đề tài bảo vệ môi trường đã được NXB Pan Macmillan của Anh mua bản quyền toàn cầu và sau đó họ đã bán bản quyền cuốn sách này sang Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Na Uy và Thổ Nhĩ Kỳ. Tác phẩm này cũng vừa đoạt giải cao nhất Giải thưởng Sách quốc gia năm 2021.

Tôi đã dành hai năm trời dịch Truyện Kiều ở nơi đất khách quê người, “lấy câu vận mệnh khuây dần nhớ thương”… Tôi tin rằng thế hệ của tôi sẽ mang lại những đột phá mới cho thi ca Việt Nam thông qua việc thử nghiệm với những thứ khác lạ, dẫn dắt những cái cũ đến với khán phòng mới hơn.
Dịch giả Nguyễn Bình

Bên cạnh lối viết truyền thống, nhiều cây bút trẻ đã có những tìm tòi, thể nghiệm, bắt kịp những khuynh hướng sáng tác mới hiện nay của thế giới như văn học phi hư cấu, tiểu thuyết giả tưởng hay phong cách hiện thực huyền ảo...; một số người quay về với tiểu thuyết trinh thám, kinh dị làm nên một bức tranh vô cùng phong phú. Có một hiện tượng đáng chú ý là những năm gần đây nhiều tác giả trẻ “tấn công” vào đề tài lịch sử, lý giải lịch sử bằng cái nhìn đương đại. Nhiều người trong số họ đã giành được một hoặc nhiều giải thưởng văn học trong nước. Một số đã trở thành hội viên trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam.

Trong số những người được vừa được kết nạp vào Hội Nhà văn năm nay, hội viên trẻ nhất là nhà văn Lê Quang Trạng, 25 tuổi. Quá trình chuẩn bị cho Hội nghị Viết văn Trẻ toàn quốc cũng cho thấy, tỷ lệ hội viên trẻ trong Hội Nhà văn Việt Nam (nếu tính đến tuổi 40) chỉ xấp xỉ 4%, còn nếu tính tuổi từ 35 trở xuống (như tiêu chuẩn lựa chọn đại biểu dự hội nghị) thì chưa được 2%, một con số quá thấp và đã duy trì nhiều năm nay. Trong khi những nhà văn lớn tuổi, chiếm tới 70%.

Đa số cây bút trẻ được trang bị kiến thức tốt, tuy say mê sáng tác, viết ngày, viết đêm, một số nổi lên như một tiềm năng, thế nhưng rồi bỗng nhiên họ ngừng sáng tác, rời khỏi văn đàn nhẹ nhàng như lúc họ đến. Dường như văn chương với người trẻ bây giờ chỉ là một cuộc chơi, viết để thỏa mãn chính mình, xong rồi thôi hoặc chuyển sang làm công việc khác. Rất khó gọi ra tên những người viết thật sự dấn thân. Tương tự, chưa gọi được ra những tác phẩm, thậm chí chi tiết thật sự gây ám ảnh cho người đọc. Hiện tượng này là do nhiều người chưa tự đặt câu hỏi, và nghiêm túc trả lời câu hỏi: Vì sao chúng ta viết? Bởi vì trong đó đã bao gồm cả: viết cái gì? viết cho ai? và viết như thế nào?

Nhà văn trẻ Lê Quang Trạng.

Nhà văn trẻ Lê Quang Trạng.

Theo ý kiến nhiều người viết văn, việc viết văn thường bắt đầu từ ham thích bản năng chứ không hẳn họ có ngay ý thức đây sẽ là “nghiệp văn” theo mình suốt cả cuộc đời. Có lẽ vì vậy mà dẫn đến thực tế, một số người có tài hoặc giàu tiềm năng văn chương đã dễ dàng từ bỏ bút mực để chuyển sang làm công việc khác khi nhu cầu cuộc sống có những đòi hỏi cụ thể; coi những thành công văn chương thuở nào chỉ là “ký ức vui vẻ”.Chiều ngược lại, những người không có thực tài lại đằng đẵng đeo đuổi nghiệp văn, trong khi lẽ ra họ có thể thành công và cống hiến nhiều hơn ở những nghề nghiệp khác. Phải chăng những người đó chưa trả lời được câu hỏi “Vì sao chúng ta viết?”.

Muốn sáng tạo ra tác phẩm, phải có tài năng, đó là điều hiển nhiên. Một nền văn học không phải do số đông làm nên, mà có khi chỉ một vài cá nhân kiệt xuất mới có thể đại diện được cho nó. Giả dụ Nguyễn Du không viết Truyện Kiều thì kho tàng văn học của chúng ta sẽ không có kiệt tác ấy, không thể có người thứ hai viết Truyện Kiều thay Nguyễn Du được. Vì tài năng vốn hiếm, hiếm nên quý, nên rất cần được phát hiện, nâng niu, dìu dắt, hỗ trợ từ sớm cho đến khi nó thật sự thành một cái gì đó, một ý chí mãnh liệt, một bản lĩnh kiên định để tự đi trên con đường văn chương dằng dặc phía trước mà sự thành bại chưa thể nói trước.

Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc và nhà thơ trẻ Lý Hữu Lương.

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.

Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc và nhà thơ trẻ Lý Hữu Lương.

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.

Các nhà văn trẻ hãy tiếp bước các thế hệ đi trước. Hãy viết bằng nét đẹp văn hóa dân tộc mình, bằng tâm thế của thời đại mình, bằng lương tri, bản lĩnh của con người Việt Nam. Chỉ như vậy, họ mới có thể hoàn thành sứ mệnh của nhà văn với danh vị vô cùng cao quí mà xã hội dành cho họ: lương tri của thời đại.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc

Để có một thế hệ nhà văn tương lai tài năng như mong muốn, cần có thời gian ươm trồng, bởi vì, ngoài nỗ lực tự đào tạo, vốn được coi là công việc bắt buộc của người cầm bút, thì chỉ có sự hỗ trợ và đầu tư từ nguồn lực Nhà nước, thì Hội Nhà văn Việt Nam mới có thể đưa những cây bút trẻ tiềm năng đến những trường Đại học tốt nhất, những trung tâm văn học thế giới, hoặc ở mức thấp hơn, tới những cộng đồng văn chương ở đẳng cấp cao để những cây bút đó thu lượm, tích lũy, học hỏi, làm giàu tri thức, hiểu biết và nâng tầm hướng tới những cuộc chinh phục đỉnh cao văn chương trong tương lai.

Hoặc theo cách ít tốn kém hơn mà vẫn hiệu quả, đó là hằng năm chúng ta có nguồn kinh phí để mời những tên tuổi lớn của văn học thế giới sang Việt Nam thỉnh giảng, giao lưu, trao đổi với các nhà văn Việt Nam, đặc biệt là các nhà văn trẻ về văn học thế giới.

Muốn có tác phẩm lớn, ngoài sự cố gắng của Hội Nhà văn Việt Nam, của các nhà văn, cần thêm đầu tư đặt hàng của Nhà nước bởi nhìn chung, đời sống văn học còn nhiều khó khăn, nhiều tác phẩm ấn tượng khi nhà văn xuất bản vẫn phải trang trải kinh phí, tự phát hành và cuối cùng là cần đẩy mạnh nhiệm vụ quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới.
Nhà thơ Hữu Thỉnh, Nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam

Cũng vì vậy, điều mong mỏi của Hội Nhà văn Việt Nam là Nhà nước có chính sách khuyến khích mạnh mẽ người viết trẻ thông qua các cuộc thi, bằng các giải thưởng văn học mang giá trị cao, để người viết trẻ nào còn phân vân ở lằn ranh giữa viết và không viết, giữa “ở lại với văn chương” hay “rời đi làm công việc khác” được cổ vũ khích lệ, có thành công thì họ sẽ vững tâm đi tiếp. Giá như giải thưởng văn chương mà chỉ cần bằng một phần nhỏ giải thưởng của các cầu thủ bóng đá của chúng ta thôi, thì chắc người cầm bút có thể yên tâm tập trung cho việc sáng tạo. Cổ vũ, động viên cho những người viết trẻ, chính là cổ vũ cho tương lai của văn học.

Sự quan tâm, chia sẻ kịp thời và nồng nhiệt của Đảng và Nhà nước là sự đầu tư lớn nhất về mặt tinh thần, niềm tin đối với người cầm bút. Từ đó, tạo ra những cảm hứng mạnh mẽ, hun đúc khát vọng văn chương vì con người, vì lẽ phải, vì những giá trị tốt đẹp nhất của dân tộc.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam

Phải sống rồi mới viết, có thực mới vực được đạo, nhất là trong thời đại hiện nay. Nếu nhà nước có chính sách hỗ trợ các cây bút trẻ xuất bản tác phẩm, có những thiết chế phù hợp để khuyến khích các cây bút trẻ, tạo sự quan tâm, trân trọng của toàn xã hội với hoạt động văn chương, người viết trẻ mới thấy mình cần phải xứng đáng với sự quan tâm đó khi ngồi trước trang giấy trắng.

Khích lệ ý thức sáng tạo và trách nhiệm công dân

Theo Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Bình Phương, từ nhiều nguyên nhân, do những thay đổi trong cuộc sống hiện đại, sự phát triển đa chiều của xã hội, công nghệ thông tin và các loại hình nghệ thuật, giải trí, văn học đã và đang đứng trước nguy cơ bị gạt ra khỏi trung tâm đời sống văn hoá tinh thần của xã hội. Để tồn tại đàng hoàng, văn học phải biết biến nguy cơ thành cơ hội để thay đổi, bứt phá.

Những vấn đề trên Ban chấp hành Hội Nhà văn đã nhìn ra, và đang triển khai nhiều phương án để cải thiện tình thế. Một trong những động thái cụ thể nhất là thành lập Giải thưởng Tác giả trẻ. Giải thưởng nhằm ghi nhận, động viên các tác giả trẻ hoạt động trên lĩnh vực văn học, qua đó góp phần tạo ra sự sôi động, phấn khích cho đời sống sáng tác, động viên, khuyến khích các tác giả trẻ theo đuổi con đường văn chương với ý thức sáng tạo và trách nhiệm công dân.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: đây là lần đầu tiên Hội tổ chức được giải thưởng này với quan điểm, thái độ định hướng dựa trên nguyên tắc: Tôn trọng quyền sáng tạo, cởi mở trong thẩm định, ủng hộ những cá tính sáng tạo độc đáo, phát hiện những tác giả tiềm năng, đồng thời đòi hỏi tinh thần xây dựng nhân văn, ý thức cộng đồng và trách nhiệm xã hội.

Một buổi tọa đàm của các nhà văn trẻ.

Một buổi tọa đàm của các nhà văn trẻ.

Ngày 9/1 vừa qua, Hội Nhà văn Việt Nam đã công bố kết quả Giải thưởng Tác giả Trẻ lần thứ nhất, năm 2021. Hơn 50 tác phẩm đã được gửi tới, tham gia xét giải với bốn thể loại chính, gồm: Thơ, Văn xuôi, Lý luận - phê bình và Văn học dịch. Đây là giải trao tặng những tác phẩm văn học xuất sắc trong năm (xuất bản từ ngày 1/10 năm trước đến 30/9 năm trao giải) của các tác giả tuổi từ 35 trở xuống (tính tại thời điểm xuất bản sách).

Năm 2021, từ hơn 50 tác phẩm tham dự giải, các tác giả đoạt Giải thưởng Tác giả Trẻ năm 2021 gồm: Thơ: Lý Hữu Lương (tập thơ Yao), Phương Đặng (tập thơ Con người); Văn xuôi: Đinh Phương (tiểu thuyết Nắng thổ tang); Lý luận phê bình: Vũ Thị Trang (tập sách lý luận phê bình Phê bình phân tâm học phía của những ám ảnh nghệ thuật); Văn học dịch: Nguyễn Bình (Bản dịch sang tiếng Anh tác phẩm Truyện Kiều). Trị giá mỗi giải thưởng là 30 triệu đồng.

Ở lĩnh vực thơ, tác giả Lý Hữu Lương, một sĩ quan quân đội người dân tộc Dao đã cảm nhận về thân phận cá thể trong thân phận một vùng văn hoá, và thân phận của vùng văn hoá trong thân phận một cộng đồng qua tập thơ Yao. Tác giả Phương Đặng lại thể hiện trong tập thơ Con người một nhận thức khá tỉnh táo, rành mạch về đời sống đương đại với những mổ xẻ, phân tích của lý trí.

Cả hai tác giả Lý Hữu Lương và Phương Đặng đều cho thấy ý thức, cách thức ứng xử nhạy bén, trưởng thành của người sáng tạo đối với cộng đồng và thế giới quanh mình. Đặc biệt, tất cả vấn đề trên được thể hiện qua phong cách, bút pháp diễn đạt sáng tạo, cá tính.

Lĩnh vực văn xuôi, tác giả Đinh Phương với tiểu thuyết Nắng thổ tang đã khẳng định nỗ lực trong việc tạo ra cấu trúc mới, đẩy tác phẩm đạt tới sự phức hợp cần thiết mà vẫn tránh được cầu kỳ rối rắm. Những thể nghiệm, khám phá bộc lộ một ý thức ráo riết làm mới, mang đến giá trị lôi cuốn cho văn chương.

Nhà văn Đinh Phương.

Nhà văn Đinh Phương.

Thể loại nghiên cứu phê bình, tác phẩm Phê bình phân tâm học, phía của những ám ảnh nghệ thuật của Vũ Thị Trang là công trình khảo cứu, quy chiếu công phu, trách nhiệm và vững vàng về lý thuyết. Nổi bật với giải Văn học dịch, tác giả Nguyễn Bình mới 20 tuổi, đang du học ngành Thiên văn học tại Mỹ đã tạo được ấn tượng sâu sắc với Bản dịch tiếng Anh kiệt tác Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du. Theo đánh giá từ giới chuyện môn, một dịch giả trẻ khi chọn dịch kiệt tác này là hành động vượt qua cả tâm huyết, vượt qua cả đam mê để trở thành sự dấn thân theo đúng nghĩa của từ. Văn học Việt Nam cần những người trẻ với sự dấn thân như thế để bước ra thế giới.

Tác giả trẻ Vũ Thị Trang.

Tác giả trẻ Vũ Thị Trang.

Phê bình phân tâm học, phía của những ám ảnh nghệ thuật của Vũ Thị Trang là thí dụ tiêu biểu công trình cho thấy sự khảo cứu, quy chiếu hết sức công phu, trách nhiệm và vững vàng về lí thuyết.

Tác phẩm thơ Con người của tác giả Phương Đặng.

Tác phẩm thơ Con người của tác giả Phương Đặng.

Tác phẩm của nhà văn trẻ Đình Phương.

Tác phẩm của nhà văn trẻ Đình Phương.

Tác phẩm của tác giả trẻ Vũ Thị Trang.

Tác phẩm của tác giả trẻ Vũ Thị Trang.

Thông qua những cuốn sách dự giải và đoạt giải, các tác giả trẻ đã mang đến những giọng điệu mới, những thi pháp mới và trí tuệ. Điều quan trọng nhất, họ đã đặt vấn đề của đất nước, con người, xã hội một cách sống động, cho thấy thái độ của người viết trẻ đối với di sản văn hóa dân tộc, trách nhiệm công dân, lao động nghề nghiệp.

Giải thưởng mang lại cho đời sống văn học niềm hy vọng về một thế hệ mới đang được làm sáng tỏ hơn về mặt giá trị, được động viên nhiều hơn về tinh thần. Hội Nhà văn Việt Nam hy vọng ở những mùa giải sau, số lượng tác giả trẻ dự giải sẽ đông hơn và các lĩnh vực vốn còn ít người dấn thân như: Văn học dịch, Lý luận-phê bình… sẽ có sự xuất hiện sôi nổi, ấn tượng của các cây bút trẻ từ khắp mọi miền trong cả nước và các du học sinh, tác giả đang tu nghiệp, sinh sống ở nước ngoài.

Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Bình Phương.

Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Bình Phương.

Cộng dồn các tác phẩm trong đợt xét giải này, có thể nhận ra tinh thần nhân văn, ý thức xây dựng và trách nhiệm xã hội hết sức cao của các tác giả trẻ. Đó chính là phẩm tính của một thế hệ. Phẩm tính ấy xuất phát từ nền tảng của lòng tự tin. Tự tin là tài sản cần phải có đối với bất kỳ người sáng tạo nào, đặc biệt ở các tác giả trẻ. Dĩ nhiên lòng tự tin không nên trượt sang ranh giới của sự kiêu ngạo.

Đề cập vấn đề phát hiện, bồi dưỡng đội ngũ người viết trẻ, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, trong nhiệm kỳ này, ngoài Giải thưởng Tác giả Trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam xác định tầm quan trọng trong việc bổ sung đội ngũ; phát hiện, tôn vinh, bảo vệ giá trị tác phẩm văn chương; định hướng, khuyến khích thái độ, trách nhiệm của người viết trẻ với những đề tài, cảm hứng mới mẻ, lớn lao. Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Hội sẽ tổ chức nhiều hoạt động chuyên môn, các chuyến đi thực tế, hội thảo, tọa đàm; tạo ra những diễn đàn như: tạp chí, chuyên đề, sách… với chủ thể chính là người viết trẻ ■

Tổ chức thực hiện: HỒNG MINH - TIẾN CƯỜNG
Nội dung: HỮU VIỆT - LỮ MAI
ẢNH: ĐĂNG KHOA - LỮ MAI
Trình bày: DUY LONG