XUNG LỰC MỚI, TẦM CAO MỚI TRONG QUAN HỆ VIỆT NAM-ẤN ĐỘ

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam vừa kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ, theo lời mời của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Phạm Minh Chính góp phần củng cố tin cậy chính trị, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Ấn Độ, đóng góp cho thịnh vượng và phát triển của khu vực và thế giới.

Chia sẻ tầm nhìn chiến lược

Tại thủ đô New Delhi, trong bầu không khí hữu nghị, nồng ấm và tin cậy, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có các cuộc hội đàm, hội kiến quan trọng với các nhà lãnh đạo cấp cao của Ấn Độ là Thủ tướng Narendra Modi, Tổng thống Droupadi Murmu và Phó Tổng thống, Chủ tịch Thượng viện Jagdeep Dhankhar.

Là một trong những lãnh đạo nước ngoài đầu tiên thăm Ấn Độ sau khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng Thủ tướng Narendra Modi, Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) và Liên minh Dân chủ quốc gia (NDA) về thắng lợi lịch sử trong cuộc bầu cử Hạ viện Ấn Độ lần thứ 18 vừa qua.

Thủ tướng bày tỏ tin tưởng dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Narendra Modi, Ấn Độ sẽ đạt được tầm nhìn “Viksit Bharat 2047”, thực hiện mục tiêu 100 năm đưa Ấn Độ trở thành nước phát triển vào năm 2047, có vai trò và vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế.

Khẳng định Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người bạn thân thiết của nhân dân Ấn Độ và đất nước Ấn Độ luôn trân trọng những đóng góp quý báu của Tổng Bí thư đối với quan hệ hai nước, Thủ tướng Narendra Modi thay mặt người dân Ấn Độ đã gửi lời chia buồn sâu sắc trước mất mát to lớn của đất nước và nhân dân Việt Nam.

Item 1 of 4

​Thủ tướng Narendra Modi đón Thủ tướng Phạm Minh Chính​ thăm cấp Nhà nước đến Ấn Độ. (Ảnh: TTXVN)

​Thủ tướng Narendra Modi đón Thủ tướng Phạm Minh Chính​ thăm cấp Nhà nước đến Ấn Độ. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính ​hội kiến Tổng thống Ấn Độ Droupadi Murmu. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính ​hội kiến Tổng thống Ấn Độ Droupadi Murmu. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Phó Tổng thống, Chủ tịch Thượng viện Ấn Độ Jagdeep Dhankhar. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Phó Tổng thống, Chủ tịch Thượng viện Ấn Độ Jagdeep Dhankhar. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Chủ tịch Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) Jagat Prakash Nadda. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Chủ tịch Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) Jagat Prakash Nadda. (Ảnh: TTXVN)

Nhấn mạnh quan tầm quan trọng của quan hệ hữu nghị và truyền thống lâu đời giữa Ấn Độ và Việt Nam, cùng sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ song phương kể từ khi hai nước nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện năm 2016, hai Thủ tướng nhất trí tiếp tục triển khai hiệu quả kết quả của các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao gần đây, trong đó có Tuyên bố tầm nhìn chung Việt Nam-Ấn Độ về hòa bình, thịnh vượng và người dân năm 2020.

Trên cơ sở sự phát triển tốt đẹp của quan hệ song phương, hai bên nhất trí duy trì đều đặn các chuyến thăm và trao đổi cấp cao và ở tất cả các cấp. Nhấn mạnh tình hình địa chính trị hiện nay đòi hỏi hợp tác chặt chẽ hơn giữa Việt Nam và Ấn Độ, hai Thủ tướng cùng ủng hộ tiếng nói và vai trò lớn hơn cho các nước phương Nam trong quan hệ quốc tế.

Hoan nghênh việc ký Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện  giai đoạn 2024-2028, hai Thủ tướng nhất trí tăng cường đối thoại song phương trong các cơ chế hợp tác đa dạng trong lĩnh vực ngoại giao, an ninh và hợp tác biển, hợp tác quốc phòng, trao đổi giữa các cơ quan lập pháp, thương mại và đầu tư, nông nghiệp, y tế, hàng không dân dụng, công nghệ thông tin và truyền thông, khoa học và công nghệ, bao gồm năng lượng nguyên tử và vũ trụ, du lịch và văn hoá…, đặc biệt là Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam-Ấn Độ về Hợp tác Kinh tế, Thương mại, Khoa học và Công nghệ.

Việt Nam luôn ủng hộ và mong muốn Ấn Độ phát triển lớn mạnh hơn nữa, có vai trò và vị thế ngày càng cao ở khu vực và quốc tế.

- Thủ tướng Phạm Minh Chính

​Thủ tướng Narendra Modi đón Thủ tướng Phạm Minh Chính​ thăm cấp Nhà nước đến Ấn Độ. (Ảnh: TTXVN)

​Thủ tướng Narendra Modi đón Thủ tướng Phạm Minh Chính​ thăm cấp Nhà nước đến Ấn Độ. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Narendra Modi nhất trí củng cố hơn nữa các lĩnh vực hợp tác truyền thống và mở rộng sang các lĩnh vực mới tiềm năng với phương châm “Năm hơn”:

1. tin cậy chính trị cao hơn;

2. hợp tác quốc phòng và an ninh sâu sắc hơn;

3. hợp tác kinh tế-thương mại và đầu tư thực chất và hiệu quả hơn;

4. hợp tác khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo rộng mở hơn;

5. giao lưu văn hóa, nhân dân kết nối mật thiết hơn.

Cùng nhận định hợp tác quốc phòng an ninh tiếp tục là trụ cột quan trọng trong quan hệ song phương, hai Thủ tướng hoan nghênh việc triển khai hiệu quả Tầm nhìn chung về hợp tác Quốc phòng Việt Nam-Ấn Độ đến năm 2030 và tăng cường hợp tác quốc phòng trong những năm gần đây trong đào tạo và nâng cao năng lực, chia sẻ thực tiễn, huấn luyện, đối thoại chính sách quốc phòng và hợp tác công nghiệp quốc phòng. Hai bên nhất trí tăng cường hơn nữa hợp tác quốc phòng dựa trên các ưu tiên và quan tâm chung, đóng góp vào sự ổn định hơn nữa ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Hai Thủ tướng hoan nghênh việc ký hai dự án sử dụng gói tín dụng ưu đãi 300 triệu USD Chính phủ Ấn Độ cấp cho Chính phủ Việt Nam.

Hai Thủ tướng nhất trí thúc đẩy hợp tác, cũng như nâng cao năng lực trong lĩnh vực hải dương học, khoa học biển và kinh tế biển xanh. Qua đó, hai bên nhất trí sớm thúc đẩy triển khai Thỏa thuận về Thủy văn học và thành lập Ủy ban chung về vấn đề này.

Chia sẻ quan điểm về vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình vì sự hòa bình, ổn định và thịnh vượng, hai Thủ tướng mong muốn củng cố hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN-Ấn Độ, qua đó góp phần bổ sung cho quan hệ song phương với từng nước thành viên.

Thủ tướng Phạm Minh Chính​ gặp hẹp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính​ gặp hẹp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. (Ảnh: TTXVN)

Hai Thủ tướng cùng nhấn mạnh tầm quan trọng của Tuyên bố chung ASEAN-Ấn Độ về hợp tác triển khai Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP) vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực, văn kiện góp phần thúc đẩy cơ hội hợp tác giữa AOIP và Sáng kiến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Ấn Độ.

Nhân chuyến thăm, hai bên thông qua Tuyên bố chung về tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Ấn Độ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Narendra Modi đã ấn nút khai trương Công viên phần mềm quân đội tại Nha Trang và cùng chứng kiến lễ trao các văn kiện hợp tác được ký kết giữa các bộ, ngành, cơ quan hai nước trong các lĩnh vực như pháp luật và tư pháp; phát thanh và truyền hình; tài chính; văn hóa và bảo tồn văn hóa; du lịch; sản xuất cây dược liệu; nông nghiệp; giáo dục, đào tạo…

Nổi bật là Chương trình Hành động Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Ấn Độ giai đoạn 2024-2028Công hàm về việc Việt Nam gia nhập Liên minh Cơ sở hạ tầng chống chịu thiên tai (CDRI).

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Thủ tướng Narendra Modi chứng kiến lễ trao các văn kiện hợp tác song phương tại New Delhi gồm:

1. Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Ấn Độ giai đoạn 2024-2028.

2. Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực xây dựng năng lực hải quan giữa Tổng cục Hải quan Việt Nam và Ủy ban Thuế gián thu và Hải quan trung ương Ấn Độ (CBIC)

3. Bản ghi nhớ giữa Viện Khoa học Nông nghiệp, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Đại học Nông nghiệp trung ương Imphal, Manipur.

4. Bản ghi nhớ về hợp tác pháp luật và tư pháp giữa Bộ Tư pháp, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Pháp luật và Tư pháp, nước Cộng hòa Ấn Độ.

5. Bản ghi nhớ về hợp tác phát thanh và truyền hình giữa Đài tiếng nói Việt Nam, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Đài phát thanh Prasar Bharati, nước Cộng hòa Ấn Độ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Narendra Modi chứng kiến trao 2 hiệp định vay tín dụng, tổng trị giá 300 triệu USD giữa Bộ Tài chính Việt Nam và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Ấn Độ. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Narendra Modi chứng kiến trao 2 hiệp định vay tín dụng, tổng trị giá 300 triệu USD giữa Bộ Tài chính Việt Nam và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Ấn Độ. (Ảnh: TTXVN)

6. Hai hiệp định vay tín dụng giữa Bộ Tài chính Việt Nam và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Ấn Độ trị giá 300 triệu USD.

7. Ý định thư giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Ấn Độ về bảo tồn và phục hồi khu tháp F tại Mỹ Sơn, Quảng Nam, Việt Nam.

8. Bản ghi nhớ giữa Cục quản lý Y, Dược cổ truyền, Bộ Y tế, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Ủy ban dược liệu quốc gia, Bộ Ayush, nước Cộng hòa Ấn Độ về hợp tác trong lĩnh vực cây dược liệu.

9. Bản ghi nhớ giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Cảng, Vận tải và Đường thủy nước Cộng hòa Ấn Độ về hợp tác và phát triển khu phức hợp di sản hàng hải quốc gia (NMHC) tại Lothal, Gujarat.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Narendra Modi cùng ấn nút khai trương Công viên phần mềm quân đội tại Nha Trang. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Narendra Modi cùng ấn nút khai trương Công viên phần mềm quân đội tại Nha Trang. (Ảnh: TTXVN)

10. Lễ khai trương trực tuyến về việc thành lập Công viên phần mềm quân đội tại Đại học Thông tin liên lạc ở Nha Trang với sự hỗ trợ của Chính phủ Ấn Độ.

11. Thông báo về việc Việt Nam tham gia Liên minh cơ sở hạ tầng chống chịu thiên tai (CDRI).

​Thủ tướng Phạm Minh Chính​ hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. (Ảnh: TTXVN)

​Thủ tướng Phạm Minh Chính​ hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. (Ảnh: TTXVN)

​Thủ tướng Phạm Minh Chính​ hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. (Ảnh: TTXVN)

​Thủ tướng Phạm Minh Chính​ hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. (Ảnh: TTXVN)

Hợp tác hướng tới tương lai

Kể từ khi xác lập khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện năm 2016, kim ngạch thương mại Việt Nam-Ấn Độ đã tăng gấp 3 lần, từ hơn 5 tỷ USD của năm 2016 lên 15 tỷ USD năm 2023. Năm 2019, các hãng hàng không của hai nước đã mở tuyến bay thẳng đầu tiên kêt nối Việt Nam với Ấn Độ, tạo cú hích lớn trong việc đưa lượng khách du lịch Ấn Độ sang Việt Nam tăng trưởng vượt bậc, gấp 2,5 lần, từ 170.000 lượt năm 2019 lên 400.000 lượt năm 2023, với 54 chuyến bay/tuần giữa các thành phố lớn của hai nước.

Đại diện cho hai nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng, hai Thủ tướng nhất trí thúc đẩy hợp tác giữa Chính phủ và doanh nghiệp hai nước nhằm tăng cường thương mại, đầu tư song phương cũng như quan hệ đối tác về công nghệ. Hai bên nhất trí mở rộng hợp tác trong lĩnh vực khoa học công nghệ, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ lõi, chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và hợp tác về đổi mới sáng tạo...

Hai bên nhất trí cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong dỡ bỏ các rào cản thương mại nhằm tạo thuận lợi và thúc đẩy thương mại song phương tăng trưởng hơn nữa, cùng hướng tới mốc 20 tỷ USD. Đồng thời, nhất trí rà soát Hiệp định Thương mại hàng hóa Ấn Độ-ASEAN, góp phần làm cho Hiệp định trở nên thân thiện hơn, đơn giản hơn và tạo thuận lợi hơn cho thương mại giữa hai nước.

Dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Ấn Độ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến trao biên bản hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước. (Ảnh: TTXVN)

Dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Ấn Độ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến trao biên bản hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Ấn Độ xem xét tích cực đề xuất của các doanh nghiệp Việt Nam về cấp mới, gia hạn giấy chứng nhận Tiêu chuẩn Ấn Độ (BIS) cho các mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam. Đồng thời, khuyến khích các tập đoàn lớn, tỷ phú công nghệ của Ấn Độ sang Việt Nam đầu tư, tạo ra những dự án lớn mang tính biểu tượng của hợp tác kinh tế hai nước.

Việt Nam hoan nghênh đầu tư từ Ấn Độ trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghệ sạch, công nghệ thông tin, các ngành công nghiệp phụ trợ và sản xuất, may mặc, công nghiệp ô tô và nguyên vật liệu, nông nghiệp xanh, nông nghiệp thông minh, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, chất bán dẫn, các dự án bảo tồn năng lượng và năng lượng tái tạo, điện, khí sinh học và sợi polyester...

Ấn Độ hoan nghênh các dòng đầu tư từ Việt Nam trong các lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông sản, thủy sản, chế tác gỗ, công nghệ thông tin, sản xuất pin, cơ sở hạ tầng và phát triển đô thị, các sản phẩm từ tre và lâm nghiệp, lữ hành và du lịch, công nghệ số, xe điện, y tế và dịch vụ...

Đặc biệt, Ấn Độ hoan nghênh Việt Nam quyết định tham gia Liên minh Cơ sở hạ tầng chống chịu thiên tai và sớm hoàn thiện thủ tục nội bộ để chính thức gia nhập Liên minh Năng lượng mặt trời quốc tế.

Item 1 of 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp lãnh đạo Tập đoàn Phát triển hành lang công nghiệp (NICDC) và ​Cơ quan Xúc tiến và Tạo thuận lợi đầu tư quốc gia Invest India. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp lãnh đạo Tập đoàn Phát triển hành lang công nghiệp (NICDC) và ​Cơ quan Xúc tiến và Tạo thuận lợi đầu tư quốc gia Invest India. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Shikhar Malhotra, Giám đốc Công ty Công nghệ toàn cầu HCL Corporation. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Shikhar Malhotra, Giám đốc Công ty Công nghệ toàn cầu HCL Corporation. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Cùng khẳng định tầm quan trọng của công nghệ số và chia sẻ các ưu tiên quốc gia của cả Việt Nam và Ấn Độ với chuyển đổi số và chuyển đổi năng lượng, hai Thủ tướng nhất trí khuyến khích tăng cường các hoạt động trao đổi và hợp tác trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng số, ứng dụng công nghệ vũ trụ, năng lượng tái tạo, công nghệ sinh học và công nghệ chống chịu thiên tai.

Nổi bật là việc thành lập Trung tâm hiệu năng cao về phát triển và đào tạo tại Học viện Bưu chính Viễn thông Thành phố Hồ Chí Minh và Công viên phần mềm quân đội tại Đại học Thông tin liên lạc Nha Trang với sự hỗ trợ của Chính phủ Ấn Độ.

Cùng với đó, hai Thủ tướng nhất trí tăng cường chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng các quy định và chính sách hỗ trợ thúc đẩy thương mại điện tử và kinh tế số. Trong đó, hỗ trợ doanh nghiệp hai nước tham gia các nền tảng số và thương mại điện tử để tận dụng lợi thế của thương mại điện tử trong việc nâng cao năng lực xuất khẩu và tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu một cách bền vững.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu về chính sách của Việt Nam tại Hội đồng các vấn đề thế giới của Ấn Độ. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu về chính sách của Việt Nam tại Hội đồng các vấn đề thế giới của Ấn Độ. (Ảnh: TTXVN)

Cũng tại thủ đô New Delhi, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Thượng viện Ấn Độ tiếp tục ủng hộ hợp tác với Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực, trước hết trong những lĩnh vực truyền thống trụ cột như quốc phòng-an ninh và kinh tế-thương mai, đồng thời mở rộng sang lĩnh vực mới nhiều tiềm năng như khoa học và công nghệ, thông tin và truyền thông, năng lượng tái tạo, kinh tế xanh, kinh tế số, trí tuệ nhân tạo. Hai bên nhất trí tăng cường giao lưu, hợp tác giữa Quốc hội hai nước, chia sẻ kinh nghiệm giữa các ủy ban chuyên môn cũng như giữa các đại biểu Quốc hội.

Trên cơ sở các liên kết lịch sử và di sản giữa hai nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Narendra Modi cùng ủng hộ tăng cường trao đổi hơn nữa sinh viên và chức sắc Phật giáo, khách hành hương, sinh viên và sự phát triển các viện và cơ sở tín ngưỡng và Phật giáo.

Hai bên nhất trí sớm ký thỏa thuận hợp tác về du lịch, nỗ lực sớm đạt mục tiêu tăng gấp đôi lượng khách du lịch so với hiện nay với khoảng 400.000 lượt khách/năm, tiếp tục hợp tác trùng tu, bảo tồn các di sản Tháp Chăm ở Mỹ Sơn, Quảng Nam cũng như đa dạng hóa hơn nữa các hình thức giao lưu nhân dân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính​ và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại cuộc gặp gỡ báo chí hai nước. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính​ và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại cuộc gặp gỡ báo chí hai nước. (Ảnh: TTXVN)

Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ của Thủ tướng Phạm Minh Chính là minh chứng cho tình cảm và mối quan hệ hữu nghị truyền thống bền chặt giữa hai nước, cũng như khẳng định sự coi trọng và ủng hộ mà hai nước dành cho nhau trong tổng thể chính sách đối ngoại của mỗi nước.

Chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đến Ấn Độ kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện năm 2016 góp phần thúc đẩy đà phát triển thực chất và hiệu quả về cả chính trị, ngoại giao, quốc phòng, an ninh, kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước.

 >>> Đọc thêm: Tiêu điểm THỦ TƯỚNG THĂM CẤP NHÀ NƯỚC TỚI ẤN ĐỘ

Ngày xuất bản: 2/8/2024
Chỉ đạo thực hiện: CHU HỒNG THẮNG - PHẠM TRƯỜNG SƠN
Nội dung: NINH SƠN - HỒNG DUY
Trình bày: NHÃ NAM