

Ðồng chí Nguyễn Văn Cừ, một tấm gương cộng sản mẫu mực*
HÀ ÐĂNG
Ðồng chí Nguyễn Văn Cừ làm Tổng Bí thư của Ðảng ta từ năm 1938 đến năm 1940.
Ðồng chí Nguyễn Văn Cừ sinh ngày 9/7/1912 ở làng Phù Khê, tổng Nghĩa Lập, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, nay là thôn Phù Khê, xã Phù Khê, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, trong một gia đình nhà nho nghèo, có truyền thống yêu nước.
Từ thời niên thiếu, khi còn học ở Trường Bưởi (Hà Nội) đồng chí đã tỏ rõ tinh thần yêu nước nồng nàn và ý chí cách mạng sâu sắc. Khoảng những năm 1927-1928, phong trào cách mạng trong nước đang dâng lên. Ðược sự tuyên truyền và giác ngộ của các đồng chí trong Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, đồng chí Nguyễn Văn Cừ sớm nhận ra rằng, muốn xóa bỏ áp bức, bất công, phải đánh đổ chế độ đế quốc phong kiến, giành lại độc lập cho Tổ quốc và tự do cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Ðồng chí bước vào hoạt động cách mạng và bị nhà trường đuổi ra giữa khóa.
Về quê, đồng chí dạy học, và chính ở đây, đồng chí đã liên lạc với đồng chí Ngô Gia Tự, với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên xây dựng nhiều cơ sở cách mạng.
Cuối năm 1928, thực hiện chủ trương của Kỳ bộ Bắc Kỳ, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đi "vô sản hóa" tại mỏ than Vàng Danh và từ đây, gắn liền hoạt động cách mạng của mình với những người công nhân mỏ.
Tháng 6/1929, Ðông Dương Cộng sản Ðảng ra đời, đồng chí Nguyễn Văn Cừ trở thành đảng viên của Ðảng. Và sau ngày Ðảng Cộng sản Việt Nam thành lập (3/2/1930), đồng chí được bầu làm Bí thư Ðặc khu ủy Hòn Gai- Uông Bí. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ðặc khu ủy, phong trào đấu tranh của công nhân vùng mỏ lên cao. Thực dân Pháp ra sức khủng bố. Ðồng chí bị địch bắt, kết án tù khổ sai chung thân và đày ra Côn Ðảo sau tháng 5/1931.
Trong nhà tù, quyết tâm thực hiện chủ trương của Ðảng "biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng", đồng chí Nguyễn Văn Cừ cùng đồng chí Lê Duẩn và nhiều đồng chí khác đem hiểu biết và kinh nghiệm hoạt động của mình hướng dẫn các đồng chí khác học lý luận, văn hóa và công tác cách mạng. Với trí nhớ rất tốt, đồng chí đã ghi lại bản Luận cương chính trị của Ðảng mà đồng chí đã đọc thuộc hồi bị tù ở Hỏa Lò cho anh em học tập.
Năm 1936, do phong trào đấu tranh của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Ðảng và thắng lợi của Mặt trận nhân dân Pháp, bọn thực dân Pháp buộc phải thả một số tù chính trị, trong đó có đồng chí Nguyễn Văn Cừ.
Vừa về đến Hà Nội, đồng chí đã liên lạc với Ðảng và tiếp tục hoạt động xây dựng lại tổ chức của Ðảng và vận động quần chúng đấu tranh. Tháng 3/1937, đồng chí được bầu vào Xứ ủy Bắc Kỳ. Trong khi cùng với các đồng chí Xứ ủy chỉ đạo xây dựng các cơ sở đảng và quần chúng, đồng chí rất quan tâm sử dụng báo chí công khai, coi báo chí là một vũ khí tiến công kẻ thù, nhắc nhở các đồng chí phụ trách các báo phải đứng vững trên lập trường của Ðảng, chỉ đạo sát thực tế, hướng các báo đấu tranh chống bọn phản động thuộc địa, bọn tờ-rốt-kít, thúc đẩy phong trào quần chúng tiến lên.
Cuối tháng 8 đầu tháng 9/1937, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng họp quyết định thành lập Mặt trận dân chủ Ðông Dương. Tại hội nghị này, đồng chí được cử vào Ban Thường vụ Trung ương.
Tháng 3/1938, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được bầu làm Tổng Bí thư của Ðảng; năm ấy, đồng chí mới 26 tuổi.

Những năm 1937-1938, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, phong trào cách mạng của quần chúng lên cao. Mặt trận thống nhất dân chủ Ðông Dương mở rộng hoạt động, tổ chức nhiều cuộc mít-tinh lớn ở nhiều nơi, thu hút hàng chục nghìn người đấu tranh đòi tự do dân chủ, cải thiện dân sinh. Ðể chống phá phong trào cách mạng, bọn tờ-rốt-kít, bọn mật thám cũng ráo riết hoạt động. Chúng công kích chủ trương của Ðảng thành lập Mặt trận dân chủ, vu cáo Ðảng ta rời bỏ lập trường giai cấp đi theo chủ nghĩa cải lương, vì Ðảng thực hiện sự liên hiệp các giai cấp trong cuộc đấu tranh chống phát-xít và phản động thuộc địa. Chúng đề ra những khẩu hiệu cực "tả" nhằm lôi kéo một số ít công nhân, nhất là những thanh niên bồng bột.
Ðồng chí Nguyễn Văn Cừ cùng Trung ương lãnh đạo Ðảng đấu tranh lột mặt nạ và cô lập bọn tờ-rốt-kít ở Nam Kỳ, Bắc Kỳ; đồng thời tiến hành một cuộc tự phê bình và phê bình trong Ðảng, nghiêm khắc phê phán những khuynh hướng cô độc hẹp hòi và hữu khuynh thỏa hiệp vô nguyên tắc với bọn tờ-rốt-kít. Với bút danh Trí Cường, đồng chí viết một tác phẩm lý luận nổi tiếng, cuốn Tự chỉ trích do Nhà xuất bản Tập sách Dân chúng xuất bản, ngày 20-7-1939. Tác phẩm tổng kết những kinh nghiệm vận động thành lập Mặt trận dân chủ Ðông Dương, phân tích sự đúng đắn và sáng tạo của chủ trương Ðảng ta thành lập Mặt trận. Ðồng chí khẳng định: "Chúng ta đã phải chiến thắng những xu hướng sai lầm trong hàng ngũ: xu hướng "tả khuynh", cô độc, nó muốn làm cho Ðảng co bé, rút hẹp bởi biệt phái, cách xa quần chúng, và xu hướng thỏa hiệp hữu khuynh, lung lay trước những tình hình nghiêm trọng nhãng quên hoặc che lấp sự tuyên truyền chủ nghĩa Marx-Lenin, lăm le rời bỏ những nguyên tắc cách mệnh".
Tự chỉ trích là một tác phẩm lý luận có giá trị của Ðảng ta. Nó có tác dụng to lớn trong cuộc đấu tranh tư tưởng trong nội bộ Ðảng và giáng cho bọn tờ-rốt-kít một đòn quyết liệt về chính trị. Hàng ngũ Ðảng do đó được củng cố hơn trước. Quần chúng càng thêm tin tưởng đường lối đúng đắn và sự lãnh đạo sáng suốt của Ðảng.
Chân dung Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ và Tác phẩm "Tự chỉ trích".
Chân dung Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ và Tác phẩm "Tự chỉ trích".
Mùa thu năm 1939, sau khi đế quốc Pháp nhảy vào cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai và phát-xít hóa bộ máy cai trị ở Ðông Dương, tình hình có nhiều thay đổi. Tháng 11/1939, đồng chí Nguyễn Văn Cừ cùng các đồng chí Lê Duẩn, Phan Ðăng Lưu, v.v. họp Hội nghị Trung ương lần thứ 6. Ðánh giá đúng đắn vấn đề dân tộc, nhận rõ mâu thuẫn chủ yếu ở Ðông Dương là mâu thuẫn giữa các dân tộc Ðông Dương và chủ nghĩa đế quốc Pháp và bè lũ tay sai, hội nghị coi giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng trong thời kỳ mới. Ðây là một sự chuyển hướng chiến lược của Ðảng ta nhằm giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc, đoàn kết toàn dân trong Mặt trận thống nhất dân tộc chống đế quốc.
Giữa lúc cách mạng bước qua một bước ngoặt mới thì ngày 18/1/1940, đồng chí Nguyễn Văn Cừ bị địch bắt. Bọn đế quốc đã dùng những thủ đoạn dã man nhất tra tấn đồng chí. Cũng như Trần Phú, Lê Hồng Phong và nhiều đồng chí khác, Nguyễn Văn Cừ anh dũng giữ vững khí tiết kiên cường của người cộng sản.
Sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, bọn đế quốc đã hèn nhát kết án tử hình đồng chí. Ngày 2/8/1941, chúng xử bắn người lãnh đạo Ðảng Cộng sản tại Bà Ðiểm, Gò Vấp (Gia Ðịnh). Trước mũi súng của bọn đế quốc dã man, Nguyễn Văn Cừ và các đồng chí khác đã vứt bỏ tấm băng đen bịt mắt, nhìn thẳng vào họng súng, qua âm vang của hàng loạt tiếng hô lớn, khẳng định niềm tin tuyệt đối của mình vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng:
- Ðảng Cộng sản Ðông Dương muôn năm!
- Cách mạng Ðông Dương thành công muôn năm!
Ðồng chí Nguyễn Văn Cừ đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam, cho lý tưởng cộng sản chủ nghĩa cao đẹp. Toàn bộ cuộc đời hoạt động của đồng chí là một tấm gương chói lọi về phẩm chất cao quý trong sáng của người cộng sản...
Nguồn: Bài đăng trên Nhân Dân Điện tử ngày 21/7/2005.
Trình bày: Hạnh Vũ
Ảnh: TTXVN, Nhân Dân