Trong tâm chấn Myanmar:
Những món quà đặc biệt từ Việt Nam

Theo nhiều cách khác nhau, hình ảnh của Việt Nam, của những người lính cứu hộ sẽ còn hiện diện rất, rất lâu trong lòng người nơi đây. Giống như cách mà điều phối viên Sai Kaung Set – người nhận nhiệm vụ đồng hành cùng đoàn Việt Nam, liên tục nói: “Cảm ơn vì đã đến. Chúng ta sẽ mãi là anh em”.
Cảm ơn vì đã đến và giúp đỡ...

Không chỉ tham gia công tác cứu nạn, cứu hộ, trong thời gian làm nhiệm vụ tại Naypyidaw, các đoàn công tác Quân đội nhân dân và Bộ Công an Việt Nam còn tích cực hỗ trợ người dân địa phương để họ sớm vượt qua nỗi đau thảm họa.
Đại úy Yar Zar Min Myat, là Chỉ huy trưởng một đồn cứu hỏa ở thủ đô Naypyidaw. Trận động đất với độ mạnh 7.7 hôm 28/3 đã khiến ngôi nhà của anh bị sập mất phần trần. Mẹ Myat ngã gãy xương bánh chè. Sau thảm họa, 4 người dắt nhau ra ở tạm trên chiếc giường nhỏ đặt dưới gốc cây. Phía trên chăng tạm một tấm vải mỏng đã bạc màu.
Ngày ngày, để mẹ, vợ và em trai ở lại lều, viên Đại úy 31 Myat (bên trái) nhận nhiệm vụ điều phối công tác cứu hộ, cứu nạn của Myanmar với đoàn Việt Nam.
Qua các lần tiếp xúc và trao đổi công việc, Trung tá Nguyễn Thắng Anh (Phó trưởng phòng biên-phiên dịch, Cục Đối ngoại, Bộ Quốc phòng) biết được hoàn cảnh của Myat. Ngay sau đó, anh đã thông tin tới đoàn. Lập tức, Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó Cục trưởng Cục cứu hộ-cứu nạn (Bộ Tổng tham mưu) quyết định tặng gia đình người bạn Myanmar một chiếc lều bạt cùng một số đồ hỗ trợ như mì tôm, nước uống, thịt hộp…
Ngôi nhà mới mang màu cờ Việt Nam của anh Myat.
Ngôi nhà mới mang màu cờ Việt Nam của anh Myat.
Xúc động khi nhìn “ngôi nhà mới” có gắn quốc kỳ Việt Nam bên hông, vợ của Đại úy Myat chia sẻ: “Tôi muốn gửi lời cảm ơn chân thành tới cả đoàn. Tối nào về nhà anh Myat cũng kể với tôi về các bạn. Anh ấy nói rằng đoàn Việt Nam rất giỏi và không chỉ mang theo nhân lực mà còn có nhiều thiết bị cứu hộ cần thiết để giúp chúng tôi”.
Tại bệnh viên Đa khoa 1.000 giường Naypyidaw, Phoo Pwint Thazin đang nằm trên một giường bệnh được kê dưới gốc xoài già. Ngày đại địa chấn đến, cậu bé 9 tuổi bị hàng chục viên gạch rơi vào. Khi được cứu ra, em đã bị chấn thương sọ não ở mức nặng. Phần chân trái cũng gãy ngang. Ngay bên cạnh, anh Ko Myo Naing đến từ thị trấn Ye Mei Thin cũng băng kín đầu. Lớp gạc dày cộp đã chuyển màu nâu do máu và dịch vẫn rỉ ra.
Cả Thazin lẫn Naing, cùng hơn 100 bệnh nhân khác bị thương do động đất giờ không dám ở trong bất cứ căn nhà nào, kể cả phòng điều trị. Họ đề nghị chúng tôi điều trị ngoài trời, dù nhiệt độ hiện rất nóng”, bác sĩ Threin Htet Aungpo, Khoa Thần kinh của bệnh viện giải thích.
Nhận thấy sự thiếu thốn của các bệnh nhân, Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, trưởng đoàn công tác Bộ Công an tại Myanmar đã quyết định tặng cho bệnh viện nơi bác sĩ Aungpo 2 chiếc lều bạt cỡ lớn.
Sau chừng 30 phút thao tác, dãy “phòng bệnh dã chiến” đã được lập nên với đầy đủ giường gấp, chăn màn. Sức chứa của mỗi phòng có thể lên tới 10-12 bệnh nhân.
Đoàn trao tặng thêm các y, bác sĩ nhiều trang thiết bị y tế bao gồm 200 hộp khẩu trang y tế, 50 áo phòng dịch, khoảng 100 chai dung dịch nước sát khuẩn tay, 30 cặp nhiệt độ, 30 máy đo huyết áp, 30 máy đo SpO2 cùng 300 cơ số thuốc bao gồm: kháng sinh, thuốc giảm đau, giảm nề, thuốc bổ não... Ngoài ra, đoàn cũng tới hỏi thăm, động viên và tặng quà các trường hợp bệnh nhân nặng đang điều trị.
“Chúng tôi thực sự mong muốn các bạn sẽ sớm vượt qua nỗi đau của thảm họa để tái thiết đất nước Myanmar xinh đẹp”, Đại tá Nguyễn Minh Khương chia sẻ.
Đoàn cứu nạn, cứu hộ Bộ Công an Việt Nam dựng lều dã chiến để phục vụ các bệnh nhân tại Bệnh viện đa khoa 1.000 giường tại Naypyidaw.
Đoàn cứu nạn, cứu hộ Bộ Công an Việt Nam dựng lều dã chiến để phục vụ các bệnh nhân tại Bệnh viện đa khoa 1.000 giường tại Naypyidaw.
Thế nhưng, nghĩa tình từ Việt Nam chưa dừng lại ở đó. Sau khi kết thúc công tác tìm kiếm cứu nạn theo đề nghị từ phía bạn, 2 đoàn công tác Quân đội nhân dân, Bộ Công an Việt Nam một mặt khẩn trương họp rút kinh nghiệm, đóng gói trang thiết bị, quân tư trang chuẩn bị về nước; mặt khác cũng chủ động trao tặng cho phía Myanmar một số vật tư phục vụ cho quá trình tái thiết về sau.
Cụ thể, lực lượng Công an đã trao tặng gần 3 tấn thiết bị cho các đơn vị có liên quan. Cùng thời điểm, Đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam cũng đã trao tặng cho phía bạn nhiều trang thiết bị cứu hộ, vật tư quân y, hậu cần và lương thực, thực phẩm mà đoàn mang theo tặng Myanmar, để giúp nước bạn tiếp tục triển khai khắc phục hậu quả động đất. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Việt Nam quyết định hỗ trợ thêm lương khô và lều bạt, dự kiến sẽ được bàn giao cho Myanmar trong thời gian sớm nhất.
Đoàn cứu nạn, cứu hộ Quân đội nhân dân Việt Nam đã tiến hành trao tặng nhu yếu phẩm, thuốc men và các vật dụng thiết yếu cho nước bạn Myanmar.
Đoàn cứu nạn, cứu hộ Quân đội nhân dân Việt Nam đã tiến hành trao tặng nhu yếu phẩm, thuốc men và các vật dụng thiết yếu cho nước bạn Myanmar.
Đoàn cứu nạn, cứu hộ Bộ Công an Việt Nam trao tặng lều, trang thiết bị y tế cho các bác sĩ Bệnh viện đa khoa 1.000 giường tại Naypyidaw.
Đoàn cứu nạn, cứu hộ Bộ Công an Việt Nam trao tặng lều, trang thiết bị y tế cho các bác sĩ Bệnh viện đa khoa 1.000 giường tại Naypyidaw.
Tiếp nhận trang thiết bị từ đoàn Việt Nam, Thiếu tướng U Myat Thu, Cục trưởng Cục Cứu hỏa, cứu hộ, cứu nạn (Bộ Nội vụ Myanmar) bày tỏ cảm ơn sâu sắc trước tình cảm, sự hỗ trợ kịp thời, quý giá của Đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam.
Đại diện phía Myanmar đánh giá cao năng lực, tính kỷ luật của lực lượng cứu hộ Việt Nam khi thực hiện nhiệm vụ và bày tỏ mong muốn được học hỏi thêm những kinh nghiệm của Việt Nam trong ứng phó với thảm họa, cứu hộ, cứu nạn.
“Chúng tôi cũng như bao người dân Myanmar sẽ không bao giờ quên hình ảnh lực lượng cứu hộ Việt Nam trong những ngày vừa qua”, Thiếu tướng U Myat Thu khẳng định.
Món quà lớn nhất là...
ĐƯỢC SỐNG

Còn riêng với Htet Muang Muang, món quà lớn nhất người đàn ông 26 tuổi này nhận được lại là… ĐƯỢC SỐNG.
Bếp trưởng của khách sạn Aye Chan Thar đã “nổi danh” toàn cầu khi sống sót dưới đống đổ nát hơn 100 giờ, cho tới khi được lực lượng cứu hộ Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với các đội Thổ Nhĩ Kỳ, Myanmar tìm thấy và đưa ra ngoài an toàn.
Buổi sáng cuối cùng trước khi rời Naypyidaw, đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam do Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ làm trưởng đoàn đã tới bệnh viện 1.000 giường tại thành phố Naypyidaw để thăm lại “người đàn ông trở về từ cõi chết”.
Sau 5 ngày điều trị tích cực, sức khỏe của anh đã tốt hơn rất nhiều. Muang đã có thể ngồi dậy và nói chuyện bình thường. Thoáng thấy màu áo xanh của bộ đội Việt Nam, Muang đã gần như bật khóc.
Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ nhận lời cảm ơn từ "người đàn ông sống sót thần kỳ" Htet Muang Muang...
Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ nhận lời cảm ơn từ "người đàn ông sống sót thần kỳ" Htet Muang Muang...
Anh kể lại: “Trong đống đổ nát, khi nghe thấy lời động viên của bộ đội Việt Nam, tôi mới tin chắc rằng mình sẽ được cứu sống. Khi ấy, tôi rất hồi hộp. Mọi điều diễn ra thật diệu kỳ. Đến giờ, tôi vẫn không thể nghĩ mình đã được cứu ra sau 5 ngày đêm mắc kẹt”.
Muang dùng từ “được hồi sinh” để mô tả về hành trình trở về của mình bên vòng tay của cha mẹ, người thân. Anh nghẹn ngào: “Cá nhân tôi biết ơn bộ đội Việt Nam rất nhiều” đồng thời xưng “con".
“Cho con gửi lời biết ơn sâu sắc, lời cảm ơn chân thành từ đáy lòng tới tất cả các thành viên của các đội cứu hộ, cứu nạn Quân đội nhân dân Việt Nam, Thổ Nhĩ Kỳ và Myanmar”.
Đặc biệt, trước lúc đoàn rời đi, Htet Muang Muang đã cố gượng dậy, chắp tay và quỳ laỵ trên giường bệnh. Đây cũng là cách người Myanmar thường chỉ thực hiện với những người có ơn rất lớn với mình.
Trong suốt hơn 1 tuần làm nhiệm vụ quốc tế, các lực lượng cứu hộ Việt Nam đã rất nhiều lần nhận được cử chỉ đáng trân trọng này từ người dân địa phương. Mỗi khi một nạn nhân được tìm thấy và đưa ra khỏi tòa nhà đổ nát, những người mẹ, người cha đau khổ lại cúi rạp sát mặt đất để thay lời muốn nói.
Người nhà của Muang bật khóc, bày tỏ lòng biết ơn với đoàn cứu hộ, cứu nạn Quân đội nhân dân Việt Nam tại hiện trường vụ giải cứu thần kỳ.
Người nhà của Muang bật khóc, bày tỏ lòng biết ơn với đoàn cứu hộ, cứu nạn Quân đội nhân dân Việt Nam tại hiện trường vụ giải cứu thần kỳ.
Một gia đình quỳ gối cám ơn khi đoàn cứu hộ Việt Nam đưa được thi thể người thân của họ ra khỏi hiện trường.
Một gia đình quỳ gối cám ơn khi đoàn cứu hộ Việt Nam đưa được thi thể người thân của họ ra khỏi hiện trường.
Bữa tiệc chia tay nghĩa tình

Buổi chiều cuối cùng ở Naypyidaw, phía dãy nhà của đoàn Bộ Công an nhộn nhịp hơn ngày thường. Từ đầu giờ, các chiến sĩ đã phân công nhau kiểm kê số lương khô, đồ ăn nhanh còn lại. Tất cả được sắp xếp gọn gàng trong vài chiếc đĩa lớn, đặt trên 6 chiếc bàn làm việc đã được ghép lại ngay ngắn giữa sân. Lá cờ Tổ quốc được cắm trang trọng ở một góc. Thế là đã có một bữa tiệc đơn sơ nhưng nghĩa tình.
Lúc này, thông qua bác sĩ Threin Htet Aungpo, đoàn đã mời tất cả các hộ dân đang sinh sống chung quanh tới cùng “dự tiệc”. Thấy vậy, vị bác sĩ khoa thần kinh tại Bệnh viện lớn nhất Naypyidaw cũng cùng một số người bản địa cũng ra chợ, mua thêm chút nước ngọt, bánh kẹo để góp cùng.
Đúng 17 giờ, từ các dãy nhà kế cận, khoảng 30 người hồ hởi bước ra. Đa phần là lũ trẻ, da rám nắng, trên mặt bôi đầy bột thanaka. Từ ngày động đất, đây chính là buổi liên hoan đầu tiên của tất cả. Sau lời mời ngắn gọn, các em ùa tới, chia nhau những chiếc bánh, miếng dưa và cốc nước ngọt.
Aungpo bảo: Không ít trường hợp ở đây bị ảnh hưởng bởi thảm họa hồi cuối tháng 3. Có người mất nhà, hoặc nhà không còn an toàn để ở. Chính bản thânh Aungpo cũng rơi vào cảnh như thế.
“Chúng tôi rất vui vì được dự tiệc cùng các bạn. Nhìn mà xem, lũ trẻ có lẽ lâu rồi mới háo hức đến thế”, Aungpo nói.
Cách biệt về ngôn ngữ, hai phía giao tiếp với nhau bằng tay và cả những… nụ cười. Người lớn ai cũng muốn chụp một tấm hình chung với cả đoàn, trong khi các bạn nhỏ háo hức với hai chú chó nghiệp vụ mang tên Bin và King.
Lũ trẻ háo hức xin chụp ảnh với Bin - chú chó nghiệp vụ mang... quốc tịch Việt Nam.
Lũ trẻ háo hức xin chụp ảnh với Bin - chú chó nghiệp vụ mang... quốc tịch Việt Nam.
Chỉ thoáng chốc, đồ trên bàn đã hết. Có chiến sĩ chợt nhớ ra trong phòng mình còn 2 thùng lương khô, 2 gói xúc xích và gần chục gói bim bim. Anh nhanh nhẹn chạy vào, rồi lại mang ra… chia nốt cho mọi người mang về. Bằng vốn tiếng Anh ít ỏi, vài người phụ nữ lớn tuổi chắp tay và nói: Chúng tôi cảm ơn! Cảm ơn Việt Nam.
Trong một chốc, mọi khoảng cách về ngôn ngữ, địa lý, dân tộc… đã bị xóa đi. Chỉ còn lại sự đầm ấm và một vài tiếng cười lạc quan bật lên, lẫn loãng vào hương hoa padauk dịu dàng.








Lũ trẻ là những người háo hức nhất. Từ sau trận động đất hôm 28/3, có lẽ, đây là lần đầu tiên các em được bố mẹ bế đi... dự tiệc.
Bữa liên hoan chia tay giản dị với dưa, bánh kẹo, nước ngọt do cả những người cảnh sát Việt Nam và cư dân địa phương góp sức...
Niềm vui của lũ trẻ khi được dự... bữa tiệc ngọt đầu tiên sau thảm họa. Điều đặc biệt, người tổ chức lại là đoàn cứu hộ tới từ Việt Nam...
Tiệc tàn, người dân vẫn nán lại rất lâu xin chụp ảnh cùng đoàn.
Tôi chợt nghĩ về những lá quốc kỳ đoàn Việt Nam tặng lại các bạn. Đó là lá cờ gắn trên lều trại dành cho các bệnh nhân tại Bệnh viện 1.000 giường nơi Aungpo đang làm việc; là lá cờ bên hông ngôi nhà tạm dành cho Đại úy Yar Zar Min Myat cùng gia đình nhỏ của anh. Đó còn là sắc đỏ sao vàng gắn trên những thùng lớn chứa hàng tấn trang thiết bị cứu nạn, cứu hộ, vật tư y tế chúng ta đã gửi lại Naypyidaw bằng cả tấm lòng.
Ngày mai, mỗi khi trở về nhà, Yar Zar Min Myat sẽ rất nhớ những người bạn chân thành đã cùng đồng cam, cộng khổ, chung tay giúp người dân của anh giảm bớt đau thương sau đại địa chấn. Những bệnh nhân cũng thấy ấm lòng hơn khi nằm trong những “căn phòng đặc biệt” đến từ đất nước không quá xa xôi.
Theo nhiều cách khác nhau, hình ảnh của Việt Nam, của những người lính, sẽ còn hiện diện rất, rất lâu trong lòng người nơi đây. Giống như cách mà điều phối viên Sai Kaung Set – người nhận nhiệm vụ đồng hành cùng đoàn Việt Nam, liên tục nói: “Cảm ơn vì đã đến. Chúng ta sẽ mãi là anh em”.
Ngày xuất bản: 7/4/2025
Nội dung: SƠN BÁCH, THÀNH ĐẠT
Trình bày: SƠN BÁCH
