TẤM BẢN ĐỒ "LÊN SỞI"
CỦA QUÂN ĐỘI VIỄN CHINH PHÁP

Trong số các tướng Pháp có dính líu vào cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, Hăngri Nava là viên tổng chỉ huy thứ tám, đồng thời cũng là "người cuối cùng đọ sức với Việt Minh". Dĩ nhiên, sau Hăngri Nava còn có Pôn Ely được cử sang Đông Dương nhưng lúc đó chiến tranh đã kết thúc, Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương đã ký kết, Ely chỉ còn mỗi một nhiệm vụ là "làm lễ cuốn cờ" cho quân đội viễn chinh Pháp từ miền Bắc tập kết vào Nam rồi rút hết về nước. Do đó, Nava vẫn được nhiều tờ báo Pháp tặng cho danh hiệu là "võ sĩ cuối cùng trên vũ đài Đông Dương".
Cảm tưởng của vị Tổng Chỉ huy này khi đặt chân tới Tổng hành dinh quân đội viễn chinh Pháp ở Hà Nội như thế nào? Trong cuốn Đông Dương hấp hối xuất bản năm 1956, Nava viết:
Tại trụ sở Bộ Tổng tham mưu quân đội viễn chinh Pháp ở Hà Nội có một tấm bản đồ lớn ghi rõ các vị trí và vùng kiểm soát của quân đội Pháp cũng như của Việt Minh. Khu vực do Pháp kiểm soát, chủ yếu là các thành phố, thị xã, thị trấn và vùng lân cận cùng với các trục đường giao thông, được thể hiện bằng màu trắng, chỉ chiếm khoảng 1/4 diện tích chiến trường Bắc Bộ. Khu vực tranh chấp giữa Pháp và Việt Minh, thể hiện bằng màu hồng nhạt, cũng chỉ chiếm khoảng từ 1/4 đến 1/3. Còn khu vực do Việt Minh kiếm soát chiếm tới quá nửa tấm bản đồ. Mỗi thôn, xã hoặc một cụm xóm làng do Việt Minh làm chủ tuyệt đối, được thể hiện bằng một chấm màu đỏ. Nhìn vào bản đồ, người xem thấy chi chít những chấm màu đỏ, tập trung dày đặc tại vùng châu thổ sông Hồng, lan rộng tới vùng ven biển và ăn sâu tới tận vùng trung du. Vì vậy, người xem đã gọi đây là tấm bản đồ "lên sởi" hoặc có kẻ còn nói đây là bệnh "đậu mùa" đang phát triển…
Cẩn thận hơn nữa, Nava còn cho vẽ lại và in ngay trong cuốn sách Đông Dương hấp hối tấm bản đồ quân sự chiến trường Bắc Bộ với dòng chữ "đậu mùa" đậm nét do chính tay các sĩ quan đồ bản của Pháp đã ghi trên góc phải.
Với tấm bản đồ này, Nava muốn biện bạch rằng, khi tới Đông Dương nhậm chức Tổng Chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Viễn Đông, gọi tắt là C.E.F.E.O thì bảy vị tướng chỉ huy sang trước đã để lại cho Nava một cái "gia tài quân sự, chính trị ở Bắc Bộ" như thế đó!

Một điều mỉa mai là, không phải bảy viên tổng chỉ huy trước Nava đã lơ là hoặc sơ hở trong việc "bình định" vùng châu thổ sông Hồng. Ngược lại, vị nào cũng tập trung "cố gắng cao nhất" trong việc tác chiến ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, mỗi vị một phương án rất bài bản. Ngay từ khi chiến tranh mới bùng nổ vào hồi tháng 12-1946, cả Bộ Tổng tham mưu quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương lẫn Bộ Chỉ huy quân Pháp trên chiến trường Bắc Bộ đều thống nhất ý kiến là phải "giữ vững con đường huyết mạch số 5 nối liền Hà Nội với cửa biển Hải Phòng" rồi "đánh loang" ra tận bắc phần sông Đuống lẫn nam phần sông Đáy. Tướng Raun Xalăng hai lần làm nhiệm vụ tổng chỉ huy thì cả hai lần đều coi vùng châu thổ sông Hồng là vùng "quan trọng nhất" của chiến trường Bắc Bộ cũng như toàn Đông Dương. Nhưng phía Pháp càng cố gắng "bình định'' vùng châu thổ sông Hồng thì Việt Minh lại càng thâm nhập. Đến nhiệm kỳ của Đờ Lát Đờ Tátxinhi, viên tướng được coi là "tài giỏi nhất" và là "niềm kiêu hãnh" của quân đội Pháp thì chính Đờ Lát là người đầu tiên công khai kêu toáng lên rằng vùng châu thổ "đang mọt ruỗng". Thế là, viên Tư lệnh chỉ quen tiến công này đã phải tính đến nước cờ bị động là "xây dựng phòng tuyến để bảo vệ" thay cho việc đánh lan rộng theo kiểu vết dầu loang mà các viên tướng trước đó đã thực hiện và đã thảm bại.
Nhưng đúng lúc tướng Đờ Lát "xây kè đắp đập nhằm ngăn chặn nạn hồng thủy do Việt Minh tràn ngập" thì vùng châu thổ sông Hồng lại có tới một sư đoàn chính quy, có khi tới hơn hai sư đoàn của Việt Minh hoạt động liên tục cùng với bộ đội địa phương và dân quân du kích. Chính Nava đã phê phán Đờ Lát là "tính quẩn", Nava viết:
Sau khi nhận được tăng viện từ Pháp đưa sang để thành lập bốn binh đoàn cơ động (G.M), tướng Đờ Lát quyết định bảo vệ vùng châu thổ sông Hồng bằng một chiến lược phòng ngự. Ông đã lập một phòng tuyến như "chiến lũy Maginô thu nhỏ", nhưng phòng tuyến này vẫn không ngăn chặn được Việt Minh mà còn chôn chân hơn 20 tiểu đoàn và các đồn bốt lẻ làm giảm sút mất lực lượng cơ động. Do đó, tại vùng châu thổ sông Hồng, quân ta (tức quân đội viễn chinh Pháp) vẫn phải đứng trước một vấn đề ngày càng khó khăn: phải chống lại một kẻ địch vô hình, không sờ thấy, không túm được, một kẻ địch lúc tập trung lúc phân tán, vũ khí ngày càng hoàn hảo, trình độ ngày càng nâng cao. Nhiều khu vực trong vùng châu thổ sông Hồng, ban ngày do ta kiểm soát nhưng đến đêm lại do Việt Minh làm chủ. Vùng châu thổ sông Hồng cũng như vùng đồng bằng sông Cửu Long đều là những khu vực trù phú, nhiều ruộng, đông dân, dân chúng bị tiêm nhiễm tư tưởng cộng sản. Trong những vùng quân ta kiểm soát, và chỉ kiểm soát được về mặt lý thuyết, có tới 60.000 quân địch hoạt động. Tình thế đó làm cho ta phải "chôn chân" quân lính tại vô số đồn bốt để bảo vệ các trục đường bộ, đường sắt, kho tàng, sân bay, đó là chưa kể các thành phố, thị xã, thị trấn; thông thường, muốn bảo vệ một quãng đường từ 20 đến 40km, tuỳ từng khu vực ta phải mất tới một tiểu đoàn bộ binh và một đại đội pháo trong khi Việt Minh chỉ cần huy động một hoặc hai trung đội.

Đại tướng Henri Navarre, Tư lệnh quân Viễn chinh Pháp ở Đông Dương Ảnh: Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ www.btctdbp-svhttdl.dienbien.gov.vn
Đại tướng Henri Navarre, Tư lệnh quân Viễn chinh Pháp ở Đông Dương Ảnh: Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ www.btctdbp-svhttdl.dienbien.gov.vn
Nava tiết lộ, khi ông ta tới Đông Dương, quân Pháp đã phải sử dụng tới năm sư đoàn xé lẻ với tổng số quân là 100.000 binh lính để "chôn chân" trong 917 đồn bốt ở vùng châu thổ sông Hồng. Dĩ nhiên, Nava cũng có một kế hoạch nhằm thoát khỏi tình thế bị động. Trong cái gọi là "kế hoạch Nava", viên Tổng Chỉ huy này dự định, trong thời gian từ năm 1954 đến năm 1956 sẽ "án binh bất động", một mặt vét thêm lính nguỵ để "gìn giữ" vùng châu thổ sông Hồng, một mặt chờ quân tăng viện từ Pháp sang để xây dựng thêm các binh đoàn cơ động. Sau khi đã có đủ lực lượng để dùng vào cả việc phòng ngự lẫn tiến công, lúc đó mới đi "tìm chủ lực Việt Minh để diệt" nhằm đánh quỵ xương sống của Việt Minh để tìm một "lối thoát danh dự" cho phép.
Thế nhưng, như mọi người đã biết, cái "kế hoạch Nava" vừa mới triển khai thì quân Pháp đã bị một thảm bại ở Điện Biên Phủ. Toàn bộ vùng châu thổ sông Hồng đang "mọt ruỗng" thế là bị đổ ụp! Sau Hiệp định Giơnevơ, một nửa nước Việt Nam được giải phóng, trong đó có Thủ đô Hà Nội. Tấm bản đồ "lên sởi" treo trong trụ sở Bộ Tổng tham mưu quân đội viễn chinh Pháp (số 33 phố Phạm Ngũ Lão hiện nay) là một bằng chứng hùng hồn nói lên tinh thần đấu tranh bất khuất, mưu trí, táo bạo của quân và dân ta, đặc biệt là quân dân vùng châu thổ sông Hồng mà chính đối phương đã phải ghi nhận.
Nguồn: 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Sách Điện Biên Phủ,
hợp tuyển công trình khoa học, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, 2005. Trước đó, bài đã đăng trong: Tạp chí Lịch sử Quân sự, số 6 - 1992
Tác giả: Đại tá LÊ KIM
Ảnh: TTXVN
Trình bày: HÙNG HIẾU