Để có đủ khả năng và điều kiện lãnh đạo cách mạng đúng đắn và có hiệu quả, Đảng phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức mạnh của Đảng về mọi mặt. Thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn cũng là một quy luật tồn tại và phát triển của Đảng.

Từ khi thực hiện đường lối Đổi mới (Đại hội VI, năm 1986) đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam có hàng chục văn kiện chuyên đề về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong các nhiệm kỳ gần đây là Nghị quyết Trung ương 3 khóa VII “Về một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng”; Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII “về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”; Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ”; Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII “Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"”.

Nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong mỗi văn kiện chỉ đạo của Trung ương đều gắn với thực tiễn tình hình đất nước Việt Nam trong từng giai đoạn, đề cập những vấn đề vừa cấp bách, vừa lâu dài về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, công tác tổ chức, cán bộ, kiểm tra, giám sát, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Đổi mới và chỉnh đốn Đảng tiến hành trên nguyên tắc quán triệt và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh

Tháng 6/1992, Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương khóa VII ban hành Nghị quyết "Một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng". Sau khi phân tích tình hình và những nguyên nhân chủ quan, Nghị quyết Trung ương 3 khóa VII khẳng định:

“Nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới đòi hỏi Đảng ta phải khẩn trương tự đổi mới, tự chỉnh đốn. Đây là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và cấp bách, có ý nghĩa quyết định đối với toàn bộ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, đối với vận mệnh chế độ ta và Đảng ta.

Mục tiêu đổi mới và chỉnh đốn Đảng là nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phù hợp yêu cầu khách quan của cách mạng nước ta trong tình hình mới, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên, bảo đảm thực hiện có kết quả các nhiệm vụ chính trị do Đại hội VII đề ra, trong đó trọng tâm là phát triển kinh tế, làm cho dân giàu nước mạnh, giữ vững ổn định chính trị.

Đổi mới và chỉnh đốn Đảng tiến hành trên nguyên tắc quán triệt và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên trì đường lối đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa; tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng; thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng; củng cố mối liên hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân”.

Nghị quyết Trung ương 3 khóa VII đề ra các giải pháp cụ thể để thực hiện xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đó là: Xây dựng Đảng về chính trị và tư tưởng; Chỉnh đốn Đảng về tổ chức; Tạo bước chuyển biến quan trọng về công tác cán bộ; Đổi mới và tăng cường công tác vận động nhân dân, củng cố mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân; Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.

Nghị quyết Trung ương 3 khóa VII cũng xác định biện pháp chỉ đạo thực hiện, chú trọng việc: Các cấp ủy đảng, toàn thể cán bộ, đảng viên, trước hết là các đồng chí Ủy viên Trung ương, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt các cấp, cần nhận thức sâu sắc những yêu cầu cấp bách của vấn đề xây dựng Đảng, có quyết tâm cao và tập trung sức làm tốt nhiệm vụ trọng yếu này. Một mặt, phải nghiên cứu, tổng kết những vấn đề về xây dựng Đảng trong điều kiện Đảng cầm quyền, lãnh đạo xây dựng và phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần hiện nay, nâng cao nhận thức và có ý thức đầy đủ về xây dựng Đảng.

Mặt khác, phải thực sự bắt tay vào hành động, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả và bản thân phải gương mẫu chấp hành các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng, nêu cao tính đảng. Chống hữu khuynh, nể nang, làm lướt; đồng thời đề phòng tả khuynh, đề phòng những nơi mất đoàn kết nội bộ lợi dụng cơ hội này để trừng trị, thanh lọc nhau.

Tăng cường sự thống nhất trong Đảng về
nhận thức, ý chí và hành động

Tháng 2/1999, Hội nghị Trung ương 6 (lần 2), khóa VIII ban hành Nghị quyết “về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”. Nghị quyết khẳng định những thành tựu mà Đảng ta đã đạt được trong suốt bảy thập kỷ, đồng thời thẳng thắn thừa nhận những vấn đề hạn chế trong Đảng.

Đó là sự suy thoái về tư tưởng chính trị; tình trạng tham nhũng, quan liêu, lãng phí của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chiều hướng phát triển nghiêm trọng hơn. Việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ không nghiêm, bộ máy tổ chức của Đảng và Nhà nước chậm được củng cố và đổi mới.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng.

Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII xác định rõ nhiệm vụ: Tăng cường sự thống nhất trong Đảng về nhận thức, ý chí và hành động, kiên trì đẩy lùi bốn nguy cơ; đẩy mạnh công tác tổng kết thực hiện và nghiên cứu lý luận; đổi mới công tác giáo dục trong Đảng và trong xã hội về chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tǎng cường giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; tập trung chỉ đạo cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu có hiệu quả; thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, chế độ tự phê bình và phê bình trong Đảng; củng cố tổ chức, tǎng cường sức chiến đấu và nǎng lực lãnh đạo của các tổ chức cơ sở đảng; sắp xếp lại tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị gắn liền với cải cách hành chính.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII, toàn Đảng tiến hành cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thực hiện tự phê bình và phê bình kỷ niệm 30 nǎm thực hiện Di chúccủa Chủ tịch Hồ Chí Minh (02/9/1969-02/9/1999) và kỷ niệm 70 nǎm thành lập Đảng (03/2/1930-03/2/2000). Báo cáo của Bộ Chính trị tại Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương khoá VIII về kết quả bước đầu việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) của các cấp uỷ, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương đánh giá: Việc thực hiện kiểm điểm tự phê bình và phê bình được bắt đầu một cách nghiêm túc từ Bộ Chính trị, Ban Cán sự Đảng Chính phủ. Từ khâu chuẩn bị, lấy ý kiến tham gia và tiến hành tự phê bình và phê bình được thực hiện một cách nghiêm túc và nhìn chung đa số thường vụ cấp uỷ, tổ chức đảng đã khắc phục được cả hai khuynh hướng: làm qua loa, làm lướt hoặc lợi dụng đợt sinh hoạt này để đả kích lẫn nhau…

Những chuyển biến bước đầu đã tạo được niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Niềm tin và quyết tâm của Trung ương, của toàn Đảng đã dần được khẳng định.

“Mỗi cán bộ, đảng viên, cần phải có tính đảng mới làm được việc. Kém tính đảng, thì việc gì cũng không làm nên.

Tính đảng là gì?

Một là: Phải đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết.

Hai là: Việc gì cũng phải điều tra rõ ràng, cẩn thận và phải làm đến nơi đến chốn.

Phải hiểu rằng: Đảng có hiểu rõ tình hình thì đặt chính sách mới đúng. Mà muốn Đảng hiểu rõ thì đảng viên và cán bộ phải điều tra và báo cáo rõ ràng tình hình từng xã, từng huyện, từng tỉnh, từng khu.

Nếu không biết rõ tình hình mà đặt chính sách thì kết quả là “nồi vuông úp vung tròn”, không ăn khớp gì hết.

Ba là: Lý luận và thực hành phải luôn luôn đi đôi với nhau.

Vì kém tính đảng mà có những bệnh sau này:

Bệnh ba hoa,
Bệnh chủ quan,

Bệnh địa phương,
Bệnh hình thức,

Bệnh ham danh vị, 
Bệnh ích kỷ,

Bệnh thiếu kỷ luật,
Bệnh hủ hóa,

Bệnh cẩu thả (gặp sao hay vậy),        
Bệnh thiếu ngăn nắp,

Bệnh xa quần chúng,
Bệnh lười biếng.

Mắc phải một bệnh trong mười hai bệnh đó tức là hỏng việc. Vì vậy, chúng ta phải ráo riết dùng phê bình và tự phê bình để giúp nhau chữa cho hết những bệnh ấy. Có như thế Đảng mới chóng phát triển”.

(Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, tr. 307).

Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên

Ngày 16/01/2012, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI ban hành Nghị quyết Trung ương 4 “Về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Nghị quyết đánh giá: Bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém, khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ, chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ.

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI chọn một số vấn đề cấp bách nhất về xây dựng Đảng để tập trung chỉ đạo thực hiện, với mong muốn khắc phục những cách làm dàn trải trước đây, tạo ra chuyển biến cụ thể, thiết thực tại các địa phương, đơn vị. Đó là ba vấn đề: (1) Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Đảng. (2) Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. (3) Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.

Trong ba vấn đề trên, Nghị quyết xác định vấn đề thứ nhất là trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất.

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI ngắn gọn, nhưng có  nhiều  nội  dung  cơ bản  và  quan trọng,  có  nhiều điểm mới,  tập  trung  vào  ba  vấn đề cấp  bách  đã được  xác  định.  Nghị quyết cũng chỉ  rõ  mục  tiêu,  phương  châm và giải pháp  bảo đảm đồng  bộ,  có  trọng  tâm,  trọng điểm,  khả  thi,  kết  hợp  “chống  và  xây”,  “xây  và  chống”,  tập  trung  giải  quyết  những  vấn đề bức xúc, cấp bách. Có 4 nhóm giải pháp: (1) Nhóm giải pháp về tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cấp trên.  (2) Nhóm  giải  pháp  về tổ  chức,  cán  bộ  và  sinh  hoạt Đảng.  (3) Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách. (4) Nhóm giải pháp về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng.

Tinh thần chủ đạo trong các nhóm giải pháp là cần xác định những việc cần và có thể làm ngay và những việc cần phải có  thời  gian  chuẩn  bị,  nhất  là  về  xây  dựng,  ban  hành  cơ  chế, chính  sách,  để  xây  dựng  kế  hoạch,  lộ  trình  thực  hiện  một  cách  kiên quyết, khả thi, hiệu quả.

Kết hợp giữa "xây" và "chống"; "xây" là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài; "chống" là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách

Ngày 30/10/2016, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành Nghị quyết số 04/NQ-TW về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ (Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII). Đây là nghị quyết đặc biệt quan trọng, đề cập một số vấn đề vừa cơ bản, vừa cấp bách, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm, kỳ vọng.

Nghị quyết thể hiện rõ quyết tâm chính trị cao và tư tưởng nhất quán của Đảng ta về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chống suy thoái và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa". Lầnđầu tiên, Đảng chỉ ra một cách hệ thống, cụ thể 27 biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; nhấn mạnh hậu quả khôn lường của nó.

Đây là bước tiến mới về nhận thức và tổ chức thực hiện trong công tác xây dựng Đảng, khắc phục tình trạng chung chung, phiếm chỉ, thậm chí né tránh khi bàn, nhất là công khai về những biểu hiện suy thoái làm tổn hại vị thế, vai trò, năng lực và uy tín của đảng cầm quyền.

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII xác định quan điểm chỉ đạo:

- Nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật. Kết hợp giữa "xây" và "chống"; "xây" là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài; "chống" là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách.

- Kiên quyết, kiên trì thực hiện với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn; phát huy sự chủ động, sáng tạo và sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nhân dân, trong đó cán bộ lãnh đạo, quản lý, trước hết là cán bộ cấp cao, cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp là nòng cốt; thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" có hiệu quả, nhất là những vụ việc gây bức xúc trong dư luận để củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

- Tăng cường sự lãnh đạo và đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trước hết là Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy và ban thường vụ cấp uỷ các cấp. Giữ vững nguyên tắc, kỷ luật, kỷ cương của Đảng; đề cao pháp luật của Nhà nước.

- Chủ động phòng ngừa, tích cực đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động và các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị.

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII nêu 4 nhóm giải pháp: (1) Về công tác chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình; (2) Về cơ chế, chính sách; (3) Về kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; (4) Về phát huy vai trò của nhân dân và Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội. Trong đó, một số giải pháp mới quan trọng, như: tăng cường cơ chế kiểm soát quyền lực; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, đề cao pháp luật của Nhà nước, công khai kết quả xử lý vi phạm. Đồng thời, tăng thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu, sự giám sát của nhân dân trong xây dựng Đảng; phát huy vai trò của báo chí, các cơ quan truyền thông.

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII nhấn mạnh nội dung mới là xây dựng Đảng về đạo đức gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Quán triệt quan điểm kiên quyết, kiên trì thực hiện với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn; phát huy sự chủ động, sáng tạo và sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nhân dân, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã được triển khai thực hiện nghiêm túc. Nhận thức của cấp ủy các cấp, cán bộ, đảng viên và nhân dân ngày càng đầy đủ, toàn diện và sâu sắc hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Nhiều văn bản của Trung ương được ban hành, góp phần quan trọng khắc phục những “kẽ hở” của các quy chế, quy định có thể bị lợi dụng để làm trái, nhất là trong công tác kiểm tra, giám sát và tổ chức, cán bộ - vốn là công việc rất nhạy cảm và phức tạp. Từng bước phát huy vai trò của tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.

Cấp ủy đảng các cấp đã triển khai thực hiện nghiêm túc Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25/10/2018, của Ban Chấp hành Trung ương “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”; Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 7/6/2012, của Ban Bí thư “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp”, Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19/12/2016, của Bộ Chính trị “Về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”.

Buổi làm việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Buổi làm việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Điểm nhấn quan trọng trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII là công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng được thực hiện đồng bộ, quyết liệt, nhất là cấp Trung ương, có tác dụng rõ rệt, được đông đảo đảng viên và nhân dân ủng hộ. Cấp uỷ và uỷ ban kiểm tra các cấp đã chú trọng kiểm tra, xử lý kỷ luật những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kể cả cán bộ cao cấp, đương chức hay đã nghỉ hưu, góp phần chủ động ngăn ngừa vi phạm, cảnh báo, răn đe đối với cán bộ, đảng viên. Kết quả đó còn góp phần xóa bỏ “vùng cấm”, sự “ngoại lệ”; khẳng định không có nhân nhượng, không có điểm dừng trong cuộc đấu tranh làm trong sạch Đảng, ngăn chặn “tư duy nhiệm kỳ”, “hạ cánh an toàn” đối với mọi cán bộ, đảng viên. Kỷ cương, kỷ luật Đảng được siết chặt hơn.

Việc thành lập, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và đi vào hoạt động rất có hiệu quả của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Ban đã tạo sự chuyển biến tích cực, rõ rệt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển đất nước.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã chỉ đạo quyết liệt không có vùng cấm, không có ngoại lệ; nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm đã được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật, có tác dụng cảnh báo, răn đe, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy nhà nước, khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm.

Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 2.209 cán bộ, đảng viên có liên quan đến tham nhũng. Trong đó có 113 cán bộ diện Trung ương quản lý và đương chức và đã nghỉ hưu (3 ủy viên Bộ Chính trị, 1 nguyên ủy viên Bộ Chính trị; 7 ủy viên Trung ương Đảng 16 nguyên ủy viên Trung ương Đảng; 1 bộ trưởng và 4 nguyên bộ trưởng; 22 thứ trưởng và nguyên thứ trưởng; 12 bí thư và nguyên bí thư tỉnh, thành ủy; 3 phó bí thư và nguyên phó bí thư tỉnh ủy; 15 chủ tịch và nguyên chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố; 26 sĩ quan cấp tướng trong Quân đội, Công an…).

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội cũng từng bước chủ động hơn trong việc phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên bằng nhiều hình thức, có tác dụng điều chỉnh hành vi của cán bộ, đảng viên theo hướng tích cực, góp phần cảnh báo, phòng ngừa những sai phạm.

Việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình cần được chuẩn bị thật chu đáo, chỉ đạo tỉ mỉ, chặt chẽ; tiến hành nghiêm túc, thận trọng; làm đến đâu chắc đến đó, đạt kết quả cụ thể, thực chất. Hết sức tránh làm lướt, làm qua loa, hình thức, chiếu lệ. Khắc phục tình trạng xuê xoa, nể nang, thậm chí biến cuộc họp tự phê bình và phê bình thành nơi vuốt ve, ca tụng lẫn nhau; đồng thời cũng ngăn chặn, tránh tình trạng lợi dụng dịp này để “đấu đá”, “hạ bệ” nhau với những động cơ không trong sáng.

Nghiêm khắc xử lý những trường hợp trù dập phê bình và vu cáo người khác. Kinh nghiệm cho thấy, muốn tự phê bình và phê bình có kết quả tốt, điều quan trọng là phải giữ vững nguyên tắc của Đảng, thật sự phát huy dân chủ trong Đảng; người đứng đầu phải gương mẫu làm trước và phải có các hình thức dân chủ để quần chúng đóng góp, phê bình cán bộ, đảng viên và phải nghiêm túc tiếp thu những ý kiến phê bình đúng đắn.

Những trường hợp sai phạm nghiêm trọng mà không thành khẩn, không tự giác, tập thể giúp đỡ mà không tiếp thu thì phải xử lý thích đáng. Mọi thái độ nể nang, né tránh, hữu khuynh, “ngậm miệng ăn tiền” hoặc cực đoan, muốn lợi dụng phê bình để đả kích người khác, gây rối nội bộ, đều là không đúng.

Tự phê bình và phê bình đòi hỏi mỗi người phải có tinh thần tự giác, trách nhiệm rất cao, có tình thương yêu đồng chí thật sự, và phải có dũng khí đấu tranh thẳng thắn, chân tình.

(Phát biểu tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khoá XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngày 9/12/2021).

Đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng

Sau Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, ngày 25/10/2021, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Kết luận về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". (Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII).

Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khoá XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đồng thời kế thừa, bổ sung, phát triển nhiều nội dung quan trọng của các Nghị quyết Trung ương trước đây, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII đề cập sâu rộng hơn về nội dung và phạm vi; đã mở rộng, không chỉ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà còn bao gồm xây dựng hệ thống chính trị; không chỉ đối với đảng viên và các cấp ủy, tổ chức đảng mà còn mở rộng đối với cán bộ, công chức, viên chức, các cấp chính quyền, các cơ quan, đơn vị trong toàn hệ thống chính trị. Cùng với ngăn chặn, đẩy lùi, phải chủ động tiến công mạnh mẽ, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm suy thoái, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, là bước đột phá mới, cấp độ cao hơn, cường độ và mức độ quyết liệt hơn, thái độ xử lý nghiêm khắc hơn. Kết hợp hài hòa giữa “xây” và “chống”.

Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII yêu cầu cao về đẩy mạnh tự phê bình và phê bình; kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi, “lợi ích nhóm”, quan liêu, xa dân, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của nhân dân.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai Kết luận và Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. (Ảnh: Thủy Nguyên)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai Kết luận và Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. (Ảnh: Thủy Nguyên)

Trong Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, mục tiêu xây dựng, chỉnh đốn Đảng được xác định cao hơn và sát hợp hơn với tình hình mới.

Đó là: Đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước; đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội. Kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; kết hợp chặt chẽ, hài hoà giữa "xây" và "chống", xây là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài, chống là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên. Tạo bước phát triển mới của Đảng về trí tuệ, bản lĩnh chính trị, thực sự là đạo đức, là văn minh, ngày càng gắn bó mật thiết với nhân dân, ngày càng được nhân dân tin tưởng; đủ uy tín và năng lực lãnh đạo thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Về nhiệm vụ, giải pháp, Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII kế thừa, bổ sung, làm rõ hơn và yêu cầu phải tiến hành đồng bộ và quyết liệt hơn nữa nhiều công việc cụ thể, thiết thực, tập trung vào 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã đề ra về công tác chính trị, tư tưởng, tự phê bình và phê bình; về cơ chế, chính sách; về kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; về phát huy vai trò của nhân dân và Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội.

Đồng thời bổ sung, nhấn mạnh thêm nhóm nhiệm vụ, giải pháp về "Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu gắn với đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".

Tiếp tục kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội và đường lối đổi mới của Đảng, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng. Phát huy sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trước hết là Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng, tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội; coi trọng hơn nữa công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên; phát huy tính tiên phong, gương mẫu, trọng dân, gần dân, tin dân, hiểu dân, học dân của cán bộ, đảng viên. Tăng cường hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, củng cố và không ngừng nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Xây dựng, hoàn thiện chính sách phát hiện, thu hút, sử dụng nhân tài; có cơ chế bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng và kiểm soát chặt chẽ quyền lực. Đẩy mạnh đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí”.

(Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập 2, tr 228, 229, 230).

Ngày xuất bản: tháng 7/2022
Tổ chức thực hiện: Phương Quyên
Nội dung: Phương Quyên, Ngô Vương Anh
Trình bày: Ngọc Diệp, Chí Trung
Ảnh: Tư liệu, Duy Linh