Tảng đá linh thiêng của người Khakass ở Nga



Nằm giữa thảo nguyên được bao bọc bởi các dãy núi phủ những lớp tuyết trắng, tượng "bà" đá Ulug Khurtuyakh tas được tôn kính với quan niệm như tổ tiên của người Khakass - dân tộc bản địa cư trú chủ yếu ở Cộng hòa Khakassia, nam Siberia, Nga.

Cuối tháng 12, bảo tàng Khurtuyakh tas (Cộng hòa Khakassia, Nga) vẫn đón nhiều lượt khách đến từ các khu vực ở Nga. Những cơn gió Siberia thổi tung lớp tuyết tạt vào người du khách. Một số đi lùi. Một số dang tay hứng những cơn gió mạnh, như muốn cảm nhận nguồn năng lượng mạnh mẽ nơi đây.

Đặt giữa trung tâm một tòa bằng kính, tượng "bà" đá Ulug Khurtuyakh tas đứng sừng sững với chiều cao hơn 3m, trọng lượng 2,6 tấn. Tượng "bà" đá thực chất là một cột đá tự nhiên có hình dáng như một người phụ nữ đang mang thai với khuôn mặt có hai mắt sâu và chiếc miệng há to.

Du khách tới thăm bảo tàng (Ảnh: THANH THỂ)

Du khách tới thăm bảo tàng (Ảnh: THANH THỂ)

Nhiều người kể lại rằng, lần đầu bức tượng được đề cập vào năm 1721. Theo lệnh của Peter Đại đế, nhà khảo cổ học người Đức Daniel Messerschmidt đã đến Siberia. Ông đã chứng kiến cách người dân địa phương tôn kính Ulug Khurtuyakh tas nằm giữa thảo nguyên. Người dân đặt dưới chân tượng bơ và sản phẩm sữa chua để nuôi “mẹ của người Khakass”.

Tuổi của Ulug Khurtuyakh tas khoảng 4,5 – 5 nghìn năm. Bức tượng tồn tại trong thời kỳ của những người du mục, qua thời Trung cổ đến ngày nay. Tượng được tôn kính như mẹ của tất cả các bà mẹ, và như một nữ thần. Những truyền thuyết về "bà" đá được truyền từ đời này sang đời khác.

Khuôn mặt tượng thấy rõ hai mắt sâu và chiếc miệng há to. (Ảnh: THANH THỂ)

Khuôn mặt tượng thấy rõ hai mắt sâu và chiếc miệng há to. (Ảnh: THANH THỂ)

Theo một truyền thuyết mà hướng dẫn viên kể lại, gia đình Khurtuyakh tas sống trên núi quanh năm tuyết trắng bao phủ. Khi bị kẻ thù tấn công, họ đi qua cây cầu do chồng của Khurtuyakh tas là hiệp sĩ Sartakpai xây dựng. Nhìn thấy kẻ thù, ông đặt vợ con lên lưng ngựa và ra lệnh cho họ chạy trốn, trong khi ông ở lại để thương lượng.

Khurtuyakh tas dùng roi quất ngựa của con gái và con trai, bắt đầu xuống núi. Trong khi cô con gái sợ hãi bỏ chạy về một hướng không xác định, thì cậu con trai vượt sông và rơi xuống nước. Khi đến thảo nguyên, bà quay lại. Nhìn thấy mình đã mất cả gia đình, bà bắt đầu khóc, dù đó là điều cấm kỵ ở thảo nguyên. Người phụ nữ hát lên những giai điệu đau xót, hay đến nỗi đấng tạo hóa thương hại, biến bà thành đá và ra lệnh bà làm nữ thần đá, ban cho con người những gì họ thiếu. Đối với phụ nữ, đó là những đứa con. Còn đàn ông là đầu óc sáng suốt.

Vào những năm 1950, bức tượng được mang đến bảo tàng lịch sử địa phương. Nhưng nửa thế kỷ sau, Ulug Khurtuyakh tas được trả lại vị trí ban đầu. Và "người bà" đá dường như sống lại. Vùng đất quê hương tiếp thêm sức mạnh cho "bà" để thực hiện mệnh lệnh của tạo hóa giúp những người trẻ được làm cha, làm mẹ, và giúp người già thoát khỏi bệnh tật.

Từ xa xưa, cư dân trên thảo nguyên đã cầu xin "bà" đá chữa vô sinh bằng câu: “Mẹ đá của chúng con. Loài vật nào cũng có con, loài chim nào cũng có con, loài cá nào cũng có con, người nào cũng có con. Chỉ tôi không có con, giúp tôi với”.

Giờ đây, người dân từ nhiều nơi tới thăm Ulug Khurtuyakh tas trước khi mặt trời lặn. Họ đi ba vòng quanh tượng theo chiều kim đồng hồ, tập trung tinh thần truyền đạt những mong ước đến "bà". Sau khi đánh thức Khurtuyakh tas, họ xoa dịu "bà" đá bằng cách mang một ít sản phẩm sữa lên men đến tượng. Một số đặt ít đồ trang sức hoặc tiền xu.

Tượng bà đá Ulug Khurtuyakh tas. (Ảnh: THANH THỂ)

Tượng bà đá Ulug Khurtuyakh tas. (Ảnh: THANH THỂ)

Nghi lễ đón khách ở bảo tàng. (Ảnh: THANH THỂ)

Nghi lễ đón khách ở bảo tàng. (Ảnh: THANH THỂ)

Nhiều người kể về những trải nghiệm năng lượng kỳ diệu của Khurtuyakh tas, nói rằng sức mạnh của tảng đá không phải chuyện hoang đường. Sau khi mong ước thành hiện thực, họ đến đây để cảm ơn "bà" đá. Có lẽ vì thế mà Khurtuyakh tas nằm trong top các bảo tàng được ghé thăm nhiều nhất ở Cộng hòa Khakassia. Nhân viên bảo tàng cũng cho biết, bức tượng không chỉ giúp mọi người giải quyết vấn đề sinh nở, mà còn đáp ứng các yêu cầu khác. Quan trọng là chúng phải xuất phát từ một trái tim trong sáng.

Hàng trăm tảng đá vẫn đang nằm rải rác khắp thảo nguyên và núi non Khakassia. Tại Cộng hòa này, cũng có hàng nghìn bức tranh khắc trên đá và hàng trăm nghìn đồ vật tôn vinh người mẹ vĩ đại. Cũng tại đây, còn nhiều những gò đất của nền văn hóa Tagar, minh họa rõ ràng về lịch sử của vùng đất này, vẫn đang mời gọi người dân chiêm ngưỡng và khám phá.

Nội dung và Ảnh: THANH THỂ (Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Nga)