Ngày 17/11 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết 29-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết đặc biệt nhấn mạnh: “Coi phát triển công nghiệp chế tạo, chế biến là then chốt; chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu”.

Nghị quyết 29-NQ/TW đã nêu trúng những “điểm nghẽn” trong lộ trình phát triển công nghiệp của đất nước thời gian qua, đồng thời vạch ra những đường hướng cụ thể, giải pháp rất mới để tạo sự đột phá mạnh mẽ cho phát triển công nghiệp, hướng tới mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước phát triển, có công nghiệp hiện đại.

Giờ là lúc các bộ ngành và địa phương cần nhanh chóng xây dựng kế hoạch hành động phù hợp, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp, tạo động lực đột phá cho các cực tăng trưởng và phát triển ngành công nghiệp trong giai đoạn tới.

Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, đã có không ít chính sách, cơ chế khuyến khích, thúc đẩy phát triển công nghiệp, nhưng khâu tổ chức thực hiện không đồng bộ, kém hiệu quả, khiến các doanh nghiệp hầu như không được hưởng lợi gì từ chính sách, nguồn lực thiếu tập trung khiến các ngành công nghiệp không tích tụ đủ để “cất cánh”. Đây là vấn đề then chốt cần khắc phục để đưa Nghị quyết 29-NQ/TW thật sự đi vào cuộc sống.

Để minh chứng rõ hơn cho nghị quyết này, chúng tôi đã tiến hành khảo sát, tìm hiểu thực tế tại nhiều địa phương trên cả nước, nghiên cứu các mô hình, cách làm hay nhằm phác họa “bức tranh” phát triển công nghiệp thời gian qua.

Ngày xuất bản: 15/12/2022
Chỉ đạo thực hiện: Thu Hà
Nội dung: Quang Hưng, Xuân Thủy, Việt Hải
Ảnh: Duy Linh, Báo Nhân Dân
Trình bày: Phương Nam, Ngô Hương, Ngọc Bích