ĐỘT PHÁ PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG CHIẾN LƯỢC

TẠO NỀN MÓNG CHO CHUYỂN ĐỔI SỐ

Muốn phát triển kinh tế số, chúng ta phải có hạ tầng số. Hạ tầng số cũng có vai trò chiến lược giống như hạ tầng giao thông hay năng lượng. Bởi hạ tầng là nền tảng cho sự phát triển, do đó luôn phải đi trước, cần đầu tư trước với tầm nhìn xa. Hạ tầng số không ngừng được đầu tư mở rộng, sẽ trở thành nền móng vững chắc bảo đảm cho sự bứt phá lâu dài các lĩnh vực số.

PHỦ SÓNG 99,11% DÂN SỐ

“Nhiều chuyên gia, nhà quản lý ở các quốc gia có công nghệ viễn thông hàng đầu thế giới như Phần Lan, Thụy Điển, khi được nghe giới thiệu về sự phát triển như vũ bão của hạ tầng viễn thông và internet Việt Nam những năm gần đây đều cảm thấy hết sức kinh ngạc và bày tỏ thán phục”, Phó Cục trưởng Chuyển đổi số quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông) Hồ Đức Thắng không giấu được vẻ tự hào khi chia sẻ về hạ tầng số của Việt Nam.

Hiện nay, sóng di động 4G của Việt Nam đã phủ tới 99,11% dân số tại tất cả các vùng miền của tổ quốc. Hạ tầng cáp quang với hơn 1 triệu km cũng đã được triển khai, kết nối 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã có thêm khoảng 687.000 hộ gia đình sử dụng internet cáp quang băng rộng, nâng tỷ lệ hộ gia đình sử dụng internet cáp quang băng rộng đạt 82,2%.
Bộ Thông tin và Truyền thông

Nhìn lại mười năm trước (năm 2014), nước ta chỉ có khoảng 20 triệu người dùng smartphone, tương đương khoảng 22% dân số. Đến hiện nay, tỷ lệ người dân sử dụng smartphone tại Việt Nam đã đạt 84% dân số (tăng 3,2% so cuối năm 2023 là 80,8%), cao hơn tỷ lệ bình quân của thế giới là 63%, đưa Việt Nam vào Top 10 quốc gia có số lượng người dùng smartphone cao nhất thế giới.

Ở những thành phố thông minh như Huế, Đà Nẵng, Bình Dương,… định hướng trên nền tảng xây dựng chính quyền điện tử, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân cũng như chính quyền địa phương. Những đô thị thông minh với quy trình quản lý vận hành tối ưu, đem lại cuộc sống nhiều tiện ích cho các cư dân văn minh. Với smartphone, mọi người dân thực sự làm chủ và nâng tầm cuộc sống của mình.

Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, khi smartphone trở nên phổ biến, việc tiếp cận với các, đường lối chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước hay đề xuất đóng góp ý kiến xây dựng sẽ dễ dàng và nhanh chóng hơn. Từ đó, chính quyền địa phương cũng thuận lợi hơn trong việc truyền thông và xử lý công việc, nâng cao chất lượng quản lý.

Đáng chú ý, không chỉ vùng phủ mà chất lượng mạng băng rộng di động và cố định của chúng ta cũng đang cải thiện rõ rệt. Theo số liệu từ hệ thống i-Speed do Bộ Thông tin và Truyền thông phát triển (một sản phẩm “Make in Vietnam”), tốc độ download mạng băng rộng di động hiện đạt khoảng 42,11 Mbps, tăng 0,53 Mbps (1,27%) so đầu năm 2024; tốc độ download mạng băng rộng cố định đạt 100,96 Mbps, tăng 13,68 Mbps (15,67%) so đầu năm 2024.

Phó trưởng Ban Công nghệ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) Nguyễn Quốc Khánh cho biết: Phát triển và xây dựng cơ sở hạ tầng số quốc gia đồng bộ, hiện đại phục vụ Chính phủ số là xu hướng nhiều nước trên thế giới đã và đang theo đuổi thực hiện. Mỗi quốc gia có chiến lược khác nhau để đạt được đích đến thành công trên hành trình chuyển đổi số, giúp thay đổi tổng thể và toàn diện cách thức làm việc cũng như phương thức sản xuất của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân.

Tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu đưa hạ tầng số quốc gia phát triển cùng nhịp với các nước phát triển trên thế giới, trở thành động lực phát triển cho cả nền kinh tế. Để thực hiện mục tiêu này, VNPT đã luôn ưu tiên các nguồn lực để mở rộng mạng lưới, triển khai hạ tầng số đến các khu vực cả đô thị đến vùng sâu, vùng xa. 

Hiện VNPT đã đầu tư phát triển mạng dịch vụ số bao gồm hạ tầng cáp quang tới từng hộ gia đình, cung cấp internet băng thông rộng đến 100% các xã trên toàn quốc và mở rộng mạng băng rộng cố định FTTx tới hơn 10 triệu thuê bao. Sóng di động Vinaphone 4G cũng đã phủ sóng 98% dân số.
Nguyễn Quốc Khánh, Phó trưởng Ban Công nghệ VNPT

LÀM CHỦ CÔNG NGHỆ HẠ TẦNG

Ngày 15/10 vừa qua, viễn thông Việt Nam bước sang trang phát triển mới với sự kiện nhà mạng Viettel khai trương mạng 5G, thế hệ viễn thông di động hiện đại nhất hiện nay. Ngay tại thời điểm khai trương, 5G Viettel đã có vùng phủ sóng 63/63 thủ phủ tỉnh/thành phố toàn quốc với tất cả các thiết bị vô tuyến, mạng truyền dẫn cũng như mạng lõi 5G được sử dụng đều do chính Viettel tự sản xuất. Hiện Viettel là nhà mạng duy nhất trên thế giới vừa sở hữu công nghệ hạ tầng viễn thông, đồng thời cũng là một nhà khai thác viễn thông.

Như đã nói, hệ thống viễn thông chính là thành phần lõi của hạ tầng số. Còn hạ tầng số lại là “nền móng” của chuyển đổi số, bảo đảm cho sự phát triển kinh tế số-xã hội số quốc gia. Nếu Việt Nam tiếp diễn tình trạng đi mua thiết bị viễn thông của nước ngoài về làm hạ tầng sẽ không bao giờ làm chủ được công nghệ, phụ thuộc vào đối tác nước ngoài, thiếu chủ động trong triển khai hạ tầng và quan trọng nhất là khó bảo đảm an toàn mạng lưới cũng như an ninh, bảo mật thông tin.

"Chính vì vậy, Viettel đã quyết tâm thực hiện chiến lược "Make in Vietnam" - tự nghiên cứu sản xuất thiết bị hạ tầng viễn thông và hạ tầng số”, Thượng tá Nguyễn Vũ Hà, Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT) chia sẻ.

Viettel đã quyết tâm thực hiện chiến lược "Make in Vietnam" - tự nghiên cứu sản xuất thiết bị hạ tầng viễn thông và hạ tầng số

Viettel đã quyết tâm thực hiện chiến lược "Make in Vietnam" - tự nghiên cứu sản xuất thiết bị hạ tầng viễn thông và hạ tầng số

Nhìn lại xuất phát điểm, bất kỳ ai cũng dễ dàng nhận thấy hàng loạt khó khăn, bất lợi cản trở khát vọng làm chủ công nghệ hạ tầng viễn thông của Viettel. Lúc bấy giờ, nguồn nhân lực có trình độ, nền tảng tri thức, trang thiết bị nghiên cứu chuyên ngành,… của Tập đoàn tất cả đều gần như là con số 0.

Cộng thêm thời điểm trước năm 2010, mức độ phẳng hóa của khoa học công nghệ cũng rất thấp so với bây giờ trong khi cộng đồng nghiên cứu công nghệ viễn thông của Việt Nam cũng còn rất mỏng. Tuy nhiên, Viettel có lợi thế vừa là doanh nghiệp vận hành, khai thác kinh doanh viễn thông, vừa là đơn vị phát triển nghiên cứu, đồng nghĩa với việc Tập đoàn luôn có một hệ thống song song để thử nghiệm các nghiên cứu hay công nghệ mới.

Từ xuất phát điểm đó, Viettel bắt đầu xây dựng bộ máy chuyên trách nghiên cứu về công nghệ thiết bị viễn thông. Đứng trước vô vàn khó khăn, Viettel vẫn luôn đặt ra mục tiêu thật cao nhất và nỗ lực làm.

“Khi chúng ta bắt tay vào làm, dần dần mọi thứ sẽ dần vỡ ra. Chúng ta có thể sẽ gặp phải thất bại, nhưng phải có niềm tin rằng sau thất bại sẽ tìm thấy thành công”, Thượng tá Nguyễn Vũ Hà chia sẻ.

Item 1 of 2

Kinh nghiệm triển khai của Viettel là tách hệ thống hạ tầng viễn thông thành các cấu thành nhỏ để nghiên cứu từng bước, trước hết bắt đầu từ phần mềm, đến phần cứng và cuối cùng là sản xuất chipset rồi từ từ dần làm chủ cả hệ thống lớn.

Đơn cử như trạm thu phát sóng BTS, nếu phân tách sẽ bao gồm ăng ten, thiết bị thu phát, xử lý tín hiệu,… Phần ăng ten thế giới đã làm nhiều và đơn thuần là vật lý, công nghệ đơn giản, chỉ cạnh tranh nhau về giá nên Viettel quyết định không bỏ công, bỏ sức.

Còn thiết bị thu phát nếu tổng thể sẽ là cả một hệ thống lớn nên tưởng rất khó làm, hưng khi tách riêng ra thành các mạch thu-phát riêng biệt lại đơn giản hơn nhiều. Phần xử lý tín hiệu cũng đã có giao thức chung, khi phân tách ra là các bài toán lập lịch, phân chia tài nguyên. Do đó, Viettel ban đầu tập trung vào giải các bài toán ấy. Sau đó, đội ngũ của Tập đoàn đi gặp rất nhiều chuyên gia, mời các đối tác đã sử dụng công nghệ lõi từ Phần Lan, Mỹ, Ấn Độ,… cùng tham gia.

Một ví dụ khác là sản phẩm Site Router, thành phần cốt lõi của công nghệ truyền dẫn cũng như là một trong 3 thành phần cơ bản nhất của công nghệ hạ tầng viễn thông. Nếu một thiết bị Site Router ngừng hoạt động, một khu vực của hệ thống viễn thông sẽ bị cô lập với những thành phần còn lại.

Bởi vậy, Site Router đã được những người làm nghiên cứu phát triển của Viettel để ý từ những ngày đầu tham gia vào lĩnh vực công nghệ hạ tầng viễn thông. Lúc bấy giờ, trên thế giới cũng chỉ có 4 nhà cung cấp chính thiết bị này, bao trùm hầu khắp thị trường toàn cầu. Để nghiên cứu phát triển thành công Site Router sử dụng công nghệ MPLS, các hãng này cũng thường mất khoảng 5 năm đầu tư với hàng trăm kỹ sư trình độ cao ở nhiều chuyên ngành khác nhau.

Với yêu cầu nhất định phải làm chủ được công nghệ truyền dẫn, đầu năm 2017, Tập đoàn quyết định mở đề tài nghiên cứu phát triển Site Router mang thương hiệu Viettel. Nhóm dự án đã chia tất cả các yêu cầu của hệ thống thành các thành phần nhỏ với 2 nhóm nhiệm vụ chính. Trong đó, các nhân sự “key” nhất của dự án chỉ tập trung các tính năng “cốt lõi của cốt lõi”, những thành phần quan trọng nhất, quyết định thành công của dự án cũng như năng lực làm chủ thật sự đối với công nghệ này.

Cuối cùng, sau hàng chục nghìn bài thử với các tiêu chuẩn khắt khe của nhà vận hành khai thác, cộng thêm thành công trong việc triển khai thử nghiệm trên mạng lưới Viettel, thiết bị Site Router hiện nay đã được nghiệm thu có tính năng công nghệ, chất lượng hoạt động ổn định tương đương với thiết bị trong cùng phân khúc thị trường từ các hãng cung cấp hàng đầu thế giới như Cisco, Huawei, Juniper,… phân phối tới hàng triệu người dùng của mạng lưới Viettel.

Riêng với 5G, đầu năm 2024, Viettel đã giới thiệu chip 5G DFE là thành phần phức tạp nhất trong hệ sinh thái 5G, điều khiển hoạt động khối thu/chuyển tín hiệu và giao tiếp tốc độ cao với các khối xử lý 5G khác.

Đến tháng 6, Viettel được Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) trao Chứng nhận hợp quy thiết bị trạm gốc 5G 8T8R và 32T32R. Đây là trạm gốc 5G có vị trí quan trọng trong cấu trúc hạ tầng mạng viễn thông, do VHT làm chủ toàn bộ phần cứng và phần mềm, toàn trình từ nghiên cứu, thiết kế đến sản xuất.

Hiện nay, Viettel đã có khả năng cung cấp đầy đủ bộ giải pháp cho mạng 5G từ mạng lõi, mạng truyền dẫn và mạng truy nhập vô tuyến là trạm gốc 5G. Từ đó, VHT đã triển khai hơn 300 trạm gNodeB 8T8R và triển khai 10 trạm gNodeB 32T32R tại 4 địa phương là Hà Nam, Hà Nội, Đà Nẵng, Ninh Thuận. Các trạm này đều đang hoạt động ổn định, bảo đảm thông suốt mạng lưới.

“Một hệ thống mạng 5G cần nguồn vốn đầu tư hàng trăm nghìn tỷ đồng. Vì vậy, khi đã làm chủ được công nghệ hạ tầng, trước hết đã hạn chế được nguồn ngoại tệ chảy ngược ra nước ngoài. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn xác định đây mới chỉ là những bước đi đầu tiên, đủ để khẳng định tính đúng đắn của sứ mệnh làm chủ công nghệ hạ tầng viễn thông. Chúng ta còn rất nhiều việc phải làm, hướng tới mục tiêu làm chủ toàn bộ công nghệ hạ tầng số quốc gia, theo kịp xu thế phát triển không ngừng của thời đại”, Thượng tá Nguyễn Vũ Hà nhấn mạnh.

ĐƯA VIỆT NAM
THÀNH DIGITAL HUB
CỦA KHU VỰC

Tháng 10/2023, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) chính thức khai trương trung tâm dữ liệu (IDC) thứ 8 tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Với số lượng 2.000 tủ racks, đây là IDC có quy mô lớn nhất và vượt trội tại Việt Nam lúc bấy giờ, được VNPT đầu tư các công nghệ hiện đại nhất, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế.

Hơn nữa, VNPT IDC Hòa Lạc còn được trang bị dự phòng N+1 bảo đảm vận hành an toàn và liên tục ngay cả khi thực hiện sửa chữa, bảo trì, giúp dịch vụ của khách hàng luôn được liên tục, ổn định và không gặp bất kỳ gián đoạn nào. Bên cạnh đó, hệ thống giám sát an ninh theo 6 lớp bảo mật từ ngoài vào trong Data Hall của trung tâm cũng đạt tiêu chuẩn quốc tế, giúp bảo đảm an toàn dữ liệu của khách hàng ở mức cao nhất.

Item 1 of 4

VNPT IDC Hòa Lạc

VNPT IDC Hòa Lạc

VNPT IDC Hòa Lạc

VNPT IDC Hòa Lạc

VNPT IDC Hòa Lạc

VNPT IDC Hòa Lạc

VNPT IDC Hòa Lạc

VNPT IDC Hòa Lạc

Nhưng chỉ 6 tháng sau, “ngôi vị số 1” ấy đã bị phá vỡ khi Viettel khai trương IDC mới cũng tại Hòa Lạc với quy mô lên tới 2.400 racks. Đặc biệt, đây là IDC đáp ứng được các tiêu chuẩn xanh khi được lắp đặt hệ thống chiller giải nhiệt nước - công nghệ mới nhất tối ưu và hiệu suất cao hơn giải nhiệt gió, đồng thời còn sử dụng các thiết bị sản xuất mới nhất hiện nay là công nghệ đệm từ, chân không nhằm giảm thiểu mức tiêu thụ điện năng của thiết bị chiller.

Phó Giám đốc Viettel IDC Lê Hoài Nam cho biết: Phát triển trung tâm dữ liệu đang là xu hướng rất mạnh ở Việt Nam để thúc đẩy chuyển đổi số, chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và doanh nghiệp số. Trong khi thị trường trung tâm dữ liệu trên thế giới hiện tăng trưởng ở mức khoảng 7-8%/năm thì tại Việt Nam là khoảng 14%, gấp đôi so với thế giới.

Trung tâm dữ liệu Vietel Hòa Lạc

Trung tâm dữ liệu Vietel Hòa Lạc

Hàng loạt IDC mới liên tục được khánh thành đã nâng tầm vị trí của Việt Nam về trung tâm dữ liệu, nhưng nếu so với các trung tâm dữ liệu trên thế giới của các Big Tech, trung tâm dữ liệu của ta vẫn còn ở mức trung bình. Cả nước hiện có 28 trung tâm dữ liệu, gần bằng Thái Lan và chỉ bằng khoảng một nửa của Malaysia, nên nhu cầu phát triển trung tâm dữ liệu của Việt Nam thời gian tới vẫn rất cấp thiết.

Theo Giám đốc Công nghệ Tập đoàn FPT Vũ Anh Tú, việc phát triển các trung tâm dữ liệu và ứng dụng điện toán đám mây là một trong những trọng tâm của chuyển đổi số. Nhiều nước trên thế giới đã đẩy mạnh đầu tư xây dựng và phát triển các trung tâm dữ liệu lớn, thậm chí hình thành các công viên Data Center. Các nước trong khu vực như Singapore, Indonesia hay Philippines cũng đang trở thành “hub” của các tập đoàn công nghệ lớn.

Là quốc gia được đánh giá là thị trường mới nổi về dữ liệu toàn cầu, đứng đầu trong mức độ sẵn sàng chuyển đổi số, liên tục mạnh tay đầu tư cho các tuyến cáp quang biển và trung tâm dữ liệu mới, cùng sự phát triển nhanh của điện toán đám mây, Việt Nam đang có cơ hội dần xuất hiện với vai trò là Digital Hub tiếp theo trong khu vực.

Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đặt yêu cầu đến năm 2025 sẽ hình thành tối thiểu 3 cụm trung tâm dữ liệu đa mục tiêu cấp quốc gia, phục vụ hoạt động kinh tế-xã hội và hoạt động của cơ quan nhà nước; chình thành thêm nhiều cụm trung tâm dữ liệu đa mục tiêu cấp vùng; 1-2 trung tâm dữ liệu khu vực phục vụ nhu cầu của các trung tâm tài chính Việt Nam và cho khu vực, quốc tế. Năng lực các trung tâm dữ liệu phải bảo đảm đáp ứng quy mô doanh thu thị trường điện toán đám mây khoảng 1% GDP. Để thúc đẩy thị trường trung tâm dữ liệu, quy hoạch cũng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có 100% cơ quan thuộc Chính phủ dùng hệ sinh thái điện toán đám mây phục vụ Chính phủ số và 70% doanh nghiệp Việt Nam sử dụng dịch vụ điện toán đám mây do doanh nghiệp trong nước cung cấp.

Theo các chuyên gia, để Việt Nam trở thành một Digital Hub thì phát triển phần cứng (hệ thống cáp quang biển, các trung tâm dữ liệu) là chưa đủ,… Chúng ta cần xây dựng và hình thành một hệ sinh thái công nghệ bao gồm các giải pháp chuyển đổi số và các sản phẩm công nghệ cao ứng dụng AI, IoT, Cloud,… hướng tới trọng tâm là thúc đẩy kinh tế số Việt Nam.

Mặt khác, để vận hành các trung tâm dữ liệu cũng như xây dựng hệ sinh thái số đi kèm, chúng ta còn cần đầu tư bài bản cho nguồn nhân lực số. Quan trọng hơn cả là Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế số, trong đó đáp ứng được các tiêu chí pháp lý về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, luật trao đổi dữ liệu cá nhân hay cách thức hợp tác quốc tế.

VNPT đã trúng đấu giá thành công khối băng tần C2 (3700MHz - 3800MHz) , đây sẽ là lợi thế lớn trong việc thúc đẩy mạng 5G trong thời gian tới

VNPT đã trúng đấu giá thành công khối băng tần C2 (3700MHz - 3800MHz) , đây sẽ là lợi thế lớn trong việc thúc đẩy mạng 5G trong thời gian tới

Phó trưởng Ban Công nghệ VNPT Nguyễn Quốc Khánh cho rằng: Thị trường dịch vụ điện toán đám mây tại Việt Nam và toàn cầu hiện có sự cạnh tranh gay gắt, đặc biệt từ các nhà cung cấp dịch vụ quốc tế lớn như AWS, Google Cloud, Microsoft Azure. Điều này đòi hỏi VNPT Cloud phải liên tục cải tiến, sáng tạo và duy trì giá cả cạnh tranh để đáp ứng được nhu cầu và giữ chân khách hàng.

Khách hàng, nhất là các cơ quan chính phủ hay tổ chức tài chính ngày càng có yêu cầu cao về bảo mật. Việc liên tục duy trì và nâng cấp các tiêu chuẩn bảo mật để bảo đảm dữ liệu luôn an toàn, đồng thời đáp ứng các quy định pháp lý cũng là một thách thức lớn.

Khó khăn hơn cả là dù các doanh nghiệp trong nước nhưng VNPT Cloud đã đạt được nhiều bước tiến trong phát triển, nhưng thói quen và tâm lý của nhiều doanh nghiệp, tổ chức Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn sẵn sàng chuyển đổi sang sử dụng dịch vụ điện toán đám mây “nội địa”.

Cùng với đó, dù Chính phủ và các doanh nghiệp công nghệ vẫn luôn nỗ lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia, nhưng tốc độ triển khai ở các địa phương và doanh nghiệp chưa đồng bộ. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến khả năng đầu tư hạ tầng và mở rộng dịch vụ của doanh nghiệp.

Khách hàng trải nghiệm miễn phí VinaPhone 5G

Khách hàng trải nghiệm miễn phí VinaPhone 5G

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, dữ liệu là tài nguyên quan trọng nhất của nền kinh tế số và sự giàu có của quốc gia trong tương lai sẽ được đo bằng dữ liệu. Cứ mỗi ba năm, dữ liệu của thế giới sẽ tăng gấp đôi và Việt Nam còn tăng nhanh hơn.

Trong khi đó, Việt Nam vẫn chưa có trung tâm dữ liệu loại lớn (quy mô hơn 5.000 racks), chủ yếu là vừa và nhỏ hoặc siêu nhỏ. Chính vì vậy, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam cần có tầm nhìn lớn hơn về dữ liệu quốc gia, chủ động đi đầu trong việc xây dựng hạ tầng dữ liệu và tạo ra không gian tăng trưởng mới.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam “trở về nhà mình”, ưu tiên sử dụng hàng hóa trong nước và dịch vụ điện toán đám mây của Việt Nam, nhất là khi “hàng Việt” đạt đủ các tiêu chuẩn khắt khe nhất của thế giới với giá cả cạnh tranh.

Các bộ, ngành, địa phương cần định hướng cộng đồng doanh nghiệp thay vì tự đầu tư các trung tâm dữ liệu, hãy chuyển hướng sử dụng dịch vụ của các đơn vị cung cấp chuyên nghiệp trong nước vì sẽ hiệu quả hơn về chi phí, an toàn và linh hoạt hơn trong vận hành, đồng thời còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp số nước nhà.

- Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng-

TĂNG NGUỒN LỰC TỪ NHÀ NƯỚC

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Công cuộc chuyển đổi số của Việt Nam đã bước sang năm thứ 5. Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm đúng ngày kỷ niệm lập nước 2/9/2024 đã khẳng định: "Đất nước ta đang đứng trước vận hội mới, vừa là cơ hội đồng thời cũng là thách thức trên con đường phát triển. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, với sự đồng lòng, chung sức của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị, chúng ta nhất định sẽ thực hiện thành công cuộc cách mạng chuyển đổi số, tạo ra bước đột phá trong phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất, đưa đất nước ta, dân tộc ta vươn mình vượt bậc trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của tiên tiến, văn minh, hiện đại".

Như vậy, chuyển đổi số đã thực sự trở thành sự nghiệp của toàn Đảng và toàn dân ta. Mà muốn chuyển đổi số thành công, phát triển kinh tế số thì phải có hạ tầng số. Công cuộc lớn nhất của chuyển đổi số là số hóa mọi thứ của thế giới thực, mô phỏng nó để tạo ra ánh xạ 1-1 cũng như tạo ra sự tương tác giữa thế giới thực và thế giới số. Con người sẽ có thêm một không gian nữa để sống, làm việc; sự giàu có và không gian sáng tạo của con người tăng ít nhất là gấp đôi. Có rất nhiều việc thực hiện trên môi trường số thì nhanh, toàn diện và hiệu quả hơn so với trong thế giới thực. Nhưng phải có hạ tầng và công cụ để thực hiện những việc đó, hoặc hỗ trợ thực hiện các việc đó.

Hạ tầng số là hạ tầng chiến lược, giống như hạ tầng giao thông và năng lượng, phải được đầu tư đi trước để phục vụ chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số và xã hội số; phải thuộc top 50 thế giới vào năm 2030 và thuộc top 30 vào năm 2045; có dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập bền vững, xanh, thông minh, mở và an toàn. “Hạ tầng viễn thông sẽ do doanh nghiệp đầu tư kinh doanh. Hạ tầng số với nhiều cấu phần phải đi trước để dẫn dắt nên cần cả sự đầu tư của nhà nước”, Bộ trưởng Hùng nhấn mạnh.

VNPT IDC Hòa Lạc

VNPT IDC Hòa Lạc

Lĩnh vực viễn thông đang bước vào công cuộc đổi mới lần hai khi hạ tầng viễn thông chuyển thành hạ tầng số của nền kinh tế số. Những năm gần đây, lĩnh vực viễn thông nói chung và hạ tầng viễn thông của Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, dần đuổi kịp các nước phát triển trên thế giới, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của kinh tế số-xã hội số. Sự phát triển này chủ yếu là nhờ nỗ lực của các doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực này.

Mặt khác, hạ tầng viễn thông và internet cũng chỉ là 1 trong 4 thành phần của hạ tầng số quốc gia. Các hạ tầng khác, bao gồm hạ tầng dữ liệu, hạ tầng vật lý số, hạ tầng tiện ích số và công nghệ số như dịch vụ hay kể cả hạ tầng viễn thông vẫn cần được thị trường đầu tư đi trước để tạo nền móng cho chuyển đổi số. Nhưng thực tế, đang có rất ít dự án hạ tầng số lớn có vốn đầu tư công, hay nói cách khác, Nhà nước chưa một lần trực tiếp mạnh tay đầu tư cho hạ tầng số, ngoài dự án Trung tâm dữ liệu quốc gia đang được đẩy nhanh, phấn đấu hoàn thành vào năm sau hoặc một vài dự án nhỏ lẻ ở các địa phương. Trong khi đó, Nhà nước lại luôn sẵn sàng chi hàng chục, hàng trăm tỷ USD để xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc hay đang “nóng” nhất hiện nay là tuyến đường sắt cao tốc bắc-nam.

VinaPhone lắp trạm 5G tại nhiều khu vực trên cả nước

VinaPhone lắp trạm 5G tại nhiều khu vực trên cả nước

“Nhiều người đang ngộ nhận cứ giao cho doanh nghiệp viễn thông phát triển hạ tầng số là đủ”, Phó Cục trưởng Hồ Đức Thắng nhận xét. Viễn thông vốn là nhu cầu thiết yếu nên đầu tư cho viễn thông, phát triển hạ tầng viễn thông dễ thu hồi vốn. Nhưng không phải hạ tầng số nào cứ đầu tư là có lợi nhuận. Những trường hợp không có hiệu quả kinh tế trực tiếp và tức thì, nhưng mang lại lợi ích cho sự phát triển lâu dài của đất nước, Nhà nước vẫn cần trực tiếp đầu tư.

Cũng theo ông Thắng, nguyên nhân của thực trạng này một phần là do lĩnh vực số vẫn còn quá mới ở Việt Nam và cả trên thế giới. Ngay cả khái niệm hạ tầng số vừa được chúng ta định nghĩa rõ trong thời gian gần đây; Khung phát triển Hạ tầng số cũng vừa được ban hành từ cuối tháng 9/2024. Dù là vậy, Việt Nam vẫn một trong những nước tiên phong ban hành văn bản xác định rõ nội hàm cùng các yêu cầu phát triển cho hạ tầng số quốc gia. Đây là cơ sở quan trọng để Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách thúc đẩy phát triển, các quy định quản lý hạ tầng số. Đây cũng là căn cứ để các doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp công nghệ số xác định không gian phát triển mới, xây dựng định hướng phát triển giai đoạn 2024 – 2030. Và cũng từ thời điểm này, khi các khái niệm cũng như định hướng phát triển hạ tầng số đã được xác định rõ, nhà nước cần bắt đầu thực sự chú trọng nhiều hơn cho đầu tư vào hạ tầng số.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng so sánh một cách hình ảnh: Có thể coi Chính phủ là hộ tiêu dùng lớn nhất của một quốc gia, nếu Chính phủ tăng chi tiêu cho chuyển đổi số, từ đó sẽ kích thích chuyển đổi số của toàn bộ quốc gia. Hiện nay, Chính phủ đang chi khoảng 1% ngân sách cho chuyển đổi số, đây là tỷ lệ dưới mức trung bình của thế giới. Nếu Chính phủ tăng chi cho chuyển đổi số lên 2-3% ngân sách, sẽ là cú huých lớn cho chuyển đổi số cũng như hạ tầng số.

Item 1 of 3

5G Vinaphone

5G Vinaphone

Trung tâm dữ liệu Viettel Hòa Lạc

Trung tâm dữ liệu Viettel Hòa Lạc

5G Viettel

5G Viettel

Ngày xuất bản: 27/11/2024
Chỉ đạo: THU HÀ
Nội dung: QUANG HƯNG-THANH GIANG-VIỆT HẢI
Trình bày: BẢO MINH