Tạo môi trường, không gian tối đa cho đổi mới, sáng tạo
Kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung có ý nghĩa rất quan trọng và cần được hiểu đúng, vận dụng đúng trong thực tiễn. Cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cần đề cao tính công khai, minh bạch và phân biệt rõ người dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung với người liều lĩnh, phiêu lưu.
Kết luận 14-KL/TW của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung được ban hành đúng thời điểm Đảng ta đang triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Đây là chủ trương, là cơ chế đột phá, quan trọng, để khuyến khích, đồng thời bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, nhằm tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách chưa được cụ thể hóa trong thực tiễn phát triển; khai thác hiệu quả bước đi sáng tạo, đột phá được tổ chức, người đứng đầu công nhận, cho phép, chưa có trong tiền lệ, nhằm mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước, địa phương.
Những quyết sách táo bạo để phát triển
Không phải đợi đến khi Kết luận 14 của Bộ Chính trị ra đời, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương, việc khuyến khích đổi mới, sáng tạo đã được đặt lên hàng đầu. Là địa phương nhiều năm liên tục luôn dẫn đầu cả nước về các chỉ số cạnh tranh, Quảng Ninh luôn xác định cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là động lực quan trọng để thúc đẩy thu hút các nguồn lực cho đầu tư, đặc biệt là thúc đẩy sự phát triển khu vực kinh tế tư nhân, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế xã hội bền vững của tỉnh.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tường Văn cho biết, tỉnh là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước đưa mục tiêu hàng năm giữ vững vị trí nhóm dẫn đầu cả nước về các chỉ số PCI (Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh), PAR (Chỉ số cải cách hành chính), SIPAS (Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành nhà nước), PAPI (Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh) vào văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh và được đưa vào thành một mục tiêu trong Nghị quyết Đại hội với phương châm: "Lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo cho sự phục vụ".
Đặc biệt, Quảng Ninh ban hành Nghị quyết đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, trong đó đề ra mục tiêu tiếp tục cải thiện và nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp thông qua thước đo hàng năm giữ vững vị trí nhóm dẫn đầu cả nước về các chỉ số PCI, PAR, SIPAS, PAPI. Nghị quyết đã thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ của Quảng Ninh nhằm hướng đến nền hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày một tốt hơn, hiệu quả hơn. Đồng thời, xây dựng một hình ảnh địa phương đi đầu về đổi mới, sáng tạo, xây dựng văn hóa cam kết và đồng hành của chính quyền địa phương với người dân và doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Tường Văn cũng cho biết, Quảng Ninh còn mạnh dạn và sáng tạo trong triển khai các mô hình mới. Nhằm cải cách thủ tục hành chính, giảm các đầu mối và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư khi đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh, tỉnh Quảng Ninh đã thành lập Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư (IPA) là cơ quan đầu mối, thường trực trong theo dõi, đôn đốc tham mưu về công tác xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư và hỗ trợ đầu tư của tỉnh Quảng Ninh; thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện trực thuộc Ủy ban nhân dân cùng cấp; thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn...
Các mô hình này đang vận hành hiệu quả và phát huy được vai trò cầu nối giữa chính quyền các cấp và người dân, doanh nghiệp; từng bước thay đổi tư duy và phương thức xúc tiến đầu tư với suy nghĩ và hành động từ góc nhìn của nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Để có một địa phương đi đầu về đổi mới, sáng tạo thì cần những cán bộ dám đổi mới, sáng tạo. Mặc dù vậy, ông Văn cũng thừa nhận, việc thu hút và trọng dụng nhân tài vào làm việc tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Ông Nguyễn Tường Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh
Ông Nguyễn Tường Văn cho rằng, Quảng Ninh cần bố trí công chức, viên chức theo yêu cầu của vị trí việc làm, xây dựng môi trường làm việc dân chủ, thúc đẩy sự chủ động, sáng tạo trong công việc và mở rộng cơ hội thăng tiến. Có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám hành động vì lợi ích chung. Xây dựng quy chế, tiêu chuẩn đánh giá nhân tài gắn với từng vị trí việc làm, trong đó chú trọng đến kết quả, hiệu quả công tác, đa đạng hóa các kênh đánh giá và triển khai đồng bộ việc kiểm tra, sát hạch định kỳ.
“Đội ngũ nhân tài trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập là lực lượng tinh hoa, đóng vai trò quan trọng trong xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách pháp luật; dẫn dắt quá trình đổi mới, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, phát triển kinh tế xã hội nhanh, bền vững”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tường Văn nói.
Trong chín tháng đầu năm 2021, với quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép” trong trạng thái bình thường mới theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thành phố Hải Phòng vừa quyết liệt trong phòng, chống, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập, vừa khắc phục khó khăn, duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Hải Phòng là thành phố trực thuộc trung ương duy nhất không phải thực hiện giãn cách xã hội, và cũng là địa phương có mức tăng trưởng kinh tế cao trong tốp dẫn đầu của cả nước. Trong đó, tốc độ phát triển với chỉ số GRDP tăng 12,28% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) đạt 19,68% so với cùng kỳ năm 2020. Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 18,5 tỷ USD, tăng 25,5% so cùng kỳ; sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt hơn 106 tiệu tấn, tăng hơn 8%.
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng khẳng định, thành quả đáng phấn khởi của Hải Phòng luôn bắt nguồn từ sự hỗ trợ tích cực của trung ương, sự nỗ lực phấn đấu, đổi mới, sáng tạo của Ðảng bộ, chính quyền, quân và dân toàn thành phố, và cũng là kết tinh của một quá trình lao động bền bỉ qua nhiều nhiệm kỳ của Ðảng bộ thành phố.
Trong đó, Hải Phòng đã mạnh dạn đổi mới công tác đầu tư, khơi thông và huy động mọi nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, tạo sự bứt phá với tổng vốn đầu tư trên địa bàn thành phố giai đoạn 2015 - 2020 đạt 564.295 tỷ đồng, gấp ba lần giai đoạn 2010 - 2015, trong đó vốn đầu tư ngoài ngân sách chiếm khoảng 90%, vốn đầu tư từ ngân sách là 10%.
Đây chính là nguồn lực để Hải Phòng đầu tư phát triển mạnh mẽ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trước hết là kết cấu hạ tầng giao thông; chỉnh trang, nâng cấp đô thị theo hướng văn minh, hiện đại; đầu tư nhiều công trình phúc lợi công cộng như: bệnh viện, trường học, xây dựng công viên, cây xanh, cải thiện môi trường sống cho người dân đất Cảng…
Chia sẻ về những bài học kinh nghiệm trong thời gian qua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hải Phòng Đỗ Mạnh Hiến nhấn mạnh, Hải Phòng luôn chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, nhất là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, có trình độ, năng lực nổi trội, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, thật sự tiền phong gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết vì sự nghiệp chung. Thành phố đã triển khai việc đưa cán bộ trẻ giữ chức vụ lãnh đạo cấp huyện, cấp xã; sắp xếp, bố trí, luân chuyển cán bộ giữa các địa phương, cơ quan, đơn vị theo quan điểm công khai, dân chủ, công tâm, khách quan, minh bạch, bước đầu mang lại hiệu quả và được sự đồng thuận cao. Ðây chính là yếu tố có ý nghĩa quyết định làm nên những thành công toàn diện của thành phố Cảng trong thời gian qua.
Đổi mới, sáng tạo phải công khai, minh bạch
Tuy nhiên, để có nhiều điểm sáng như Quảng Ninh, Hải Phòng, Kết luận 14 cần được hiểu đúng, vận dụng đúng và cụ thể hóa trong từng chủ trương, quy định và quyết sách của từng ngành, từng địa phương.
Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, việc khuyến khích cán bộ sáng tạo, dám đột phá có những khó khăn nhất định. Những người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá bao giờ cũng có những cái ngoài quy định của pháp luật, tổ chức. Do đó, phải hiểu quy định, phải rõ động cơ người đó là trong sáng muốn làm mới, muốn làm cái đột phá đem lại lợi ích cho dân nhưng pháp luật, quy định chưa cho phép. Đồng thời phải cảnh giác với người nhân danh dám nghĩ, dám làm, và lợi dụng Kết luận 14 để bao che cho lợi ích của bản thân, của nhóm.
“Theo tôi mọi việc phải công khai. Ở địa phương chẳng hạn, khi có đề án, ý tưởng mới phải báo cáo Bí thư Tỉnh ủy, Huyện ủy xem có đồng ý cho thí điểm không. Nếu không đồng ý thì tôi sẽ báo cáo cấp trên. Phải hình thành cấp xem xét người dám nghĩ, dám làm để khuyến khích và bảo vệ cán bộ”, ông Hùng gợi ý.
Trao đổi với Báo Nhân Dân, PGS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, đổi mới và sáng tạo luôn luôn phải gắn với minh bạch, công khai để người dân biết. Nếu sáng tạo đổi mới nhưng không ai biết thì làm sao đánh giá đúng được mức độ, hiệu quả đến đâu.
“Cũng giống như ngày xưa, đánh giá chủ trương khoán của đồng chí Kim Ngọc, lấy thước đo là sản xuất phát triển, đời sống người dân tốt hơn. Như ở TP Hồ Chí Minh, quyết định của đồng chí Nguyễn Văn Linh, đồng chí Võ Văn Kiệt, cả thành phố năng động, hiệu quả, từ đó Bộ Chính trị thấy hay quá nên tổng kết có được đường lối đổi mới của Đại hội VI”, PGS Nguyễn Trọng Phúc nêu thí dụ.
Bên cạnh đó, theo ông Phúc, thì cần tổng kết, đánh giá công khai, làm mọi người hiểu, mang lại lợi ích cho đất nước, nhân dân, cho sự nghiệp cách mạng của Đảng lãnh đạo. “Đồng chí nào có chủ trương, cách làm hay có thể triệu tập cán bộ khoa học, quản lý các lĩnh vực ngồi thảo luận lại với nhau xem hiệu quả không. Đó chính là công khai, minh bạch để phát huy trí tuệ tập thể. Bao giờ cũng phải có đề xuất cá nhân nhưng muốn đề xuất thành hiện thực tốt thì cố gắng phát huy trí tuệ tập thể, biết lắng nghe, biết tổng hợp lại. Chân lý và cái đúng chỉ có một”, ông Phúc nhận định.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh nhìn nhận, Kết luận 14 chắc chắn sẽ tạo động lực rất lớn cho đội ngũ cán bộ là những người tâm huyết, năng động, sẵn sàng dấn thân vì sự nghiệp chung của dân tộc. Điều này là vô cùng cần thiết trong tình hình hiện nay, khi hệ thống pháp luật của chúng ta còn chưa đồng bộ, nhiều bất cập, chồng chéo và không ít mâu thuẫn, nhất là các văn bản dưới luật; trong khi thực tiễn vô cùng phong phú, những đòi hỏi của cuộc sống là vô cùng cấp bách và chính đáng; áp lực phải hoàn thành tiến độ luôn luôn thường trực, yêu cầu trách nhiệm người đứng đầu rất lớn trong khi quyền hạn lại không tương xứng. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ, công chức các cấp, các ngành còn hạn chế về năng lực, tận tâm với công việc do cơ chế tuyển dụng, bố trí, đề bạt, đánh giá… chưa thật sự khách quan, thực chất; chế độ tiền lương còn thấp, chưa tạo động lực và yên tâm làm việc.
Ông Lê Trí Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam
“Do vậy, để Kết luận 14 đi vào thực tiễn, theo tôi, cần làm rõ hơn những nội dung thí điểm là ở các mức độ nào? Tương ứng với đó là các hình thức báo cáo, có thể bằng văn bản hoặc không bằng văn bản (do tính cấp bách, cần quyết định ngay); cấp nào cho ý kiến, cấp nào thẩm định, cấp nào quyết định (người đứng đầu hay tập thể cấp ủy, chính quyền, Chính phủ, Ban Bí thư, Bộ Chính trị tùy tính chất, mức độ, nội dung), nếu chưa đồng thuận cao thì có được báo cáo lên cấp trên không?”, ông Lê Trí Thanh đặt vấn đề.
“Đây là vấn đề rất khó cần được làm rõ, đặc biệt khi Kết luận 14 cho phép làm những gì không vi phạm Hiến pháp, Điều lệ Đảng mà pháp luật chưa quy định hoặc quy định nhưng chưa phù hợp thực tiễn. Bên cạnh quy định của Đảng, cần thể chế hóa thành các quy định của pháp luật có liên quan để bảo đảm tính thống nhất giữa quan điểm lãnh đạo của Đảng với pháp luật của Nhà nước và thể hiện bản chất tốt đẹp của nền pháp chế Xã hội chủ nghĩa”, ông Thanh đề xuất.
Bản lĩnh của những người đổi mới
Nói về bản lĩnh của cán bộ trong đổi mới, sáng tạo, ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông nhấn mạnh: “Những người đổi mới trước hết phải có khát vọng. Phải có khát vọng làm gì để đột phá, làm gì để có thể bứt lên. Thứ hai là một sự dấn thân. Và tùy từng giai đoạn mà có thể khơi dậy được khát vọng hay sự dấn thân đó”.
Theo ông Mai Liêm Trực, cán bộ sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trong mỗi giai đoạn có sự khác nhau. “Thế hệ của chúng tôi là thế hệ của chiến tranh cho nên sự dấn thân vào chiến trường như là chuyện của một thế hệ. Còn ngày nay, khi cán bộ khát vọng, dấn thân đương nhiên là họ mong muốn có một cái hành lang pháp lý, một luật chơi minh bạch, công bằng, công khai để họ không phạm luật. Và nếu tốt hơn là cần có những chính sách của nhà nước để thúc đẩy những khát vọng đó”.
Còn PGS Nguyễn Trọng Phúc cho rằng, Kết luận 14 có tính chất khuyến khích cán bộ sáng tạo, dám đột phá, vì thế có hai từ: “khuyến khích và bảo vệ”. Có nghĩa là khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm nhưng cũng phải bảo vệ cán bộ đó. Khuyến khích và bảo vệ ở đây có quan hệ mật thiết với nhau.
Ông Phúc phân tích, khuyến khích tốt sẽ tạo tâm lý hồ hởi trong cán bộ lãnh đạo quản lý sẵn sàng đề xuất vấn đề khác nhau trong ngành hoặc địa phương để làm. Khuyến khích sẽ đổi mới, năng động hơn trong tư duy lãnh đạo quản lý, nếu không lãnh đạo quản lý chỉ là người thực hiện chỉ đạo có sẵn, kết luận có sẵn sẽ rất hạn chế đến kết quả. Vì với chủ trương ấy, mỗi địa phương vận dụng khác nhau, đòi hỏi suy nghĩ, sáng tạo để tìm cái mới, tìm cái riêng bảo đảm theo quan điểm đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đó chính là xử lý mối quan hệ giữa giữ vững nguyên tắc và sáng tạo, nếu không giữ vững nguyên tắc sẽ dễ chệch hướng, nhưng nếu không sáng tạo sẽ rất khó thành công.
“Thực tế có một số cán bộ lợi dụng sáng tạo để làm bừa, thậm chí vi phạm quy chế, quy định về quản lý tài sản, tài chính. Cái gì là nguyên tắc phải bảo vệ, nhưng thấy chủ trương chưa phù hợp có thể sáng tạo, điều chỉnh cách làm cho phù hợp, mang lại kết quả. Đặc biệt kết quả phải mang lợi ích chung chứ không phải lợi ích nhóm, lợi ích cho bản thân”, ông Phúc lưu ý.
Ông Phúc cũng nhấn mạnh, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung không có nghĩa là bao che, bênh vực. Kết luận 14 cũng đã nêu rõ xử lý nghiêm việc lợi dụng chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Tuy nhiên, khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá công tâm để xem xét, xử lý phù hợp, nếu thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm.
Bên cạnh đó, hiện nay cũng có cán bộ tốt rất muốn sáng tạo, đột phá nhưng có khi lại bị người khác gièm pha, có lời nói, việc làm cản trở công việc, thậm chí xúm vào chê bai, đố kỵ, ghen ghét. PGS Nguyễn Trọng Phúc cho rằng, muốn bảo vệ cán bộ sáng tạo, dám đột phá cần phải nhận thức rõ điều đó, nhất là đối với những người có trách nhiệm trong công tác đánh giá cán bộ thì càng phải nhạy việc đó để bảo vệ người làm tốt, làm đúng.
“Nên phải trở lại nguyên tắc thấy đúng phải bảo vệ, thấy sai phải phê phán. Chứ có hiện tượng đúng không được bảo vệ, sai không bị phê phán, cứ mũ ni che tai. Đó là điều phải nhấn mạnh trong tình hình hiện nay”, ông Phúc nói.
Xây dựng cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới
Là những người nghiên cứu Đề án “Xây dựng cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung”, ông Dương Mộng Huyền, Trợ lý Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức, cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương cho rằng: Để xây dựng cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung cần phải lưu ý một số vấn đề sau:
Một là, xây dựng cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của nhân dân nhằm hạn chế khả năng cổ xúy cho việc đi ngược với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời, không triệt tiêu, hạn chế sự sáng tạo, đổi mới của cán bộ nếu đem lại lợi ích cho quốc gia, dân tộc.
Hai là, cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cần phân biệt được người dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung với người liều lĩnh, phiêu lưu; phân định được ý tưởng đổi mới, sáng tạo với những ý tưởng viển vông, không thực tế để có cách phòng ngừa, ngăn chặn ngay từ đầu. Khi cán bộ, đảng viên có ý tưởng mới mẻ, đột phá thì cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cần nghiêm túc xem xét tính khả thi, nội dung, tính chất, quy mô của ý tưởng để yêu cầu cán bộ, đảng viên xây dựng kế hoạch hoặc đề án phù hợp; sau đó, thảo luận, bàn bạc dựa trên nguyên tắc tập trung dân chủ, trưng cầu ý kiến chuyên gia và các đối tượng bị tác động; đánh giá, thẩm định kế hoạch và quyết định cho cán bộ, đảng viên triển khai hoặc không triển khai. Ngược lại, cán bộ, đảng viên có ý tưởng đổi mới, sáng tạo nhất thiết phải báo cáo và được sự cho phép của cấp có thẩm quyền trước khi triển khai. Không nên thiên về một phía mà phải hết sức hài hòa, căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để quyết định cho phù hợp. Nguyên tắc là cán bộ, đảng viên có ý tưởng đổi mới, sáng tạo phải báo cáo cấp ủy xin chủ trương về ý tưởng của mình; đồng thời, cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu phải đơn giản hóa quy trình cho chủ trương, giảm bớt các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian chờ đợi để tạo môi trường, không gian tối đa cho đổi mới, sáng tạo.
Ông Dương Mộng Huyền, Trợ lý Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức, cán bộ
Ba là, việc bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá phải thực hiện trong suốt quá trình, trước, trong và sau đổi mới, sáng tạo, đặc biệt là bảo vệ những trường hợp xảy ra rủi ro, sai sót, để họ không nhụt chí, dám dấn thân vào việc triển khai các ý tưởng đổi mới, sáng tạo. Nội dung bảo vệ cán bộ phải được thiết kế theo phương châm: Cách bảo vệ cán bộ, đảng viên tốt nhất, hiệu quả nhất là chủ động ngăn ngừa rủi ro, sai sót ngay từ khi cán bộ mới xây dựng kế hoạch dám làm, dám đột phá. Yêu cầu đặt ra là phải vừa xây dựng được quy trình bảo vệ cán bộ hiệu quả, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, vừa không làm mất quyền dám nghĩ, dám làm, dám đột phá của cán bộ, đảng viên.
Bốn là, bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá là việc rất khó khăn, đòi hỏi sự tham gia quyết liệt và trách nhiệm cao của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu có ý nghĩa quyết định tới phong trào đổi mới, sáng tạo. Nếu cấp ủy, người đứng đầu có quan điểm tiến thủ, ủng hộ cái mới, cái đúng, khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung thì sẽ thúc đẩy phong trào đổi mới, sáng tạo của địa phương, cơ quan, đơn vị phát triển. Ngược lại, nếu cấp ủy, người đứng đầu có tâm lý sợ trách nhiệm, sợ mắc sai lầm, khuyết điểm sẽ dẫn tới thoái thác trách nhiệm hoặc không tạo điều kiện cho cán bộ cấp dưới phát huy những sáng kiến, đột phá của mình, kìm hãm đổi mới, sáng tạo. Vì thế, xây dựng cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ phải gắn liền với xây dựng trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu.
Năm là, bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá phải dựa trên các tiêu chí, điều kiện, quy trình cụ thể, rõ ràng để phân biệt giữa hành vi đột phá, quyết đoán vì lợi ích chung nhưng mắc sai lầm, khuyết điểm với những sai lầm, khuyết điểm tương tự nhưng vì lợi ích cá nhân. Bên cạnh đó, cũng cần tạo thời gian và không gian, nguồn cảm hứng sáng tạo, đặc biệt là chế độ, chính sách thỏa đáng để cán bộ, đảng viên thật sự có tâm huyết, hứng thú với công việc mà mình đang theo đuổi, giải phóng tinh thần, đổi mới tư duy, phát huy tính sáng tạo và xóa bỏ những lối suy nghĩ giáo điều, giản đơn, xơ cứng, rập khuôn, máy móc, chỉ đi theo lối mòn.
Ngày xuất bản: 29/10/2021
Tổ chức thực hiện: NGỌC THANH - VIỆT ANH
Nội dung: VĂN TOÁN - QUANG THỌ - QUANG DŨNG - TẤN NGUYÊN - HỒNG VÂN - TRỊNH DŨNG - BÔNG MAI
Trình bày: PHAN ANH - ĐỨC DUY
Ảnh: HÀ LINH - DUY LINH- QUANG DŨNG - QUANG THỌ