Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang đã tích cực đóng góp sức người, sức của chi viện cho tiền tuyến; đồng thời ra sức tiến công địch, tiến lên giải phóng quê hương, góp phần cùng quân dân cả nước làm nên chiến dịch Điện Biên Phủ.

Với khẩu hiệu "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng", toàn tỉnh Bắc Giang đã huy động hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, hơn 3.000 thanh niên xung phong, hơn ba triệu ngày công làm đường giao thông phục vụ tiền tuyến; đã san lấp 8.000m3 đất đá, hoàn thành 25km đường vòng xuyên rừng để đánh trọng điểm Đèo Cà khai thông tuyến đường Phỏng-Mở Trạng dài 19km trong bảy ngày bằng dụng cụ cầm tay; tháo gỡ bom nổ chậm; sửa chữa đường, cầu, phà; hướng dẫn, bảo vệ cho 356 lần xe ô-tô vận chuyển hàng và kéo pháo an toàn lên chiến dịch. Ngoài ra, tỉnh còn huy động hàng vạn lượt người, hàng ngàn phương tiện như xe đạp, xe trâu bò, ngựa thồ ngày đêm vận chuyển hàng vạn tấn vũ khí, lương thực, thực phẩm cho chiến dịch. 

Mùa Xuân năm 1954, khi Chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu, quân dân Bắc Giang ra sức thi đua lập công, đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến.

Mùa Xuân năm 1954, khi Chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu, quân dân Bắc Giang ra sức thi đua lập công, đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến. Ở các vùng tạm chiếm, nhân dân tích cực đấu tranh chống địch bắt phu, bắt lính, vận động ngụy quân, ngụy quyền trở về với chính nghĩa. Lực lượng du kích đánh địch, phá đường giao thông tiếp viện của chúng, đồng thời bảo vệ các tuyến đường vận chuyển của ta. Lực lượng vũ trang trong tỉnh chủ động tiến công địch với các hình thức đánh phục kích, tập kích, bao vây bắn tỉa được vận dụng linh hoạt và đạt hiệu quả cao.

Thực hiện chiến dịch Điện Biên Phủ, Tỉnh ủy Bắc Giang yêu cầu các lực lượng vũ trang cần tranh thủ tiến công tiêu diệt sinh lực địch, bao vây các vị trí và kiềm chế pháo binh địch từ Phủ Lạng Thương bắn lên Đèo Cà (Yên Thế). Những ngày tiếp theo, một bộ phận của Tiểu đoàn 61 và bộ đội Lục Ngạn phối hợp tập kích diệt gọn địch ở Từ Xuyên. Lực lượng vũ trang bố trí nhiều trận phục kích trên đoạn đường 1A, 13B chặn đường tiếp viện của chúng đến các vị trí đang bị ta vây hãm.  

Xe đạp thồ phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ được trưng bày tại Bảo tàng Bắc Giang. (Ảnh: bacgiang.gov.vn)

Xe đạp thồ phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ được trưng bày tại Bảo tàng Bắc Giang. (Ảnh: bacgiang.gov.vn)

Để bảo vệ các tuyến đường giao thông vận tải từ hậu phương ra tiền tuyến được thông suốt, an toàn, Ban cầu, đường, phà từ tỉnh đến các địa phương được thành lập và tích cực hoạt động. Tuyến đường qua Đèo Cà-Pha Đin-Điện Biên Phủ là một trong các tuyến đường vận chuyển quan trọng cho Chiến dịch Điện Biên Phủ luôn bị máy bay địch ném bom, bắn phá ác liệt trong suốt thời gian diễn ra chiến dịch. Tại đây, quân và dân Bắc Giang đã kiên cường bám trụ, dũng cảm tháo gỡ bom nổ chậm, nhanh chóng sửa lại đường, cầu, phà bảo đảm giao thông thông suốt.

Dân công và thanh niên xung phong của tỉnh Bắc Giang còn được Liên khu Việt Bắc giao nhiệm vụ làm ba đoạn đường vòng dài 25km, tránh trọng điểm Đèo Cà. Mặc dù bị địch bắn phá nhưng với quyết tâm ngày đêm lao động khẩn trương, chỉ sau một tháng, ba đoạn đường trên đã hoàn thành. Cùng với đánh địch ở địa phương, bảo đảm tuyến giao thông huyết mạch qua Đèo Cà, người dân Bắc Giang cùng Bắc Ninh còn vận chuyển lên Điện Biên Phủ 117 tấn gạo, 70 nghìn chiếc bánh dày khô, 4,6 tấn thịt, 55 tấn đỗ, lạc, rau, củ và 16 tấn đường để chi viện cho bộ đội. 

Những người lính ở xã Thường Thắng, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang nơi chiến trường Điện Biên năm xưa trong một lần gặp mặt.

Những người lính ở xã Thường Thắng, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang nơi chiến trường Điện Biên năm xưa trong một lần gặp mặt.

Những Cựu thanh niên xung phong C231 thắp hương tưởng nhớ đồng đội đã hy sinh tại Đèo Cà. (Ảnh: bacgiang.gov.vn)

Các chiến sĩ từng tham gia trận đánh sân bay Gia Lâm. Ảnh tư liệu

Tại chiến trường Điện Biên Phủ, các đơn vị bộ đội chủ lực có nhiều cán bộ, chiến sĩ là con em quê hương Bắc Giang trực tiếp tham gia chiến đấu với tinh thần mưu trí, dũng cảm và lập được nhiều thành tích xuất sắc. Trong đó có bốn đồng chí được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Tiêu biểu như: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Ty (sinh năm 1931), quê ở xã Ninh Sơn (huyện Việt Yên). Ông là một trong những tấm gương điển hình về lòng yêu nước, ý chí chiến đấu kiên cường, dũng cảm.

Trong trận đánh Đồi Độc Lập rạng sáng 15/3/1954, ông Ty phụ trách tiểu đội bộc phá. Trời tối đen như mực, lại mưa tầm tã, địch tập trung hỏa lực bắn dữ dội. Tiểu đội của bạn bị chệch hướng, ông kịp thời điều chỉnh hướng đồng thời chỉ huy tiểu đội mình đánh liên tục nhiều quả bộc phá, phá các lớp rào. Đến hàng rào cuối cùng thì bất ngờ một quả lựu đạn nổ ngay trước mặt.

Ông quên đau đớn, cố lau máu đang chảy tràn trên mặt, dùng tay căng mắt phải để quan sát chỉ huy người thứ chín lên đánh quả bộc phá cuối cùng, phá tan lớp hàng rào còn lại. Không may bộc phá bị rơi ngòi nổ, ông mạo hiểm dùng lựu đạn buộc vào thay thế. Hết lựu đạn và bộc phá, ông xung phong băng qua lửa đạn chạy về tiểu đoàn lấy thêm rồi chỉ huy tiểu đội đánh đến quả bộc phá cuối cùng, mở cửa cho đơn vị xông lên.

Sự dũng cảm của Anh hùng Nguyễn Văn Ty còn được biết đến khi ông bị thương ở chân phải, máu chảy nhiều, ông liền lấy chân trái đè lên vết thương cho bớt chảy máu để tiếp tục chiến đấu, tạo điều kiện cho các chiến sĩ xông thẳng vào đồn đánh chiếm điểm cao, tiêu diệt xong địch ông mới băng vết thương.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Chu Văn Mùi ở xã Thượng Lan, huyện Việt Yên là tổ trưởng tổ điện thanh nhận được lệnh về A1 nối lại đường dây với Sở chỉ huy Trung đoàn 102 nhằm chặn đường tiếp viện của địch từ Mường Thanh ra. Khi đó tổ công tác của ông Mùi đã phải vượt qua bao nguy hiểm, khôn khéo lừa địch, bình tĩnh quan sát để bảo đảm liên lạc thông suốt trong chiến đấu.

Khi đang chiến đấu, bộ pin trong máy yếu dần, sóng phát không chuẩn, đường dây thông tin liên lạc gặp nhiều khó khăn. Ông Mùi đã tìm cách tiếp cận một chiếc dù mà địch tiếp tế đêm hôm trước, bò lên kéo được sợi dây dù vào hầm. Khi pin được thay thế, sóng điện phát lên khỏe hẳn, chiếc máy đang giọng ẹt ẹt bất ngờ kêu oang oang, các máy của Đại đoàn đều liên lạc được tín hiệu từ đồi A1. Thế nhưng chính tiếng máy phát mạnh ấy đã khiến các đồng chí trong Đại đoàn nghi ngờ rằng “chỉ có máy địch mới có thể phát mạnh được như vậy” nên ra lệnh cho các máy khác không được liên lạc với máy của ông Chu Văn Mùi do nghi ngờ ông bị địch tóm được rồi dùng để đối phó với quân ta.

Sau bao lần nghe ông khẩn khoản, phải kiểm tra và thử lại bằng rất nhiều mật mã, ám hiệu, ký hiệu mọi người mới tin ông vẫn đang chiến đấu ngoan cường. Nhận được lệnh tiếp tục chiến đấu, ông Mùi thở phào nhẹ nhõm, tiếp tục thông tin liên lạc để giữ vững trận địa, bảo vệ thương binh, đánh lùi một đợt phản kích của địch.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Đình Hùng ở xã Cảnh Thụy, huyện Yên Dũng khi đó là chiến sĩ Đại đoàn 308. Ông tham gia hầu hết các chiến dịch lớn của Đại đoàn và lập nhiều thành tích xuất sắc.

Nhắc đến chiến công của ông là nhắc đến khẩu súng ĐKZ đã luôn kề vai sát cánh với ông. Khẩu súng này do Mỹ sản xuất, viện trợ cho quân Pháp từ năm 1950, là chiến lợi phẩm do ta thu được ở chiến dịch Tây Bắc năm 1952. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, khẩu đội ĐKZ của ông và 20 chiến sĩ bộ binh làm nhiệm vụ phòng ngự ở cứ điểm 106. Thấy lực lượng ta ít, một số đồng chí lo ngại, ông Trần Đình Hùng đi nhặt được 40 quả lựu đạn địch, phân phát và động viên anh em tiếp tục chiến đấu.

Một tiểu đoàn địch có máy bay, đại bác yểm trợ tấn công, kính ngắm ĐKZ bị đạn pháo bắn hỏng, ông ngắm qua nòng súng hô cho xạ thủ bắn trúng giữa đội hình địch ngay phát thứ nhất. Lần nào địch xông lên cũng bị Khẩu đội bắn trúng. Cũng trong chiến dịch này, chân súng ĐKZ bị hỏng, không ngần ngại ông đã lấy vải bạt lót nòng súng vác lên vai, bò lên bờ hào để đồng đội tiếp tục bắn diệt nhiều hỏa điểm và bộ binh địch. Khi bị thương vào đầu, vào tay, ông vẫn cố gắng chịu đựng để đồng đội bắn diệt được hỏa điểm địch mới chịu băng bó. Hành động dũng cảm của ông được đơn vị nêu gương học tập.

Cùng ở xã Cảnh Thụy, huyện Yên Dũng có Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lưu Viết Thoảng dẫn đầu một tổ đào đường hầm đưa gần một tấn thuốc nổ đánh sập lô cốt cố thủ của địch trên đồi A1, tạo điều kiện cho đơn vị diệt gọn cứ điểm này. Ông đã cùng đồng đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, giật nổ khối bộc phá nặng gần 1.000 kg trên đồi A1 đúng giờ quy định, mở đầu cuộc tiến công cuối cùng của quân ta vào khu trung tâm, kết thúc thắng lợi hoàn toàn trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Thời gian mở đường chuẩn bị cho chiến dịch, ông làm tổ trưởng công binh, học tập cách phá bom. Có lần gặp loại bom mới, để tránh thương vong, ông Thoảng một mình tìm cách tháo gỡ bom để rút kinh nghiệm cho toàn đội. Không chỉ phá được 18 quả bom mà còn lấy được 3,525 tấn thuốc nổ cung cấp cho đơn vị phá đá mở đường.

Thời kỳ địch ném bom ác liệt đoạn đường đi Sơn La, ông được giao phụ trách một tổ bám trụ trên đường quan sát và đánh dấu vị trí bom rơi. Nhiều lần máy bay địch thả bom xong rồi quay đi, ông vừa ra vị trí bom rơi thì chúng vòng lại ném tiếp, ông vẫn bình tĩnh nằm trên đường để quan sát. Có lần địch ném bốn quả bom nổ chậm, ông đã dũng cảm dẫn đầu tổ, đào hố chui xuống đặt thuốc nổ phá bom, thông đường kịp thời.

Lá cờ “Quyết chiến Quyết thắng” và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh tại lễ diễu hành mừng chiến thắng tại Điện Biên Phủ giữa tiếng reo hò vang dậy của bộ đội, dân công và nhân dân các dân tộc Điện Biên. (Ảnh: TTXVN)

Lá cờ “Quyết chiến Quyết thắng” và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh tại lễ diễu hành mừng chiến thắng tại Điện Biên Phủ giữa tiếng reo hò vang dậy của bộ đội, dân công và nhân dân các dân tộc Điện Biên. (Ảnh: TTXVN)

56 ngày, đêm với tinh thần quyết tâm chiến đấu, lòng dũng cảm hy sinh quên mình, trí thông minh, sáng tạo vượt qua mọi khó khăn, gian khổ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đã làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đập tan tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của thực dân Pháp tại Đông Dương. Chiến thắng Điện Biên Phủ mãi mãi là niềm tự hào của nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Nội dung: TUỆ LÂM
Ảnh: TTXVN; bacgiang.gov.vn; baobacgiang.com.vn
Trình bày: Ngô Hương