![](./assets/bKvgJAA2m1/desktop-2560x1440.jpg)
Năm Ất Tỵ 2025 là năm con rắn. Trong văn hóa Trung Quốc, rắn được ví là “tiểu long” (rồng nhỏ) bởi nó là nguyên mẫu hóa thân thành rồng. Rắn không có chân sống ở cả trên cạn và dưới nước, các tập tính ngủ đông, lột xác khiến cho người xưa kính sợ và thần thánh hóa loài rắn.
Đối với nhiều người, con rắn thường bị liên hệ với sự gian tà, hiểm độc, thậm chí có nhiều câu thành ngữ, cụm từ cố định mang nghĩa xấu liên quan đến hình tượng rắn như khẩu phật tâm xà, đánh rắn động cỏ... Tuy nhiên, người xưa lại cho rằng rắn là biểu tượng cho sự may mắn, sung túc, bởi chúng là thiên địch của các loài gặm nhấm, giúp bảo vệ mùa màng, bội thu. Ngoài ra, hình tượng rắn còn mang hàm ý sự sống sinh sôi, phát triển bởi đặc tính lột xác trưởng thành của loài rắn.
Ngày 1/1/2025, miếu Thành hoàng ở Thượng Hải tổ chức Lễ hội đèn lồng Dự viên năm Ất Tỵ, thu hút nhiều du khách đến tham quan, đón xuân. (Ảnh: Nhân dân nhật báo)
Ngày 1/1/2025, miếu Thành hoàng ở Thượng Hải tổ chức Lễ hội đèn lồng Dự viên năm Ất Tỵ, thu hút nhiều du khách đến tham quan, đón xuân. (Ảnh: Nhân dân nhật báo)
Hình tượng rắn trong văn hóa Trung Quốc rất phong phú, đa dạng. Nhiều vị thần trong truyện thần thoại đều có hình ảnh liên quan đến rắn, như Bàn Cổ - người có công khai thiên lập địa được miêu tả là đầu rồng mình rắn; hai anh em Nữ Oa - người tạo ra con người từ bùn đất sông Hoàng Hà và Phục Hi - người tạo lập nền văn minh Trung Hoa khi dạy con người cấy cày, trồng trọt được miêu tả là đầu người mình rắn.
Trong Đạo giáo, hình tượng con rắn trên tay Quảng Mục Thiên Vương-một trong Tứ Đại Thiên Vương canh giữ thượng giới nơi Ngọc Hoàng Thượng Đế ngự trị trong thần thoại Trung Hoa biểu tượng cho sự suôn sẻ, thuận lợi, khi kết hợp với 3 pháp khí là bảo kiếm, đàn tỳ bà và lọng báu của 3 vị Thiên Vương còn lại sẽ mang hàm ý mưa thuận gió hòa. Trong Phật giáo, hình ảnh con rắn trong tay của Tây Phương Quảng Mục Thiên Vương đại diện cho sức mạnh hàng phục gian ác và chế ngự khổ đau.
Một cửa hàng bán tranh tết, đèn lồng, lịch treo tường hình tượng con rắn ở Ô Nghĩa, tỉnh Chiết Giang. (Ảnh: Nhân Dân nhật báo)
Một cửa hàng bán tranh tết, đèn lồng, lịch treo tường hình tượng con rắn ở Ô Nghĩa, tỉnh Chiết Giang. (Ảnh: Nhân Dân nhật báo)
Trong tác phẩm văn học “Bạch xà truyện”, nàng Bạch Tố Trinh-một con bạch xà tu luyện ngàn năm thành người bên Tây Hồ, thành Hàng Châu xưa đã đấu tranh và hy sinh cho tình yêu, để lại một giai thoại cảm động cho nhân gian.
Từ hình tượng con rắn trong văn hóa truyền thống, người Trung Quốc cũng có những phong tục riêng khi đón Tết con rắn năm Tỵ. Dán câu đối gắn liền với hình ảnh con rắn là một trong những phong tục quan trọng trong dịp tết, từng chữ trong câu đối thẳng hàng, trọn vẹn về ý nghĩa thường gửi gắm những ước vọng tốt đẹp. Ngoài ra, treo tranh tết con rắn cũng là một phong tục đặc biệt trong năm con rắn, mọi người thường treo tranh con rắn có màu sắc sặc sỡ, tươi sáng với ngụ ý cát tường, may mắn, tượng trưng cho sự tốt đẹp và hài hòa trong cuộc sống.
Ở một số vùng còn còn tổ chức múa rồng (bởi rắn còn được gọi là “tiểu long”). Con rồng này được tết bằng rơm, xung quanh cắm que hương đang cháy. Người dân giơ cao con rồng chạy uốn lượn trên phố tỏa hương khói tựa mây mù với hàm ý sẽ đem lại vận may. Trong khi đó, một số vùng ở miền nam thì có phong tục múa đèn lồng rắn. Người dân múa những chiếc đèn lồng hình con rắn được làm bằng các nan tre dán giấy màu sặc sỡ để xua đuổi tai ách, thắp lên hi vọng tươi sáng.
Đèn lồng hình con rắn ở miếu Phu Tử, thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô. (Ảnh: Nhân Dân nhật báo)
Đèn lồng hình con rắn ở miếu Phu Tử, thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô. (Ảnh: Nhân Dân nhật báo)
Ẩm thực trong năm rắn cũng có nét độc đáo riêng. Các khu vực miền nam sẽ có món truyền thống “chè ngũ xà”. Tuy gọi là chè ngũ xà, nhưng thực chất không phải là thịt rắn, mà dùng các nguyên liệu khác chế biến thành, tượng trương cho thịnh vượng và cát tường. Ngoài ra, trong bữa cơm tất niên cũng có một số món ăn đặc biệt như món mỳ với sợi mỳ dài giống như rắn thần với hàm ý trường thọ, an khang, hay như các loại bánh ngọt hình con rắn...
Ngoài ra, tết năm nào cũng vẫn có các phong tục truyền thống như đón giao thừa, mừng tuổi, chúc tết, đi lễ chùa. Những phong tục này không chỉ tăng thêm không khí vui tươi ngày tết, mà còn thể hiện ước vọng tốt đẹp của mọi người trong năm mới.
Múa rồng rơm ở huyện La Thành, Quảng Tây cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. (Ảnh: Nhân Dân nhật báo)
Múa rồng rơm ở huyện La Thành, Quảng Tây cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. (Ảnh: Nhân Dân nhật báo)
Ngày 4/12/2024, tại Kỳ họp thứ 19 của Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO diễn ra tại thủ đô Asunción của Paraguay, Tết Nguyên đán-tập tục xã hội đón mừng năm mới truyền thống của người Trung Quốc chính thức được đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại. Vì vậy, xuân Ất Tỵ năm nay ở Trung Quốc có ý nghĩa rất đặc biệt.
Những ngày cuối năm âm lịch, không khí Tết càng nồng đượm, nhiều nơi tổ chức các hoạt động đón xuân sớm gắn với trải nghiệm các di sản văn hóa phi vật thể. Một trong những hoạt động truyền thống thường được tổ chức ngay những ngày đầu năm dương lịch là biểu diễn “đả thiết hoa” (pháo hoa sắt) do các nghệ nhân sử dụng thanh gỗ và nước thép lỏng sôi ở nhiệt độ 1.600℃ đập vào trong không trung để tóe ra bông hoa lửa khổng lồ, vừa đánh dấu sự khởi đầu hoạt động sản xuất của một năm, vừa cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa. Nghệ thuật “đả thiết hoa” có lịch sử hơn 1.000 năm được hình thành trong quá trình đúc gang của các thợ luyện thép thời xưa, và được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của Trung Quốc từ năm 2008.
Biểu diễn "đả thiết hoa" ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. (Ảnh: Nhân Dân nhật báo)
Biểu diễn "đả thiết hoa" ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. (Ảnh: Nhân Dân nhật báo)
Trong khi đó, nhiều trường mẫu giáo ở các thành phố Thanh Đảo, Tảo Trang, tỉnh Sơn Đông cũng tổ chức các hoạt động dân gian như dán câu đối, treo đèn lồng, vẽ tranh tết..., trải nghiệm các trò chơi như múa lân, biểu diễn rối bóng, cắt hoa giấy, nặn tò he..., thưởng thức các món ăn truyền thống như sủi cảo, kẹo hồ lô, kẹo mạch nha... để các cháu mẫu giáo có dịp trải nghiệm những phong tục tập quán ngày tết, cũng như tăng thêm sự hiểu biết về văn hóa truyền thống. Ngoài ra, nhiều khu dân cư cũng tổ chức các hoạt động đón xuân mới, như liên hoan tập thể cỗ trăm mâm, các tình nguyện viên biểu diễn kịch truyền thống cho người dân trong khu dân cư.
Không khí xuân mới càng đến gần, thị trường hàng hóa Tết càng sôi động. Đặc biệt năm nay là tết di sản văn hóa phi vật thể nhân loại đầu tiên của Trung Quốc, do đó các yếu tố văn hóa phi vật thể đã trở thành động lực mới cho thị trường hàng hóa tết truyền thống. Các mặt hàng với biểu tượng con rắn tràn ngập thị trường. Nhiều thương hiệu nổi tiếng về thời trang, đồ trang sức, sản phẩm văn hóa sáng tạo độc đáo cũng nhạy bén khai thác hình tượng năm Tỵ khi tung ra các sản phẩm giới hạn về số lượng để tăng thêm giá trị thương mại. Sức hút từ “kinh tế con giáp” cũng tăng lên khi nhu cầu mua sắm lớn, mặt hàng phong phú. Doanh thu từ “kinh tế con giáp” không chỉ tạo thêm động lực cho thị trường tiêu dùng nói chung, mà còn thể hiện nhận thức của người tiêu dùng về văn hóa truyền thống.
Thiếu nhi ở thành phố Hoàng Sơn, tỉnh An Huy trải nghiệm múa sư tử. (Ảnh: Tân Hoa Xã)
Thiếu nhi ở thành phố Hoàng Sơn, tỉnh An Huy trải nghiệm múa sư tử. (Ảnh: Tân Hoa Xã)
Các sản phẩm xoay quanh hình tượng con rắn không chỉ là đồ trang trí ngày Tết, mà còn là sản phẩm kết hợp văn hóa truyền thống với thiết kế sáng tạo. Văn hóa con giáp là một phần quan trọng trong văn hóa truyền thống của Trung Quốc, có nội hàm phong phú và ý nghĩa biểu trưng độc đáo. Việc vận dụng hình tượng con giáp năm Tỵ để thiết kế các sản phẩm văn hóa sáng tạo không chỉ thu hút sự quan tâm của khách hàng, mà còn là sự ghi nhận của cộng đồng đối với giá trị văn hóa mới.
Đến hẹn lại lên, một số sản phẩm “văn hóa con giáp” luôn được người dân, đặc biệt là những nhà sưu tầm háo hức chờ đợi và săn đón như: bộ tem con giáp, tiền kỷ niệm con giáp, lịch sổ Cố Cung... Bộ tem năm Ất Tỵ do Tập đoàn Bưu chính Trung Quốc phát hành, gồm 2 chiếc, được thiết kế hình tượng rắn vàng uyển chuyển, sống động với họa tiết hoa văn tranh khắc đá Đôn Hoàng, biểu đạt ý nghĩa cát tường, may mắn. Bộ tiền xu kỷ niệm năm Ất Tỵ do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc phát hành với 3 chất liệu vàng, bạc và bạch kim, trong đó có loại phát hành với số lượng cực kỳ hạn chế như 18 đồng tiền xu vàng trọng lượng 10kg có mệnh giá 100.000 nhân dân tệ; 50 đồng tiền xu vàng trọng lượng 2kg có mệnh giá 20.000 nhân dân tệ... Ngoài ra, quyển lịch sổ Cố Cung năm 2025-một phiên bản đặc biệt kỷ niệm 100 thành lập Bảo tàng Cố cung cũng là một mặt hàng bán chạy cho những ai vừa đam mê sưu tầm, vừa thích tìm hiểu văn hóa, lịch sử. Mỗi ngày trong 365 ngày đều là một tờ lịch kèm theo ảnh và nội dung giới thiệu các bảo vật, tranh họa, thơ phú, bài ký... có giá trị nghiên cứu.
Bộ tem năm Ất Tỵ 2025. (Ảnh: Tập đoàn Bưu chính Trung Quốc)
Bộ tem năm Ất Tỵ 2025. (Ảnh: Tập đoàn Bưu chính Trung Quốc)
Tết là sum vầy và là để trở về. Bởi vậy, bữa cơm tất niên đoàn viên gia đình trước thời khắc giao thừa là nét văn hóa truyền thống đặc sắc, đồng thời cũng là cảm xúc đầm ấm, thiêng liêng đối với mỗi người và mỗi gia đình. Ở nhiều thành phố lớn, do nhịp sống hối hả, bận rộn, nhiều gia đình lựa chọn ăn cơm tất niên tại quán ăn, nhà hàng, để nhằm vừa tiết kiệm thời gian, vừa tận hưởng không khí Tết sôi động trong một không gian cộng đồng, do vậy nhu cầu đặt bàn đêm giao thừa của người dân đã tăng mạnh ngay từ thời điểm trước Tết tới nửa tháng. Nhiều nhà hàng cũng đã kịp thời tung nhiều gói dịch vụ đáp ứng nhu cầu khác nhau của khách hàng, từ đặt bàn tại nhà hàng đến ship toàn bộ đồ ăn đến tận nhà. Theo đại diện của chuỗi khách sạn gồm 6 chi nhánh tại thành phố Quý Dương, tỉnh Quý Châu, tính đến ngày 13/1, các bàn ăn ở phòng riêng và sảnh lớn phục vụ đêm giao thừa 2025 đều đã được đặt trước, số đơn đặt chỗ tăng hơn 20% so với năm trước; từ ngày mùng 1 đến mùng 6 Tết, số lượng đặt phòng riêng cũng đã kín 80%.
Người dân chụp ảnh check-in ở công viên Thanh Tú Sơn, thành phố Nam Ninh, Quảng Tây. (Ảnh: Hữu Hưng - Hồ Quân)
Người dân chụp ảnh check-in ở công viên Thanh Tú Sơn, thành phố Nam Ninh, Quảng Tây. (Ảnh: Hữu Hưng - Hồ Quân)
Tuy nhiên, cũng có những gia đình vẫn muốn tự mình nấu nướng để tận hưởng và chia sẻ không khí đầm ấm tại nhà, thì có thể lựa chọn dịch vụ sơ chế các món ăn cho bữa cơm tất niên và giao hàng tại nhà của các hệ thống siêu thị. Theo người phụ trách của một chuỗi siêu thị ở thành phố Quý Dương cho biết, ngay từ ngày 13/12/2024, siêu thị đã tung combo 3 món cho bữa cơm tất niên, ngoài ra thực đơn các món cố định khác cũng rất phong phú để khách hàng lựa chọn tùy theo nhu cầu. Nhiều món hải sản như cua hoàng đế, hải sâm, bào ngư chỉ mất 40 phút từ lúc sơ chế đến khi giao hàng tại nhà. Dự kiến lượng đơn đặt hàng sơ chế món ăn bữa cơm tất niên cho 6-8 người năm nay tăng 20% so với năm trước.
Tết Nguyên đán năm nay, người dân Trung Quốc được nghỉ 8 ngày từ 28/1 (29 tháng Chạp) đến 4/2/2024 (mùng 7 tháng Giêng). Và nói đến tết Nguyên Đán ở Trung Quốc thì không thể không nói đến “xuân vận”. Có thể xem đây là cuộc di cư lớn nhất hành tinh của người dân Trung Quốc khi về quê đón tết và trở lại nơi làm việc.
Hành khách chụp ảnh trên chuyến tàu cao tốc từ Sơn Đông đến Bắc Kinh. (Ảnh: Tân Hoa Xã)
Hành khách chụp ảnh trên chuyến tàu cao tốc từ Sơn Đông đến Bắc Kinh. (Ảnh: Tân Hoa Xã)
Theo thông tin tại buổi họp báo của Văn phòng Quốc vụ viện về tình hình công tác xuân vận 2025, sẽ có khoảng 9 tỷ lượt người di chuyển trong kỳ xuân vận năm nay kéo dài trong 40 ngày từ ngày 14/1 - 22/2/2025. Dự báo lượng khách di chuyển bằng đường sắt và đường hàng không sẽ lập mức kỷ lục mới khi lần lượt đạt 510 triệu và 90 triệu lượt người. Trong khi đó, tự lái xe ô tô vẫn chiếm vị trí chủ đạo, đạt 7,2 tỷ lượt người, chiếm khoảng 80% tổng lượt người di chuyển trong kỳ xuân vận Ất Tỵ 2025.
Hòa chung với không khí đón Tết di sản văn hóa phi vật thể nhân loại đầu tiên của Trung Quốc, Chi cục đường sắt của nhiều thành phố đã sáng tạo mô hình mới “tàu hỏa+di sản văn hóa phi vật thể”. Theo đó nhiều nhà ga và chuyến tàu cao tốc đã trang trí đèn lồng, dán câu chúc tết, hoa cắt giấy để tạo không khí tết đến xuân về, hoặc mời các nghệ nhân đến sân ga hoặc cùng đi tàu để giới thiệu các sản phẩm văn hóa phi vật thể như: cắt giấy, nặn tò he…, giúp hành khách có thêm trải nghiệm không gian văn hóa truyền thống, không khí đầm ấm trên những chuyến tàu về quê sum họp đón xuân với gia đình và người thân.
Ngày xuất bản: 30/01/2025
Tổ chức thực hiện: TRƯỜNG SƠN
Nội dung: HỮU HƯNG - HỒ QUÂN (Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Trung Quốc)
Trình bày: NHÃ NAM
![](./assets/U6NGFUjep3/anh-07-tet-con-ran-2025-1920x1080.png)