TẾT CON RỒNG Ở TRUNG QUỐC

Rồng trong văn hóa Trung Quốc

Người xưa không thể lý giải các hiện tượng thiên nhiên, do đó luôn mong muốn biểu tượng linh thiêng của dân tộc mình cũng có sức mạnh siêu nhiên. Vì vậy, rồng đứng đầu trong bách thú và hội tụ đặc điểm của nhiều loài động vật như mình rắn, đầu ngựa, sừng hươu, bờm sư tử, móng vuốt chim ưng, vẩy cá... Theo quan niệm của người Trung Quốc, rồng là linh vật có chí lớn, gan dạ, kiên cường, mạnh mẽ và tràn đầy sức sống. Trong “Thuyết văn giải tự” thời Đông Hán có viết: “Rồng mùa xuân có thể bay lên trời, mùa thu có thể ẩn mình dưới vực sâu”. Theo truyền thuyết, rồng thoắt ẩn thoắt hiện, lúc biến to lúc thu nhỏ, có thể hô phong hoán vũ, quyền năng vô tận.

Rồng là một tín ngưỡng thần thoại. Người xưa quan niệm rằng rồng là chủ nguồn nước, là vị thần làm mưa, nên khi đời sống kinh tế chuyển từ săn bắn, hái lượm sang trồng trọt, chăn nuôi, thì sự xuất hiện của rồng sẽ là điềm lành, mang lại bình an, may mắn, giúp mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Vì vậy những năm hạn hán, người dân sẽ đến miếu Long vương để cầu mưa giải hạn.

Điểm check-in với tạo hình rồng tại Trung tâm mua sắm Yitigang ở thủ đô Bắc Kinh. (Ảnh: Hồ Quân)

Điểm check-in với tạo hình rồng tại Trung tâm mua sắm Yitigang ở thủ đô Bắc Kinh. (Ảnh: Hồ Quân)

Rồng chính là biểu tượng tinh thần linh thiêng của của người dân Trung Quốc, là linh thú đứng đầu tứ linh (long, ly, quy, phượng) hay tứ tượng (thanh long, bạch hổ, chu tước, huyền vũ), đại diện cho sức mạnh, trí tuệ và quyền uy bậc nhất.

Thời phong kiến, rồng là biểu tượng của quyền lực vương triều. Đồ ngự dụng của hoàng đế thường có tên gọi gắn với con rồng như: áo của hoàng đế gọi là long bào; giường ngủ của hoàng đế gọi là long sàng...

Tuy nhiên, rồng vốn là tín ngưỡng dân gian, nên nó cũng đã vượt ra khỏi bốn bức tường thành của hoàng cung để hòa vào cuộc sống của người dân. Hàng nghìn năm qua, hình ảnh con rồng đã thấm vào mọi mặt của xã hội và đời sống người dân Trung Quốc, hình thành bề dày văn hóa dân tộc.

Hình tượng và văn hóa rồng xuất hiện nhiều trong phong tục dân gian, cuộc sống thường nhật như: miền nam Trung Quốc múa rồng trong dịp Tết Nguyên đán; đua thuyền rồng trong dịp tết Đoan ngọ; mỳ thì có “mỳ râu rồng”, kẹo thì có “kẹo râu rồng”; hoa quả thì có “long nhãn”; dược liệu thì có “long cốt”; thế đất đẹp gọi là “rồng chầu hổ phục”; chúc mừng may mắn thì gọi là “long phụng trình tường”... Tất cả đều do rồng là linh thú đem lại điềm lành, là biểu tượng của sự uy nghiêm, cao sang, hòa hợp và may mắn, vì vậy được người dân Trung Quốc sùng bái.

Nhiều người dân vừa mua sắm vừa chụp ảnh lưu niệm với tạo hình rồng Lego ở khu Sanlitun, thủ đô Bắc Kinh. (Ảnh: Hồ Quân)

Nhiều người dân vừa mua sắm vừa chụp ảnh lưu niệm với tạo hình rồng Lego ở khu Sanlitun, thủ đô Bắc Kinh. (Ảnh: Hồ Quân)

Nhắc đến truyền thuyết về văn hóa rồng, thì không thể không kể đến câu chuyện trị thủy sông Hoàng Hà. Khởi nguồn từ cao nguyên Hoàng Thổ, sông Hoàng Hà giống như con rồng chảy qua 9 tỉnh ở Trung Quốc trước khi đổ ra biển. Lịch sử trị thủy thời xưa của con sông này gắn với hai câu chuyện “Cổn trị Hoàng Hà” và “Đại Vũ trị thủy”.

Thời xưa, con người thường liên tưởng và gắn một sự việc đặc biệt, một con người đặc biệt với một hiện tượng thiên nhiên hoặc một linh thú nào. Điều này phản ánh một hình thức tư duy văn hóa của người xưa, một tín ngưỡng thiên-nhân cảm ứng. Người xưa cho rằng, sông Hoàng Hà chính là một con rồng vàng, và người có thể “giao tiếp” với con rồng này và có thể tạo ra kỳ tích về trị thủy con sông này cũng phải là một nhân vật phi thường.

Tương truyền, người trị thủy sông Hoàng Hà đầu tiên tên là Cổn. Ông Cổn trị thủy không thành công và bị vua Thuấn xử tội chết và ném xác xuống sông Hoàng Hà rồi hóa thành một con cá rồng. Về ý nghĩa mặt chữ, “Cổn” là tên gọi của một loại cá, đồng thời còn có nghĩa “tái sinh”. Tuy ông Cổn thất bại trong việc trị thủy Hoàng Hà và bị giết, nhưng vẫn được người dân coi là một anh hùng. Điều này phản ánh ước vọng của người dân về ông Cổn có thể sống lại với mong muốn việc trị thủy Hoàng Hà sẽ thành công. Và sau này, chính con ông Cổn là ông Vũ đã trị thủy thành công sông Hoàng Hà.

Một cửa hàng bán thú nhồi bông con rồng. (Ảnh: Hồ Quân)

Một cửa hàng bán thú nhồi bông con rồng. (Ảnh: Hồ Quân)

Rồng chính là biểu tượng tinh thần linh thiêng của của người dân Trung Quốc, là linh thú đứng đầu tứ linh (long, ly, quy, phượng) hay tứ tượng (thanh long, bạch hổ, chu tước, huyền vũ), đại diện cho sức mạnh, trí tuệ và quyền uy bậc nhất.

Người Trung Quốc đón tết con rồng

Theo quan niệm của người Trung Quốc, con rồng tượng trưng cho cát tường và may mắn.

Đối với những người sưu tập tem, đặc biệt là người sưu tập tem con giáp, việc xếp hàng để mua được những tem con giáp đầu tiên luôn là sự háo hức khôn tả khi tết đến xuân về. Ngay những ngày đầu năm 2024, ngành bưu chính Trung Quốc đã phát hành bộ tem đặc biệt “Năm Giáp Thìn” gồm hai con tem với thiết kế rồng vàng sống động trên nền họa tiết hoa văn cát tường truyền thống để gửi gắm thông điệp bình an, tốt lành trong năm mới.

Bộ tem đặc biệt “Năm Giáp Thìn” được phát hành ở Trung Quốc đại lục (ảnh trên), Đặc khu hành chính Hồng Kông (góc dưới bên trái) và Trưởng Đặc khu hành chính Ma Cao (góc dưới bên phải). (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Bộ tem đặc biệt “Năm Giáp Thìn” được phát hành ở Trung Quốc đại lục (ảnh trên), Đặc khu hành chính Hồng Kông (góc dưới bên trái) và Trưởng Đặc khu hành chính Ma Cao (góc dưới bên phải). (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Bộ tem con rồng năm nay được phát hành với số lượng 29,98 triệu bộ tem giấy, đặc biệt năm nay đầu tiên chính thức ra mắt tem kỹ thuật số với số lượng có hạn 10.000 bản, kèm chức năng cập nhật thông tin cá nhân, lời ước nguyện của người sở hữu.

Ở Hồng Kông (Trung Quốc) ngoài tem bản giấy, tem kỹ thuật số ra, còn có 4 phiên bản tem được làm bằng vàng 24K dựa trên thiết kế nguyên mẫu tem giấy với các tên gọi “Chúc mừng”, “Cầu phúc”, “Như ý” và “May mắn”. Ngay khi phát hành, đã có rất đông người dân đến xếp hàng chờ mua làm kỷ niệm, cầu chúc năm mới phúc lộc, may mắn.

Cận cảnh hai con tem ở Trung Quốc đại lục

(Ảnh: Tân Hoa xã)

(Ảnh: Tân Hoa xã)

Tem số, tem giấy và 4 phiên bản tem vàng 24K phát hành ở Hồng Kông. (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Không chỉ những người sưu tập tem, mà những người sưu tập tiền cũng như nhiều người dân Trung Quốc đều háo hức chờ đợi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc phát hành tiền xu và tiền giấy kỷ niệm năm Giáp Thìn 2024.

Theo đó, tiền xu sẽ có mệnh giá 10 nhân dân tệ với số lượng phát hành 120 triệu đồng; tiền giấy có mệnh giá 20 nhân dân tệ với số lượng phát hành 100 triệu tờ. Tiền xu và tiền giấy được thiết kế đặc biệt với hình tượng con rồng nổi bật trên nền hoa văn truyền thống của văn hóa Trung Quốc, kèm theo số năm phát hành 2024. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc phát hành tiền giấy chúc mừng năm rồng kể từ năm 1999.

Trước đó, Trung Quốc đã phát hành 6 lần tiền giấy kỷ niệm vào năm 1999 kỷ niệm 50 năm Quốc khánh; năm 2000 chào đón thiên niên kỷ mới; năm 2008 chào mừng Thế vận hội mùa hè; năm 2015 chúc mừng ngành hàng không-vũ trụ; năm 2018 kỷ niệm 70 năm Quốc khánh và năm 2021 chào mừng Thế vận hội mùa đông.

Item 1 of 2

Tiền xu vàng 1kg có mệnh giá 10.000 nhân dân tệ. (Ảnh: Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc)

Tiền xu vàng 1kg có mệnh giá 10.000 nhân dân tệ. (Ảnh: Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc)

Tiền xu bạch kim 15g có mệnh giá 500 nhân dân tệ, số lượng phát hành 10.000 đồng. (Ảnh: Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc)

Tiền xu bạch kim 15g có mệnh giá 500 nhân dân tệ, số lượng phát hành 10.000 đồng. (Ảnh: Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc)

Đặc biệt, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc còn phát hành bộ tiền xu kỷ niệm năm Giáp Thìn 2024 bằng chất liệu kim loại quý. Bộ tiền này gồm 12 đồng tiền xu, trong đó 7 đồng vàng, 4 đồng bạc và 1 đồng bạch kim. Tất cả loại tiền kỷ niệm này đều có giá trị lưu thông và thanh toán. Một mặt của tiền xu khắc nổi hình rồng trên nền hoa văn truyền thống như mây lành, sóng nước với hàm ý đem lại may mắn và tài lộc. Trong đó, quý hiếm và có giá trị sưu tầm nhất là loại tiền đồng bằng vàng nặng 1kg với mệnh giá 10.000 nhân dân tệ, bởi số lượng phát hành chỉ là có 118 đồng.

Với quan niệm tờ/đồng tiền mới sẽ đem lại vận may, tài lộc cho người sở hữu, nên ngay sau khi có thông báo về thời gian đăng ký đổi tiền kỷ niệm năm Giáp Thìn 2024 trên mạng, ngay trong ngày đầu tiên đã có hơn 100 triệu đồng tiền xu và tờ tiền giấy đã có chủ sở hữu.

Tiền giấy có mệnh giá 20 nhân dân tệ. (Ảnh: Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc)

Tiền giấy có mệnh giá 20 nhân dân tệ. (Ảnh: Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc)

Tiếp sau “linh vật con giáp” Hổ Đôn Đôn (năm 2022), Thỏ Đôn Đôn (năm 2023) vốn được sáng tạo dựa trên hình mẫu của linh vật Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh năm 2022 Băng Đôn Đôn, năm 2024 Trung Quốc tiếp tục giới thiệu bộ “linh vật con giáp” năm nay với tên gọi Rồng Đôn Đôn được thiết kế dưới hình thức thú nhồi bông, tượng gốm sứ, móc đeo chìa khóa, kỷ niệm chương, postcard,...

Bộ sản phẩm Rồng Đôn Đôn gồm 5 màu trắng, xanh, đen, đỏ, vàng tượng trưng cho ngũ hành kim, mộc, thủy, hỏa, thổ với hàm ý thịnh vượng, phát triển, may mắn, năng động và tỏa sáng. Ngay sau khi giới thiệu với công chúng, nhiều người dân đã tìm mua làm quà tặng cho người thân, bạn bè với gửi gắm ước vọng bình an, thuận lợi, thành công trong năm con rồng 2024.

Sản phẩm gốm sứ Rồng Đôn Đôn sống động và tinh xảo. (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Sản phẩm gốm sứ Rồng Đôn Đôn sống động và tinh xảo. (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Là một hoạt động thường niên được tổ chức lần đầu vào năm 1995, Lễ hội đèn lồng nghệ thuật dân gian Dự Viên 2024 chính thức sáng đèn từ ngày 21/1 và kéo dài 40 ngày tại thành phố Thượng Hải. Lễ hội đèn lồng năm nay có chủ đề thế giới sinh vật biển, các đèn lồng rực rỡ sắc màu được tạo hình con rồng và các loài động thực vật dưới biển, trong đó điểm nhấn hơn 400 đèn lồng hình con cá ghép thành một con rồng lớn với ngụ ý “cá hóa rồng” cầu mong năm mới phát triển thịnh vượng. Đây trở thành điểm check-in, tham quan, du lịch không chỉ của người dân, mà còn của khách du lịch đến với Thượng Hải trước trong và đặc biệt đúng dịp Tết Nguyên đán.

Người dân mua đồ trang trí Tết. (Ảnh: Hồ Quân)

Người dân mua đồ trang trí Tết. (Ảnh: Hồ Quân)

Từ ngày 26/1 đến ngày 5/3, Trung Quốc bước vào thời gian “xuân vận” kéo dài 40 ngày. Đây có thể coi là cuộc di cư lớn nhất hành tinh khi có khoảng 9 tỷ lượt người di chuyển bằng các phương thức vận tải đường bộ, đường hàng không, đường thủy trước trong và sau Tết Nguyên đán, mức kỷ lục từ trước đến nay.

Ông Li Yang, Thứ trưởng Giao thông vận tải, Phó Trưởng ban Giao thông tổng hợp phụ trách công tác xuân vận Trung Quốc cho biết tại buổi họp báo ở Bắc Kinh, kỳ xuân vận năm nay sẽ có sự thay đổi lớn về cách thức di chuyển khi hơn 80% tương đương với 7,2 tỷ lượt người sẽ tự lái xe ô-tô. Theo số liệu dự báo, hệ thống đường cao tốc, đường quốc lộ, tỉnh lộ mỗi ngày trung bình sẽ có 37,2 triệu lượt xe ô-tô tham gia giao thông, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước.

Người dân tranh thủ sắm Tết nhân dịp cuối tuần. (Ảnh: Hồ Quân)

Người dân tranh thủ sắm Tết nhân dịp cuối tuần. (Ảnh: Hồ Quân)

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay của Trung Quốc kéo dài 9 ngày và được dự báo là đợt cao điểm du lịch đầu tiên trong năm 2024. Theo số liệu của nhiều dịch vụ du lịch trực tuyến cho thấy, xu hướng du lịch trong nước sẽ là người dân miền bắc đến các tỉnh thành phía nam để hưởng nắng ấm đầu xuân năm mới, trong khi đó người dân miền nam lại lên khu vực phía bắc để ngắm cảnh băng tuyết. Trong khi đó, các nước khu vực Đông Nam Á sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn đối với người dân Trung Quốc khi đi du lịch nước ngoài.

Theo dự báo của Viện nghiên cứu du lịch Trung Quốc, số lượng người dân đi du lịch trong nước và doanh thu từ du lịch nội địa năm 2024 của nước này sẽ vượt 6 tỷ lượt người và 6.000 tỷ nhân dân tệ; trong khi đó số lượng người đi du lịch nước ngoài và doanh thu từ du lịch nước ngoài sẽ vượt 264 triệu lượt người và 107 tỷ đô-la Mỹ.

Đón chào năm mới Giáp Thìn 2024, người dân Trung Quốc vẫn giữ những phong tục cổ truyền như dán câu đối, treo chữ Phúc ngược, tranh cắt giấy hình rồng; tham gia các hoạt động văn hóa truyền thống ngày Tết, để cầu chúc một năm mới an khang, may mắn. Trên khắp các nẻo đường tràn ngập không khí vui tươi, háo hức đón mừng xuân mới với ước vọng cuộc sống đầm ấm, yên vui đến với mọi người mọi nhà.

Ngày xuất bản: 9/2/2024
Chỉ đạo thực hiện: TRƯỜNG SƠN
Nội dung: HỒ QUÂN (Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Trung Quốc)
Trình bày: HOÀNG HÀ