Tết

Dấn thân

Đoàn viên thanh niên vận chuyển nông sản do Tỉnh đoàn Lào Cai gửi tặng Thành đoàn Hà Nội để hỗ trợ một số quận, huyện đang có điểm nóng về Covid-19. Ảnh: Vũ Minh Đức

Đoàn viên thanh niên vận chuyển nông sản do Tỉnh đoàn Lào Cai gửi tặng Thành đoàn Hà Nội để hỗ trợ một số quận, huyện đang có điểm nóng về Covid-19. Ảnh: Vũ Minh Đức

“Dấn thân” vốn là khái niệm bao hàm ý nghĩa hướng tới lợi ích chung của cộng đồng. Hai năm nay, những khó khăn, hiểm nguy mà đại dịch gây ra cho nhân loại càng khiến cho cụm từ này mang giá trị lớn lao, tốt đẹp hơn. Điều đó càng thêm phần ấm áp, sâu nặng nghĩa tình trong những ngày Tết sắp đến, Xuân đã cận kề.

Một bộ đếm hạnh phúc

Trần Thu Trang

Vượt qua ranh giới yên ổn riêng mình, ta có thể được tiếp thêm năng lượng tích cực từ chính những gì ta vừa cống hiến. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Vượt qua ranh giới yên ổn riêng mình, ta có thể được tiếp thêm năng lượng tích cực từ chính những gì ta vừa cống hiến. Ảnh: Nhân vật cung cấp

 “Covid-19 đã trở thành tấm gương rọi ngược trở lại cho chúng ta thấy những khủng hoảng trong xã hội của mình... Sự trỗi dậy của chủ nghĩa duy ngã độc tôn, tình trạng nguyên tử hóa, chủ nghĩa ái kỷ trong xã hội đã trở thành hiện tượng toàn cầu…Chúng ta sản xuất chính mình và tự đặt mình lên kệ trưng bày vĩnh viễn. Việc tự sản xuất chính mình, tình trạng “tự trưng bày” bản ngã làm chúng ta mỏi mệt, u uất”- Nhà triết học hiện sinh nổi tiếng người Hàn Quốc Byung Chul Han viết trong một bài nghiên cứu.

Nhưng, cũng có những người đã “tự sản xuất chính mình” theo một cách mà để lý giải nó, ta chỉ có thể chọn hai từ “tử tế”.

Dấn thân cũng cần chất xúc tác


- Muốn dấn thân có cần công thức không anh?” -Tôi hỏi Nguyễn Đắc Văn, một trong ba người sáng lập Hội Những người yêu Sài Gòn.

- Nếu Covid-19 hiện hữu như một cuộc chiến tranh, thì có thể là có công thức. Nhưng đại dịch này chưa ai từng trải qua, nên với tôi, công thức là số máy thở, khẩu trang, đồ ăn, vật dụng y tế. Cứ hai ngày một lần trong suốt sáu tháng, kể từ khi bùng dịch ở TP Hồ Chí Minh, tôi lại “test Covid”, cả test nhanh lẫn test PCR, vị chi là 90 lần, để đủ điều kiện vận chuyển đồ đến các bệnh viện dã chiến. Hằng ngày, tôi di chuyển trung bình trong khoảng từ 200-300 km. Tháng cao điểm, chị sẽ không tin đâu, tôi đổ xăng hết khoảng 40-50 triệu đồng. Chúng tôi cứ làm, dần dần, chúng tôi thấy nhiều cánh tay khác giơ lên, trong cũng như ngoài nước.

- Hoá ra làm điều tốt cũng cần có chất xúc tác ư? Lòng tốt không thể tự thân mà trỗi dậy hay sao?

Bà Đỗ Thị Kim Hoa - Giám đốc Trung tâm Tình nguyện quốc gia (Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh).

Bà Đỗ Thị Kim Hoa - Giám đốc Trung tâm Tình nguyện quốc gia (Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh).

Dấn thân là dám đổi mới, dám vượt qua chính mình của ngày hôm qua, khát khao, tham vọng và chinh phục một điều gì đó lớn lao hơn. Đơn giản nhất là dấn thân để vượt qua chính mình, hơn chút thì dấn thân để khẳng định mình, hơn chút nữa là dấn thân để đột phá, rồi rộng ra nữa là dấn thân để đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước, của cộng đồng.
Rất nhiều bạn trẻ đã vượt qua sợ hãi, xung phong vào tâm dịch. Nhiều bạn trẻ chấp nhận thu nhập ít đi, để dành phần lớn thời gian cho các dự án phát triển giáo dục vùng cao. Nhiều bạn trẻ khởi nghiệp trong bối cảnh ngưng trệ của nền kinh tế, có những bạn trẻ thử nghiệm phát minh khoa học của mình nhiều lần mới thành công, đó chính là hình ảnh của những người trẻ dấn thân. Và tôi đặc biệt quý trọng những bạn trẻ biết dấn thân như vậy.
Bà Đỗ Thị Kim Hoa - Giám đốc Trung tâm Tình nguyện quốc gia (Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh).

- Cần chứ. Trong chuyện này thì rất cần vì chưa có tiền lệ. Cái chết, sự khốc liệt của đại dịch đã ập đến quá nhanh. Covid-19 thì dường như vô hình. Nên, để bắt tay vào làm là cả một vấn đề lớn, bắt đầu từ đâu, làm gì, làm với ai, làm thế nào? Tôi nhớ hồi tháng 8/2021, chở thiết bị y tế đến Bệnh viện Dã chiến số 16, một bác sĩ lãnh đạo bệnh viện nói: “Bây giờ mà có suất nằm viện đã là may mắn lắm rồi”. Rất ngắn gọn nhưng phản ánh hoàn toàn đúng thực tế tại thời điểm đó.

"Đùng một cái, bạn rơi vào giữa đại dịch, và hoặc là bạn ở im trong nhà, hoặc là bạn lên đường, làm gì đó cho đồng bào mình". - anh Nguyễn Đắc Văn (bên phải) tâm sự. Ảnh: nhân vật cung cấp

"Đùng một cái, bạn rơi vào giữa đại dịch, và hoặc là bạn ở im trong nhà, hoặc là bạn lên đường, làm gì đó cho đồng bào mình". - anh Nguyễn Đắc Văn (bên phải) tâm sự. Ảnh: nhân vật cung cấp

“Một bác sĩ sáu tháng chưa được gặp con tâm sự: Bọn em chỉ mong trở thành F0 để được nghỉ. Bọn em đến ngủ mơ còn hét lên: Lại bệnh nhân ở Đoàn Văn Bơ – quận 4 này, chết nhiều quá. Người nhà bệnh nhân gọi lên 115 chửi, rồi họ khóc, bọn em khóc theo trong bất lực”.

Đấy, sơ sơ như thế, thì đủ thấy, Dấn thân hay Hiến thân cho cộng đồng không dễ dàng như một cơn lây lan virus được. Nó khó, rất khó vì nguy hiểm, vì chưa có tiền lệ, chưa được tập dượt, đùng một cái, bạn rơi vào giữa đại dịch, và hoặc là bạn ở im trong nhà, hoặc là bạn lên đường, làm gì đó cho đồng bào mình.

Thành viên Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam (SVW) vẫn đến từng nhà dân, lắng nghe họ chia sẻ, để vận động, tuyên truyền. Ảnh: Trúc Hoàng.

Thành viên Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam (SVW) vẫn đến từng nhà dân, lắng nghe họ chia sẻ, để vận động, tuyên truyền. Ảnh: Trúc Hoàng.

Nhà báo Đức Hoàng:

“Đồng lương” không phải là tất cả động cơ để người ta chiến đấu những ngày này. Không chỉ có bác sĩ hay bộ đội, mà quanh ta rất nhiều con người đang “chiến đấu”, không phải vì miếng cơm manh áo như ngày thường mà vì cả trách nhiệm với cộng đồng. Thật ra, với nhiều nghề trong bối cảnh kinh tế này, đồng lương trông còn… không giống đồng lương.

Một người làm xuất nhập khẩu, sáng chạy xe từ Hà Nội lên Lạng Sơn để lo hàng hóa, đêm lại chạy xe về với gia đình. Anh sẽ làm thế suốt tháng Chạp. Đằng sau anh ta là những tiểu thương đã thất bát suốt hai năm, đang trông chờ cả vào chuyến hàng Tết, còn trước mặt anh ta là một đường biên giới dài tắc nghẽn vì dịch bệnh.

Một thương gia làm chế biến nông sản, vẫn đặt ra những thời hạn sản xuất tận thời điểm cận Tết. Vì thị trường của chị ở châu Âu, nơi người ta không nghỉ Tết. Còn phía sau lưng chị là hàng trăm đồng bào người Dao đang trồng quế trên núi – những người mà ngay cả lựa chọn “bán cho thương lái Trung Quốc” giờ cũng chẳng còn.

Và một ông chủ tịch doanh nghiệp vận tải lớn – người đủ tích lũy để nghỉ hưu luôn khi dịch bệnh mới bắt đầu – nhưng đằng sau có hàng nghìn con người ông không muốn phụ bạc. Tóc ông đã bạc trắng sau hai năm. Ông không còn ý niệm về Tết, khi đó là mùa có thể kiếm thêm chút ít nhằm duy trì sự tồn tại của công ty. Ông mất ngủ triền miên để suy nghĩ, mà động lực hoàn toàn không hề chỉ vì đồng tiền.

Tất cả chúng ta, trong một thử thách ngặt nghèo, đều nhận ra ý niệm về “trách nhiệm xã hội” thật ra không phải điều gì quá phi thường, cá biệt. Mỗi người chỉ cần làm được tốt công việc của mình đã mang lại hạnh phúc cho cộng đồng.

Tất cả họ đều là những chân dung bình thường, trong những ngày bình thường. Và họ cũng chưa bao giờ nghĩ rằng mình là những anh hùng. Truyền thông cũng có xu hướng tìm kiếm những anh hùng khác. Nhưng thật ra, để cả một cỗ máy đi tới dù trước mặt là đá hộc, thì mọi cá thể đều cần mang tinh thần dấn thân.

Trong “kỷ nguyên Covid” này, chúng ta có một mơ ước kỳ lạ: Mơ ước được… sống bình thường. Và nếu có ai đó, những ngày cận Tết này, ứng xử với mọi thứ bình thường như ngày thường, cặm cụi làm công việc của họ, đó là điều, có lẽ, nên được biết ơn”.

Ký ức đọng lại sắc nét nhất của anh về những bài học thầy cô dạy khi còn ngồi trên ghế nhà trường là gì? Nó có giá trị gì đối với những việc sau này anh chọn làm không?

- Chia sẻ với người khác khi gặp những hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Đó là điều tôi luôn nhớ trong tâm can và tôi coi đó là người bạn đồng hành với mình.

Nguyễn Văn Chiến (sinh năm 1992, quê ở Đồng Hới – Quảng Bình) cùng “Đội xe 0 đồng Quảng Bình” đã chuyên chở hàng trăm lượt bệnh nhân từ viện về nhà và ngược lại, chỉ bởi “nhìn những hoàn cảnh đáng thương, làm sao tôi cầm lòng?”. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nguyễn Văn Chiến (sinh năm 1992, quê ở Đồng Hới – Quảng Bình) cùng “Đội xe 0 đồng Quảng Bình” đã chuyên chở hàng trăm lượt bệnh nhân từ viện về nhà và ngược lại, chỉ bởi “nhìn những hoàn cảnh đáng thương, làm sao tôi cầm lòng?”. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chúng ta, tôi và bạn, đang giữ lại những gì để đồng hành trên đường đời? Có lẽ là không ai giống ai. Nhưng bạn nên nghe một bài hát của Ern Burn, tựa là No risk no story: Nếu bạn không liều lĩnh, thì có gì để mà nói chứ?! Sinh ngày 20/6/1971, quốc tịch Đức, ngay trước sinh nhật tròn 50 tuổi, anh Nguyễn Đắc Văn hoàn toàn có thể bay về châu Âu với gia đình, nhưng chỉ vì một đôi dòng nhắn gửi anh viết trên FB: “Mọi người đừng tặng quà sinh nhật mà tặng mình gạo nhé. Để mình tặng lại cho bà con”, anh đã viết một kịch bản khác cho chính mình.

Trong trường hợp này, risk takers không phải là những kẻ liều lĩnh nữa. Ta nên dịch nghĩa thành: “những người dám dấn thân”.

Vượt qua ranh giới

Thượng tá Vũ Thị Kim Oanh. Nguồn: qdnd.vn

Thượng tá Vũ Thị Kim Oanh. Nguồn: qdnd.vn

 “Ai cũng biết châu Phi là nơi có môi trường khí hậu khắc nghiệt, là điểm nóng của các cuộc giao tranh, xung đột sắc tộc, cuộc sống của người dân vô cùng vất vả bởi dịch bệnh và đói nghèo. Nơi tôi đến là Nam Sudan cũng không ngoại lệ. Gia đình, bạn bè, đồng nghiệp lo sức khỏe không bảo đảm, lo tên bay đạn lạc, lo cho sự rủi ro của công việc, và tất cả đều có chung một câu hỏi: Ở vào tuổi ngũ tuần này rồi, điều kiện môi trường công tác trong nước đang rất tốt, tại sao lại dấn thân vào những nơi khó khăn và nguy hiểm như thế?”

- Có phải chị muốn khuấy động cuộc sống thường nhật vốn đã quá quen thuộc? - Tôi hỏi chị Vũ Thị Kim Oanh (trước khi tham gia Lực lượng gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc, Thượng tá Vũ Thị Kim Oanh là Trợ lý Phòng Công tác địa bàn, Cục Gìn giữ hoà bình Việt Nam).

Tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc có thể coi là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời và sự nghiệp quân ngũ. Từ chỗ suốt ngày ngồi làm việc với chiếc máy tính và những trang giấy, giờ tôi đã ở Nam Sudan. Thời tiết khắc nghiệt, nắng cháy da thịt quanh năm. Đất đai bỏ hoang nhiều. Do xung đột triền miên nên người dân Nam Sudan gần như không có khái niệm trồng trọt. Họ sống dựa vào hàng viện trợ quốc tế.

- Chị tìm thấy điều gì ở châu Phi?

- Châu Phi cho tôi một trải nghiệm vô giá. Tới nhiều nơi trên đất nước Nam Sudan, tiếp xúc từ quan chức đến người dân địa phương mới càng thấu hiểu và thấm thía giá trị độc lập của một quốc gia. Tôi tự hào về đất nước mình biết bao. Tôi cũng thật sự mong muốn hoà bình sẽ sớm đến với những người dân nơi đây.

Sinh năm 1972, chị Oanh tròn 50 tuổi vào năm 2022, độ tuổi mà dạn dày sóng gió đã kinh qua, những khát khao chứng minh năng lực bản thân có thể cũng đã nguội. Chị từ chối dùng từ Dấn thân: “Nói vậy thì hơi quá lên rồi, chỉ đơn giản là tôi chọn đến một nơi xa xôi chưa từng ghé. Xem trên TV, thấy người ta nghèo khổ, lại xung đột liên miên thế, mình cũng thấy nao nao. Sang đây chứng kiến nhiều cảnh đói khổ, tội lắm. Có lần đi tuần về bị ám ảnh mấy ngày vì vừa tuần trước đi gặp nói chuyện với chỉ huy vùng, tuần sau qua thì ông ấy đã bị bắn chết. Mà họ hiền lành vô cùng, nghe họ nói, nhìn vào mắt họ mới thấy họ thèm khát hoà bình yên ổn tới mức nào”.

Chăm chút cho ngôi nhà của riêng mình, những người mình yêu, chẳng có gì sai cả. Nhưng vượt qua ranh giới yên ổn riêng mình đó, cố thêm chút nữa, có thể ta sẽ sống thêm một cuộc đời khác, trong đó, chúng ta được tiếp thêm năng lượng tích cực bởi những gì mình vừa cống hiến.

Những người từng ra đường lăn lộn “giảm đau cho Hà Nội” - như các thành viên Bếp Yên Vui - mùa dịch vẫn nói đùa với nhau: "Ngày thường, người ta mặc cả mớ rau, con cá từng nghìn đồng một, nhưng trong mùa dịch, cho nhau cả tấn gạo, cả xe rau là chuyện quá đỗi bình thường. Lạ nhỉ?". Ảnh: Tiên Lâm

Những người từng ra đường lăn lộn “giảm đau cho Hà Nội” - như các thành viên Bếp Yên Vui - mùa dịch vẫn nói đùa với nhau: "Ngày thường, người ta mặc cả mớ rau, con cá từng nghìn đồng một, nhưng trong mùa dịch, cho nhau cả tấn gạo, cả xe rau là chuyện quá đỗi bình thường. Lạ nhỉ?". Ảnh: Tiên Lâm

Chúng ta có đang hạnh phúc không?

“Tư tưởng như những chàng công tử trơ trẽn trước những bàn tay lao động sần sùi. Phải hành động, phải lao mình vào, sống với con người bằng tiếng cười câu nói, bằng sự cọ xát của làn da. Hiểu nhau qua mùi mồ hôi. Cuộc sống của chúng ta không ưa tìm hiểu bằng tia nhìn, bằng ý nghĩ xa xôi. Nó nhún vai và quay lưng lại ngay”.

Đoạn trích này được viết từ năm 1971, trong nhật ký của người lính trẻ Trần Luân Tín (Được sống và kể lại) lần đầu dấn thân vào chiến tranh. Nó khiến tôi tự hỏi: Chúng ta có đang lao mình vào điều gì không? Hay là chúng ta cũng chỉ đang cùng thoả hiệp để nhún vai và quay lưng với cuộc sống?

Phố của xôn xao, của bình yên, của rất nhiều những gương mặt người giản dị mà bỗng trở nên gan dạ, dũng cảm và yêu thương đến lạ. Ảnh: nhân vật Nguyễn Đắc Văn cung cấp

Phố của xôn xao, của bình yên, của rất nhiều những gương mặt người giản dị mà bỗng trở nên gan dạ, dũng cảm và yêu thương đến lạ. Ảnh: nhân vật Nguyễn Đắc Văn cung cấp

“Nhà báo Luân Vũ:

Một đồng nghiệp đáng kính của tôi đã từng viết trong một bài tùy bút giàu cảm xúc rằng, anh đi giữa quê hương mà thấy nhớ quê hương. Dường như tôi cũng đang gặp lại cảm xúc lạ lùng này, khi đi giữa phố mà thấy lòng mình chợt rưng rưng nhớ phố. Phố của xôn xao, của bình yên, của rất nhiều những gương mặt người giản dị mà bỗng trở nên gan dạ, dũng cảm và yêu thương đến lạ. Phố, giờ vắng bóng không ít những người con ưu tú ấy. Nhưng tôi tin, hình bóng họ vẫn luôn được lưu giữ lâu bền trong tâm hồn phố, trong rất nhiều những tâm hồn người đã được tình nhân ái của họ sưởi ấm, nâng đỡ ở những thời khắc hiểm nghèo của sự sống. Và tôi tin, hơn ai hết, linh hồn họ bình yên, bởi đã tận hiến theo mệnh lệnh từ trái tim, xả thân vì nghĩa đồng bào.

Tôi rất thích chủ đề của chương trình Chào xuân mới 2019 của Đài Truyền hình Việt Nam: Tết nghĩa là hy vọng. Một vòng quay mới đang sắp bắt đầu trên đất nước thân yêu của chúng ta. Một khởi đầu mới luôn mang tới rất nhiều ước vọng, về bình an, về hạnh phúc. Trong vòng quay đang chờ đợi phía trước, sẽ có thêm niềm tin về sự lan tỏa của yêu thương, của ý nghĩa về nỗ lực và trách nhiệm, với mỗi cá nhân và cả cộng đồng.

Ngày cuối năm tất bật mà lặng lẽ. Đi giữa phố, lòng không thể không nhớ phố”.

Thật lạ là sau 50 năm, những chiêm nghiệm của người lính trẻ lần đầu chứng kiến cảnh bom rơi đạn lạc tàn nhẫn của chiến tranh vẫn đúng ngay cả trong thời bình. Chúng ta có đang hạnh phúc không? Anh chị có nhớ mình đã giúp bao nhiêu người không? Đó là những câu mà nhân loại hay hỏi. Nhưng “những kẻ dấn thân” mà tôi vừa để họ lộ diện trên đây, không có câu trả lời bằng con số chính xác nào cả.

“Chắc khoảng trăm tỷ đồng gì đấy, vài trăm cái máy thở, cứ một cái là cứu sống được 10 người. Nghĩ thế là tôi hạnh phúc”. Tất nhiên là giấy tờ sổ sách sẽ cho chúng ta biết họ chính xác làm được những gì, nhưng với Những Kẻ Dấn Thân này, số đếm hạnh phúc của họ dường như hiển thị trên những thân phận được họ giúp đỡ. Suy cho cùng, ai có quyền ngăn cản mong ước của một người muốn trở nên nghĩa hiệp, chống lại cái xấu và không đơn độc trong sự vô tâm?

Phần quà Tết cho những phận đời cơ nhỡ. Ảnh: nhân vật cung cấp.

Sưởi ấm những tấm lòng bằng tình yêu thương. Ảnh: nhân vật cung cấp

Phần quà Tết cho những phận đời cơ nhỡ. Ảnh: nhân vật cung cấp.

Sưởi ấm những tấm lòng bằng tình yêu thương. Ảnh: nhân vật cung cấp

Tôi thích hưởng thụ, và biết cách hưởng thụ. Trước đây, mỗi tháng tôi phải đi du lịch một chuyến nước ngoài, hoặc vài địa điểm trong nước. Tôi cũng thích mua sắm. Nhưng dịch bệnh ập đến, để tôi hiểu: Được sống đã là điều may mắn nhất rồi. Hơn thế, thu nhập giảm nhưng tôi vẫn còn có công việc, hơn rất nhiều người. Thế là, anh biết không, giờ hằng tháng tôi chỉ còn tiêu tiền cho bản thân vào việc… làm móng tay. Bây giờ, cứ định mua một chiếc túi hay một thỏi son, tôi lại “quy đổi” ngay là số tiền ấy sẽ mua được bao nhiêu cân gạo. Đội mưa đi từng hàng một so sánh giá cả từng 500 – 1.000 đồng, tôi vẫn thấy vui…
Nguyễn Hoài Sương - một "người đứng bếp 0 đồng" thầm lặng và không mệt mỏi. Ảnh: nhân vật cung cấp.

“Chúng tôi đã vận chuyển không biết bao nhiêu chuyến xe cấp cứu đưa F0 nhập viện tại TP Hồ Chí Minh. Chúng tôi đã chứng kiến quá nhiều mất mát to lớn, quá nhiều đau thương về sức khỏe, tính mạng. Trong thời điểm đó, các mạnh thường quân cũng như nhân viên y tế miền bắc nói chung và Hà Nội nói riêng đã dốc sức chi viện hỗ trợ TP Hồ Chí Minh về mọi mặt.

Tình nguyện viên nhóm Nhất Tâm hỗ trợ vận chuyển người cao tuổi tại Hà Nội. Ảnh: Xuân Thăng

Tình nguyện viên nhóm Nhất Tâm hỗ trợ vận chuyển người cao tuổi tại Hà Nội. Ảnh: Xuân Thăng

Khi Hà Nội có số ca đạt mốc 1.600-1.700/ngày, anh em bàn nhau phải làm một việc thay lời tri ân tới thủ đô, với bà con Hà Nội và lực lượng y tế đã hỗ trợ cho TP Hồ Chí Minh những ngày bùng dịch” - anh Trần Thanh Long, trưởng nhóm Thiện nguyện Nhất Tâm, chia sẻ. Và với tâm nguyện ấy, ân tình ấy, Thiện Nguyện Nhất Tâm đã có mặt "tiếp ứng" Hà Nội từ đầu tháng 1, cùng năm xe cứu thương với hàng trăm bình oxy.


Ngày xuất bản: 25/1/2022
Tổ chức sản xuất: Vũ Mai Hoàng
Nội dung: Ngô Phương Thảo, Trần Thu Trang, Đức Hoàng, Võ Hoàng, CTV
Trình bày: Phan Anh, Duy Long