Tết người Hoa giữa lòng thành phố
Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 500.000 người Việt gốc Hoa sinh sống rải rác ở các quận, huyện nhưng tập trung đông nhất ở quận 5, quận 6 và quận 11. Qua nhiều thế hệ, cộng đồng người Hoa vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống rất riêng của mình, nhất là trong những ngày Tết Nguyên đán.
Cả tuổi thơ sống cùng ông bà ngoại trong xóm người Hoa Quảng Đông khu chợ Thiếc (quận 11), sau này lớn lên chuyển sang sống cùng ba mẹ tại khu người Triều Châu ở quận 8 nhưng Đào Trung Vĩ vẫn nhớ rõ ngày Tết ở nhà ông bà ngoại.
Khi bước sang tháng Chạp, mỗi gia đình người Hoa sẽ chọn ngày tốt để quét, dọn dẹp nhà cửa, làm lễ tạ thần. Đó là lễ đáp tạ Trời, Phật, ông bà đã cho gia đình một năm bình an. Cúng xong, các gia đình mang vật cúng chia cho họ hàng, người quen, gọi là chút quà thơm thảo.
Sau đó, tới lễ đưa ông Táo. Khác với người Việt cúng đưa ông Công, ông Táo vào 23 tháng Chạp, người Hoa ở Thành phố Hồ Chí Minh thường tiễn ông Táo về trời vào sáng 24 tháng Chạp. Vĩ cho biết, khác với người Việt cúng cá chép, người Hoa Quảng Đông thường dựng một cây mía cùng trái cây, kẹo thèo lèo cúng ông Táo. Trong mâm trái cây, nhất định phải có quả quýt. Bởi trong tiếng Hoa, “quýt” đồng âm với “cát” (cát tường - may mắn). Nhà nào khá giả sẽ cúng thêm heo quay, vịt quay.
Khác với người Việt cúng đưa ông Công, ông Táo vào 23 tháng Chạp, người Hoa ở Thành phố Hồ Chí Minh thường tiễn ông Táo về trời vào sáng 24 tháng Chạp. Không cúng cá chép, người Hoa Quảng Đông thường dựng một cây mía cùng trái cây, kẹo thèo lèo cúng ông Táo.
Khoảng một tuần trước Tết, nhà ông bà ngoại Vĩ cũng như nhiều gia đình người Hoa khác sẽ bắt đầu dọn dẹp, trang hoàng đón Tết. Bên ngoài cửa nhà sẽ dán câu đối liễn, giấy đỏ, chữ vàng, mang thông điệp tốt lành như Xuất nhập bình an, Kim ngọc mãn đường, Tân xuân đại cát… Với những gia đình làm ăn buôn bán tại nhà, nội dung câu đối liễn thường là Nhất bổn vạn lợi, Khai trương hồng phát, Sinh ý hưng long…
Trong nhà treo đèn lồng, chữ “Xuân” và chữ “Phúc” được dán ngược, bởi theo tiếng Hoa, chữ “ngược” đọc là “đáo”, nghĩa là Xuân đến, Phúc đến.
“Trên bàn thờ, ông bà sẽ trưng trái cây theo cặp, không nhất thiết phải là các trái “cầu, dừa, sung, đủ” nhưng nhất định phải có trái quýt. Trong nhà người Hoa ngày Tết không chơi hoa cúc mà chơi mai, đào, cây tắc (cây quất)”, Vĩ kể lại.
Trên bàn thờ, ông bà sẽ trưng trái cây theo cặp, không nhất thiết phải là các trái “cầu, dừa, sung, đủ” nhưng nhất định phải có trái quýt. Bởi trong tiếng Hoa, “quýt” đồng âm với “cát” (cát tường - may mắn).
Để chuẩn bị cho bữa cơm chiều 30 Tết, bà ngoại Vĩ và các cô, dì sẽ tập trung làm bánh tổ, bánh bao. Bánh tổ là loại bánh cổ truyền của người Hoa trong dịp Tết, được làm bằng bột nếp và đường, không có nhân. Bánh tổ trong tiếng Hoa là “niên cao”, bánh bao là “phát bao”, mang ý nghĩa ước mong cho năm mới, gia chủ được may mắn, phát tài, năm mới sẽ tốt hơn năm trước.
Người Quảng Đông ở Thành phố Hồ Chí Minh cúng giao thừa còn có heo quay, cải xà lách sống. Tên những thứ này khi đọc lên thường có ý nghĩa tốt lành. Heo đọc là “trư”, đồng âm với “châu”, ý là “châu long nhập thủy - châu báu đầy nhà”. Cải xà lách tiếng Quảng Đông đọc là “phát soi”, đồng âm với “phát tài”.
Đặc biệt, trên mâm cỗ của nhà ông bà ngoại Vĩ ngày 30 Tết nhất định phải có chè “đoàn viên”, được nấu bằng các nguyên liệu như nhãn nhục, kỷ tử, cốt dừa… mang ý nghĩa sum họp, quây quần trong năm mới.
Từ tối 30, tất cả các gia đình cô dì chú bác của Vĩ đều tập trung tại nhà ông bà ngoại, cùng nhau nấu nướng, ăn uống, vui chơi cho đến hết Tết.
Sáng mùng 1 Tết, các gia đình người Hoa sẽ đi lễ chùa, xin xăm, sau đó gia đình tập trung đông đủ đón năm mới, vị cao niên trong nhà sẽ phát phong bao lì xì mừng tuổi cho con cháu.
“Ông ngoại em sẽ mặc đồ Thượng Hải, bà ngoại cùng mẹ và các dì mặc sườn xám. Trẻ con mặc quần áo mới nhiều màu sắc, chủ yếu là màu đỏ, vàng và các màu sắc tươi sáng. Trong ngày đầu năm mới, kỵ nhất không mặc màu đen và trắng”, Vĩ kể lại.
“Ông ngoại em sẽ mặc đồ Thượng Hải, bà ngoại cùng mẹ và các dì mặc sườn xám. Trẻ con mặc quần áo mới nhiều màu sắc, chủ yếu là màu đỏ, vàng và các màu sắc tươi sáng. Trong ngày đầu năm mới, kỵ nhất không mặc màu đen và trắng”, Vĩ kể lại.
Mùng 4 Tết là ngày đón tiếp các vị thần linh về trần gian, theo truyền thuyết, tất cả các vị thần linh từ 24 tháng Chạp đều về thiên đình chầu Ngọc hoàng, đến mùng 4 mới bắt đầu trở về trần gian. Vì thế vào ngày này, các gia đình người Hoa thường chuẩn bị hương hoa, bánh trái để nghênh đón các vị thần bảo hộ cho gia đình.
“Phá ngũ”, “Ngày thần tài” là tên gọi của mùng 5 Tết. Gọi là “phá ngũ” vì đây là ngày có thể “phá” bỏ những kiêng kỵ của những ngày Tết, mọi người có thể tự do sinh hoạt, vui chơi mà không lo phạm vào những điều cấm kỵ của ngày Tết nữa.
Mùng 5 Tết còn là ngày đón “Thần Tài”, theo truyền thuyết dân gian là ngày nghênh đón “Ngũ lộ tài thần” (tức thần tài của 5 phương hướng), mọi người tin rằng đón được Thần Tài thì trong năm mới sẽ được sung túc và phát tài.
Người Hoa thường ăn Tết đến rằm tháng Giêng tức ngày Tết Nguyên tiêu. Tết Nguyên tiêu là một lễ trọng đại trong đời sống của người Hoa. Trong ngày này, mọi người nô nức đi lễ chùa cầu phúc và trong khu vực dân cư cộng đồng người Hoa rất rộn ràng, náo nhiệt bởi các lễ nghi như các đám rước diễu hành qua phố, đội lễ nhạc cổ truyền, kèn trống vang lên, đèn hoa trang trí rực rỡ…
Dù ông bà ngoại không còn, ngày Tết rực rỡ như trong tuổi thơ của Vĩ cũng đã giản tiện đi nhiều do nhịp sống hiện đại nhưng mẹ của Vĩ vẫn duy trì những phong tục cổ truyền không thể thiếu của các gia đình người Hoa Quảng Đông như bánh tổ, chè “đoàn viên”… mỗi khi Tết đến xuân về.
Ngày xuất bản: 04/02/2024
Tổ chức sản xuất: HỒNG MINH
Nội dung: BẠCH DƯƠNG
Trình bày: BÔNG MAI