Những “chiến sĩ nhí” đầu tiên của giai đoạn “bình thường mới”
Sáng sớm, sân huấn luyện của Trung đoàn Pháo binh 58 (Sư đoàn 30, Bộ Tư lệnh Quân đoàn I, đóng tại Quốc Oai, Hà Nội) xôn xao tiếng trẻ í ới gọi nhau tập hợp. Gần 200 học viên khóa 1 Chương trình “Học kỳ trong quân đội – Những bước chân Phù Đổng” năm 2022 chia thành các tiểu đội, tập thể dục và chuẩn bị cho các nội dung rèn luyện, học tập trong ngày.
Đây cũng chính là lứa “chiến sĩ nhí” đầu tiên của giai đoạn bình thường mới. Chương trình “Học kỳ quân đội – Những bước chân Phù Đổng” được tái khởi động sẽ là cơ hội để trẻ được trang bị kỹ năng, kiến thức trước những ngã rẽ cuộc đời.
aa
Ngày… nhập ngũ đặc biệt của chiến sĩ nhí
Sớm nay, anh Bùi Văn Tiến trở dậy từ sớm. Sau khi chuẩn bị phần ăn sáng, anh lúi húi kiểm tra lại chiếc balo cho cậu con trai mới 9 tuổi của mình. Ngày hôm nay, cậu sẽ chính thức… lên đường nhập ngũ với chương trình học kỳ quân đội.
“Trong các đợt giãn cách xã hội, cháu thường chỉ biết ở nhà xem tivi, chơi game trong phòng. Bởi vậy, khi biết đến chương trình, vợ chồng tôi đã quyết định đăng ký cho con để giúp cháu có thêm bạn bè, dần từ bỏ những thói quen không có lợi và hơn cả là rèn luyện nền nếp, kỷ luật cũng như tinh thần trách nhiệm”, anh Tiến chia sẻ.
Do là lần đầu tiên cu Tí phải xa nhà, nên vợ chồng anh Tiến chuẩn bị và căn dặn rất kỹ, từ tuýp thuốc đánh răng, thuốc đau bụng đến một vài bộ áo quần mà cu Tí thích.
Theo anh Tiến, ban đầu khi biết tin, ông bà nội cũng không ủng hộ, nhưng khi nắm rõ được lợi ích từ chương trình thì tất cả đều rất ủng hộ. 6 giờ sáng, cu Tí lưng đeo balo, đầu đội mũ tai bèo háo hức leo lên xe bắt đầu hành trình từ Bắc Giang về binh đoàn pháo binh 58 (Sư đoàn 308) để chuẩn bị… nhập ngũ. Trên xe, cu Tí líu ríu hỏi ba mẹ về những ngày thử thách sắp tới.
Con sẽ phải đi ngủ lúc 9 giờ tối đúng không mẹ? Đồ chơi ở nhà, mẹ cất kỹ cho con nhé! Con sẽ quen được nhiều bạn hơn nữa nhỉ? Chắc sẽ vui lắm!
Cũng giống như cu Tí, các chiến sĩ nhí bước vào quãng đời “binh nghiệp ngắn ngày” với rất nhiều sự háo hức và mong chờ. Bởi, quãng thời gian tiếp theo thực sự là rất đặc biệt, khác xa với nhịp sống hàng ngày của các em. Thay vì tiếp xúc với máy tính, điện thoại, các em sẽ tập sống như những quân nhân thực sự và được bồi dưỡng các kỹ năng mềm khác.
Các tiểu đội đã sẵn sàng
Các tiểu đội đã sẵn sàng
Các tiểu đội kiểm kê quân số trước khi lên xe
Các tiểu đội kiểm kê quân số trước khi lên xe
Lễ tuyên thệ của các "chiến sĩ nhí" trong ngày khai giảng
Lễ tuyên thệ của các "chiến sĩ nhí" trong ngày khai giảng
Có mặt tại Lễ khai giảng và xuất quân chương trình “Học kỳ trong quân đội – Những bước chân Phù Đổng” năm 2022 vào một ngày đầu tháng 6, hàng trăm “chiến sĩ nhí” dù đã khoác lên mình bộ quân phục gọn gàng, tề chỉnh, nhưng vẫn không giấu được vẻ ngây thơ, mắt mở to liên tục tìm kiếm cha mẹ.
Ở góc hội trường lớn, các bậc phụ huynh cũng “đứng ngồi không yên”, lo lắng dõi theo con em chuẩn bị tham gia khóa học kết hợp rèn luyện đặc biệt. Lần đầu xa cách dài ngày, lại không được thường xuyên liên lạc là thử thách chẳng dễ dàng với cả gia đình.
Tập hợp trước giờ hành quân.
Tập hợp trước giờ hành quân.
Cán bộ Trung tâm Hỗ trợ thanh thiếu nhi Việt Nam chăm sóc các chiến sĩ mới.
Cán bộ Trung tâm Hỗ trợ thanh thiếu nhi Việt Nam chăm sóc các chiến sĩ mới.
Bỡ ngỡ - Thích nghi – Thành thục
Sáng sớm, sân huấn luyện của Trung đoàn Pháo binh 58 (Sư đoàn 30, Bộ Tư lệnh Quân đoàn I, đóng tại Quốc Oai, Hà Nội) xôn xao tiếng trẻ í ới gọi nhau tập hợp. Gần 200 học viên khóa 1 Chương trình “Học kỳ trong quân đội – Những bước chân Phù Đổng” năm 2022 chia thành các tiểu đội, tập thể dục và chuẩn bị cho các nội dung rèn luyện, học tập trong ngày.
Là đơn vị có bề dày kinh nghiệm lâu năm trong triển khai Chương trình “Học kỳ trong quân đội”, Trung tâm Hỗ trợ Thanh thiếu nhi Việt Nam (VYSC) đã phối hợp các đơn vị trong quân đội lên kế hoạch tổ chức Chương trình chi tiết, bài bản.
Sau ngày đầu tiên “Nhập ngũ với đồng đội” tập trung xuất quân, khám sức khỏe, làm quen sắp xếp nội vụ... học viên sẽ lần lượt trải nghiệm Chương trình qua các chủ đề “Chúng mình là chiến sĩ”, “Tài năng chiến sĩ nhí”, “Bản lĩnh chiến sĩ”, “Tự hào người chiến sĩ ấy”...
Hành quân vào rừng, trải nghiệm cuộc sống của những người lính
Hành quân vào rừng, trải nghiệm cuộc sống của những người lính
A lính "mặt búng ra sữa" này cũng hành quân nhé.
A lính "mặt búng ra sữa" này cũng hành quân nhé.
Bảng tin thi đua các tiểu đội để thấy những chuyển biến tích cực của các học viên qua từng ngày.
Bảng tin thi đua các tiểu đội để thấy những chuyển biến tích cực của các học viên qua từng ngày.
Các chiến sĩ nhỏ tuổi sẽ có cơ hội tham gia hàng loạt hoạt động lý thú như chào cờ theo nghi thức quân đội, tìm hiểu vũ khí, khí tài quân sự, giao lưu thể thao, học võ tự vệ, kỹ năng chống bạo hành trẻ em, viết nhật ký chiến sĩ... và khép lại Chương trình là Đêm Gala tổng kết với điểm nhấn là Lễ hội hoa đăng “Đêm gia đình – Khơi nguồn giá trị yêu thương”.
Với thời khóa biểu, thời gian biểu khoa học, chi tiết, được nghiên cứu, đúc kết qua kinh nghiệm thực tiễn nhiều năm của Chương trình, quả thật không khó để nhận thấy những chuyển biến tích cực của các học viên qua từng ngày.
Thiếu tá Phùng Đức Toàn, Chính trị viên Trung đoàn Pháo binh 58, người trực tiếp huấn luyện, chăm sóc, bảo đảm an toàn cho hàng nghìn học viên của Chương trình, cho hay: có những cháu mới lớp 3, lại có cháu đã học xong lớp 10, nên nhận thức và tâm sinh lý không giống nhau, nhất sau thời gian dài giãn cách xã hội hoặc đặc biệt là những trường hợp tự kỷ, trầm cảm.
“Chúng tôi đã linh hoạt phân công nhân lực quan tâm, bám nắm và phụ trách theo tiểu đội, thường xuyên chia sẻ, động viên và khích lệ các cháu, tạo không khí thân mật, ấm cúng”, đồng chí Phùng Đức Toàn nói.
Quá trình “rèn chiến sĩ” không hề dễ dàng. Nhiều học viên còn nhỏ, thường xuyên được bao bọc, nên thời gian đầu thậm chí còn không chịu nổi nắng mưa, không theo kịp thời gian biểu. Tuy nhiên, tinh thần đoàn kết đã giúp tất cả tiến bộ từng ngày, từ bỡ ngỡ chuyển sang thích nghi rồi thành thục.
Anh Nguyễn Anh Đức, giảng viên VYSC, cán bộ phụ trách Chương trình, cho biết: “Học viên được chia theo tiểu đội, bầu trưởng, phó phòng, nhóm trưởng để nâng cao trách nhiệm. Bạn nào chưa sắp xếp nội vụ tốt thì có bạn khác nhắc nhở. Các tiểu đội chấm điểm thi đua chéo, tạo động lực thi đua, nâng cao tinh thần đoàn kết”.
Chúng con tự hào là những chiến sĩ nhí
Không khó để thấy rằng, chỉ sau vài ngày tham gia Chương trình, ý thức của những “chiến sĩ nhí” đã cải thiện rất nhiều, từ sự lễ phép, từng lời ăn, tiếng nói cho tới tình cảm gắn bó, lòng quyết tâm chung ở mọi nơi, mọi lúc.
Học viên Lê Duy Anh, lớp 9, đến từ Thủ đô Hà Nội, hồ hởi nói: “Buổi sáng, cháu được dậy sớm tập luyện, đến chiều lại tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa rất vui. Cháu thích nhất là những khi được xem video giới thiệu truyền thống của các chú bộ đội, tham quan vũ khí, khí tài quân sự”.
“Chiến sĩ nhí” sinh năm 2012 cho rằng, khoảng thời gian ở doanh trại “sướng” hơn nhiều so với ở nhà. Trái ngược với việc chỉ ngồi trong nhà làm bài tập, chơi game một mình trong suốt thời gian giãn cách xã hội, Duy Anh và các bạn đồng trang lứa được “học mà chơi” qua những trải nghiệm vô cùng mới mẻ.
Một trong những người bạn mới của Duy Anh là Lê Văn Hải Triều (sinh năm 2011, quê Thanh Hóa) cũng háo hức chia sẻ: “Ở đây, chúng cháu học tập, rèn luyện hay vui chơi đều có nhau. Chỉ ít ngày, nhiều bạn đã biết tự chăm sóc bản thân và giúp đỡ người khác. Khi về nhà, cháu sẽ xin bố mẹ được học thêm và rủ bạn bè trong khu phố tham gia các khóa sau của Chương trình”.
Vậy là, dù không kéo dài, nhưng Chương trình đã mang lại những trải nghiệm quý giá, trang bị cho học viên hành trang không gì thay thế được để các em có cơ hội trưởng thành, tự giác hơn, hoàn thiện nhân cách trước những ngưỡng cửa cuộc đời.
Theo đồng chí Cái Quang Bình, Giám đốc VYSC, với chức năng, nhiệm vụ tổ chức các hoạt động, khóa học trải nghiệm cho thanh, thiếu nhi trên địa bàn Thủ đô và các tỉnh phía Bắc, VYSC có sáng kiến và đã triển khai Chương trình “Học kỳ trong quân đội” từ những năm 2010.
Qua đây, VYSC đã phối hợp các Quân khu 3, 5, 7, 9, các Quân đoàn 1, 4 và các Quân chủng Phòng không – Không quân, Pháo binh, Hải quân… đào tạo, rèn luyện hàng nghìn học viện thành những “chiến sĩ nhí” sẵn sàng đương đầu với mọi thử thách, khó khăn.
Nội dung Chương trình được thiết kế theo đúng quy định của Tổng Cục chính trị – Bộ Quốc phòng và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, cụ thể gồm 40% là giáo dục về quân đội, 40% kỹ năng và 20% các hoạt động ngoại khóa, xã hội từ thiện.
Chương trình “Học kỳ trong quân đội – Những bước chân Phù Đổng” năm 2022 được VYSC đặt kỳ vọng phát huy thành công từ những khóa học trước đó, tiếp tục đóng vai trò môi trường “học mà chơi” lành mạnh, tin cậy cho thiếu nhi toàn miền Bắc.
Thượng tá Hoàng Phú Cường, Chính ủy Trung đoàn Pháo binh 58 (Sư đoàn 308) chia sẻ: “Nhiều năm vừa qua, Chương trình đã góp phần giáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu nước, tính cộng đồng, tình đồng chí, đồng đội, giúp đỡ lẫn nhau ở mọi hoàn cảnh. Nhiều học viên sau khi tốt nghiệp coi đơn vị rèn luyện là nhà, coi cán bộ, chiến sĩ là người thân. Đây là niềm tự hào, hạnh phúc không dễ có được cho chính chúng tôi”.