Được coi như một mô hình về chuyển đổi số ở khu vực Đông Nam Á, Thái Lan đang nỗ lực đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số nhằm hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 sẽ đưa tỷ lệ đóng góp của nền kinh tế số vào GDP quốc gia lên 30%.
Theo dự báo của các chuyên gia, nền kinh tế toàn cầu sẽ được số hóa 50% vào năm 2025. Trong 2 năm qua, các quốc gia Đông Nam Á được đánh giá là có tốc độ phát triển nền kinh tế số nhanh nhất trong khu vực. Trong thời gian này, việc áp dụng công nghệ đám mây vào các cơ quan chính phủ của các nước ASEAN đã đạt 30% và khu vực tư nhân đạt 70%. Trong khi đó, nguồn thu từ dữ liệu được dự báo sẽ tăng gấp sáu lần vào năm 2030. Đồng thời, kinh tế kỹ thuật số cũng sẽ giúp tạo ra khoảng 60 đến 65 triệu việc làm trong tương lai.
KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ XÃ HỘI SỐ 20 NĂM
Trong các nước ASEAN, Thái Lan đang được coi như một mô hình về chuyển đổi số nhờ sự ủng hộ quyết liệt, đầu tư của Chính phủ vào hạ tầng công nghệ thông tin và công nghệ kỹ thuật số. Chính phủ Thái Lan đã quan tâm và đưa ra những chính sách về chuyển đổi số từ rất sớm.
Từ năm 2017, Bộ Kinh tế và Xã hội số Thái Lan (MDES) đã công bố bản Kế hoạch tổng thể về phát triển kinh tế và xã hội số Thái Lan nhằm định hướng phát triển kinh tế và xã hội số của nước này trong giai đoạn 20 năm theo định hướng phát triển bền vững và áp dụng công nghệ số để đạt những kết quả cụ thể. Với kế hoạch đầy tham vọng này, Thái Lan sẽ nỗ lực trở thành một nền kinh tế số năng động dựa trên kiến thức, nhận thức, lực lượng lao động phù hợp và có khả năng tận dụng công nghệ và đổi mới kỹ thuật số. Bản kế hoạch bao gồm bốn chiến lược để hiện thực hóa các mục tiêu này.
Thủ đô Bangkok (Thái Lan). (Nguồn: picswe.com)
Thủ đô Bangkok (Thái Lan). (Nguồn: picswe.com)
Thủ đô Bangkok của Thái Lan. (Nguồn: bangkok.com)
Thủ đô Bangkok của Thái Lan. (Nguồn: bangkok.com)
Thủ đô Bangkok của Thái Lan dự kiến được đổi tên chính thức thành Krungthep Maha Nakhon (Ảnh: The Thaiger)
Thủ đô Bangkok của Thái Lan dự kiến được đổi tên chính thức thành Krungthep Maha Nakhon (Ảnh: The Thaiger)
Trong chiến lược đầu tiên, Thái Lan ưu tiên phát triển nguồn nhân lực ICT và lực lượng lao động số của Thái Lan với mục tiêu nâng cao năng lực cho 500.000 người trong lực lượng lao động kỹ thuật số. Đồng thời, nâng cao nhận thức trên toàn quốc và phát triển các kỹ năng số cơ bản cho 30 triệu người dân Thái Lan.
Chiến lược thứ hai trong kế hoạch này là chuyển đổi nền kinh tế Thái Lan sang nền kinh tế số. Theo đó, số lượng doanh nghiệp số sẽ được gia tăng lên 25.000 doanh nghiệp và giá trị thị trường kỹ thuật số cũng sẽ đạt mức tăng trưởng 10% mỗi năm. Đồng thời, tăng gấp đôi giá trị thị trường tổng thể của các doanh nghiệp số khởi nghiệp.
Với chiến lược thứ ba, Thái Lan sẽ đặt người dân làm trọng tâm trong quá trình phát triển xã hội số. Từ đó cho phép người dân được tiếp cận các công nghệ số để nâng cao mức sống. Chiến lược này đặt mục tiêu giúp 50% số người cao tuổi, nhóm người dễ tổn thương và 100% người khuyết tật được tiếp cận với các dịch vụ xã hội thông qua đổi mới kỹ thuật số.
Chiến lược cuối cùng của bản kế hoạch là phát triển cơ sở hạ tầng đổi mới kỹ thuật số với mục tiêu của chiến lược này là phát triển 7 thành phố thông minh trên khắp các vùng kinh tế của cả nước nhằm tăng mức đầu tư kỹ thuật số từ các viện đổi mới và công nghệ số lên trung bình 10% mỗi năm. Bảo đảm 30% doanh nghiệp vừa và nhỏ có kế hoạch quản lý an ninh mạng, cũng như xây dựng sự sẵn sàng cho một nền kinh tế và xã hội số.
Bản kế hoạch cũng được chia thành 4 giai đoạn triển khai bao gồm:
1) Xây dựng nền tảng số;
2) Hòa nhập kỹ thuật số;
3) Chuyển đổi số hoàn toàn;
4) Lãnh đạo số toàn cầu.
NHỮNG THÀNH CÔNG BAN ĐẦU
Tiến sĩ Kasititorn Pooparadai, Phó Chủ tịch Cơ quan Xúc tiến kinh tế số (DEPA) thuộc Bộ Xã hội và Kinh tế số Thái Lan khẳng định Thái Lan đã có sự khởi đầu vững chắc khi triển khai thành công hai giai đoạn đầu của kế hoạch và nền kinh tế Thái Lan đã sẵn sàng tiến vào giai đoạn thứ ba.
Theo bản báo cáo về Triển vọng Kỹ thuật số Thái Lan 2022, 88% hộ gia đình ở Thái Lan đã được tiếp cận Internet, cao hơn so mức 85,2% một năm trước. Tỷ lệ người sử dụng internet trên tổng dân số Thái Lan cũng đạt mức tăng nhẹ từ 84,3% năm 2021 lên 85% trong năm 2022. Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng các kênh trực tuyến để tiếp cận thị trường nước ngoài cũng đạt mức 26,3% trong năm 2022, tăng đột biến so với mức 3,2% trong năm 2021.
Còn theo một cuộc khảo sát của Văn phòng Thống kê quốc gia Thái Lan, đến năm 2021, 93,8% dân số nước này đã sử dụng điện thoại di động và 68,1% đã sử dụng các dịch vụ ngân hàng di động. Doanh thu từ thương mại điện tử ở Thái Lan đã tăng từ chưa đầy 1% GDP năm 2017 lên 4% năm 2021. Từ năm 2019 đến 2021, nền kinh tế kỹ thuật số Thái Lan đã đạt mức tăng trưởng hơn 140%, cao nhất trong số các nền kinh tế ASEAN. Sự tăng trưởng này dự báo sẽ được tiếp tục nhờ môi trường số thuận lợi và sự tăng trưởng các dịch vụ thanh toán kỹ thuật số, vốn đang phát triển mạnh kể từ khi Thái Lan ra mắt dịch vụ PromptPay.
Năm 2022, Thái Lan đứng thứ 46 trong tổng số 131 nền kinh tế được xếp hạng trong Chỉ số Sẵn sàng Kết nối (Network Readiness Index - NRI), tăng 18 bậc so với năm trước đó. Quốc gia này cũng đứng thứ ba trong số tám nền kinh tế Đông Nam Á với điểm số ở mức 56.
NRI được công bố tại Diễn đàn Kinh tế thế giới vào năm 2022 như một phần trong bản Báo cáo Công nghệ thông tin toàn cầu và đã được điều chỉnh vào năm 2019 để nêu ra các vấn đề về công nghệ truyền thông và thông tin hiện thời. Theo bản báo cáo này, tính cả về điểm số NRI và GPD trên đầu người, Thái Lan đều có mức độ sẵn sàng kết nối cao hơn so với mức thu nhập. Nhờ các chính sách của Chính phủ Thái Lan, quốc gia này đang đi trước các nước láng giềng về tốc độ phát triển nền kinh tế số và dần phát triển thành một trung tâm kỹ thuật số của khu vực ASEAN.
Với dự báo mà hãng tư vấn kinh tế AlphaBeta đưa ra rằng chuyển đổi số có thể giúp tạo ra 79,5 tỷ USD giá trị kinh tế mỗi năm cho Thái Lan, chính phủ nước này đang hết sức nỗ lực để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.
Tại Hội nghị cấp cao về Đầu tư và Kinh doanh ASEAN năm 2022, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha kêu gọi các thành viên trong khối tham gia hợp tác kỹ thuật số. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy các sáng kiến nhằm tạo ra một môi trường tốt hơn cho sự tích hợp các doanh nghiệp kỹ thuật số. Và để đạt được điều này, đầu tư vào việc nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật số là một bước đi quan trọng.
Phát biểu tại một diễn đàn về di động ở Thái Lan hồi tháng 10/2022, Phó Thủ tướng Prawit Wongsuwan khẳng định trong vài năm qua, Chính phủ Thái Lan đã đặt ưu tiên trong việc phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, là động lực cơ bản để thúc đẩy đất nước hướng tới một nền kinh tế kỹ thuật số. Chính phủ Thái Lan cũng đã đưa ra nhiều chính sách để hỗ trợ sự phát triển cơ sở hạ tầng cũng như thúc đẩy Thái Lan theo Chiến lược “Thái Lan 4.0”, đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng viễn thông và kỹ thuật số.
Ông khẳng định sự tiến bộ của nền kinh tế kỹ thuật số sáng tạo sẽ liên kết tất cả các ngành công nghiệp và cho phép người dân sử dụng công nghệ kỹ thuật số, đặc biệt là phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số 5G, đám mây, dữ liệu lớn và AI, nhằm mở ra cơ hội cho tất cả các ngành.
Chính phủ Thái Lan sẽ tập trung vào việc hợp tác với khu vực tư nhân để đẩy mạnh cơ sở hạ tầng phần cứng giúp củng cố nền kinh tế kỹ thuật số địa phương. Thái Lan cũng sẽ triển khai một cơ sở hạ tầng viễn thông quy mô lớn để đưa giúp người dân trên cả nước được tiếp cận dịch vụ internet tốc độ cao với chi phí phù hợp.
NHỮNG NỖ LỰC ĐẨY NHANH CHUYỂN ĐỔI SỐ
Tháng 12/2022, Ủy ban Kinh tế và Xã hội số quốc gia Thái Lan đã có cuộc họp dưới sự chủ trì của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha và nhất trí thông qua bản kế hoạch 5 năm giai đoạn 2023-2027 với mục tiêu đưa Thái Lan lọt vào tốp 30 Bảng xếp hạng cạnh tranh kỹ thuật số thế giới, đứng thứ 3 ASEAN và đưa mức đóng góp của nền kinh tế kỹ thuật số vào GDP quốc gia đạt 30%.
Với việc thông qua những mục tiêu nêu trên, Thái Lan chính thức bước vào triển khai giai đoạn ba trong Bản kế hoạch tổng thể về phát triển kinh tế và xã hội 20 năm của chính phủ Thái Lan nhằm thúc đẩy sự phát triển xã hội và kinh tế số quốc gia. Trong giai đoạn này, mục tiêu đặt ra là tích hợp hoàn toàn công nghệ số vào tất cả mọi ngành nghề, lĩnh vực trong nền kinh tế và xã hội Thái Lan.
Cuộc họp cũng đề cập tới giai đoạn chuyển đổi số số thứ tư với mục tiêu đưa Thái Lan trở thành quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực kỹ thuật số toàn cầu. Trong giai đoạn 4, nền kinh tế kỹ thuật số của Thái Lan sẽ đóng góp ít nhất 50% cho GDP Thái Lan và quốc gia này sẽ lọt vào 20 nước hàng đầu trong bảng xếp hạng thế giới, thứ hai ASEAN.
Để hiện thực hóa những mục tiêu đã đặt ra, gần đây, Ủy ban Kinh tế và Xã hội số quốc gia Thái Lan (ONDE) đã công bố tám dự án lớn về chuyển đổi số cho năm 2023.
Tổng thư ký ONDE Puchaphong Nodthaisong cho biết tám dự án này được thiết kế phù hợp với xu thế công nghệ và tình hình kinh tế hiện nay ở Thái Lan cũng như trên thế giới. Các dự án này cũng sẽ giúp định hình các xu hướng phát triển tương lai nhằm bảo đảm Thái Lan sẵn sàng cho các giai đoạn chuyển đổi số quốc gia tiếp theo.
Dự án đầu tiên là dự án đào tạo kỹ năng số cho các cơ quan chính phủ. Dự án này sẽ thực hiện triển khai thêm 70 khóa đào tạo kỹ thuật số cho các quan chức chính phủ ngoài 60 khóa đã được triển khai.
Tiếp theo là dự án Khảo sát Triển vọng Kỹ thuật số Thái Lan 2023. Dự án này được triển khai để thu thập những dữ liệu quan trọng cho sự phát triển kinh tế và xã hội kỹ thuật số của quốc gia. ONDE sẽ sử dụng các tham số phù hợp với hướng dẫn do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đưa ra để đo lường và đánh giá quá trình chuyển đổi số của Thái Lan.
Trong khi đó, đề án thứ 3 liên quan tới những nỗ lực nhằm cải thiện việc đo lường nền kinh tế kỹ thuật số của Thái Lan và những đóng góp của nó vào GPD quốc gia, phù hợp với hướng thay đổi cấu trúc kinh tế.
Dự án thứ 4 nhằm phát triển một mạng lưới tình nguyện viên kỹ thuật số. Dự án này đặt mục tiêu trang bị kỹ năng kỹ thuật số cho người dân tại các cộng đồng dân cư, thuyết phục người dân tận dụng công nghệ số để nắm bắt cơ hội tạo thu nhập mới.
Theo ông Putchapong, dự án thứ 5 liên quan tới những nỗ lực nhằm đẩy mạnh áp dụng hệ sinh thái 5G trong các mục đích thương mại. ONDE hiện đang trong quá trình soạn thảo một bản dự thảo kế hoạch hành động quảng bá công nghệ 5G giai đoạn 2 và một bản dự thảo hướng dẫn thúc đẩy công nghệ 5G trong các ngành công nghiệp lõi giai đoạn 2023-2027.
Dự án thứ 6 liên quan tới sự phát triển hạ tầng kỹ thuật số và dịch vụ an ninh. Trong năm 2023. ONDE sẽ nâng cấp các dịch vụ thuộc Trung tâm Dữ liệu và Dịch vụ đám mây của Chính phủ.
Đối với dự án thứ 7, ONDE có kế hoạch sẽ thúc đẩy giai đoạn hai chương trình Di sản văn hóa kỹ thuật số. Trong đó các nguồn tài nguyên văn hóa quốc gia sẽ được đưa ra trưng bày theo định dạng kỹ thuật số, hỗ trợ Thái Lan sử dụng quyền lực mềm thu được lợi ích.
Dự án cuối cùng được đưa ra nhằm hỗ trợ Quỹ Phát triển kinh tế và xã hội số cung cấp hỗ trợ tài chính cho các nhà khoa học để thúc đẩy sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Năm 2022, Thái Lan đã tài trợ khoảng 74,5 triệu USD cho 600 dự án được đề xuất, trong đó 41 dự án đủ điều kiện triển khai.
Ngày xuất bản: 27/1/2023
Nội dung: Nam Đông
Trình bày: Phùng Trang
Ảnh: TTXVN, Báo Nhân Dân, The Thaiger, Shutterstock, picswe.com, bangkok.com