Thái Lan

học cách
chung sống với
đại dịch Covid-19

Chuyên đề Chiến lược chống dịch Covid-19 nào đối phó “bão Delta"? cung cấp góc nhìn đa chiều về sự điều chỉnh, thay đổi chiến lược chống dịch trên thế giới, ngay cả ở những nơi từng là “hình mẫu” trong giai đoạn đầu.

Sau 4 tháng nỗ lực khống chế đợt dịch mới bùng phát từ biến thể Delta, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã đề xuất điều chỉnh các quan điểm và chiến lược chống dịch theo hướng để người dân có thể “học cách sống chung một cách an toàn với dịch Covid-19”, đồng thời đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine.

Thái Lan đã từng khống chế thành công các đợt dịch Covid-19, nhưng từ tháng 4/2021, quốc gia Đông Nam Á này đã chứng kiến làn sóng Covid-19 thứ ba bùng phát dữ dội. Nguyên nhân của đợt dịch này được cho là do biến chủng Alpha và Delta với khả năng siêu lây nhiễm.

Khi tình hình dịch bệnh trở nên phức tạp với số ca nhiễm tăng đột biến, trung tuần tháng 7, Chính phủ Thái Lan đã phải áp dụng lệnh phong tỏa, giới nghiêm vào ban đêm tại nhiều khu vực, trong đó có thủ đô Bangkok. Song song với các biện pháp hạn chế xã hội nghiêm ngặt, nước này cũng tăng tốc chương trình tiêm chủng song song với đa dạng hóa nguồn vaccine ngừa Covid-19.

Du khách tại khu phố Tàu ở thủ đô Bangkok hồi tháng 1/2021 (Ảnh: REUTERS)

Du khách tại khu phố Tàu ở thủ đô Bangkok hồi tháng 1/2021 (Ảnh: REUTERS)

Số ca mắc mới liên tục lập kỷ lục buồn, đỉnh điểm lên tới 23.000 ca mắc mới trong ngày vào đầu tháng 8, nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này cho tới nay là hơn 1,19 triệu ca và 11.399 ca tử vong. Trong đó, 97% số ca mắc Covid-19 ghi nhận trong vòng 5 tháng qua.

Tuy nhiên, số ca mắc mới tại Thái Lan những ngày gần đây đang có chiều hướng giảm trong bối cảnh chính phủ đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine.

Tăng tốc tiêm chủng

Thực hiện chiến dịch tiêm chủng đại trà từ tháng 2, nhưng đến tháng 6, Thái Lan mới tăng tốc tiêm chủng để giảm thiểu tổn thất về người và kinh tế do các biến thể của SARS-Cov-2 gây ra. Cho tới nay, khoảng 11% trong hơn 66 triệu dân số Thái Lan đã tiêm đủ liều vaccine ngừa Covid-19.

Theo số liệu của Bộ Y tế Thái Lan, tính đến hết ngày 2/9, nước này đã tiến hành tiêm chủng được tổng cộng 34,29 triệu mũi vaccine ngừa Covid-19 cho người dân. Trong đó, có hơn 24,54 triệu người đã được tiêm 1 mũi; 9,15 triệu người đã được tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine và 597 nghìn người được tiêm mũi thứ 3.

Thái Lan đặt mục tiêu có được 140 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 trong năm nay. Ngay từ đầu, Chính phủ Thái Lan đã chủ động tiếp cận các nguồn vaccine nước ngoài như AstraZeneca và Sinovac. Nước này cũng tận dụng mua vaccine ngừa Covid-19 của hãng AstraZeneca từ lợi thế là nước đặt nhà máy sản xuất của hãng.

Ngày 27/8, quan chức y tế cấp cao Kiattiphum Wongrajit thông báo với báo giới rằng nước này đang đàm phán với một số quốc gia châu Âu để có được lượng vaccine cần thiết.

Bên cạnh việc tiếp cận nguồn vaccine nước ngoài, nước này cũng đang nỗ lực chủ động nguồn vaccine nội địa.

Biểu đồ cho thấy Thái Lan nỗ lực bứt tốc chiến dịch tiêm chủng đại trà trong bối cảnh dịch bùng phát mạnh.

Biểu đồ cho thấy Thái Lan nỗ lực bứt tốc chiến dịch tiêm chủng đại trà trong bối cảnh dịch bùng phát mạnh.

Hiện nay, loại vaccine ngừa Covid-19 dạng mRNA do trường Đại học Chulalongkorn nghiên cứu đang cho kết quả triển vọng. Loại vaccine này đã đạt thành công trong giai đoạn thử nghiệm trên người đầu tiên và dự kiến sẽ xin cấp phép sử dụng khẩn cấp vào tháng 4 năm tới. Thủ tướng Thái Lan cho biết, Chính phủ sẽ có sự hỗ trợ về tài chính cho dự án này.

Thái Lan cũng đang xúc tiến việc tiêm chủng cho 4 triệu học sinh trong độ tuổi từ 12 đến 18 tuổi cũng như các giáo viên trong ngành giáo dục để mở cửa lại trường học một cách an toàn. Đồng thời, tiếp tục đẩy nhanh việc tiêm vaccine cho các nhóm người có nguy cơ cao, trong có cả những người nước ngoài đang sinh sống tại Thái Lan.

Người dân đứng chờ làm xét nghiệm nhanh Covid-19 tại thủ đô Bangkok hôm 15/7/2021 (Ảnh: REUTERS)
Tiêm chủng tại Bangkok vào tháng 5/2021 (Ảnh: REUTERS)
Một phụ nữ tiêm vaccine ngừa Covid-19 của hãng Sinovac tại bệnh viện Samut Sakhon ở tỉnh Samut Sakhon, Thái Lan hôm 28/2/2021 (Ảnh: REUTERS)

Chung sống an toàn

Tại buổi họp báo thường kỳ về tình hình dịch Thái Lan hôm 27/8, trợ lý phát ngôn viên CCSA Apisamai Srirangson cho biết, hiện số ca Covid-19 hồi phục mỗi ngày ở nước này đã vượt qua số ca nhiễm mới. Do đó, chính phủ Thái Lan đã quyết định nới lỏng một số biện pháp phòng ngừa, kiểm soát dịch đang được áp dụng tại các 29 tỉnh thành có nguy cơ cao, trong đó có thủ đô Bangkok.

Thủ tướng Thái Lan đề xuất điều chỉnh các quan điểm và chiến lược xử lý tình hình dịch theo hướng để người dân có thể “học cách sống chung một cách an toàn với dịch Covid-19” bằng cách thừa nhận rằng Covid-19 sẽ không bao giờ biến mất và sẽ tiếp tục biến đổi.

Để thực hiện điều này, cần phải nhắm tới mục tiêu bảo đảm sự cân bằng giữa các biện pháp kiểm soát dịch và cho phép người dân quay trở lại cuộc sống bình thường, cũng như các hoạt động kinh tế diễn ra bình thường.

Máy bay chở những du khách nước ngoài đầu tiên tới hòn đảo nghỉ dưỡng Phuket theo chương trình “Hộp cát Phuket” hôm 1/7 (Ảnh: REUTERS)

Máy bay chở những du khách nước ngoài đầu tiên tới hòn đảo nghỉ dưỡng Phuket theo chương trình “Hộp cát Phuket” hôm 1/7 (Ảnh: REUTERS)

Thủ tướng Thái Lan cho hay, từ một số mô hình mở cửa du lịch như “hộp cát Phuket” (bắt đầu được triển khai từ 1/7) và mô hình Samui Plus (bắt đầu từ ngày 15/7), Thái Lan sẽ dần triển khai các mô hình tương tự tại một số khu vực khác và sẵn sàng cho mục tiêu từng bước mở cửa đất nước, tuân thủ các quy định phòng dịch DMHTT (viết tắt của các chữ tiếng Anh: Giãn cách - Đeo khẩu trang - Rửa tay - Xét nghiệm - ứng dụng Thai Chana”).

Nhằm thúc đẩy hoạt động kinh tế, dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, Cơ quan hàng không dân dụng Thái Lan (CAAT) ngày 29/8 thông báo chính phủ nước này sẽ cho phép nối lại một số chuyến bay nội địa đến và đi từ Bangkok và một số khu vực có nguy cơ cao khác kể từ ngày 1/9.

Người dân Thái Lan có thể “học cách sống chung một cách an toàn với dịch Covid-19” (Ảnh: REUTERS)

Người dân Thái Lan có thể “học cách sống chung một cách an toàn với dịch Covid-19” (Ảnh: REUTERS)

Tuy nhiên, những chuyến bay này chỉ được phép hoạt động 75% công suất và các hành khách phải tuân thủ các biện pháp phòng dịch như có chứng nhận đã tiêm vaccine ngừa Covid-19 và có kết quả xét nghiệm Covid-19. Các hãng hàng không gồm Asia Aviation và Bangkok Airways đã thông báo nối lại một số chuyến bay nội địa từ tuần tới.

Cũng từ ngày 1/9, các trung tâm mua sắm, tiệm cắt tóc, mát-xa chân và sân thể thao ở 29 tỉnh có nguy cơ cao bao gồm cả Bangkok, được phép hoạt động trở lại, trong khi các nhà hàng có thể mở cửa phục vụ thực khách.

Biểu báo cho thấy cửa hàng đã tiêm phòng đầy đủ cho nhân viên khi các lệnh phong tỏa được nới lỏng để phục hồi nền kinh tế từ ngày 1/9 (Ảnh: REUTERS)

Biểu báo cho thấy cửa hàng đã tiêm phòng đầy đủ cho nhân viên khi các lệnh phong tỏa được nới lỏng để phục hồi nền kinh tế từ ngày 1/9 (Ảnh: REUTERS)

Nhà chức trách Thái Lan yêu cầu các nhà điều hành kinh doanh bảo đảm nhân viên phục vụ được tiêm chủng đầy đủ và thường xuyên xét nghiệm với bộ kít kháng nguyên, đồng thời yêu cầu khách hàng xuất trình bằng chứng đã tiêm phòng và xét nghiệm âm tính với Covid-19.

Quyết định mở cửa trở lại và học cách sống chung với Covid-19 tại Thái Lan cũng đang gây nhiều tranh cãi. Các chuyên gia y tế cho rằng quyết định nới lỏng các biện pháp chống dịch vào thời điểm này có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ do tỷ lệ tiêm chủng và lượng mẫu xét nghiệm còn thấp. Trong khi đó, tỷ lệ xét nghiệm cho kết quả dương tính với SARS-Cov-2 ở nước này vẫn cao hơn nhiều so với mức đề xuất 5% của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Chia sẻ với Reuters hôm 1/9 về quyết định mở cửa của Thái Lan (cũng như Indonesia), ông Abhishek Rimal - điều phối viên y tế khẩn cấp khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế - nói “Chúng tôi thật sự lo ngại về việc mở cửa lại khi chưa đáp ứng tất cả các tiêu chí do WHO đề xuất”.

Cụ thể, tỷ lệ xét nghiệm cho kết quả dương tính ở Thái Lan là 34% và tỷ lệ tiêm đủ liều vaccine ngừa Covid-19 là 11%.

"Giờ đây, với biến thể Delta có tốc độ lây lan nhanh và tỷ lệ tiêm chủng còn thấp, chúng ta rất có thể sẽ chứng kiến số ca Covid-19 tăng cao trong những ngày tới", ông Rimal cảnh báo.

Trong khi đó, ông Dale Fisher, chuyên gia bệnh truyền nhiễm cấp cao tại Bệnh viện ĐH quốc gia Singapore, cho rằng, có thể hiểu được việc nới lỏng phong tỏa để cứu nền kinh tế. Nhưng chuyên gia này nhấn mạnh, việc có phải tái áp dụng lệnh phong tỏa hay không phụ thuộc chính vào tiến độ tiêm chủng đại trà.


Tổ chức sản xuất: VIỆT ANH
Thực hiện: NGUYỄN TRANG, HỒNG VÂN, PHAN ANH
Ảnh: REUTERS, Nguồn tin và dữ liệu: NDĐT, REUTERS, Our World in Data.