Thái Lan trong cuộc chiến với

Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ

Bangkok những ngày đầu tháng 2 bầu không khí bị ô nhiễm cao.

Bangkok những ngày đầu tháng 2 bầu không khí bị ô nhiễm cao.

Việc đẩy lùi ô nhiễm không khí từ lâu đã trở thành một trong những ưu tiên hành động của Chính phủ Thái Lan, đặc biệt từ khi vấn đề bụi mịn PM2.5 gây ra những hậu quả nghiêm trọng và được chú ý từ năm 2019.

Trong các biện pháp mà Thái Lan áp dụng, nổi bật là kế hoạch hành động quốc gia Giải quyết vấn đề ô nhiễm bụi mịn giai đoạn 2019-2024. Tuy nhiên, để các kế hoạch được triển khai hiệu quả, cần có nỗ lực mạnh mẽ và sự phối hợp chặt chẽ của tất cả các bên, từ các nhà làm luật cho đến các cơ quan chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

MỐI QUAN NGẠI LỚN VỚI SỨC KHOẺ CỘNG ĐỒNG

Không chỉ riêng ở Thái Lan, vấn đề ô nhiễm không khí, đặc biệt là ô nhiễm bụi mịn PM2.5 đã xảy ra tại nhiều nước trên thế giới, kể cả ở một số nước châu Âu, nơi các biện pháp ngăn chặn ô nhiễm không khí được tiến hành một cách thường xuyên trong nhiều năm qua.

Ô nhiễm không khí là mối quan ngại lớn đối với sức khỏe cộng đồng, chủ yếu là do nồng độ cao các hạt bụi mịn trong không khí mà chỉ tiếp xúc trong thời gian ngắn có thể gây ra các vấn đề về hô hấp như ho, thở khò khè và khó thở, trong khi tiếp xúc trong thời gian dài có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bệnh tim mạch, đột quỵ và ung thư phổi. Các nhóm dễ bị tổn thương trước ô nhiễm không khí gồm trẻ em, người già, phụ nữ mang thai và những người có bệnh lý nền.

Người dân thủ đô Bangkok đeo khẩu trang để ngăn bụi mịn khi đi ngoài đường trong những ngày chỉ số ô nhiễm không khí ở mức nguy hại.

Người dân thủ đô Bangkok đeo khẩu trang để ngăn bụi mịn khi đi ngoài đường trong những ngày chỉ số ô nhiễm không khí ở mức nguy hại.

Ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây ra 7 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm. Trong số các chất gây ô nhiễm không khí, các hạt có đường kính dưới 2,5 micromet, còn được gọi là PM2.5, có nguy cơ lớn nhất đối với sức khỏe. PM2.5 nhỏ đến mức chúng có thể đi sâu vào đường hô hấp và thậm chí khuếch tán vào máu. Một khi chúng đã vào cơ thể thì không thể lấy ra được. Trẻ em đặc biệt dễ bị tổn thương hơn trước tình trạng ô nhiễm không khí vì chúng có nhịp thở nhanh hơn người lớn, do đó hít phải nhiều chất ô nhiễm hơn.

Mạng lưới không khí sạch Thái Lan (Thailand Can) cho biết, tại Thái Lan có nhiều nguồn và mức độ ô nhiễm không khí khác nhau tùy theo khu vực. Các nguồn gây ô nhiễm không khí chính ở Thái Lan gồm hoạt động đốt sinh khối (hoạt động đốt trong nông nghiệp, cháy rừng và đốt rác thải ngoài trời), ô nhiễm công nghiệp, ô nhiễm từ phương tiện giao thông và khói mù xuyên biên giới. Chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại nhiều nơi ở Thái Lan, trong đó có thủ đô Bangkok thường ở mức không lành mạnh, cho thấy nguy cơ sức khỏe đáng kể đối với người dân.

Người dân thủ đô Bangkok đeo khẩu trang để ngăn bụi mịn khi đi ngoài đường trong những ngày chỉ số ô nhiễm không khí ở mức nguy hại.

Người dân thủ đô Bangkok đeo khẩu trang để ngăn bụi mịn khi đi ngoài đường trong những ngày chỉ số ô nhiễm không khí ở mức nguy hại.

Theo Bộ Y tế công cộng Thái Lan, ô nhiễm không khí ở nước này khiến khoảng 2 triệu người phải cần được chăm sóc y tế vào năm 2023. Trước đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính năm 2019 có hơn 31.000 ca tử vong ở Thái Lan do các nguyên nhân liên quan ô nhiễm không khí. Tổ chức Greenpeace Đông Nam Á công bố báo cáo cho thấy, ô nhiễm bụi mịn PM 2.5 là nguyên nhân gây ra khoảng 29.000 ca tử vong ở Thái Lan vào năm 2021, con số này cao hơn số ca tử vong do tai nạn giao thông, sử dụng ma túy và giết người cộng lại.

Nghiên cứu do Phó Giáo sư Witsanu Attavanich, một nhà kinh tế môi trường tại Đại học Kasetsart thực hiện ước tính rằng chi phí xã hội do PM2.5 gây ra trên toàn Thái Lan năm 2019 tương đương 2,17 nghìn tỷ baht, chiếm gần 11% tổng sản phẩm quốc nội của năm đó.

"Chi phí cho ô nhiễm không khí là rất lớn. Nếu vấn đề không được giải quyết và tiếp diễn trong tương lai, chi phí sẽ tích tụ hàng năm. Phát triển kinh tế có đáng để sức khỏe của người dân Thái Lan suy giảm không?", nhà kinh tế học Witsanu Attavanich đặt câu hỏi. Ông nói thêm rằng nguồn nhân lực của đất nước sẽ suy giảm nếu ô nhiễm không khí tiếp tục gây hại cho sức khỏe của các thế hệ tương lai.

Phản ứng cấp bách của thủ đô Bangkok

Ngày 21/1/2025, truyền thông Thái Lan đồng loạt đưa tin mức độ bụi siêu mịn không an toàn đã được báo cáo tại 70 trong số 76 tỉnh của Thái Lan, trong đó tình trạng ô nhiễm không khí tồi tệ nhất được ghi nhận ở khu vực thủ đô Bangkok.

Theo dữ liệu do Cơ quan Phát triển Công nghệ Vũ trụ và Địa tin học (GISTDA) của Thái Lan thu thập ngày 21/1, mức PM2.5 cực kỳ không lành mạnh đã được ghi nhận trên khắp Bangkok, trong đó khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là quận Nong Khaem với mức PM2.5 146,5µg/m³. Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Công cộng Thái Lan Somsak Thepsutin trích dẫn một nghiên cứu từ Đại học Chicago cho biết việc tiếp xúc lâu dài với mức PM2.5 vượt quá 37,5 µg/m³ có thể rút ngắn tuổi thọ của một người khoảng một năm.

Một góc thành phố Bangkok sáng sớm ngày 23/1/2025.

Một góc thành phố Bangkok sáng sớm ngày 23/1/2025.

Cuộc khủng hoảng ô nhiễm bụi mịn PM2.5 đang diễn ra ở Bangkok đã thúc đẩy Cơ quan Quản lý Đô thị Bangkok (BMA) đưa ra các biện pháp cấp bách, trong đó có việc công bố sáng kiến kêu gọi người dân làm việc tại nhà (Work From Home - WFH) trong các ngày 20 và 21/1 và có thể gia hạn nếu tình trạng ô nhiễm tiếp diễn nghiêm trọng. Người phát ngôn của BMA Ekwaranyu Amrapal cho biết sáng kiến WFH đã thu hút gần 100.000 cá nhân trên nhiều lĩnh vực khác nhau tham gia.

Giải pháp cấp bách của BMA trong những ngày ô nhiễm không khí ở mức ngay hại gồm:

Hướng dẫn cho các trường học ở Bangkok:

Người đứng đầu trường học được khuyến cáo cân nhắc đóng cửa trường học dựa trên mức PM2.5 cụ thể sau:
1. Mức PM2.5 từ 37,6–75 µg/m³ (Vùng cam):
• Hiệu trưởng nhà trường có thể cho phép đóng cửa trường trong tối đa 3 ngày.
• Chủ tịch quận có thể cho phép đóng cửa trong thời gian tối đa 7 ngày.

2. Mức PM2.5 vượt quá 75 µg/m³ (Vùng đỏ) trong ba ngày liên tiếp:
• Giám đốc Sở Giáo dục có thể cho phép đóng cửa trường học trong thời gian tối đa 15 ngày.
• Thống đốc Bangkok có thể cho phép đóng cửa vô thời hạn nếu mức độ ô nhiễm ảnh hưởng đến hơn 5 quận trong thủ đô.

Nếu trường học đóng cửa, các nhà quản lý phải tổ chức các lớp học bù hoặc áp dụng các phương pháp giảng dạy thay thế như học trực tuyến. Đối với các trường vẫn mở cửa, phải chỉ định các khu vực an toàn cho học sinh dễ bị tổn thương và phải thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt giảm thiểu bụi.

Quy trình làm việc mới dành cho công chức BMA

Chính quyền thủ đô cũng cập nhật lịch làm việc của công chức để phù hợp với mức độ nghiêm trọng của PM2.5. Các biện pháp gồm:
• Giờ làm việc ở văn phòng được sắp xếp so le.
• Lịch làm việc theo giờ tại văn phòng.
• Sắp xếp công việc từ xa cho các nhiệm vụ không yêu cầu tương tác trực tiếp và có thể giải quyết trực tuyến.

Nỗ lực giảm khí thải từ giao thông

Văn phòng Môi trường BMA báo cáo những tiến bộ đáng kể trong việc giảm phát thải:
• Đăng ký Danh sách Xanh: 31.041 xe sáu bánh đã được đăng ký vào Danh sách Xanh, vượt mục tiêu ban đầu là 10.000 xe.
• Chiến dịch giảm ô nhiễm xe cộ: 229.711 xe đã tham gia chương trình thay thế bộ lọc không khí, góp phần giảm 12% PM2.5 từ khí thải giao thông và giảm 8% tổng lượng ô nhiễm.

Chính quyền thủ đô Bangkok kêu gọi người dân hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân trong những ngày chỉ số ô nhiễm không khí ở mức nguy hại.

Chính quyền thủ đô Bangkok kêu gọi người dân hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân trong những ngày chỉ số ô nhiễm không khí ở mức nguy hại.

Nỗ lực tổng thể từ các bên

Chính phủ Thái Lan đang xây dựng Đạo luật Không khí sạch và dự kiến sẽ được phê chuẩn vào tháng 4 tới. Đây sẽ là một bước tiến quan trọng hướng tới giải quyết cuộc khủng hoảng ô nhiễm không khí ở Thái Lan. Ông Buntoon Srethairote, Chủ tịch nhóm làm việc về Đạo luật Không khí sạch cho biết tiến trình xây dựng văn bản luật này đang tiến triển, với cấu trúc toàn diện gồm 10 chương.

Các công cụ thực thi chính trong đạo luật gồm các khái niệm như "khu vực phát thải thấp", nơi chỉ có xe điện (EV) mới được phép ra vào không hạn chế. Xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch có thể đối mặt các hạn chế về việc sử dụng hoặc phải trả phí phát thải để vào một số khu vực nhất định. Mỗi tỉnh hoặc quận có thể điều chỉnh các biện pháp này cho phù hợp nhu cầu của mình.

Việc soạn thảo Đạo luật Không khí sạch có sự tham gia của đại diện từ tất cả các đảng phái chính trị, nhằm giải quyết các xung đột tiềm ẩn trong giai đoạn soạn thảo, giảm khả năng xảy ra các cuộc tranh luận sau này trong Quốc hội. Đạo luật này được thiết kế để giải quyết nhiều lĩnh vực khác nhau, gồm giao thông vận tải, công nghiệp và ô nhiễm xuyên biên giới.

Về các chỉ số chính đánh giá sự thành công của Đạo luật Không khí sạch, ông Buntoon giải thích rằng việc giảm diện tích cháy sẽ làm giảm ô nhiễm không khí và giảm số bệnh nhân mắc các bệnh về đường hô hấp. Giảm ô nhiễm không khí, thông qua việc giảm đốt cháy như đốt nhiên liệu trong ô tô và nhà máy, và đốt rác thải ngoài trời trong hộ gia đình hoặc nông nghiệp có thể cứu sống nhiều người. Một nghiên cứu ước tính rằng việc giảm 20% ô nhiễm không khí có thể giảm tới 25% số ca tử vong có thể tránh được mỗi năm.

Một góc thành phố Bangkok sáng sớm ngày 23/1/2025.

Một góc thành phố Bangkok sáng sớm ngày 23/1/2025.

Cho đến cuối tháng 1 năm nay, khi mức độ ô nhiễm tăng cao tại nhiều tỉnh của Thái Lan, trong đó ô nhiễm bụi mịn PM2.5 có thể thấy rõ tại Bangkok và vùng phụ cận, chính phủ Thái Lan đã khẩn cấp đưa ra một số chính sách tạm thời nhằm bảo vệ sức khỏe người dân cũng như giảm lượng bụi ô nhiễm. Một khoản ngân sách trị giá 140 triệu baht được chính phủ tung ra nhằm bù lỗ cho các doanh nghiệp vận tải để người dân Bangkok và vùng phụ cận được miễn phí sử dụng các loại phương tiện công công như xe buýt, tầu điện ngầm, các loại tầu điện trên cao từ ngày 25-31/1.

Chính quyền thủ đô Bangkok kêu gọi người dân hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân trong những ngày chỉ số ô nhiễm không khí ở mức nguy hại.

Chính quyền thủ đô Bangkok kêu gọi người dân hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân trong những ngày chỉ số ô nhiễm không khí ở mức nguy hại.

Đến ngày 28/1, Thủ tướng Thái Lan đã chỉ đạo tăng ngân sách lên 620 triệu baht để hỗ trợ các ban ngành của nước này áp dụng các chính sách nhằm ngăn chặn khói bụi ô nhiễm đã ở mức báo động. Ngày 31/1, Chính phủ Thái Lan tuyên bố siết chặt quản lý các xe vận tải như đề ra khu vực hạn chế xe tải, rút ngắn thời gian chỉnh sửa hệ thống khí thải từ 30 xuống còn 15 ngày đối với các loại xe cũ trong diện bị khuyến cáo vi phạm thải ra khói đen, đặc biệt có thể cấm lưu hành vĩnh viễn nếu những loại xe này tái vi phạm. Các biện pháp khác nhằm hạn chế ô nhiễm đã được thắt chặt và giám sát kỹ như tại các khu vực xây dựng cơ sở hạ tầng lớn, ban quản lý được lệnh phải quây kín công trình xây dựng và khu vực tập kết vật liệu xây dựng, xe vận tải phải rửa kỹ bánh xe khi ra vào công trình.

Một góc thành phố Bangkok sáng sớm ngày 23/1/2025.

Một góc thành phố Bangkok sáng sớm ngày 23/1/2025.

Một nghiên cứu tại Thái Lan đã chỉ ra rằng, việc đốt rơm rạ để chuẩn bị cho vụ mùa là nguyên nhân chính gây ra bụi mịn PM2.5, gấp 5 lần so việc người nông dân đốt mía khô để chuẩn bị cho vụ mùa tiếp theo. Chính vì vậy, mới đây nhất, ngày 5/2, Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan đã ra thông báo về việc không cho các công ty, hộ gia đình hoặc cá thể làm nông nghiệp tham gia các chương trình hỗ trợ của chính phủ về nông nghiệp bắt đầu từ ngày 1/6 năm nay đến ngày 31/5/2027, nếu bị phát hiện từng bị ghi vào hồ sơ là có liên quan việc đốt nương rẫy từ ngày 17/1 đến ngày 31/5 năm nay. Chính sách cứng rắn này nhằm ngăn chặn triệt để nạn đốt nương làm rẫy vốn đã trở thành điều bình thường của rất nhiều nông dân một số tỉnh phía bắc và vùng Đông Bắc Thái Lan.

Trong khi Bangkok và các tỉnh phía bắc bị ô nhiễm nặng, một số tỉnh phía nam Thái Lan, nhất là các tỉnh giáp biển hoặc các đảo du lịch, bầu không khí vẫn đạt chất lượng tốt.

Trong khi Bangkok và các tỉnh phía bắc bị ô nhiễm nặng, một số tỉnh phía nam Thái Lan, nhất là các tỉnh giáp biển hoặc các đảo du lịch, bầu không khí vẫn đạt chất lượng tốt.

Mặc dù đã đưa vấn đề phòng chống khói bụi lên các chương trình nghị sự của chính phủ, quốc hội, các tổ chức bảo vệ môi trường và các tổ chức xã hội khác, tuy nhiên báo chí Thái Lan cho rằng, ô nhiễm khói bụi khó có thể giải quyết triệt để khi chưa có được cơ chế hợp tác chặt chẽ trong khu vực.

Lượng bụi mịn PM2.5 tại Thái Lan được cho là có một phần nguyên nhân từ việc khói bụi của các nước láng giềng theo các đợt gió mùa, thổi vào trong nội địa Thái Lan. Mặc dù Thái Lan đã tham gia Hiệp định ASEAN về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới, tuy nhiên, truyền thông Thái Lan đánh giá, sự hợp tác trong khối là chưa đủ để ngăn chặn hiệu quả ảnh hưởng của khói bụi giữa các nước với nhau.

Năm 2019, Chính phủ Thái Lan đưa ô nhiễm không khí trở thành ưu tiên quốc gia và công bố Kế hoạch hành động quốc gia Giải quyết vấn đề ô nhiễm bụi mịn 2019-2024. Kế hoạch này nhằm mục đích trao quyền cho chính quyền địa phương để giải quyết tốt hơn các nguồn gây ô nhiễm không khí.

Tiến sĩ Wirun Limsawart, Giám đốc Viện Xã hội và Sức khỏe, Bộ Y tế Công cộng Thái Lan cho rằng Kế hoạch đã được soạn thảo tốt nhưng còn nhiều lỗ hổng trong quá trình thực hiện, đồng thời nói thêm rằng Thái Lan cần một bộ luật mới và lực lượng thực thi pháp luật mạnh mẽ để giải quyết các vấn đề phức tạp và sâu rộng như ô nhiễm không khí.

Tiến sĩ Jos Vandelaer, Đại diện WHO tại Thái Lan cho biết, việc giải quyết ô nhiễm không khí đòi hỏi nỗ lực từ tất cả mọi người, từ cá nhân, cộng đồng, cơ quan, ngành công nghiệp, đến các nhà hoạch định chính sách và người thực thi, trong tất cả các nhánh của chính phủ. Không khí kém chất lượng phải được xem là thứ “không thể chấp nhận” được.

Ngày xuất bản: 9/2/2025
Tổ chức thực hiện: PHẠM TRƯỜNG SƠN
Nội dung: XUÂN SƠN – ĐINH TRƯỜNG
Trình bày: SƠN BÁCH