Từ cuối năm 1953, bằng những đòn tiến công chiến lược trên các chiến trường, quân và dân Việt Nam đã đập tan ý định tập trung khối chủ lực cơ động mạnh tại đồng bằng Bắc Bộ của Nava. Chủ lực Pháp bị phân tán và kìm giữ trên nhiều khu vực1, ngày càng lún sâu vào thế bị động, buộc phải tập trung lực lượng lớn2 tại Điện Biên Phủ để xây dựng tập đoàn cứ điểm, với hệ thống cụm cứ điểm liên hoàn, công sự vững chắc, vật cản phức tạp, hỏa lực mạnh, được không quân chi viện tối đa, hòng tiến hành trận giao chiến chiến lược để tiêu diệt bộ đội chủ lực ta. Cả thực dân Pháp và can thiệp Mỹ đều hài lòng về Điện Biên Phủ, coi đây “là một pháo đài không thể công phá”3. Trong tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, cụm cứ điểm Him Lam (Bê-a-tơ-ri-xơ) thuộc Phân khu Trung tâm, cùng với các trung tâm đề kháng đồi Độc Lập, Bản Kéo của Phân khu Bắc tạo thành trận địa phòng ngự tiền duyên án ngữ phía Bắc và Đông Bắc, bảo vệ Mường Thanh.

Thực hiện kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954, Hội nghị Bộ Chính trị (họp ngày 6/12/1953), đã thông qua quyết tâm của Tổng Quân ủy: “Tập trung đại bộ phận chủ lực tinh nhuệ mở chiến dịch tiến công tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ”4. Để thực hiện quyết tâm trên, Bộ Chỉ huy chiến dịch chọn phương châm đánh chắc, tiến chắc, cách đánh tập trung ưu thế binh hỏa lực đánh từng trận hay một số trận gối đầu liên tiếp, diệt từng cứ điểm, cụm cứ điểm ngoại vi, “bóc vỏ” từ ngoài, mở đường tiến vào cánh đồng Mường Thanh. Với cách đánh này, Bộ chỉ huy chiến dịch chọn Him Lam là mục tiêu mở đầu. Đại đoàn 312 (thiếu Trung đoàn 165) được tăng cường “2 đại đội sơn pháo 75mm, 2 đại đội cối 120mm, 2 đại đội cối 82mm”5 có nhiệm vụ tiến công Him Lam, mở đầu chiến dịch Điện Biên Phủ; quá trình chiến đấu được 2 đại đội lựu pháo 105mm trực tiếp chi viện.

Thực hiện kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954, Hội nghị Bộ Chính trị (họp ngày 6/12/1953), đã thông qua quyết tâm của Tổng Quân ủy: “Tập trung đại bộ phận chủ lực tinh nhuệ mở chiến dịch tiến công tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ”.

Đúng 17 giờ 5 phút ngày 13/3, pháo binh ta thực hành hỏa lực chuẩn bị đạt hiệu quả cao, tạo điều kiện cho các lực lượng tiến công của Đại đoàn 312 cơ động, chiếm lĩnh trận địa xuất phát xung phong. 18 giờ 30 phút, ta bắt đầu mở cửa. Trung đoàn 141 sử dụng Tiểu đoàn 11 tiến công hướng chủ yếu, tiêu diệt Cứ điểm 1 (102); Tiểu đoàn 428 tiến công hướng thứ yếu, tiêu diệt Cứ điểm 2 (101A). Trung đoàn 209 sử dụng Tiểu đoàn 130 tiến công Cứ điểm 3 (101B). Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt, nhất là hướng chủ yếu của Trung đoàn 141. Đến 23 giờ 30 phút, trung tâm đề kháng Him Lam hoàn toàn bị tiêu diệt, “hơn 200 tên bị chết, 270 tên bị bắt sống, Tiểu đoàn Lê dương 3 bị loại khỏi vòng chiến đấu”6.

17 giờ 5 phút chiều 13/3/1954, hàng chục khẩu pháo của ta đồng loạt nhả đạn lên các vị trí của Pháp trên đồi Him Lam, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. Đến 23 giờ 30 phút cùng ngày, toàn bộ trung tâm đề kháng Him Lam bị ta tiêu diệt hoàn toàn. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

17 giờ 5 phút chiều 13/3/1954, hàng chục khẩu pháo của ta đồng loạt nhả đạn lên các vị trí của Pháp trên đồi Him Lam, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. Đến 23 giờ 30 phút cùng ngày, toàn bộ trung tâm đề kháng Him Lam bị ta tiêu diệt hoàn toàn. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Thắng lợi Him Lam để lại bài học quý về nghệ thuật mở đầu chiến dịch tiến công, thể hiện trên một số nội dung chủ yếu sau:

1. Chọn mục tiêu mở đầu chiến dịch

Chọn đúng mục tiêu mở đầu có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển của chiến dịch. Mục tiêu mở đầu thường chọn các vị trí hiểm yếu, khi ta đánh trúng sẽ làm rúng động toàn bộ hệ thống phòng ngự của địch, tạo phản ứng dây chuyền có lợi cho ta, bất lợi cho địch; bảo đảm vừa sức, chắc thắng. Thắng lợi của trận mở đầu có tác dụng khích lệ tinh thần, xây dựng niềm tin chiến thắng cho bộ đội, uy hiếp tinh thần, làm địch hoang mang, tạo thế, lực, thời cơ có lợi để tiến công mục tiêu chủ yếu. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ta chọn Him Lam làm mục tiêu mở đầu là quyết định chính xác, khoa học.

Trước hết, đó là sự điều chỉnh bảo đảm phù hợp phương châm, cách đánh (phương pháp tác chiến) chiến dịch. Phương châm và cách đánh là nội dung cốt lõi, chi phối các nội dung khác của ý định chiến dịch. Khi phương châm tác chiến và cách đánh chiến dịch thay đổi, các yếu tố khác, trong đó có chọn hướng, mục tiêu mở đầu cũng cần điều chỉnh bảo đảm phù hợp. Ban đầu, Bộ Chỉ huy chiến dịch xác định phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh” với cách đánh tập trung ưu thế binh lực, hỏa lực đột phá chủ yếu từ phía Tây đánh thẳng vào trung tâm Mường Thanh, đồng thời từ phía Đông giáp công. Với phương châm, cách đánh này, mục tiêu mở đầu chiến dịch có thể chọn là một hoặc một số cứ điểm trên hướng tiến công chủ yếu từ phía Tây (311, 106) hoặc thứ yếu từ phía Đông (D1, C1, A1) vào Phân khu Trung tâm.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ta chọn Him Lam làm mục tiêu mở đầu là quyết định chính xác, khoa học.

Do địch tăng cường phòng ngự, ta gặp khó khăn trong công tác chuẩn bị, nhất là kéo pháo vào trận địa7, nên Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định chuyển sang phương châm đánh chắc, tiến chắc, cách đánh “bóc vỏ” từ ngoài vào trong, tiêu diệt từng trung tâm đề kháng tiến tới tiêu diệt toàn bộ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ta xác định tiến công từ hướng Bắc, Đông Bắc vào trung tâm Mường Thanh và chọn Him Lam, Độc Lập là những mục tiêu mở đầu. Lúc đầu, ta chủ trương đánh cả Him Lam và đồi Độc Lập trong một đêm, sau đó sẽ tiêu diệt Bản Kéo. Sau khi cân nhắc, nhất là về khả năng pháo đạn chi viện cho bộ binh tiến công, ta quyết định tiến công Him Lam trước, rồi đánh Độc Lập vào đêm hôm sau để bảo đảm chắc thắng.

Chọn Him Lam làm mục tiêu mở đầu còn xuất phát từ vai trò trọng yếu của cụm cứ điểm này. Trung tâm đề kháng Him Lam là vị trí phòng ngự đột xuất của địch trên Đường 41, con đường huyết mạch tiến vào Phân khu Trung tâm từ hướng Đông Bắc. Đây là địa hình có giá trị, gồm 5 điểm cao ở bình độ 500m, khống chế khu vực rộng lớn xung quanh; cùng với sông Nậm Rốm ở phía Bắc như một vật cản tự nhiên, thuận lợi cho phòng ngự. Xác định Đông Bắc là hướng tiến công chính của bộ đội ta, nên địch huy động nỗ lực tối đa xây dựng Him Lam thành cụm cứ điểm kiên cố nhất, “cánh cửa thép” bảo vệ Mường Thanh; cùng với Độc Lập, Bản Kéo tạo thành hệ thống phòng thủ vòng ngoài ngăn chặn ta từ xa. Giữ vững Him Lam trước các đợt tiến công của ta là biểu hiện đầu tiên chứng minh sức mạnh “bất khả xâm phạm” của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ mà cả Pháp và Mỹ bỏ nhiều công sức xây dựng; nhưng “nếu để mất Him Lam thì Mường Thanh sẽ chẳng khác gì căn nhà bị mở toang cửa”8, hệ thống phòng thủ của chúng bị vỡ một mảng lớn vòng ngoài. Đối với ta, Điện Biên Phủ là chiến dịch tiến công địch phòng ngự trong công sự kiên cố quy mô lớn nhất kể từ khi bắt đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, với nhiều lực lượng tham gia9, nên Cụm cứ điểm Him Lam trên Đường 41 từ Tuần Giáo đi Mường Thanh là trở ngại lớn. Tiêu diệt được Him Lam, ta tạo được thế uy hiếp trực tiếp các mục tiêu còn lại của Phân khu Trung tâm (nhất là sở chỉ huy địch ở Mường Thanh) ở cự ly gần; chia cắt Phân khu Bắc và Phân khu Trung tâm, tạo điều kiện thuận lợi tiêu diệt các cụm cứ điểm án ngữ phía Bắc; mở thông đường Tuần Giáo đi Mường Thanh để cơ động lực lượng, triển khai đội hình tiến công và vận chuyển khối lượng lớn vật chất bảo đảm cho chiến dịch theo tuyến đường này. Thắng lợi của trận mở đầu chiến dịch vào cụm cứ điểm Him Lam còn có giá trị khẳng định niềm tin tất thắng của chiến dịch: “Nếu 1 trung tâm đề kháng như Him Lam không đứng vững trước cuộc tiến công… thì Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ quyết không phải là một pháo đài không thể công phá”10. Như vậy, tiến công Him Lam là trận “thử lửa” đầu tiên của ta trong chiến dịch, qua đó rèn luyện bộ đội, tiến hành rút kinh nghiệm bảo đảm cho các trận chiến đấu tiếp theo giành thắng lợi, hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm của địch.

Tiến công Him Lam để mở đầu chiến dịch là sự lựa chọn phù hợp với thực tiễn tổ chức, bố trí phòng ngự của đối tượng tác chiến. Trong chiến dịch tiến công, hình thái tổ chức, bố trí phòng ngự của địch là cơ sở quan trọng để ta chọn mục tiêu mở đầu. Để bảo đảm trận đầu chắc thắng, chiến dịch tiến công thường chọn mục tiêu mở màn trên hướng, khu vực địch phòng ngự sơ hở, mỏng yếu, ta có điều kiện tập trung, triển khai binh, hỏa lực tạo ưu thế áp đảo quân địch ngay từ đầu. Tuy nhiên trong thực tiễn, địch thường tập trung phòng ngự vững chắc trên những hướng, nơi ta có thể triển khai lực lượng lớn để tiến công; ngược lại, nơi địch phòng ngự mỏng yếu thường là địa hình hiểm trở, bị chia cắt, ta khó triển khai lực lượng, phương tiện. Từ thực tiễn trên, nhất là khi mở chiến dịch tiến công vào đối tượng địch phòng ngự bằng tập đoàn cứ điểm được tổ chức chặt chẽ, có hệ thống cứ điểm, cụm cứ điểm vững chắc, liên hoàn, tiện chi viện hỗ trợ nhau, ta có thể chọn mục tiêu mở đầu vào nơi địch mạnh, nhưng phải có biện pháp để giành thắng lợi.

Tại Điện Biên Phủ, đến khi ta nổ súng tiến công, địch đã có gần 4 tháng xây dựng và củng cố hệ thống phòng ngự ở đây thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương lúc bấy giờ. Tập đoàn cứ điểm địch gồm 49 cứ điểm có khả năng phòng ngự độc lập, chia thành 3 phân khu, được tổ chức liên hoàn, chặt chẽ, có khả năng chi viện, yểm trợ thuận lợi cho nhau trong tác chiến. Địch tổ chức các cứ điểm có liên quan thành 8 cụm cứ điểm (trung tâm đề kháng), với hệ thống công sự (trên mặt đất và ngầm) kiên cố, vật cản phức tạp, hỏa lực mạnh, do các lực lượng thiện chiến chiếm giữ, kết hợp chặt chẽ với lực lượng cơ động đối phó với tiến công của ta. Với hình thái tổ chức phòng ngự của địch, dù tiến công trên hướng nào, ta cũng phải đánh trận đầu vào một cứ điểm, cụm cứ điểm mạnh. Do vậy, ta chủ động đánh Him Lam trước, rồi tiêu diệt Độc Lập, bức hàng Bản Kéo, đập tan “vỏ cứng” vòng ngoài, mở đường phát triển tiến công Mường Thanh là phù hợp với điều kiện cụ thể về hình thái tổ chức, bố trí đội hình phòng ngự của địch ở Điện Biên Phủ.

Chọn Him Lam làm mục tiêu mở đầu là kết quả phân tích, đánh giá chính xác những điểm yếu chí tử của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ nói chung và Him Lam nói riêng. Phân tích khả năng phòng ngự của Điện Biên Phủ, Bộ Chỉ huy chiến dịch chỉ ra 2 nhược điểm “chết người” của “con nhím” này: Một là, tính cứng nhắc và thụ động của hệ thống phòng ngự bằng tập đoàn cứ điểm. Đó là một kết cấu chặt chẽ của nhiều cứ điểm, nhưng thực tế vẫn là những cứ điểm tách rời. Khi bị tiến công, từng cứ điểm phải sử dụng lực lượng của bản thân đối phó là chủ yếu. Điều này cho phép ta tập trung sức mạnh tiêu diệt từng cứ điểm. Hai là, Điện Biên Phủ bị cô lập giữa vùng rừng núi ta đã giải phóng, xa hậu phương địch, việc tăng viện và tiếp tế phải dựa vào đường không. Nếu ta khống chế hoặc cắt đứt đường không, “con nhím” này sẽ nhanh chóng mất sức chiến đấu. Việc khống chế sân bay Mường Thanh, cắt tiếp tế đường không của địch là nhiệm vụ nằm trong khả năng của Chiến dịch. Phân tích trên khẳng định ta hoàn toàn có khả năng tiêu diệt Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, trong đó bao gồm cả cụm cứ điểm Him Lam.

Him Lam là cụm cứ điểm mạnh do Tiểu đoàn 3 thuộc Bán lữ đoàn Lê dương 1311 (3/13 DBLE) phòng giữ; gồm 3 cứ điểm vững chắc: Cứ điểm 1 (102) ở phía Tây (có Sở chỉ huy Tiểu đoàn 3), Cứ điểm 2 (101A) ở phía Đông Bắc và Cứ điểm 3 (101B) ở phía Nam. Ở từng cứ điểm, lô cốt và chiến hào được xây dựng kiên cố, có sự bao bọc của 4 đến 6 hàng rào dây thép gai xen kẽ các bãi mìn rộng 100 đến 200m. Cônhi, Tư lệnh Quân đội Pháp ở Bắc Bộ, viên tướng cuối cùng thăm Him Lam ngày 12/3, rất hài lòng về trung tâm đề kháng này. Không phải ngẫu nhiên một số tù binh đã “thành thật” khuyên ta không nên đánh Him Lam12.

Thực tiễn đã chứng minh nhận định, quyết tâm đánh Him Lam để mở đầu của Bộ Chỉ huy chiến dịch là chính xác.

Tuy nhiên, Bộ Chỉ huy chiến dịch vẫn quyết định chọn Him Lam để mở màn chiến dịch vì nhận thấy cụm cứ điểm này tồn tại điểm yếu không thể khắc phục. Đó là một vị trí đột xuất, nằm cách phân khu trung tâm 2,5km. Khoảng cách này cho phép ta tập trung sức mạnh cần thiết, cô lập Him Lam trong một thời gian nhất định để tiêu diệt. Nếu trận đánh kết thúc trong đêm, khả năng tăng viện của địch từ phân khu trung tâm hoặc các cứ điểm lân cận có thể loại trừ. Thực tiễn đã chứng minh nhận định, quyết tâm đánh Him Lam để mở đầu của Bộ Chỉ huy chiến dịch là chính xác. Bằng việc chỉ đạo Đại đoàn 312 tiến hành hiệu quả nhiều biện pháp đánh thắng trận mở đầu, chiến dịch đã nhanh chóng tiêu diệt cụm cứ điểm Him Lam trong đêm 13/3 chỉ sau hơn 5 giờ chiến đấu, mở đường cho quân ta đánh chiếm toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Bộ đội ta xông lên đánh chiếm cứ điểm Him Lam, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ, chiều 13/3/1954. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát)

Bộ đội ta xông lên đánh chiếm cứ điểm Him Lam, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ, chiều 13/3/1954. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát)

Lực lượng xung kích của bộ đội ta lợi dụng địa hình địa vật tiến sát vào các vị trí của địch trên đồi Him Lam để tấn công và tiêu diệt cứ điểm này thuộc tuyến phòng thủ phía Bắc của địch, ngay trong ngày mở đầu chiến dịch, chiều 13/3/1954. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Lực lượng xung kích của bộ đội ta lợi dụng địa hình địa vật tiến sát vào các vị trí của địch trên đồi Him Lam để tấn công và tiêu diệt cứ điểm này thuộc tuyến phòng thủ phía Bắc của địch, ngay trong ngày mở đầu chiến dịch, chiều 13/3/1954. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

2. Vận dụng các biện pháp đánh thắng trận mở đầu chiến dịch

Chọn mục tiêu mở đầu chiến dịch tiến công đánh vào Cụm cứ điểm Him Lam, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã nghiên cứu, đánh giá đúng địch phòng ngự trong công sự vững chắc, vận dụng kết hợp, linh hoạt, sáng tạo nhiều biện pháp phát huy thế mạnh, khả năng, sở trường chiến đấu của ta, đồng thời hạn chế điểm mạnh, triệt để khai thác, khoét sâu điểm yếu và sơ hở của địch, bảo đảm đánh thắng trận mở màn.

Nắm chắc tình hình địch, kịp thời điều chỉnh quyết tâm, bổ sung nhiệm vụ, hiệp đồng cho các lực lượng có vai trò quan trọng, là cơ sở cho thực hành tác chiến thắng lợi. Trong trận mở đầu, dưới sự chỉ đạo, chỉ huy của Bộ Chỉ huy chiến dịch, Đại đoàn 312 tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp, phương pháp trinh sát điều tra tổ chức bố trí đội hình phòng ngự, trận địa hỏa lực, tính chất công sự, vật cản, quy luật hoạt động của địch tại Cụm cứ điểm Him Lam. Sau khi nhận nhiệm vụ, Đại đoàn 312 tổ chức trinh sát nhiều lần, ban ngày lên đài quan sát nghiên cứu từ xa, ban đêm cán bộ trực tiếp nghiên cứu địch cả khu vực ngoại vi và trong tung thâm. Biết ý định trinh sát của ta, địch cho một số phân đội ra cảnh giới, lùng sục ngoài hàng rào để phát hiện, ngăn chặn ta thâm nhập các cứ điểm. Do nắm chắc địa hình và quy luật hoạt động của địch, lực lượng quân báo Đại đoàn đã tổ chức phản phục kích, “diệt hơn 1 tiểu đội địch, bắt sống 3 lính lê dương”13. Qua khai thác tù binh, ta nắm chắc bố phòng của địch để kịp thời điều chỉnh, bổ sung quyết tâm chiến đấu.

Do thời gian gấp14, việc bổ sung quyết tâm chiến đấu của Đại đoàn tập trung vào những vấn đề trọng yếu tác động trực tiếp đến kết quả trận đánh, gồm: hiệp đồng với pháo binh, mở cửa và đánh địch trong tung thâm. Với pháo binh, Đại đoàn quy định cụ thể mục tiêu bắn, số lượng đạn cho mỗi mục tiêu, khu vực bắn khi bộ binh mở cửa, phát triển chiến đấu vào tung thâm, đánh địch phản kích. Xác định mở cửa là vấn đề khó khăn, nên Đại đoàn đề nghị Bộ Chỉ huy chiến dịch sử dụng pháo binh kiềm chế, không cho địch phá hoại trận địa xuất phát xung phong; đồng thời tổ chức trận địa hỏa lực của các trung đoàn, tiểu đoàn bảo đảm bắn chính xác từ đầu, chi viện hiệu quả cho bộ binh mở cửa nhanh, sạch, đúng hướng, hạn chế thấp nhất thương vong. Về đánh địch trong tung thâm, Đại đoàn lựa chọn cán bộ, chiến sĩ nhiều kinh nghiệm, được tăng cường lựu đạn, thủ pháo, tổ chức lực lượng thọc sâu đánh vào sở chỉ huy, khu thông tin, thực hiện chia cắt nhanh, tạo điều kiện cho các hướng, mũi tiến công tiêu diệt địch.

Để giành thắng lợi, ta đã tạo lập thế trận vững chắc, bảo đảm rộng khắp trong cả chiến dịch, tập trung có trọng tâm, trọng điểm trong từng trận đánh. Ngay từ đầu khi địch bị động sử dụng lực lượng nhảy dù chiếm giữ Điện Biên Phủ, ta bố trí lực lượng ngăn chặn các ngả đường ở cả phía Bắc và phía Nam cánh đồng Mường Thanh để bước đầu chia cắt, cô lập chúng, hình thành thế bao vây chiến dịch. Khi quyết tâm chiến dịch được phê chuẩn cũng là lúc thế trận chiến dịch triển khai rộng khắp. Lực lượng trên các hướng tiến công bố trí thành thế bao vây, ngày càng siết chặt từng cụm cứ điểm, chia cắt thế liên hoàn của chúng. Pháo binh, pháo cao xạ bố trí phân tán trên các điểm cao thành một đường vòng cung bao quanh tập đoàn cứ điểm để khống chế trận địa pháo binh, sân bay và đối phó hiệu quả với không quân địch. Trận địa bắn của các loại pháo được xây dựng kiên cố; tất cả pháo, đạn đều đặt trong hầm khoét sâu vào triền núi, ngụy trang kín đáo. Hệ thống công sự trận địa tiến công của các đại đoàn bộ binh được xây dựng với quy mô lớn; sở chỉ huy, hầm thương binh, hầm nghỉ được kiến trúc kiên cố, đủ sức chịu đựng đạn pháo 105mm và 155mm của địch. Về đường cơ động, “ta đã khôi phục và mở rộng 4.500km đường, trong đó có trên 2.000km cho xe cơ giới”15, trong đó, các tuyến đường Tuần Giáo - Điện Biên Phủ và từ Ki-lô-mét 62 vào trận địa được sửa chữa, mở rộng để ô-tô, xe kéo pháo có thể cơ động dễ dàng. Hệ thống giao thông hào, trận địa tiến công và bao vây được xây dựng với khối lượng đào đắp lớn chưa từng có. Các tuyến hào trục (dùng cho cơ động pháo, vận chuyển thương binh, cơ động lực lượng lớn bộ đội) và đường hào tiếp cận địch của bộ binh dài hàng trăm ki-lô-mét siết chặt từng phân khu, cụm cứ điểm, cứ điểm, tạo điều kiện cho bộ đội vận động tiêu diệt địch.

Theo kế hoạch của Chiến dịch, để chuẩn bị tiến công Him Lam, đêm 11/3, các lực lượng tiến công của Đại đoàn 312 bắt đầu xây dựng trận địa xuất phát xung phong. Các giao thông hào, chiến hào trước đó vẫn ngụy trang kín đáo để giữ bí mật, nay nối dài đâm thẳng vào cứ điểm địch. Tuy nhiên, việc chuẩn bị trận địa xuất phát xung phong của Đại đoàn gặp khó khăn. Ngày 12/3, địch sử dụng pháo binh, không quân bắn phá vào cửa rừng, nơi nghi ngờ có quân ta bố trí và cho bộ binh, xe san ủi đất ra lấp trận địa chiến hào của ta; đến đêm, bộ đội ta đào lại. Sang ngày 13, chúng tiếp tục cho bộ binh, xe tăng ra san lấp, bị pháo binh ta bắn chặn, phải chạy về Mường Thanh; ta bảo vệ được các chiến hào đến khi nổ súng.

Đúng 15 giờ 00 ngày 13, các hướng, mũi tiến công Him Lam bắt đầu cơ động chiếm lĩnh trận địa xuất phát xung phong. Hướng thứ yếu của Trung đoàn 209, do có đường hào ngụy trang kín đáo nên bộ đội chiếm lĩnh thuận lợi; đến 16 giờ 30 phút, Tiểu đoàn 130 đã áp sát Cứ điểm 3 (101B). Trên hướng chủ yếu, hai tiểu đoàn 428 và 11 của Trung đoàn 141 phải vượt sông Nậm Rốm, vận động dưới làn hỏa lực địch bắn phá nhưng vẫn vào triển khai, chiếm lĩnh trận địa đúng thời gian quy định, hoàn chỉnh thế trận, sẵn sàng tiến công địch.

Tập trung lực lượng tạo ưu thế hơn hẳn địch là vấn đề nghệ thuật, thể hiện quy luật “mạnh được, yếu thua”, có ý nghĩa quyết định đến thắng lợi của chiến dịch, trận chiến đấu. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng bộ binh của ta gấp 2 lần quân địch; về pháo binh, ta và địch xấp xỉ nhau. Nhưng địch hơn hẳn ta về máy bay, cơ giới và hệ thống công sự của chúng có thời gian gần 4 tháng xây dựng, củng cố nên rất kiên cố, vững chắc. Tương quan lực lượng như vậy cho ta thấy, trong toàn chiến dịch, ta không chiếm ưu thế so với địch. Xét về trình độ tác chiến, địch ở Điện Biên Phủ là những đơn vị thiện chiến, tinh nhuệ của chủ lực Pháp; bước vào chiến dịch, các đơn vị chủ lực ta còn hạn chế về trình độ đánh công kiên. Ta mới có kinh nghiệm tiến công tiêu diệt từng cụm cứ điểm độc lập do lực lượng khoảng 1 tiểu đoàn địch chiếm giữ, lại chưa từng hiệp đồng bộ binh - pháo binh trong tác chiến tập trung quy mô lớn, nên vấn đề tập trung lực lượng càng có ý nghĩa quan trọng.

Từ so sánh lực lượng và trình độ tác chiến giữa ta và địch, Bộ Chỉ huy chiến dịch xác định phải tập trung ưu thế binh hỏa lực đánh từng trận hay một số trận gối đầu liên tiếp, tiêu diệt từng cứ điểm, cụm cứ điểm, tiến tới tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Trong trận mở đầu Him Lam, ta đã thực hiện tốt nguyên tắc tập trung lực lượng. Cấp chiến dịch đã sử dụng cấp đại đoàn (thiếu 1 trung đoàn) tiến công cụm cứ điểm do 1 tiểu đoàn địch chiếm giữ; so sánh về binh lực, ta đã tập trung lực lượng gấp 5 đến 6 lần địch để tạo ưu thế. Sử dụng pháo binh cũng hết sức tập trung, tính riêng số lượng pháo, cối trực tiếp chi viện đánh vào mục tiêu, ta hơn địch gấp 10 lần; nếu tính cả nhiệm vụ chế áp các mục tiêu khác, ta cũng gấp 2,6 lần, do đó đã thực hiện tốt các nhiệm vụ bắn phá hoại mục tiêu, kiềm chế trận địa pháo của địch và ngăn chặn chúng phản kích, chi viện có hiệu quả cho bộ binh thực hành tiến công. Đặc biệt về pháo bắn thẳng (sơn pháo 75mm), chỉ huy chiến dịch quyết định sử dụng tập trung đánh trận Him Lam trước, rồi mới chuyển sang đánh cụm cứ điểm Độc Lập, đưa số pháo bắn thẳng trong trận đánh mở đầu chiếm ưu thế hơn địch tới 6 lần. Do thực hiện tốt tập trung lực lượng, ta tạo được ưu thế áp đảo quân địch từ đầu, trận đánh thắng lợi nhanh chóng.

Làm tốt công tác tư tưởng, phát huy tinh thần chiến đấu dũng cảm của cán bộ, chiến sĩ là nét nổi bật của trận Him Lam và trong cả Chiến dịch. Công tác tư tưởng được tiến hành sâu rộng, nhất là vào thời điểm quan trọng (thay đổi phương châm tác chiến), nhiệm vụ khó khăn, trận đánh ác liệt; tập trung xây dựng quyết tâm chiến đấu cao, làm cho bộ đội thấy rõ sự tất thắng của ta. Ý nghĩa to lớn của chiến dịch: “Tiêu diệt tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của địch, đập tan kế hoạch Nava, đánh bại âm mưu kéo dài chiến tranh xâm lược của đế quốc Pháp - Mỹ, mở ra một cục diện mới cho kháng chiến”16 và phương châm tác chiến “đánh chắc, tiến chắc” thấm tới từng người. Những khẩu hiệu: “Tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ”; “Địch cố thủ, kiên quyết đánh”; “Địch bỏ chạy, kiên quyết truy”; “Địch tăng cường, kiên quyết diệt” trở thành quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ.

Ý nghĩa to lớn của chiến dịch: “Tiêu diệt tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của địch, đập tan kế hoạch Nava, đánh bại âm mưu kéo dài chiến tranh xâm lược của đế quốc Pháp - Mỹ, mở ra một cục diện mới cho kháng chiến” và phương châm tác chiến “đánh chắc, tiến chắc” thấm tới từng người.

Anh hùng liệt sĩ Phan Đình Giót (người thứ hai, hàng sau, từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm với đồng đội trước khi vào chiến dịch Điện Biên Phủ. Anh đã anh dũng hy sinh khi lấy thân mình lấp lỗ châu mai địch trong trận mở màn đánh chiếm cứ điểm Him Lam, chiều 13/3/1954. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Anh hùng liệt sĩ Phan Đình Giót (người thứ hai, hàng sau, từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm với đồng đội trước khi vào chiến dịch Điện Biên Phủ. Anh đã anh dũng hy sinh khi lấy thân mình lấp lỗ châu mai địch trong trận mở màn đánh chiếm cứ điểm Him Lam, chiều 13/3/1954. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Hai ngày trước khi mở màn chiến dịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư động viên cán bộ, chiến sĩ. Trong thư Bác viết: “Các chú sắp ra trận. Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn, khó khăn nhưng rất vinh quang… Bác tin chắc rằng các chú sẽ phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới”17. Trước giờ nổ súng, Đảng ủy Mặt trận ra lời hiệu triệu: “Giờ ra trận đã đến! Tất cả các cán bộ và chiến sĩ, tất cả các đơn vị, tất cả các binh chủng hãy dũng cảm tiến lên”18. Sự quan tâm, khích lệ, động viên kịp thời của Bác và Đảng ủy Mặt trận đã biến thành động lực của từng cán bộ, chiến sĩ. Trong trận mở đầu, tinh thần chiến đấu dũng cảm, chủ nghĩa anh hùng cách mạng được phát huy cao độ, xuất hiện nhiều tấm gương quên mình cho chiến thắng, như: Anh hùng Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai, tạo điều kiện cho đồng đội tiêu diệt Cứ điểm 2; Chiến sĩ thi đua Trần Can và Tiểu đội trưởng Nguyễn Hữu Oanh không sợ nguy hiểm, kiên quyết xông lên đánh thẳng vào chỉ huy địch để cắm lá cờ Quyết chiến - Quyết thắng lên nóc hầm của chúng.

Bằng những biện pháp kiên quyết, linh hoạt, sáng tạo, Chiến dịch đã nhanh chóng tiêu diệt cụm cứ điểm Him Lam, mở toang “cánh cửa thép” trên Đường 41 tiến vào Mường Thanh, tạo điều kiện cho các đơn vị chủ lực ta xông lên xốc tới, đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tạo nên nét đặc sắc trong nghệ thuật mở đầu chiến dịch tiến công.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, quân và dân ta phải tiếp tục bước vào cuộc chiến đấu chống lại xâm lược của Mỹ bằng chính sách thực dân mới. Nghệ thuật mở đầu vào nơi địch phòng ngự mạnh của Chiến dịch Điện Biên Phủ được kế thừa, vận dụng ở nhiều chiến dịch tiến công trong kháng chiến chống Mỹ, như: Chiến dịch Trị Thiên (1972), ta tiến công các căn cứ Dốc Miếu, Cồn Tiên, Bái Sơn, Động Toàn, Mai Lộc… thực hiện tập trung lực lượng lớn bộ binh (41 tiểu đoàn) và nhiều đơn vị binh chủng đập vỡ hoàn toàn “vỏ cứng” vòng ngoài của địch; Chiến dịch Tây Nguyên (1975), ta mở đầu bằng trận tiến công thị xã Buôn Ma Thuột, tập trung lực lượng lớn gấp 4 đến 5 lần quân địch để nhanh chóng tiêu diệt Sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy và các lực lượng địch chiếm đóng tại đây. Thắng lợi của trận mở đầu đã tạo đà thúc đẩy những chiến dịch trên phát triển giành chiến thắng quan trọng, làm thay đổi cục diện chiến lược, so sánh tương quan thế, lực địch - ta trên chiến trường, tạo thời cơ thuận lợi cho quân và dân ta tiến lên giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước.

Bộ đội ta giương cao cờ chiến thắng trên cứ điểm Him Lam vừa chiếm được trong trận mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ, chiều 13/3/1954. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Bộ đội ta giương cao cờ chiến thắng trên cứ điểm Him Lam vừa chiếm được trong trận mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ, chiều 13/3/1954. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Bộ đội ta giương cao cờ chiến thắng trên cứ điểm Him Lam vừa chiếm được trong trận mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ, chiều 13/3/1954. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc tương lai (nếu xảy ra), các yếu tố về địch, ta, môi trường tác chiến có sự thay đổi, phát triển. Nhưng những bài học về nghệ thuật mở đầu chiến dịch tiến công từ thắng lợi Him Lam trong chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên giá trị, cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng phù hợp điều kiện mới.

- Đại tá, TS Nguyễn Xuân Đài, Trưởng phòng Tổng kết chiến tranh, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam
- Trung tá, ThS Nguyễn Duy Hiển, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam
Sách xuất bản từ Hội thảo Khoa học “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và hiện thực (07/5/1954 - 07/5/2019)”
Trình bày: Ngọc Toàn