Thành công từ tuyên truyền,
tạo đồng thuận

Để sắp xếp ĐVHC hiệu quả, ngoài sự vào cuộc rốt ráo của Ban chỉ đạo, các cấp, các ngành, các địa phương từ xây dựng đề án, đến kế hoạch triển khai, tổ chức thực hiện, cần chú trọng yếu tố đặc thù, tôn trọng và lắng nghe phản hồi từ thực tế các đơn vị cơ sở để tạo đồng thuận, thống nhất cao trong nhân dân.
Để cán bộ, người dân thấu hiểu, đồng lòng
Muốn triển khai thành công, tạo được đồng thuận, tuyên truyền là giải pháp then chốt để cán bộ, người dân thấu hiểu ý nghĩa, tầm quan trọng chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Thông tin tuyên truyền về sắp xếp ĐVHC được triển khai sâu rộng tại các cuộc họp thôn, tổ dân phố, qua loa truyền thanh, trên trang web, pa-nô, áp-phích, tờ rơi... Trưởng phòng Nội vụ huyện Tiên Lữ (Hưng Yên) Doãn Thế Hiếu cho biết, sau khi niêm yết danh sách cử tri, các tổ lấy ý kiến cử tri chia thành nhóm, đến từng hộ gia đình phát và thu phiếu, trước đó được tập huấn kỹ lưỡng, hướng dẫn “cầm tay chỉ việc” cụ thể trên phiếu và cả cách thức đặt vấn đề tuyên truyền, thuyết phục.
Cấp trên tin tưởng, kỳ vọng, lãnh đạo xã Ngô Quyền đặt quyết tâm cao, dẫu biết trước vất vả, gian nan. Ban đầu không ít người tâm tư, thậm chí “băn khoăn, tị nạnh” khi xã mình không được giữ tên, sẽ bị “mất gốc”. Kinh nghiệm thành công là huy động sự hỗ trợ của cán bộ nghỉ hưu có uy tín, chung sức đồng lòng của đội ngũ cán bộ cơ sở tâm huyết tuyên truyền, hộ dân dễ trước, hộ khó sau. Cán bộ sâu sát nắm tình hình, hễ nghe nơi nào người dân tỏ ý chưa đồng thuận là có mặt giải thích, gặp trường hợp khó còn vận động cá biệt. Đã hơn 70 tuổi, bà Trần Thị Miền hăng hái “đi từng ngõ, gõ từng nhà” kiên trì tuyên truyền để bà con thấu hiểu rằng, xã không đủ điều kiện về dân số, diện tích thuộc diện phải sáp nhập, chủ trương từ Trung ương áp dụng toàn quốc, không chỉ riêng cho huyện nhà, xã nhà; sáp nhập với thị trấn Vương thì bụi tre, bờ chuối nhà mình ở đâu vẫn ở đó, người dân chỉ mất thời gian thay đổi giấy tờ nhưng được lợi ích lớn, địa bàn mở rộng phát huy được nhiều tiềm năng, lợi thế, đời sống dần khấm khá. Những lời lẽ thuyết phục mộc mạc, “có lý, có tình” tạo thiện cảm, khiến nhiều người còn phân vân đổi ý, đồng tình ủng hộ.
Bí thư Đảng ủy xã Thanh Lương (Vĩnh Bảo, Hải Phòng) Nguyễn Văn Khanh chia sẻ, Đảng bộ xã tổ chức hội nghị quán triệt để toàn bộ đảng viên lĩnh hội, thấu hiểu, phát huy tinh thần tiên phong gương mẫu, ủng hộ chủ trương sáp nhập ĐVHC, từ đó lan tỏa đến đông đảo quần chúng. Sau khi lý giải, tuyên truyền, bà con thấy rõ sáp nhập 3 xã vào thành 1 xã có diện tích lớn, việc quy hoạch sẽ thuận lợi, nguồn lực đất đai dồi dào tạo không gian phát triển hiệu quả, tiềm năng thu hút đầu tư khu công nghiệp và vùng sản xuất lớn phong phú hơn, cần nhiều nhân công hơn, tương lai con em xã nhà đỡ phải đi làm ăn xa, thậm chí làm giàu ngay trên quê hương...

Lãnh đạo huyện Tiên Lãng, xã Quang Phục (Hải Phòng) kiểm tra việc lập, công khai danh sách cử tri tham gia lấy ý kiến sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.
Lãnh đạo huyện Tiên Lãng, xã Quang Phục (Hải Phòng) kiểm tra việc lập, công khai danh sách cử tri tham gia lấy ý kiến sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.
Chú trọng yếu tố đặc thù
Đặt tên ĐVHC mới là nội dung được nhân dân rất quan tâm, bởi liên quan đến các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng gắn với giá trị tinh thần, niềm tự hào của cộng đồng dân cư. PGS,TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, đặt tên ĐVHC đòi hỏi thận trọng, bên cạnh những nguyên tắc chung, rất cần lắng nghe ý kiến từ cộng đồng.
Trên cơ sở chủ trương chung, các địa phương thường chọn đặt tên ĐVHC mới theo thứ tự ưu tiên: địa danh có yếu tố lịch sử văn hóa lâu đời, địa danh cũ, có chung đặc điểm về văn hóa; ghép tên các ĐVHC cũ nhưng tên gọi mới mang ý nghĩa và bản sắc địa phương. Về tổng thể, phổ biến có ba phương án đặt tên: ghép tên các ĐVHC sáp nhập thành một tên mới; chọn một trong số các ĐVHC sáp nhập làm tên chung (được lựa chọn nhiều bởi một bộ phận người dân không phải thay đổi giấy tờ cá nhân, sở hữu tài sản), đặt một tên mới hoàn toàn. Nhiều địa phương ưu tiên phương án dung hòa, dễ tạo được tiếng nói chung, tránh những tranh cãi, rắc rối không cần thiết.
Việc đặt tên do nhân dân và địa phương thống nhất, có căn cứ, cơ sở, không áp đặt ý chí chủ quan. Nhân dân “trăm người mười ý”, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, các bậc lão thành cũng tham gia nhiều ý kiến, không ít địa phương để “chốt” được tên mới phải dày công tuyên truyền, thuyết phục, thậm chí mời cả chuyên gia lịch sử tư vấn, đề xuất một vài tên mới, lý giải phương án lựa chọn trên cơ sở khoa học.
Nhiều người đặt câu hỏi, xã có nhiều di tích lịch sử, có di sản văn hóa phi vật thể quốc gia múa rối nước, tên Nhân Hòa hàm ý con người hiền hòa, nay sáp nhập 3 xã, sao không giữ lại tên cũ; trong khi đó hai xã Tam Đa và Vinh Quang cũng muốn giữ lại tên xã mình. Phương án ghép tên 3 xã cho hài hòa thì dài mà không hay, sau nhiều lần thảo luận cuối cùng cũng chốt được tên mới, lấy chữ Vĩnh là chữ đầu của tên huyện Vĩnh Bảo kết hợp với chữ Hưng thành Vĩnh Hưng. Tên gọi mới súc tích, mang ý nghĩa vĩnh cửu trường tồn và hưng thịnh đã thuyết phục được bà con.
Ông Phạm Huy Khôi, Chủ tịch UBND xã Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) cho hay, đặt tên ĐVHC mới đòi hỏi sự am hiểu và công tâm. Bà con tự hào vì xã nhà có nghề làm gốm truyền thống gần 700 năm tuổi, sở hữu quần thể di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc có giá trị, giữ được nhiều nhà thờ họ, nhà cổ hàng trăm năm tuổi, sản phẩm gạch cổ Bát Tràng trong ca dao vẫn hiện diện ở các công trình kiến trúc làng xã... Xã rất nhỏ, đất chật người đông, sáp nhập với xã Đông Dư diện tích lớn hơn gấp đôi, còn nhiều quỹ đất sẽ có điều kiện phát triển tốt hơn, đặc biệt là các sản phẩm dịch vụ du lịch. Trong khi đó, các bậc cao niên ở xã Đông Dư phản ứng mạnh mẽ. Họ dẫn ra tài liệu cổ về làng, trong Dư địa chí của Nguyễn Trãi thì Đông Dư thôn có từ thời Tiền Lê (980-1009). Chưa kể, sản phẩm ổi găng Đông Dư hiện đã được chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể. Nhanh chóng nắm bắt tình hình, huyện Gia Lâm chỉ đạo 2 xã đẩy mạnh tuyên truyền, thuyết phục, để bà con thấu hiểu việc giữ lại tên xã Bát Tràng gắn với thương hiệu gốm nổi tiếng không chỉ trong nước và thế giới. Cân nhắc yếu tố hài hòa lợi ích, vì sự phát triển chung, cuối cùng cử tri xã Đông Dư đồng tình ủng hộ phương án chọn tên Bát Tràng, tỷ lệ đạt gần 100%. Liền kề Bát Tràng, 98,38% cử tri xã Kim Lan tán thành tên xã mới là Kim Đức, mặc dù toàn bộ dân cả hai xã Kim Lan và Văn Đức sau sáp nhập đều phải làm lại giấy tờ, thủ tục hành chính. Đó cũng chính là tên con mương thủy lợi được xây dựng hơn 65 năm trước ở vùng giáp ranh giữa hai xã.
Trường hợp 2 xã tách ra từ 1 xã trước đây, nay nhập vào lấy lại tên xã cũ hoặc ghép 2 tên xã thành tên mới khá hay, nên người dân dễ đồng thuận. Tại quận Lê Chân (Hải Phòng), phương án giữ lại tên An Biên của 1 trong 3 phường sáp nhập để nhắc nhớ lịch sử về nữ tướng Lê Chân tài ba, kiệt xuất có công lập nên trang An Biên, vùng đất “Hải tần phòng thủ” xưa, nay là thành phố Hải Phòng được cử tri nhất trí cao.

Lấy ý kiến cử tri phường Phước Ninh (Hải Châu, Đà Nẵng) về sáp nhập 3 phường.
Lấy ý kiến cử tri phường Phước Ninh (Hải Châu, Đà Nẵng) về sáp nhập 3 phường.
Lợi ích người dân luôn được ưu tiên hàng đầu
Để hiện thực hóa chủ trương sắp xếp ĐVHC, sự đồng thuận, đoàn kết của các tầng lớp nhân dân là yếu tố được đặc biệt chú trọng. Ghi nhận từ thực tế, đại đa số người dân đều ủng hộ chủ trương, điều khiến họ lo lắng, băn khoăn nhất là phải thay đổi nhiều giấy tờ, gây xáo trộn. “Làm lại giấy tờ liệu có phức tạp, tốn kém và đợi chờ lâu” luôn là câu hỏi thường gặp. Người già thì than thở - thanh niên còn có xe máy, xe đạp điện, ô-tô, chúng tôi chỉ biết đi bộ, mà ra trụ sở xã mới xa thêm tới vài cây số! Dẫn chứng câu chuyện trước đây lĩnh lương hưu, tiền chế độ chính sách phải mất công ra xã, nay trả qua tài khoản thuận tiện, cán bộ giải thích hiện có dịch vụ công trực tuyến giải quyết nhanh chóng, đỡ phải đi xa, nhờ đó các cụ hiểu ra, yên tâm phần nào. Bà con Thái Sơn bao năm nay quen tới trụ sở xã gần bên, cán bộ thân thiện, chu đáo thì lo lắng “về xã mới liệu cán bộ có nhiệt tình phục vụ dân nữa không?”, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thị Thủy đả thông, “vẫn có một số cán bộ tiếp tục làm việc ở xã mới, chỉ thay đổi địa điểm trụ sở mà thôi, cán bộ nào cũng sẽ phục vụ dân tốt, các bác cứ yên tâm”.
Mong muốn các cơ quan chức năng tạo điều kiện tối đa để giảm thiểu thời gian chờ đợi, đi lại trong quá trình làm lại giấy tờ, thủ tục hành chính, ý kiến của ông Lê Văn Hải, phường Nguyễn Trãi (Hà Đông, Hà Nội) cũng là nguyện vọng chung của nhiều người dân. Ông Nguyễn Thanh Sơn, tổ trưởng dân phố số 3, phường Lạc Viên (Ngô Quyền, Hải Phòng) đề nghị làm thủ tục hành chính sau sáp nhập cần trải dài trong một khoảng thời gian nhất định, không nên ép tiến độ dễ dẫn đến quá tải, sai sót. Để thuận tiện cho dân, có thể bố trí bổ sung cán bộ phục vụ vào ngày nghỉ, chia nhỏ tại nhiều địa điểm như các nhà văn hóa khu phố, tránh dồn cục phải chờ đợi lâu.
Hà Nội có số ĐVHC trong diện sắp xếp cao của cả nước nên đã chủ động “đi tắt, đón đầu”, chuẩn bị căn cơ, dài hơi, đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính để thích nghi với công tác quản lý trong tình hình mới. Thượng tá Khuất Mạnh Thuyết, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an TP Hà Nội) cho biết, đơn vị đã xây dựng kế hoạch phối hợp công an các quận, huyện tổ chức cấp đổi, cấp lại giấy tờ sao cho nhanh chóng, tiện lợi nhất, thậm chí sẽ bố trí cán bộ về các xã, phường, thị trấn để phục vụ nhân dân.
Khi đều cùng hướng đến mục tiêu chung, vì sự phát triển giàu mạnh và ổn định của đất nước, có ý chí quyết tâm và sự đồng thuận của lòng người, khó khăn nào cũng sẽ được hóa giải thành công.

Tổ chức thực hiện :
Ban Nhân Dân hằng tháng
Nội dung :
Tùng Duy-Huệ Anh-Tuấn Anh-Phùng Nguyên
Trình bày mỹ thuật :
Duy Thanh
Ảnh :
Duy Linh, nguồn internet