
Thành lập bộ đội địa phương, hoàn chỉnh cơ cấu lực lượng vũ trang ba thứ quân
Bộ đội địa phương là một thành phần trong cơ cấu lực lượng vũ trang nhân dân ba thứ quân, được tổ chức ở cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cấp quận, huyện, thị xã; là lực lượng nòng cốt trong chiến tranh nhân dân địa phương, lực lượng cơ động chủ yếu trên địa bàn địa phương trong tác chiến.
Đáp ứng yêu cầu thực tiễn của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ngày 7/4/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh thành lập Bộ đội địa phương. Sắc lệnh quy định rõ: “Quân đội quốc gia Việt Nam có hai phần: quân đội chính quy và quân địa phương. Bộ đội địa phương có ba đặc điểm chính là: có tính cách địa phương, có nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ địa phương, tự trang bị và tự túc về cấp dưỡng”.
Thực hiện Sắc lệnh của Chủ tịch nước, tháng 6/1949, Bộ Quốc phòng ra Nghị định số 05/NĐ về tổ chức bộ đội địa phương và dân quân. Nghị định gồm có 7 chương, trong đó Điều 2 Chương 1 nêu rõ: Bộ đội địa phương gồm các đội thoát ly xã tập trung thành những đơn vị huyện hoặc tỉnh để hoạt động chiến đấu trong phạm vi địa phương. Các đơn vị ấy biên chế theo quân đội nhân dân, nhưng tùy theo hoàn cảnh địa phương mà sửa đổi.
Ngày 18 tháng 8 năm 1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị Xây dựng bộ đội địa phương và phát triển dân quân. Chỉ thị nêu rõ: “Bộ đội địa phương và dân quân trong quá trình tiến triển của chiến tranh, là lực lượng hậu bị trực tiếp của quân chủ lực... Nhờ sự phát triển của những lực lượng ấy, tài sản của nhân dân, chính quyền nhân dân, các đoàn thể nhân dân và các cơ sở Đảng được bảo vệ, chính quyền bù nhìn của giặc, kinh tế của chúng, ngụy binh và âm mưu chiếm đóng của quân địch bị phá hoại”[1].
Bộ đội địa phương luyện tập vượt sông bằng trang bị tự tạo. (Ảnh: Báo QĐND)
Bộ đội địa phương luyện tập vượt sông bằng trang bị tự tạo. (Ảnh: Báo QĐND)
Chỉ thị nhấn mạnh: “Xây dựng bộ đội địa phương và phát triển dân quân là một công tác then chốt để đẩy mạnh chiến tranh tiến tới”[2]. Các đảng đoàn chính quyền các cấp phải động viên nhân dân nuôi dưỡng bộ đội địa phương, gia nhập các bộ đội ấy, đồng thời đưa cán bộ có năng lực vào phụ trách các tỉnh, huyện đội và bộ đội địa phương. Để tập trung lực lượng xây dựng bộ đội địa phương, Bộ Tổng chỉ huy Quân đội quốc gia và Dân quân Việt Nam quyết định hợp nhất các đơn vị cảnh vệ tỉnh, huyện với các đội du kích tập trung thành các đơn vị bộ đội địa phương.
Lực lượng bộ đội địa phương được xây dựng và phát triển nhanh chóng, từng bước nâng cao trình độ tác chiến, trở thành lực lượng nòng cốt trong phong trào chiến tranh du kích của các địa phương.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Bộ Tổng Tham mưu phối hợp với Cục Dân quân hướng dẫn và giúp đỡ các liên khu làm kế hoạch tổ chức bộ đội địa phương, đồng thời chẩn chỉnh, củng cố cơ quan chỉ đạo quân sự địa phương tỉnh, huyện. Lực lượng bộ đội địa phương được xây dựng và phát triển nhanh chóng, từng bước nâng cao trình độ tác chiến, trở thành lực lượng nòng cốt trong phong trào chiến tranh du kích của các địa phương.
Đến cuối 1949, chỉ tính từ Liên khu 4 trở ra, bộ đội địa phương đã có 20.000 người, một phần ba số huyện có đại đội, ở cấp tỉnh có tiểu đoàn. Sang năm 1950, bộ đội địa phương phát triển hơn gấp 2 lần (45.000 người), mỗi huyện có 1 đại đội, mỗi tỉnh có 1 tiểu đoàn, một số tỉnh xây dựng 2 tiểu đoàn.
Ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ, việc xây dựng bộ đội địa phương có chậm hơn. Đến đầu năm 1950, mỗi tỉnh tổ chức 1 đến 2 đại đội, mỗi huyện tổ chức 1 đến 2 trung đội[3].
Với sức mạnh tổng hợp của hiệp đồng bộ đội chủ lực với bộ đội địa phương quân ta đã đập nát các cứ điểm của quân ngụy Sài Gòn. (Ảnh: Quân khu bốn)
Với sức mạnh tổng hợp của hiệp đồng bộ đội chủ lực với bộ đội địa phương quân ta đã đập nát các cứ điểm của quân ngụy Sài Gòn. (Ảnh: Quân khu bốn)
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, các đơn vị bộ đội địa phương đều đặt dưới sự lãnh đạo của các tỉnh ủy, huyện ủy và do cơ quan quân sự địa phương chỉ huy, đã từng bước thực hiện được nhiệm vụ làm nòng cốt cho chiến tranh du kích ở địa phương, tạo điều kiện để các đại đội độc lập rút về xây dựng bộ đội chủ lực, từng bước đẩy mạnh vận động chiến.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm một đơn vị bộ đội và du kích đi tham gia Chiến dịch Biên Giới đóng quân ở huyện Phục Hòa, Cao Bằng (3/1951).
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm một đơn vị bộ đội và du kích đi tham gia Chiến dịch Biên Giới đóng quân ở huyện Phục Hòa, Cao Bằng (3/1951).
Bác Hồ với chiến sĩ dân quân du kích.
Bác Hồ với chiến sĩ dân quân du kích.
Du kích miền nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Du kích miền nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với bộ đội chủ lực và dân quân du kích Cao Bằng có nhiều thành tích tham gia Chiến dịch Biên giới năm 1950.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với bộ đội chủ lực và dân quân du kích Cao Bằng có nhiều thành tích tham gia Chiến dịch Biên giới năm 1950.
Những đội viên đầu tiên của Đội du kích Bắc Sơn.
Những đội viên đầu tiên của Đội du kích Bắc Sơn.
Cùng với phát triển bộ đội địa phương, lực lượng dân quân du kích cũng tăng nhanh về số lượng. Tháng 6/1950, Bộ Quốc phòng ra Nghị định số 50/NĐ xác định: “Dân quân là lực lượng kháng chiến của các xã gồm tất cả những người có nghĩa vụ tòng quân và những người tình nguyện tham gia chiến đấu làm các công việc để bảo vệ thôn xã và giúp vào cuộc kháng chiến chung. Dân quân mỗi xã có một bộ phận gương mẫu gọi là dân quân du kích. Lực lượng dân quân không tổ chức phân biệt theo các giới nhân dân, trừ các đội du kích lão thành và phụ nữ, vì tính cách đặc biệt có tổ chức riêng”[4].
Dân quân mỗi xã có một bộ phận gương mẫu gọi là dân quân du kích.
Căn cứ Nghị định 50/NĐ, các địa phương nhanh chóng phát triển lực lượng dân quân tự vệ, đáp ứng yêu cầu bảo vệ xóm làng và bổ sung lực lượng cho các đơn vị bộ đội chủ lực. yêu cầu đối với các địa phương là: Mỗi thôn có một tiểu đội, mỗi xã có 1 trung đội dân quân. Các địa bàn nông thôn và đô thị còn bị địch chiếm đóng thì tổ chức các đội biệt động. Đến cuối năm 1949, các xã từ Liên khu 4 trở ra đã xây dựng được 1.220.000 dân quân và 37.188 du kích xã[5].
Về xây dựng bộ đội chủ lực, Nghị quyết Hội nghị cán bộ Trung ương lần thứ sáu (14 - 18/1/1949) xác định: “Trọng tâm công tác trong lúc này là tiếp tục việc xây dựng bộ đội chủ lực, tập trung cán bộ, tập trung vũ khí và phương tiện thông tin liên lạc vào những đơn vị bộ đội chủ lực có nhiệm vụ đánh vận động chiến… Để khuếch trương bộ đội, ta phải có một kế hoạch rút dần các đại đội độc lập tập trung trở lại, hiểu rõ khả năng bổ sung của dân quân, đi tới tuyển mộ cho hợp lý”[6].
Lễ thành lập Đại đoàn 308-Đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, ngày 28/8/1949.
Lễ thành lập Đại đoàn 308-Đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, ngày 28/8/1949.
Thực hiện chủ trương của Hội nghị cán bộ Trung ương lần thứ sáu, đầu năm 1949, ta đã điều động một số tiểu đoàn ở các liên khu về tổ chức các trung đoàn 88, 102; tiếp đó điều Trung đoàn Sông Lô, Trung đoàn Cao - Bắc - Lạng về xây dựng thành các trung đoàn chủ lực 209, 174 của Bộ Tổng tư lệnh. Trên cơ sở hội đủ điều kiện, tháng 4/1949, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đại đoàn 308, đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngày 28/8/1949, Đại đoàn 308 - Quân Tiên phong chính thức làm lễ thành lập.
Với sự ra đời của Đại đoàn 308 và các trung đoàn chủ lực trong năm 1949, cơ cấu thành phần của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam đã trở nên hoàn chỉnh. Ở cấp bộ và liên khu có bộ đội chủ lực; cấp huyện, tỉnh có bộ đội địa phương; cấp xã, thôn có dân quân du kích. Với tổ chức lực lượng ba thứ quân, ta có điều kiện đẩy mạnh chiến tranh nhân dân, từng bước đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi.
Ngày xuất bản: 12/2024
Nội dung: LÊ VĂN CỬ
Trình bày: NGỌC DIỆP
Ảnh: Báo QĐND, Báo Quân khu bốn