Đầu năm 1943, tình thế cách mạng ở Đông Dương có thay đổi, mâu thuẫn giữa thực dân Pháp và phát xít Nhật ngày càng tăng. Ngày 10/8/1944, Trung ương Đảng kêu gọi “sắm vũ khí, đuổi kẻ thù chung”. Chấp hành chủ trương của Trung ương Đảng và Chỉ thị của Tổng bộ Việt Minh, các địa phương ra sức xây dựng lực lượng, phát triển du kích, tự vệ.
Cuối năm 1944, tinh thần khởi nghĩa tại Cao - Bắc - Lạng lên rất cao, tuy nhiên khí thế khởi nghĩa chỉ mạnh ở một số địa phương, tình thế cách mạng trên cả nước chưa chín muồi, chủ trương phát động chiến tranh du kích chỉ căn cứ vào tình hình địa phương, chưa căn cứ vào tình hình toàn quốc.
Trước tình hình trên, tháng 10/1944, sau khi từ Trung Quốc về Cao Bằng, đồng chí Hồ Chí Minh dự Hội nghị Liên tỉnh Cao - Bắc - Lạng nghe báo cáo tình hình, định ngày khởi nghĩa, kịp thời chỉ đạo trì hoãn khởi nghĩa Cao - Bắc - Lạng.
Lãnh tụ Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Bây giờ thời kỳ cách mạng hòa bình phát triển đã qua, nhưng thời kỳ toàn dân khởi nghĩa chưa tới... Cuộc đấu tranh bây giờ phải từ hình thức chính trị tiến lên hình thức quân sự. Song hiện nay chính trị còn trọng hơn quân sự”. Người đề ra cách giải quyết: “Bây giờ nên tập hợp những cán bộ, chiến sĩ anh dũng nhất, những vũ khí tốt nhất, tổ chức thành một đội vũ trang tập trung để hoạt động. ... Chúng ta sẽ lập đội Quân giải phóng...”[1].
Để đẩy mạnh phong trào, kịp thời đón lấy thời cơ cách mạng, tháng 12 - 1944, Lãnh tụ Hồ Chí Minh ra chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Người ghi rõ: “Tên ĐỘI VIỆT NAM TUYÊN TRUYỀN GIẢI PHÓNG QUÂN nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền”[2]... “Vì cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến của toàn dân cần phải động viên toàn dân, vũ trang toàn dân”...
“Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là đội quân đàn anh, mong cho chóng có những đội đàn em khác. Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam”[3].
Thực hiện chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh, sau một thời gian chuẩn bị, ngày 22-12-1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập.
Đồng chí Võ Nguyên Giáp được Trung ương Đảng và Lãnh tụ Hồ Chí Minh ủy nhiệm tổ chức, lãnh đạo, chỉ huy, tuyên bố thành lập Đội. Ban đầu, Đội có 34 chiến sĩ, biên chế thành 3 tiểu đội do đồng chí Hoàng Sâm làm Đội trưởng, đồng chí Xích Thắng (tức Dương Mạc Thạch) làm Chính trị viên, đồng chí Hoàng Văn Thái phụ trách kế hoạch - tình báo. Đội có Chi bộ Đảng lãnh đạo.
Theo yêu cầu của anh em, sau lễ thành lập, Đội tổ chức một bữa cơm nhạt không rau, không muối để nêu cao tinh thần chịu đựng gian khổ của chiến sĩ cách mạng. Với sự ra đời của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tại Cao - Bắc - Lạng đã xuất hiện 3 hình thức tổ chức của lực lượng vũ trang là: Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là đội chủ lực, các đội vũ trang ở châu, các đội tự vệ nửa vũ trang ở xã.
Từ khi thành lập, Đội luôn chấp hành, thực hiện nghiêm chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh với tư tưởng “chính trị trọng hơn quân sự”, chú trọng vũ trang tuyên truyền, đến đâu Đội cũng tuyên truyền đường lối, chính sách của Mặt trận sau đó bắt tay vào tổ chức cơ sở chính trị và lực lượng của địa phương.
Ở vùng có cơ sở chính trị, việc vũ trang tuyên truyền giao cho trung đội, tiểu đội; ở vùng do địch kiểm soát thì tìm cách thâm nhập bằng tiểu đội, tổ, từng người một để tuyên truyền.
Bằng công tác vũ trang tuyên truyền, Đội đã tạo được khu vực cơ sở cách mạng rộng lớn từ Hòa An đến Nguyên Bình, Ngân Sơn, Chợ Rã và phụ cận, làm bàn đạp phát triển phong trào về phía Nam. Đội tiếp tục tổ chức nhiều trận đánh thành công trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
Những thắng lợi cả về chính trị, quân sự đã góp phần mở rộng căn cứ kháng chiến Cao - Bắc - Lạng và củng cố niềm tin của nhân dân vào đường lối vũ trang của Đảng.
Ngày 15-5-1945, chấp hành nghị quyết của Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ, lễ thống nhất Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân và Cứu quốc quân thành Việt Nam Giải phóng quân được tổ chức tại đình làng Quặng, xã Định Biên, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên.
Việt Nam Giải phóng quân đã cùng bộ đội địa phương, tự vệ và nhân dân chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng, bảo vệ chính quyền cách mạng ở những nơi mới thành lập, sẵn sàng tiến lên Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước khi thời cơ đến.
Từ ngày 14 đến 15/8/1945, Hội nghị toàn quốc Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Việt Nam Giải phóng quân đã cùng lực lượng vũ trang các địa phương và nhân dân tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên toàn quốc.
Sự ra đời của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đánh dấu sự ra đời của một tổ chức quân sự mới của dân tộc Việt Nam.
Sự ra đời của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đánh dấu sự ra đời của một tổ chức quân sự mới của dân tộc Việt Nam. Sau ngày thành lập, Đội đã ra quân đánh thắng giòn giã hai trận Phai Khắt (25/12/1944 ) và Nà Ngần (26/12/1944), mở đầu cho truyền thống “đã ra quân là đánh thắng” của Quân đội ta.
Bên cạnh đó, mối quan hệ mật thiết, gắn bó với nhân dân mà Đội đã xây dựng trong quá trình hoạt động đã góp phần tạo dựng và phát triển tình cảm quân dân cá nước về sau.
Lần đầu tiên trong lịch sử, giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam có một quân đội kiểu mới do Đảng Cộng sản Việt Nam và lãnh tụ Hồ Chí Minh tổ chức, giáo dục, rèn luyện và lãnh đạo; một quân đội mang bản chất giai cấp công nhân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, anh hùng, dũng cảm, sẵn sàng hy sinh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân.
Ngày 22/12/1944 được lấy làm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ngày xuất bản: 12/2024
Nội dung: Trần Quốc Dũng
Trình bày: Ngọc Diệp
Ảnh: Viện Lịch sử quân sự cung cấp,
Báo Quân đội nhân dân