Thanh niên Hà Nội trong phong trào học sinh, sinh viên kháng chiến chống Pháp (1947-1954)
Ban Tuyên giáo Thành đoàn Hà Nội
Trong những năm thực dân Pháp chiếm đóng, sinh viên Hà Nội là tầng lớp thanh niên trí thức, có sáng kiến, có truyền thống yêu nước nồng nàn. Họ đã chứng kiến cảnh đói khát, tủi nhục của nhân dân dưới ách thống trị của thực dân Pháp; đồng thời chịu ảnh hưởng của các tư tưởng cách mạng mà trực tiếp là của các thầy giáo tiến bộ, của các bậc cha anh trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Thêm vào đó, bản thân họ cũng thấy rõ sự quyết tâm lớn lao, sự hy sinh cao cả của toàn dân ngay từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Vì vậy, nhiều người đã tham gia đấu tranh trong phong trào học sinh, sinh viên kháng chiến.
Cuộc đấu tranh dài ngày và có tiếng vang lớn của sinh viên thời kỳ này có thể kể đến là ngày 12 tháng 1 năm 1950 khi được tin thực dân Pháp khủng bố học sinh, sinh viên Sài Gòn-Chợ Lớn, giết hại học sinh Trần Văn Ơn, Thành đoàn Hà Nội đã phát động học sinh, sinh viên toàn thành phố đấu tranh. Ngày 16 tháng 1, đã nổ ra cuộc bãi khóa, căng biểu ngữ, rải truyền đơn đấu tranh của học sinh sinh viên Hà Nội. Sáng ngày 20 tháng 1, một vạn học sinh, sinh viên, trí thức và đồng bào Hà Nội đã làm lễ truy điệu Trần Văn Ơn ở chùa Quán Sứ. Đại biểu thanh niên Hà Nội đã vào Sài Gòn cùng đại biểu thanh niên Huế dự lễ truy điệu tại chính nơi thanh niên yêu nước Trần Văn Ơn hy sinh.
Đội biệt động mang tên “Đoàn thanh niên Lạc Long" cũng được thành lập để đáp ứng phong trào học sinh, sinh viên ngày càng lên cao. Ngay từ khi ra đời, đội đã tổ chức những trận đánh hiệu quả như: phá sập tiệm nhảy của Pháp ở khu ga, tiến công câu lạc bộ sĩ quan, tiêu diệt hàng chục tên địch.
Đêm 10 tháng 1 năm 1950 theo sự hướng dẫn của một đảng viên trẻ vừa trốn thoát khỏi trại giam của địch, bộ đội và dân quân du kích thành phố đã đột nhập sân bay Bạch Mai, phá hủy 25 máy bay giặc, đốt cháy hơn 600.000 lít xăng. Sau đó liên tiếp các lực lượng vũ trang nội ngoại thành tiến đánh các vị trí địch ở Tương Mai, Đại Yên, Trung Hòa, Dịch Vọng... tiêu diệt và tiêu hao nhiều sinh lực địch.
Thành đoàn Hà Nội đã cho xuất bản tờ báo “Nhựa sống” là tiếng nói của học sinh, sinh viên và tờ “Thiếu nhi thành Hoàng Diệu". Đội thiếu niên du kích xã Long Biên (Gia Lâm) là một điển hình của tuổi nhỏ Hà Nội hoạt động kháng chiến. Dưới sự chỉ huy của đội trưởng Dương Văn Mãi, các em đã liên tục tham gia phục kích đánh giặc trên Quốc lộ số 5 huyết mạch giao thông của giặc. Có lần Dương Văn Mãi giật mìn lật đổ đoàn tàu chở một đại đội lính Âu-Phi từ Hải Phòng lên Hà Nội và sau đó đương đầu với 2 tiểu đội địch truy bắt. Trong một trận đánh ở Gia Lâm, Dương Văn Mãi đã anh dũng chiến đấu với một trung đội địch và đã hy sinh (được truy tặng danh hiệu Liệt sĩ thiếu niên).
Từ ngày 7 đến 15 tháng 2 năm 1950, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Đoàn thanh niên cứu quốc đã diễn ra ở Đại Từ (Thái Nguyên). Đoàn đại biểu Hà Nội đã vượt qua vòng vây của quân thù tham dự đại hội. Trở về thành phố tạm chiếm, đoàn đại biểu thanh niên Hà Nội mang theo khí thế chiến thắng và quyết tâm của đại hội, phấn khởi và khẩn trương củng cố, phát triển phong trào đấu tranh của tuổi trẻ thành phố.
Tết Nguyên đán năm 1950, trong đại hội văn nghệ, học sinh toàn thành phố, thanh niên Hà Nội đã cất cao những bài ca kháng chiến: Trường ca sông Lô, Làng tôi của nhạc sĩ Văn Cao... và diễn vở kịch yêu nước chống ngoại xâm “Nửa đêm truyền hịch” trên sân khấu Nhà hát Lớn. Kẻ địch còn đang bàng hoàng thì đèn tắt, truyền đơn kháng chiến từ trên tầng 3 đã thả xuống tới tấp. Đây là cuộc đấu tranh giữa lòng địch đầy ấn tượng. Thực dân Pháp lo sợ phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên diễn ra trong cả nước nên đã lấy cớ có bệnh truyền nhiễm để bắt học sinh nghỉ học 10 ngày, kìm hãm cuộc đấu tranh. Nhưng ngay sau khi trở lại trường, học sinh các trường Trưng Vương, Chu Văn An, Arbert Sarraut và học sinh hàng loạt các trường khác đã bãi khóa rầm rộ, phong trào đấu tranh của thanh niên Hà Nội tiếp tục dâng cao. Tháng 5 năm 1950, học sinh Hà Nội kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ bằng cách đốt pháo, rải truyền đơn trong giờ học, một số lớp còn hát vang bài ca Hồ Chí Minh muôn năm. Ngày 7 tháng 11 năm 1950, nữ sinh trường Trưng Vương chào mừng chiến thắng Biên giới của quân ta trong giờ ra chơi bằng cách rải truyền đơn, đốt pháo và hát Tiến quân ca.
Điên cuồng trước sự lớn mạnh của phong trào thanh thiếu niên Hà Nội kháng chiến, thực dân Pháp và tay sai tăng cường khủng bố, đàn áp phong trào của ta cực kỳ tàn bạo. Chúng đánh phá dữ dội các cơ sở cách mạng, bắt bớ tàn sát hàng trăm cán bộ, đoàn viên, thanh niên. Giặc đã hành hạ man rợ và giết chết chiến sĩ công an Trần Văn Bình ở tuổi 21. Chỉ huy đội thiếu niên tình báo Bát Sắt là Nguyễn Xuân Sinh (tức Võ Thương) bị giặc giết hại. Nhiều nữ sinh phụ trách phong trào thanh niên trường Trưng Vương bị giặc bắt đã kiên cường bất khuất, không chịu khai báo cơ sở kháng chiến.
Sau năm 1950, phong trào cách mạng của học sinh, sinh viên bước vào thời kỳ thoái trào, trọng tâm công tác sinh viên lúc này là vận động quần chúng, củng cố cơ sở, củng cố phong trào. Để thực hiện các nhiệm vụ đó Đoàn Thanh niên phải làm công tác bí mật, tranh thủ quần chúng sinh viên về tư tưởng, làm cho họ vững tin ở chính nghĩa, ở kháng chiến, từ đó động viên họ tham gia các hoạt động bí mật của Đoàn như in ấn tài liệu, trao đổi sách báo, phát tán truyền đơn, tuyên truyền xung phong, động viên họ tham gia vào các hoạt động công khai, đưa những quan điểm của kháng chiến vào các buổi sinh hoạt của học sinh, sinh viên.
Tháng 8 năm 1952, Hội sinh viên đại hội bầu ra một Ban Quản trị hội, sau gọi là Ban Chấp hành. Hội đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để tranh thủ quần chúng sinh viên như: đưa một loạt các kiến nghị của sinh viên về chống văn hóa thực dân đồi trụy, đòi bảo vệ di tích lịch sử và văn hóa...
Tiêu biểu vào ngày 10 tháng 3 năm 1953 các đoàn viên sinh viên trong Ban Chấp hành hội đã đề xuất việc tổ chức lễ kỷ niệm cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng tại giảng đường Trường Đại học Việt Nam để khơi dậy truyền thống yêu nước và làm kiến nghị “chống trụy lạc hóa thanh niên”. Các đoàn viên và cảm tình Đoàn vận động sinh viên đến dự rất đông, tất cả đều chăm chú theo dõi bài diễn văn nói lên tinh thần yêu nước đánh đuổi giặc ngoại xâm của hai vị anh hùng dân tộc. Tất cả các hoạt động này của Hội đã thể hiện tính đúng đắn về chủ trương và tính năng động, sáng tạo trong thực hiện của lực lượng đoàn viên sinh viên lúc bấy giờ.
Tất cả các hoạt động của Hội đã thể hiện tính đúng đắn về chủ trương và tính năng động, sáng tạo trong thực hiện của lực lượng đoàn viên sinh viên lúc bấy giờ.
Những năm 1951-1953, cuộc đấu tranh chống bắt thanh niên đi lính diễn ra liên tục, tiêu biểu là cuộc đấu tranh của học sinh Hà Nội bị bắt đi học lớp đào tạo sĩ quan và quân sự ở Nam Định, Thủ Đức, Bắc Ninh nổ ra cuối năm 1951. Phong trào đấu tranh chống thủ đoạn đánh trượt thi để bắt lính tháng 8 năm 1952, đấu tranh chống “đảm phụ quốc phòng” cuối năm 1952, và hàng chục cuộc đấu tranh chống địch bắt thanh niên, học sinh, sinh viên vào các trường quân sự và lính thợ, liên tiếp nổ ra từ tháng giêng đến tháng tám năm 1953. Qua phong trào đấu tranh, các cơ sở Đoàn trong học sinh, sinh viên từ chỗ bị địch đánh phá chỉ còn lại mười đồng chí đã tăng lên gấp mười lần cuối năm 1952.
Bên cạnh đó, các tổ chức Đoàn Hà Nội đã phối hợp với các tổ chức quần chúng khác tiến hành công tác địch vận rất có hiệu quả.
Một số nữ đoàn viên, thanh niên theo sự phân công của tổ chức, đã tuyên truyền, giác ngộ, vận động binh sĩ ngụy rời bỏ hàng ngũ địch trở về với kháng chiến. Một số nam đoàn viên, thanh niên trà trộn vào hàng ngũ địch, bí mật vận động binh lính rã ngũ phản chiến.
Song song với việc chú trọng phát triển các phong trào cách mạng trong học sinh, sinh viên, Thành đoàn Hà Nội cũng đặc biệt coi trọng mở rộng và phát huy vai trò của các tổ chức Đoàn trong công nhân và các tầng lớp lao động trong vùng tạm chiếm. Ở bến Phà Đen, Nhà máy Aviat, Nhà máy Điện Yên Phụ, ga Hàng Cỏ, chợ Hôm... các cơ sở Đoàn phát triển nhanh chóng. Các đoàn viên thanh niên công nhân đã đi đầu trong phong trào phá hoại kinh tế địch gây cho chúng nhiều thiệt hại lớn.
Cuối năm 1953 đầu năm 1954, sự nghiệp kháng chiến phát triển hết sức mạnh mẽ trên toàn quốc. Phối hợp với cuộc chiến đấu của quân dân cả nước, tuổi trẻ Thủ đô đã đẩy mạnh các hoạt động kháng chiến nhằm đánh địch những đòn hiểm ngay tại trung tâm đầu não của chúng. Công tác địch vận được triển khai sâu rộng, phong trào bãi khóa, chống “quân sự hóa học đường”, chống quân địch nổ ra rầm rộ ở các trường Minh Tân, Sơn Tây, Nguyễn Khuyến, Khai Thành, Chu Văn An, Trưng Vương, Đại học Văn khoa, Đại học Sư phạm... Tại các trại tập trung thanh niên bị bắt lính, ngày ngày hàng nghìn phụ nữ, thanh niên kéo đến đòi chồng, con, anh em. Các đội du kích thường xuyên đột nhập, tập kích các trại lính, trại huấn luyện của địch, tạo điều kiện cho binh lính bỏ trốn. Tháng 5 năm 1954, 70 binh lính trại Lâm Do (Gia Lâm) phá trại bỏ trốn. Cơ sở của ta ở bến Phà Đen đêm ngày tiếp nhận, chuyển đưa các lính ngụy rã chiến ra vùng tự do. Những hoạt động quân sự được đẩy mạnh. Du kích đường 5 (Gia Lâm) đêm ngày bám đường, phục kích, lật đổ nhiều xe và tàu địch.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ trong quá trình tham gia các đại hội như: Hội nghị thanh niên và sinh viên châu Á tại Calcutta (năm 1947); Liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới lần thứ II được tổ chức tại Hungary (năm 1949); Liên hoan Thanh niên và sinh viên thế giới lần thứ III tại Berlin (1951)... Thanh niên, học sinh, sinh viên Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đã tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của tuổi trẻ tiến bộ quốc tế, đặc biệt là đối với thanh niên, học sinh, sinh viên yêu chuộng hòa bình và nhân dân Pháp.
Bằng những hành động thiết thực, tuổi trẻ Thủ đô đã góp phần cùng quân đội ta làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Geneve cũng được ký kết làm nức lòng mọi người dân. Song từ đây lại có một cuộc đấu tranh mới trong vùng kiềm tỏa của địch không kém phần nguy hiểm, trước thái độ tức giận hung hăng của chúng. Được sự giúp đỡ của Mỹ chúng đang thực thi các kế hoạch như bắt viên chức kỹ thuật viên, binh sĩ ngụy, các doanh nghiệp lớn phải vào Nam mới được rút tiền gửi ngân hàng, phá dỡ máy móc ở các cơ quan xí nghiệp của nhân dân trước và sau khi ta tiếp quản Thủ đô, dụ dỗ cưỡng ép đồng bào ta di cư vào Nam...
Để chống lại việc kẻ địch gây hoang mang trong nhân dân hòng thực hiện chủ trương cưỡng ép di cư, đoàn viên ta đã in nhiều truyền đơn ảnh (có hình vẽ và khẩu hiệu) tuyên truyền về các chính sách tiếp quản Thủ đô của Chính phủ ta. Các truyền đơn này đã được tán phát ở những nơi đông người đặc biệt là ở gần các nơi đóng quân của binh lính sĩ quan ngụy. Đoàn cũng cử một đoàn viên đến hội nghị Trung Giã gặp đại biểu Quân đội nhân dân Việt Nam để lĩnh hội ý kiến về các chủ trương chính sách đối với mọi tầng lớp xã hội Hà Nội khi quân đội ta vào tiếp quản Thủ đô, rồi về trình bày lại cho đông đảo học sinh sinh viên, từ đó lan truyền đến nhiều gia đình, bạn bè trong sinh viên... Những hoạt động đó giúp cho nhân dân và sinh viên tin vào chính sách tiếp quản Thủ đô của Đảng và Chính phủ.
Trước khi di cư vào Nam, thực dân Pháp chủ trương phá hoại các tài sản ở các nhà máy, do đó, Hội sinh viên đã cử một đoàn đại biểu, trong đó nòng cốt là các đoàn viên, trực tiếp đến các nhà máy như Nhà máy Nước, Nhà máy Điện yêu cầu giám đốc nhà máy thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Geneve. Cuộc đấu tranh này nhằm hỗ trợ các công nhân viên chức trong nhà máy trong việc bảo vệ tài sản ở đây. Đoàn đã liên hệ với các đại biểu công nhân, viên chức nhắc nhở anh em lấy các thiết đồ, thiết kế, các bản hướng dẫn sử dụng và điều hành, đấu tranh đòi đủ dự trữ than chạy máy...
Sắp đến ngày tiếp quản Thủ đô nhưng kẻ địch vẫn còn nhiều hoạt động vi phạm Hiệp định Geneve, dân chúng thành phố lo lắng cho rằng địch sẽ phá hoại lớn, sẽ làm rối loạn thành phố trước khi rút lui. Hiểu được sự lo lắng của đông đảo nhân dân, được sự đồng ý về chủ trương của cấp trên, Ban Chấp hành sinh viên đề xuất yêu cầu Ủy ban quốc tế giám sát và kiểm soát đình chiến ở Việt Nam can thiệp. Ủy ban quốc tế lúc đó có ba thành phần: Ấn Độ là nước trung lập, Ba Lan thuộc phe xã hội chủ nghĩa, Canada thuộc phe tư bản chủ nghĩa. Các đoàn viên sinh viên được giao nhiệm vụ phải tính toán sao cho sự việc diễn ra thuận lợi nhất.
Nhân lúc đại biểu Canada vào Nam, đại biểu Ba Lan đã thu xếp cho đoàn đại biểu học sinh sinh viên một cuộc gặp gỡ với ông Desai, Chủ tịch Ủy ban quốc tế. Được lời hẹn, hội sinh viên đã mời các tổ chức khác tới họp tại quán ăn sinh viên để thành lập một đoàn đại biểu nhân dân Hà Nội đi gặp Ủy ban quốc tế. Đoàn đại biểu bao gồm đại diện Hội Phụ nữ Bắc Hà, Hội Ái hữu các trường tư, Hội Phật giáo, Hội Công giáo, Hội Hướng đạo sinh, Hội Sinh viên và các vị có tên tuổi trong giới công thương Hà Nội. Các đại biểu sinh viên (là đoàn viên và cảm tình Đoàn) đã nhận được các nhiệm vụ như phó đoàn, phát ngôn của đoàn, thư ký của đoàn, phóng viên nhiếp ảnh của đoàn.
Chiến tranh đã kết thúc, nhưng nhiều thanh thiếu niên Hà Nội ngày ấy đã không trở về...
Đoàn đại biểu được ông Chủ tịch Ủy ban quốc tế đón tiếp trân trọng và cảm ơn về việc đã cung cấp tài liệu cụ thể về những hành động vi phạm hiệp định Geneve của Pháp. Sau cuộc họp này, một đoàn viên của ta đã viết bài tường thuật đăng báo vào ngày hôm sau để phát huy thắng lợi. Chiến tranh đã kết thúc, nhưng nhiều thanh thiếu niên Hà Nội ngày ấy đã không trở về. Họ đã nằm lại trên khắp các chiến trường của Tổ quốc với lời thề độc lập và quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, song họ vẫn sống mãi với non sông đất nước. Trong tâm hồn lớp trẻ hôm nay và mai sau, những học sinh, sinh viên ngày ấy là tấm gương cho thanh thiếu niên noi theo.
Trong tâm hồn lớp trẻ hôm nay và mai sau, những học sinh, sinh viên ngày ấy là tấm gương cho thanh thiếu niên noi theo.
Tiếp nối truyền thống cách mạng của thanh niên Thủ đô thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nhiều phong trào cách mạng của Đoàn thanh niên Thành phố đã ra đời, đặc biệt là phong trào "Ba sẵn sàng” của thanh niên trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã góp phần vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta. Từ khi hòa bình được lập lại trên cả nước cho đến nay, dưới sự lãnh đạo của Thành đoàn Hà Nội, các thế hệ thanh niên, học sinh, sinh viên Hà Nội đã có nhiều đóng góp thiết thực tham gia xây dựng Thủ đô và đất nước, tiếp tục thể hiện vai trò quan trọng của thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nguồn: Sách “Thiên sử vàng của quân dân Thủ đô anh dũng”, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, NXB Hà Nội-2014.
Trình bày: T. Lâm
Ảnh tư liệu: Báo Nhân Dân, Di tích Nhà tù Hoả Lò, TTXVN, Quốc phòng Thủ đô