THANH NIÊN XUNG PHONG
VỚI CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, nhân dân ta đã làm cuộc Cách mạng Tháng Tám (1945) thành công đưa đến việc thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng thực dân Pháp đã không cam chịu thất bại, chúng trở lại xâm lược nước ta một lần nữa buộc nhân dân ta nhất tề đứng lên thực hiện lời kêu gọi của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh "toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến, trường kỳ kháng chiến".
Để phục vụ Chiến dịch Biên giới, ngày 15/7/1950, Bác Hồ chỉ thị cho Trung ương Đoàn Thanh niên cứu quốc (nay là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh) tổ chức Đội Thanh niên xung phong công tác để "giúp việc làm đường, để làm lực lượng căn bản", lúc đầu đội chỉ có 225 cán bộ, đội viên. Đến các Chiến dịch Trung du, đường 18, Hà-Nam-Ninh, Tây Bắc, Thượng Lào (năm 1951-1952), đội được phát triển thêm với 2.750 cán bộ, đội viên (kể cả nữ thanh niên).
Năm 1953 cuộc kháng chiến của nhân dân ta chuyển sang giai đoạn tổng phản công, Bác nhận định: "Kháng chiến càng tiến tới; công việc ngày càng nhiều, có nhiều khó khăn và sẽ rất ác liệt, chúng ta cần củng cố và phát triển Đội Thanh niên xung phong để bảo đảm thêm công việc kháng chiến và đào tạo cán bộ sau này. Nhiệm vụ của Đội Thanh niên xung phong là xung phong mọi việc, bất kỳ việc khó, dễ, và phục vụ cho đến kháng chiến thành công. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang của thanh niên ta. Thành phần đội gồm những thanh niên bần, cố và trung nông. Những thanh niên trí thức quen lao động. Đội cốt giáo dục cho thanh niên tinh thần quyết tâm xung phong trong mọi việc. Rèn luyện thành những thanh niên gương mẫu, những chiến sĩ thi đua, để trở nên những cán bộ tốt sau này cho Đảng và Chính phủ... Qua từng thời gian công tác sẽ luân chuyển về chỉnh huấn chính trị. Khi cần thiết thì đội tổ chức luyện tập quân sự. Về cung cấp thì thanh niên trong đội được Đảng và Chính phủ ưu đãi như bộ đội. Đó là một trường đào tạo thanh niên bằng những công việc thiết thực"1. Bác cho lập Đoàn Thanh niên xung phong với yêu cầu cao hơn và cử đồng chí Vũ Kỳ làm Đoàn trưởng, giúp việc Ban Chỉ huy đoàn có các ban chuyên môn. Đảng ủy đoàn cũng được thành lập và trực thuộc Trung ương.

Bộ đội cùng đồng bào các dân tộc Tây Bắc xẻ núi, làm đường vào trận địa. (Ảnh: TTXVN)
Bộ đội cùng đồng bào các dân tộc Tây Bắc xẻ núi, làm đường vào trận địa. (Ảnh: TTXVN)
Tháng 5/1953, Bộ Chính trị quyết định hướng chiến dịch là Tây Bắc, Đoàn Thanh niên xung phong được tuyển thêm 10.000 quân với bộ khung Ban Chỉ huy đội và đại đội là các huyện ủy viên, bí thư các huyện đoàn thanh niên, cán bộ tỉnh đoàn thanh niên và các đảng viên.
Bác không chỉ là người tổ chức mà còn thường xuyên theo dõi, động viên thanh niên xung phong. Ngày 20/3/1951 tại Nà Cù, Bắc Kạn, Bác đến thăm Liên phân đội 312 đang làm đường và tặng bốn câu thơ:
"Không có việc gì khó,
Chỉ sợ lòng không bền,
Đào núi và lấp biển,
Quyết chí ắt làm nên"2.
Những lời chỉ bảo trên đây thể hiện tình cảm, sự ưu ái và tin tưởng của Bác, trở thành ý chí, quyết tâm và sức mạnh của thanh niên xung phong vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hoàn thành mọi nhiệm vụ.
Với khẩu hiệu "Tất cả cho tiền tuyến", "Tất cả để chiến thắng", hàng vạn nam thanh niên vùng tự do Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Phú Thọ, Vĩnh Phúc... và các tỉnh vùng mới giải phóng ở Khu III đã qua cuộc phát động quần chúng giảm tô, giảm tức, cải cách ruộng đất tình nguyện gia nhập thanh niên xung phong. Có thể nói chưa bao giờ lại có phong trào sôi nổi và vượt mức như vậy và ngày tiễn anh em lên đường vui như ngày hội. Tuyển chọn đến đâu tổ chức thành đơn vị đại đội, đồng thời với việc lập chi bộ đảng, chi đoàn thanh niên cùng cấp và cứ 10 đại đội trở lên lập thành một đội cùng với việc lập liên chi ủy và liên chi đoàn thanh niên. Sau khi học Nội quy, Điều lệ Đoàn Thanh niên xung phong, các đại đội tiếp nối nhau hành quân, ngày nghỉ, đêm đi (vì ban ngày máy bay địch lùng sục ném bom, bắn phá khi phát hiện có mục tiêu) theo hướng Tây Bắc.
Không có việc gì khó,
Chỉ sợ lòng không bền,
Đào núi và lấp biển,
Quyết chí ắt làm nên!
Ở Liên khu V, để phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ, Liên khu ủy quyết định mở mặt trận bắc Tây Nguyên. Liên khu Đoàn Thanh niên xung phong đã huy động 4.000 nam nữ thanh niên, trong đó có 2.000 đội viên thanh niên xung phong tham gia phục vụ Chiến dịch đường 19 và An Khê.
Nhiệm vụ chính của thanh niên xung phong được Hội đồng Cung cấp mặt trận Điện Biên Phủ (có tên mật là T.100) giao là bảo đảm giao thông thông suốt cho chiến dịch, làm kho tàng, lán trại, canh gác bảo vệ, tải thương, tải đạn và hàng chục loại việc khác nữa... Cho đến khi mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng thanh niên xung phong trung ương có khoảng 15.000 cán bộ, đội viên (bao gồm cả số thanh niên xung phong công tác chuyển sang) được bố trí trên các địa phương: Đội 36 phục vụ các cơ quan Đảng và Nhà nước ở An toàn khu; Đội 38 làm đường 1B từ biên giới Lạng Sơn-Trung Quốc tới Thái Nguyên để tiếp nhận hàng viện trợ của các nước, làm đường 13 từ Yên Bái sang Sơn La; Đội 34 và Đội 40 trực tiếp bảo đảm giao thông từ Mộc Châu đến gần Điện Biên Phủ, dài trên 200km. Trừ các Đại đội 401, 404 phục vụ hỏa tuyến, các Đại đội 298, 409, 410 phục vụ Hội đồng Cung cấp mặt trận (T.100), Đại đội 291 phục vụ ở Thượng Lào, các đại đội còn lại được đóng rải rác trên tuyến đường 41 (nay là đường số 6) nhưng tập trung nhất là ngã ba Cò Nòi, đèo Chiềng Đông, đèo Chiềng Pắc, đèo Sơn La, đèo Pha Đin, ngã ba Tuần Giáo, cầu Tà Vài và Yên Châu, v.v...

Đoàn xe đạp thồ trên đường vào chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)
Đoàn xe đạp thồ trên đường vào chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)

Hò dô ta nào! Kéo pháo ta vượt qua đèo! (Ảnh: TTXVN)
Hò dô ta nào! Kéo pháo ta vượt qua đèo! (Ảnh: TTXVN)

Các đơn vị bộ binh cơ giới đang khẩn trương đưa bộ đội vào Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)
Các đơn vị bộ binh cơ giới đang khẩn trương đưa bộ đội vào Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)
Đến tháng 12/1953, mặt trận chính đã hình thành là Điện Biên Phủ. Cả ta và địch đều tập trung lực lượng, tập trung mọi cố gắng cao nhất để giành thắng lợi trong cuộc đọ sức quyết liệt này.
Đáp lại lời kêu gọi của Trung ương và của Bác Hồ, các lực lượng công binh, thanh niên xung phong, chủ lực cầu đường và dân công đã sửa chữa, mở rộng, làm mới hàng nghìn km đường, cầu (đường 1B, 13, 41, Mộc Châu-Pa Hang); các thác trên sông Đà, sông Nậm Na, sông Mã đã được phá, các đoàn vận tải bằng ô-tô, xe đạp thồ, ngựa thồ, gánh bộ, thuyền gỗ, thuyền nan từ các miền đều tập trung về hướng Điện Biên Phủ.
Địch cho rằng mặt trận xa hậu phương hàng 500-600km, ta không tài nào cung cấp cho bộ đội đủ súng đạn, lương thực, thực phẩm với việc tổ chức vận chuyển bằng thủ công: một dân công chuyển được 20kg lương thực thì đã ăn gần hết còn đâu đưa vào kho. Trên cơ sở tính toán đó địch cho máy bay đánh phá khắp mọi nơi, cả trên bộ và trên sông để triệt đường vận chuyển của ta ra tiền tuyến. Lúc đầu chúng đánh phá từ xa, đường 1B, đường 13, đường 15 từ Thanh Hóa sang Hòa Bình, về sau chúng đánh phá những nơi gần mặt trận nhất là từ ngã ba Cò Nòi đến ngã ba Tuần Giáo-Điện Biên Phủ.
Ngã ba Cò Nòi là giao điểm giữa đường 13 (từ Việt Bắc sang) và đường 41 (từ Khu III, Khu IV lên) là đoạn đường xung yếu nhất trong tuyến đường của chiến dịch nên trở thành "cửa tử", thành "túi bom".
Cả ta và địch đều tập trung lực lượng, tập trung mọi cố gắng cao nhất để giành thắng lợi trong cuộc đọ sức quyết liệt này.
Ở ngã ba này địch đánh phá ác liệt ngày cũng như đêm, có ngày chúng ném đến 300 quả bom các loại. Hằng ngày máy bay "Bà già" của địch bay rất thấp, rà soát, quần đảo phát hiện mục tiêu là báo cho các máy bay phản lực Hencát, B26, B29 đến bắn phá, ném bom. Gay gắt nhất là khi chúng ném kết hợp nhiều loại bom cùng lúc bao gồm bom phá, bom nổ chậm, bom napan, bom bươm bướm. Bất chấp hiểm nguy, cán bộ, đội viên thanh niên xung phong các Đại đội 293, 300, 403, 408,... kiên cường bám trụ ngày đêm. Được sự huấn luyện của bộ đội công binh, các tổ phá bom đã dũng cảm lăn bom (gần mép đường) xuống vực sâu, phá những quả nằm sâu trên mặt đường. Lúc đầu còn nhiều bỡ ngỡ và gặp nhiều khó khăn nhưng qua thực tế công tác rà phá bom càng ngày càng có kinh nghiệm, tổ chức đài quan sát bom và ghi bản đồ không để sai sót, kịp thời phổ biến kinh nghiệm và phát huy sáng kiến như ngồi trong hố cá nhân dùng sào nứa dài gạt bom bươm bướm gây nổ, v.v... Sau các trận đánh chỉ 3-4 tiếng đồng hồ là đường lại thông. Tuy nhiên đã có hàng trăm thanh niên xung phong hy sinh anh dũng tại nơi đây. Anh em đã chôn cất đồng đội bằng phên nứa thay áo quan, với tấm chăn bông mỏng, gốc cây vạt phẳng viết bằng mực tím làm mộ chí, đến nay do tác động của thiên nhiên và con người nên phần lớn mồ mả không còn. Tiêu biểu cho tinh thần dũng cảm rà phá bom là các đồng chí Nguyễn Tiến Thụ, Cao Xuân Thọ, Trần Cam... những người mà trước khi đi làm nhiệm vụ được đồng đội "tế sống", sau này trở thành chiến sĩ thi đua của Đoàn Thanh niên xung phong.
Đèo Pha Đin dài 32km, cao 1.600m (so với mặt biển), rừng cây rậm rạp, nhiều đoạn "cua" gấp khúc, dốc đứng, vực sâu, đường như chồng lên nhau, ô-tô phải qua nhiều "đỏ" mới qua được, lại chỉ cách mặt trận khoảng 40km đường chim bay. Địch chọn nơi đây để ném bom bởi chúng tính đánh một thì phá được giao thông từ hai đến ba lần nên chúng càng đánh phá thường xuyên và ác liệt hơn. Những ngày mưa đường trơn như đổ mỡ, xe trườn lên trượt xuống, có khi bánh quay tít mà xe không chuyển chút nào. Tất cả những vất vả và hy sinh đã không khuất phục được tinh thần của thanh niên xung phong. Các Đại đội 264, 292, 293, 294, 295, 403, 405,... được phân công phụ trách từng đoạn đường, ở xa các trọng điểm 4-5km, anh em phải chia ca kíp làm cả ngày cả đêm phá bom, chống lầy, san lấp mặt đường và nhờ có sự chuẩn bị sẵn nhiều đá, nhiều cây gỗ nên công việc khôi phục đường được nhanh chóng.
Một lần có 10 chiếc xe chở đạn pháo của bộ đội vượt đèo Pha Đin, chiếc xe đầu bị trúng bom bốc khói, đồng chí Trịnh Văn Huyền đã nhảy lên xe dũng cảm dập lửa và hô hào đồng đội đến cứu xe. Anh em các đại đội ở gần đó đã xông đến cứu hàng, cứu xe bất chấp nguy hiểm đến tính mạng. Người dùng xẻng, dùng bao tải dập lửa, người bốc hàng trên xe xuống đường. Đoàn xe được an toàn và tiếp tục ra mặt trận. Trịnh Văn Huyền được thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba, được kết nạp Đảng, được bầu là Chiến sĩ thi đua và được cử vào Đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam đi dự Liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới ở Vácsava (Ba Lan) năm 1955. Vùng Pha Đin, Tuần Giáo có nhiều thanh niên xung phong hy sinh, riêng Đại đội 293 có 17 người.
Tất cả những vất vả và hy sinh đã không khuất phục được tinh thần của thanh niên xung phong.
Cầu Tà Vài dài khoảng 60m, cách đó không xa là cầu Yên Châu nằm trên cùng một dòng suối lớn, về mùa cạn thì nơi nào cũng lội qua được nhưng mùa mưa lại rất nguy hiểm. Đại đội 407, tiền thân là liên phân đội Hăngri Máctanh nổi tiếng về phá bom, từ Đội Thanh niên xung phong công tác Trung ương chuyển qua Đoàn Thanh niên xung phong (từ Thượng Lào về) được phân công chốt ở hai vị trí này cùng hai đơn vị bạn 292, 297. Sau khi cầu bị đánh sập, anh em phải làm đường ngầm, nhưng vùng này lại ít đá nên phải đan rọ bằng giang hoặc bằng cây gỗ nhỏ làm khung bỏ đá "đầu trọc", chặt tre, gỗ làm rong đanh, lát mặt đường, hai bên đóng cọc giữ chặt các cây buộc giằng bằng dây giang để cho ô-tô qua lại không trơn, không lầy. Địch ném bom hỏng đoạn nào thay đoạn ấy. Rút kinh nghiệm ở các đơn vị khác, ở đây cũng chuẩn bị thật nhiều đá, thật nhiều tre, cây gỗ nên khắc phục hậu quả được nhanh hơn.
T.100 - "cái dạ dày" của Chiến dịch Điện Biên Phủ cứ ngày càng "to ra". Ở đây thanh niên xung phong làm nhiệm vụ xây dựng hệ thống kho tàng, trạm trại, bốc vác, vận chuyển và bảo vệ kho, hằng ngày phải vào rừng chặt cây ngụy trang các con đường vào kho. Anh em làm việc với tinh thần trách nhiệm cao và ý thức kỷ luật thật nghiêm vì chỉ sơ suất một chút là có thể ảnh hưởng đến chiến dịch.

Các chiến sĩ quân y của ta luôn luôn bám sát trận địa, cứu chữa kịp thời những trường hợp bị thương. (Ảnh: TTXVN)
Các chiến sĩ quân y của ta luôn luôn bám sát trận địa, cứu chữa kịp thời những trường hợp bị thương. (Ảnh: TTXVN)
Trong hoàn cảnh chiến tranh, điều kiện liên lạc, đi lại hết sức khó khăn, các đội và đại đội ở phân tán trên tuyến đường hàng mấy trăm km, xa sự lãnh đạo của Ban Chỉ huy đoàn, đội. Các chi bộ phát huy tinh thần "tự động công tác", liên hệ chặt chẽ với các đơn vị bộ đội, với Hội đồng Cung cấp mặt trận, với địa phương nơi đóng quân, nắm chủ trương của Đảng và cấp trên, giữ vững sinh hoạt chi bộ, chi đoàn, đoàn kết giúp đỡ nhau, bảo đảm đời sống, bảo đảm tốt quan hệ với các cơ quan sử dụng và nhân dân địa phương. Từ đó anh em đều hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Tuy thanh niên xung phong chỉ là một lực lượng nhỏ nhưng lại là lớp người tuổi trẻ, hăng hái, lại được tổ chức chặt chẽ, có kỷ luật cao, tình nguyện phục vụ đến kháng chiến thành công nên được giao nhiệm vụ ở các trọng điểm của chiến dịch. Với quyết tâm "Thanh niên xung phong còn thì mạch giao thông luôn được giữ vững", thanh niên xung phong không chỉ làm đường, phục vụ chiến đấu anh dũng và đầy sáng tạo mà trong chiến dịch còn chuyển sang bộ đội 8.000 quân (kể cả 2.000 quân của Đội 38) trực tiếp cầm súng chiến đấu, góp phần vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (ngày 7/5/1954) chấn động địa cầu.

Đoàn dân công xe thồ phục vụ tiền tuyến. (Ảnh: TTXVN)
Đoàn dân công xe thồ phục vụ tiền tuyến. (Ảnh: TTXVN)
Trong thư ngày 8/5/1954, Bác Hồ khen "Quân ta đã giải phóng Điện Biên Phủ. Bác và Chính phủ thân ái gửi lời khen ngợi cán bộ, chiến sĩ, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào địa phương đã làm tròn nhiệm vụ một cách vẻ vang. Thắng lợi tuy lớn nhưng mới là bắt đầu. Chúng ta kiên quyết kháng chiến để tranh lại độc lập, thống nhất, dân chủ, hòa bình"3.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận xét rằng "việc bảo đảm cung cấp lương thực, đạn dược cho Điện Biên Phủ là một nhân tố vô cùng quan trọng, quan trọng không kém các vấn đề chiến thuật từng ngày, từng giờ... không kém tình hình chiến đấu. Vì vậy kẻ địch không thể tưởng tượng được chúng ta có thể giải quyết được những vấn đề khó khăn ấy. Bọn đế quốc và phản động đã không đánh giá được sức mạnh vĩ đại của một dân tộc, sức mạnh của nhân dân.
Trong chiến dịch nếu không có thanh niên xung phong thì bộ đội cũng sẽ gặp khó khăn. Thanh niên xung phong đã thật sự đem tinh thần xung phong của thanh niên xung phong trên chiến trường Điện Biên Phủ, cùng quân đội, dân công, đồng bào Tây Bắc, góp phần cống hiến xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc. Tôi luôn coi thanh niên xung phong như bộ đội".
Đồng chí Nguyễn Văn Trân, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Cung cấp mặt trận khẳng định: "Việc vận chuyển từ hậu phương ra tiền phương biết bao hy sinh. Phải nói rằng thanh niên xung phong là lực lượng nòng cốt không những vận tải mà còn bảo đảm giao thông trên bộ, trên sông. Ở các điểm nóng của chiến dịch đều có mặt thanh niên xung phong"...
Trong không khí vui mừng phấn khởi sau chiến thắng, các đơn vị bộ đội lần lượt hành quân về xuôi nhận nhiệm vụ mới. Các đơn vị thanh niên xung phong của hai đội 34, 40 gồm 8.000 cán bộ, đội viên (kể cả số mới được bổ sung sau chiến dịch), lại nhận được chỉ thị của Ban Chỉ huy Đoàn Thanh niên xung phong Trung ương truyền đạt lệnh của Bác Hồ hành quân ngược lên biên giới Lai Châu-Trung Quốc làm đường chiến lược, chuẩn bị cho kế hoạch mới.
Đây là bước ngoặt lớn đối với thanh niên xung phong. Tư tưởng cán bộ, đội viên diễn biến khá phức tạp bởi ai cũng tưởng rằng sau thắng lợi sẽ được về thăm gia đình, quê hương, tiếp tục đi học hoặc tham gia công tác ở địa phương. Để làm thông suốt tư tưởng cán bộ, đội viên, trước hết là đảng viên, một đợt sinh hoạt học tập được tiến hành khẩn trương nghiêm túc và chu đáo. Tài liệu học tập là chỉ thị của Bác về ý nghĩa quan trọng của con đường, là những bài báo của Bác về thanh niên xung phong, có liên hệ kiểm điểm, biểu dương những ưu điểm, phê phán những tư tưởng thoả mãn, tự kiêu, nghỉ ngơi... Sau khi học tập, tất cả cán bộ, đội viên đều hạ quyết tâm nhận nhiệm vụ bất kể việc gì, ở đâu.

Các chiến sĩ công binh đang cắt hàng rào dây thép gai mở đường cho các chiến sĩ xung kích tấn công tiêu diệt vị trí 206. (Ảnh: TTXVN)
Các chiến sĩ công binh đang cắt hàng rào dây thép gai mở đường cho các chiến sĩ xung kích tấn công tiêu diệt vị trí 206. (Ảnh: TTXVN)
Trừ bốn đại đội ở lại thu dọn chiến trường, còn đại quân về sửa chữa đường Mộc Châu-Pa Hang, chuẩn bị cho kế hoạch mới, sau đó các đơn vị còn lại hành quân lên biên giới, mặc núi cao, vực sâu, đường dài, vác nặng, đúng thời gian quy định. Công việc đầu tiên là làm lán trại, kho tàng cho Ban Chỉ huy công trường 111 (ngoài việc làm lán trại cho bản thân), khảo sát đường công vụ, đóng bè mảng bằng nứa sang Trung Quốc nhận và chuyển về lương thực thực phẩm (đồ khô), dụng cụ làm đường (xẻng, cuốc chim, xà-beng, choòng, búa tạ, thuốc mìn, nụ xòe, dây cháy chậm...).
Địa bàn đóng quân của hai đội thuộc vùng mới giải phóng, bọn phỉ còn hoạt động chống phá nên các đơn vị phải sẵn sàng đối phó với chúng.
Thời chiến tranh, việc bảo đảm giao thông cốt làm nhanh và an toàn cho xe, pháo qua lại (cố nhiên có một số được học kỹ thuật rà phá bom các loại), còn trong thời bình lại đòi hỏi có hiểu biết chút ít về kỹ thuật làm đường, cầu như việc tìm tuyến đường, độ cong, độ nghiêng mặt đường, độ dốc cho phép, ta-luy, rãnh thoát nước, làm cầu cống (chủ yếu bằng gỗ, đá...). Tất cả đều mới và thực sự là một thách thức lớn đối với thanh niên xung phong. Nhờ sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật của công trường, cộng với tinh thần ham học hỏi, anh em dần dần làm quen với công việc, vừa làm vừa học qua thực tế ngày càng có kinh nghiệm hơn. Công việc làm đường được tiến hành theo lối cuốn chiếu từ biên giới về. Địa chất khá phức tạp, có đoạn đường đã hình thành chỉ một cơn mưa hay một trận gió lay động cây rừng làm sụt lở hàng nghìn m3 đất đá, thậm chí làm mất mặt đường, phải làm lại và ta-luy càng cao hơn, khó khăn hơn. Có đoạn đường phải qua một lèn đá, anh em phải buộc dây vào người đu trên vách đá để đục lỗ mìn...

Phút nghỉ ngơi giữa hai trận đánh. (Ảnh: TTXVN)
Phút nghỉ ngơi giữa hai trận đánh. (Ảnh: TTXVN)
Được sự chỉ đạo của Ban Chỉ huy Đoàn Thanh niên xung phong và sự giúp đỡ của lãnh đạo tỉnh Lai Châu, Ban Chỉ huy công trường, các đơn vị mà nòng cốt là các chi đoàn thanh niên tổ chức phong trào thi đua lao động, sản xuất với năng suất cao, sản lượng nhiều, chất lượng tốt. Ngoài ra còn tổ chức học văn hóa cho anh em theo phương châm cần gì học nấy, người biết chữ dạy người chưa biết. Sách giáo khoa do Ban Tuyên huấn của đoàn soạn, cứ ba tháng học xong một lớp và chỉ trong một năm anh em đã có trình độ học vấn cấp I. Đẩy mạnh việc trồng rau muống, rau cải, bầu bí và mua thêm gà, lợn của bà con trong bản để cải thiện bữa cơm, nhờ đó mà bảo đảm 85-90% quân số khỏe. Phong trào văn nghệ cũng được chú ý, ngoài ca hát tập thể, các đội còn có đội văn công (không có nữ) lưu động đi phục vụ các đơn vị. Những buổi biểu diễn văn nghệ, chiếu phim (do đoàn cử lên) được đông đảo anh em trong đơn vị và bà con các dân tộc trong các bản đến xem rất đông, rất vui và là một dịp tăng lên tình đoàn kết quân dân.
Cùng với việc làm đường, thanh niên xung phong còn được Ban Chỉ huy công trường giao nhiệm vụ phá thác trên sông Nậm Na, đóng thuyền gỗ để vận chuyển trên sông, đóng phà để qua lại tại hai bến Pa Tần và Lai Châu. Người có công lớn trong việc này là đồng chí Nguyễn Văn Khoa (quê Phú Thọ) và Nguyễn Văn Liêm (quê Nghệ An).
Đẩy mạnh việc trồng rau muống, rau cải, bầu bí và mua thêm gà, lợn của bà con trong bản để cải thiện bữa cơm, nhờ đó mà bảo đảm 85-90% quân số khỏe.
Hơn ba năm đầy gian lao bởi khí hậu quá ác nghiệt, ngày nắng nóng, đêm giá buốt thấu xương, lại còn nạn ruồi vàng, bọ chét cắn đốt sinh ghẻ lở ốm đau, bệnh phù thũng (do thiếu vitamin), bệnh sốt rét rừng, phải chia nhau từng viên thuốc ký ninh, có khi phải ăn cháo ăn ngô vì kho thiếu gạo... Hơn một trăm thanh niên xung phong bị bệnh tái phát do hậu quả của chiến tranh, do tai nạn lao động... đã vĩnh viễn nằm lại tại nghĩa trang Chiềng Chăn (Chăn Nưa). Cũng như anh em đã hy sinh ở ngã ba Cò Nòi, Pha Đin, Tuần Giáo... anh em ở đây cũng được đồng đội chôn cất chu đáo trong hoàn cảnh có nhiều thiếu thốn. Vượt lên những mất mát, đau thương, cán bộ, đội viên thanh niên xung phong bằng tinh thần đồng tâm hiệp lực, lao động cần cù, bền bỉ, dũng cảm và sáng tạo, mặt đường ngày một rộng ra, các đoạn đường càng dài thêm và nối kết với nhau làm cho bà con các dân tộc thêm tin tưởng (trước khi làm đường bà con không tin vì cho rằng Pháp ở đây gần 100 năm mà đã không làm được). Các ngày tết, ngày lễ, bà con các dân tộc với quần áo màu sặc sỡ, đi hàng ngày đường cùng với những gùi bánh đến tặng anh em. Thật là cảm động trước tấm lòng của những bà mẹ, những cô gái, những chàng trai các dân tộc làm ấm lòng những người xa quê vì việc nước, việc dân.
Con đường dài gần 100km từ biên giới Ma Lù Thàng (Bản Lẻng) đến thị xã Lai Châu được hoàn thành về cơ bản, trước sự vui mừng của các đồng chí lãnh đạo Trung ương, địa phương, cán bộ và đồng bào các dân tộc. Một cuộc mít-tinh được tổ chức ở Lai Châu, hàng chục xe ô-tô (từ biên giới Trung Quốc) chở bà con trong những bộ quần áo đẹp, tay cầm cờ hoa về dự hội. Con đường sau này được nâng cấp góp phần vào việc cải thiện dân sinh, khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội, củng cố an ninh và quốc phòng.
Hoàn thành nhiệm vụ, hàng nghìn thanh niên xung phong được đưa đi đào tạo trung học chuyên nghiệp, đại học ở trong nước và nước ngoài, số đông chuyển sang các ngành. Có một số ở lại nhận công tác ở các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái... Số khác về địa phương.
Phần lớn anh em đều được học nghề và đào tạo trở thành công nhân, cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học-kỹ thuật của các ngành, các cấp. Phát huy tinh thần Điện Biên Phủ, dù ở ngành nào, hay về địa phương, thanh niên xung phong vẫn giữ được tinh thần xung phong, là một trong những lực lượng nòng cốt của công cuộc khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Nay hầu hết anh em đã già yếu nhưng vẫn tiếp tục đóng góp vào công việc chung ở nơi cư trú...
... "Uống nước nhớ nguồn", nhiều công trình đã được xây dựng để "đền ơn đáp nghĩa". Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ, Đài tưởng niệm thanh niên xung phong ở ngã ba Cò Nòi (thời chống Pháp), Đài tưởng niệm 10 cô gái thanh niên xung phong ở ngã ba Đồng Lộc, Đài tưởng niệm thanh niên xung phong ở Tây Ninh (thời chống Mỹ), v.v. mãi mãi là niềm kiêu hãnh, lòng tự hào của tuổi trẻ Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước.
... Thanh niên xung phong Việt Nam, trong đó có Đoàn Thanh niên xung phong Trung ương, thật xứng đáng với niềm tin yêu của Bác Hồ, với phần thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước đã phong tặng "Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân".
50 năm đã trôi qua kể từ Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đất nước ta nói chung, Điện Biên, Lai Châu nói riêng có bộ mặt tươi đẹp như ngày nay, trong đó có phần cống hiến và trưởng thành của thanh niên xung phong càng minh chứng tầm nhìn xa, trông rộng của Bác Hồ. Và thật xúc động xiết bao trước khi đi xa Bác còn ghi lại trong Di chúc, nhắc nhở: "Những chiến sĩ trẻ tuổi trong các lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong đều đã được rèn luyện trong chiến đấu và đều tỏ ra dũng cảm. Đảng và Chính phủ cần chọn một số ưu tú nhất cho các cháu ấy đi học thêm các ngành, các nghề, để đào tạo thành những cán bộ và công nhân có kỹ thuật giỏi, tư tưởng tốt, lập trường cách mạng vững chắc. Đó là đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta"4.

Nhân dân các thị trấn ở Thanh Hóa tiến đưa các đoàn dân công xe đạp thồ lên đường phục vụ tiền tuyến năm 1954. (Ảnh: TTXVN)
Nhân dân các thị trấn ở Thanh Hóa tiến đưa các đoàn dân công xe đạp thồ lên đường phục vụ tiền tuyến năm 1954. (Ảnh: TTXVN)
Làm theo lời di huấn của Bác Hồ, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã và đang vận dụng tư tưởng của Người về thanh niên xung phong trong điều kiện mới. Nội dung và hình thức hoạt động phong phú, thích hợp như lập các Tổng đội Thanh niên xung phong nhận các dự án làm đường, trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi trọc, làm kinh tế trang trại, các đội tình nguyện, v.v... Đề nghị Đoàn nhân rộng và đặc biệt chú trọng chiều sâu và hiệu quả của phong trào nhằm góp phần làm nên thắng lợi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Nội dung: Nguyễn Tiến Năng
Nguồn: 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Sách Điện Biên Phủ, hợp tuyển công trình khoa học, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, 2005. Tham luận tại Hội thảo khoa học quốc gia: Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và công cuộc đổi mới, phát triển đất nước, Điện Biên, ngày 7, 8/3/2004.
Ảnh: TTXVN
Trình bày: T. Nguyên