“Lạnh muốn rụng ngón tay” là điều mà nhiều người miêu tả cái lạnh ở Yakutsk, thủ phủ Cộng hòa Sakha (đông bắc nước Nga). Ở nơi này, dễ hiểu tại sao dân tộc Nga là dân tộc kiên cường, bởi vì sống trong cái lạnh xuống dưới -500C giống như một cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ. Cũng tại đó, những gia đình người Việt vẫn đang nỗ lực xây dựng hình ảnh ấm áp trong cộng đồng.

Mùa đông -500C

Tháng 3, mùa xuân ở Yakutsk, nhưng màu trắng vẫn là chủ đạo. Băng đóng trên những ống khói, trông như chùm san hô. Mà khéo tưởng tượng cũng giống bộ râu của một ông già cau có. Sau những ngày gió lớn, trên cây thông ở góc vườn, còn chút tuyết đọng lại. Nơi cửa sổ, băng từ trên rỉ xuống thành từng nhũ ngắn dài trong suốt.

Căn nhà hai tầng của gia đình anh Nguyễn Văn Thọ nằm cách trung tâm thành phố Yakutsk khoảng 5km. Chung quanh có nhiều những căn nhà gỗ ọp ẹp, một số bỏ hoang. Ngày xưa, Yakutsk là thành phố bằng gỗ. Đến thời Xô Viết, người dân vẫn sống trong các căn nhà gỗ hai tầng, giờ thì chúng xuống cấp nghiêm trọng. Thành phố đã triển khai chương trình di dời người dân đến các tòa nhà cao tầng. Tuy nhiên, hiện vẫn còn không ít cư dân sinh sống trong những căn nhà gỗ đã nghiêng ngả.

Mùa xuân ở Yakutsk.

Mùa xuân ở Yakutsk.

Item 1 of 4

Mùa xuân ở Yakutsk.

Mùa xuân ở Yakutsk.

Trong cái rét -250C của mùa xuân, những ống khói bằng inox vẫn nhả khỏi lơ lửng trên trời. Là thủ phủ Cộng hòa Sakha, Yakutsk nằm trong lòng chảo sâu trong đất liền, được bao quanh bởi các dãy núi từ ba phía. Không khí lạnh từ Bắc Cực liên tục di chuyển vào khu vực này và tích tụ ở các vùng đất thấp. Với vị trí độc đáo đó, ở Yakutsk lạnh hơn so một số thành phố ở vĩ độ cao.

Trong vườn, lớp tuyết bông ngập qua mắt cá chân.“Trời ấm lên rồi. Không như những ngày đông nữa”, chị Phương - vợ anh Thọ chẹp miệng. Trong suy nghĩ của những người ở Yakutsk, để hiểu vùng đất này nhất, tận hưởng nhiều cái đẹp đẽ nhất, phải đến đây vào những ngày lạnh giá nhất.

Cái lạnh đấy phải là -500C. Cái lạnh mà chị Phương, hay người Việt ở đây, thường diễn đạt trong mấy từ “lạnh muốn rụng cả ngón tay”. Lạnh nhất là những ngày năm mới. Người dân ra đường trông như những cục vải di động, kín từ đầu đến chân, chỉ hở đôi mắt mà trên hàng mi băng tuyết cũng bám trắng xóa. Một ngón tay lỡ thò ra, là cảm thấy đau điếng không chịu nổi. Nhưng cũng đôi khi nhiệt độ tăng lên -30, -350C. Và khi đó, thành phố nói về sự nóng lên toàn cầu.

Thời tiết khắc nghiệt tại Yakutsk.

Thời tiết khắc nghiệt tại Yakutsk.

Item 1 of 3

Thời tiết khắc nghiệt tại Yakutsk.

Thời tiết khắc nghiệt tại Yakutsk.

Nơi lạnh nhất hành tinh là Nam Cực. Chỉ có những chú chim cánh cụt, các nhà thám hiểm vùng cực, hoặc những người leo núi đến đó vài giờ, mới sống được ở đó. Song, chỗ lạnh nhất thế giới, nơi có người sinh sống thường xuyên, lại nằm gần làng Oymyakon ở Cộng hòa Sakha. Nhiệt độ thấp nhất đo được ở đây là dưới -700C, vào những năm 30 của thế kỷ 20.

Tuyết đậu trên mi mắt. (Ảnh: siberiantimes.com)

Tuyết đậu trên mi mắt. (Ảnh: siberiantimes.com)

Trong hơn 20 năm sinh sống ở Yakutsk, chị Phương và gia đình chưa từng đến Oymyakon, với cái lý không cần đến một nơi khác để cảm nhận cái lạnh, vì ở Yakutsk là quá đủ rồi. Cách Oymyakon khoảng 1.000 km, Yakutsk nổi tiếng là thành phố lạnh nhất thế giới nơi có người sinh sống thường xuyên.

Ai mới đến Yakutsk, cũng rất dễ tò mò về những đường ống dẫn nước được bọc bằng bông thủy tinh (loại vật liệu cách nhiệt làm từ sợi thủy tinh tổng hợp) và phủ một lớp bao bì bảo vệ cứ trườn dài hết các con đường chính, ngõ ngách của thành phố. Nơi những đoạn ống nối, nhũ băng nhọn dài xuống cả mét. Đó là những điểm tạo thêm thương hiệu cho Yakutsk, dù không được mỹ miều. Ngoài tên gọi “thành phố băng”, Yakutsk còn có tên khác là “thành phố lộ ruột”. Các đường ống trong thành phố đều được đặt trên mặt đất, cảm giác như “ruột rút ra khỏi cơ thể”.

Đường ống nổi khắp Yakutsk.

Đường ống nổi khắp Yakutsk.

Item 1 of 2

Đường ống nổi khắp Yakutsk.

Đường ống nổi khắp Yakutsk.

Việc “lộ ruột” làm mất thẩm mỹ cảnh quan đô thị, song tại Yakutsk, khó có thể làm gì được, vì thành phố nằm trong vùng đóng băng vĩnh cữu. Đất đóng băng cực kỳ cứng, không chỉ khó đào mà còn dễ làm hỏng các đường ống dẫn ngầm. Ngay cả mùa hè, khi lớp trên của đất tan băng, nhiệt độ dưới lòng đất vẫn ở mức -80C. Nên là, các đường ống đô thị, gồm cả đường ống dẫn nước, được đặt trên mặt đất ở trạng thái lơ lửng.

Nhưng bù lại, đất dưới Yakutsk có nhiều khoáng sản, cả kim cương, than đá và khí đốt tự nhiên. Dù vậy, nếu hỏi người dân địa phương, họ sẽ trả lời rằng, khai thác mỏ không phải là một công việc ổn định, do một ngày nào đó, khoáng sản rồi sẽ hết. Còn nếu tham gia lĩnh vực xây dựng ở Yakutsk, sẽ luôn có việc để làm, do thời gian xây dựng ở đây “dài không tưởng”.

Một ngôi nhà bình thường được hoàn thành ở đây trong vài năm. Do là, trong vùng đóng băng vĩnh cửu, nhiều công trường chỉ hoạt động trong mấy tháng hè. Thậm chí mùa hè, việc thi công cũng rất khó khăn. Không chỉ cần đổ móng và đóng cọc cách nhiệt vào lớp băng vĩnh cửu, mà còn phải xây một lớp cách nhiệt cách mặt đất 2-3m để ngăn lớp băng vĩnh cửu tan chảy do nhiệt độ từ tòa nhà tỏa xuống. Hầu hết các tòa nhà ở Yakutsk đều được xây dựng trên cọc bê tông.

Nhà anh Thọ trải thảm kín bề mặt sàn hai tầng. Cửa sổ đóng kín, nhưng cảm giác cái lạnh vẫn tỏa ra từ các khe cửa, hay phả ra qua lớp kính. Tại thành phố này, để giữ ấm, nhiều người phải thường xuyên sửa cửa ra vào và cửa sổ, đồng thời trồng một số loại rêu giữa các lớp kính cửa sổ để cải thiện khả năng cách nhiệt.

Cuộc sống khắc nghiệt

Trong phòng chờ xe buýt nằm trên quảng trường trung tâm của Yakutsk, chúng tôi bắt gặp Augustin đang đi lại khó khăn hơn người bình thường vì đôi chân bị cong. Từ đầu gối xuống, chân của cậu bé 15 tuổi này có xu hướng chìa ra. Cậu đeo cái ba lô to gần bằng lưng, chờ xe buýt để từ trường về nhà.

Không nhiều thành phố có phòng chờ lắp sưởi để người dân đứng đợi xe buýt như ở Yakutsk.

Không nhiều thành phố có phòng chờ lắp sưởi để người dân đứng đợi xe buýt như ở Yakutsk.

- Lạnh không? - Tôi hỏi cậu.
Augustin lắc đầu.
- Thế lạnh bao nhiêu thì cậu được nghỉ học? - Tôi lại hỏi.
- Âm 48, 49 độ gì đó. - Augustin trả lời, rồi thông báo chuẩn bị được lên thủ đô Moskva.
- Cậu lên đó làm gì?
- Em lên mổ chân. Augustin đáp và nhìn xuống đôi chân của mình.
- Cậu đi với ai?
- Chẳng biết nữa. Có thể với người thân, cũng có thể một mình. Em quen một mình rồi. - Augustin trả lời tự nhiên.

Augustin chào vị khách lạ, rồi ra khỏi phòng chờ nhảy lên xe buýt. Tôi đứng nhìn Augustin cứ nghiêng ngả bước lên xe. Chẳng biết có phải vì sống lâu ở một nơi lạnh như Yakutsk hay không mà ngoài việc quen với cái khắc nghiệt của đất trời, Augustin còn xem chuyện một mình lên thủ đô để phẫu thuật chân là việc chẳng có gì là đáng ngại.

Với người dân Yakutsk, sương giá không phải lý do để ở nhà. Các đường trượt băng được lắp đặt trên tất cả các quảng trường của thành phố. Các thị trấn băng và triển lãm các tác phẩm điêu khắc cũng được xây dựng. Buổi tối, người dân, cả già lẫn trẻ, cùng nhau trượt trên con dốc băng lao vù vù xuống những đống tuyết cao bằng ba người lớn. Họ hoạt động, như thể để không bị đóng băng.

Sang dẫn chúng tôi đi vòng vèo thành phố. Tên đầy đủ của cậu là Vũ Bá Sang, cử nhân tin học, đang học cao học ở Yakutsk và là sinh viên Việt Nam duy nhất tại đây. Sang có chiếc Camry đời 2010 màu trắng, hàng Nhật xuất sang Nga qua cảng Vladivostok. Ở Yakutsk hay các khu vực viễn đông Nga gần Nhật Bản, xe Toyota thường được ưa chuộng. Xe Nhật xuất sang Nga có cả tay lái nghịch, cả tay lái thuận.

Sang năm nay 24 tuổi. Trong khoảng 6 năm ở Nga, chàng sinh viên này đã giành nhiều huy chương trong các giải quốc tế. Cậu sở hữu khuôn mặt thông minh, mắt một mí, người Hà Nội, hay vuốt tóc ngược lên phía trên. Làn da Sang không phải trắng, cũng chẳng đen. Sang chỉ vào một bên má: “Anh có thấy vài chỗ loang loang không? Là em bị cháy lạnh đấy”.

Không muốn chúng tôi tò mò lâu, Sang giải thích, đó là hiện tượng những nốt loang trên da do lạnh. Tại Yakutsk, để đi dạo dọc những con phố vào mùa đông mà không bị tê cóng, người dân thường ghé vào các cửa hàng, quán cà-phê dọc đường để hâm nóng cơ thể. Không cần thiết phải phải mua thứ gì cả, chỉ đơn giản là để sưởi ấm trong vài chục phút.

Sang đang học cao học ở Yakutsk và là sinh viên Việt Nam duy nhất tại đây.

Sang đang học cao học ở Yakutsk và là sinh viên Việt Nam duy nhất tại đây.

Ngay cả những người vô gia cư trong thành phố cũng có thể sưởi ấm trong các lối ra vào và đôi lúc còn được chia sẻ trà nóng. Và nếu có ai đó nhận thấy dấu hiệu tê cóng trên mặt, như những đốm trắng trên da, họ sẽ không ngần ngại cảnh báo về điều đó.

Ngoài cháy lạnh, cuộc sống ở Yakutsk cũng đặc biệt khó khăn đối với những người cận thị. Những người đeo kính vào mùa đông ở Yakutsk có nguy cơ tự gây thương tích. Gọng kính đóng băng dính vào mặt do lạnh. Khi tháo ra, những thanh nhựa này có thể “xé toạc” một phần trên da.

Sang lái xe đi lờn vờn trong phố. Những chiếc xe buýt đông kín người chạy lầm lì trước mặt. Mùa đông, nhiều người không lái xe, mà chọn đi phương tiện công cộng. Nếu phải sử dụng ô-tô cá nhân, nhiều người không tắt máy xe trong suốt mùa đông. Mùa lạnh, người dân ở đây cũng lắp thêm bộ chế để xe chạy bằng gas, thay vì xăng nhằm tiết kiệm nhiên liệu.

Trên vỉa hè, những chiếc xe được trùm bạt dày màu bạc, đánh dấu bằng những con số lớn xịt bằng sơn. Từ cuối xe, thò ra một ống xả phụ, nối với ống xả chính của ô-tô. Thường thì chủ phương tiện cài đặt chế độ tự nổ. Khi nhiệt độ xuống đến mức không an toàn, xe sẽ tự khởi động để không bị đóng băng.

Thời điểm đầu xuân tháng 3, trời sáng, có mặt trời sưởi ấm. Khói từ ô-tô thải ra đã bay lên cao, chứ không luẩn quẩn như những ngày đông buốt giá. Nhất là những ngày năm mới, trời xầm xì cả ngày, đến nỗi không thể nhìn thấy bàn tay đang dang rộng trước mặt. Mùa đông ở Yakutsk, trong thành phố không khí đặc quánh. Một phần vì khói phương tiện lơ lửng trên mặt đất.

Trong cái ánh hoàng hôn cuối chiều đỏ cam đậm đặc, nổi bật lên những tòa nhà cao tầng với hình vẽ sặc sỡ về người Yakut, dân tộc bản địa của Cộng hòa Sakha và là một trong những dân tộc lớn nhất trong số các dân tộc bản địa của Siberia. Bề ngoài, người Yakut có khuôn mặt bầu dục, trán rộng, thấp và nhẵn, mắt đen với mí mắt hơi xếch. Mũi thẳng, răng to. Tóc thẳng và cứng, đen. Sang bảo, nhìn qua thì người Yakut hơi giống người Mông Cổ. Họ cũng là những người chăm chỉ, chịu khó và có khả năng thích nghi tốt với điều kiện sống.

Tranh về người Yakut trên đường phố.

Tranh về người Yakut trên đường phố.

Khoảng 330.000 người đang sinh sống ở Yakutsk, ít hơn nhiều so ở Vladivostok, Irkutsk, Khabarovsk, các thành phố lớn ở miền đông nước Nga. Song Yakutsk vẫn mang lại cảm giác sống động, với tốc độ phát triển những năm gần đây biểu hiện bằng nhiều công trình đang thi công. Người dân chuyển đến Yakutsk từ các ngôi làng. Tiếng Yakut đang ngày càng được củng cố. Kể từ thời Liên Xô, số lượng người Yakut trong thành phố đã tăng lên vài lần, giờ họ chiếm đa số ở Yakutsk. Còn trên đường, người Nga dường như ít hơn con số khoảng 35% theo thống kê.

Mùa xuân đến, song vì thời tiết còn lạnh, nên tàu bè vẫn nằm yên trên sông. Ở Yakutsk, các công cụ khác thường đôi khi lại được sử dụng cho công việc bình thường. Thí dụ, trong sửa chữa tàu biển, dụng cụ cần thiết là cưa máy và cuốc nhọn. Việc đầu tiên phải làm là cắt đáy con tàu ra khỏi lớp băng và kéo nó ra, sau đó mới nghĩ đến sửa chữa và bảo dưỡng tàu.

Nhân tiện nói chuyện tàu bè, Sang mới cho biết, cá là món khoái khẩu của người dân địa phương. “Cá ở đây thì tuyệt vời, được bán ở trạng thái sống và đông lạnh, hun khói. Không chỉ cá mà cả sữa, rau củ đông lạnh đều được bán trong những khu chợ nông sản ngoài trời”, Sang nói thêm.

Chợ nông sản ở Yakutsk.

Chợ nông sản ở Yakutsk.

Đúng là những hàng cá đông lạnh trải dài trên phố vào mùa đông. Tại đây, hàng chục loại cá đông đá được xếp ngay ngắn trên kệ. Ngoài cá, còn rau củ, quả mọng, thỏ, chim, xương động vật, đầu bò… Tưởng như mọi thứ đều có thể thành băng và bày bán nơi đây. Người Yakutsk nói rằng mùa đông, những món ăn ngon nhất được phục vụ gần như đông đá. Cá hoặc thịt đông được bào thành các lát mỏng, và phải bào bằng dao Yakut. Điều quan trọng là ăn trước khi chúng tan chảy.

Những người bán cá thường dùng cưa để cắt khúc. Các loại cá được đánh bắt ở sông Lena và nhiều con sông phía bắc khác. Ở mỗi nhà, họ mua một con cá lớn vào tháng 12 và bào ra ăn dần trong suốt mùa đông giá buốt. Giá thực phẩm ở đây cao hơn mức trung bình cả nước. Rau, trái cây cao gấp khoảng 3 lần mức trung bình. Điều này do thiếu đường sắt đến Yakutsk và cầu bắc qua sông Lena. Hàng hóa được chuyển đến đây bằng máy bay hoặc xe tải.

Người dân ở Yakutsk.

Người dân ở Yakutsk.

Item 1 of 1

Người dân ở Yakutsk.

Người dân ở Yakutsk.

Những người Việt ở Yakutsk

Sang là thành viên quan trọng trong đại gia đình người Việt ở Yakutsk. Ngay từ ngày đầu đến Yakutsk, Sang đã ra chợ đi tìm người Việt và cơ duyên đưa anh đến với gia đình anh Thọ chị Phương. Kể từ đó, Sang như người con trong đại gia đình, sống cùng, đưa đón các em đi học, giúp đỡ về mặt pháp lý…

Khoảng thời gian vừa rồi, trong khi chồng về Việt Nam, chị Phương thường chờ con trai cả đi học về, rồi hai mẹ con ra chợ để phụ hai đứa cháu trong nhà. Người Việt ở Yakutsk giờ chỉ còn năm gia đình, chủ yếu sống bằng nghề cắt chìa khóa và sửa quần áo. Tại khu chợ có đông người Hoa kinh doanh, nhà chị Phương có hai ki-ốt, một ở ngay cửa ra vào, một ở tòa nhà mới trong chợ.

Cửa vào chợ tấp nập khách. Gian hàng của chị Phương cũng nhộn nhịp. Cả con, cả cháu chị Phương đều thuần thục việc cắt chìa khóa, hay thay khóa áo khóa quần, khóa giày. Nhưng gặp những khách hàng khó tính, hay những sản phẩm đắt tiền, đòi hỏi tay nghề cao, chị Phương thường “ra tay”. Dù thế, chị cũng kể, thỉnh thoảng vẫn bị khách hàng phản ứng vì đường kim mũi chỉ.

Con trai và cháu chị Phương đang làm việc.

Con trai và cháu chị Phương đang làm việc.

Nhưng nhìn chung, người Nga, nhất là người có thu nhập trung bình, là dễ tính. Đó là điều anh Phương Văn Thiềng (sinh năm 1986) thừa nhận. Anh Thiềng sang Nga từ năm 2008, để phụ anh chị làm công việc truyền thống của người Việt ở Yakutsk. Rồi bản thân anh cũng học được nghề này.

Trong ki-ốt khoảng 5m2 ở ngay cửa ra vào chợ, anh Thiềng vừa may giày cho khách, vừa cho hay: “Mùa đông khách đông hơn. Tùy theo thời điểm mà một tháng có thể để ra từ 1.000 đến 2.000 USD. Điều quan trọng là công việc này tự do, không gò bó về thời gian”.

Theo anh Thiềng, người dân địa phương rất quý người Việt Nam. “Họ trân trọng mình, vì họ cần mình. Còn với bản thân mình, mình cũng ý thức được là mình đang giúp họ, đơn giản chỉ là đánh một cái chìa khóa để vào nhà, may một đôi giày để chống lạnh”, anh Thiềng chia sẻ.

Vợ anh Thiềng, chị Tô Thị Thanh Chi, sang Nga được 8 năm. Cũng là chủ một cửa hàng đánh chìa khóa và sửa đồ, chị Chi tâm sự cửa hàng ngày càng ít khách, một phần do cạnh tranh, một phần người Nga đã cẩn thận hơn trong việc giữ chìa khóa. “Ở đây rất buồn, nhớ nhà, nhớ gia đình. Vì cuộc sống phải đi làm, chứ không ai muốn xa quê hương cả”, chị Chi thổ lộ.

Bản thân anh Thiềng và chị Chi cũng nhận định, cuộc sống của người Việt ở Yakutsk nay đã khá hơn. Họ có nhà, có xe, chứ không phải đi xe buýt như những ngày vừa lập nghiệp. Nghĩ đến cái lạnh -500C, mà chị Chi vẫn còn rùng mình.

Chị Chi (ảnh trái, áo hồng) và anh Thiềng (ảnh phải) trong ki-ốt của mình.

Chị Chi (ảnh trái, áo hồng) và anh Thiềng (ảnh phải) trong ki-ốt của mình.

Item 1 of 2

Chị Chi (ảnh trái, áo hồng) và anh Thiềng (ảnh phải) trong ki-ốt của mình.

Chị Chi (ảnh trái, áo hồng) và anh Thiềng (ảnh phải) trong ki-ốt của mình.

Ở Yakutsk, ngoài anh Nguyễn Văn Thọ (Thọ lớn) là chồng chị Phương, còn một anh Thọ nữa, gọi là Thọ bé. Thọ bé là em rể của anh Thọ lớn. Anh Thọ bé luôn vui vẻ, như hoạt náo viên trong nhà. Ngày anh đi chợ, chiều anh lái xe đón các cháu rồi về nổi lửa như một “bà chủ” trong thời gian vợ anh về Việt Nam.

Không chỉ làm chìa khóa, sửa quần áo, người Việt ở Yakutsk còn bán đồ Việt Nam. Chị Đinh Thị Hoài (quê Quảng Bình) sở hữu một gian hàng rộng ở một khu buôn bán gần sân bay Yakutsk.

Chị Hoài và chồng trước cửa hàng.

Chị Hoài và chồng trước cửa hàng.

“Nếu trước đây biết bên này mùa đông lạnh -500C, tôi đã không lấy chồng ở đây. Cuộc sống mới đầu khó khăn, buồn, nhớ nhà lắm”, chị Hoài nhớ lại những ngày đầu chưa đi làm, không tiếp xúc với ai. Sau gần 4 năm, trong một lần đi chợ, chị Hoài tình cờ gặp gia đình chị Phương. “Mấy đêm không ngủ được vì hạnh phúc. Từ đó trở đi, chúng tôi trở thành người trong một nhà. Có việc gì cần đều được giúp đỡ”, chị Hoài nhớ lại.

Ở Moskva, chúng tôi nhiều lần nghe về đại gia đình người Việt ở Yakutsk. Gặp rồi mới thấy, anh Thọ, chị Phương, anh Thiềng, chị Hoài, Sang, các cháu nhỏ... ai cũng niềm nở, mến khách. Họ âm thầm, nỗ lực làm việc trong cái lạnh cắt da cắt thịt. Tối về, họ vui vẻ trong những câu chuyện, bữa cơm chào đồng hương. Đến Yakutsk mới thấm, lạnh thì lạnh thật, nhưng chẳng là gì so với hơi ấm mà cộng đồng dành cho nhau.

Ngày xuất bản: 24/4/2022
Tổ chức thực hiện: TRƯỜNG SƠN
Nội dung và ảnh: THANH THỂ (Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Liên bang Nga)
Trình bày: HOÀNG HÀ