Những thành tựu nổi bật nào ASEAN đã đạt được?
Sau hơn nửa thế kỷ hình thành và phát triển, ASEAN tạo dựng được một nền tảng hợp tác vững chắc; đạt được mức độ liên kết và hội nhập nhất định trong tất cả các lĩnh vực; xây dựng được hệ thống thể chế ban đầu với nền tảng là Hiến chương ASEAN và các văn kiện quan trọng khác, cùng với một lộ trình cụ thể hướng tới xây dựng Cộng đồng với kết quả khả quan.
ASEAN hiện nỗ lực thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN năm 2025, trong đó, triển khai kế hoạch tổng thể ở cả ba trụ cột Cộng đồng và về kết nối ASEAN. ASEAN đã triển khai được 98% các dòng hành động trong Kế hoạch tổng thể của trụ cột Chính trị-An ninh, 88,3% trong trụ cột Kinh tế, 72% trong trụ cột Văn hóa-Xã hội, đồng thời triển khai 14/15 sáng kiến thuộc 5 lĩnh vực chiến lược của Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN (MPAC) 2025. Ngoài ra, ASEAN cũng đang trao đổi về Chiến lược hợp nhất về cách mạng công nghiệp 4.0, nhằm tận dụng tối đa cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp mang lại.
Về trụ cột Chính trị-An ninh, ASEAN đạt nhiều kết quả quan trọng trong việc duy trì hòa bình, ổn định và an ninh khu vực. ASEAN tạo dựng được sự tin cậy và gắn kết giữa các nước thành viên; thúc đẩy đối thoại và hợp tác giữa các nước trong và ngoài Hiệp hội; xây dựng lòng tin, chia sẻ và phát huy giá trị các quy tắc và chuẩn mực ứng xử giữa các nước tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. ASEAN cũng tăng cường hợp tác và nâng cao năng lực xử lý những thách thức an ninh, hạn chế sự can thiệp và chi phối của các nước lớn.
ASEAN khẳng định được vai trò quan trọng tại khu vực, trong đó ngăn ngừa và quản lý các tranh chấp hoặc nguy cơ xung đột. ASEAN nỗ lực hợp tác nâng cao năng lực xử lý các thách thức an ninh phi truyền thống, đặc biệt trước các thách thức và mối đe dọa do đại dịch Covid-19, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh mạng…
Nhân dịp kỷ niệm 53 năm Ngày thành lập ASEAN (8/8/2020), các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã ra Tuyên bố về Tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định ở Đông Nam Á, khẳng định cam kết mạnh mẽ của ASEAN trong duy trì Đông Nam Á là một khu vực hòa bình, an ninh, trung lập và ổn định, đồng thời tăng cường các giá trị vì hòa bình trong khu vực phù hợp với luật pháp quốc tế.
Về vấn đề Biển Đông, ASEAN có nhiều nỗ lực và vai trò quan trọng, với việc thường xuyên lên tiếng cảnh báo về nguy cơ, thu hút sự quan tâm và đóng góp của các nước đối tác và cộng đồng quốc tế tại Biển Đông; đề cao việc tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. ASEAN tiến hành các biện pháp xây dựng lòng tin và xây dựng các quy tắc ứng xử, nhất là cùng Trung Quốc ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và hướng tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả. ASEAN cũng thúc đẩy đối thoại và hợp tác về các vấn đề trên biển nhằm ngăn ngừa nguy cơ đụng độ, xung đột, bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Cộng đồng Kinh tế ASEAN là sự mở rộng về phạm vi và nâng cao về mức độ tự do hóa của Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), trong đó về cơ bản không còn thuế quan đối với hàng hóa và có sự lưu chuyển thông thoáng hơn về dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề, có sự hợp tác khá chặt chẽ trong các lĩnh vực kinh tế ngành và kết nối đáng kể với nền kinh tế toàn cầu.
ASEAN có hiệp định thương mại tự do (FTA) với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand và Hongkong (Trung Quốc). Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được ký năm 2020 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.
Thực hiện Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA), ASEAN cũng cơ bản hoàn thành dỡ bỏ thuế cho 98,6% các dòng sản phẩm, Trong đó, tỷ lệ xóa bỏ thuế quan trung bình của các thành viên ASEAN-6 (gồm Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan) là 99,3% và của 4 nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam là 97,7%.
Các thành viên ASEAN đang thúc đẩy thực hiện mục tiêu đưa Hiệp hội trở thành một thị trường chung và cơ sở sản xuất thống nhất thông qua các thỏa thuận và hiệp định quan trọng, như AFTA và ATIGA, Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS), Hiệp định khung về khu vực đầu tư ASEAN (AIA), Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA), Hiệp định khung về Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau (MRA)…, gồm các nguyên tắc điều chỉnh thương mại nội khối dựa trên cơ sở các quy định của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và mức độ mở cửa thị trường rất cao.
Về trụ cột Văn hóa-Xã hội, kết quả lớn nhất là tạo ra những cơ chế và khuôn khổ hợp tác; hài hòa hóa các quy định và tiêu chuẩn chung; cũng như nâng cao năng lực của các nước trong thực hiện các chính sách thúc đẩy bình đẳng và công bằng xã hội, phát triển bền vững, cải thiện cuộc sống của người dân, tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân tham gia và đóng góp vào hợp tác ASEAN, giúp nâng cao ý thức về cộng đồng và bản sắc chung.
Bên cạnh ba trụ cột của Cộng đồng, ASEAN cũng đạt được thành tựu trong nhiều lĩnh vực hợp tác khác.
Về quan hệ với các đối tác, ASEAN đạt được mức độ nhất định về xây dựng lòng tin và chia sẻ các chuẩn mực ứng xử trong và ngoài khu vực, giúp uy tín của Hiệp hội được nâng cao, thúc đẩy vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực đang định hình. ASEAN tạo dựng được quan hệ hợp tác chặt chẽ với nhiều nước và tổ chức khu vực, quốc tế, trong đó có tất cả các nước lớn; thu hút được sự tham gia của các đối tác vào hợp tác khu vực thông qua nhiều khuôn khổ do ASEAN khởi xướng và giữ vai trò chủ đạo. Các đối tác đều ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong một cấu trúc khu vực mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật lệ.
Đến nay đã có 94 đối tác cử Đại sứ bên cạnh ASEAN; 54 Ủy ban ASEAN tại các nước và các tổ chức quốc tế (ACTCs) được thành lập. ASEAN có 11 đối tác đối thoại, 4 đối tác đối thoại theo lĩnh vực và 4 đối tác phát triển.
Ngoài ra, ASEAN tranh thủ được sự hợp tác và hỗ trợ thiết thực từ các đối tác phục vụ mục tiêu an ninh và phát triển. Các đối tác đều coi trọng quan hệ và đẩy mạnh hợp tác toàn diện với ASEAN cả về đa phương và song phương, hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng, thu hẹp khoảng cách phát triển, ứng phó dịch bệnh và phục hồi sau đại dịch.
Phối hợp phòng chống Covid-19 và thúc đẩy phục hồi được ASEAN triển khai ngay từ thời điểm dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát tại khu vực.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, ASEAN đã từng bước vượt qua khó khăn, thực hiện thành công nhiệm vụ “kép”, vừa thúc đẩy đoàn kết, thống nhất, duy trì đà xây dựng Cộng đồng, duy trì vai trò trung tâm, vừa huy động nỗ lực tập thể nhằm ứng phó hiệu quả với đại dịch Covid-19.
ASEAN đã kịp thời ra Tuyên bố Chủ tịch về ứng phó chung của các thành viên đối với sự lây lan của dịch Covid-19. Các kênh chuyên ngành, các trụ cột cũng ra tuyên bố về ứng phó với dịch Covid-19, góp phần gắn kết nỗ lực tập thể trong ứng phó đại dịch.
Nhóm Công tác liên ngành trực thuộc Hội đồng Điều phối ASEAN về Ứng phó các tình huống y tế công cộng khẩn cấp (ACCWG-PHE) được thành lập để điều phối hợp tác liên trụ cột, đề xuất những khuyến nghị cụ thể kịp thời về ứng phó đại dịch. Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN và ASEAN+3 về ứng phó Covid-19 được tổ chức bằng hình thức trực tuyến, đề ra các biện pháp cụ thể trong phòng chống dịch và thúc đẩy phục hồi.
Nhiều sáng kiến chung quan trọng được ASEAN thông qua nhằm ứng phó dịch Covid-19 và thúc đẩy phục hồi, như Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19, Kho dự phòng vật tư y tế khu vực ASEAN, Khung chiến lược ASEAN về các tình huống y tế công cộng khẩn cấp, Khung phục hồi tổng thể ASEAN, Khung thỏa thuận Hành lang đi lại ASEAN. ASEAN cũng tranh thủ tốt sự hợp tác, hỗ trợ của các đối tác trong cuộc chiến chống dịch, với các cam kết cụ thể về duy trì chuỗi cung ứng, hợp tác về hỗ trợ vaccine và phục hồi kinh tế.
Hợp tác nghị viện phát triển mạnh thông qua hoạt động của Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA), giúp các nghị sĩ trao đổi thông tin và kinh nghiệm, hợp tác và nâng cao năng lực về lập pháp, qua đó góp phần thúc đẩy hợp tác ASEAN trên tất cả các lĩnh vực, nhất là hoạt động theo luật lệ và hướng tới người dân, tăng cường hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa các nước thành viên. AIPA đã thiết lập được cơ chế phối hợp chặt chẽ với kênh hành pháp trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, cũng như cơ chế tham vấn thường xuyên với các nghị viện và nghị sĩ của các nước đối tác.
Hợp tác giữa các tổ chức nhân dân các nước ASEAN đa dạng về hình thức tổ chức và phong phú về lĩnh vực, đối tượng hợp tác, như nhà báo, luật gia, công đoàn, cựu chiến binh, phụ nữ, thanh niên…, trong đó đáng chú ý nhất là Diễn đàn Nhân dân ASEAN (APF). Hoạt động của các tổ chức này góp phần tăng cường hiểu biết, chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác và nâng cao năng lực giữa các tầng lớp nhân dân, góp phần thúc đẩy xây dựng một ASEAN hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.
Các nước thành viên ASEAN, sau một quá trình hội nhập cũng đạt được nhiều thành tựu phát triển kinh tế, chính trị, xã hội nhất định. Thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các thành viên ASEAN tiếp tục được thúc đẩy. Nỗ lực hội nhập ASEAN vào nền kinh tế toàn cầu tiếp tục tiến triển thông qua triển khai các hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác, như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản Ấn Độ, Australia và New Zealand; ký và đưa Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đi vào hiệu lực tại những nước đã phê chuẩn.
ASEAN đã khởi động tiến trình xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025 với sự thành lập của Nhóm đặc trách cấp cao về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025. Hiện Nhóm đặc trách đang thảo luận sơ bộ về các thành tố chính của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025, trên cơ sở kế thừa và tiếp nối Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN năm 2025, song cũng cân nhắc “có chọn lọc” những vấn đề, xu hướng mới nhằm tăng cường khả năng thích ứng và năng lực tự cường của ASEAN trong bối cảnh mới.