Thất bại có tính quyết định của thực dân Pháp ở Đông Dương

Giáo sư, Tiến sĩ Wijried Lulei, nhà Việt Nam học người Đức, có bài viết đưa ra những nhận định về tinh thần của người Pháp trước và sau chiến thắng của Việt Nam tại Điện Biên Phủ. Tác giả Wijried Lulei đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa của chiến dịch Điện Biên Phủ đối với các dân tộc trên thế giới trong cuộc đấu tranh giải phóng chống chủ nghĩa đế quốc.

Bài viết được trích từ cuốn Điện Biên Phủ - Hợp tuyển công trình khoa học (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, trang 1131-36)
Bài viết được trích từ cuốn Điện Biên Phủ - Hợp tuyển công trình khoa học (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, trang 1131-36)
…Cuối năm năm 1953, ảo tưởng của thực dân Pháp muốn dùng biện pháp vũ lực để tái lập sự thống trị trên bán đảo Đông Dương đã bị tan vỡ. Trong bảy năm chiến đấu, nhân dân Việt Nam, Lào và Campuchia đã bảo vệ nền độc lập của mình, không chịu cúi đầu. Quân đội nhân dân Việt Nam với sự giúp đỡ, ủng hộ của đại đa số quần chúng nhân dân đã ngoan cường chống lại kẻ thù được trang bị và kỹ thuật hơn hẳn một cách có hiệu quả và ngày càng giành được thế chủ động trên chiến trường. Quân đội Pháp bị dồn vào thế bí, trong nhiều trận đánh lớn đã nếm mùi thất bại nặng nề.
Dư luận quốc tế lên án cuộc chiến tranh bẩn thỉu do Pháp gây ra ngày càng mạnh mẽ. Chiến thắng Điện Biên Phủ nếu không là bước ngoặt của cuộc chiến tranh thì cũng thay đổi có tính chất quyết định tình thế chính trị-quân sự, đẩy kẻ thù xâm lược vào thế yếu. Về phía Tổng Tư lệnh quân đội Pháp, tướng Nava cũng như các cố vấn Pháp, Mỹ thì xuất phát điểm của họ là:
1. Theo quan điểm phổ biến trong quân đội Pháp thì phải có một chiến dịch quyết định mới có thể bảo đảm được sự chiến thắng của quân đội Pháp.
2. Họ tin tưởng rằng Quân đội nhân dân Việt Nam nhất định sẽ tiến công vào Điện Biên Phủ, vì vị trí này án ngữ con đường sang Lào và kiểm soát toàn bộ cửa ngõ qua Tây Bắc, đặc biệt là Lai Châu, nơi đang diễn ra các cuộc chiến quyết liệt.
3. Họ tin rằng trong cuộc tiến công vào Điện Biên Phủ, Quân đội nhân dân Việt Nam sẽ không có phương tiện giải quyết được hậu cần. Còn phía quân đội Pháp dễ dàng dùng đường không tiếp tế, vì khoảng cách Điện Biên - Hà Nội chỉ có chừng 200km, với khả năng mà Mỹ đã hứa dành cho quân đội Pháp một số máy bay để tiếp tế. Trong khi đó thì theo tính toán của các chuyên gia Pháp, Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ có thể tiếp tế từ đồng bằng sông Hồng theo con đường bộ dài chừng 500km, qua rừng núi, đầm lầy và dưới sự khống chế của không quân Pháp. Những người thiết kế, xây dựng hệ thống boongke và các cứ điểm dày đặc tại Điện Biên Phủ cho rằng căn cứ này là "bất khả xâm phạm".

Ngày 6/5/1954, ta mở cuộc tổng công kích vào Điện Biên Phủ. Ảnh: Quả bộc phá 1 tấn thuốc nổ phá tan các lô cốt và hầm ngầm cố thủ của địch trên đồi A1, một vị trí quan trọng trong Điện Biên Phủ, ta đã tiêu diệt ở đây 1 tiểu đoàn Âu Phi. (Ảnh: TTXVN)
Ngày 6/5/1954, ta mở cuộc tổng công kích vào Điện Biên Phủ. Ảnh: Quả bộc phá 1 tấn thuốc nổ phá tan các lô cốt và hầm ngầm cố thủ của địch trên đồi A1, một vị trí quan trọng trong Điện Biên Phủ, ta đã tiêu diệt ở đây 1 tiểu đoàn Âu Phi. (Ảnh: TTXVN)
Lúc đầu, Quân đội nhân dân Việt Nam tỏ ra ít chú ý đến sự chiếm đóng Điện Biên Phủ của quân đội viễn chinh Pháp. Họ chỉ bao vây một cách lỏng lẻo, sau đó mới dần siết chặt vòng vây. Chính thời gian đầu là thời gian họ tiếp tục phối hợp với các lực lượng yêu nước Lào tiến công những vùng khác. Đầu năm 1954, Quân đội nhân dân Việt Nam đã giải phóng Trung Lào. Như vậy, Lào bị chia làm hai phần. Lực lượng giải phóng lại bao vây uy hiếp vùng cố đô Luông Prabăng, buộc quân Pháp phải tăng cường lực lượng chốt giữ. Điện Biên Phủ lúc này còn yên tĩnh.
Quân đội nhân dân Việt Nam bắt đầu tiến công… mở đầu là những loạt tiến công bằng các đợt pháo kích dữ dội. Các lực lượng này được vận chuyển và cất giấu cẩn thận. Quân Pháp hoang mang bất ngờ nên đến tận phút cuối cùng của trận đánh vẫn không thể chống trả một cách có hiệu quả. Trong khi pháo 75 ly và 105 ly của Quân đội nhân dân Việt Nam nã vào hai sân bay và các trận địa pháo không được ngụy trang che chắn của đối phương, thì pháo binh của Pháp bắn vu vơ và máy bay oanh tạc không trúng mục tiêu. Ngay tối đầu tiên, Quân đội nhân dân Việt Nam đã chiếm được đồi Him Lam. Chỉ huy pháo binh Pháp ở Điện Biên Phủ là Đại tá Pirốt đã tự tử. Từ cuối tháng 3, tình thế của quân Pháp trở nên bị đát. Trước hết, việc tiếp tế bằng máy bay ngày càng khó khăn.
Quân đội nhân dân Việt Nam đã lập được chiến công đáng cảm phục trong việc tập trung nhân lực và mọi phương tiện cần thiết cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Khoảng 50.000 người (4 sư đoàn bộ binh, 5 đơn vị pháo binh, 1 đơn vị pháo cao xạ và 1 đơn vị công binh) đã được huy động vào chiến dịch. Những khó khăn đã được giải quyết nhờ sự nỗ lực của hàng vạn dân công với phương tiện xe đạp thồ, quang gánh. Một điều kiện khác là sự viện trợ giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa cho cuộc chiến tranh của nhân dân Việt Nam.

Cuộc tiến công của Quân đội nhân dân Việt Nam chia làm ba giai đoạn:
- Giai đoạn một (từ ngày 13 đến ngày 17/3): Đánh chiếm cứ điểm phía bắc: Him Lam, Độc Lập và Bản Kéo. Như vậy trong giai đoạn một, quân đội Pháp đã hoàn toàn mất khu vực phía bắc.
- Giai đoạn hai (từ ngày 30/3 đến ngày 24/4): với những trận tiến công như vũ bão vào khu vực trung tâm, Quân đội nhân dân Việt Nam đã chiếm được hàng loạt hệ thống boongke, các đường băng chính của các sân bay bị phá hỏng, các đường nối các boongke với nhau bị chặt đứt. Ở đây, Quân đội nhân dân đã phát triển một lối đánh đặc biệt. Để đánh chiếm các boongke mà ít thiệt hại nhất, bộ binh Việt Nam đã tiến hành đào các hệ thống giao thông hào để tiến dần vào sát các mục tiêu, chia cắt và vây chặt, đánh lấn.
- Giai đoạn ba (từ ngày 1 đến ngày 7/5): Quân đội nhân dân Việt Nam đã đánh chiếm các cứ điểm phía nam Hồng Cúm và hai hệ thống boongke trung tâm. Ngày 7/5, lúc 17 giờ 30 phút, Quân đội nhân dân Việt Nam đã tiến vào hầm chỉ huy của Đờ Cátxtơri (De Castries) vừa được phong hàm thiếu tướng.
Sau 55 ngày đêm, chiến dịch gay go, gây thiệt hại lớn cho cả hai bên đã kết thúc. Thắng lợi hoàn toàn thuộc về Quân đội nhân dân Việt Nam. Quân đội Pháp bị thiệt hại lớn, 62 máy bay cùng số lượng lớn vũ khí và phương tiện chiến tranh bị mất về tay Quân đội nhân dân Việt Nam và bị thiêu hủy. Và điều quan trọng là ảo tưởng nghiền nát Quân đội nhân dân Việt Nam trong trận đánh quyết định này hoàn toàn tan vỡ. Các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến đấu vì độc lập của Tổ quốc, được nhân dân ủng hộ đã có tinh thần chiến đấu hơn hẳn so với đạo quân đánh thuê nhà nghề của Pháp.
Nghệ thuật quân sự được phát triển trong cuộc chiến tranh chống xâm lược dưới sự chỉ huy của Bộ Tư lệnh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đạt đến đỉnh cao trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, một chiến dịch có sự phối hợp tài tình với các hoạt động vũ trang ở những khu vực khác. Sự giúp đỡ to lớn của các nước anh em đã rút ngắn khoảng cách về trang bị giữa quân đội Pháp và Quân đội nhân dân Việt Nam. Quân đội nhân dân Việt Nam đã được trang bị những vũ khí hiện đại để đối phó với máy bay, và có thể khống chế các sân bay. Đồng thời, nhờ những phản ứng quốc tế, đặc biệt là Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa đã ngăn chặn đế quốc Mỹ và Pháp không biến chiến tranh Đông Dương thành cuộc chiến tranh có tính chất quốc tế như kiểu chiến tranh Triều Tiên.

Ngày 7/5/1954, toàn bộ tập đoàn cứ điểm của địch ở Điện Biên Phủ đã bị quân ta tiêu diệt, lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" phấp phới bay trên nóc hầm tướng Đờ-cát. (Ảnh: TTXVN)
Ngày 7/5/1954, toàn bộ tập đoàn cứ điểm của địch ở Điện Biên Phủ đã bị quân ta tiêu diệt, lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" phấp phới bay trên nóc hầm tướng Đờ-cát. (Ảnh: TTXVN)
Sau sự kiện Điện Biên Phủ một ngày, Chính phủ Pháp buộc phải chấp nhận đàm phán về việc kết thúc chiến tranh, điều mà từ trước đến nay họ vẫn tìm cách trì hoãn. Thất bại về đường lối chính trị ở Đông Dương được thể hiện qua Chiến dịch Điện Biên Phủ là một nguyên do cơ bản của Chính phủ Lanien bị đổ. Pháp buộc phải công nhận nền độc lập của Việt Nam, Lào, Campuchia. Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ là bước ngoặt quyết định trong cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam chống lại thực dân Pháp, mà đồng thời cũng là thắng lợi có ý nghĩa của các dân tộc trong cuộc đấu tranh giải phóng chống chủ nghĩa đế quốc.
Chiến thắng này và Hiệp định Geneva về Đông Dương góp phần quan trọng vào việc làm thay đổi tương quan lực lượng có lợi cho lực lượng hòa bình tiến bộ và độc lập, ngăn chặn mưu đồ của chủ nghĩa đế quốc muốn biến chiến tranh nóng thành chiến tranh lạnh trong giữa những năm 50 của thế kỷ XX...
Nội dung: VŨ PHONG
(Trích cuốn Điện Biên Phủ - Hợp tuyển công trình khoa học, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, trang 1131-36)
Trình bày: NHÃ NAM