Thầy ơi, con là F0


Thầy Lê Quốc Trung, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Mong Thọ, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang
Thầy Lê Quốc Trung, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Mong Thọ, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang
Con là F0, bị dương tính, con đang rất buồn, sốc nặng và trầm cảm ạ!!!”. “Con sợ không về kịp ngày 5/9”… Tôi nhận được những dòng tin nhắn này từ một học sinh lớp 11. Nghỉ hè, em đi Bình Dương ở đậu nhà người dì để đi làm thuê và mắc Covid-19 tại đó.
Để chuẩn bị cho năm học mới bắt đầu, trường ra thông báo để học sinh phản hồi tình hình qua các group zalo, facebook. Các thông tin như: những em ở vùng dịch chưa về địa phương, những em có hoàn cảnh khó khăn cần hỗ trợ, những em còn thiếu sách giáo khoa, phương tiện học tập… Và điều mà nhà trường muốn biết là cảm xúc của từng học sinh khi bước vào năm học mới có phần đặc biệt này.
Tôi trực tiếp kiểm tra thông tin phản hồi. Hầu hết các em cho biết ở trạng thái bình thường, ổn định, với những dòng tin nhắn thể hiện sự trẻ trung, tươi mới chào đón năm học mới.
Trong số rất nhiều tin nhắn có dòng thông tin từ một em học sinh: “Dạ, con tên N.H.T lớp 11A1, đang ở Bình Dương. Con là F0, bị dương tính, con đang rất buồn, sốc nặng và trầm cảm ạ!!!.
Qua tìm hiểu, nhà trường được biết gia cảnh của em N.H.T rất khó khăn. Nghỉ hè, em đi Bình Dương ở đậu nhà người dì để đi làm thuê.
Em kể: “Hôm bữa con đi làm trong công ty, người ta test Covid-19, con vô cùng lo lắng. Nhưng thầy ơi, con không ngờ ngày có kết quả dương tính đúng ngày sinh nhật của con. Con bị sụp đổ hoàn toàn, rối loạn tâm lý, con không còn biết gì nữa…và con rất rất sợ chết…”.
Nghe đến đó, tôi phải lặng đi một hồi lâu, rồi mới trò chuyện tiếp: “Con bị cách ly ở bệnh viện dã chiến thì ăn uống và thuốc men ra sao? Khó thở thì làm sao? Có ai lo cho con không?”.
“Người ta cho ăn ngày 3 lần, ai bị nặng mới cho thở ô-xy. Còn thuốc thì con tự mua trước khi bị đưa đi cách ly. Khi con khó thở con cố tập thở cũng đỡ, con tự lo để sống chứ thầy”, học trò trả lời.
Tôi hỏi tiếp: “Sao con còn nhỏ mà đi làm xa vậy? Ba mẹ làm ở đâu?”.
“Con đi làm dưới quê không đủ tuổi, người ta trả ít tiền mà cực lắm thầy. Con lên đây làm mướn trong công ty. Ba mẹ con làm mướn ở Đồng Nai thầy ạ!”, học trò trả lời.
Sau khi tâm sự, tương tác nhiều điều với thầy hiệu trưởng là tôi, học trò có phần giảm áp lực về bệnh tình nhưng lại lo lắng về việc học: “Con sợ không về kịp ngày 5/9”.
Tôi đã động viên: “Con cố gắng dưỡng bệnh, lạc quan lên, bản lĩnh lên. Khỏi bệnh, hết giãn cách sẽ về lại trường học cùng bạn bè, thầy cô”. Thầy hiệu trưởng hứa: “Con an tâm mọi thứ về việc học, thầy tạo mọi điều kiện, giúp đỡ tuyệt đối, bảo đảm cho con học tập đàng hoàng. Chúc con bình an, mau về với bạn bè, thầy cô, trường lớp”.

Một hoạt động dạy và học của thầy trò THCS và THPT Mong Thọ.
Một hoạt động dạy và học của thầy trò THCS và THPT Mong Thọ.
Năm học 2021-2022, Trường THCS và THPT Mong Thọ có 25 lớp, với hơn 1.050 học sinh, chia đều cho bảy khối lớp. Trong năm học vừa qua, ngôi trường hai cấp học này đã đạt được một số thành tích nổi bật trong học tập và rèn luyện. Vui mừng hơn hết của 58 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia vừa qua là ttrường đạt tỷ lệ 100% thi đỗ.
Năm học 2021-2022, khi dịch bệnh bùng phát mạnh, toàn ngành giáo dục có những ứng biến linh hoạt, phù hợp với tình hình. Trường Mong Thọ đã xây dựng các kế hoạch, triển khai thực hiện các công việc theo chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo về tựu trường, khai giảng, học trực tuyến và các kế hoạch chuyên môn khác.
Mọi việc đang triển khai từ Ban giám hiệu, tổ chuyên môn, giáo viên và khâu cuối cùng là đến với tất cả học sinh. Công việc thì cơ bản hoàn thành nhưng tâm trạng tất cả chúng tôi đang ngổn ngang. Hiện, hoàn cảnh của nhiều học sinh, có cả giáo viên đang rất khó khăn, phải xin gạo từ thiện, tôi rất trăn trở.
Học sinh Kiên Giang chưa thể đến trường
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Kiên Giang Trần Quang Bảo: Tỉnh Kiên Giang không tổ chức lễ khai giảng vào ngày 5/9 tại các cơ sở giáo dục. Lễ khai giảng sẽ được Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Kiên Giang ghi hình và phát sóng trên kênh truyền hình KG1 vào ngày 5/9. Nhân dân và học sinh sẽ xem khai giảng năm học mới qua ti vi.
Kiên Giang dự kiến sẽ không tổ chức học trực tuyến mà bắt đầu năm học mới từ ngày 20/9 cho học sinh học trực tiếp tại trường. Hai tuần dự phòng được Kiên Giang sử dụng trước cho công tác phòng, chống dịch, nhằm bảo đảm an toàn cho giáo viên và học sinh.
Tổ chức thực hiện: VIỆT ANH
Thực hiện: VIỆT TIẾN
Trình bày: BÔNG MAI
Hình minh họa: Thiết kế dựa trên chất liệu của Freepik
