Thầy giáo Lê Minh Khôi

và “giảng đường” ở mặt trận phía tây thành phố

Chuyên đề “Giảng đường đặc biệt trong tâm dịch” chuyển tải những câu chuyện về tình thầy trò đặc biệt trong cuộc chiến với Covid-19, về những bài học được đào tạo, thực hành ngay tại tâm dịch, về niềm tự hào của những người thầy khi thấy học trò trưởng thành, vững vàng và tự tin hơn với nghề.

Mặt trận khốc liệt nhất ở phía tây thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành giảng đường đặc biệt với thầy Lê Minh Khôi cùng đồng đội, học trò suốt 3 tháng qua. Chiến đấu với virus không ngừng nghỉ, học tập ngày đêm để vững vàng điều trị bệnh nhân Covid-19, thầy Khôi hạnh phúc nói, anh là người được nhiều nhất trong cuộc chiến này khi đã được sống, làm việc với một đồng đội lăn xả, kiên trì bám trụ tới cùng.

Nơi không phân biệt thầy – trò, chỉ có tình đồng đội

Ngày 31/10, PGS, TS Lê Minh Khôi, Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức người bệnh Covid-19 của Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh tự hào khoe trên trang cá nhân về kỳ tích cứu sống một ca bệnh đặc biệt 101 tuổi với tổng hợp các loại bệnh nền nặng. Cụ bà mắc cơn bão cytokine, bệnh thận mạn, đái tháo đường, tổn thương thận cấp, nhiễm trùng huyết… nguy kịch tưởng chừng không qua khỏi. Học trò của anh là một bác sĩ chuyên ngành ngoại khoa Huỳnh Phương Nguyệt Anh, “tay ngang” với nội khoa và hồi sức, nhưng bằng quá trình học hỏi liên tục, đã vững vàng để thực hiện được mọi thủ thuật can thiệp cho bệnh nhân Covid-19 nặng, mang lại kỳ tích cho cụ bà. “Đồng nghiệp của chúng tôi đã tự học và tự làm được những điều rất đáng tự hào”, thầy Khôi không giấu hạnh phúc nói về học trò của mình.

Tháng 3/2020, từ sự bùng phát dịch ở Italia khiến một hội thảo khoa học mà bác sĩ Khôi đăng ký tham dự bị trì hoãn, anh nhận ra, làn sóng mới của biến chủng Delta đã làm nhiều nước hỗn loạn. “Nếu mình chậm trễ, nước nghèo như mình sẽ sụp đổ”. Là đơn vị đi đầu trong đào tạo về Covid-19, ngay tháng 4/2020, những chuyên đề đầu tiên và nhận diện virus SARS-CoV-2 đã được anh và các cộng sự xây dựng và phát sóng trên cả nước.

Đúng một năm sau, tháng 3/2021, trước một tiên đoán vụ dịch có thể bùng phát rất mạnh mẽ, thầy Khôi cùng các thầy, cô trong bệnh viện đã nhanh chóng xây dựng 110 chương trình đào tạo lý thuyết thu hút hơn 700.000 lượt người xem, chuẩn bị tinh thần cho một nhóm tăng cường cho các bệnh viện dã chiến.

Đủ thứ lo lắng thời điểm đó dù dịch chưa bùng phát. Tôi tiên đoán sẽ thiếu trầm trọng nhân lực, và bài toán đặt ra là phải đào tạo gấp. Ít nhất ban đầu cung cấp lý thuyết cho các em và sau đó đưa các em vào thực địa sẽ bắt nhịp nhanh hơn.
Bác sĩ Lê Minh Khôi

Thời gian đầu, anh cũng tham gia vào nhóm tư vấn cho F0 qua điện thoại của bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh. Nhưng khi khủng hoảng lên tới gần như đỉnh điểm, trực đường dây nóng, bác sĩ Khôi cùng các đồng nghiệp cũng khóc nấc vì bất lực, không biết điều phối bệnh nhân vào cơ sở nào khi mọi thứ đều quá tải. “Tôi quyết tâm phải ra trận”, bác sĩ Khôi nhận nhiệm vụ lên đường. 12 giờ sau tiếp nhận Trung tâm hồi sức người bệnh Covid-19 đặt tại Bệnh viện Quốc tế City ở phía tây thành phố, anh và đồng nghiệp đã đón những bệnh nhân nặng, nguy kịch đầu tiên.

Bác sĩ Khôi trao đổi phác đồ điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại giường bệnh. Ảnh: NGUYỄN Á

Bác sĩ Khôi trao đổi phác đồ điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại giường bệnh. Ảnh: NGUYỄN Á

Để chuẩn bị cho cuộc chiến khốc liệt, anh nói với lãnh đạo bệnh viện, cần phải đưa người nhiều hơn vào thực tế để “học việc”. Giai đoạn đầu tiếp nhận trung tâm mới chỉ có 56 giường nhưng anh huy động 150 người, dư 50 người để những đồng đội này có cơ hội cọ xát, sẵn sàng đáp ứng cho tình huống đông bệnh nhân. “Đáng sợ nhất là bối rối khi gặp bệnh nhân vì họ sẽ chết rất nhanh. Vì thế, chúng tôi phải chuẩn bị trước”, bác sĩ Khôi nói.

Có tới 90% đội ngũ nhân viên y tế của Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh và tình nguyện viên xin vào Trung tâm Hồi sức người bệnh Covid-19 này đều chưa có kinh nghiệm chống đại dịch như SARS, chưa từng biết tới một phần nhỏ công việc hồi sức tích cực, thậm chí còn chưa biết phân biệt máy siêu âm và máy thở HFNC… Chỉ có 5 bác sĩ hồi sức đứng trưởng tua, 10 bác sĩ vững nghề, 30% điều dưỡng có trải nghiệm về hồi sức, còn lại đều cần phải bổ túc thêm kiến thức. Gánh trên vai trưởng đoàn dẫn đội quân đi chiến đấu, vai của một người thầy, bác sĩ Khôi đã triển khai giảng đường đặc biệt trong trung tâm dã chiến.

Bác sĩ Khôi kể lại, những bài giảng được anh và các bác sĩ trưởng tua đào tạo online trong ca nghỉ, lý thuyết tranh thủ nói bất kỳ lúc nào giữa giờ giao ca, ăn trưa, ăn tối. Mô hình bệnh nhân, hệ thống các loại máy được bài binh bố trận để các nhân viên làm quen, phân biệt và sử dụng thành thạo những kỹ thuật đơn giản, gắn máy thở vào phổi giả trên mô hình, học điều chỉnh từng thông số trên cá thể từng bệnh nhân. “Tôi nói vui, vào hồi sức có thể phân biệt máy thở với máy siêu âm là thành công rồi”, làm cho anh em bớt căng thẳng khi vào trận địa.

Trao đổi chuyên môn liên tục trong khu điều trị là cách mà thầy Khôi giúp đồng đội trưởng thành hơn với nghề.

Trao đổi chuyên môn liên tục trong khu điều trị là cách mà thầy Khôi giúp đồng đội trưởng thành hơn với nghề.

Bác sĩ Khôi đau đáu, tại giảng đường đặc biệt này, có những cái không thể cầm tay chỉ việc, không thể đào tạo như trên lớp. Vì thế, mọi quy trình được rút ngắn lại để từ kiến thức tới thực tiễn được áp dụng nhanh nhất. Anh xây dựng nhóm cốt lõi, xây dựng bảng hướng dẫn tiêu chí phân loại bệnh nhân, lựa chọn một trưởng tua làm hồi sức có chuyên môn vững vàng nhất để làm chỗ dựa chuyên môn cho các bạn tình nguyện viên. Các bạn mới sẽ được đi kèm bác sĩ chính, hỗ trợ cho thuốc điều trị hoặc điều trị nhóm bệnh nhân nhẹ hơn. Khi thạo việc, lực lượng này được đẩy lên điều trị cho nhóm nặng. Cứ thế, từ can thiệp đơn giản như cho thở oxy, các nhân viên y tế được thử thách tiếp ở can thiệp oxy dòng cao, HFNC và khi đã tự tin hơn, các em được đưa lên nhóm can thiệp thở máy.

Sau mỗi ca trực, họ lại cùng ngồi với nhau để rút kinh nghiệm. “Giai đoạn đầu hầu như ai cũng rơi vào tâm trạng nặng nề về mặt thể chất vì vừa làm, vừa học, vừa lo lắng nhưng đứng trước nguy cơ, trong người giống như có lửa nên các bạn học nhanh tới mức ngạc nhiên. Rất nhiều người ham học nên họ có bước tiến vượt bậc”, bác sĩ Khôi tự hào nói.

Lá thư đặc biệt và cuộc chiến có rất nhiều "doping"

“… Mấy hôm nay em tham gia thầy thuốc đồng hành và đọc thông tin của anh, em không ngủ được, kể cả ăn bữa ngon em cũng cảm giác mình bất nhẫn… Thời khắc này, em không thể ăn ngon mặc đẹp, đi làm 8 tiếng/ngày về nhà bật điều hòa ngủ được. Em biết sự góp sức của em không là gì, chỉ rất bé, nhưng anh ơi, mỗi cái bé nhỏ mới thành cái lớn được phải không anh? Em rất muốn vào Sài Gòn…”, lá thư của một bác sĩ trẻ tận Quảng Nam khiến anh và đồng đội như có thêm “doping” trong những ngày đầu tiên căng thẳng.

Người trong câu chuyện trên là bác sĩ trẻ Bảo Ngọc, đang công tác tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Nam. Với Bảo Ngọc, 2,5 tháng được chiến đấu tại trung tâm có được kinh nghiệm bằng 5 năm thực hành ở nơi khác. “Trong dòng chảy chung, tất cả đều học hết mình và làm hết mình”, Bảo Ngọc tự hào nói về quyết định nam tiến sáng suốt của mình, dù cô chấp nhận xin nghỉ việc không lương.

Đó không phải là lá thư duy nhất của học trò thầy Khôi. Còn có rất nhiều tin nhắn xin vào tuyến đầu của hàng trăm học trò khác, có những người tận miền quê xa xôi xin được nam tiến, sẵn sàng đối mặt với những khốc liệt, bất chấp mọi nguy hiểm có thể bị nhiễm bệnh. “Những người quyết tâm xin vào trung tâm đều là người muốn cống hiến, muốn học hỏi và làm thật sự. Trong quá trình làm việc, chỉ có 1 người duy nhất nói với tôi xin nghỉ vì thấy không phù hợp, còn tất cả mọi người đều làm tới cùng”, bác sĩ Khôi nói.

Bệnh nhân được chăm sóc tích cực về cả thể trạng và tinh thần.

Bệnh nhân được chăm sóc tích cực về cả thể trạng và tinh thần.

Bất kỳ ai vác ba lô theo thầy Khôi vào trung tâm này, đều không thể quên những lời chia sẻ đầu tiên vừa mang tính động viên, vừa mang tính cảnh báo về một “trận đánh” khốc liệt thật sự: “Trận này đầy bão lửa, sau lưng các bạn ngồi là đường phố vắng hoe, gần như ngủ đông, trước mặt là trại bệnh là cuộc chiến khốc liệt. Ở đây, chúng ta coi nhau là đồng đội, không ai đánh giá đúng sai, có điều gì chưa hiểu cứ hỏi. Chúng ta gắn bó và sẵn sàng hy sinh vì nhau, không thể để bệnh nhân cần can thiệp mà chúng ta không can thiệp được”. Có lẽ vì thế, các tình nguyện viên dù là sinh viên năm ba hay năm cuối, dù là bác sĩ nội trú hay là những người đã công tác lâu năm tại bệnh viện, họ không ngại ngần học và hỏi để vỡ ra những điều vốn không phải sở trường của mình.

Trong cuộc chiến mà tinh thần đồng đội được phát huy ở mức cao nhất, bác sĩ Khôi đã thiết lập được quy trình đón và đưa bệnh nhân về nhà một cách bài bản, có đội ngũ trẻ học không ngừng và liên tục kế cận thực hiện được các thủ thuật khó. Anh còn nhanh chóng thiết lập “tổ bay” có nhiệm vụ đi cứu viện kịp thời từng bệnh nhân nặng ở tuyến dưới. “Có nhiều bệnh nhân nếu để tuyến dưới chuyển lên có thể chết ngay khi tới trung tâm. Đội cấp cứu ngoại viện của chúng tôi sẽ có quy trình nhận diện ca nặng để ngay lập tức lên đường đưa bệnh nhân về trung tâm cấp cứu kịp thời. Nhiều trung tâm khác đối diện với sự khủng hoảng khi có 40-70 bệnh nhân tử vong/ngày. Chúng tôi đã cố gắng tối đa bằng mọi biện pháp để giảm thiểu con số chỉ dừng ở cao nhất 7 ca/ngày. Dù con số đáng buồn, nhưng đó cũng là nỗ lực của cả ê-kíp”, bác sĩ Khôi tâm sự.

"Tổ bay" đã thực hiện sứ mệnh cứu chữa hàng chục trường hợp nặng và nguy kịch.

"Tổ bay" đã thực hiện sứ mệnh cứu chữa hàng chục trường hợp nặng và nguy kịch.

Là một người thầy vốn nghiêm nghị với học trò, nhưng trong cuộc chiến này, anh luôn đứng ở vai của người đồng đội, để chia sẻ với những bạn trẻ khi lần đầu gặp những thất bại. Anh không nhớ có bao nhiêu buổi ngồi lại với học trò để động viên họ bằng kinh nghiệm của một người từng cũng gặp không ít thách thức khi đứng trước các ca bệnh khó: “Giỏi nhất là bệnh nhân được can thiệp thủ thuật hoàn chỉnh, cứu được bệnh nhân chứ không phải giỏi nhất là làm được thủ thuật". Vì thế, trong các tua trực, thầy Khôi đều phân ca để hỗ trợ nhau ngay lập tức khi xảy ra tai biến, để dạy học trò của mình không chỉ tiếp thu kiến thức, kỹ năng mà còn phải có cả thái độ cầu thị.

Bác sĩ Khôi nhớ nhất một cậu học trò xin theo thầy đến mặt trận phía tây bị sốc ngay ở tuần đầu tiên. Đó là một chàng trai trẻ giỏi nghề, tâm huyết nhưng cũng hăng máu. Can thiệp được ca nào đặt tĩnh mạch trung tâm qua siêu âm, học trò lại phấn khích tiến lên. Nhưng có những tình huống, không thể nằm trong tầm kiểm soát. Đó là khi cậu học trò mắc lỗi can thiệp cho bệnh nhân thở máy, dẫn tới tràn khí màng phổi. Thầy Khôi kéo học trò ra một góc tâm sự: “Không có bác sĩ nào lành nghề làm không tai biến hết, quan trọng là tai biến được giải quyết nhanh. Đó là tai nạn ngoài ý muốn nên quan trọng nhất khi can thiệp cho bệnh nhân là cần phải cẩn trọng và tự tin”. Nhờ đó, cậu học trò lấy lại được tinh thần, can thiệp những ca sau rất an toàn.

Bác sĩ Khôi trao đổi với điều dưỡng để chăm sóc bệnh nhân tốt nhất.

Bác sĩ Khôi trao đổi với điều dưỡng để chăm sóc bệnh nhân tốt nhất.

Tự nhận mình là người rất khắt khe, đòi hỏi cao về mặt tư duy, không phải học viên nào cũng đủ kiên nhẫn để theo thầy cho tới hết chặng đường vì thầy không bao giờ quên bất kỳ nhiệm vụ nào đã giao cho học trò tìm hiểu, nghiên cứu. Tuy nhiên, khi bước vào trận chiến này, thầy Khôi tâm sự, anh thay đổi tư duy rất nhiều: “Khi các em đã quá nặng nề, vai trò người lớn là phải giảm áp lực cho các em. Có em mới ban đầu can thiệp có thể làm cho bệnh nhân tai biến nhưng tôi chỉ nhắc nhở cần rút kinh nghiệm, rằng mình làm vì bệnh nhân, không phải để thể hiện bản thân hay phải hoàn thành thủ thuật. Tất cả mọi việc tôi đều xây dựng quy trình, khó ở đâu, báo cáo tiếp từng khâu để làm thế nào tốt nhất. Ở mặt trận này không có thầy – trò, chỉ có tình đồng đội cùng chiến hào giữ vững mặt trận không bị thủng lưới”.

Một thời, không có khỏi lửa, nhưng không kém phần bi tráng. Những người thực sự sống qua những khốc liệt ấy chắc hẳn không thể nào quên. Một phần đời không ai muốn trải qua nhưng khi đã trải qua nó sẽ mãi mãi là một khối hổ phách vàng tươi lưu giữ những thỏi thời gian hóa thạch. Có lẽ, cũng phải lùi lại chừng nửa năm, sáu tháng thì những cảm xúc này mới lắng xuống được. Lúc đó, hồi ức về những tháng năm này có lẽ có thể đủ cho một cuốn sách.
PGS, TS Lê Minh Khôi - Phó giám đốc Trung tâm Hồi sức Covid-19 Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh chuẩn bị xuất bản cuốn sách “Phía tây thành phố”.

Cuốn sách ghi lại những câu chuyện ở tuyến đầu chống dịch và chắc hẳn sẽ là một tác phẩm được nhiều bạn đọc đón nhận để được hiểu thêm về cuộc chiến khốc liệt ở mặt trận điều trị khắc nghiệt, đau thương nhất.


Khi trưởng thành, bạn có bổn phận đi phát triển người khác

Tối muộn ngày 30/10, sau khoảng 15 ngày tiếp nhận thêm trung tâm hồi sức mới, bác sĩ Lê Minh Khôi vẫn cùng các đồng nghiệp đào tạo về một chuyên đề rất hấp dẫn: chẩn đoán SARS-CoV-2 và cúm. Bận rộn với vai trò quản lý, vừa tiếp quản trung tâm hồi sức của Bệnh viện Việt Đức, anh và cộng sự vẫn làm việc không ngừng nghỉ để có những kiến thức kịp thời nhất cung cấp cho học trò.

Cậu học trò nghèo quê Quảng Ngãi Lê Minh Khôi, từng ăn ngủ tại nghẽn cầu thang suốt những năm học nội trú tại Huế không bao giờ quên lời hứa với người thầy bên Đức sẽ theo nghiệp giảng dạy. Lời hứa đi theo suốt cuộc đời và anh đã chọn một trong những ngành khó nhất là hồi sức cấp cứu chống độc để theo đuổi. Đại dịch tạo nên nhiều biến cố và ngành hồi sức của anh, lần đầu tiên được biết tới như một vị trí của người tiên phong tuyến đầu. Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 năm nay, anh bảo sẽ là một dịp đặc biệt nhất trong cuộc đời làm thầy của mình. “Giữa những người đồng đội, cùng nhau đi qua những tháng ngày khốc liệt nhất, ngồi lại với nhau sẽ cực kỳ đặc biệt”, anh Khôi tâm sự.

Anh không bao giờ quên được hình ảnh đêm khuya, đồng đội mình, học trò của mình không trong ca trực vẫn miệt mài học tập, tận tụy hỗ trợ tuyến trong. Nhóm zalo của thầy – trò trao đổi liên tục về chuyên môn, về điều trị, mọi khoảng cách được xóa nhòa. Anh sẽ còn nhớ mãi những đêm cùng nhau ăn bát mì úp vội, những sẻ chia chỉ bằng ánh mắt tán thưởng trong bộ đồ bảo hộ nóng bức, những cái đập tay phía ngoài cánh cửa khu điều trị khi học trò thành công can thiệp cho bệnh nhân nào đó.

Giả lập hồi sức ngưng tim phổi là kỹ thuật được đào tạo nhiều nhất tại trung tâm.

Giả lập hồi sức ngưng tim phổi là kỹ thuật được đào tạo nhiều nhất tại trung tâm.

Hai tháng kề vai sát cánh ở chiến trường ác liệt nhất và bên cạnh những ca bệnh "được thì được cả đôi, mất thì mất cả cặp”, có mất mát nhưng cũng có những cuộc đời được giữ lại; có những người chồng trẻ không phải mất vợ; có những người mẹ trẻ không phải mất con và con những trẻ sơ sinh không phải mồ côi từ lúc mới chào đời, bác sĩ Khôi và những học trò của mình đã lập được nhiều kỳ tích. Đó là kỳ tích của những chiến binh dù phần lớn chưa phải tinh nhuệ nhất, dù còn phải học hỏi rất nhiều, nhưng họ đã có một thanh xuân thật sự ý nghĩa nhất trong cuộc đời lựa chọn làm thầy thuốc.

Cuộc chiến còn dài hơn, còn có thể sẽ có những đại dịch khác, việc học sẽ không bao giờ ngừng nghỉ. Bác sĩ Khôi vẫn miệt mài nghiên cứu về Covid-19, vẫn chắt lọc những kiến thức quan trọng nhất để đưa ra cảnh báo cho đồng đội. Đại dịch là một lời cảnh báo cho ngành y tế trước biển kiến thức chứ không phải là lời phán xử cuối cùng. Vì thế, anh tâm tư mong ngành hồi sức tích cực cần phải được quan tâm hơn nữa. Đặc biệt, ngành y tế cần quan tâm cho tuyến y tế cơ sở để họ là người gác cổng về mặt sức khỏe cho người dân. Các bệnh viện cần xây dựng tính tới yếu tố dịch để sẵn sàng chuyển đổi công năng.

Hân hoan nhìn về thành phố sôi động trở lại, thấy bệnh nhân can thiệp thở máy giảm từng ngày, người lạc quan như bác sĩ Khôi cũng có lúc có thể trút lòng nhẹ nhàng thật sự. “Dịch này, mất mát rất nhiều. Nhưng ở đây bác sĩ Khôi được nhiều nhất”. Trong cuộc chiến này, anh đã được tin tưởng giao nhiệm vụ, được sống cuộc đời ý nghĩa nhất của một bác sĩ với sứ mệnh cứu người, được học hỏi thêm rất nhiều và được sống hòa đồng với 90% là học trò của mình. Vì thế, dù là một trong những gương mặt được Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh đề cử nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, nhưng anh từ chối. Anh đề cử một đồng đội tốt nhất cùng mình chiến đấu kiên cường tại trung tâm này.

Những ngày mới tại trung tâm hồi sức người bệnh Covid-19 tiếp quản từ Bệnh viện Việt Đức, những kỳ tích mới vẫn được lập nên, nhiều ca nặng đã dần được cai thở máy. “Chúng tôi đã không còn hoảng loạn nữa vì đã hiểu được cuộc chiến này. Tại đây, đa phần chúng tôi đã được đi qua bão lửa, trui rèn nên khả năng đối mặt với khốc liệt đã vững hơn xưa rất nhiều”.

Thầy Khôi tự tin các học trò của mình đã trưởng thành, vững vàng hơn với nghề.

Thầy Khôi tự tin các học trò của mình đã trưởng thành, vững vàng hơn với nghề.

Hơn 5 tháng qua, thầy Khôi đã mang vào cuộc chiến này tinh thần đồng đội, gắn kết sự đồng lòng của cả mấy trăm người, hướng về đồng bào thân yêu, vì tính mạng và sức khỏe của mỗi người được gửi gắm tại tuyến cuối điều trị này. Tâm đắc nhất với câu nói: “Khi bạn còn trẻ, bạn cố gắng phát triển bản thân. Khi đã lớn, quan trọng là bạn phát triển cho người khác”, vì thế, khi nhìn thấy các bạn trẻ sục sôi nhiệt huyết nhưng ban đầu cũng ngơ ngác và rồi dần lấy được thế tự tin, phát triển khả năng mà chưa bao giờ nghĩ tới, trải qua những năm tháng kinh nghiệm bằng cả 5-10 năm làm thực tế là anh đã thấy mình tròn vai của một người “chở thuyền”.

“May mắn sau bao nhiêu năm làm thầy giáo nổi tiếng khắt khe, nghiêm nghị, học sinh vẫn thương, vẫn tình nguyện xin cùng đồng hành. Hạnh phúc của một người thầy chính ở sự sẵn sàng xả thân và trưởng thành của học trò. Có những trò kiên định, thầy đi đến đâu, con đi đến đó, khi nào về thì cùng về. Cuộc đi còn bất định ngày về nhưng chắc chắn sẽ có đứa đi cùng”, thầy Khôi hạnh phúc nói về nghề và nghiệp của mình.

Bác sĩ Lê Minh Khôi thăm khám cho thầy của mình tại nhà.

Bác sĩ Lê Minh Khôi thăm khám cho thầy của mình tại nhà.

Chỉ đạo thực hiện: VIỆT ANH
Nội dung: THẢO LÊ, THIÊN LAM
Ảnh: NGUYỄN Á, BÁC SĨ CUNG CẤP

Trình bày: ĐỨC DUY