Vừa trở về Việt Nam sau thời gian gấp rút học các kỹ thuật mới nhất can thiệp bào thai, Tiến sĩ, bác sĩ Phan Thị Huyền Thương, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đang cùng đồng nghiệp chuẩn bị những điều kiện tốt nhất đưa kỹ thuật truyền máu cho thai nhi thiếu máu và can thiệp điều trị di tật thoát vị cơ hoành bào thai bẩm sinh vào thực tiễn.
Cô là một trong 10 Gương mặt trẻ tiêu biểu Thủ đô năm 2022 đã có những cống hiến hết mình cho công tác chăm sóc sức khỏe cho các sản phụ không may có thai nhi mắc bệnh lý từ trong bụng mẹ.
NHỮNG DẤU ẤN SÔI NỔI CỦA TUỔI TRẺ
Thời điểm đại dịch Covid-19 tấn công Hà Nội, số lượng sản phụ mắc Covid-19 nhập viện ngày một đông. Bệnh viện Phụ sản Hà Nội bấy giờ gấp rút triển khai khu đón tiếp, điều trị cho các sản phụ nhiễm Covid-19.
Một sản phụ song thai 29 tuần được đưa vào cấp cứu trong tình trạng nguy kịch do nhiễm Covid-19. Người mẹ đang suy hô hấp, trong bụng chị là đứa con mà hai vợ chồng đã mòn mỏi đợi mong suốt hơn 10 năm sau khi thụ tinh ống nghiệm nhiều lần mới thành công.
Do tình trạng bệnh có xu hướng diễn biến nặng, các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội liên hệ để chuyển bệnh nhân qua Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương điều trị tiếp.
Bệnh nhân đột ngột xuất hiện suy hô hấp, ngừng tim ngay trên giường bệnh. Không có nhiều thời gian để do dự, các bác sĩ quyết định đưa bệnh nhân vào phòng hồi sức tiến hành mổ lấy thai, đồng thời xin ý kiến chỉ đạo của Ban Giám đốc bệnh viện và liên hệ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương hỗ trợ ECMO.
Thật sự may mắn cho cả ê-kíp và bệnh nhân là mọi thứ đã qua, bệnh nhân được hỗ trợ ECMO ngay tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, bình phục kỳ diệu. 2 cháu bé được hỗ trợ của các bác sĩ sơ sinh trong khu điều trị Covid-19 đã phát triển bình thường. Nhớ lại về bệnh nhân này tôi vẫn cảm thấy hồi hộp và xúc động. Chuyên môn, tinh thần trách nhiệm và bản lĩnh của các bác sĩ đã cứu sống được thai phụ và các cháu bé trong hoàn cảnh đặc biệt.
Tiến sĩ Huyền Thương cùng kíp vào Đơn vị điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội ngay những ngày đầu tiên. Họ làm việc xuyên đêm để có được quy trình, phác đồ điều trị Covid-19 cho phụ nữ có thai, xử lý cho trẻ sơ sinh chào đời không may bị nhiễm Covid-19.
Bác sĩ Thương kể lại, ở thời điểm dịch bệnh khốc liệt tại Hà Nội, bệnh nhân là các sản phụ tăng chóng mặt. Có những ngày các bác sĩ nhận 30 sản phụ đều trong tình trạng nặng, diễn biến nhanh. Có sản phụ ngừng tim, xỉu ngay trước mặt nhân viên y tế khiến ai nấy đều căng thẳng, áp lực. Nhưng họ quên cả nguy cơ bản thân có thể bị nhiễm Covid-19 bất kỳ lúc nào.để cố gắng chăm sóc tốt nhất cho các sản phụ.
Các y, bác sĩ trong khu điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
Các y, bác sĩ trong khu điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
Sau 11 năm trở thành bác sĩ sản khoa, Tiến sĩ Phan Thị Huyền Thương cho biết, sự bén duyên của mình với ngành này vô cùng tình cờ.
Năm 2012, Huyền Thương tốt nghiệp bác sĩ đa khoa, thi đậu bác sĩ nội trú và có cơ duyên được thụ hưởng chính sách trọng dụng nhân tài trong xây dựng, phát triển Thủ đô. Một trong các điều khoản của chính sách này là có tuyển đặc cách các bác sĩ nội trú về làm việc cho các bệnh viện thuộc quản lý của Sở Y tế Hà Nội.
Trúng tuyển vào bác sĩ nội trú chuyên ngành sản phụ khoa, có nhiều lựa chọn công việc ở các bệnh viện, nhưng tôi đã tìm hiểu và biết được Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là cơ sở hàng đầu về chuyên môn, được lãnh đạo bởi các thầy cô và Ban lãnh đạo bệnh viện có tâm, có tầm nên tôi đã chọn về học tập và công tác tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội. Đến bây giờ, tôi vẫn nghĩ đây là một trong những lựa chọn đúng đắn nhất. Bệnh viện ngày càng phát triển về quy mô và chuyên môn, các thầy cô vẫn hằng ngày hướng dẫn đào tạo tôi và các bác sĩ trẻ để hoàn thiện về chuyên môn, cuộc sống. Tôi thật sự biết ơn vì được làm việc ở đây.
Ở bệnh viện tuyến cuối vốn đã và đang không ngừng tiếp cận những kỹ thuật chuyên sâu hàng đầu thế giới nhằm mang lại sự chăm sóc tốt nhất cho sản phụ khoa Việt Nam này, Huyền Thương may mắn được là một trong những người đầu tiên tham gia trong ê-kíp học về can thiệp bào thai.
Thương bày tỏ niềm tin, các kỹ thuật can thiệp bào thai có thể giúp cứu sống được nhiều thai nhi và mang lại những giá trị lớn lao cho xã hội. Trong công việc nói chung, đặc biệt là trong y học, đòi hỏi Thương và các đồng nghiệp luôn phải học hỏi, tìm hiểu và tiếp cận với những kiến thức mới, nghiên cứu mới nhất, đồng thời phải tiếp cận nhiều phương pháp, hướng điều trị để đưa ra các giải pháp tốt nhất giúp điều trị bệnh hiệu quả. Điều đó thật sự thú vị và đầy thách thức, và đó cũng là một trong những lý do nữ bác sĩ trẻ đam mê và lựa chọn lĩnh vực này.
Trong lĩnh vực y tế, bao giờ cũng có những ca bệnh khó và phức tạp. Tuy nhiên, bác sĩ Thương không bao giờ nghĩ đến việc "đầu hàng" hay từ bỏ bệnh nhân. Với nữ bác sĩ trẻ này, mỗi trường hợp đều là một thách thức nhưng cũng là cơ hội để cô cố gắng tìm ra các giải pháp tốt nhất giúp đỡ bệnh nhân. Tuy nhiên, không chỉ Thương mà các bác sĩ sẽ có rất nhiều lần có các “khoảng lặng” trước nhiều ca bệnh. "Dù y học có phát triển như thế nào, nhưng hiểu biết có hạn. Vì vậy mỗi bệnh nhân là một người thầy, giúp chúng tôi cơ hội học tập, hiểu biết để từ đấy giúp được nhiều người bệnh hơn".
CHINH PHỤC NHỮNG KỸ THUẬT KHÓ NHẤT
TRONG CAN THIỆP BÀO THAI
Can thiệp bào thai là một phương pháp tân tiến, cho phép các bác sĩ can thiệp trực tiếp vào cơ thể thai nhi để điều trị các bệnh lý của thai nhi.
Tuy nhiên, việc triển khai can thiệp bào thai cũng đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức. Một trong những thách thức đầu tiên là phải bảo đảm an toàn cho cả mẹ và thai nhi trong quá trình phẫu thuật. Can thiệp bào thai thường được thực hiện qua các thủ thuật, phẫu thuật qua ổ bụng vào trong buồng tử cung, vì vậy rủi ro của ca phẫu thuật sẽ rất cao, các thao tác sẽ tăng độ khó hơn, đặc biệt là trong trường hợp của thai nhi chỉ mới 16-17 tuần tuổi.
Với những khó khăn này, việc triển khai can thiệp bào thai là một quá trình đầy thử thách và yêu cầu sự chuyên nghiệp và tận tâm của các bác sĩ. Với sự dẫn dắt của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Đơn vị Can thiệp bào thai đã được thành lập. Đơn vị này đã hoạt động chính thức được 1 năm, tuy vẫn còn là một đơn vị non trẻ, nhưng các bác sĩ luôn cố gắng phấn đấu nỗ lực để gây dựng lớn mạnh hơn, triển khai ngày một nhiều hơn những kỹ thuật can thiệp bào thai tại đây.
Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã có 1 đề tài cấp nhà nước do Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Ánh chủ trì, triển khai thành công 2 kỹ thuật gồm: Phẫu thuật laser điều trị hội chứng truyền máu song thai và Hội chứng dải xơ buồng ối với kết quả điều trị tương đương với thế giới.
Với đề tài này chúng tôi đã công bố được 14 bài báo trên các tạp chí uy tín trong đó có 4 bài báo quốc tế, 10 bài báo trong nước. Đề tài đã được nghiệm thu xuất sắc năm 2021 và nhận được Bằng khen của Bộ Khoa học và Công nghệ. Hiện nay, Trung tâm can thiệp bào thai vẫn tiếp nối nền móng ban đầu và thực hiện nhiều kỹ thuật can thiệp bào thai: Phẫu thuật laser quang đông điều trị hội chứng truyền máu; Phẫu thuật laser quang đông điều trị hội chứng dải xơ buồng ối, truyền ối điều trị thiếu ối, sinh thiết gai rau…
Sau gần 4 năm cùng với Ban lãnh đạo Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Đơn vị Can thiệp bào thai triển khai thành công kỹ thuật can thiệp bào thai - kỹ thuật đỉnh cao trong lĩnh vực sản khoa, Tiến sĩ Phan Thị Huyền Thương lại được lãnh đạo bệnh viện tín nhiệm tiếp tục quay trở lại Pháp học thêm những kỹ thuật mới nhất.
Cuối năm 2022, sau khoảng 3 tháng trở về, với định hướng phát triển và chỉ đạo của Ban lãnh đạo bệnh viện, Tiến sĩ Huyền Thương và các đồng nghiệp đã chuẩn bị hành trang tốt nhất cho việc can thiệp những bệnh lý mới của bào thai.
Lần này, Thương và đồng nghiệp bước lên một nấc thang cao hơn trong kỹ thuật can thiệp bào thai. Đầu tiên là kỹ thuật truyền máu cho thai thiếu máu.
Thương chia sẻ, khi trong bụng mẹ, nếu bào thai bị thiếu máu sẽ có nguy cơ tổn thương não, ảnh hưởng đến phát triển tinh thần, trí tuệ. Đặc biệt, khi trẻ thiếu máu sẽ có nguy cơ gây thai lưu cao. Bởi vậy, sau kỹ thuật truyền ối và can thiệp hội chứng truyền máu song thai, các bác sĩ lần này sẽ phải thực hiện kỹ thuật truyền máu qua dây rốn của cháu bé để hạn chế thấp nhất tổn thương cho bộ não của trẻ.
Một trong những kỹ thuật khó nhất mà bác sĩ Thương cũng vừa được "chuyển giao" từ các giáo sư đầu ngành tại Pháp là can thiệp cho bệnh nhi bị thoát vị hoành bẩm sinh. Cơ hoành có vị trí ngăn cách tầng ngực và tầng bụng. Khi trẻ bị thoát vị cơ hoành bẩm sinh, toàn bộ cơ quan nội tạng ở tầng bụng sẽ bị đẩy lên, khi đó sẽ chèn ép vào phổi thai nhi.
“Thai nhi bị thoát vị hoành bẩm sinh có thể gây ra tình trạng thiểu sản phổi khá nặng. May mắn tôi cùng các bác sĩ của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội được Giáo sư Yves Ville, chuyên gia hàng đầu thế giới về can thiệp bào thai, người thầy và người bạn của bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã trực tiếp hướng dẫn và đào tạo chuyển giao kỹ thuật đặt bóng vào khí quản, cải thiện tình trạng thiểu sản phổi của em bé. Kỹ thuật này rất khó vì phải đưa dụng cụ qua bụng, qua cơ tử cung, qua miệng em bé vào trong họng và tìm vào đúng khí quản rồi bơm bóng bít lòng khí quản của bào thai”, bác sĩ Thương bày tỏ.
Gần 3 tháng trở về Việt Nam, bác sĩ Thương và cộng sự đã không làm phụ lòng mong mỏi của lãnh đạo Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. PGS, TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đặt niềm tin chỉ giữa năm 2023, kỹ thuật này sẽ được đưa vào triển khai thực tiễn.
Với những thành quả nhỏ nhoi hiện tại của mình, tôi không bao giờ nghĩ rằng đó là "đủ". Tôi luôn cố gắng phát triển bản thân để đáp ứng những thách thức mới trong lĩnh vực can thiệp bào thai. Vì đó là một lĩnh vực rất mới và đòi hỏi chúng tôi phải nỗ lực học tập và nghiên cứu liên tục để có thể áp dụng những phương pháp mới nhất, tiên tiến nhất trong điều trị.
- Tiến sĩ, bác sĩ Phan Thị Huyền Thương -
Với mục tiêu sẽ xây dựng Đơn vị can thiệp bào thai lớn mạnh hơn nữa, triển khai thêm nhiều kỹ thuật mới, chữa nhiều bệnh nhất, mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, bác sĩ Thương và các đồng nghiệp đều cố gắng trở thành một mảnh ghép trong ngôi nhà chung Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
“Tôi và các đồng nghiệp đều mang một áp lực là mình làm không tốt, không đạt mục tiêu. Chúng tôi nỗ lực hết mình, cố gắng để hoàn thiện mình, hoàn thiện về kiến thức và cả kỹ năng tư vấn bệnh nhân để xây dựng trung tâm ngày một hoàn thiện, để bất kỳ bệnh nhân nào đến với đơn vị đều hài lòng. Thầy Ánh cũng trăn trở khi mang kỹ thuật này về Việt Nam, nhưng là người chèo lái con thuyền, thầy dám đương đầu để giải quyết bài toán can thiệp bào thai. Đến nay, những kết quả đạt được của Đơn vị Can thiệp bào thai đã cho thấy, những mặt bệnh tương tự, kỹ thuật can thiệp của Việt Nam đã đạt hiệu quả tương đương với các trung tâm tiên tiến của thế giới. Giáo sư Nguyễn Duy Ánh đã tạo nền móng, tạo môi trường tuyệt vời, mỗi chúng tôi phải là từng viên gạch để đóng góp cho công việc hoàn thành tốt nhất”, bác sĩ Thương cho hay.
Thương luôn tâm niệm: “Một trí tuệ sáng, trái tim hồng, tâm hồn sáng và bàn chân vững”. Từ những thành quả nhỏ nhoi đạt được, Thương hy vọng mình sẽ thành những viên gạch vững chãi để tiếp bước đến tương lai. Vì thế, cô không ngừng trau dồi chuyên môn, hoàn thiện cá nhân để tăng thêm kiến thức và kinh nghiệm trong nghề.
Tiến sĩ, bác sĩ Phan Thị Huyền Thương:
- Sinh viên trường Đại học Y Hà Nội đạt thành tích giỏi toàn khóa (2006-2012), đạt danh hiệu Sinh viên giỏi công tác tốt toàn khóa với nhiều lần được tặng thưởng học bổng Odon-Vallet, học bổng dành cho 10 sinh viên có điểm tổng kết cao nhất khóa.
- Bác sĩ nội trú chuyên ngành Sản phụ khoa khóa 37 (2012-2015), Trường Đại học Y Hà Nội, đạt thành tích suất sắc trong học tập và công tác.
- Nghiên cứu sinh chuyên ngành Sản phụ khoa khóa 37 (2018-2022) được tuyên dương là nghiên cứu sinh tốt nghiệp trước hạn. Một trong hai nghiên cứu sinh trẻ nhất trong đợt trao bằng tốt nghiệp sau đại học tháng 7/2022 tại Trường Đại học Y Hà Nội và được nhận Giấy khen Nghiên cứu sinh “Đạt thành tích cao trong học tập và nghiên cứu” của Trường Đại học Y Hà Nội.
- Năm 2018, tham gia khóa học về “Nghiên cứu lâm sàng tại Paris”, Pháp.
- Năm 2020, giành học bổng toàn phần của tổ chức Học Mãi của chính phủ Australia về khóa học “Nghiên cứu khoa học và Giáo dục nâng cao” tại Sydney, Australia.
- Năm 2022, học khóa phẫu thuật chuyên sâu về can thiệp bào thai tại Bệnh viện Necker-Paris (năm 2022) dưới sự hướng dẫn của giáo sư Yves Ville, là một trong những giáo sư đầu ngành về lĩnh vực can thiệp bào thai.
- Tham gia triển khai kỹ thuật can thiệp bào thai từ khát vọng đem lại cơ hội cứu sống các trẻ sơ sinh chẳng may mắc bệnh hiểm nghèo ngay từ trong bụng mẹ, bác sĩ Thương là thành viên tham gia cùng đồng nghiệp thực hiện đề tài cấp nhà nước “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử và kỹ thuật laser quang đông ở thai phụ mắc hội chứng truyền máu song thai và dải xơ buồng ối” tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội năm 2018.
- Đào tạo các kỹ thuật mới về can thiệp bào thai và đang trong lộ trình triển khai các kỹ thuật mới về can thiệp bào thai chưa được triển khai tại Việt Nam như “Đặt bóng vào khí quản cho thai nhi bị dị tật thoát vị hoành bẩm sinh” nhằm cải thiện tình trạng thiểu sản phổi trong thoát vị hoành, nâng cao tỷ lệ sống sơ sinh ở các trường hợp dị tật thoát vị hoành bẩm sinh và kỹ thuật “Truyền máu trong bào thai cho thai nhi thiếu máu” điều trị cho các bào thai bị thiếu máu trong bụng mẹ, giúp giảm tỷ lệ thai chết lưu và các tổn thương não do thiếu máu bào thai gây ra.
Ngày xuất bản: 25/3/2023
Chỉ đạo: VIỆT ANH - HỒNG VÂN
Thực hiện: THIÊN LAM
Trình bày: BẢO MINH