Thế giới trong cuộc
tăng tốc tiêm chủng


"Vaccine Covid-19 tốt nhất là loại được tiêm sớm nhất"

Trong bối cảnh biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 đang lây lan với tốc độ chóng mặt, các quốc gia trên thế giới đẩy nhanh tốc độ bao phủ tiêm chủng với phương châm “tiêm bất cứ loại vaccine ngừa Covid-19 nào có sẵn khi tới lượt” như khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Mọi vaccine ngừa Covid-19 đều phát huy hiệu quả


Giám đốc WHO tại Việt Nam, Tiến sĩ Kidong Park thông tin, hiện nay, có ít nhất 17 vaccine ngừa Covid-19 đã được triển khai trên thế giới. 7 trong số đó đã được WHO phê duyệt vào “Danh sách sử dụng khẩn cấp” là vaccine Pfizer/BioNTech, AstraZeneca của Oxford, AstraZeneca của Viện Huyết Thanh Ấn Độ, Janssen, Moderna, Sinopharm/BBIP và Sinovac.

Tiến sĩ Kidong Park cho biết, tất cả các vaccine đã được WHO phê duyệt vào “Danh sách sử dụng khẩn cấp” đều đã đạt yêu cầu về hiệu quả, an toàn và chất lượng do WHO đặt ra thông qua tham vấn chặt chẽ với các chuyên gia quốc tế. Các vaccine đều có hiệu quả rất cao trong việc ngăn ngừa mắc bệnh nặng cần nhập viện do Covid-19 gây ra.

WHO đang giám sát chặt chẽ hiệu quả của các vaccine này trong thực tế, bao gồm ảnh hưởng của các biến thể đáng lo ngại lên hiệu quả của vaccine.

Các dữ liệu tính đến ngày 6/8/2021 cho thấy vaccine vẫn có hiệu quả tốt trong việc ngăn ngừa mắc bệnh nặng Covid-19 bởi biến thể Delta, mặc dù có giảm hiệu quả trong việc ngăn ngừa mắc bệnh có triệu chứng.

“Thông điệp từ WHO rất rõ ràng, đó là hãy tiêm bất kỳ loại vaccine ngừa Covid-19 có sẵn khi đến lượt bạn. Mặc dù không có loại vaccine ngừa Covid-19 nào đạt hiệu quả 100%, nhưng vẫn giúp bảo vệ bạn và cả những người chung quanh bạn. Vaccine cũng sẽ làm giảm nguy cơ biến thể Delta lan truyền trong cộng đồng và gây ra các biến thể mới”
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Israel hồi tuần trước, Giáo sư Oren Kobiler - Tiến sĩ chuyên ngành vi sinh vật học và miễn dịch tại trường Đại học Tel Aviv khẳng định, mọi loại vaccine đều có thể ngăn ngừa bệnh rất tốt và tương đối giống nhau với nguy cơ biến chứng nặng. Một số vaccine có khác nhau về phản ứng phụ hoặc khả năng ngăn chặn sự lây nhiễm, nhưng điều quan trọng là các loại vaccine hiện nay đều có hiệu quả tốt và có thể ngăn ngừa nguy cơ biến chứng nặng.

Theo Giáo sư Kobiler, mọi người nên tiêm vaccine sớm càng sớm càng tốt. Trong cơ thể con người, kháng thể là những vũ khí đầu tiên của hệ miễn dịch chống lại virus. Với những người đã được tiêm vaccine, qua thời gian số lượng kháng thể sẽ giảm dần và vẫn có khả năng bị virus tấn công. Tuy nhiên, dù bị nhiễm bệnh, nhưng những người bệnh đã tiêm vaccine đầy đủ sẽ không bị các biến chứng nghiêm trọng.

Các chuyên gia của Đại học George Washington đi đầu trong ứng phó với đại dịch Covid-19 khuyến cáo: “Loại vaccine tốt nhất bạn có thể nhận được là loại vaccine đầu tiên có sẵn cho bạn”.

Tiến sĩ Steven Quay, một nhà nghiên cứu Covid-19, tác giả cuốn sách “Giữ an toàn: Hướng dẫn của bác sĩ để sống sót qua Covid-19”, đồng thời là Giám đốc điều hành của tập đoàn Atossa Therapeutics nhấn mạnh: “Hãy tiêm loại vaccine đầu tiên có sẵn”và “Chúng giúp bạn không phải nhập viện và không tử vong, và đó là những điều lớn lao”.

Trao đổi trên chuyên trang tư vấn sức khỏe Healthline (Mỹ), Tiến sĩ L. J. Tan, Giám đốc chiến lược của Liên minh Hành động Tiêm chủng, nói rằng, trong khi rất nhiều lo ngại về vaccine Covid-19 đã được nêu ra - từ hợp lý đến kỳ lạ - nghiên cứu đã chứng minh hầu hết các lo ngại này là không có cơ sở.

Những con số “biết nói”


Tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 là cách tốt nhất để sớm đưa cuộc sống trên trái đất này trở về trạng thái bình thường vốn có, nhất là khi biến chủng Delta lan rộng, nhiều biến chủng khác xuất hiện. Thực tế nhiều quốc gia, thậm chí có quốc gia đã trải qua tình trạng tồi tệ bởi dịch bệnh, đã thành công trong câu chuyện khống chế dịch bệnh nhờ chiến dịch tiêm chủng diện rộng với tất cả các loại vaccine ngừa Covid-19 sẵn có.

Trong đại dịch Covid-19, Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) đã phải gánh chịu những tổn thất nặng nề như hầu hết các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, với chiến dịch tiêm chủng thần tốc, UAE trở thành nước dẫn đầu thế giới về tiêm vaccine ngừa Covid-19. Tính đến ngày 27/8, quốc gia Trung Đông này đã tiêm được hơn 17,9 triệu liều vaccine, trong đó 86.15% người dân đã được chủng ngừa liều đầu tiên và 75.3% dân số đã được tiêm đủ cả 2 liều (theo số liệu từ Cơ quan Quản lý Khủng hoảng khẩn cấp và Thảm họa Quốc gia UAE - NCEMA).

Người dân và du khách tại Làng Toàn cầu ở Dubai, UAE ngày 17/11 /2020. (Ảnh: REUTERS)

Người dân và du khách tại Làng Toàn cầu ở Dubai, UAE ngày 17/11 /2020. (Ảnh: REUTERS)

Nhằm sớm đạt mục tiêu chủng ngừa cho 70% dân số để đạt miễn dịch cộng đồng, Chính phủ UAE đã có các bước đi táo bạo hướng tới việc đa dạng hóa nguồn cung. Theo NCEMA, hiện có 3 loại vaccine được UAE chính thức phê duyệt để áp dụng cho chương trình tiêm chủng trong nước, gồm Sinopharm, Pfizer/BioNTech và Sputnik V. Ngoài ra, vaccine “bản địa” Hayat-Vax do nước này sản xuất cũng đang được tín nhiệm sử dụng phổ biến tại UAE và là vaccine duy nhất sử dụng tại Abu Dhabi.

Cùng với chiến dịch tiêm chủng thần tốc, việc đa dạng hóa nguồn cung vaccine đã khôi phục nền kinh tế lớn nhất Vùng Vịnh. Theo hãng thông tấn CNBC, hồi tháng 7/2020, thủ phủ thương mại Dubai của UAE đã trở thành một trong những nơi đầu tiên trên thế giới khôi phục hoạt động du lịch, mở cửa đón du khách quốc tế và cho phép tổ chức các hội nghị trực tiếp.

Người dân Trung Quốc trong kỳ nghỉ lễ Quốc tế Lao động 1/5/2021 tại một con phố mua sắm chính ở Thượng Hải. (Ảnh: REUTERS)

Người dân Trung Quốc trong kỳ nghỉ lễ Quốc tế Lao động 1/5/2021 tại một con phố mua sắm chính ở Thượng Hải. (Ảnh: REUTERS)

Tại Trung Quốc, báo cáo ngày 27/8 của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) cho thấy, tính đến hết 26/8, nước này đã tiêm được hơn 2 tỷ liều vaccine Covid-19. Có 1,07 tỷ người Trung Quốc đã được tiêm chủng, chiếm 76% dân số, trong đó số người đã hoàn thành đủ số liều tiêm là gần 890 triệu, chiếm hơn 63% dân số.

Cho tới nay, Trung Quốc chưa phê duyệt vaccine ngừa Covid-19 do nước ngoài sản xuất. Trung Quốc hiện sử dụng các loại vaccine ngừa Covid-19 được bào chế trong nước gồm các loại chính như CanSino, Sinopharm/Beijing, Sinopharm/Wuhan và Sinovac.

Với chiến dịch tiêm chủng đồng loạt trên diện rộng cùng với chiến lược “không khoan nhượng” với Covid-19, NHC thông báo số ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng tại các địa phương của nước này đã giảm liên tiếp về mức 0 trong ngày 28/8.

Du lịch nội địa của Trung Quốc cũng được hưởng lợi từ chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn của nước này. Theo báo cáo của Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc, dịp nghỉ lễ Quốc tế Lao động vừa qua đã chứng kiến số chuyến đi kỷ lục với 230 triệu chuyến trong nước, tăng 119,7% so với cùng kỳ năm 2020 và hơn 3,2% so với mức trước đại dịch.

Người dân xếp hàng bên ngoài một trung tâm tiêm chủng diện rộng cho những người từ 18 tuổi trở lên tại Sân vận động London, ở phía đông London, Anh, ngày 19/6/2021. (Ảnh: REUTERS)

Người dân xếp hàng bên ngoài một trung tâm tiêm chủng diện rộng cho những người từ 18 tuổi trở lên tại Sân vận động London, ở phía đông London, Anh, ngày 19/6/2021. (Ảnh: REUTERS)

Con số hơn 100.000 ca tử vong vì Covid-19 được ngăn chặn là cơ sở để Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid nhấn mạnh, chương trình tiêm chủng của nước này đang mang lại hiệu quả.

Ngày 26/8, Cơ quan Y tế Công cộng England (PHE) công bố, chương trình tiêm chủng của Anh đã trực tiếp ngăn chặn từ 102.500 đến 109.500 trường hợp tử vong do Covid-19, cao hơn con số ước tính từ 91.700 đến 98.700 ca trước đó. Khoảng 82.100 ca nhập viện cũng đã được ngăn chặn nhờ tiêm chủng.

Hiện gần 47,9 triệu người ở Anh đã tiêm một mũi vaccine ngừa Covid-19 và hơn 42,2 triệu người đã tiêm đủ 2 mũi (63,4%).

Các nhân viên y tế mang theo vaccine COVISHIELD, một loại vaccine ngừa Covid-19 do Viện Huyết thanh Ấn Độ sản xuất, để tiêm cho dân làng trong chiến dịch tiêm chủng và xét nghiệm tận nhà tại đảo Uttar Batora, quận Howrah, bang tây Bengal, Ấn Độ, ngày 21/6/2021. (Ảnh: REUTERS)

Các nhân viên y tế mang theo vaccine COVISHIELD, một loại vaccine ngừa Covid-19 do Viện Huyết thanh Ấn Độ sản xuất, để tiêm cho dân làng trong chiến dịch tiêm chủng và xét nghiệm tận nhà tại đảo Uttar Batora, quận Howrah, bang tây Bengal, Ấn Độ, ngày 21/6/2021. (Ảnh: REUTERS)

Với hơn 32 triệu ca Covid-19, Ấn Độ là quốc gia bị ảnh hưởng nặng thứ hai trên thế giới sau Mỹ. Nhằm ngăn chặn làn sóng thứ ba và lặp lại kịch bản thảm khốc như đợt dịch thứ hai, Ấn Độ đã và đang đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19.

Mới đây, Tổng cục Quản lý Dược phẩm Ấn Độ đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine ZyCoV-D - vaccine Covid-19 trên nền tảng ADN đầu tiên trên thế giới - do công ty Zydus Cadila nghiên cứu, sản xuất, có thể tiêm cho người trưởng thành và trẻ em trên 12 tuổi.

Theo thống kê của Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình Ấn Độ, tính đến ngày 27/8, quốc gia Nam Á này đã tiêm được hơn 612,2 triệu liều vaccine Covid-19, trong đó có trên 472,8 triệu mũi 1 và 139,3 triệu mũi 2. Chính phủ Ấn Độ đặt mục tiêu tiêm chủng cho toàn bộ dân số trên 18 tuổi vào cuối năm nay. Số ca dương tính của Ấn Độ hiện ở mức 344.899 ca, trong đó số ca phải điều trị tích cực chỉ chiếm 1,02%, tỷ lệ phục hồi trên toàn quốc đạt 97,60%.

Cùng với đó, trong 62 ngày qua, tỷ lệ các ca mắc mới Covid-19 theo tuần vẫn ở mức dưới 3% và hiện ở mức 2,02%. Tỷ lệ mắc mới theo ngày hiện là 2,58%, thấp hơn 3% trong 31 ngày trở lại đây. Tỷ lệ tử vong trên phạm vi toàn quốc hiện là 1,34%.

Hành khách tập trung gần quầy của hãng hàng không Delta để làm thủ tục tại Sân bay Quốc tế Hartsfield-Jackson Atlanta, ở Atlanta, Georgia, Mỹ ngày 23/5/2021 (Ảnh: REUTERS)

Hành khách tập trung gần quầy của hãng hàng không Delta để làm thủ tục tại Sân bay Quốc tế Hartsfield-Jackson Atlanta, ở Atlanta, Georgia, Mỹ ngày 23/5/2021 (Ảnh: REUTERS)

Tại Mỹ, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC), số người được tiêm chủng đầy đủ phải nhập viện vì Covid-19 (ca nhiễm “đột phá”) tính đến tháng 8 là 8.054 người. Đây là một phần rất nhỏ trong số 168 triệu người đã được tiêm chủng đầy đủ tại quốc gia này.

Khi biến thể Delta lan rộng, các chuyên gia y tế đã thấy sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh Covid-19 có triệu chứng ở những người được tiêm vaccine ngừa Covid-19, mặc dù họ vẫn được bảo vệ rất cao trước các triệu chứng nghiêm trọng.

Theo phân tích của Quỹ Gia đình Kaiser dựa trên bảng dữ liệu Covid-19 của Đại học John Hopkins và Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ, vaccine tiếp tục bảo vệ mọi người khỏi tình trạng diễn tiến nặng và tử vong do Covid-19.

Phân tích cho thấy, ở tất cả các bang của Mỹ, tỷ lệ các ca bệnh Covid-19 “đột phá” trong số những người được tiêm chủng đầy đủ là dưới 1 phần trăm.

Thí dụ, bang Connecticut là một trong những bang có tỷ lệ nhiễm “đột phá” thấp nhất, ở mức 0,01%. Hơn 64 % người dân tại bang này đã được tiêm chủng đầy đủ. Ngay cả ở Tennessee, nơi tỷ lệ bao phủ tiêm chủng chỉ đạt 41%, tỷ lệ mắc Covid-19 ở những người đã tiêm chủng đầy đủ chỉ là 0,4%.

Tỷ lệ nhập viện vì Covid-19 của những người được tiêm chủng đầy đủ vaccine ngừa Covid-19 thậm chí bằng 0 ở California, Delaware, D.C., Indiana, New Jersey, New Mexico, Vermont và Virginia trong những tuần gần đây.

Trong khi đó, phân tích của Quỹ gia đình Kaiser chỉ ra số người chưa tiêm vaccine Covid-19 chiếm hơn 9 trong 10 ca nhập viện hoặc tử vong do Covid-19 tại Mỹ.

Các chuyên gia y tế nước này khẳng định, vaccine Covid-19 được phát triển để ngăn chặn sự diễn tiến nghiêm trọng dẫn tới nhập viện và tử vong ngay cả khi vaccine không hiệu quả 100% trong việc ngăn ngừa lây nhiễm.

Người dân và du khách tắm nắng trên đảo Lampedusa, Sicilia, Italia, ngày 22/6/2021. (Ảnh: REUTERS)

Khán đài đầy ắp khán giả của Euro 2020 (Ảnh: REUTERS)

Olympic Tokyo 2020 chứng kiến tới sáu kỷ lục thế giới bị phá trên đường đua xanh. (Ảnh: REUTERS)

Pháo hoa rực sáng sân vận động Olympic cùng lời cảm ơn của nước chủ nhà trong lễ bế mạc Olympic Tokyo 2020. (Ảnh: GETTYIMAGE)

Người dân và du khách tắm nắng trên đảo Lampedusa, Sicilia, Italia, ngày 22/6/2021. (Ảnh: REUTERS)

Khán đài đầy ắp khán giả của Euro 2020 (Ảnh: REUTERS)

Olympic Tokyo 2020 chứng kiến tới sáu kỷ lục thế giới bị phá trên đường đua xanh. (Ảnh: REUTERS)

Pháo hoa rực sáng sân vận động Olympic cùng lời cảm ơn của nước chủ nhà trong lễ bế mạc Olympic Tokyo 2020. (Ảnh: GETTYIMAGE)

Làn gió mang năng lượng hồi sinh


Sau một thời gian dài đóng cửa các đường biên để ngăn chặn Covid-19, vaccine Covid-19 đã mang lại làn gió đầy năng lượng cho cuộc sống trên toàn thế giới trong mùa hè 2021.

Thực hiện chiến dịch tiêm chủng tăng tốc, đa dạng hóa nguồn vaccine, các quốc gia châu Âu đã dần mở cửa các đường biên từ tháng 5/2021, chính thức áp dụng hộ chiếu vaccine để đón du khách trở lại sau những ngày phong tỏa nghiêm ngặt.

Vaccine ngừa Covid-19 cũng chính là chìa khóa để du lịch thế giới dần hồi sinh sau hơn một năm bị “tê liệt” vì “con virus nhỏ bé nhưng mang sức hủy diệt tàn khốc”. Báo cáo mới nhất công bố tháng 7/2021, Tổ chức Du lịch Thế giới UNWTO nhận định, việc triển khai tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 toàn cầu và tăng cường áp dụng các giải pháp kỹ thuật số để đi du lịch an toàn sẽ giúp nối lại đà tăng trưởng cho du lịch quốc tế.

UNWTO cho biết, hầu hết các điểm đến có biện pháp nghiêm ngặt nhất đều có tỷ lệ tiêm chủng thấp trong khi những nơi đạt mức độ tiêm chủng cao đã dần cho phép du lịch trở lại.

Mùa hè 2021 sẽ luôn được nhớ tới bởi hai sự kiện thể thao hấp dẫn được thế giới mong chờ sau hơn một năm "đóng băng" vì Covid-19 là Giải vô địch bóng đá châu Âu 2020 (EURO 2020) và Thế vận hội mùa hè 2020 (Olympic Tokyo 2020).

Chiến dịch tiêm chủng quy mô toàn châu Âu đã phần nào giúp người yêu thể thao trên toàn thế giới được tiếp thêm năng lượng từ những trận cầu đỉnh cao, đầy cảm xúc trong sự cổ vũ nồng nhiệt từ những khán đài được lấp đầy cổ động viên của EURO 2020.

Dù khó khăn bởi dịch bệnh, nhưng với quyết tâm không thể để Olympic Tokyo 2020 lùi thêm một năm nữa, ngọn đuốc của Olympic vẫn được thắp sáng đúng kế hoạch vào tối 23/7/2021 tại Sân vận động quốc gia ở Tokyo, Nhật Bản.

Từ tháng 5/2021, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đã ký kết bản ghi nhớ với hai công ty Pfizer Inc và BioNTech SE thực hiện chương trình tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho những người tham gia Olympic Tokyo 2020 và Paralympic Tokyo 2020. Tất cả các vận động viên và ban tổ chức đã được tiêm phòng vaccine trước khi Olympic diễn ra để bảo đảm an toàn cùng với các biện pháp phòng dịch khắt khe nhất.

Không có khán giả vào sân cổ vũ, trong hơn 2 tuần tranh tài, hơn 10 nghìn vận động viên vẫn cống hiến hết mình để người hâm mộ trên khắp thế giới được chứng kiến gián tiếp các trận đấu gay cấn và hấp dẫn của Olympic Tokyo 2020 qua các thiết bị điện tử.

Và Olympic Tokyo 2020 chắc chắn sẽ ghi dấu trong lịch sử là một kỳ thế vận hội thành công về những thành tích thể thao, nhưng hơn hết là về quyết tâm, ý chí của con người cùng nhau vượt qua thách thức của dịch bệnh.

Thêm nhiều hứa hẹn


Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí y khoa về nuôi con bằng sữa mẹ Breastfeeding Medicine ngày 24/8, vaccine ngừa Covid-19 có thể giúp bảo vệ cả mẹ lẫn con trong đại dịch Covid-19. Đây là một lý do nữa để các thai phụ hoặc các bà mẹ đang cho con bú tiêm vaccine ngừa Covid-19.

Giáo sư Joseph Larkin tại Đại học Florida (Mỹ), một trong các tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: “Các phát hiện của chúng tôi cho thấy tiêm phòng sẽ giúp tăng đáng kể lượng kháng thể phòng virus SARS-CoV-2 trong sữa mẹ. Vì vậy, những người mẹ đã tiêm phòng có thể truyền khả năng miễn dịch này sang cho con”.

Nghiên cứu trên được tiến hành trong thời gian từ tháng 12/2020 – 3/2021, khi vaccine của hãng Pfizer/BioNTech và Moderna được ưu tiên tiêm cho các nhân viên y tế tại Mỹ.

21 nhân viên y tế đang cho con bú và chưa từng mắc Covid-19 tham gia nghiên cứu này. Nhóm nghiên cứu đã lấy mẫu sữa mẹ và mẫu máu 3 lần: trước khi tiêm, sau khi tiêm liều đầu tiên và sau khi tiêm liều thứ hai.

Kết quả cho thấy đã có phản ứng sinh kháng thể mạnh trong máu và sữa mẹ sau liều vaccine ngừa Covid-19 thứ hai, gấp cả trăm lần so với trước khi tiêm. Mức kháng thể này cũng cao hơn mức được quan sát thấy sau khi nhiễm virus thông thường.

Nhóm các nhà khoa học trên đang tiếp tục nghiên cứu cách thức sữa mẹ chứa kháng thể Covid-19 sau tiêm có thể bảo vệ trẻ nhỏ như thế nào. Nhưng kết quả khả quan ban đầu này chỉ ra rằng, việc tiêm vaccine Covid-19 là vô cùng cần thiết để bảo vệ trẻ sơ sinh, đối tượng chưa được bảo vệ khỏi SARS-CoV-2 nhờ vaccine.

Chuỗi RNA (Ảnh: ISTOCK)

Chuỗi RNA (Ảnh: ISTOCK)

Kết quả ấn tượng của vaccine ngừa Covid-19 sử dụng công nghệ mRNA cũng đang mở ra kỳ vọng công nghệ này có thể đạt hiệu quả trong “xử lý” một số căn bệnh khác như ung thư, HIV,...

Hãng Pfizer thông báo đang lên kế hoạch dùng công nghệ mRNA để chống lại cúm mùa, vốn cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người mỗi năm.

Trong cuộc đua giành giật sự sống khỏi căn bệnh ung thư, Công ty Moderna thông báo: “Chúng tôi nhận diện biến đổi trên tế bào ung thư của bệnh nhân. Sau đó chúng tôi tạo vaccine mã hóa cho mỗi biến đổi rồi truyền tải chúng vào một phân tử mRNA”. Khi được tiêm vào bệnh nhân, loại vaccine cá nhân hóa này được kỳ vọng tạo phản ứng mễn dịch tốt hơn chống khối u. Theo Moderna, các thuật toán máy tính cho thấy có khoảng 20 biến đổi phổ biến trên tế bào. Hãng cũng cho biết sẽ cùng lúc thử nghiệm hai loại vaccine ngừa HIV sử dụng công nghệ mRNA trên người trước cuối năm 2021.

BioNtech cũng cho biết đang phối hợp với nhiều nhà nghiên cứu sử dụng công nghệ mRNA để điều trị chuột mắc bệnh tương tự như đa xơ cứng - hệ miễn dịch tấn công chất béo bao bọc chung quanh tế bào thần kinh. Thử nghiệm cho thấy công nghệ mRNA khiến chuột khỏi bệnh và hệ miễn dịch vẫn bảo toàn.

Thế giới đã diễn ra cuộc đua chưa từng có để phát triển vaccine ngừa Covid-19, và vaccine đầu tiên cán đích chỉ hơn một năm sau khi đại dịch bùng phát. Giờ đây, khi nguồn vaccine ngày càng trở nên dồi dào hơn, thế giới lại đang đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng. Những cuộc đua "gay cấn" ấy chỉ nhằm một mục đích: Sớm đưa cả nhân loại thoát khỏi đại dịch lịch sử.

Tổ chức sản xuất: NGỌC THANH
Nội dung: THẢO LÊ, NGUYỄN TRANG, VĂN TOẢN, PHAN ANH
(Nguồn: Reuters, WHO, Healthline, TTXVN)