TINH HOA ĐẤT CỐ ĐÔ

Cần được bảo tồn và phát triển

Thanh nhã mà tinh tế, đơn giản nhưng sinh động, đó là cảm nhận chung của rất nhiều người khi được nhìn ngắm hay sở hữu sản phẩm thêu ren của làng Văn Lâm (xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình). Nhưng cũng như nhiều nghề truyền thống khác trên đất Cố đô Hoa Lư nói riêng và trên toàn quốc nói chung, nghề thêu ren rua Văn Lâm đang đứng trước nguy cơ mai một. Làm sao gìn giữ và phát triển nghề truyền thống quê hương luôn là bài toán khó mà cả chính quyền lẫn những nghệ nhân, người làng cần chung tay giải quyết.

Công cụ thô sơ nhưng cần tỉ mỉ

Từ những sợi chỉ mảnh mai, trên tấm vải rộng hẹp đủ màu sắc, từng đường thêu ren tinh xảo mà giản dị, đơn sắc mà sống động, mềm mại tựa nét vẽ dần dần hiện lên qua bàn tay khéo léo của những người thợ thêu làng Văn Lâm. Đó là ấn tượng đầu tiên chúng tôi có được khi tới thăm xưởng thêu của Công ty thêu ren Mặt trời xanh – một trong số ít xưởng thêu còn hoạt động khá hiệu quả tới nay trên mảnh đất nghề Văn Lâm.

Chị Vũ Thị Lan Hương - Phó Giám đốc Công ty cho biết, để làm ra một tác phẩm thêu cần trải qua rất nhiều công đoạn. Các nghệ nhân phải lên ý tưởng thiết kế, sau đó in bản vẽ hoạ tiết lên một tấm phim trong suốt, dùng mũi kim nhọn châm theo bản vẽ rồi đặt bản vẽ lên tấm vải, sử dụng dầu và màu in quét lên bản vẽ. Khi đó trên tấm vải sẽ hiện hoạ tiết tranh theo các đường kim châm và thợ thêu sẽ căn theo các đường kim châm đó để thêu.

Trong quá trình thêu theo nét châm, những người thợ giỏi, lành nghề có thể tự điều chỉnh để đường thêu mềm mại, tinh xảo hơn. Tuy nhiên, chỉ số ít thợ thêu mới làm được vậy, còn đa phần người thợ sẽ chỉ thêu theo đúng nét châm kim đó, bởi vậy tạo các nét châm là khâu rất quan trọng.

Những kỹ thuật như thêu đâm xôi, thêu nối đầu, thêu bó hạt… là cách thêu hầu như chỉ có ở Văn Lâm. Thêu màu thì phải xô chỉ làm sao cho mịn. Còn thêu cài răng lược thì phải đi đường kim sao cho đứng cách,… Đây đều là những kỹ thuật thêu độc đáo của làng Văn Lâm.

Quy trình làm ra sản phẩm thêu ren Văn Lâm

In bản vẽ họa tiết lên một tấm phim trong suốt.

Dùng mũi kim nhọn châm theo bản vẽ để tạo lỗ.

Sử dụng dầu và màu in quét lên bản vẽ.

Thợ thêu căn theo bản vẽ để thêu.

Sản phẩm thêu ren Văn Lâm thanh nhã mà tinh xảo.

Một trong những đặc sắc khác mà chỉ có ở làng thêu ren Văn Lâm là kỹ thuật thêu đơn sắc, hay thậm chí là chỉ dùng chỉ màu trắng. Tức là người thợ không dùng màu sắc tạo nên nét sinh động của bản thêu, mà trái lại, chính sự đơn sắc của vải, của chỉ làm nổi bật cái khéo léo của người thợ và nét tinh xảo của tác phẩm.

Đặc điểm của nghệ thuật thêu ren Văn Lâm là sử dụng công cụ thô sơ nhưng lại đòi hỏi sự tỉ mỉ cao độ của người thợ trong trong từng chi tiết”, chị Lan Hương chia sẻ thêm.

Nếu các tác phẩm thêu thông thường quan trọng ở khâu châm nét, giữ mũi thêu cho đều, thì thêu bằng chỉ trắng đòi hỏi người thợ phải thật tỉ mỉ, khéo léo bởi nếu đường thêu thô xấu sẽ dễ bị lộ.

Một sản phẩm thêu ren rua.

Một sản phẩm thêu ren rua.

Cô Đinh Thị Nguyên (63 tuổi) – một trong những thợ thêu lâu năm nhất tại xưởng cho biết: “Ai sinh ra ở làng Văn Lâm thì đều sẽ tự biết cách tiếp cận và làm nghề, đến Công ty này chúng tôi được đào tạo nâng cao, tập trung 2-3 tuần là có thể làm được việc. Tuy nhiên, cái khó là cần phải tỉ mỉ, cẩn thận, chỉn chu trong từng đường thêu, nếu không sẽ dễ bị hỏng”.

Bên cạnh đó, thêu rua là một kỹ nghệ độc đáo khác của làng Văn Lâm. Sản phẩm thêu rua đòi hỏi tính kỹ thuật cao. Từ mảnh vải, người thợ dùng những chiếc kéo nhỏ hoặc dao nhỏ xíu nhẹ nhàng, khéo léo chích, rút từng sợi vải…, sau đó dùng chỉ đan thành những bông hoa, những cánh lá theo yêu cầu bản vẽ. Điều này cũng cho thấy độ khó về kỹ, mỹ thuật, sự tỉ mỉ, chính xác mà chưa có máy móc nào có thể làm thay được.

“Đến nay, Văn Lâm là làng nghề duy nhất nắm được kỹ nghệ rút sợi và đan trên sợi”, chị Lan Hương khẳng định.

Có lẽ những đặc trưng độc đáo ấy của thêu ren Văn Lâm có được từ chính lịch sử ra đời cũng rất đặc biệt của nghề.

Đến nay, Văn Lâm là làng nghề DUY NHẤT nắm được kỹ nghệ rút sợi và đan trên sợi.

Phó Giám đốc Công ty thêu ren Mặt trời xanh
VŨ THỊ LAN HƯƠNG

Theo các nghệ nhân cao tuổi trong làng, nghề thêu ren ở thôn Văn Lâm có tuổi đời trên 700 năm. Tương truyền, vào thời nhà Trần, bà Trần Thị Dung, vợ của Thái sư Trần Thủ Độ đã cho các cung nữ truyền dạy cho người dân làng Văn Lâm nghề thêu ren cung đình. Các sản phẩm thêu ngày đó phục vụ nghi thức, nghi lễ trong đời sống văn hóa tâm linh, đặc biệt là trong lễ hội như quần, áo, mũ của đội tế; tàn, lọng, y môn trong các ngôi đình, đền đều có sự đóng góp, sáng tạo của người thợ thêu làng Văn Lâm.

Đến năm 1910, dưới thời Pháp thuộc, có 2 người làng Văn Lâm là cụ Đinh Ngọc Hênh và Đinh Ngọc Xoan đã học được nghề thêu ren của người Pháp. Sau đó, hai cụ về truyền dạy lại cho dân làng. Kể từ đó, làng Văn Lâm có thêm nghề thêu rua và cũng nhờ đó tạo bước chuyển cho làng nghề.

Với đôi bàn tay khéo léo tài hoa, nghề thêu ren-rua Văn Lâm mau chóng phát triển và trở thành một trong những làng nghề làm ren đẹp nhất Việt Nam.

Mảng sáng về
xuất khẩu

Kế thừa nghề di sản của cha ông, không ngừng phát huy sáng tạo, những nghệ nhân đất nghề Văn Lâm đã làm ra rất nhiều sản phẩm thêu ren mang vẻ đẹp độc đáo, thanh nhã, được người tiêu dùng đánh giá cao, điển hình như túi sách lụa, khăn lụa, chăn ga gối (Công ty TNHH thêu ren Mặt trời xanh), hay tranh thêu Cố đô Hoa Lư, Tam Cốc (mỏ đại bàng), Nhà thờ đá Phát Diệm, chăn thêu hình hoa sen, túi xách thêu phong cảnh Ninh Bình (Công ty thêu Minh Trang)... Nhiều trong số các sản phẩm thêu đó đã đạt chứng nhận OCOP 4 sao, và tiềm năng đạt 5 sao.

Chính bởi sự đơn giản mà tinh tế trong từng đường thêu, cùng với những gam màu sáng, nhẹ nhàng hoặc đơn sắc nên các sản phẩm thêu ren Văn Lâm rất phù hợp với thị hiếu khách ngoại và được ưa chuộng. Thế nên, từ lâu, các sản phẩm như chăn, ga, khăn trải bàn,… của làng thêu ren Văn Lâm nói chung và của Công ty thêu ren Mặt trời xanh nói riêng đã xuất khẩu được sang những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng cũng như thẩm mỹ như: Mỹ, Nhật, Anh quốc, Tây Ban Nha, Italia, Hàn Quốc,...

Theo chị Lan Hương, Công ty cũng luôn nỗ lực cải tiến kỹ thuật để sản phẩm đạt các tiêu chuẩn BSCI, SMETA,… - bộ tiêu chuẩn đánh giá quốc tế để xuất khẩu được vào một số thị trường khó tính, chính bởi vậy sản phẩm của Công ty được rất nhiều hãng tiêu thụ lớn quan tâm và đặt hàng. Doanh thu trung bình từ hoạt động xuất khẩu của Công ty đạt 1 triệu USD/năm. Qua đó giải quyết được vấn đề sinh kế cho một bộ phận thợ thêu trong làng, góp phần giữ chân lao động làng nghề tiếp tục theo nghề. Đây có thể coi là một mảng sáng trong bức tranh bảo tồn và phát triển nghề thêu Văn Lâm.

Ngược lại, con đường chinh phục người tiêu dùng nội của ren Văn Lâm nói chung của Công ty thêu ren Mặt trời xanh nói riêng lại gặp không ít khó khăn.

Các sản phẩm thêu ren, đặc biệt là thêu ren đơn sắc trên nền vải sáng màu, hoặc ren rua tuy rất đẹp, thanh nhã, kỳ công, nhưng lại kén khách, đặc biệt là khách nội bởi nhiều lý do. Thí dụ một chiếc ga trải giường màu trắng thêu ren rua trắng rất trang nhã nhưng lại không thể phù hợp với môi trường, khí hậu ở Việt Nam cũng như thói quen sinh hoạt trong các gia đình hiện nay, vì thế khả năng tiêu thụ sản phẩm đó gần như bằng không”, chị Lan Hương lý giải cụ thể hơn về khó khăn trong việc tiếp cận người tiêu dùng nội địa.

Không chỉ vậy, bởi được sản xuất hoàn toàn thủ công, đòi hỏi sự tỉ mỉ cao nên giá thành của một sản phẩm thêu ren rua cũng chưa thực sự phù hợp với khả năng chi tiêu của số đông người tiêu dùng trong nước. Việc ứng dụng thêu ren rua trong các sản phẩm thường dùng của người dân chưa nhiều, theo chị Lan Hương, một phần bởi hiện nay rất khó tìm được đội ngũ thiết kế làm ra các mẫu mã sản phẩm phù hợp thị hiếu người Việt, đặc biệt là nhóm khách hàng bình dân mà hiện tại chiếm tới 95 - 97 % dân số.

Một bộ chăn ga, gối đệm thêu tay thủ công được làm công phu, tỉ mỉ có giá hơn 100 triệu đồng do cố nghệ nhân Vũ Thị Hoàng Yến làm ra. (Ảnh: Dân Việt)

Một bộ chăn ga, gối đệm thêu tay thủ công được làm công phu, tỉ mỉ có giá hơn 100 triệu đồng do cố nghệ nhân Vũ Thị Hoàng Yến làm ra. (Ảnh: Dân Việt)

Ở một góc nhìn khác, cùng với sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp không khói ở Ninh Bình, nhờ vào sự nhanh nhạy, sáng tạo của những người làm nghề, thêu ren Văn Lâm được ứng dụng nhiều hơn vào các sản phẩm phục vụ du khách và một số đối tượng khách hàng đặc biệt như các nhà hàng, khách sạn,… bởi vậy, thị trường trong nước vẫn đem lại một nguồn thu cho các công ty, xưởng thêu, dù là nguồn thu không đáng kể.

Bên cạnh đó, mấy năm gần đây, nhờ vào sự hỗ trợ của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), các sản phẩm thêu ren Văn Lâm đã được biết đến nhiều hơn, có nhiều kênh quảng bá hơn, tuy nhiên sức mua nội vẫn chưa cao.

Trăn trở nhiều về vấn đề thị trường nội địa, chị Vũ Thị Lan Hương cho biết: “Công ty chúng tôi không tiêu thụ được nhiều trong nước nên gặp mất cân đối trong tiêu thụ. Bởi vậy, chúng tôi nỗ lực để mong muốn qua Chương trình OCOP gia tăng thị trường nội địa. Tuy nhiên, hiện nay chúng tôi mới chỉ coi OCOP là một kênh để quảng bá thương hiệu của mình ở thị trường trong nước, chứ chưa tham vọng tăng doanh số trong nước qua kênh này. Bởi hiệu quả của chương trình đến đâu thì có lẽ còn phải chờ, ít nhất phải 3 - 5 năm tới mới có thể đánh giá được. Song chúng tôi vẫn kỳ vọng vào kênh này”.

...

Trở lại câu chuyện về thị trường xuất khẩu, mặc dù đó vẫn được coi là mảng sáng của nghề thêu ren Văn Lâm, tuy nhiên, trên thực tế, những thị trường “đắt khách” nêu trên lại chính là những thị trường khó tính nhất thế giới. Họ đưa ra rất nhiều yêu cầu khắt khe và điều đó trở thành thách thức để thêu Văn Lâm đứng vững hoặc mở rộng tiêu thụ.

Công ty chúng tôi không tiêu thụ được nhiều trong nước nên gặp mất cân đối trong tiêu thụ. Bởi vậy, chúng tôi nỗ lực để mong muốn qua Chương trình OCOP gia tăng thị trường nội địa.

-- Chị Vũ Thị Lan Hương --

Hơn nữa, như chị Lan Hương chia sẻ, cho dù xuất khẩu được vào các thị trường đó thì cạnh tranh được với các sản phẩm cùng loại hay không lại là câu chuyện khác. Bởi giá thành phẩm của Công ty hiện đang rất khó cạnh tranh với sản phẩm đến từ một số quốc gia khác như Ấn Độ, Bangladesh,… nguyên nhân là vì giá nhân công của họ thấp hơn. Đặc biệt, trong giai đoạn kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn như hiện nay, không những sức mua giảm, mà khả năng chi trả cho mỗi sản phẩm của người dân cũng giảm, vì thế họ ưu tiên mua các sản phẩm có giá thành tốt hơn.

Đó là chưa kể đến yêu cầu riêng từ các hãng tiêu thụ lớn như 1 năm phải có 2 đợt giảm giá, trong khi tiền thuê nhân công không giảm, cộng thêm việc khó khăn trong vay vốn ưu đãi do tính chất của sản phẩm,… tất cả khiến con đường xuất khẩu cũng gặp không ít gian nan.

“Quyết tâm giữ nghề, dù có phải bù lỗ”

Những khó khăn trong quá trình tiêu thụ nêu trên phần nào khiến rất nhiều thợ thêu làng Văn Lâm không còn gắn bó với nghề, đẩy làng thêu đứng trước nguy cơ mai một. Đặc biệt trong bối cảnh Ninh Bình đang phát triển nóng về du lịch.

Ở thôn Văn Lâm hiện nay, những người biết thêu còn nhiều, nhưng những người theo nghề thì đang ít dần, nguyên nhân chính là bởi nghề thêu chưa thể bảo đảm thu nhập phục vụ sinh hoạt của người dân.

Là một trong những thợ thêu lâu năm, cô Đinh Thị Nguyên bộc bạch: “Tôi theo nghề từ 15 tuổi đến giờ, năm nay tôi 63 tuổi rồi. Con cái tôi hiện đều không làm nghề thêu này nữa, vì ngày công không bảo đảm. Sản phẩm thêu này thực sự hơi kén khách, tôi cũng tiếc nghề lắm nhưng không có cách nào khác. Các em cũng phải mưu sinh mà. Tôi già rồi, không đi làm công nhân được nên mới đến xưởng làm thêm túc tắc lúc nông nhàn, như vậy vừa có thu nhập, vừa hỗ trợ được con cháu.

Cùng tâm tư như vậy, chú Khanh – thợ châm kim và thêu lâu năm tại xưởng cho biết: “Tôi biết nghề từ bé và cũng vào xưởng làm được khoảng 10 năm nay rồi. Con cái tôi thì không ai theo nghề. Tôi cũng thấy tiếc cho nghề truyền thống quê hương lắm, cũng sợ rồi chả ai làm nghề nữa, nhưng biết làm sao, vấn đề cơm áo cả mà.”

Như đã nói, Ninh Bình là tỉnh đang phát triển nóng về du lịch, bởi vậy sự cạnh tranh lao động giữa các làng nghề thủ công với ngành dịch vụ những năm gần đây diễn ra gay gắt. Không chỉ Văn Lâm, mà nhiều làng nghề khác cũng mất dần thợ giỏi, thợ truyền thống bởi giá nhân công không đủ thu hút. Đây thực sự là một bài toán với những người đang trăn trở giữ lửa nghề cho thôn làng.

Cô Vũ Thị Tuệ (Giám đốc Công ty thêu ren Mặt trời xanh) – một nghệ nhân luôn tâm huyết với nghề và cũng luôn trăn trở nỗi lo nghề truyền thống bị mai một, tâm sự: “Nghề thêu ren Văn Lâm đang bị mai một, thợ biết nghề còn nhiều, nhưng theo nghề thì ít dần vì ngày công lao động không bảo đảm. Đặc biệt, khi mà có thêm các hoạt động du lịch phát triển, các khu công nghiệp mọc lên, thì lớp trẻ có lựa chọn nghề nghiệp khác, họ không thích tẩn mẩn thêu thùa nữa. Nhưng tôi vẫn quyết tâm giữ nghề, dù có phải bù lỗ.”

Đúng như vậy, không chỉ thu nhập chưa phù hợp mức sinh hoạt, mà chính sự tỉ mẩn mà công việc đòi hỏi cùng một không gian làm việc nhiều hạn chế về giao tiếp cũng đang không phù hợp với sở thích và tính cách của lao động trẻ. Đó chính là rào cản để họ hào hứng nối nghiệp cha ông. “Làm nghề này cứ ngồi tỉ mẩn cả ngày, đau mắt đau lưng, mà ngày công thì không cao, nên các bạn trẻ đi làm ở khu công nghiệp hoặc làm ở các doanh nghiệp du lịch hết rồi. Đa phần lớp trẻ không thích việc ngồi một chỗ thế này đâu”, một thợ thêu trung tuổi bộc bạch.

Chính bởi vậy, cô Vũ Thị Tuệ luôn nỗ lực và tìm mọi cách để làm sao ít nhất phải bảo đảm được thu nhập cho những người thợ trong Công ty.

Chúng tôi thường theo dõi biến động trả lương của các khu công nghiệp, họ chỉnh lương bao nhiêu thì mình chỉnh từng đó để giữ chân lao động, nhờ đó giữ nghề.” – cô Vũ Thị Tuệ chia sẻ.

Nói là điều chỉnh lương, nhưng việc đó lại hoàn toàn phụ thuộc vào doanh thu. Như đã nói trên, chăn, ga, hay các sản phẩm gia dụng thêu Văn Lâm không phù hợp với thị hiếu và nhu cầu trong nước, bởi vậy để gia tăng tiêu thụ nội địa, Công ty thêu ren Mặt trời xanh sáng tạo ra các sản phẩm gắn liền với du lịch hoặc các sản phẩm dùng để trang trí, điển hình như bức tranh thêu bằng chỉ một màu trên nền vải gai do đồng bào H’mông tự tay dệt. Những bức tranh thể hiện đậm nét nội hàm văn hóa Việt Nam với hoạt tiết hoa sen, người phụ nữ gánh nước, đám cưới chuột,…  lấy chất liệu từ văn hóa dân gian của người Việt.

Các tác phẩm tranh thêu Văn Lâm trên nền vải gai đồng bào H'Mông của Công ty thêu ren Mặt trời xanh.

Các tác phẩm tranh thêu Văn Lâm trên nền vải gai đồng bào H'Mông của Công ty thêu ren Mặt trời xanh.

Các sản phẩm như vậy đáp ứng được nhu cầu trang trí hay làm quà tặng của người tiêu dùng và du khách. Nhờ vậy, đơn hàng trong nước khá hơn trước, ít nhiều góp phần bảo đảm được thu nhập ổn định cho công nhân.

Song song với việc đẩy mạnh sáng tạo ra các sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu nội địa, Công ty thêu ren Mặt trời xanh luôn theo sát, tìm hiểu tâm tư, tình cảm và mong muốn của các thợ thêu, động viên và giúp họ theo nghề, để từ đó góp phần giữ nghề.

Chúng tôi luôn trăn trở, muốn thực hiện và đang kết hợp với những người đi trước, tìm cách động viên người lao động, đặc biệt là những cặp vợ chồng trẻ và những người trung niên. Trước làn sóng sa thải đang diễn ra mạnh, phụ nữ hay những người trung niên nếu quay lại làm nghề sẽ có cơ hội việc làm bền vững hơn, phù hợp hơn với điều kiện bản thân. Chúng tôi mong họ hiểu được điều đó, và sẽ cố gắng hết sức bảo đảm ngày công của họ tương đương với các khu công nghiệp để họ yên tâm theo nghề” – đó là tâm sự và cũng là mong muốn của chị Lan Hương.

Ước mơ về một khu bảo tồn nghề thêu trên đất Văn Lâm

Có một thực trạng đáng ngại nữa ở đất nghề Văn Lâm hiện nay là, không chỉ thợ thêu theo nghề giảm, mà các nghệ nhân còn đủ sức theo nghề cũng không còn nhiều.

Theo thống kê, hiện nay số người có tay nghề làm ra những sản phẩm chất lượng cao trong làng nghề Văn Lâm giảm nhanh. Tính đến năm 2022, cả thôn chỉ còn 9 nghệ nhân; trong đó có 5 nghệ nhân còn đủ sức khỏe và minh mẫn có thể làm nghề. Chị em nghệ nhân Vũ Thị Hồng Yến (Công ty thêu Minh Trang) và Vũ Thị Tuệ (Công ty thêu ren Mặt trời xanh) là hai trong số những nghệ nhân ít ỏi đó của làng vẫn làm nghề và trăn trở với nghề.

Thật đáng tiếc, nghệ nhân Vũ Thị Hồng Yến vừa qua đời cách đây ít lâu trong một vụ tai nạn giao thông, để lại nhiều dự định còn dang dở. Trên chặng đường giữ nghề ấy của hai chị em nghệ nhân họ Vũ, giờ chỉ còn nghệ nhân Vũ Thị Tuệ. Dù năm nay đã gần 70 tuổi, cô Tuệ vẫn đau đáu nhiều dự định tâm huyết với làng nghề, với quê hương và quyết tâm thực hiện ước nguyện giữ lửa làng nghề.

Tôi già rồi, nên đang phải chạy đua với thời gian để đầu tư tâm huyết nhiều hơn vào việc giữ nghề. Tôi có rất nhiều dự định và kế hoạch cho việc đó, thí dụ như tôi muốn dựng lại các bộ hoàng bào mà trên đó có nét đẹp của thêu Văn Lâm, để khách du lịch, người dân được chiêm ngưỡng. Tôi cũng muốn xây dựng một khu bảo tồn nghề thêu, quy tụ tinh hoa thêu thùa vùng bắc bộ và đặt tại Ninh Bình. Đó sẽ là không gian có trưng bày và có sản xuất để du khách tham quan, trải nghiệm, mua sắm. Tôi muốn dựa thêm vào du lịch để giữ được làng nghề”, cô Tuệ tiết lộ.

Tuy nhiên, những dự định đó của cô Tuệ hiện vẫn chưa thể thực hiện bởi khó khăn về tài chính, về chính sách, về quỹ đất. Và chính những điều đó cũng khiến cô loay hoay bấy lâu.

Trước mắt, với lợi thế sở hữu một khách sạn lớn ngay gần xưởng thêu, cô Tuệ bố trí riêng một không gian trưng bày sản phẩm thêu Văn Lâm ngay tại sảnh chính khách sạn, để du khách biết đến sản phẩm độc đáo của vùng đất Cố đô. Cô cũng tạo điều kiện cho du khách tham quan xưởng thêu và tận mắt chứng kiến những tác phẩm thêu tinh xảo được làm ra như thế nào, qua đó yêu thích mà tin mua.

Làm khu bảo tồn thì không tính được đến lợi nhuận, thậm chí có thể là phi lợi nhuận để giữ được nghề cha ông. Bởi thế đó là câu chuyện dài mà một mình tôi khó có thể làm được.

-- Nghệ nhân Vũ Thị Tuệ --

Còn những dự định lớn hơn, cô đã lên kế hoạch và đang nỗ lực vượt khó thực hiện.

Làm khu bảo tồn thì không tính được đến lợi nhuận, thậm chí có thể là phi lợi nhuận để giữ được nghề cha ông. Bởi thế đó là câu chuyện dài mà một mình tôi khó có thể làm được”, chút thở dài cô Tuệ trải lòng.

Nhìn từ khía cạnh chính quyền, những năm gần đây, tỉnh Ninh Bình cũng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giữ gìn và bảo tồn các làng nghề truyền thống tại địa phương; trong đó có việc triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Cụ thể là, nhờ tham gia chương trình OCOP, các sản phẩm của làng thêu ren Văn Lâm có cơ hội được trưng bày trong các lễ hội lớn, các sự kiện du lịch lớn của tỉnh, được hỗ trợ tham gia các hội chợ triển lãm, quảng bá sản phẩm trong và ngoài nước; qua đó góp phần quảng bá thương hiệu thêu ren Văn Lâm tới nhiều khách hàng trong và ngoài nước…

Mặt khách, dù nằm ngay khu du lịch nổi tiếng với hàng vạn lượt khách đến tham quan, Văn Lâm đã có một loại hình du lịch làng nghề, song việc phát triển du lịch vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của làng. Số lượng khách tham gia vào hoạt động du lịch làng nghề mới chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ, dưới 10% tổng lượng khách đến Tam Cốc, Bích Động. Trong đó, khách nội địa không đáng kể, phần lớn là khách quốc tế.

Do đó, thời gian qua, ngành du lịch, Hiệp hội du lịch tỉnh cũng đã tổ chức nhiều đoàn gồm các công ty lữ hành trong nước, quốc tế, các nhà nghiên cứu chuyên sâu về du lịch làng nghề tới tham quan, khảo sát, đánh giá. Trên cơ sở đó sẽ có giải pháp cụ thể sát với thực tế để xây dựng tour, tuyến hợp lý, thúc đẩy phát triển du lịch làng nghề, qua đó góp phần hỗ trợ Văn Lâm thực hiện phương châm “ly nông bất ly hương”, tức là người dân Văn Lâm phát triển nghề thêu kết hợp với phục vụ du lịch ngay trên quê hương mình.

Dẫu rằng làng thêu ren Văn Lâm đang đứng trước nguy cơ mai một là một thực trạng không thể phủ nhận, nhưng nếu nơi đó vẫn còn những nghệ nhân tâm huyết, không nguôi trăn trở với làng với nghề như cô Yến, cô Tuệ, chị Hương và nhiều người khác, thì nghề truyền thống sẽ không thể mất đi dù thăng trầm là khó tránh.

Hiển nhiên, trên con đường giữ gìn và phát triển nghề truyền thống nói chung và nghề thêu ren rua Văn Lâm nói riêng ấy, khó khăn vẫn luôn hiện hữu. Giải pháp cũng có nhiều, nhưng để thực hiện một cách hiệu quả thì có lẽ còn cần nhiều hơn nữ sự hỗ trợ của chính quyền về chính sách vay vốn, đất đai,… cùng một quyết tâm mạnh mẽ của các nghệ nhân và của cả những người thợ vẫn đang cháy trong mình tình yêu với thêu thùa may vá, với quê hương bản làng.

Ngày xuất bản: 7/2/2024
Tổ chức thực hiện: HỒNG MINH - XUÂN BÁCH
Nội dung: VĂN LÚA, XUÂN TRƯỜNG, SONG THU, NGỌC BÍCH
Ảnh: NHẬT QUANG