![](./assets/OilseXb1CA/thi-dua-quan-doi-web-2560x1440.jpg)
Bước vào Đông-Xuân, trên khắp chiến trường toàn quốc, quân dân ta nô nức thi đua giành cờ “Quyết chiến quyết thắng” của Hồ Chủ tịch.
Từ mặt trận Điện Biên Phủ, đồng bằng Bắc Bộ đến Bình-Trị-Thiên, Liên khu 5 và Nam Bộ, quân dân ta đã lập được nhiều thành tích to lớn.
Những trận tập kích ở Cao Bạt, Văn Môn, Dưỡng Thông, Hải Yến, Đồ Sơn (Tả Ngạn), Đà Nẵng, Nha Trang (Liên khu 5), Từ Sơn (Trung du), các trận phục kích ở Bùi Chu, Phát Diệm (Hữu Ngạn), trên đường 19 (Liên khu 5), v.v… đã diệt từng đại diện từng đại đội, tiểu đoàn địch và đốt cháy gần chục triệu lít dầu xăng. Các trận đánh sông và các đoàn xe lửa cũng diễn ra liên tiếp.
Quân dân Nam Định có trận diệt liền 2 tàu chiến, 3 ca-nô và trên một tiểu đoàn địch. Bình-Trị-Thiên, riêng Đông-Xuân này, đánh đổ tất cả 12 đoàn xe lửa của địch. Bộ đội ta lại tiêu diệt rất nhiều vị trí và tháp canh. Riêng 3 huyện thuộc tỉnh Mỹ Tho (Nam Bộ) trong tháng 2/1954, tiêu diệt và bức 135 vị trí và tháp canh của địch. Trong đêm 11/3, quân dân Tả Ngạn san phẳng 13 vị trí và tháp canh trên đường số 5, một con đường chiến lược quan trọng vào bậc nhất của địch ở Đông Dương, làm việc giao thông, chuyển vận của địch trên con đường này bị gián đoạn.
![](./assets/vAXWA8Vp1u/ta-danh-san-bay-gia-lam-cua-phap-dem-mung-3-rang-4-3-1954.-anh-tu-lieu-bao-chinh-phu-500x292.jpg)
Ta đánh sân bay Gia Lâm của Pháp đêm mùng 3, rạng sáng 4/3/1954. (Ảnh: Báo Chính phủ)
Ta đánh sân bay Gia Lâm của Pháp đêm mùng 3, rạng sáng 4/3/1954. (Ảnh: Báo Chính phủ)
Đặc biệt bộ đội ta đã đột nhập trường bay Cát Bi và trường bay Gia Lâm, phá hủy 78 máy bay địch. Ở Điện Biên Phủ, thắng lợi của quân ta ngày càng to, 2/5 tổng số sinh lực địch đã bị tiêu diệt, trên 40 máy bay đã bị bắn cháy hoặc phá hủy. Tinh thần chiến đấu của bộ đội ta hết sức dũng cảm, trình độ kỹ thuật chiến thuật cũng tiến bộ khá nhiều. Nhìn chung, trong phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều đơn vị và cá nhân xuất sắc, gương mẫu rất xứng đáng. Rất nhiều đơn vị và cá nhân đã được tặng thưởng huân chương Quân công và huân chương Chiến sĩ.
![](./assets/g0ZbCu4Mug/chien-si-dkz-dai-doan-304-diet-xe-tang-va-bo-binh-dich-o-hong-cum.-anh-tu-lieu-500x353.jpg)
Chiến sĩ DKZ, Đại đoàn 304 diệt xe tăng và bộ binh địch ở Hồng Cúm. (Ảnh Báo Nhân Dân)
Chiến sĩ DKZ, Đại đoàn 304 diệt xe tăng và bộ binh địch ở Hồng Cúm. (Ảnh Báo Nhân Dân)
Phong trào thi đua trong quân đội rất sôi nổi, rầm rộ, xong việc lãnh đạo thi đua vẫn còn có khuyết điểm:
- Việc tuyên truyền, động viên thi đua chưa làm được liên tục, sâu rộng, kịp thời. Trước mỗi nhiệm vụ mới, cán bộ phổ biến chưa đủ về ý nghĩa quan trọng của công tác để các chiến sĩ định rõ thái độ và tự giác thi đua. Cán bộ cũng không theo dõi sát tình hình tư tưởng của chiến sĩ nên không uốn nắn kịp thời những tư tưởng thi đua không đúng. Khi có thành tích mới không nêu cao và khen thưởng ngay để động viên bộ đội.
Việc hướng dẫn, tổ chức thi đua cũng chưa chặt chẽ, tỉ mỉ, cụ thể. Còn có quan niệm cho rằng cán bộ và các cơ quan không cần tổ chức thi đua hoặc thi đua rất khó. Nhiều đơn vị không chia ra thành những đợt thi đua ngắn hạn và quy định tiêu chuẩn thi đua sát với nhiệm vụ từng lúc, hoặc chưa đẩy mạnh việc giao ước thi đua giữa các đơn vị, các cá nhân để thúc đẩy lẫn nhau. Vì thế, ở một vài đơn vị, phong trào thi đua kém.
- Một số cấp ủy Đảng trong quân đội thường chưa nhận rõ tác dụng của thi đua nên không chú ý lãnh đạo thi đua, thiếu chỉ đạo cụ thể và kiểm tra đôn đốc. Sau mỗi đợt thi đua không sơ kết và báo cáo lên cấp trên. Do đó mà phong trào thi đua trong đơn vị tiến chậm và ít giúp được cấp trên lãnh đạo thi đua sát và kịp thời.
Các cấp ủy Đảng trong quân đội cần nhận rõ những thiếu sót để mà kịp thời chấn chỉnh, tăng cường việc lãnh đạo thi đua. Tự mình phải nêu cao gương mẫu thi đua, đồng thời chú ý bồi dưỡng các chiến sĩ thi đua và các đồng chí mới lập được công để đẩy mạnh phong trào chung. Quân đội ta sẵn có truyền thống anh dũng.
![](./assets/4JG6icYEqH/qcqt-665x503.jpg)
Đại đội trưởng đại đội chủ công của Đại đoàn 312 nhận cờ Quyết thắng trước khi đánh cứ điểm Him Lam, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ, ngày 13/3/1954. (Ảnh: TTXVN)
Đại đội trưởng đại đội chủ công của Đại đoàn 312 nhận cờ Quyết thắng trước khi đánh cứ điểm Him Lam, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ, ngày 13/3/1954. (Ảnh: TTXVN)
Chiến thắng trên khắp chiến trường toàn quốc và Điện Biên Phủ hiện nay, đi đôi với phong trào phát động quần chúng giảm tô và cải cách ruộng đất càng thúc đẩy thêm tinh thần hào hứng lập công của bộ đội.
Nếu chúng ta kịp thời sửa chữa những khuyết điểm trên, đợt thi đua giành cờ “Quyết chiến quyết thắng” của Hồ Chủ tịch nhất định sẽ thành công rực rỡ, phong trào thi đua học tập Anh hùng Nguyễn Quốc Trị và tổ chiến đấu Giáp Văn Khương cùng phong trào học tập Anh hùng Nguyễn Thị Chiên nhất định sẽ đạt được nhiều tiến bộ mới.
A. TÀI
![](./assets/gHLCp7rBg1/9-545x557.jpg)
Bài đăng Báo Nhân Dân số 177 từ ngày 11 đến 15/4/1954
![](./assets/TWSI52pNmY/dbp-web-02-4001x2251.jpg)