Quy mô thị trường Halal toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh trong thời gian tới, dự kiến đạt khoảng 2,8 nghìn tỷ USD vào năm 2025. Cùng với đó, ngành công nghiệp Halal (cung cấp các sản phẩm, dịch vụ đạt chuẩn cho người Hồi giáo) nói chung và thực phẩm Halal nói riêng cũng có quy mô tầm cỡ, tiềm năng tăng trưởng cao. Mặc dù đây là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam, nhưng doanh nghiệp Việt vẫn chưa khai thác tốt cơ hội từ thị trường màu mỡ này.

Xu hướng chi tiêu cho các sản phẩm thực phẩm Halal đang gia tăng không chỉ trong cộng đồng Hồi giáo mà còn trong cả cộng đồng phi Hồi giáo. Thực phẩm Halal đang ngày càng được người tiêu dùng quốc tế quan tâm do đáp ứng các tiêu chuẩn cao về vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường.

Tiềm năng rộng lớn

“Có khoảng 1,8 tỷ người Hồi giáo trên thế giới, tạo ra một thị trường rộng lớn cho các doanh nghiệp tiếp cận và phân phối các sản phẩm. Hiện khoảng 40-45% sản phẩm của Mekong Herbals được xuất vào thị trường Halal, chủ yếu là trái cây cấp đông, trái cây sấy và bột rau củ quả. Trong bối cảnh nhiều thị trường khác đang gặp khó khăn, nhưng số lượng xuất khẩu của công ty vào thị trường Halal hiện vẫn duy trì ổn định nhờ bảo đảm chất lượng”, Giám đốc Kinh doanh của Mekong Herbals Lê Thị Phượng chia sẻ với chúng tôi về bước đi thành công trong việc mở rộng và đa dạng hóa thị trường của công ty mình.

Thành lập năm 2008, Công ty Cổ phần Mekong Herbals là doanh nghiệp chuyên sản xuất, chế biến các sản phẩm từ trái cây, rau củ quả hữu cơ và thảo dược,… Nhờ đầu tư vào nghiên cứu phát triển sản phẩm hữu cơ theo mô hình khép kín, đạt tiêu chuẩn quốc tế (ISO 22000:2018; HACCP; Organic - USDA, EU; SA 8000), sản phẩm của Mekong Herbals đã thành công xâm nhập nhiều thị trường khó tính, được người tiêu dùng ở các nước như Mỹ, Nhật Bản, New Zeland, Hà Lan, Đức,… ưa chuộng. Vài năm trở lại đây, Mekong Herbals bắt đầu chuyển hướng sang thị trường các nước Hồi giáo để tìm kiếm cơ hội xuất khẩu mới và ngay lập tức gặt hái được thành công.

Thị trường sản phẩm và dịch vụ Halal đang tiếp tục thu hút sự chú ý ngày càng lớn của thế giới. Năm 2021, chi tiêu cho sản phẩm và dịch vụ Halal đã đạt mức 2 nghìn tỷ USD.

Theo Báo cáo Kinh tế Hồi giáo toàn cầu (SGIE) năm 2022, dự đoán chi tiêu cho sản phẩm và dịch vụ Halal sẽ đạt mức 2,8 nghìn tỷ USD vào năm 2025. Đặc biệt, chi tiêu cho thực phẩm Halal đã có sự tăng trưởng gần 7% kể cả trong đại dịch Covid-19, đạt 1,27 nghìn tỷ USD vào năm 2022 và dự kiến sẽ đạt 1,67 nghìn tỷ USD vào năm 2025.

Trong khi đó, Việt Nam là nước sở hữu nguồn nguyên vật liệu nông sản thô dồi dào như gạo, chè, cà-phê, hạt tiêu, hạt điều, thủy hải sản, gia vị, đậu hạt, rau củ quả. Việt Nam cũng là cường quốc xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, đa dạng hóa thị trường và bắt đầu quan tâm thị trường Halal toàn cầu; nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy, hải sản của Việt Nam được đánh giá phù hợp với thị trường Halal.

Mặt khác, chúng ta đang có quan hệ ngoại giao, thương mại tốt đẹp với các nước Hồi giáo nhập khẩu thực phẩm Halal lớn nhất như Saudi Arabia, Malaysia,…; đồng thời, có lợi thế về vị trí địa lý gần những thị trường Halal lớn với khoảng 62% dân số Hồi giáo tập trung tại châu Á, trong đó phải kể đến Indonesia, quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới, một thị trường rất tiềm năng và không còn xa lạ với doanh nghiệp Việt.

Tổng Lãnh sự Cộng hòa Indonesia tại TP Hồ Chí Minh Agustaviano Sofjan chia sẻ: Indonesia có số dân theo đạo Hồi lớn nhất thế giới với hơn 236.53 triệu người (chiếm hơn 86% dân số). Chúng tôi cũng là quốc gia xếp thứ 4 trong bảng xếp hạng Chỉ số Kinh tế Hồi giáo toàn cầu (GIEI) năm 2022, đứng thứ 2 trong lĩnh vực thực phẩm Halal trong ASEAN. Chi tiêu cho sản phẩm và dịch vụ Halal của Indonesia ước tính sẽ đạt 281.6 tỷ USD vào năm 2025.

Xa hơn tại khu vực Nam Á, Pakistan và Bangladesh là hai thị trường rất tiềm năng cho các sản phẩm Halal. Riêng Pakistan là quốc gia có khoảng 96% dân số theo đạo Hồi, chiếm khoảng 11% dân số Hồi giáo toàn cầu; có tiềm năng lớn để phát triển ngành công nghiệp Halal với vị trí địa lý tiếp cận trực tiếp khoảng 470 triệu người tiêu dùng Hồi giáo ở các khu vực Trung Á, Trung Đông. Các nông sản như chè, hạt tiêu, thủy sản, cá tra, thịt halal là những mặt hàng Pakistan có nhu cầu nhập khẩu lớn, đồng thời cũng là hàng hóa xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Ngoài ra, do đặc thù điều kiện tự nhiên và khí hậu không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, cộng đồng Hồi giáo tại các quốc gia khu vực Bắc Phi, Tây Phi hay Trung Đông đều có nhu cầu tiêu thụ lớn các sản phẩm Halal. Hiện các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như gạo, chè, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, thủy sản, trái cây, chế phẩm từ ngũ cốc, cơm dừa,… đã thâm nhập và có chỗ đứng tại thị trường Trung Đông - châu Phi, là nơi chiếm hơn 40% dân số Hồi giáo thế giới.

Người dân mua bánh kẹo chuẩn bị cho Lễ Eid al-Fitr, đánh dấu kết thúc tháng lễ Ramadan, tại Damascus, Syria, ngày 20/4/2023. (Ảnh: THX/TTXVN)

Giới thiệu sản phẩm Halal tại “Diễn đàn hợp tác và phát triển ngành Halal trong khối ASEAN” vừa được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 31/10/2023.

Người dân mua bánh kẹo chuẩn bị cho Lễ Eid al-Fitr, đánh dấu kết thúc tháng lễ Ramadan, tại Damascus, Syria, ngày 20/4/2023. (Ảnh: THX/TTXVN)

Giới thiệu sản phẩm Halal tại “Diễn đàn hợp tác và phát triển ngành Halal trong khối ASEAN” vừa được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 31/10/2023.

Quốc gia chi tiêu cao nhất trong các quốc gia Hồi giáo là Indonesia (hơn 200 tỷ USD), tiếp đó là Bangladesh (125,1 tỷ USD) và Ai Cập (120,1 tỷ USD),… Các quốc gia nhập khẩu thực phẩm Halal lớn nhất là Saudi Arabia (20,01 tỷ USD), Indonesia (17,54 tỷ USD) và Malaysia (16,21 tỷ USD); các quốc gia xuất khẩu thực phẩm Halal lớn nhất là Brazil (16,45 tỷ USD), Ấn Độ (17,45 tỷ USD), Mỹ (13,22 tỷ USD) và Nga (12,74 tỷ USD), chiếm khoảng 29% nguồn cung thực phẩm Halal toàn cầu.

-----
Nguồn Vụ Thị trường châu Á-châu Phi, Bộ Công thương

Hiện đang có sự chênh lệch gần 80% giữa nhu cầu và nguồn cung sản phẩm Halal trên thế giới. Trong khi đó, hợp tác giữa Việt Nam và các nước trong khu vực Nam Á, Đông Nam Á, Trung Đông - châu Phi về thực phẩm Halal còn nhiều hạn chế. Do đó, đây sẽ là các thị trường tiềm năng mà Việt Nam cần nghiên cứu và khai thác, thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới.

------
Bà Phạm Hoài Linh, Phó Trưởng Phòng Tây Á - châu Phi (Vụ Thị trường châu Á-châu Phi, Bộ Công thương)

Nhưng cũng đầy thách thức

Theo ghi nhận của Hội Lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh (FFA), đại đa số các doanh nghiệp có tiềm lực tốt trong hiệp hội như Vinamilk, Bibica, Cholimex,… đều đã có chứng nhận Halal và xuất khẩu sang thị trường Hồi giáo từ nhiều năm nay.

Trong đó, nổi bật là Vinamilk đã thành công chinh phục người tiêu dùng Trung Đông bằng những sản phẩm Halal chất lượng, đáp ứng đầy đủ tiêu chí, yêu cầu của thị trường này. Bắt đầu khai phá từ những năm 2000, đến nay Trung Đông đã trở thành thị trường chủ lực, đóng góp hơn 85% vào tổng doanh thu đến từ hoạt động xuất khẩu của Vinamilk với những dòng sản phẩm trọng tâm như sữa bột, bột dinh dưỡng, sữa đặc,…

“Nhưng nhìn chung giá trị xuất khẩu vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng của doanh nghiệp”, Chủ tịch FFA Lý Kim Chi thừa nhận. Nguyên nhân của tình trạng này, chủ yếu đến từ khác biệt về văn hóa kinh doanh và thị hiếu tiêu dùng. Đặc biệt, tất cả người Hồi giáo đều tuân theo những đức tin và tôn giáo của đạo Hồi, trong đó tiêu dùng thực phẩm Halal được coi như một nghĩa vụ tôn giáo mà các tín đồ Hồi giáo phải tuân thủ, được thông qua giấy chứng nhận Halal cho sản phẩm.

Halal theo ngôn ngữ Ả Rập có nghĩa là "hợp pháp" hoặc “được phép dùng”. Sản phẩm Halal là sản phẩm người Hồi giáo được phép ăn uống hoặc sử dụng. Nói một cách khác, người Hồi giáo chỉ sử dụng các sản phẩm Halal. Như vậy, chứng nhận Halal là yêu cầu tiên quyết đối với các sản phẩm xuất khẩu vào các nước Hồi giáo nói chung, trong khi nhận thức của doanh nghiệp Việt Nam về chứng nhận này còn rất hạn chế.

Theo các chuyên gia, doanh nghiệp muốn được chứng nhận Halal phải có đủ thông tin và kiến thức về sản phẩm được phép và không được phép theo Luật Hồi giáo, ví dụ gạo được phép, còn thịt heo thì không được phép. Bên cạnh đó, các sản phẩm Halal và không Halal không được sản xuất trong cùng một dây chuyền để tránh việc lây nhiễm chéo; việc loại bỏ một thành phần không phải Halal cũng không làm cho sản phẩm trở lại thành Halal.

Theo Bà Phạm Hoài Linh, Halal là khái niệm còn ít được biết đến đối với cơ quan quản lý nhà nước, địa phương và doanh nghiệp. Trong khi đó, quy định về thẩm tra, cấp chứng nhận Halal đang có xu hướng ngày càng khắt khe, đa dạng và phức tạp hơn. Chứng nhận Halal cũng không có giá trị vĩnh viễn, không được công nhận như nhau ở các quốc gia với tất cả các mặt hàng và hiện đang tồn tại rất nhiều hệ thống, tiêu chuẩn Halal khác nhau cho từng sản phẩm.

Điều này gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp vì phải tái chứng nhận nhiều lần cũng như phải căn cứ vào từng thị trường xuất khẩu để đăng ký chứng nhận phù hợp. Mặt khác, chi phí đầu tư trang thiết bị, dây chuyền sản xuất, nguồn nguyên liệu an toàn trong các khâu từ đóng gói, vận chuyển, bảo quản,… theo tiêu chuẩn Halal thường cao hơn so với sản xuất, xuất khẩu sản phẩm thường, trong khi đa số doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên đều gặp hạn chế về vốn.


Halal và Haram

Halal theo ngôn ngữ Ả Rập có nghĩa là "hợp pháp" hoặc “được phép dùng”. Đối lập với Halal là Haram, nghĩa là “trái luật” hoặc “bị cấm”. Theo Luật Hồi giáo, tất cả các nguồn thực phẩm đều hợp pháp ngoại trừ các nguồn là các loài động vật hoặc sản phẩm động vật bị cấm kỵ (Haram), bao gồm các sản phẩm và dẫn xuất của chúng cũng bị coi là bất hợp pháp.

Một số sản phẩm đặc biệt chắc chắn đạt chuẩn Halal là sữa (bò, cừu, lạc đà, dê), mật ong, cá, rau tươi hoặc hoa quả khô; các loại hạt như động phộng, hạt điều, hạt phỉ;… các loại ngũ cốc như lúa mì, gạo, lúa mạch;… Các loài động vật và sản phẩm Haram theo Đạo Hồi bao gồm: thực phẩm từ lợn và gấu hoang dã; sản phẩm từ chó, rắn và khỉ; thịt của những loài động vật có móng vuốt và răng trước như sư tử, hổ, gấu hay các loài có đặc điểm tương tự; các loại thịt từ chim săn mồi như kền kền, đại bàng và các loài chim khác tương tự; thịt lấy từ động vật gây hại như chuột, động vật nhiều chân, bọ cạp và các loài khác tương tự. Luật Hồi giáo cũng quy định một số loài động vật không được giết thịt bao gồm kiến, ong và chim gõ kiến.

Haram còn là các loài động vật chúng ta hay ghét tiếp xúc như chấy, ruồi và các loài khác tương tự; các loài động vật thuộc nhóm lưỡng cư (sống cả ở trên cạn và dưới nước) như ếch, cá sấu, và các loài khác tương tự; các loài động vật sống dưới biển mà có độc hoặc gây hại. Ngoài ra, Haram còn bao gồm bất kỳ loại động vật nào mà quy trình giết thịt không theo đúng luật cũng như các món tiết hay thực phẩm có thành phần chứa tiết.

Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam)

Trong quá trình chuẩn bị, chế biến, vận chuyển hoặc bảo quản sản phẩm Halal không được tiếp xúc trực tiếp với các sản phẩm không Halal.
------
Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam)

Thực phẩm Halal có thể được chuẩn bị, chế biến hoặc lưu trữ trong các khu vực/dây chuyền trong cùng một cơ sở nơi sản xuất thực phẩm không Halal, với điều kiện phải thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn chặn bất kỳ sự tiếp xúc nào giữa thực phẩm Halal và không Halal.
------
Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam)

Các cơ sở đã được sử dụng cho thực phẩm không Halal có thể dùng để chuẩn bị, chế biến, vận chuyển hoặc lưu trữ thực phẩm Halal với điều kiện phải tuân thủ các quy trình làm sạch phù hợp theo yêu cầu của Hồi Giáo.
-------
Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam)

Không những vậy, xuất khẩu thực phẩm Halal của doanh nghiệp Việt Nam còn phải chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các nước trong khu vực. Trong đó, các nước Hồi giáo như Indonesia, Malaysia, Pakistan, Bangladesh vừa là nhà nhập khẩu, nhưng cũng là những nhà cung cấp sản phẩm Halal lớn nhất thế giới.

Một số nước khác trong khu vực dù không phải quốc gia Hồi giáo như Thái Lan, Singapore do có nhận thức tốt về tiềm năng thị trường Halal nên đã dành sự quan tâm và tập trung phát triển ngành công nghiệp cũng như xuất khẩu sản phẩm Halal.

Trong khi đó, Việt Nam mới tham gia thị trường này ở giai đoạn đầu, vì vậy dù có nhiều lợi thế và cơ hội nhưng vẫn chưa thực sự chiếm được thị phần đáng kể; nhận thức của doanh nghiệp Việt về Halal còn thiếu đầy đủ nên chưa khai thác tốt được thị trường vô cùng tiềm năng này.

Giới thiệu sản phẩm Halal tại “Diễn đàn hợp tác và phát triển ngành Halal trong khối ASEAN” được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 31/10/2023.

Giới thiệu sản phẩm Halal tại “Diễn đàn hợp tác và phát triển ngành Halal trong khối ASEAN” được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 31/10/2023.

Gạo là một trong những nông sản của Việt Nam đã được xuất khẩu sang thị trường Halal.

Gạo là một trong những nông sản của Việt Nam đã được xuất khẩu sang thị trường Halal.

Item 1 of 2

Giới thiệu sản phẩm Halal tại “Diễn đàn hợp tác và phát triển ngành Halal trong khối ASEAN” được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 31/10/2023.

Giới thiệu sản phẩm Halal tại “Diễn đàn hợp tác và phát triển ngành Halal trong khối ASEAN” được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 31/10/2023.

Gạo là một trong những nông sản của Việt Nam đã được xuất khẩu sang thị trường Halal.

Gạo là một trong những nông sản của Việt Nam đã được xuất khẩu sang thị trường Halal.

Ngày xuất bản: 8/11/2023
Chỉ đạo thực hiện: Thu Hà
Nội dung: Ánh Tuyết, Việt Hải, Quang Quý
Trình bày: Ngọc Bích
Ảnh: Báo Nhân Dân, TTXVN