Vừa qua, công ty giao dịch tín chỉ carbon đầu tiên tại Việt Nam đã chính thức ra mắt tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đây được coi là bước đi đầu tiên nhằm hiện thực hóa mục tiêu NetZero theo cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong tương lai gần.

Nhìn nhận tín chỉ carbon như một loại hàng hóa đặc biệt, ông Vũ Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu cho rằng: Đây chính là yếu tố chiến lược để phát triển nền kinh tế nước ta trên cơ sở số hóa và xanh hóa.

GÓP PHẦN THÚC ĐẨY NỀN KINH TẾ CHUYỂN TỪ NÂU SANG XANH

Phóng viên: Sàn giao dịch tín chỉ carbon là một khái niệm mới ở Việt Nam. Ông có thể giải thích rõ hơn về khái niệm này?

Ông Vũ Trung Kiên: Thực tế, tín chỉ carbon đã xuất hiện ở Việt Nam từ nhiều năm nay, khi Việt Nam triển khai các Dự án Cơ chế phát triển sạch (CDM) theo Nghị định thư Kyoto từ ngay năm 2008, và gần đây là một số dự án hợp tác với đối tác quốc tế để trao đổi tín chỉ phát thải như Thỏa thuận Chi trả giảm phát thải từ rừng vùng Bắc Trung Bộ (ERPA), Dự án khí sinh học trong chăn nuôi…

Rõ ràng, Việt Nam có thể sản xuất được tín chỉ carbon và đã bán được, tuy nhiên, những giao dịch này chưa được chú ý nhiều. Do đó, từ rất lâu, chúng tôi đã muốn xây dựng một sàn giao dịch mà ở đó có thể thực hiện tổng thể những giao dịch tín chỉ carbon của Việt Nam, có bên mua, bên bán.

Mục tiêu của chúng tôi là nhằm thể hiện những nỗ lực của chúng ta trong việc thực hiện các cam kết trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, tạo sân chơi để khối doanh nghiệp có thể cùng tham gia với nỗ lực của Nhà nước. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý Nhà nước có thể thông qua đây để đánh giá về thị trường cũng như có công cụ hỗ trợ quản lý các giao dịch tín chỉ của Việt Nam.

Từ rất lâu, chúng tôi đã muốn xây dựng một sàn giao dịch mà ở đó có thể thực hiện tổng thể những giao dịch tín chỉ carbon của Việt Nam, có bên mua, bên bán. Mục tiêu nhằm thể hiện những nỗ lực của chúng ta trong việc thực hiện các cam kết trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, tạo sân chơi để khối doanh nghiệp có thể cùng tham gia với nỗ lực của Nhà nước.
Ông Vũ Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu

Phóng viên: Đó có phải lý do mà tại sự kiện Công nghệ quốc gia Techfest 2020, ông và cộng sự đã giới thiệu dự án Sàn Giao dịch Tín chỉ carbon đã được chính thức ra mắt hướng tới xây dựng một sàn giao dịch dựa trên công nghệ Blockchain 4.0 dành cho các loại hàng hóa đặc biệt như: tín chỉ carbon, chứng chỉ xanh, trái phiếu xanh?

Ông Vũ Trung Kiên: Cá nhân tôi cho rằng, vấn đề cần thiết là phải huy động được nỗ lực của toàn dân đóng góp với công cuộc chống biến đổi khí hậu. Bản thân các Chính phủ sẽ không thể giảm được phát thải nếu không làm được điều này. Làm sao để doanh nghiệp, người dân cùng tham gia, trong đó tiên quyết cần tạo cơ chế động lực, cơ chế thị trường cho doanh nghiệp có thể cùng tham gia.

Để đạt được các mục tiêu khí hậu theo cam kết của Việt Nam với quốc tế, cần có nguồn vốn lớn. Thị trường tín chỉ carbon là một nguồn vốn quan trọng giúp doanh nghiệp và nền kinh tế đất nước chuyển đổi từ Nâu sang Xanh, vừa giảm phát thải khí nhà kính, vừa tạo động lực và lợi nhuận cho doanh nghiệp và quốc gia.

Thị trường tín chỉ carbon là một nguồn vốn quan trọng giúp doanh nghiệp và nền kinh tế đất nước chuyển đổi từ Nâu sang Xanh, vừa giảm phát thải khí nhà kính, vừa tạo động lực và lợi nhuận cho doanh nghiệp và quốc gia.
Ông Vũ Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu

Tuy khái niệm này khá mới với nhiều người, nhưng thực tế ở Việt Nam, tín chỉ các bon đã được giao dịch từ năm 2008 theo cơ chế phát triển sạch CDM. Tuy nhiên trên bình diện tổng thể quốc gia thì chưa có cơ chế cụ thể. Các Bộ, ngành tham gia chưa thực sự chủ động và cũng chưa có góc nhìn chiến lược để xoay chuyển nền kinh tế từ Nâu (dựa vào tài nguyên) sang Xanh.

Techfest 2020. Ảnh: BTC

Techfest 2020. Ảnh: BTC

Do đó, tại sự kiện Công nghệ quốc gia Techfest 2020, tôi và cộng sự đã giới thiệu dự án Sàn Giao dịch Tín chỉ carbon đã được chính thức ra mắt hướng tới xây dựng một sàn giao dịch dựa trên công nghệ Blockchain 4.0 dành cho các loại hàng hóa đặc biệt như: tín chỉ carbon, chứng chỉ xanh, trái phiếu xanh. Chúng tôi cho rằng, cần phải nhìn nhận thị trường tín chỉ carbon như một yếu tố chiến lược để thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam trong tương lai, trong đó 2 yếu tố trụ cột là Xanh và Số. Đây cũng là 2 yếu tố mà sàn giao dịch tín chỉ carbon đều đang nắm giữ lợi thế.

Chúng tôi cho rằng, cần phải nhìn nhận thị trường tín chỉ carbon như một yếu tố chiến lược để thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam trong tương lai, trong đó 2 yếu tố trụ cột là Xanh và Số. Đây cũng là 2 yếu tố mà sàn giao dịch tín chỉ carbon đều đang nắm giữ lợi thế.
Ông Vũ Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu

Phóng viên: Sau một quá trình vận hành thử nghiệm đã giúp ông nhận ra những bài học gì để hướng tới việc xây dựng sàn giao dịch tín chỉ carbon chung của Việt Nam trong tương lai theo định hướng của Chính phủ thưa ông?

Ông Vũ Trung Kiên: Cần nói rõ rằng thử nghiệm của chúng tôi là một nỗ lực trên thị trường tự nguyện, nhằm giúp các doanh nghiệp tham gia đóng góp cho các mục tiêu chung của đất nước, hỗ trợ cho những hoạt động và cam kết của Chính phủ Việt Nam với quốc tế trên thị trường tuân thủ.

Qua quá trình thử nghiệm, chúng tôi đã có những bài học và kinh nghiệm quý giá, cũng như có sự thích ứng phù hợp với điều kiện thị trường và chính sách của Việt Nam. Bài học đầu tiên là cần đủ điều kiện, đồng bộ nhiều việc để có thể hỗ trợ cho sự phát triển từ 2 phía thị trường, cả về bên bán và bên mua tín chỉ.

Bên cạnh đó, chúng tôi nhận thấy, để xây dựng thành công các sàn giao dịch tín chỉ carbon cần có tầm nhìn tương lai, trong đó kết hợp với sự học hỏi không ngừng từ các hình mẫu đã có trên thế giới và làm sao thích ứng được với điều kiện Việt Nam.

Một bài học nữa là sự quan trọng của chính sách. Thí dụ như nền tảng Sàn dựa trên công nghệ blockchain đã hoàn thiện, sẵn sàng đưa vào hoạt động, nhưng cần phù hợp với chính sách và các điều kiện của Việt Nam.

Chúng tôi nhận thấy, để xây dựng thành công các sàn giao dịch tín chỉ carbon cần có tầm nhìn tương lai, trong đó kết hợp với sự học hỏi không ngừng từ các hình mẫu đã có trên thế giới và làm sao thích ứng được với điều kiện Việt Nam.
Ông Vũ Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu

VIỆT NAM CÓ TIỀM NĂNG LỚN ĐỂ XÂY DỰNG THỊ TRƯỜNG CARBON

Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về tiềm năng của thị trường carbon hiện nay tại Việt Nam?

Ông Vũ Trung Kiên: Việt Nam có tiềm năng lớn để xây dựng thị trường carbon. Chúng ta có một số lợi thế trong những ngành giảm và loại bỏ CO2. Nhưng nếu không kịp tranh thủ thời gian thì thời hạn đang đến rất nhanh.

Chẳng hạn như quy định về Báo cáo kiểm kê khí nhà kính toàn cầu lần 1 là trong năm 2023. Nhưng hiện tại tỷ lệ doanh nghiệp Việt hiểu và thực hiện kiểm kê KNK rất thấp, dưới 1% so với danh mục 1912 doanh nghiệp bắt buộc kiểm kê, chưa nói tới hàng trăm nghìn công ty khác.

Ông Vũ Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Nhân Dân. Ảnh: THÀNH ĐẠT

Ông Vũ Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Nhân Dân. Ảnh: THÀNH ĐẠT

Phóng viên: Vậy, việc phát triển thị trường carbon trong nước sẽ phải đối mặt với những khó khăn gì thưa ông?

Ông Vũ Trung Kiên: Trước hết là khung pháp lý trong nước và việc đáp ứng các yêu cầu quốc tế. Tiếp theo là sự tham gia của các bên liên quan, đặc biệt là các doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm giảm phát thải. Chính phủ có thể cam kết với quốc tế, nhưng thực tế giảm được đến đâu hoàn toàn phụ thuộc vào nỗ lực và sự tham gia của doanh nghiệp. Ngoài ra, tôi cho rằng, nguồn lực tài chính và đổi mới công nghệ cũng là những thách thức rất lớn.

Bên cạnh đó, cần lưu ý thêm câu chuyện về giá tín chỉ. Thực tế, hiện nay, theo thống kê của chúng tôi, Việt Nam đã có 262 dự án bán tín chỉ carbon theo cơ chế CDM, trong đó chủ yếu là các dự án thủy điện.

Theo thống kê của chúng tôi, Việt Nam đã có 262 dự án bán tín chỉ carbon theo cơ chế CDM, trong đó chủ yếu là các dự án thủy điện.
Ông Vũ Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu

Với ngành lâm nghiệp, đã có một số dự án bán tín chỉ. Ở 6 tỉnh Bắc Trung Bộ bán giá 5 USD/ tấn CO2 cho Ngân hàng Thế giới. Dự án tại Quảng Nam đã có đối tác tìm mua. Cũng có một vài dự án lâm nghiệp khác bán với giá 17 USD/ tấn CO2. Các mức giá này dao động khá lớn tùy dự án và người mua. Đây cũng là hiện trạng chưa đồng nhất của thị trường carbon trên thế giới. Nếu so với mức giá CER của CDM hiện chỉ là 0,3 USD/ tCO2e, hoặc mức giá 2 USD/ tCO2e mà ngành Chăn nuôi đã bán thì mức giá trên là khá tốt.

Thực tế, việc định giá tín chỉ carbon hiện nay vẫn đang gặp khó do phụ thuộc nhiều vào việc đánh giá và xác minh giá trị tín chỉ carbon đó theo từng năm, vì chất lượng tài nguyên còn thay đổi tương đối theo thời gian.
Ông Vũ Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu

Thực tế, việc định giá tín chỉ carbon hiện nay vẫn đang gặp khó do phụ thuộc nhiều vào việc đánh giá và xác minh giá trị tín chỉ carbon đó theo từng năm, vì chất lượng tài nguyên còn thay đổi tương đối theo thời gian.

Về lâu dài, việc về sau phải mua mức giá cao có lẽ là chắc chắn. Nhưng rừng hấp thụ CO2 hằng năm, nên vẫn có “hàng” để bán với giá cao, theo cùng với thị trường. Nước lên thì thuyền lên. Chúng ta phải sống chung với thị trường. Tín chỉ carbon chỉ có thời hạn, thường là vài năm. Nếu không bán thì khi hết hạn, tín chỉ sẽ không còn giá trị sử dụng.

KHÔNG NÊN "PHÁT MINH LẠI BÁNH XE"

Phóng viên: Cũng trong vấn đề liên quan, các chuyên gia nhận định, ngoài khó khăn trong việc định giá carbon, một bài toán khác cần được giải là việc xây dựng định mức phát thải tiêu chuẩn trên sản phẩm. Bởi, khó khăn lớn nhất chính là việc xây dựng định mức phát thải tiêu chuẩn cho một sản phẩm, nhóm sản phẩm vì cần nhiều dữ liệu phát thải lịch sử ở phạm vi cơ sở. Ngoài ra, sự đa dạng của sản phẩm và quy trình sản xuất cũng gây khó khăn cho việc đưa ra một định mức phát thải chung. Ông đánh giá thế nào về quan điểm này? Trên thế giới, các nước tiên tiến đã giải quyết vấn đề này thế nào, thưa ông?

Ông Vũ Trung Kiên: Trên thế giới đã có quy chuẩn, với hơn 300 phương pháp luận của Liên hợp quốc cho gần như mọi ngành nghề. Hiện nay, đã có các tổ chức quốc tế làm công tác đánh giá xác minh để tín chỉ đạt chuẩn quốc tế, thì mới bán được giá trên thị trường toàn cầu. Điều này cũng giống như các công ty muốn làm kiểm toán. Nếu làm kiểm toán trong nước thì uy tín chưa cao, nhưng nếu làm với “Big 4” thì được thị trường đánh giá tốt hơn, dù giá đắt hơn. Đó là khẩu vị của thị trường và là điều bình thường.

Do đó, tôi cho rằng, chúng ta không nên “phát minh lại bánh xe” mà nên dựa vào các phương pháp và công cụ tiêu chuẩn có sẵn của thế giới để xây dựng đường cơ sở và đánh giá giảm phát thải.

Tôi cho rằng, chúng ta không nên “phát minh lại bánh xe” mà nên dựa vào các phương pháp và công cụ tiêu chuẩn có sẵn của thế giới để xây dựng đường cơ sở và đánh giá giảm phát thải.
Ông Vũ Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu

Chúng ta càng không nên quy chuẩn theo sản phẩm, vì sẽ làm công việc quá phức tạp một cách không cần thiết. Bản chất của phát thải nên dựa theo loại hình công nghệ và năng lượng sử dụng. Nếu chúng ta tự làm ra “chuẩn riêng” của mình, khi tổ chức quốc tế vào xác minh đánh giá sẽ rất chật vật và tốn kém, dễ sai sót. Nhiều khi việc xác minh đánh giá chỉ cần dựa vào đời máy móc, hóa đơn tiêu thụ dầu, số công tơ điện là máy tính dựa trên công thức sẽ cho ra đáp án theo chuẩn quốc tế.

Với ngành lâm nghiệp, đã có một số dự án bán tín chỉ.

Với ngành lâm nghiệp, đã có một số dự án bán tín chỉ.

Phóng viên: Theo lộ trình, từ năm 2026, các doanh nghiệp trong danh mục cơ sở phát thải lớn bắt buộc phải xây dựng kế hoạch giảm phát thải. Trong giai đoạn thí điểm, các ngành, các cơ sở phát thải lớn như: Thép, nhiệt điện, quản lý chất thải rắn, sản xuất xi-măng sẽ được giao nhiệm vụ kiểm kê phát thải theo danh mục do Thủ tướng Chính phủ ban hành, đồng thời nâng cao năng lực, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để tham gia thị trường thương mại khi chính thức vận hành. Liệu khoảng thời gian 2 năm đến 2026 có đủ để các doanh nghiệp kịp thích ứng và chuẩn bị không thưa ông?

Ông Vũ Trung Kiên: Như tôi đã nói ở trên, theo yêu cầu quốc tế, các quốc gia phải gửi Báo cáo tổng kiểm kê khí nhà kính toàn cầu lần 1 (Global Stocktake 1) trong năm 2023. Vậy là chúng ta đang trễ trong kiểm kê.

Tuy nhiên, nhìn xa hơn và lạc quan hơn, tôi cho rằng với việc xây dựng kế hoạch giảm phát thải, 2 năm có thể đủ nếu chúng ta mạnh dạn áp dụng các chuẩn mực quốc tế. Đừng nghĩ rằng cứ từ từ làm theo kiểu riêng của Việt Nam cho dễ đã. Nếu không phù hợp với quốc tế sẽ rất vất vả để sửa lỗi về sau, mất đơn hàng từ đối tác quốc tế, không mua bán được tín chỉ với thế giới.

Các quốc gia phải gửi Báo cáo tổng kiểm kê khí nhà kính toàn cầu lần 1 (Global Stocktake 1) trong năm 2023. Vậy là chúng ta đang trễ trong kiểm kê.
Ông Vũ Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu

Phóng viên: Nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước cũng cần ban hành thêm các quy định về hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon nhằm minh bạch hóa thị trường, tiệm cận và đáp ứng các yêu cầu quốc tế. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào, thưa ông?

Ông Vũ Trung Kiên: Riêng với thị trường tín chỉ carbon, xu hướng giảm điều tiết (deregulation) là điều quan trọng. Nhà nước không nên ban hành quá nhiều quy định. Với những cái mới, nên đưa ra hướng dẫn và áp dụng tiêu chuẩn quốc tế, nhằm khuyến khích tinh thần tham gia, dám nghĩ dám làm.

Do đó, cá nhân tôi nhận định: Nhà nước chỉ cần hướng dẫn, vinh danh, khuyến khích các doanh nghiệp tiên phong đạt chuẩn quốc tế sẽ tạo một làn sóng hứng khởi đua nhau khi doanh nghiệp thấy “cửa ra” và lợi ích, từ đó giúp đất nước ta đạt được mục tiêu giảm phát thải đã cam kết trước cộng đồng thế giới.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Ngày xuất bản: 10/10/2023
Tổ chức thực hiện: Trường Sơn
Nội dung: Sơn Bách - Văn Toản
Ảnh: Thành Đạt
Trình bày: Bảo Minh