Để thị trường chứng khoán vươn mình
Một số giải pháp để thị trường vốn Việt Nam phát triển hiệu quả hơn

Theo các chuyên gia, để thị trường vốn Việt Nam phát triển hiệu quả hơn, bền vững hơn, trong thời gian tới, Việt Nam cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cốt lõi, hướng tới mục tiêu dài hạn, phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới…
Một nền kinh tế phát triển không thể dựa mãi vào ngân hàng
TS Nguyễn Tú Anh - Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương cho biết, vốn đầu tư đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, mức độ đầu tư của Việt Nam đang thấp nên quan hệ giữa đầu tư và tăng trưởng chưa cao.
Để thực hiện hóa được mục tiêu Net Zero và thích ứng biến đổi khí hậu, Việt Nam cần nguồn vốn lên tới 701 tỷ USD, trong đó, con số này ở khu vực tư nhân là 350 tỷ USD, khu vực Nhà nước là 248 tỷ USD và vốn nước ngoài là 103 tỷ USD.
TS Nguyễn Tú Anh - Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương
TS Nguyễn Tú Anh - Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương
Tuy nhiên, theo ông Tú Anh, chúng ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức mới có thể đạt được mục tiêu đề ra. Một trong những thách thức lớn nhất là nền kinh tế Việt Nam hiện vẫn phụ thuộc lớn vào ngân hàng. Việc “dựa dẫm” quá nhiều vào nguồn vốn tín dụng có thể gây ra nhiều rủi ro lớn nếu như “sức khỏe” của hệ thống ngân hàng có tín hiệu báo động, chẳng hạn như rủi ro nợ xấu tăng cao.
Trong khi đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp – kênh huy động vốn trung và dài hạn, lại chỉ có sự tham gia chủ yếu của các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp bất động sản. Thiếu hụt sự đa dạng về kênh huy động vốn khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam khó tiếp cận nguồn vốn. Không chỉ doanh nghiệp nhỏ và vừa mà ngay cả các doanh nghiệp trung bình cũng gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn. Điều này cũng khiến nhiều doanh nghiệp không thể “lớn”, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của nền kinh tế. Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển mới với những kế hoạch lớn như phát triển điện hạt nhân, đường sắt cao tốc Bắc – Nam…
Để đạt được những mục tiêu đề ra, theo ông Tú Anh, chúng ta cần phải đẩy mạnh đầu tư và nâng cao chất lượng đầu tư bằng cách đa dạng hóa các kênh huy động vốn.
“Một nền kinh tế phát triển không thể dựa mãi vào ngân hàng. Chúng ta phải phát triển những thị trường vốn then chốt khác, trong đó có thị trường trái phiếu và chứng khoán. Khi thị trường vốn phát triển, đa dạng hóa hơn, nền kinh tế cũng sẽ có những khởi sắc mới”, TS Nguyễn Tú Anh khẳng định.
Một nền kinh tế phát triển không thể dựa mãi vào ngân hàng. Chúng ta phải phát triển những thị trường vốn then chốt khác, trong đó có thị trường trái phiếu và chứng khoán. Khi thị trường vốn phát triển, đa dạng hóa hơn, nền kinh tế cũng sẽ có những khởi sắc mới.
Tại sao gần 20 năm VN-Index vẫn loanh quanh 1.200 điểm?
Chia sẻ tại hội thảo “Toàn cảnh thị trường vốn năm 2024 và triển vọng năm 2025”, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch công ty cổ phần Fiingroup (công ty cung cấp dịch vụ tích hợp dữ liệu tài chính, thông tin doanh nghiệp), đã đề cập tới việc thị trường chứng khoán tại Việt Nam chậm phát triển, biểu hiện là VN-Index mãi “loanh quanh” 1.200 điểm.
Ông cho hay, khi tham dự một hội nghị về thị trường chứng khoán tại Singapore có sự tham dự của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc mới đây, rất nhiều chuyên gia đã hỏi ông: Tại sao gần 20 năm VN-Index vẫn loanh quanh 1.200 điểm, trong khi Dow Jones đã tăng gấp 3-4 lần?
“Tôi chỉ nói lúc VN-Index 1.170 điểm, P/E của Việt Nam là 37-40, còn bây giờ VN-Index 1.200 điểm thì P/E là 11-13”, ông Thuân nói và cho biết thêm rằng điều này tùy thuộc chiến lược đầu tư của mỗi bên.
Nói thêm về các quỹ đầu tư nước ngoài, ông Thuân cho biết Việt Nam đã hình thành thị trường trái phiếu doanh nghiệp, các quỹ hiện có nhu cầu đầu tư đa kênh rất lớn vào trái phiếu và cổ phiếu, thậm chí đầu tư một phần vào trái phiếu Chính phủ.
Cũng theo ông Thuân, điều này cho thấy còn tiềm năng rất lớn cho hoạt động của các quỹ, nhưng thị trường còn nhỏ. Chuyên gia này cho rằng con số 9 triệu tài khoản sẽ còn tăng tiếp, có thể lên tới 15 triệu tài khoản nên cần cải thiện thiết kế chính sách để phục vụ nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch công ty cổ phần Fiingroup chia sẻ tại hội thảo “Toàn cảnh thị trường vốn năm 2024 và triển vọng năm 2025”
Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch công ty cổ phần Fiingroup chia sẻ tại hội thảo “Toàn cảnh thị trường vốn năm 2024 và triển vọng năm 2025”
Theo ông Thuân, cần chú trọng về tính minh bạch thông tin, thúc đẩy các quỹ đầu tư trong nước để “đấu tranh” với nhà đầu tư nước ngoài. Do nhà đầu tư nước ngoài đầu tư qua các quỹ, đầu tư lâu dài nên họ rất ít khi lỗ, còn ở thời điểm hiện tại nhà đầu tư cá nhân thì dễ lỗ hơn, một phần do tư duy “lướt sóng”.
Chia sẻ về hiệu quả của các quỹ, ông Thuân cho rằng, một trong những điểm Việt Nam đang còn thiếu là các định chế tài chính, các quỹ quản lý đầu tư chuyên nghiệp vì các quỹ mấy trăm tỷ USD hầu như là ủy thác khi đầu tư vào thị trường Việt Nam. Riêng quỹ ETF thì hiệu quả không phải là lãi bao nhiêu mà là theo dõi sự thay đổi chênh lệch (tracking error) so với index.
“Đối với các quỹ mở cổ phiếu, để đánh giá được hiệu quả của quỹ đầu tư thì chúng tôi thường nhìn vào thời gian 5-10 năm và lợi nhuận mang tính ổn định, chứ không thể nói là quỹ này, quỹ kia hoạt động hiệu quả tốt hơn 1 năm”, ông Thuân chia sẻ.
Nhưng từ dữ liệu cho thấy hầu hết nhà đầu tư outperform (vượt trội) là nhà đầu tư cá nhân, ví dụ VN-Index tăng 10%/năm thì dù tính cách nào các nhà đầu tư cũng tăng gấp đôi, gấp rưỡi chỉ số.
“Tuy nhiên, để đánh giá hiệu quả các quỹ, không chỉ nhìn vào lợi nhuận mà còn phải nhìn vào rủi ro”, ông Thuân cho biết. Ông cho rằng, thay vì chỉ tung hô các quỹ có hiệu quả (perform) tốt, mà phải hiểu các rủi ro là thế nào.
Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch công ty cổ phần Fiingroup
Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch công ty cổ phần Fiingroup
Ông Thuân cũng chia sẻ một số biện pháp gợi mở nhằm nâng cao chất lượng hàng hoá trên thị trường chứng khoán. “Về phần đề xuất chính sách, tôi sẽ dùng từ “gợi mở” chính sách vì rất nhiều điều tôi nói ra đây có thể 5-20 năm nữa Việt Nam mới có thể áp dụng vì để có được đề xuất cần cụ thể và nghiên cứu sâu hơn về cơ sở pháp lý, hiện trạng của Việt Nam, thông lệ quốc tế và thực sự có thể áp dụng ở Việt Nam hay không?”, ông Thuân cho biết.
Cụ thể, theo ông Thuân, với sản phẩm cổ phiếu, nên: Đẩy mạnh giảm sở hữu Nhà nước ở những công ty, ngành mà Nhà nước không cần sở hữu chi phối hoặc kiểm soát; khuyến khích các doanh nghiệp trên UPCoM chuyển sang sàn niêm yết và nâng cao hoặc rà soát chuẩn niêm yết hoặc để các công ty tăng cường quản trị doanh nghiệp và minh bạch; tiếp tục cải thiện hơn nữa chất lượng công bố thông tin.
Với sản phẩm trái phiếu, ngoài việc tiếp tục chuẩn hóa minh bạch thông tin, cần đa dạng hàng hoá, triển khai hoạt động xếp hạng tín nhiệm đối với trái phiếu doanh nghiệp; hình thành khung pháp lý cho các công ty bảo lãnh trái phiếu và xây dựng nền tảng mềm (đường cong lãi suất, lịch sử vỡ nợ,…)
Nói thêm về cơ chế cho trái phiếu xanh, ông Thuân cho biết, trái phiếu xanh đạt tổng giá trị phát hành khoảng 6,87 nghìn tỷ và chiếm 2% tổng trái phiếu phi ngân hàng phát hành từ đầu năm 2024. Đây là một con số rất nhỏ.
Đưa ra khuyến nghị phát triển cơ sở nhà đầu tư tổ chức vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp, ông Thuân cho biết, các định chế đầu tư tổ chức bao gồm quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện còn sở hữu rất hạn chế (chưa đến 10% giá trị trái phiếu lưu hành). Do đó, cần sửa đổi quy định để phát triển nhà đầu tư tổ chức: cho phép các định chế tài chính tham gia sâu hơn vào trái phiếu doanh nghiệp dựa trên khung quản trị đầu tư dựa trên rủi ro (Risk-Base Capital).
Bên cạnh đó, theo ông Thuân, cần hướng tới áp dụng phân bổ tài sản theo rủi ro cho các công ty bảo hiểm, cho các tổ chức tín dụng.
Cấp thiết thúc đẩy phát triển quỹ hưu trí tự nguyện, quỹ bảo hiểm, giáo dục tài chính cá nhân
Ông Ngô Thành Huấn, Giám đốc điều hành công ty Tư vấn đầu tư và quản lý tài sản FIDT, nhận định: “Chúng ta mải miết nói về bài toán dân số vàng nhưng lại quên đi mất rằng Việt Nam đang là quốc gia có tốc độ già hóa dân số cao nhất thế giới”.
Ông dẫn chứng, Việt Nam hiện đang là một trong 10 quốc gia trên thế giới có tốc độ già hóa dân số cao nhất, thậm chí vượt qua nhiều quốc gia phát triển. Khi cơ cấu dân số vàng đang dần trôi qua, áp lực già hóa dân số tăng cao đang đặt ra áp lực không nhỏ lên nguồn quỹ hưu trí mà Chính phủ đang quản lý. Đồng thời, điều này cũng ảnh hưởng đến bức tranh tài chính của mỗi người dân.
Ông Ngô Thành Huấn, Giám đốc điều hành công ty Tư vấn đầu tư và quản lý tài sản FIDT chia sẻ tại hội thảo “Toàn cảnh thị trường vốn năm 2024 và triển vọng năm 2025”
Ông Ngô Thành Huấn, Giám đốc điều hành công ty Tư vấn đầu tư và quản lý tài sản FIDT chia sẻ tại hội thảo “Toàn cảnh thị trường vốn năm 2024 và triển vọng năm 2025”
Dưới góc nhìn của FIDT, ông Huấn cho rằng, trong bối cảnh đó, việc phát triển các quỹ hưu trí tự nguyện và các nguồn quỹ từ các công ty bảo hiểm sẽ là giải pháp để giúp các nhà đầu tư cá nhân được hưởng lợi.
Tại Việt Nam, thời gian qua, các quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện và các quỹ từ các công ty bảo hiểm đã và đang có những đóng góp rõ nét vào sự phát triển của thị trường vốn Việt Nam. Trong đó, hệ thống quỹ hưu trí tự nguyện chính thức đi vào hoạt động từ năm 2021 và hiện có 10 quỹ do 4 doanh nghiệp quản lý quỹ với tổng giá trị tài sản đến năm 2023 là 857,9 tỷ đồng.
Ngoài ra, với sự phát triển về nhận thức quản lý tài chính cá nhân, ngày càng thu hút đông đảo người dân, đặc biệt người trẻ tham gia đầu tư dài hạn vào các sản phẩm bảo hiểm.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn không ít thách thức khi số lượng người Việt tham gia bảo hiểm còn thấp, mới chỉ 18%. Những sự cố về truyền thông giai đoạn vừa qua cũng khiến người dân có cái nhìn chưa tốt về hoạt động của các quỹ và công ty bảo hiểm.
Ông Ngô Thành Huấn, Giám đốc điều hành công ty Tư vấn đầu tư và quản lý tài sản FIDT
Ông Ngô Thành Huấn, Giám đốc điều hành công ty Tư vấn đầu tư và quản lý tài sản FIDT
Theo ông Huấn, dư địa phát triển của các quỹ bảo hiểm và quỹ hưu trí tự nguyện tại Việt Nam còn rất lớn. Tuy nhiên, để có thể thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc phát triển các quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện và các quỹ từ công ty bảo hiểm, cần gia tăng sự hỗ trợ từ chính sách thuế khi mức hỗ trợ hiện tại không đủ cho sự tham gia trước hết là của các tầng lớp trung lưu, sau đó là các tầng lớp khác trong xã hội.
Bên cạnh đó, cần phát triển ngành hoạch định tài chính cá nhân một cách bài bản bởi mỗi chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân là một bác sĩ tài chính.
Không kém phần quan trọng là cần tăng cường phổ cập kiến thức về quản lý tài chính cá nhân, từ đó người dân mới nhận thức được rõ tầm quan trọng của các quỹ bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện trong bức tranh tài chính tổng thể và dài hạn, ông Huấn nhận định.
Chia sẻ về vấn đề nâng cao năng lực quản lý tài chính cá nhân, ông Ngô Thành Huấn nhận định, do nhận thức về tài chính cá nhân cao hơn, nên tại thị trường nước ngoài, có nhiều tài khoản giao dịch hơn.
Ông Huấn cũng nói thêm, trong quãng thời gian trước, tại Việt Nam chưa đặt sự quan tâm tới việc giáo dục tài chính cá nhân, nhưng hiện tại, Chính phủ đã có những động thái rất rõ ràng về lĩnh vực này.
Sách giáo khoa cho học sinh đã có những nội dung về quản lý tài chính cá nhân, các tổ chức, ngân hàng có những hội thảo và chương trình liên quan tới vấn đề này. Do đó, theo ông Huấn, đi cùng với bức tranh phát triển kinh tế, việc nâng cao ý thức người dân cũng góp phần tô điểm cho tác phẩm này thêm rực rỡ.
Nói thêm về giáo dục tài chính cá nhân, ông Phạm Lưu Hưng từ Công ty cổ phần chứng khoán SSI cho biết, việc giáo dục tài chính cá nhân cần được lặp đi lặp lại để các bạn trẻ, sinh viên ngày nay thực sự hiểu, có thể thực hành về vấn đề này, chứ không thể chỉ mở ra những chương trình ngắn hạn. Bởi lẽ, những chương trình ngắn hạn và thiên về lý thuyết có thể khiến những người trẻ hiểu nhanh và quên nhanh, nhưng lại bối rối khi thực hành…

Ngày xuất bản: 30/12/2024
Chỉ đạo: KIM PHƯƠNG BÌNH
Thực hiện: HỒNG GIANG BÁCH
Trình bày: MINH ĐỨC