Trong những năm gần đây, thiên tai đang ngày càng có xu hướng cực đoan, bất thường và khó dự đoán hơn. Làm thế nào để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại, phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc trao đổi với Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Trần Quang Hoài về vấn đề này.

Phóng viên: Thưa đồng chí Tổng cục trưởng, trong những năm gần đây, các cơ quan chức năng đều nhận định thiên tai đang ngày càng có xu hướng cực đoan, bất thường và khó dự đoán hơn?

Tổng cục trưởng Trần Quang Hoài: Đúng vậy, qua theo dõi thực tế trong những năm qua cho thấy,  thiên tai đang ngày càng có xu hướng cực đoan, bất thường và khó dự đoán hơn. rõ nhất là năm 2020, thiên tai diễn ra cực đoan, khốc liệt trên nhiều khía cạnh, từ hạn hán, xâm nhập mặn, đến mưa, bão... gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng.

Người dân xã Hải quế, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị dầm mưa đắp đê để bảo vệ diện tích lúa đang kỳ trổ bông, bị ngập úng, ngã đổ do mưa lũ. (Ảnh: Thanh Thủy)

Người dân xã Hải quế, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị dầm mưa đắp đê để bảo vệ diện tích lúa đang kỳ trổ bông, bị ngập úng, ngã đổ do mưa lũ. (Ảnh: Thanh Thủy)

Thiên tai năm 2021 không diễn ra khốc liệt, dị thường như năm 2020 nhưng vẫn diễn biến phức tạp, bên cạnh đó là hậu quả nghiêm trọng của đợt mưa lũ lịch sử năm 2020, nhiều khu vực chưa được phục hồi. Đây cũng là năm dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động phòng, chống thiên tai.

Diện tích lúa đang trong giai đoạn làm đòng bị ngập sâu trong nước lũ ở xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. (Ảnh: Đỗ Trưởng)

Diện tích lúa đang trong giai đoạn làm đòng bị ngập sâu trong nước lũ ở xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. (Ảnh: Đỗ Trưởng)

Trong năm đã xảy ra 18 trong tổng số 22 loại hình thiên tai, trong đó có 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới; 326 trận dông, lốc, mưa lớn; 170 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất; 139 trận động đất; 403 điểm/572km sạt lở đặc biệt nguy hiểm, nhất là ở khu vực ven biển miền trung và đồng bằng sông Cửu Long. Thiên tai năm qua đã làm 108 người chết, mất tích; 95 người bị thương, thiệt hại về kinh tế hơn 5.200 tỷ đồng.

Có thể nói, thiên tai bất thường đã trở thành chuyện bình thường, có thể xảy ra bất cứ lúc nào và chúng ta cần chủ động phòng, chống thiên tai bất thường trong tâm thế bình thường mới.

Phóng viên:  Tình hình thiên tai từ đầu năm đến nay có phải cũng đang diễn ra theo xu hướng đó?

Tổng cục trưởng Trần Quang Hoài:  Đến thời điểm này, mặc dù chưa bước vào mùa mưa bão nhưng có thể thấy, thiên tai phức tạp, dị thường đã xuất hiện ngay trong những tháng đầu năm, điển hình như đợt rét đậm, rét hại kéo dài từ ngày 19 đến 24/2 tại các tỉnh miền bắc đã khiến nhiệt độ giảm sâu, nhiều nơi nhiệt độ  xuống dưới 0 độ C.

Đây là đợt không khí lạnh mạnh nhất trong 40 năm so cùng thời kỳ, nhiều khu vực núi cao xuất hiện băng giá như: Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Phia Oắc (Cao Bằng), Xín Cái (Hà Giang), Ô Quy Hồ (Lào Cai). Rét đậm, rét hại đã gây nhiều thiệt hại, nhất là về gia súc. Đã có 7.906 con gia súc bị chết, trong đó hai địa phương bị thiệt hại nhiều nhất là Nghệ An 2.185 con, Sơn La 1.987 con.

Đặc biệt là đợt mưa lũ lớn, ngay giữa mùa khô, kèm theo dông lốc, sóng lớn từ ngày 30/3 đến 2/4 vừa qua tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa là một dạng thiên tai rất bất thường, trái quy luật. Tổng lượng mưa từ 200 đến 600mm, trong đó, có nơi mưa đặc biệt lớn như: Khe Tre (Thừa Thiên Huế): 835mm (là đợt mưa là kỷ lục trong 60 năm so cùng thời kỳ).

Phóng viên: Được biết, ngay trong những ngày mưa, lũ, Tổng cục trưởng cùng các đồng chí lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đi thị sát, chỉ đạo công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, đồng chí có thể cho biết rõ hơn về đợt mưa lũ dị thường này?

Tổng cục trưởng Trần Quang Hoài: Đợt mưa lũ vừa rồi đúng là hết sức dị thường. Mưa lớn đã gây ra một đợt lũ BĐ1-BĐ2 trên các sông trong khu vực, riêng sông Bồ (Thừa Thiên Huế) lên trên BĐ2 và ngập lụt trên diện rộng ở nhiều địa phương, trong đó một số khu vực ngập sâu 1-1,5m như: Triệu Phong, Hải Lăng (Quảng Trị); Phú Vang, Hương Điền, Quảng Điền, Phong Điền (Thừa Thiên Huế) và một số quận, huyện của thành phố Đà Nẵng.

Khu vực ven biển từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa đã xảy ra dông lốc, sóng lớn và gió giật mạnh, đặc biệt là lốc xoáy mạnh tại Tuy An (Phú Yên), Nhơn Lý (Bình Định) làm hàng nghìn tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng. Đến nay, qua thống kê, tổng thiệt hại đợt mưa lũ vừa qua ước tính lên tới 2.300 tỷ đồng,  gần bằng một nửa thiệt hại về kinh tế do thiên tai gây ra năm 2021.

Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai kiểm tra tình hình lũ lụt tại Thừa Thiên Huế.

Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai kiểm tra tình hình lũ lụt tại Thừa Thiên Huế.

Sáng 5/9/2018, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai do Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả tại Mường Lát (Thanh Hóa).

Sáng 5/9/2018, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai do Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả tại Mường Lát (Thanh Hóa).

Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài cùng lãnh đạo tỉnh kiểm tra tình hình mưa lũ tại huyện Hải Lăng (Quảng Trị). (Ảnh: TN)

Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài cùng lãnh đạo tỉnh kiểm tra tình hình mưa lũ tại huyện Hải Lăng (Quảng Trị). (Ảnh: TN)

Item 1 of 5

Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai kiểm tra tình hình lũ lụt tại Thừa Thiên Huế.

Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai kiểm tra tình hình lũ lụt tại Thừa Thiên Huế.

Sáng 5/9/2018, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai do Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả tại Mường Lát (Thanh Hóa).

Sáng 5/9/2018, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai do Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả tại Mường Lát (Thanh Hóa).

Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài cùng lãnh đạo tỉnh kiểm tra tình hình mưa lũ tại huyện Hải Lăng (Quảng Trị). (Ảnh: TN)

Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài cùng lãnh đạo tỉnh kiểm tra tình hình mưa lũ tại huyện Hải Lăng (Quảng Trị). (Ảnh: TN)

Phóng viên: Có thể rút ra điều gì từ việc ứng phó với đợt thiên ta bất thường vừa qua tại miền trung, thưa Tổng cục trưởng?

Tổng cục trưởng Trần Quang Hoài: Rút kinh nghiệm từ đợt mưa lũ bất thường tại các tỉnh Trung Bộ vừa qua cho thấy, công tác phòng chống, ứng phó với thiên ta cần có tầm nhìn xa hơn.

Chẳng hạn, tại sao lại có nhiều lồng bè nuôi thủy sản bị thiệt hại, hư hỏng như vậy? Có phải chỉ do gió quá mạnh hay còn là vấn đề thiết kế, vật liệu...? Tại sao chúng ta không thiết kế những lồng nuôi hình tròn để giảm sức tác động của sóng, gió. Ngoài ra, cần hướng dẫn người dân nuôi trồng thủy sản ở chỗ nào, có thể bảo vệ được không. Chỗ nào bảo vệ được thì hỗ trợ, khuyến khích nuôi, chỗ nào không bảo vệ được thì phải làm thế nào, cần khuyến cáo người dân. Công tác quy hoạch nuôi trồng thủy sản cần được chú trọng hơn, để vừa bảo vệ được môi trường, phù hợp phát triển tổng thể, vừa tránh được thiệt hại khi xảy ra thiên tai.

Hoặc một số vấn đề khác cũng cần phải nhìn xa hơn, như chỗ nào đắp được đê bao, bờ bao, hệ thống tiêu từ kênh mương, hồ chứa để cắt lũ, nhưng phải nằm trong điều kiện phù hợp bài toán kinh tế của địa phương, không cố xây bằng mọi giá. Mặt khác, các bộ, ngành liên quan cần phối hợp chặt chẽ khi triển khai xây dựng các công trình phục vụ kinh tế-xã hội  để không ảnh hưởng đến công tác phòng chống thiên tai,  giảm thiệt hại do thiên tai gây ra. Cụ thể như các tuyến giao thông, nhất là các tuyến đường cao tốc đang xây dựng, cũng phải tính toán để không  cản trở lũ, bảo đảm đủ khẩu độ thoát lũ...

Phóng viên: Trước những diễn biến bất thường và bất ngờ của thiên tai, có vẻ như công tác dự báo của chúng ta vẫn chưa theo kịp?

Tổng cục trưởng Trần Quang Hoài: Có thể khẳng định rằng, chìa khóa để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra là phải làm tốt công tác dự báo. Với tình hình thiên tai ngày càng có xu hướng cực đoan, bất thường và khó dự đoán hơn, vai trò của các cơ quan dự báo hết sức quan trọng với yêu cầu phải dự báo, nhận định được thiên tai từ sớm nhất có thể.

Trong những năm vừa qua, công tác dự báo đã có nhiều tiến bộ, tuy nhiên, còn bộc lộ nhiều vấn đề về công tác dự báo. Ngoài ra, các cơ quan khác của bộ, ngành và Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai cần phải nỗ lực hơn nữa, nhất là Ban Chỉ đạo quốc gia cần nhận định được những điều bất thường của thiên tai để chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương và hướng dẫn người dân sẵn sàng, chủ động ứng phó.

Phóng viên: Cùng với việc làm tốt công tác dự báo để cảnh báo sớm nhất cho người dân, công tác phòng, chống thiên tai cần phải làm gì để thích ứng với thiên tai ngày càng bất thường, thậm chí dị thường, thưa Tổng cục trưởng?

Tổng cục trưởng Trần Quang Hoài: Một lần nữa khẳng định, dự báo sớm, chính xác, cụ thể là chìa khóa giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. Thời gian qua, công tác dự báo, cảnh báo đã tăng thời hạn dự báo bão lên đến 120 giờ (5 ngày), áp thấp nhiệt đới lên 72 giờ (3 ngày); ban hành bản tin sớm hơn từ 30 phút đến 1 giờ để các cơ quan phòng, chống thiên tai và người dân có thêm thời gian ứng phó thiên tai.

Mặt khác, các bộ, ngành liên quan và địa phương đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ theo hướng sản xuất thích ứng với thiên tai, nhất là giảm diện tích trồng lúa tại đồng bằng sông Cửu Long hoặc thu hẹp diện tích lúa vụ 3 tại các tỉnh miền trung, nhờ đó đã hạn chế ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn và lũ lụt.

Thêm vào đó, khả năng chống chịu của công trình hạ tầng, nhà ở an toàn vùng thiên tai đã được nâng cao.

Thời gian qua, công tác phòng, chống thiên tai đã được chuyển dịch mạnh mẽ từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa. Theo đó, nội dung phòng, chống thiên tai được lồng ghép vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, các chương trình, dự án đầu tư của các bộ, ngành địa phương, nhất là các dự án phát triển hạ tầng cơ sở, giao thông, khu đô thị mới, khu dân cư tập trung tránh làm gia tăng rủi ro thiên tai. Hoàn thiện quy hoạch phòng chống thiên tai, thủy lợi, thủy điện nhằm tăng cường năng lực cắt lũ cho các hồ chứa, bảo đảm nguồn nước cho tưới tiêu; điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, đặc biệt là quy hoạch bố trí, sắp xếp dân cư vùng thiên tai. Phát triển diện tích, nâng cao chất lượng rừng phòng hộ đầu nguồn và ven biển.

Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã bố trí kinh phí nâng cấp, sửa chữa, bảo đảm an toàn cho 200 trọng điểm đê, kè từ cấp III đến cấp đặc biệt và gần 7.000 hồ chứa thủy lợi, thủy điện. Bàn giao 4.000 căn nhà an toàn chống chịu bão, lũ thông qua dự án Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu.

Băng giá bao phủ khu vực Cổng trời, đỉnh đèo Ô Quý Hồ (Tam Đường, Lai Châu), ngày 23/2/2022. (Ảnh: Quý Trung)

Nhiều tuyến đường tại huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế ngập sâu, giao thông bị chia cắt. (Ảnh: Đỗ Trưởng)

Ngư dân xã An Hòa Hải, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên trục vớt tàu bị sóng đánh chìm lên bờ để sửa chữa. (Ảnh: Xuân Triệu)

Phóng viên: Để công tác phòng, chống thiên tai đạt hiệu quả cao, một trong những điều kiện quan trọng là phải có sự vào cuộc của cả hệ thông chính trị và sự tham gia tích cực, chủ động của cả cộng đồng. Để làm được điều này, cần xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống thiên tai hoàn thiện, đầy đủ. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống thiên tai của chúng ta hiện nay đã hoàn thiện chưa, thưa Tổng cục trưởng?

Tổng cục trưởng Trần Quang Hoài: Thời gian qua, công tác hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống thiên tai được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Chính phủ và các bộ, ngành chức năng đã xây dựng và ban hành 5 Nghị định, 2 Quyết định, 3 Thông tư hướng dẫn nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Phòng, chống thiên tai như: Cụ thể hóa một số quy định trong công tác phòng, chống thiên tai nhằm đẩy nhanh tiến độ khắc phục hậu quả sau thiên tai; ban hành chế độ, chính sách đối với lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã;  ban hành các quy định cụ thể về Quỹ phòng chống thiên tai; tiếp nhận và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai để huy động nguồn lực trong nước và quốc tế cũng như quy định bài bản hơn trong việc tổ chức cứu trợ, hỗ trợ...

Có thể nói, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống thiên tai của chúng ta hiện nay đã tương đối đầy đủ. Vấn đề còn lại là thực thi một cách đồng bộ, kiên quyết để huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thông chính trị, cộng đồng trong công tác phòng, chống thiên tai.

Để chủ động phòng, chống thiên tai ngay từ đầu, cần nâng cao năng lực của lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã. Trong hai năm vừa qua đã xây dựng được 95% lực lượng xung kích cấp xã. Lực lượng này đã phát huy tốt phương châm "bốn tại chỗ". Thời gian vừa qua, khi có thiên tai, lực lượng xung kích cấp xã đã giải quyết rất kịp thời, hiệu quả công tác khắc phục hậu quả thiên tai tại địa phương mình.

Phóng viên: Mùa thiên tai năm 2022 đã đến, vậy những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới cũng như lâu dài, nhằm giảm thiệt hại do thiên tai gây ra như thế nào thưa Tổng cục trưởng?

Tổng cục trưởng Trần Quang Hoài.

Tổng cục trưởng Trần Quang Hoài.

Tổng cục trưởng Trần Quang Hoài: Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng-Thủy văn quốc gia, năm 2022 có khả năng xuất hiện bão mạnh trái quy luật, với khoảng 12 đến 14 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông, trong đó, có 4 đến 6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Lượng mưa trong năm có xu hướng gia tăng trên phạm vi toàn quốc, có khả năng cao xảy ra hiện tượng mưa cực đoan.

Để chủ động trước thiên tai, chất lượng dự báo, cảnh báo sớm, kịp thời, chính xác diễn biến thiên tai nhất là các loại hình thiên tai thường xuyên diễn ra gây thiệt hại lớn như bão, lũ, ngập lụt hạn hán, xâm nhập mặn, lũ quét, sạt lở đất đã được nâng cao một bước; đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa trong việc lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát thiên tai chuyên dùng, thiết bị giám sát hành trình tàu thuyền trên biển, trạm theo dõi mưa, mực nước, camera giám sát hồ chứa, trọng điểm đê điều. Đặc biệt, ngành đang triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển ngành khí tượng thủy văn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phóng viên: Hiện nay, nhiều công nghệ hiện đại đã được các nước trên thế giới ứng dụng trong công tác phòng, chống thiên tai. Ở nước ta, khoa học, công nghệ và các tiến bộ kỹ thuật được ứng dụng trong lĩnh vực phòng chống thiên tai như thế nào, thưa đồng chí?

Tổng cục trưởng Trần Quang Hoài: Đến giờ phải một lần nữa khẳng định rằng, thiên tai ở thời điểm hiện tại những cái bất thường đã trở thành bình thường mới.

Với một quốc gia có 22 loại hình thiên tai xảy ra trong tất cả các mùa trong năm, trong tất cả các khu vực trên cả nước, ảnh hưởng đến tất cả các đối tượng từ người sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản cho đến khai thác hầm lò, giao thông, thủy điện, thủy lợi đến cả sản xuất công nghiệp và mang tính bất ngờ. Vậy đối phó thiên tai đòi hỏi phải giám sát được thiên tai không những trên lãnh thổ Việt Nam mà còn ở ngoài lãnh thổ, để có nhận định chính xác về độ ảnh hưởng của từng loại hình thiên tai đến từng đối tượng.

Với bài toán tổng thể như vậy, cần đẩy mạnh khoa học công nghệ, tự động hóa là tất yếu. Áp dụng khoa học công nghệ để tạo các bộ cơ sở dự liệu sẽ tăng độ chính xác rong việc xác định các loại hình thiên tai đó gây hại cụ thể cho đối tượng nào. Các nước tiên tiến trên thế giới đã có các bộ phận nghiên cứu, tạo cơ sở dự liệu phục vụ công tác phòng, chống thiên tai từ rất lâu, để đưa các kịch bản thiên tai có thể xảy ra.

Cho nên, khoa học công nghệ cần được áp dụng một cách nhanh nhất, triệt để nhất, tập trung vào một số nội dung như ứng dụng công nghệ viễn thám, ảnh vệ tinh, máy bay không người lái (UAV) trong trong khai thác thông tin theo dõi, giám sát thiên tai phục vụ công tác chỉ đạo điều hành. Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ mới trong phòng ngừa, ứng phó thiên tai. Hiện đại hóa công cụ hỗ trợ trong theo dõi, phân tích thiên tai, đặc biệt là số hóa bộ cơ sở dữ liệu phòng, chống thiên tai trong số hóa toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn; ồng thời tăng cường tự động hóa việc theo dõi, giám sát an toàn hệ thống đê điều, hồ chứa, tàu thuyền và sạt lở bờ sông, bờ biển… phục vụ chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai một cách chủ động theo thời gian thực.

Phóng viên: Thế giới đang ngày càng quan tâm hơn đến việc tăng cường hợp tác để ứng phó hiệu quả với thiên tai, xin Tổng cục trưởng cho biết về chiến lược hợp tác quốc tế trong chia sẻ thông tin về phòng, chống thiên tai?

Tổng cục trưởng Trần Quang Hoài: Thiên tai là không biên giới, cho nên, các nước trên thế giới, trong khu vực đang ngày càng phải hợp tác chặt chẽ hơn trong công tác phòng, chống thiên tai. Chính vì vậy, chiến lược về lâu dài của Tổng cục Phòng, chống thiên tai là đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế trong việc nâng cao năng lực phòng ngừa thiên tai như: Nâng cao năng lực dự báo, vận hành hồ chứa và khai thác tổng hợp tài nguyên nước trên lưu vực sông Hương (Thừa Thiên Huế), do JICA Nhật Bản tài trợ.

Thời gian qua, Hải quân Mỹ đã hỗ trợ xây dựng văn phòng thường trực tại 10 tỉnh, thành phố và đang tiếp tục triển khai tại 2 tỉnh Nam Định và Thái Bình, nhằm giúp các bộ, ngành liên quan nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo trước diễn biến của thiên tai.

Phóng viên: Xin cảm ơn Tổng cục trưởng.

Chỉ đạo thực hiện: QUỐC VIỆT
Tổ chức thực hiện: XUÂN BÁCH
Nội dung: QUỐC VIỆT, TUẤN NGỌC
Trình bày: PHÙNG TRANG
Ảnh: ĐỖ TRƯỞNG, QUÝ TRUNG, XUÂN TRIỆU, THANH THỦY, TN, AP