
Ở tuổi 95, Thiếu tướng Võ Sở, nguyên Phó tư lệnh về chính trị Binh đoàn 12 chưa chịu nghỉ ngơi, vẫn dành nhiều tâm huyết với vai trò Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam nhiệm kỳ thứ 3. Ông bảo, những năm tháng gian khổ, ác liệt tại Trường Sơn đã tôi luyện nên một Võ Sở như ngày hôm nay, vẫn còn đủ sức khỏe để tiếp tục sứ mệnh là cầu nối truyền thống-nghĩa tình của các chiến sĩ đường Trường Sơn năm nào. Trong căn nhà ở phố Vĩnh Hồ, Thiếu tướng Võ Sở chậm rãi “tua” những thước phim về chặng đường 11 năm lịch sử mà ông tham gia nhiệm vụ quan trọng thông đường Trường Sơn, bảo đảm an toàn cho tuyến vận tải chi viện từ bắc vào nam.

“Trường Sơn khói lửa
Trường Sơn huyền thoại
Trường Sơn anh hùng
Khắc ghi tâm khảm…”
Đây là những câu thơ được ông nhắc nhiều lần trong tuyển tập thơ “Đời chiến sĩ” của mình, xuất bản 2 năm trước, khi ông ở tuổi 93. Thơ của ông chỉ 4 chữ, chân thực tới từng chữ, ghi lại những dấu mốc trong cuộc đời xông pha chiến trận của mình, với những địa danh đã đi vào lịch sử, những tuyến đường vận tải bị địch đánh phá ác liệt, cả về nỗi nhớ quê hương và thương tiếc hình bóng những đồng đội đã ngã xuống…
Cuộc đời binh nghiệp của ông dài tới 47 năm, trải từ chiến tranh chống Pháp, sang chống Mỹ, cho tới khi xây dựng lực lượng trong thời bình. Nhưng khoảng thời gian mà ông can trường, quyết liệt, mưu trí và có những quyết định táo bạo nhất, có lẽ, nằm ở đường Trường Sơn đầy khói bom. Trong suốt giai đoạn 11 năm chiến đấu tại đây, ông được phân công làm Trưởng phòng Tổ chức, Chính ủy Binh trạm, rồi Phó chủ nhiệm Chính trị Đoàn 559.
Lặng người một lúc, ông chậm rãi kể về cuộc đời binh nghiệp của mình ở đường Trường Sơn. Đó là thời điểm năm 1959, cách mạng miền Nam đứng trước một bước ngoặt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đòi hỏi Đảng phải có quyết sách kịp thời. Tháng 1/1959, Hội nghị Trung ương lần thứ 15 đã đề ra nhiệm vụ nhanh chóng mở đường vận chuyển chi viện chiến lược cho các chiến trường.
Sau một thời gian gấp rút chuẩn bị, ngày 19/5/1959, Thường trực Tổng Quân ủy chính thức giao nhiệm vụ cho “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” làm nhiệm vụ mở đường vận chuyển hàng quân sự vào miền nam, tổ chức đưa đón bộ đội, chuyển công văn, tài liệu từ miền bắc vào miền nam và ngược lại. Con đường được mang tên đường Hồ Chí Minh - đường Trường Sơn (đường 559) với nhiệm vụ rất đặc biệt và khẩn trương. Đồng chí Võ Bẩm được giao nhiệm vụ tổ chức và phụ trách Đoàn 559.
Lực lượng Thanh niên xung phong Trị Thiên mở đường Trường Sơn, nối liền hệ thống giao thông liên tỉnh phục vụ sản xuất và đời sống vùng giải phóng. (Ảnh: TTXVN)
Lực lượng Thanh niên xung phong Trị Thiên mở đường Trường Sơn, nối liền hệ thống giao thông liên tỉnh phục vụ sản xuất và đời sống vùng giải phóng. (Ảnh: TTXVN)
Năm 1964, ông Võ Sở được cấp trên điều vào Trường Sơn thực hiện nhiệm vụ mới. Ông đi với một tâm thế đau đáu muốn trở về chiến đấu giải phóng quê hương Quảng Ngãi của mình. Giai đoạn này, Binh đoàn 559 bắt đầu chuyển từ phương thức gùi thồ sang vận chuyển bằng cơ giới và cũng là lúc cuộc chiến đấu trên dãy Trường Sơn hùng vĩ bước vào giai đoạn quyết liệt nhất. Binh đoàn có nhiệm vụ mở đường ô-tô để chở được súng đạn, lương thực. Con đường phía tây Trường Sơn được lệnh gấp rút hoàn thành, dù phải đối mặt với một tình thế gian khó là nhiều dãy núi cao hiểm trở, khí hậu vô cùng khắc nghiệt.
Giai đoạn này, Mỹ ngày càng đánh phá ác liệt để ngăn chặn chi viện, hòng chặt đứt con đường tiếp tế của miền bắc cho miền nam. Mỹ có 3 sân bay quân sự nằm sát cánh rừng Trường Sơn, B52 quần thảo gầm rú trên bầu trời ngày đêm, trút hàng tấn bom đạn xuống khu rừng già.
Chuyển hàng ra tiền tuyến qua "cầu khỉ" trên tuyến đường Trường Sơn (đoạn qua tỉnh Quảng Bình) trong những ngày mới mở đường. (Ảnh: Hữu Ngôi/TTXVN)
Chuyển hàng ra tiền tuyến qua "cầu khỉ" trên tuyến đường Trường Sơn (đoạn qua tỉnh Quảng Bình) trong những ngày mới mở đường. (Ảnh: Hữu Ngôi/TTXVN)
Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, đường Trường Sơn đã hứng 4 triệu tấn bom đạn, với hơn trăm ngàn trận không kích, hơn một nghìn cuộc hành quân với các loại chiến tranh công nghệ cao như điện tử, tự động hóa, hóa học, vi trùng với các loại vũ khí như bom laser, cây nhiệt đới, bom từ trường, máy phát hiện mục tiêu khuếch đại ánh sáng mờ, tia hồng ngoại.
Thế nhưng, mặc bom trút xuống ác liệt, dưới mặt đất, bộ đội, thanh niên xung phong, bộ binh vẫn lặng lẽ, âm thầm đào từng mét đường với khẩu hiệu: “Ở không nhà, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”, bất chấp đạn bom, bất chấp những đợt sốt rét rừng để nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ thông tuyến đường vận tải.
Sau một thời gian nghiên cứu tình hình chiến trường, từng bước mở đường, Đoàn công tác đã tổ chức đưa được vũ khí, lương thực, thực phẩm và nhiều quân trang, quân dụng chi viện cho mặt trận.
Bộ đội Trường Sơn mang trên vai trách nhiệm mà Đảng, nhân dân và Quân đội giao cho, với tâm nguyện tất cả vì miền nam ruột thịt, quyết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh để làm tròn nhiệm vụ. Bộ đội Trường Sơn chiến đấu với “Binh chủng hợp thành” gồm đủ các lực lượng: Vận tải, Công binh, Cao xạ, Bộ binh, Xăng dầu, Thông tin, Giao liên..., tất cả đều hừng hực chung một ý chí quyết tâm “Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”. Để cho tuyến chi viện chiến lược không một ngày ngừng nghỉ, tất cả đã cùng nhau bám trụ, chiến đấu kiên cường, chống lại sự đánh phá, ngăn chặn khốc liệt của Mỹ - ngụy với đủ loại vũ khí, trang thiết bị quân sự hiện đại nhất thế giới lúc bấy giờ.

Nhớ lại thành quả của các lực lượng tham gia mở đường bấy giờ, Thiếu tướng Võ Sở tâm sự: “Bản thân tôi được tham gia trực tiếp ở chiến trường này ở nhiều vị trí thì tôi hiểu, việc xây dựng tuyến đường Trường Sơn vào tháng 5/1959 rất có giá trị. Con đường này phải bảo đảm được vừa bí mật, vừa công khai, vừa có quy mô từ nhỏ đến lớn. Đặc biệt sau này, quy mô của đường Trường Sơn lên đến trên 20 nghìn km, với 5 trục dọc và 21 trục ngang giữa Việt Nam-Lào, các chiến trường Đông Bộ, Nam Bộ, từ đông sang tây...
Sau ngày miền nam hoàn toàn giải phóng, chúng tôi có thu được một cuốn sách của Mỹ, họ viết đường Hồ Chí Minh là thành tựu kiến trúc quân sự vĩ đại nhất thế kỷ 20 và được phía Mỹ coi là một trận đồ bát quái. Nếu không có con đường Hồ Chí Minh, chúng ta sẽ không thể làm nên những chiến thắng kỳ tích trong cuộc chiến này”.
Đặc biệt, trên tuyến đường trọng điểm nối bắc nam này, ngoài vận chuyển vũ khí, lương thực, lực lượng chiến đấu, chúng ta còn xây dựng được hệ thống đường ống xăng dầu dài khoảng 1.400km và mở rộng tới gần 5.000km để phục vụ kịp thời cho các đoàn xe vận tải. Đây là một trong những yếu tố góp phần làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Tổng kết lại những năm tháng làm nên chiến thắng lịch sử của dân tộc, Thiếu tưởng Võ Sở khẳng định: “Sức mạnh làm nên thắng lợi của cuộc chiến chống Mỹ là sức mạnh của cả dân tộc. Trong suốt 11 năm ấy, đơn vị chúng tôi có 2 tiểu đoàn công binh, 2 tiểu đoàn cao xạ, 2 tiểu đoàn xe, một đại đội bộ binh chống phỉ, 2 trạm xá và 1 tiểu đoàn giao liên để làm nhiệm vụ thông suốt trên một quãng đường dài 150km, rộng 50km”.
Trong đó, đội công binh vừa mở đường, vừa bảo đảm giao thông thông suốt toàn tuyến phục vụ đoàn xe vận tải; những chiến sĩ bộ đội phòng không luôn sẵn tinh thần quyết bắn rơi máy bay Mỹ với khẩu hiệu: “Vít đầu máy bay Mỹ xuống mà đánh”.
Xe vận tải của các trung đoàn được nâng dần tải trọng từ xe 2 tấn lên xe 5 tấn để chở được nhiều súng đạn, lương thực hơn. Hệ thống thông tin liên lạc được bảo đảm, kết nối với Bộ Tổng tham mưu ở miền nam, miền bắc. Nhờ đó, các đồng chí ở Sở chỉ huy có thể nắm được xe đi qua điểm nào, để điều phối tuyến đường đi kịp thời, an toàn cho các đơn vị.

Những chiếc cầu bằng cây ghép vượt qua những mỏm đá tai mèo do những chiến sĩ công binh Quân khu 4 ngày đêm xây dựng làm đường hành quân. Những ngày đầu tiên khai phá đường Trường Sơn, bộ đội ta đã bí mật vạch tuyến đi qua những vùng núi hiểm trở, cheo leo với khẩu hiệu “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”. (Ảnh: TTXVN)
Những chiếc cầu bằng cây ghép vượt qua những mỏm đá tai mèo do những chiến sĩ công binh Quân khu 4 ngày đêm xây dựng làm đường hành quân. Những ngày đầu tiên khai phá đường Trường Sơn, bộ đội ta đã bí mật vạch tuyến đi qua những vùng núi hiểm trở, cheo leo với khẩu hiệu “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”. (Ảnh: TTXVN)
Cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn 2 công binh ngày đêm dũng cảm bám sát mặt đường đảm bảo giao thông thường xuyên thông suốt (1968). (Ảnh: Nghĩa Dũng/TTXVN)
Cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn 2 công binh ngày đêm dũng cảm bám sát mặt đường đảm bảo giao thông thường xuyên thông suốt (1968). (Ảnh: Nghĩa Dũng/TTXVN)
Với nhiệm vụ chỉ đạo trực tiếp trên tuyến đường Trường Sơn trên cương vị Trưởng phòng Tổ chức, Chính ủy Binh trạm, rồi Phó chủ nhiệm Chính trị Đoàn 559, Thiếu tướng Võ Sở cho biết, ông luôn sẵn sàng tinh thần 4 trực tiếp: Trực tiếp nhận nhiệm vụ, giao nhiệm vụ, chiến đấu, thông báo kết quả và rút kinh nghiệm.
Trong căn nhà ấm cúng ở khu Tập thể Binh đoàn 12, phố Vĩnh Hồ, lật dở từng trang thơ, ông bảo, có lúc, ông nghĩ mình đã nằm lại ở chiến trường Trường Sơn.
Ông kể, tháng 10/1968, khi làm Chính ủy binh trạm 31, địch ngày càng đánh phá ác liệt. Trên đoạn đường gần cửa khẩu vượt rừng dài 10km với 2 bên là vách núi, dưới là sông, binh trạm của ông có nhiệm vụ bố trí tiểu đoàn công binh cùng với 4 đại đội được bổ sung từ quân khu 4, dùng cuốc xẻng phá đá vùi lấp dòng sông mở đường.
“Mỗi đại đội được bố trí 10 ngày chiến đấu và sau đó rút ra để điều chỉnh quân số. Nhưng đau thương ở chỗ, mỗi lần rút ra, mỗi đại đội có tới 1/3 cán bộ, chiến sĩ hy sinh. Chiến tranh ác liệt quá”, ông nghẹn giọng.
Hơn 1 tháng không cách gì đi lại được trên tuyến đường này, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn (giai đoạn 1967-1975) gọi điện cho Thiếu tướng Võ Sở hỏi vì sao đường nào cũng tắc, nếu tắc thế này, xe không qua được rất gay go. Trung tướng hỏi: “Anh làm được không, nếu không, tôi thay người khác”.
Thiếu tướng Võ Sở trả lời chắc nịch: “Địch đánh phá rất ác liệt, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức. Việc thay người tùy Tư lệnh”.
Sau này, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên nói lại với ông: “Lúc ấy tôi bức bách quá nên nói thế, các đồng chí phải hết sức cố gắng”. Phải gần một tháng sau đó, con đường này mới được khai thông.
Ở Trường Sơn, không một ngày nào là không có tiếng bom đạn; từng cung đường, trọng điểm, từng vạt rừng, bờ suối bị cày xới bởi hàng triệu tấn bom đạn, hàng chục triệu lít chất độc hóa học. Ở đó, đất đá trộn lẫn gang thép, thấm đẫm mồ hôi và máu của những người lính Trường Sơn quả cảm. Mỹ - ngụy đã lấy sức mạnh quân sự khủng khiếp hòng hủy diệt sức sống Trường Sơn, bóp nghẹt tuyến chi viện của ta, nhưng chúng đâu ngờ rằng, bom đạn, chết chóc chỉ làm cho những chiến sĩ Trường Sơn ý chí thêm vững vàng, tinh thần thêm sắt đá, quyết giữ vững tuyến vận tải chiến lược, cùng đồng bào và chiến sĩ miền nam “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, thỏa lòng mong đợi của Bác Hồ kính yêu và nhân dân cả nước.

Trong 11 năm ở Trường Sơn, đã có nhiều phen ông tưởng mình không còn cơ hội về với quê mẹ. Đó là khoảng thời gian khi ông làm Chính ủy Sư đoàn 471, thực hiện nhiệm vụ ở vùng ác liệt nhất, tiếp giáp chiến trường miền nam. Sau khi làm việc với Bộ Tư lệnh, xe chạy về đơn vị bị địch phát hiện đuổi đánh. Chiếc xe đi trước an toàn, nhưng xe sau của ông bị trúng bom sạt qua đằng đuôi gây xẹp lốp, ông bị thương ở chân.
Bằng sự nhạy cảm với cách đánh của địch và sự chỉ huy quyết liệt, Thiếu tướng Võ Sở quả quyết: “Đường khó nhưng vẫn phải đi, nếu không địch sẽ đánh sau lưng. Đồng chí phải chạy nhanh về phía trước”, ông nói với đồng đội của mình.
Bộ đội Trường Sơn vận chuyển bộ đội, vũ khí lương thực, thực phẩm từ miền Bắc tiến về Sài Gòn. Ảnh: TTXVN phát
Bộ đội Trường Sơn vận chuyển bộ đội, vũ khí lương thực, thực phẩm từ miền Bắc tiến về Sài Gòn. Ảnh: TTXVN phát
Có đợt, ông bị sốt rét ác tính, nằm hôn mê đúng một tháng trời, đồng đội đã tưởng ông không qua khỏi. Thế nhưng bằng một phép màu thần kỳ, ông đã tỉnh lại sau gần 30 ngày nằm mê man. “Tôi cũng không biết sức mạnh nào giúp tôi có thể vực dậy như vậy”, Thiếu tướng Võ Sở trầm tư nói.
Sau nhiều phen thoát chết thần kỳ, ngày được đặt chân về đất mẹ Quảng Ngãi, gặp mẹ già và chị gái sau 20 năm xa cách, càng trở thành một dấu mốc lớn trong đời của ông.
Ông kể, tháng 3/1975, thực hiện nhiệm vụ hành quân theo Đường 14 tiến vào Lộc Ninh, Đồng Xoài với nhiệm vụ là Phó Chủ nhiệm Chính trị Binh trạm 12, thành viên của Bộ Tư lệnh Tiền phương, ông xin phép về quê nhà ở Quảng Ngãi. Bước chân tới cửa nhà, nhìn ngôi nhà tranh xơ xác, thấy mẹ và chị gái, ông rớt nước mắt. Bao năm chiến đấu, còn có ngày trở về như thế này, với ông đó là điều may mắn lớn nhất.
Gặp mẹ vội vàng, rồi ông lại lên đường ngay cùng bộ phận tiền phương của Bộ Tư lệnh Trường Sơn tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, đi cùng đơn vị vào đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu và Tổng nha Cảnh sát ngụy trong ngày chiến thắng 30/4/1975.
“Chúng ta có 3 quân đoàn tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh và ban đầu chúng tôi xác định ít nhất phải mất 3 tháng mới đưa được 3 quân đoàn vào, nhưng cuối cùng, chúng ta chỉ mất 20 ngày đã hoàn thành nhiệm vụ, đưa quân đoàn vượt qua được đoạn đường bị đánh phá ác liệt nhất”, Thiếu tướng Võ Sở tự hào nói.
Thiếu tướng Võ Sở cùng Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, ông Nguyễn Sỹ Hưng - con trai của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên giao lưu trực tuyến tại trụ sở Báo Nhân Dân, ngày ngày 2/12/2024. Ảnh: THÀNH ĐẠT
Thiếu tướng Võ Sở cùng Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, ông Nguyễn Sỹ Hưng - con trai của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên giao lưu trực tuyến tại trụ sở Báo Nhân Dân, ngày ngày 2/12/2024. Ảnh: THÀNH ĐẠT
Sau giải phóng miền nam, ông ra bắc, tham gia ban lãnh đạo của Binh đoàn Trường Sơn – Binh đoàn 12, rồi trở về cơ quan cũ Cục Tổ chức với cương vị Phó Cục trưởng – Bí thư Đảng ủy. Ông tiếp tục đi học tại Trường Quân sự cấp cao và trở lại Binh đoàn 12 công tác cho đến trọn đời quân ngũ.
Hoàn thành nhiệm vụ trong quân ngũ, Thiếu tướng Võ Sở cùng đồng đội đứng ra thành lập Ban liên lạc cựu chiến binh Trường Sơn. Quy mô Ban liên lạc ngày càng được mở rộng với việc khởi xướng nhiều hoạt động tri ân, tìm kiếm đồng đội, xuất bản sách, ảnh, thơ ca, nhạc họa về con đường Trường Sơn huyền thoại và những anh hùng thời kỳ đó…
Đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày 16/5/2024 trao tặng Hội Trường Sơn Việt Nam bức trướng "Đoàn kết-Truyền thống-Nghĩa tình-Phát triển" tại lễ kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn. Ảnh: TRỌNG ĐỨC
Đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày 16/5/2024 trao tặng Hội Trường Sơn Việt Nam bức trướng "Đoàn kết-Truyền thống-Nghĩa tình-Phát triển" tại lễ kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn. Ảnh: TRỌNG ĐỨC
Ngày 13/5/2011, Thiếu tướng Võ Sở cùng hàng vạn cựu chiến binh Trường Sơn rất phấn khởi đón nhận quyết định của Bộ Nội vụ cho phép thành lập Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam. Thiếu tướng Võ Sở, nguyên Trưởng ban liên lạc được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội. Hội tập trung vào hai chương trình hoạt động lớn là truyền thống và tình nghĩa, với việc huy động các nguồn lực để xây dựng một số di tích lịch sử trên đường Hồ Chí Minh, chia sẻ, giúp đỡ đồng đội có hoàn cảnh khó khăn trên khắp mọi miền Tổ quốc.
“Cuộc đời tôi là người lính công tác ở địa phương rồi đi bộ đội, sau khi nghỉ thì tuy làm việc không chính thức nhưng cũng là người lính nên với trách nhiệm, tình cảm tất cả vì đồng đội, tôi rất muốn cùng đồng đội còn sống, hỗ trợ cho công tác tìm kiếm liệt sĩ. Trong đời mình, có 2-3 lần, anh em đã cứu tôi qua nguy hiểm. Những tình cảm ấy theo tôi mãi”, Thiếu tướng Võ Sở xúc động kể.
Những ngày này, Thiếu tướng Võ Sở bận rộn với công việc là Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh tham gia nhiều các chương trình hướng tới Kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông giơ 3 ngón tay bảo: “Tôi đã làm nhiệm kỳ thứ 3 rồi đấy. Còn sức khỏe là còn làm tiếp”. Tinh thần cống hiến ấy, là tinh thần của một người lính Cụ Hồ mà ông tổng kết trong những vần thơ cuối tập thơ “Đời chiến sĩ”:
“Cho dù sức yếu
Vẫn quyết không ngừng
Đấu tranh vì Đảng
Làm việc vì tình
Là nghĩa của dân
Tình thương đồng đội…”
Ngày xuất bản: 24/12/2024
Tổ chức thực hiện: HỮU VIỆT - HỒNG MINH
Nội dung: THẢO LÊ - THIÊN LAM
Ảnh: BÁO NHÂN DÂN; TTXVN
Trình bày: BẢO MINH
